6 tháng đầu năm, kinh tế của tỉnh Khánh Hòa đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Các chỉ tiêu đều tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng trưởng đứng thứ 5 cả nước
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa.
Với sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế của tỉnh đã phục hồi rõ nét. Tín hiệu đáng mừng là các chỉ tiêu kinh tế tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 12,58%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 16,5%; thu ngân sách nhà nước đạt 8.360 tỷ đồng, tăng 18,6%; huy động vốn toàn tỉnh tăng 20,2%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 31,4%, đạt 790,1 triệu USD; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11,3%, đạt 26.293 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước... Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đứng thứ 5 cả nước, chỉ xếp sau các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa và Quảng Nam.
Cảng tổng hợp Nam Vân Phong.
Đặc biệt, ngành du lịch tỉnh đã có sự hồi phục ấn tượng: Doanh thu du lịch đạt gần 5.550 tỷ đồng, tăng 209,4% so với cùng kỳ (tương đương 138,74% kế hoạch năm 2022); số lượt khách lưu trú tăng 116,3%; số lượng chuyến bay quốc nội đến sân bay Cam Ranh đã vượt qua đợt cao điểm năm 2019; một số đường bay quốc tế đã được khai thác trở lại.
Bên cạnh đó, nhờ sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cùng chính quyền địa phương các cấp đã tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm. Đến nay, một số công trình trọng điểm quốc gia (các dự án lưới điện và dự án đường bộ cao tốc) triển khai trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công dự án trước thời hạn yêu cầu. Cùng với đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong công tác quản lý trật tự xây dựng; phân lô, tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất; kinh doanh bất động sản đã góp phần ngăn chặn nguy cơ phá vỡ quy hoạch phát triển chung của khu vực, kể cả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch giao thông và quy hoạch xây dựng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất vào cuối năm nay, UBND tỉnh xác định, trong 6 tháng tới sẽ phát huy mạnh mẽ dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn. Đối với ngành thương mại, dịch vụ, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá trực tiếp các sản phẩm đến người tiêu dùng của các thị trường nước ngoài, đặc biệt là các nước mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do. Công tác quản lý các hoạt động thương mại điện tử được nâng cao hơn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, mua bán hàng hóa thông qua Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Khánh Hòa.
Đối với ngành du lịch, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch mở cửa lại hoạt động du lịch; triển khai các chương trình, kế hoạch kích cầu thu hút khách du lịch kết hợp đồng bộ với hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch Khánh Hòa, đặc biệt chuẩn bị tốt công tác tổ chức Hội thảo xúc tiến du lịch Ấn Độ và các tỉnh Nam Trung Bộ (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Đồng thời, chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương để kết nối du lịch; đẩy mạnh đầu tư, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch biển hiện có và phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch biển chất lượng cao, đi đôi với bảo vệ, tôn tạo và phát triển nguồn tài nguyên, hệ sinh thái biển; tăng cường quản lý, kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh du lịch.
Cùng với đó, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất, nhập khẩu; tăng cường cập nhật thông tin cho các doanh nghiệp về nhu cầu nhập khẩu của thị trường nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác những lợi thế ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án lớn như: Hạ tầng Khu Công nghiệp Ninh Thủy; các cụm công nghiệp: Sông Cầu, Diên Thọ, Trảng É, Ninh Xuân; Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1…
Tỉnh cũng sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2025; xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị đã được quy hoạch trên địa bàn; đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, gắn với yêu cầu chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để duy trì, ổn định sản xuất, tiêu thụ đối với ngành nông, lâm, thủy sản; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành các đề án lớn trên địa bàn.
Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 11, đồng chí Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã phát biểu nhấn mạnh: Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực với nhiều chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó GRDP tăng 12,58%, đứng thứ 5 cả nước. Các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đối với tỉnh đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Trung ương đối với sự phát triển của Khánh Hòa; đã đề ra các cơ chế, chính sách đặc thù khơi thông điểm nghẽn để thu hút nguồn lực đầu tư, tạo khí thế phấn khởi, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. 6 tháng cuối năm, các cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, quyết tâm cao nhất triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo, tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, tập trung phân công nhiệm vụ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kịp thời triển khai thực hiện hiệu quả ngay sau khi nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8. Đồng thời, xây dựng danh mục các dự án đầu tư công trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và xác định nhu cầu đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách để ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư và thu hút đầu tư hiệu quả sau khi đã có cơ chế, chính sách đặc thù.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202207/kinh-te-phuc-hoi-manh-me-8256795/