“Khánh Hòa có nhiều tiềm năng, lợi thế vượt trội so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trung ương đã ban hành đầy đủ những chính sách ưu tiên cho tỉnh tăng tốc phát triển. Đòi hỏi phải hành động mạnh mẽ, theo mục tiêu chính Bộ Chính trị giao cho Khánh Hòa, đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” - đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đã dành cho báo Biên phòng cuộc trao đổi để cởi mở về vấn đề này.
CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ
- Thời gian xảy ra dịch Covid-19, tỉnh Khánh Hòa đã tăng trưởng âm, bởi vì quá phụ thuộc vào du lịch, dịch vụ. Khánh Hòa đã chuyển đổi, cơ cấu lại nền kinh tế như thế nào?.
Năm 2022, tăng trưởng GRDP của tỉnh Khánh Hòa ước đạt 20,7%, thu ngân sách đạt hơn 16.000 tỉ đồng. Khánh Hòa đang cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh. Lâu nay, tỉnh tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, sau hai năm dịch Covid-19 mới bộc lộ ra yếu điểm trong việc mất cân đối về cơ cấu kinh tế, dẫn đến nền kinh tế tỉnh phục hồi chậm, người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Khánh Hòa khẳng định vẫn phát triển du lịch, dịch vụ vì đây là thế mạnh, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đồng thời xác định để phát triển đột phá và bền vững, phải chú trọng phát triển công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển, giao thông kết nối quốc tế, phát triển các đô thị lớn gắn với thế mạnh kinh tế biển... Cần phải gia tăng giá trị của ngành du lịch và phát triển lĩnh vực công nghiệp để xây dựng nền tảng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tất cả đều phụ thuộc vào tầm nhìn chiến lược, các kế hoạch dài hạn và bước đi khả thi, có hiệu quả. Không thể nói trong ngày một, ngày hai sẽ mọc lên nhà máy sản xuất ngay, cũng không phải mọc lên các công trình lớn liền. Có rất nhiều việc phải làm, mỗi việc phải tính toán, từng bước đi cụ thể, từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu và nhiều công việc cụ thể khác, nhưng phải bám sát các tầm nhìn chiến lược đã đề ra.
- Trong Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vịnh Vân Phong được định hướng phát triển như thế nào?
Vịnh Vân Phong trải dài trên địa giới hành chính của huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, có Khu kinh tế Vân Phong được quy hoạch với 150.000ha, gồm 80.000ha mặt nước và 70.000ha đất liền. Các chuyên gia, tư vấn trong và ngoài nước đều xác định vịnh Vân Phong có vị trí rất đặc biệt, hội tụ đủ các yếu tố để phát triển nhiều ngành kinh tế. Vừa là vịnh nước sâu, kín gió, thuộc loại tốt nhất trên thế giới, có thể phát triển cảng trung chuyển quốc tế; vừa là vùng biển không có sông lớn đổ nước ngọt ra làm ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, cho phép phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp. Vịnh Vân Phong có mũi Đôi là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc, có nhiều đảo, đầm, bãi cát hoang sơ để phát triển du lịch biển cao cấp… Điều quan trọng là tầm nhìn, định hướng để phát triển hài hòa các ngành kinh tế, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Vịnh Vân Phong. Bên cạnh đó, cần tính toán đến lợi thế cạnh tranh trong từng ngành kinh tế của Vịnh Vân Phong với các địa điểm trong nước và cả trong khu vực để xác định ưu tiên đầu tư ở từng giai đoạn; tránh tình trạng áp đặt ý muốn chủ quan nhưng không gắn với nhu cầu, khả năng đầu tư, dẫn đến thực trạng đầu tư ở Vân Phong vẫn hạn chế nhiều năm nay.
Trong Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định phát triển đột phá 3 vùng trọng điểm, trong đó có khu vực Vịnh Vân Phong; phân định không gian phát triển phía Bắc vịnh Vân Phong là huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp, phía Nam vịnh Vân Phong là thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp.
