Ngày 11/7/2016, Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2016 - 2020, đến nay, sau 2 năm rưỡi tổ chức triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả tích cực, một số mục tiêu đã đạt so với Nghị quyết đề ra như: Thu hút vốn đăng ký đầu tư mới và đóng góp thu ngân sách trên địa bàn Khu Kinh tế; nhiều dự án lớn sắp được triển khai, đi vào hoạt động; giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động; hạ tầng bước đầu đã được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư; Đề án thành lập Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong đã được Bộ Chính trị thông qua và đang tích cực triển khai các bước tiếp theo...
Thu hút đầu tư vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, từ năm 2016 đến 5/2018, KKT Vân Phong đã thu hút mới 32 dự án (28 dự án trong nước và 04 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký 60.270 tỷ đồng (tương đương 2,740 tỷ USD), tăng gần gấp 02 lần so với giai đoạn 2011-2015, vượt mục tiêu Nghị quyết 08-NQ/TU đề ra (tối thiểu đạt 50.000 tỷ đồng). Đến nay, Khu kinh tế Vân Phong đã có 155 dự án đầu tư (127 dự án trong nước và 27 dự án có vốn ĐTNN) với tổng vốn đăng ký 4,02 tỷ USD, vốn thực hiện là 664 triệu USD đạt 17% vốn đăng ký. Các dự án đã đi vào hoạt động trên địa bàn KKT Vân Phong đã đóng góp cho ngân sách tỉnh với tỷ lệ khoảng 30,4% (năm 2016); 31,85 % (năm 2017), quý I năm 2018 chiếm 49,36 % của tỉnh. Việc đóng góp thu ngân sách trên địa bàn KKT Vân Phong có xu hướng tăng và đã đạt được so với mục tiêu đề ra (chiếm 30-40% của tỉnh). Đã giải quyết việc làm cho 6.008 lao động (5.874 lao động Việt Nam và 134 lao động nước ngoài), đạt 60% so với mục tiêu đề ra (khoảng 10.000-12.000 người), dự đoán việc giải quyết việc làm tại KKT trong thời gian đến sẽ tiếp tục tăng khi nhiều dự án hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, vốn giải ngân các dự án ngoài ngân sách giai đoạn 2016-2017 đạt khoảng 1.140 tỷ đồng, đạt 3% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra (khoảng 40.000 tỷ), nguyên nhân do các dự án lớn thu hút mới đang trong giai đoạn chuẩn bị thủ tục đầu tư hoặc mới triển khai xây dựng nên khối lượng giải ngân còn thấp. Dự kiến các dự án lớn như: Cảng tổng hợp Nam Vân Phong (984 tỷ đồng) và Bắc Vân Phong (417 tỷ đồng), một số trạm phân phối xi măng, chế tạo cơ khí tại KCN Ninh Thủy,... sẽ hoàn thành xây dựng trong năm 2019 và Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 dự kiến khởi công xây dựng cuối năm 2018 thì tổng vốn giải ngân sẽ tăng nhanh trong giai đoạn năm 2019-2020.
Ngoài ra, tại khu vực Nam Vân Phong hiện nay tiếp tục có nhiều nhà đầu tư đang khảo sát và đề xuất các dự án công nghiệp lớn trong lĩnh vực hoá dầu, điện khí, phát triển các khu công nghiệp, phụ trợ đóng tàu,... Các dự án đầu tư phát triển đô thị cũng được các nhà đầu tư quan tâm thúc đẩy thực hiện như: dự án Khu đô thị Đông bắc Ninh Hoà đã có hơn 10 nhà đầu tư đăng ký đầu tư; dự án Khu dân cư Ninh Long, Ninh Thuỷ đang tổ chức rà soát và đang tập trung đẩy nhanh các thủ tục để triển khai xây dựng. Đây là những tín hiệu phấn khởi đối với tình hình thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị tại khu vực Nam Vân Phong theo đúng định hướng, mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Hiện nay, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách được phân bổ cho KKT Vân Phong khá thấp so với nhu cầu cũng như so với các Khu kinh tế ven biển khác nên gặp rất nhiều khó khăn trong đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Được biết, nhu cầu vốn đầu tư trung hạn (2016-2020) cho KKT Vân Phong là 1.843 tỷ đồng để bố trí cho 08 dự án hạ tầng. Tuy nhiên, thực tế chỉ được xem xét, bố trí 963,299 tỷ đồng để thực hiện, mức bố trí này hiện chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng hạ tầng hàng năm của KKT, (cụ thể: Năm 2016: 248,7 tỷ đồng; năm 2017: 143 tỷ đồng; năm 2018: 129 tỷ đồng). Vì vậy, từ năm 2016 đến nay, Ban Quản lý KKT Vân Phong chủ yếu tập trung cho 04 dự án hạ tầng giao thông của KKT và công tác giải phóng mặt bằng, gồm: Dự án Cải tuyến Tỉnh lộ 1B (465 tỷ đồng) đã hoàn thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 (4km) và đang tiếp tục thi công giai đoạn 2; Dự án Đường vào kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (240 tỷ đồng), đã hoàn thành 80% khối lượng; Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 1A đi Đầm Môn (998 tỷ đồng), đang tổ chức giải phóng mặt bằng và thi công hoàn thiện phần mặt đường đối với những đoạn đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; Dự án Đường giao thông ngoài cảng Bắc Vân Phong đã hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng, nhưng chưa được bố trí vốn thực hiện để triển khai xây dựng.
