Xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành khu kinh tế ven biển tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, là vùng kinh tế động lực của tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung bộ được xem là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn 2020 - 2025.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU, ngày 11/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về phát triển Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2016 - 2020, bộ mặt của Khu kinh tế đã có nhiều khởi sắc, nhất là trên các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án sản xuất kinh doanh, phát triển du lịch - dịch vụ, giải quyết việc làm và đào tạo nghề..., đóng góp lớn vào phát triển chung của toàn tỉnh, góp phần hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVII đã đề ra, tạo cơ sở vững chắc để tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận số 53-KL/TW, ngày 24/12/2012 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong 5 năm qua, khu kinh tế Vân Phong đã thu hút mới 42 dự án (33 dự án trong nước, 09 dự án vốn đầu tư nước ngoài), điều chỉnh tăng vốn 14 dự án (10 dự án trong nước, 04 dự án vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký 66.045 tỷ đồng, vượt mục tiêu đề ra tối thiểu đạt 50.000 tỷ đồng; vốn giải ngân đạt 18.274 tỷ đồng, đạt 45,7% so với mục tiêu đề ra; giải quyết việc làm cho 6.251 lao động; đóng góp ngân sách 20.950 tỷ đồng, chiếm 26,6% toàn tỉnh; giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm 32,9% toàn tỉnh.
Khu vực Nam Vân Phong đã có sự phát triển rõ nét theo hướng trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, với các dự án quy mô lớn đang triển khai xây dựng: Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (vốn đầu tư 2,58 tỷ USD), Khu công nghiệp Ninh Thủy (vốn đầu tư 294 tỷ đồng), Cảng tổng hợp Nam Vân Phong (vốn đầu tư 984 tỷ đồng) và một số dự án lớn đã hoạt động như: Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (vốn đầu tư 125 triệu USD), Nhà máy đóng tàu Hyundai-Vinashin (vốn đầu tư 350 triệu USD). Riêng việc phát triển khu vực Bắc Vân Phong cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, trong đó mục tiêu xây dựng Bắc Vân Phong trở thành Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào năm 2020, là trung tâm dịch vụ - du lịch lớn chưa thể hoàn thành.
Đảo Điệp Sơn thuộc Vịnh Vân Phong
Nhiều khó khăn, thách thức
Mặc dù việc phát triển Khu kinh tế Vân Phong trong những năm qua đã đạt được một số kết quả tích cực về thu hút vốn đầu tư, đóng góp ngân sách, giải quyết việc làm... song những kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Khu kinh tế. Qua tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy đã chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế khiến việc phát triển Khu kinh tế Vân Phong chưa đạt như kỳ vọng và mục tiêu đề ra.
Trước hết, quy hoạch của Khu kinh tế Vân Phong hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng phát triển của Khu kinh tế, nhiều khu vực tiềm năng vẫn chưa có quy hoạch xây dựng. Công tác tổ chức lập quy hoạch xây dựng các phân khu chức năng trong Khu kinh tế để thu hút các dự án đầu tư động lực, có quy mô lớn gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn ngân sách, nên triển khai chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư. Các quy hoạch chuyên ngành triển khai trong Khu kinh tế như: quy hoạch đất đai, quy hoạch chi tiết xây dựng thiếu sự đồng bộ, thống nhất với quy hoạch chung xây dựng của Khu kinh tế Vân Phong đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gây khó khăn cho việc thẩm định, xem xét dự án đầu tư. Công tác quản lý đất đai tại các khu chức năng được quy hoạch xây dựng trong Khu kinh tế còn hạn chế, tình trạng xây dựng tự phát diễn ra phức tạp gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư các dự án về sau.
Tiến độ triển khai một số dự án đầu tư quy mô lớn, có tính động lực vẫn còn chậm như: Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Khu công nghiệp Ninh Thủy, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong và Bắc Vân Phong, hoặc phải dừng thực hiện do không có khả năng triển khai như Tổ hợp lọc hoá dầu Nam Vân Phong… đã tác động không nhỏ đến môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến việc phát triển của Khu kinh tế. Bên cạnh đó, việc Trung ương tạm dừng ban hành các chủ trương, chính sách mới về Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã khiến địa phương rơi vào trạng thái bị động trong xây dựng định hướng phát triển Khu kinh tế Vân Phong và triển khai các nhiệm vụ đầu tư cho khu vực.
Mục tiêu mới cho giai đoạn mới
Với định hướng xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành khu kinh tế ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Thông báo số 271/TB- VPCP ngày 03/8/2020); là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển thành vùng kinh tế động lực của tỉnh và khu vực Nam Trung bộ, ngày 11/01/2021, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2021 – 2025, trong đó xác định một số mục tiêu cụ thể đó là:
Thứ nhất, phát triển Bắc Vân Phong thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, tạo đột phá cho tỉnh Khánh Hòa và khu vực với các cơ chế, chính sách đặc thù trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về du lịch, cảng trung chuyển quốc tế gắn với dịch vụ logistics, thương mại, khu phi thuế quan, công nghiệp công nghệ cao.
