Giữa tháng 4, chúng tôi trở lại xóm Núi và xóm Mũi (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) để tìm hiểu cuộc sống người dân nơi đây sau hơn 4 năm xảy ra trận sạt lở kinh hoàng khiến nhiều người chết. Cuộc sống của người dân ở đây vẫn bấp bênh và chuyện di dời, tái định cư cho họ vẫn là chuyện khó giải quyết.
|
Khu dân cư tự phát xóm Núi. |
Mong ổn định cuộc sống
Men theo con đường bê tông có độ dốc lớn, chúng tôi chật vật chạy xe máy lên khu nhà mà trận sạt lở cuối năm 2018 đã san phẳng. Vẫn còn đó những ngôi nhà bị chôn vùi, đánh sập, những bức tường trơ trọi, những móng đá hở hàm ếch chênh vênh… Nhiều nơi trước kia là nhà, nhưng nay chỉ còn bãi đất trống.
Bà Tạ Thị Dương, người dân ở đây cho biết, sau trận lũ năm đó, 2 căn nhà của gia đình con gái bà bị san phẳng, căn nhà bà ở bị sạt một phần ba. Hơn 4 năm nay, các con của bà Dương phải thuê trọ dưới khu Bình Tân (TP. Nha Trang) rồi đi làm thuê chật vật kiếm sống qua ngày. Còn bà Dương đi làm mướn khắp nơi, tích cóp được hơn 20 triệu đồng về sửa lại căn nhà. “Sau trận lũ đó, tôi quay lại nơi này và nghe nói Nhà nước sẽ bố trí tái định cư bằng chung cư. Nói thật, việc đưa chúng tôi vào sống trong chung cư là không phù hợp. Vì vậy, chúng tôi chỉ mong được tạo điều kiện cho kéo điện, dẫn nước sinh hoạt để chúng tôi ở lại nơi đây”, bà Dương tâm sự.
|
Bà Phan Thị Dung mong ổn định cuộc sống. |
Bà Ngô Thị Tý, một trong những người đầu tiên sinh sống ở xóm Núi cho biết, nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở đó là do thời điểm giữa năm 2018, có một đối tượng đem xe múc lên đào ở phía trên núi, san gạt nhằm mục đích phân lô. Cuối năm đó xảy ra mưa lớn, một lượng lớn đất đá từ thượng nguồn theo nước đổ xuống chôn vùi nhiều căn nhà. Đến nay, ở khu vực đó, cây cối đã mọc lại, khó có khả năng gây sạt lở nên người dân đã dần quên đi trận sạt lở kinh hoàng đó. Ôm đứa cháu nội mới sinh được 2 tháng vào lòng, bà Phan Thị Dung - người đã 22 năm sống ở khu dân cư tự phát này tâm sự: “Hiện nay, chúng tôi phải mua nước với giá 22.000 đồng/m3 và dùng điện với giá 5.000 đồng/kWh. Nếu Nhà nước không có kinh phí bố trí tái định cư thì tạo điều kiện cho người dân ở lại đây cũng được; còn nếu tái định cư được thì quá tốt. Chúng tôi chỉ mong có cuộc sống ổn định, con cháu có tương lai tốt đẹp hơn”.
Gánh nặng cho quản lý của địa phương
Xóm Núi và Xóm Mũi nằm bên sườn núi Hòn Rớ. Đây là 2 khu dân cư hình thành tự phát gần 20 năm nay. Ở đây, người dân sinh sống trong các căn nhà xây dựng tạm, diện tích nhỏ, từ 20m2 đến 40m2, nằm chênh vênh bên sườn núi. Giữa các căn nhà có lối đi nhỏ chừng 1 đến 3m, độ dốc cao; kéo theo đó là hệ thống dây điện chằng chịt do người dân tự làm để nối điện sinh hoạt. Đất ở đây không có giấy tờ, người dân tự mua bán viết tay với nhau, trong đó rất ít hộ được cấp sổ tạm trú. Đây chính là điểm khó khăn, phức tạp trong công tác di dời, tái định cư các hộ dân ở 2 khu vực này.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, 2 khu dân cư này trở thành gánh nặng của địa phương trong nhiều năm qua, chưa di dời được, mà ở thì không hợp pháp. Thời điểm cuối năm 2022, UBND xã phải thành lập đoàn công tác đến 2 khu vực này bó gọn lại hệ thống dây điện chằng chịt, tạm bợ kéo khắp khu dân cư để đảm bảo an toàn. Mỗi mùa mưa bão đến, xã đều phải lập phương án di dời hàng trăm hộ dân ở đây đến nơi an toàn. Mới đây, xã đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn một số hộ dân tại xóm Núi xây dựng nhà để quay về ở. “Nói thật, sau vụ sạt lở năm 2018, đêm ngủ cứ thấy trời mưa là tôi lại nghĩ ngay đến 2 khu dân cư này. Lỡ có chuyện gì thì mình không gánh nổi” - ông Pháp tâm sự.