Bên cạnh đó, tiến độ giải phóng mặt bằng của một số dự án sản xuất kinh doanh vẫn còn chậm, kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, hạn chế sự phát triển khu vực Nam Vân Phong như: Khu công nghiệp Ninh Thủy, Khu du lịch Dốc Lết - Phương Mai,… Hạ tầng cấp nước cho KKT còn hạn chế, nhất là các hồ chứa nước chưa được đầu tư kịp thời để đáp ứng nhu cầu nước phục vụ cho KKT cũng như cho Đặc khu trong thời gian tới. Đồng thời, việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để quản lý và vận hành đặc khu trong tương lai cũng là một thách thức lớn đối với tỉnh.
Trước tình hình trên, Ban Quản lý KKT Vân Phong đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết một số nội dung cụ thể như: Tiếp tục đề xuất Quốc hội, Chính phủ quan tâm xem xét, bổ sung vốn từ các nguồn vốn bổ sung có mục tiêu của Trung ương để tiếp tục tập trung hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho khu vực Nam Vân Phong để sớm tạo nên hạ tầng đồng bộ, kết nối các khu vực; sớm hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án như: KCN Ninh Thuỷ, Khu sản xuất công nghiệp tập trung Ninh Thọ, Khu du lịch Dốc Lết-Phương Mai,… để hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động đúng tiến độ; kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí vốn để đầu tư xây dựng Hồ Đồng Điền đáp ứng kịp thời kịp thời nhu cầu sử dụng nước phục vụ cho việc đầu tư xây dựng Đặc khu Bắc Vân Phong sau khi được thành lập; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển của KKT và Đặc khu trong thời gian tới.
Ảnh chụp: Vân Phong từ trên cao - Nguồn: Internet
Tích cực chuẩn bị cho việc thành lập Đặc khu Bắc Vân Phong
Để chủ động chuẩn bị cho việc triển khai đầu tư phát triển Đặc khu Bắc Vân Phong ngay sau khi Quốc hội thông qua Đề án thành lập Đặc khu Bắc Vân Phong và Luật Đặc khu, tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép chỉ định thầu tư vấn lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng cho Đặc khu Bắc Vân Phong và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Hiện nay, UBND tỉnh đã tiến hành triển khai lập đề cương, nhiệm vụ và dự toán 2 quy hoạch gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng và đang tổ chức thẩm định để phê duyệt theo quy định. Về chi phí tư vấn lập quy hoạch cho Đặc khu, Tỉnh đang nghiên cứu, xem xét việc thực hiện xã hội hoá kinh phí tổ chức lập quy hoạch Đặc khu dưới hình thức tài trợ, tiếp nhận sản phẩm quy hoạch từ nhà đầu tư có đề xuất hỗ trợ; việc triển khai được thực hiện theo hình thức hợp đồng 3 bên giữa tư vấn, nhà đầu tư và cơ quan nhà nước (hình thức mà tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện). Đồng thời, Tỉnh sẽ nghiên cứu, xem xét lựa chọn một số nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm, có uy tín và có khả năng thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước (đã đăng ký) cùng tham gia xây dựng phát triển Đặc khu Bắc Vân Phong về lâu dài và sẽ công nhận làm nhà đầu tư chiến lược khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (sẽ được thông qua trong thời gian tới).
Được biết, để chuẩn bị tốt mọi điều kiện liên quan để có thể triển khai thực hiện ngay sau khi Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và Đề án thành lập Đặc khu Bắc Vân Phong được Quốc hội thông qua trong thời gian tới, ngày 12/6/2018 UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch 5812/KH-UBND giao nhiệm vụ cho cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động thực hiện một số nội dung công việc liên quan theo đúng yêu cầu, tiến độ đề ra.
Có thể khẳng định, việc phát triển thành công Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong sẽ là hướng phát triển mới, là cơ hội vô cùng to lớn để tạo nên bước nhảy vọt về phát triển về kinh tế - xã hội cho tỉnh nói chung và KKT Vân Phong nói riêng, sớm đưa Khánh Hoà trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo Kết luận 53-KL/TW của Bộ Chính trị.
Quang Chính - Văn phòng Tỉnh ủy