Huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang tập trung phát triển nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ để từng bước hình thành chuỗi liên kết nông sản an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm đem lại giá trị kinh tế cao.
Nông sản đạt chuẩn VietGAP
Những ngày này, nhiều nhà vườn trên địa bàn xã Sơn Bình tập trung chăm sóc, chuẩn bị bước vào thời kỳ thu hoạch sầu riêng chính vụ năm 2021. Mùa sầu riêng năm nay, các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây ăn quả trên địa bàn xã sẽ đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng cao, đạt chuẩn VietGAP. Ông Tạ Quốc Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết: “Trên địa bàn xã có 380ha sầu riêng, trong đó 240ha đã cho thu hoạch; 70ha bưởi da xanh, 80ha quýt đường, 60ha cà phê, 30ha tiêu. Nông dân trên địa bàn xã đang chuyển đổi, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Toàn xã có 1 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác trồng 50ha sầu riêng và 17ha bưởi da xanh đạt chứng nhận VietGAP; dự kiến năm nay, sẽ cung cấp ra thị trường 350 tấn sầu riêng, 50 tấn bưởi da xanh đạt chuẩn”.
Người trồng sầu riêng ở xã Sơn Bình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Khánh Sơn như: Sơn Hiệp, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc, thị trấn Tô Hạp… cũng đã phát triển nhiều loại cây nông nghiệp có giá trị kinh tế cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Đến nay, toàn huyện có hơn 1.720ha sầu riêng, hơn 330ha bưởi da xanh, gần 70ha chôm chôm và hàng trăm héc-ta măng cụt, mít nghệ, cam, quýt đường, bơ booth… Các loại trái cây của vùng đất Khánh Sơn được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Đặc biệt, sầu riêng Khánh Sơn đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, được bình chọn là Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam. Sầu riêng và nhiều loại cây ăn quả khác được nông dân sản xuất sạch, áp dụng theo chuẩn VietGAP…
Người dân Khánh Sơn chăm sóc mía tím.
Theo ông Đỗ Nhi Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, trên cơ sở triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP), địa phương đã tập trung xây dựng và phát triển các thương hiệu riêng của từng xã; phát triển nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ và từng bước hình thành chuỗi liên kết nông sản an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm đem lại giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh việc quảng bá các thương hiệu nông sản của địa phương đến người tiêu dùng. “Đối với cây sầu riêng, toàn huyện có 780ha/hơn 1.720ha đang cho thu hoạch, ước tính sản lượng năm nay đạt khoảng 6.240 tấn. Trong đó, có 254ha của 2 hợp tác xã, 8 tổ hợp tác ở 8/8 xã, thị trấn của huyện được công nhận đạt chuẩn VietGAP, với sản lượng cung cấp ra thị trường trong năm nay hơn 2.500 tấn. Ngoài sầu riêng, địa phương còn có 5ha mía tím đạt chuẩn VietGAP”, ông Huy cho biết thêm.
Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ
Bên cạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP, được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, huyện Khánh Sơn còn chú trọng kết nối, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đến người tiêu dùng. Để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản chất lượng cao, UBND huyện Khánh Sơn đã có kế hoạch tổ chức phiên chợ nông sản Khánh Sơn vào đầu tháng 8 tới, với quy mô 22 gian hàng nông sản đạt chuẩn VietGAP của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn. Hoạt động này sẽ giúp nông dân giới thiệu các loại trái cây ngon, chất lượng cao; kết nối để đưa sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần giúp các nhà vườn phục hồi sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngoài ra, để kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, huyện Khánh Sơn đã đề xuất đăng ký sản phẩm sầu riêng tươi của 159 hộ tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tham gia đề án nhân rộng, phát triển mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202106/khanh-son-phat-trien-cay-an-qua-chat-luong-cao-8219709/