Trong khuôn khổ các sự kiện Festival Biển 2019, ngày 11-5, Công ty Yến Sào Khánh Hòa tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam”. Đến dự có ông Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; các vị lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Khánh Hòa, các sở, ban, ngành trong tỉnh cùng các nhà khoa học, chuyên gia trong nước.
.JPG)
Nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh minh họa.
Hội thảo đã tập trung nghiên cứu, trao đổi và thảo luận nhiều vấn đề liên quan như: Đánh giá hiện trạng và tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sự phát triển quần thể chim yến tại Việt Nam; giải pháp khoa học và công nghệ (KH-CN) phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam; ứng dụng KH-CN, bí quyết kỹ thuật phát triển nghề nuôi chim yến; định hướng phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam theo định hướng bền vững và hiệu quả cao; công nghệ chế biến tạo sản phẩm cao cấp từ yến và các sản phẩm giá trị gia tăng từ yến; giá trị bổ dưỡng và công dụng của yến sào; sở hữu trí tuệ, thương hiệu yến sào theo quy định của luật pháp quốc tế…
Được biết, từ năm 2004 trở lại đây, chim yến đã vào sinh sống, làm tổ trong nhà ở hầu hết các tỉnh từ Hải Phòng đến Cà Mau, Phú Quốc - Kiên Giang. Cả nước có khoảng 8.548 nhà yến, trong đó tập trung nhiều ở các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận với khoảng 3.424 ngôi nhà yến, sản lượng từ 200 – 300kg/năm. Riêng TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Tiền Giang đến nay đã thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến. Những doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này như Công ty Yến sào Khánh Hòa, Công ty Yến Quân… đã áp dụng công nghệ cao vào các khâu ấp trứng, nuôi nhân tạo, di đàn, xây nhà yến, dẫn dụ, khai thác tổ yến với quy mô lớn. Người nuôi yến đã được trang bị nhiều kiến thức thực tế cũng như được tập huấn bởi kỹ thuật dẫn dụ và khai thác yến sào. Tuy nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng thời gian qua, việc nuôi chim yến chỉ phát triển mang tính tự phát là chủ yếu; chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng, chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chưa có giá trị xuất khẩu cao vì chủ yếu xuất thô; thiếu hoặc không nghiên cứu đầy đủ về khí hậu, thời tiết, vùng sinh thái và tập tính của loại chim yến nhà. Do đó, dẫn đến tình trạng xây nhà xong nhưng chim yến không về làm tổ, hoặc ở những vùng có khí hậu mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp làm chim yến chết…
Vì vậy, yêu cầu quan trọng của hội thảo lần này là bên cạnh việc thu thập thông tin về phát triển bền vững nghề nuôi chim yến Việt Nam, các nhà quản lý, nhà khoa học sẽ đóng góp nhiều ý kiến nhằm xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển nghề nuôi yến Việt Nam tới năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; điều tra, nghiên cứu quy hoạch các khu bảo tồn thiên nhiên cho loài chim yến có giá tri kinh tế, bảo tồn lưu giữ nguồn gen quý hiếm, giải pháp nguồn thức ăn, môi trường sinh thái nhà yến, quy hoạch các vùng, làng nghề nuôi chim yến tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Theo Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh