Nổi lên từ đầu năm 2016, Điệp Sơn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) nhanh chóng trở thành điểm du lịch hút khách. Tuy nhiên, đến nay ở Điệp Sơn chưa có sản phẩm du lịch chất lượng, chủ yếu kinh doanh dịch vụ vận chuyển và ăn uống. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Khánh Hòa có chủ trương không khuyến khích phát triển du lịch tại đây.
Sản phẩm du lịch sơ sài
Thôn Điệp Sơn có 3 đảo gồm: Hòn Bịp, Hòn Ó và Hòn Quạ, trong đó chỉ có Hòn Bịp có dân cư sinh sống với khoảng hơn 100 hộ, 700 nhân khẩu. Từ năm 2016, do hiệu ứng của cộng đồng mạng, Điệp Sơn trở thành điểm đến mới trong bản đồ du lịch Khánh Hòa. Những tấm hình về hòn đảo hoang sơ yên bình, đặc biệt là hình “thủy đạo Điệp Sơn” cùng những lời giới thiệu bay bổng đã thu hút đông đảo khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ. Các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các hoạt động khai thác dịch vụ du lịch như: vận chuyển khách, ăn uống tại đảo.
Được sự cho phép của UBND tỉnh, tháng 2-2017, UBND huyện Vạn Ninh đã ban hành phương án tạm thời về phối hợp quản lý, khai thác du lịch tại Điệp Sơn. Trên cơ sở đó, tháng 6-2017, UBND xã Vạn Thạnh đã cho Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Nha Trang Đông Đô (gọi tắt là Công ty Đông Đô) thuê mặt bằng kinh doanh du lịch tại nam Hòn Quạ và bắc Hòn Ó; Công ty Cổ phần Sơn Nam (gọi tắt là Công ty Sơn Nam) thuê mặt bằng để đầu tư kinh doanh du lịch tại khu vực phía nam Hòn Bịp và bắc Hòn Quạ với thời hạn 5 năm.
Tuy nổi tiếng trên mạng, nhưng sản phẩm du lịch ở đây khá nghèo nàn. Cả 2 doanh nghiệp chủ yếu khai thác dịch vụ vận chuyển khách và ăn uống chứ không đầu tư các sản phẩm du lịch. Khách đến Điệp Sơn chỉ ngắm cảnh làng chài, đi bộ trên đường nối liền 3 đảo khi thủy triều rút, ăn hải sản rồi về; rất nhiều du khách đến đây đã bị hụt hẫng.
Tại cuộc họp chiều 9-4, ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch cho biết, sau một thời gian phát triển nóng, sức hút của Điệp Sơn đã chững lại bởi sản phẩm du lịch không có gì, thời tiết diễn biến phức tạp khiến “con đường đi bộ trên biển” chỉ lộ ra trong khoảng 1 giờ. Ông Trung cùng lãnh đạo nhiều sở, ngành đã kiến nghị không nên phát triển du lịch ở Điệp Sơn. Thay vào đó, cần có một doanh nghiệp lớn, đầu tư đồng bộ để khai thác một cách bền vững, bảo đảm cảnh quan môi trường.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Vì huyện quá tha thiết nên UBND tỉnh đã đồng ý tạm thời cho khai thác du lịch ở Điệp Sơn nhưng không khuyến khích, bởi Điệp Sơn không nằm trong quy hoạch du lịch của tỉnh. Việc khai thác du lịch ở đây đã nảy sinh nhiều khó khăn trong quản lý, nhưng không đem lại nhiều lợi ích cho địa phương cũng như người dân sở tại. “Đây là khu vực nằm trong đề án Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong nên trước mắt không thể kêu gọi các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, việc khai thác du lịch ở đây không nên vội, tỉnh không khuyến khích cách làm du lịch như hiện nay”, đồng chí Trần Sơn Hải nhấn mạnh.
|
Không cho phép xây dựng bến tạm
Việc khai thác du lịch tại Điệp Sơn đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Trước tình trạng đó, tháng 10-2017, ông Trần Sơn Hải đã chủ trì cuộc họp về việc quản lý khai thác hoạt động du lịch tại Điệp Sơn. Tại cuộc họp, ông Trần Sơn Hải đã chỉ đạo UBND huyện Vạn Ninh điều chỉnh hợp đồng cho doanh nghiệp thuê mặt bằng từ thời hạn 5 năm xuống còn 1 năm (Thông báo số 729/TB-UBND ngày 27-10-2017). Tuy nhiên, đến cuộc họp chiều ngày 9-4, lãnh đạo huyện Vạn Ninh cho biết, UBND xã Vạn Thạnh vẫn chưa hoàn tất việc điều chỉnh thời gian cho doanh nghiệp thuê mặt bằng để khai thác du lịch tại Điệp Sơn.
Trong quá trình khai thác, Công ty Đông Đô đã cho xây dựng cầu đá tại khu vực bắc Hòn Ó để đón, trả khách. Công ty Sơn Nam cũng xây dựng cầu tàu để đón ca nô tại khu vực phía nam Hòn Bịp. Tháng 10-2017, đồng chí Trần Sơn Hải đã chỉ đạo huyện Vạn Ninh chỉ sử dụng cầu đò dân sinh hiện có ở Điệp Sơn để vận chuyển khách du lịch; không cho thuê mặt bằng để làm cầu đò thứ hai. Thế nhưng, trên thực tế các doanh nghiệp vẫn đang sử dụng các bến tạm này để đón khách du lịch. Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nha Trang phản ánh: “Cảng vụ ký giấy xuất bến cho các tàu với điểm đến là bến dân sinh tại Hòn Bịp (Điệp Sơn), nhưng các doanh nghiệp lại đưa khách đến các bến tự tạo. Chúng tôi đã báo cáo với địa phương nhưng tình trạng này vẫn không được xử lý…”.
Với lý do bến dân sinh ở Điệp Sơn bị cát bồi lấp, khó khăn trong việc ra vào, mới đây, UBND huyện Vạn Ninh lại có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét, tạo điều kiện cho phép Công ty Sơn Nam thực hiện bến nổi tạm cặp vào bến dân sinh để phục vụ ca nô cập bến đón, trả khách du lịch; cho phép Công ty Đông Đô sử dụng bến tạm do doanh nghiệp xây dựng ở bắc Hòn Ó để đón khách cho đến khi bến dân sinh tại Điệp Sơn được sửa chữa.
Tại cuộc họp chiều 9-4, ông Trần Sơn Hải không đồng ý với kiến nghị của UBND huyện Vạn Ninh về việc cho phép sử dụng các bến tạm, bởi trong quy hoạch giao thông đường thủy ở Điệp Sơn chỉ có bến dân sinh; thời điểm này, tỉnh cũng không khuyến khích việc khai thác du lịch ở Điệp Sơn. Ông chỉ đạo huyện Vạn Ninh gấp rút sửa chữa, cải tạo bến dân sinh ở thôn Điệp Sơn để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân; đồng thời giải quyết khó khăn về bến đón, trả khách cho doanh nghiệp. Đồng chí cũng yêu cầu UBND huyện Vạn Ninh thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo trong Thông báo số 729; yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Nha Trang, Cảnh sát giao thông đường thủy, Sở Giao thông vận tải, Bộ đội Biên phòng tỉnh và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận chuyển khách du lịch ở Điệp Sơn.
Theo Báo Khánh Hòa