Những năm qua, việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ giúp diện mạo nông thôn ở huyện Khánh Vĩnh có nhiều khởi sắc, mà còn giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.
Khánh Vĩnh là huyện miền núi nằm ở phía tây của tỉnh Khánh Hòa, với số dân gần 40.000 người, có 15 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ 73,7%. Theo Quyết định 282/QĐ-TTg, ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Khánh Vĩnh có 10/14 xã thuộc khu vực III (trừ Thị trấn Khánh Vĩnh, xã Sông Cầu, Khánh Bình, Khánh Đông) và 03 thôn đặc biệt khó khăn là thôn Cà Hon, Ba Dùi (xã Khánh Bình), thôn Suối Thơm (xã Khánh Đông).
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Khánh Vĩnh, kinh tế - xã hội của huyện từng bước phát triển, các chính sách về giảm nghèo, an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Phong trào xã hội hóa về công tác giảm nghèo được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia của toàn xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên toàn huyện nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, với đặc thù địa phương có nhiều thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, điều kiện thời tiết, khí hậu không thuận lợi trong khi trình độ dân trí và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nên rất dễ dẫn đến tình trạng tái nghèo. Xuất phát từ đặc điểm tình hình trên, huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp với mục tiêu chính nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, chăm lo giáo dục, y tế, nâng cao trình độ dân trí của đồng bào, rút ngắn khoảng cách với các địa phương khác trong tỉnh.
Để đảm bảo các chương trình kinh tế - xã hội triển khai mang lại hiệu quả thiết thực cũng như nhận được sự đồng thuận, ủng hộ, huyện đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ và người dân, nhất là cán bộ của các tổ chức đoàn thể ở thôn, tổ; nắm bắt kịp thời, đầy đủ những chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là những chính sách có liên quan trực tiếp đến đời sống và sản xuất của hộ gia đình tại địa phương nơi sinh sống, nhờ đó, hạn chế tối đa việc chuyển nhượng đất sản xuất, động viên các hộ dân tích cực lao động, thay đổi phương thức sản xuất cải thiện thu nhập vươn lên thoát nghèo bền vững. Các hoạt động tuyên truyền tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, tư duy về phát triển kinh tế, nhất là trong sản xuất nông, lâm nghiệp, từng bước áp dụng khoa học, kỹ thuật vào các mô hình trồng trọt và chăn nuôi, từng bước tạo chuyển dịch trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá,...
Để tạo tiền đề, động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cấp trên và nguồn lực tại chỗ, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình xã hội dân sinh, hạ tầng kinh tế, đặc biệt là đường giao thông vào các khu sản xuất (riêng trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã đầu tư xây dựng đường giao thông vào khu sản xuất với tổng chiều dài là 10,8 km, kinh phí thực hiện hơn 26 tỷ đồng). Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại và vận chuyển nông sản. Từ đó, thúc đẩy việc buôn bán, sản xuất nông sản, giảm giá thành nguyên liệu đầu vào, tăng giá trị sản phẩm tiêu thụ đầu ra, tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, thực hiện nhanh công tác xoá đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, từ các các công trình được đầu tư, đã mở rộng thêm quỹ đất sản xuất cho người dân với diện tích lớn, trung bình mỗi công trình đường giao thông được đầu tư đã mở rộng thêm quỹ đất sản xuất từ 80 ha đến 100 ha, phục vụ cho 30 hộ đến 50 hộ trên tuyến đường.
Nhiều tuyến đường đã được đầu tư, mở rộng, tạo thuận lợi cho người dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Song song việc đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, việc thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc cũng được huyện hết sức chú trọng, nhất là việc thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn cho hộ đồng bào dân tộc phát triển sản xuất. Trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho 691 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (467 hộ nghèo và 224 hộ cận nghèo) tham gia thực hiện Mô hình phát triển sản xuất với tổng kinh phí thực hiện là 7.709,5 triệu đồng và hỗ trợ vay vốn cho 497 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó: 448 hộ nghèo và 49 hộ cận nghèo) để hộ dân có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, với tổng số kinh phí đã giải ngân là 13.232 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất có ý nghĩa về mặt xã hội cao, góp phần định hướng phát triển các mô hình kinh tế hộ, phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của từng hộ dân, từ đó nhân rộng các mô hình hiệu quả góp phần cải thiện thu nhập hộ gia đình.
Ngoài ra, huyện cũng quan tâm thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số như: hỗ trợ đường dây và lắp đặt hệ thống điện sau công tơ; đầu tư xây dựng hệ thống nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân và điểm trường ở các xã trên địa bàn huyện (giai đoạn 2016 – 2020 đã đầu tư 09 dự án với 28 cái giếng khoan và bể chứa lắng lọc để phục vụ nhu cầu của gần 1.000 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số thiếu nước sinh hoạt và các điểm trường mẫu giáo ở xã Cầu Bà và Sông Cầu, với tổng kinh phí thực hiện hơn 5.000 triệu đồng), góp phần giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Đầu tư, nâng cấp hệ thống điện lưới, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân
Những kết quả trên cho thấy Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai trên địa bàn huyện đã và đang được thực hiện khá hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống,... điều này được minh chứng thông qua những số liệu cụ thể: năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hằng năm 5%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 20,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề từ trình độ sơ cấp trở lên (kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phi nông nghiệp) đạt 25,8%; tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện lưới quốc gia 98%; sử dụng nước hợp vệ sinh 98%; tỷ lệ xã có mạng lưới trường, lớp đáp ứng nhu cầu của người dân đạt 100%; tỷ lệ xã có đường giao thông vào khu sản xuất tập trung, đảm bảo tạo được quỹ đất, đi lại vận chuyển hàng hóa trong mùa mưa đạt 100%,...
Trao đổi về kết quả triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Khánh Vĩnh, ông Trần Minh Thuận, Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: Nhờ nguồn lực đầu tư các chương trình, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn có bước chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn huyện; giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, niềm tin và sự ủng hộ của đồng bào dân tộc đối với Đảng, Nhà nước được tiếp tục củng cố và nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh còn tồn tại những khó khăn, hạn chế như: thời gian thực hiện chính sách ngắn, hầu hết các chính sách đều mang tính chất hỗ trợ việc bố trí vốn đối ứng của địa phương, trong khi đó địa phương đang phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương. Việc lồng ghép các chính sách trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi còn nhiều khó khăn, bất cập. Mặt bằng dân trí trong cộng đồng các dân tộc thiểu số chưa đồng đều ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai thực hiện. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch còn chậm. Mức độ thương phẩm hóa của nông sản còn thấp; sản phẩm sản xuất ra chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế thấp...
Để tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020 - 2025, thời gian tới huyện sẽ tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: ưu tiên dành các nguồn lực cho đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xây dựng và phát triển đa dạng các Mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng nhân rộng một số cây trồng chủ lực của huyện gắn với tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế vườn, rừng…; tăng cường đầu tư và đổi mới các hoạt động đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư trong việc xây dựng Mô hình điểm, tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, nhằm nâng cao trình độ sản xuất của nông dân kết hợp xây dựng các dự án nhỏ để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển nguồn nhân lực đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số thông qua việc thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số vào làm việc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện chương trình ở các cấp, nhất là cấp cơ sở. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Chương trình, có cơ chế khuyến khích người dân, các tổ chức nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Hi vọng với những giải pháp mang tính bền vững, lâu dài, cụ thể và thiết thực, bộ mặt nông thôn miền núi Khánh Vĩnh sẽ tiếp tục có sự chuyển mình, khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao, qua đó góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.
CTV Duy Hải – Ban Tuyên giáo HU.Khánh Vĩnh