XUẤT HIỆN CƠ HỘI MỚI
- Định hướng phát triển Vân Phong đã rõ, vậy giải pháp nào tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư đến với Vân Phong?
Thứ nhất, phải làm tốt việc điều chỉnh Quy hoạch Khu Kinh tế Vân Phong để cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Bộ Chính trị về phát triển khu vực Vịnh Vân Phong nêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TW. Phía Bắc Vân Phong ưu tiên phát triển đô thị du lịch biển, nhưng phải đầu tư cao cấp để đạt đẳng cấp thế giới, tạo sự khác biệt và tương xứng với tầm vóc của Vân Phong. Đồng thời, vẫn phải giữ quỹ đất dự trữ cho cảng trung chuyển quốc tế ở Bắc Vân Phong theo đúng quy hoạch, nhưng phân kỳ đầu tư để phù hợp với tình hình thực tế. Trước mắt, định hướng đầu tư trước bến cảng đón tàu du lịch cỡ lớn, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch. Phía Nam Vân phong đang xuất hiện thời cơ mới, tuyến đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chuẩn bị khởi công xây dựng. Tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải mở rộng tuyến đường kết nối cao tốc này xuống khu vực Nam Vân Phong, sẽ phát triển cảng tổng hợp ở khu vực Nam Vân Phong lớn hơn hiện có để phục vụ cho cả vùng Tây Nguyên. Khu vực này hiện đã có nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam, Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1, Khu công nghiệp Ninh Thủy…. Tỉnh đang quy hoạch và mời gọi đầu tư các khu công nghiệp dọc theo tuyến đường này để phát triển công nghiệp gắn với logistics.
Thứ hai, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 55/2022/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó có chính sách cho nhà đầu tư chiến lược ở Khu kinh tế Vân Phong, nhưng Nghị quyết này chỉ có hiệu lực 5 năm. Do vậy, việc cần làm là tận dụng tối đa chính sách đặc thù, phát huy được tiềm năng, lợi thế, tháo gỡ được các điểm nghẽn, rào cản từ chính sách trước đây, huy động được nguồn lực, cả đầu tư công và đầu tư tư, tạo nền tảng phát triển bền vững lâu dài. Đây chính là giải pháp rất có ý nghĩa của chính sách đặc thù của Quốc hội để phát triển Khu kinh tế Vân Phong.
- Đồng chí đã từng làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nên hiểu Tây Nguyên khá sâu. Khi làm xong đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, sẽ giúp gì cho Tây Nguyên phát triển?
Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có ý nghĩa chiến lược về nhiều mặt, cả kinh tế và quốc phòng, an ninh. Khi thông được con đường này, nó sẽ trở thành cung đường ngắn nhất, kết nối hai trung tâm vùng, từ Buôn Ma Thuột - thủ phủ của Tây Nguyên, xuống Khánh Hòa là trung tâm vùng Nam Trung Bộ. Cảng ở khu vực Nam Vân Phong sẽ trở thành “cữa ngõ” cho vùng Tây Nguyên, hàng xuất khẩu của Tây Nguyên được chuyển ra thị trường thế giới nhanh nhất. Đồng thời, hàng nhập khẩu như nguyên liệu, thiết bị, máy móc…từ cảng ở Vân Phong cũng sẽ lên Tây Nguyên dễ dàng hơn. Thực tế, trong mấy năm qua, các loại thiết bị điện gió của Tây Nguyên đều được chuyển lên từ cảng Nam Vân Phong; rồi xăng dầu, vật liệu xây dựng,… cũng từ cảng ở khu vực này chuyển lên Tây Nguyên.
Có tuyến đường cao tốc này sẽ giúp cho tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung phát triển các khu công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản để gia tăng giá trị cho hàng nông sản ở khu vực rộng lớn và đầy tiềm năng này. Đồng thời, sẽ giúp tỉnh Khánh Hòa phát triển dịch vụ logistics ở khu vực Nam Vân phong, thị xã Ninh Hòa.
HẢI LUẬN (thực hiện)