Nhằm triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về công tác hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập quốc tế về kinh tế theo Nghị quyết số 49/NQ-CP, ngày 10/7/2014 của Chính phủ "tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của tổ chức Thương mại thế giới (WTO)", trong thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế trên cơ sở bám sát đặc điểm, điều kiện cụ thể của tỉnh và đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững, đảm bảo về quốc phòng - an ninh.
Chương trình hành động triển khai Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của tỉnh Khánh Hòa (ban hành kèm theo Quyết định 1848/QĐ-UBND, ngày 29/6/2017 của UBND tỉnh) đã đề ra các mục tiêu: Mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm của tỉnh, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đô thị văn minh, có chất lượng môi trường sống tốt và là trung tâm du lịch tầm quốc tế, thu hẹp khoảng cách phát triển so với các địa phương của các nước ASEAN- 6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) về cơ sở hạ tầng kinh tế, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch và dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2020 đuổi kịp các địa phương của các nước ASEAN- 6 và đến năm 2030 vươn lên nhóm đầu các nước ASEAN trong những lĩnh vực mà tỉnh Khánh Hòa có thế mạnh như kinh tế biển, du lịch.
Trên cơ sở các mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế của tỉnh đã tích cực chỉ đạo sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nhằm đảm bảo phù hợp với chủ trương, cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, của doanh nghiệp; xây dựng, củng cố và phát triển các yếu tố của nền kinh tế thị trường một cách đồng bộ; chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, phát triển dạy nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương v.v...
Công tác hoàn thiện pháp luật và thể chế kinh tế được quan tâm thực hiện tốt, đúng quy định, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đều đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương và có nội dung đảm bảo phù hợp với các quy định trong cam kết WTO của Việt Nam. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, việc giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông (đặc biệt ở lĩnh vực đất đai, đầu tư, đăng ký kinh doanh, tài chính, bảo vệ môi trường, khoáng sản,...) đã góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, giúp doanh nghiệp và công dân được thuận lợi nhanh chóng trong giải quyết công việc. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức từ 2 đến 3 hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để giải quyết vướng mắc liên quan. Riêng năm 2017, UBND tỉnh đã chủ trì, phối hợp cùng với lãnh đạo các sở, ban, ngành, các Hội, Hiệp hội các doanh nghiệp trong tỉnh, Văn phòng đại diện VCCI và các ngân hàng thương mại tại Khánh Hòa tổ chức 03 Hội nghị (trong đó có 01 Hội nghị được tổ chức tại Khu công nghiệp Suối Dầu) để tiếp tục giải quyết các vướng mắc trong việc cải thiện môi trường đầu tư với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Tính từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã tổ chức, phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện nghiên cứu Thương mại, Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại,... tổ chức 09 Hội nghị phổ biến các Hiệp định thế hệ mới về hội nhập kinh tế quốc tế cho cán bộ công chức viên chức các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp trong tỉnh và một số tỉnh khu vực miền Trung - Tây nguyên với hơn 1.330 lượt người tham dự. Trong đó, năm 2017 đã tổ chức 02 đợt tập huấn nâng cao kiến thức năng lực hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết nói riêng cho các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh với hơn 200 lượt người tham dự. Qua đó, đã thông tin tổng quát về các FTA đã ký kết và đang thực thi với nội dung cụ thể về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm hàng hóa, kiến thức về an toàn thực phẩm,... đặc biệt thông tin về các cơ hội và thách thức đối với hàng hóa nông sản của Việt Nam.