Theo ông Pháp, cuối năm 2021, UBND tỉnh có giao nhiệm vụ cho UBND TP. Nha Trang thực hiện điều chỉnh quy hoạch Khu tái định cư Phước Hạ (thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng) để xây dựng khối chung cư 5 tầng tại đây nhằm bố trí tái định cư cho các hộ dân ở khu vực xóm Núi và xóm Mũi. Tuy nhiên, đến nay, việc điều chỉnh quy hoạch vẫn chưa xong, chưa kể dự án có kinh phí quá lớn, lại không khả thi. “Hai khu dân cư tự phát toàn dân lao động tự do, làm nghề biển, nếu đưa họ về sống trong chung cư thì rất khó. Riêng chuyện thành lập ban quản trị, rồi hàng tháng phải đóng phí để duy trì hoạt động của chung cư là thấy không khả thi rồi” - ông Pháp nói.
Nan giải chuyện di dời, tái định cư
Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, từ năm 2021, UBND TP. Nha Trang đã nghiên cứu, đề xuất phương án di dời các hộ dân tại khu vực xóm Núi và xóm Mũi. Theo kết quả nghiên cứu, các hộ dân ở hai khu vực này chủ yếu mua bán nhà đất bằng giấy viết tay, thậm chí nhiều hộ không có thông tin về nguồn gốc đất; đa số nhà ở xây dựng từ năm 2014 trở về trước. Qua điều tra xã hội học, đa số các hộ đồng ý di dời, cấp đất tái định cư. Việc di dời nhằm đảm bảo an toàn, ổn định đời sống cho người dân, hoàn thiện quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, phục hồi cảnh quan rừng tự nhiên, hạn chế sạt lở đất. Từ đó, UBND TP. Nha Trang đã đề xuất dự án gồm 2 hạng mục: Xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng tái định cư cho thuê, mua; trồng rừng cảnh quan và bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Đối với hạng mục xây dựng nhà ở xã hội, UBND TP. Nha Trang đề xuất đầu tư xây dựng chung cư xã hội tại Khu tái định cư Phước Hạ với quy mô ít nhất 5 tầng nổi và 1 tầng hầm bố trí bãi để xe. Dự kiến, chung cư này có 3 khối với khoảng 1.000 căn hộ; tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng.
|
Hệ thống dây điện chằng chịt rất nguy hiểm khi xảy ra mưa gió. |
Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, thành phố đã đề xuất phương án như vậy, nhưng việc thực hiện rất khó khả thi. Nhà ở của người dân ở khu vực xóm Núi và xóm Mũi có nguồn gốc đất trồng cây lâu năm, đất rừng Nhà nước giao, người dân khai hoang sang nhượng bằng giấy viết tay và một số ít lấn chiếm nên không đủ điều kiện tái định cư theo quy định của pháp luật. Nếu xây dựng xong chung cư mà người dân không vào ở thì gây lãng phí ngân sách nhà nước. Đây là vấn đề khó giải quyết của TP. Nha Trang hiện nay. Trước mắt, thành phố đã chỉ đạo UBND xã Phước Đồng tăng cường công tác quản lý nhà nước, không cho phát sinh thêm các căn nhà mới; nghiêm cấm san ủi, mua bán đất đai trong khu vực này; đồng thời thường xuyên kiểm tra, có biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là vào mùa mưa lũ.
Qua rà soát, UBND TP. Nha Trang thống kê tại khu vực xóm Núi có 348 hộ dân với 1.373 nhân khẩu, trong đó có 62 hộ được cấp sổ tạm trú; tổng diện tích đất khu vực này là 4,8ha, trong đó 2,1ha người dân đang sử dụng. Khu vực xóm Mũi có 346 hộ với 1.243 nhân khẩu, trong đó có 77 hộ được cấp sổ tạm trú; tổng diện tích đất ở khu vực này 4,9ha, trong đó người dân đang sử dụng hơn 2,9ha.
VĂN KỲ