Để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, từ đầu tháng 11, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã thực hiện thí điểm khoanh vùng 2 bãi tắm an toàn tại bãi biển đường Phạm Văn Đồng. Sắp tới, ban quản lý sẽ triển khai thêm 5 khu vực khác trên bãi biển đường Trần Phú.
Hơn 1 tháng nay, ông Đoàn Văn Tám (phường Vĩnh Hải) thường tắm biển trong bãi tắm đã có hệ thống phao an toàn tại khu vực đường Củ Chi. Từ khi có hệ thống phao an toàn, ông cảm thấy yên tâm hơn. “Nếu khi bơi bị mệt hoặc bị nước cuốn ra xa, tôi có thể dựa vào hệ thống phao này để bơi lại vào bờ”, ông Tám nói. Qua quan sát tại khu vực bãi tắm đường Củ Chi, rất nhiều người dân và du khách tập trung tắm tại khu vực đã được khoanh vùng bằng hệ thống phao an toàn. Tương tự, bãi tắm được khoanh vùng an toàn tại đường Đặng Tất cũng có rất nhiều người dân vào tắm. Đây là 2 bãi tắm thí điểm trong kế hoạch khoanh vùng bãi tắm an toàn của Ban Quản lý vịnh Nha Trang.
|
Bãi tắm khu vực Hòn Chồng và vùng lân cận có dòng chảy mạnh, thường xuyên xuất hiện sóng lớn và các dòng RIP. Trước đây, khu vực này đã xảy ra nhiều trường hợp bị nước cuốn ra xa, đuối nước. Có khi trong một buổi sáng, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã cứu hơn 10 trường hợp bị sóng cuốn ra xa, trong đó phần lớn là khách du lịch. “Từ khi triển khai hệ thống phao an toàn, lực lượng cứu hộ cứu nạn luôn nhắc nhở, hướng dẫn du khách và người dân vào tắm trong khu vực này. Khi hiểu được mục đích của các khu vực này là đảm bảo an toàn, du khách và người dân địa phương cũng rất ý thức thực hiện. Vì vậy, hơn 1 tháng qua, khu vực này chưa xảy ra trường hợp nào bị đuối nước, sóng cuốn ra xa”, ông Nguyễn Quốc Việt - Tổ trưởng Tổ cứu hộ cứu nạn khu vực Hòn Chồng cho biết.
Từ tháng 1 đến đầu tháng 12, lực lượng cứu hộ cứu nạn của Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã cứu hộ thành công gần 60 trường hợp đuối nước, tai nạn thương tích. Để hạn chế những trường hợp đuối nước thương tâm khi tắm biển, người dân và du khách nên tuân theo hướng dẫn, cảnh báo của nhân viên cứu hộ; không bơi ra khỏi phao giới hạn; bơi trong khu vực có hệ thống phao an toàn, có cờ hiệu và có lực lượng cứu hộ cứu nạn túc trực. |
Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Đội trưởng Đội cứu hộ cứu nạn, bãi tắm dọc đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng dài hơn 8km. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ cứu nạn lại khá mỏng, chỉ có 38 người. Vào những ca chính như: từ 5 giờ đến 9 giờ và từ 15 giờ đến 18 giờ 30, lực lượng cứu hộ cứu nạn trực 100% quân số. Ngoài ca chính, nhân viên cứu hộ chia ca thay nhau trực nên lực lượng mỏng. Trong khi đó, nguy cơ tai nạn đuối nước cho người dân, du khách có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt là vào thời điểm biển động. Vì vậy, Ban Quản lý vịnh Nha Trang thực hiện kế hoạch khoanh vùng bãi tắm an toàn nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi tắm biển. Mỗi khu vực được khoanh vùng an toàn rộng khoảng 200 - 300m2, với các nhận biết như: hệ thống phao an toàn, cờ hiệu, bảng báo… Lực lượng cứu hộ cứu nạn cũng túc trực thường xuyên tại các khu vực này. Khi người dân hoặc du khách bị sóng cuốn ra xa có thể bám vào hệ thống phao an toàn để bơi vào bờ hoặc chờ lực lượng cứu hộ cứu nạn ứng cứu. Điều này góp phần giảm thiểu các tai nạn đuối nước thương tâm.
Thời gian tới, Ban Quản lý vịnh Nha Trang sẽ tiếp tục triển khai thêm 5 bãi tắm khoanh vùng an toàn tại bãi biển đường Trần Phú. Cụ thể, tại các khu vực: công viên Thanh niên; đường Tuệ Tĩnh - Công an tỉnh; đường Nguyễn Thị Minh Khai - Quảng trường 2-4; đường Nguyễn Chánh; đường Lê Lợi.
Theo Báo Khánh Hòa