Thứ hai, phát triển Nam Vân Phong thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển; tập trung phát triển các khu công nghiệp, các dự án công nghiệp trọng điểm với các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp năng lượng, đóng tàu, cảng biển, dịch vụ vận tải biển, các ngành công nghiệp phụ trợ và các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch tạo động lực phát triển cho tỉnh.
Thứ ba, tập trung thu hút vốn đầu tư vào Khu kinh tế tối thiểu đạt 150.000 tỷ đồng, vốn giải ngân tối thiểu đạt 75.000 tỷ đồng. Đóng góp ngân sách chiếm 30 - 40%, giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm 40% của toàn tỉnh Khánh Hòa; giải quyết việc làm cho 10.000 lao động.
Du khách đến cực Đông trên đất liền của Việt Nam thuộc bán đảo Hòn Gốm - huyện Vạn Ninh
Nhiệm vụ và giải pháp
Để Khu kinh tế Vân Phong có thể trở thành động lực mới thúc đẩy kinh tế của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung, Tỉnh ủy xác định phải tập huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, quyết tâm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ Khu kinh tế Vân Phong. Trên cở sở đó, Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra 09 nhóm giải pháp chủ yếu liên quan đến quy hoạch xây dựng; chính sách thu hút đầu tư; đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu; cải cách thủ tục hành chính; công tác quản lý đất đai; bảo vệ môi trường; đảm bảo quốc phòng, an ninh và cuối cùng là phát triển nguồn nhân lực với một số nhiệm vụ trọng tâm như:
(1) Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, sớm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở cho việc triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư phát triển Khu kinh tế trong giai đoạn mới.
(2) Hoàn thiện Đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu kinh tế Vân Phong để trình cấp thẩm quyền thông qua, tạo cơ sở cho việc triển khai và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của Khu kinh tế Vân Phong. Triển khai xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xác định các ngành, lĩnh vực phù hợp, bám sát nhu cầu thực tế và lợi thế so sánh của khu kinh tế. Nghiên cứu đổi mới, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư để nâng cao hơn nữa hiệu quả xúc tiến đầu tư, trong đó chú trọng hình thức trực tiếp liên hệ, tiếp xúc với các nhà tư vấn đầu tư chuyên nghiệp, các đối tác, doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới hoặc thông qua các cơ quan ngoại giao để tổ chức xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài vào khu kinh tế. Triển khai tốt các dịch vụ công để hỗ trợ nhà đầu tư. Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung Khu kinh tế Vân Phong vào danh sách các khu kinh tế ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.
(3) Cải thiện môi trường đầu tư của Khu kinh tế; tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Hoàn thiện thể chế, nhất là những quy định liên quan đến thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, xã hội hóa; đơn giản hóa thủ tục hành chính; công khai kịp thời, đầy đủ, cụ thể các quy định về thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận, thực hiện và giám sát việc thực hiện.
(4) Tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu, quan trọng, trong đó ưu tiên các dự án giao thông trục chính trong Khu kinh tế. Huy động vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh các dự án khu dân cư đô thị, khu nhà ở cho công nhân, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khác. Khuyến khích xã hội hóa nguồn kinh phí lập quy hoạch cho khu kinh tế. Sẵn sàng quỹ đất sạch để bàn giao mặt bằng cho các dự án có quy mô lớn, mang tính động lực của Khu kinh tế. Nghiên cứu địa điểm xây dựng các khu tái định cư, ưu tiên hoàn thiện các công trình hạ tầng xã hội trong các khu tái định cư theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu làm việc và sinh sống ổn định của các hộ dân bị giải tỏa. Tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, các cơ quan có liên quan trong quản lý đất đai, xây dựng, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép, vi phạm quy hoạch trong khu kinh tế; phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
(5) Thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của Khu kinh tế, tập trung vào nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân lực cho các ngành công nghệ cao; thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ và các loại hình đào tạo nghề mà doanh nghiệp cần. Khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên tiếp nhận và đào tạo lao động tại chỗ để giải quyết việc làm cho lao động của các hộ gia đình bị ảnh hưởng tại khu vực đầu tư dự án.
Với những cơ chế, chính sách mới thông thoáng, sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ cùng với các Bộ, ngành của Trung ương và quyết tâm chính trị của tỉnh Khánh Hòa, trong tương lai không xa, Khu kinh tế Vân Phong hứa hẹn sẽ trở thành một Khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực và là trọng điểm kinh tế của khu vực Nam Trung Bộ và của cả nước.
CTV Xuân Thỏa, Văn phòng Tỉnh ủy