Trong 3 năm, đã cấp 4.259 Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cho các doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh lân cận để được hưởng ưu đãi thuế quan tại các nước nhập khẩu, tăng lợi thế cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hỗ trợ 20 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh xây dựng website thương mại điện tử. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tại các thị trường Châu Mỹ, Anh, Liên bang Nga, Pháp, Đức, Hồng Kông, Lào, Campuchia, Úc, NewZealand,...; giới thiệu hình ảnh, quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh trực tiếp tại các thị trường quốc tế như: Anh, Nga, Trung Quốc và xúc tiến du lịch tại một số nước Đông Bắc Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc; đồng thời thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với các doanh nghiệp khách sạn, các làng nghề, các khu nghỉ dưỡng du lịch trong tỉnh nhằm tạo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của tỉnh trong thời gian qua cũng đạt nhiều kết quả tốt. Tỉnh đã tiếp và làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài (Tập đoàn Sumitomo, nhóm nhà đầu tư Petrolimex và JX Nippon - Nhật Bản, Công ty Vitedi - Việt Nam & Mỹ) đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội, tham gia đầu tư tại tỉnh với một số các dự án lớn đang được xúc tiến như: Dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, dự án điện sinh học, nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1. Phối hợp tổ chức thành công Hội nghị quan chức cấp cao APEC (SOM1) trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam năm 2017. Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh đã có cuộc tiếp xúc song phương với trưởng đoàn các nền kinh tế Hoa Kỳ, Nhật bản, Nga, Hàn Quốc để tạo cơ hội hợp tác trong thời gian tới. Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Nam Trung Bộ” diễn vào ngày 06 và 07/10/2017 tại thành phố Nha Trang nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc gặp gỡ trao đổi trực tiếp, thảo luận về các vấn đề thu hút đầu tư, hợp tác kinh doanh, quảng bá giới thiệu về những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, những điều kiện ưu đãi, chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư khi đến với Khánh Hòa, giới thiệu các doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh và những sản phẩm đặc trưng chất lượng cao, qua đó bước đầu đã thu hút được một số doanh nghiệp Nhật Bản tham gia một số dự án đầu tư vào tỉnh Khánh Hòa trong thời gian sắp tới.
Tỉnh tiếp tục tái ký kết 02 biên bản hợp tác với tỉnh Champasak và Attapư giai đoạn 2017-2020; thăm và làm việc với các tỉnh Champasak, Attapư (Lào), tỉnh Stung Treng (Campuchia) nhằm thảo luận và ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương; tích cực khai thác các mối quan hệ hợp tác quốc tế với các vùng, địa phương nước ngoài có tiềm năng trong xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư, du lịch như: Vùng Primorye, khabarovisk (Nga), thành phố Ulsan, thành phố Incheon (Hàn Quốc), Vùng Bắc Úc,... Trên cơ sở các biên bản thỏa thuận hợp tác đã ký kết với các địa phương nước ngoài, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị địa phương liên quan thường xuyên rà soát, chủ động, tích cực triển khai thực hiện đúng với các nội dung, điều khoản đã ký kết trong quan hệ hợp tác với các địa phương, tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới, tỉnh cũng đã xác định cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: (1) Tiếp tục hoàn thiện các quy định, đảm bảo phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính; thông tin công khai minh bạch mọi chính sách, cơ chế quản lý, quy trình tác nghiệp... của các cơ quan nhà nước và đơn vị cung cấp dịch vụ công. (2) Nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, của doanh nghiệp và các sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh. (3) Xây dựng, củng cố, phát triển các yếu tố của nền kinh tế thị trường một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. (4) Thực hiện công tác hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn. (5) Triển khai công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững; đảm bảo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và an ninh quốc phòng. (6) Chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, phát triển dạy nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh. (7) Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan và doanh nghiệp trong tỉnh. (8) Nâng cao năng lực cơ quan quản lý và điều phối về hội nhập kinh tế quốc tế theo chỉ đạo của Trung ương nhằm đảm bảo cho công tác hội nhập được triển khai thống nhất, xuyên suốt và đều khắp trên tất cả các ngành, lĩnh vực. (9) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quan điểm chỉ đạo và chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Phổ biến các cam kết, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của Việt Nam khi tham gia các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới.
Quang Chính - Văn phòng Tỉnh ủy