UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm. Trong đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế được xác định là rất cấp bách.
Các chỉ tiêu giảm mạnh
Theo báo cáo của UBND tỉnh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh 9 tháng năm 2020 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giảm 9,8%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 10,89%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhưng chỉ khiêm tốn ở mức 0,52%. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm tới 30,46%; doanh thu du lịch giảm 79,3% với số lượt khách lưu trú giảm 82%, đây là mức giảm chưa từng có trong 10 năm gần đây. Do sự giảm sút trong mọi lĩnh vực nên trong 9 tháng, thu nội địa bằng 51,84% dự toán. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế chung của tỉnh trong 3 tháng cuối năm và những năm sau.
|
Đồng chí Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 9 tháng năm 2020, tuy kinh tế của tỉnh gặp nhiều thách thức, song các ngành, các cấp vẫn có những ứng phó kịp thời. Tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhằm hạn chế sự lây lan, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện các nhóm giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19 gây ra. Đồng thời, có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân. “Thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt kết quả tích cực với 12 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 7.009,6 tỷ đồng (8 tháng năm 2019, toàn tỉnh thu hút được 12 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 1.075,35 tỷ đồng). Đáng ghi nhận, tỉnh đã kịp thời cách ly các ca dương tính Covid-19, không để lây nhiễm ra cộng đồng; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 an toàn, nghiêm túc”, ông Trần Hòa Nam cho hay.
Nhiều giải pháp quyết liệt
Thời gian qua, UBND tỉnh, các ban, ngành và địa phương đã có những giải pháp cụ thể cho phát triển kinh tế, tuy nhiên thời gian tới vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới sẽ tạo ra nhiều thách thức trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra đầu năm, đặc biệt là đối với các ngành, lĩnh vực như: Thương mại - du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu ngân sách... Sau khủng hoảng do dịch Covid-19, các dự báo cho thấy, để ngành du lịch có thể đạt trạng thái phục hồi hoàn toàn cả về thị trường và khả năng cung ứng dịch vụ, đảm bảo sự ổn định tăng trưởng trở lại như trước khủng hoảng thì phải cần thời gian tối thiểu 1 năm.
|
Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, 3 tháng cuối năm 2020, dự báo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội sẽ không đạt được mục tiêu mà Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đặt ra và khó xác định được kết quả đạt được cuối năm. Do đó, vấn đề đặt ra là phải tập trung tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản để nâng giá trị tăng thêm khu vực này trong GRDP, nhằm ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch để tạo ra giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế chung. Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, giải quyết vướng mắc cho các nhà đầu tư, nhất là các dự án sản xuất công nghiệp. Vấn đề đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công cũng được xem là giải pháp quan trọng để nâng giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng trong GRDP, nhằm bù đắp cho khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực dịch vụ bị giảm.
Theo đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2020, tỉnh phấn đấu tốc độ GRDP tăng 0,05% so với năm 2019. Trong đó, GRDP theo ngành kinh tế tăng 0,8%. Để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu này, 3 tháng cuối năm cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách. Theo đó, các ngành, các cấp cần phát huy mạnh mẽ dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn. Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ổn định và tiếp tục đẩy mạnh sản xuất. Bên cạnh đó, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ thủy hải sản để tăng sản lượng đánh bắt, nuôi trồng. Đối với sản xuất công nghiệp, phải nắm bắt thông tin về các khó khăn, vướng mắc của từng nhóm ngành để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ. Tỉnh tiếp tục xây dựng và triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa và thu hút đầu tư FDI.
Theo Báo Khánh Hòa
https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202009/phat-trien-kinh-te-3-thang-cuoi-nam-tap-trung-cac-giai-phap-cap-bach-8185674/