Với sức hấp dẫn từ loại hình du lịch lặn biển, lượng khách đến các điểm tổ chức hoạt động này ngày càng tăng. Để giảm tải việc ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đang phối hợp khảo sát, tìm kiếm và mở rộng thêm nhiều địa điểm lặn biển mới.
Hiện nay, vịnh Nha Trang được UBND tỉnh cho phép tổ chức hoạt động bơi lặn biển tại 7 vị trí, gồm 6 vị trí ở Hòn Mun và 1 vị trí tại vùng nước thuộc Hòn Rơm. Mỗi ngày, các điểm tổ chức dịch vụ du lịch lặn biển trên vịnh Nha Trang đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, vui chơi. Theo thống kê, các điểm lặn biển tại đảo Hòn Mun có khoảng 400 lượt khách/ngày thường và từ 500 đến 600 lượt khách/ngày cuối tuần. Với mức giá hợp lý, dao động từ 500.000 đến 750.000 đồng/khách, dịch vụ lặn biển được khá nhiều du khách lựa chọn khi đến du lịch ở Nha Trang. Ông Trần Ngọc Quyền - du khách tham gia lặn biển tại Hòn Mun chia sẻ: “Tôi được bạn bè giới thiệu Hòn Mun có hệ sinh thái san hô và sinh thái biển rất đa dạng. Vì vậy, khi đến đây, tôi mua tour lặn biển để trải nghiệm”.
|
Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun có tính đa dạng sinh học cao, có hệ sinh thái rạn san hô với độ che phủ và phong phú cao. Nơi đây cũng tập trung nhiều loại hình hoạt động du lịch như: bơi, lặn biển bằng ống thở, tàu đáy kính, thúng đáy kính, tổ chức các sự kiện dưới đáy biển, tour tham quan... với gần 30 công ty, câu lạc bộ kinh doanh lặn biển tham gia. Vào thời gian cao điểm từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, khu vực này mỗi ngày tiếp nhận từ 40 đến 50 phương tiện thủy cùng hàng ngàn du khách tham quan, du lịch, nghiên cứu học tập.
Theo nhận định của Ban Quản lý vịnh Nha Trang cùng kết quả khảo sát đa dạng sinh học của Viện Hải dương học, với tốc độ phát triển dịch vụ lặn biển quá nhanh và nhiều như hiện nay sẽ vượt ngoài khả năng quản lý. Từ đó có nguy cơ quá tải, gây ô nhiễm cục bộ và có khả năng suy thoái về chất lượng tài nguyên môi trường, dẫn đến làm giảm sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch.
Ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang cho biết, qua khảo sát, để đáp ứng nhu cầu của du khách, tăng thêm các sản phẩm từ dịch vụ du lịch lặn biển và hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến tài nguyên san hô, đơn vị đã đề nghị UBND thành phố cho phép phối hợp cùng Viện Hải dương học điều tra, khảo sát, đánh giá và đề xuất một số vị trí lặn biển mới trong vịnh Nha Trang. Từ đó, giảm tải cho các khu lặn biển đang tập trung phần lớn tại Hòn Mun. UBND TP. Nha Trang đã thống nhất với đề xuất của ban quản lý.
Được biết, đến nay, các đơn vị đã tiến hành khảo sát được 4 địa điểm mới, hiện đang đánh giá tác động môi trường, đa dạng sinh học, phương thức quản lý, hoạt động và đề xuất UBND thành phố.
Theo Báo Khánh Hòa