Tại hội thảo “Kỷ nguyên nuôi biển hướng ra xa bờ” do Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh, Hội đồng Xuất khẩu Đậu nành Hoa Kỳ tổ chức, các chuyên gia cho rằng, phát triển nuôi biển xa bờ là xu hướng tất yếu. Đồng chí Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng hành với tỉnh để phát triển nuôi biển hướng ra xa bờ bằng công nghệ hiện đại, quy mô lớn…
Hướng phát triển mới
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển và nuôi biển nói chung được Đảng và Nhà nước quan tâm phát triển. Tuy nhiên, hơn 20 năm qua, nuôi biển vẫn chủ yếu ven bờ, trong các vũng, vịnh và vùng nước kín gió. Việc phát triển có phần quá mức của nuôi biển theo kiểu truyền thống đã để lại nhiều hệ lụy về môi trường, gây thiệt hại cho người NTTS trên biển. Vì vậy, cần phải tiến dần ra nuôi biển xa bờ với mô hình nuôi biển công nghiệp. Định hướng của tỉnh về phát triển nuôi biển hiện đại, quy mô công nghiệp, hướng ra xa bờ là phù hợp với xu hướng chung của ngành nuôi biển trên thế giới hiện nay.
|
Một khu vực nuôi cá chẽm công nghệ cao của Công TNHH Thủy sản Australis Việt Nam tại Vân Phong. Ảnh: THIỆN TÂM |
Theo kinh nghiệm của ông Rob Garrison, chuyên gia về NTTS của Công ty NewSeas LLC (Hoa Kỳ), để đảm bảo thành công của NTTS xa bờ cần phải tính toán kỹ về quy mô, phục vụ xuất khẩu, nếu chỉ tính toán phục vụ nội địa thì khó thành công. Bên cạnh đó, cần chú ý loài thủy sản nuôi chủ lực là loài bản địa, đã được kiểm chứng về hiệu quả nuôi; việc lựa chọn vị trí nuôi cần tránh xa nguồn gây ô nhiễm, thuận lợi trong việc cung ứng thức ăn, chăm sóc, thu hoạch. Việc phát triển nguồn giống ổn định; đầu tư cho chế biến sản phẩm sau thu hoạch cũng rất quan trọng. Ngoài ra, nguồn cung ứng trang thiết bị, lồng bè tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, nhân lực phục vụ nuôi biển… là những yếu tố quyết định đến sự thành công của dự án nuôi biển xa bờ.
Theo đồng chí Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có định hướng: “Phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng: Nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường”. Hiện nay, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa nhằm phát triển ngành NTTS của tỉnh theo phương thức nuôi công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, hình thành vùng nuôi biển xa bờ vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.
Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư
Theo Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 1.500ha, thể tích lồng nuôi đạt 4 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 30.000 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD. Trong đó, nuôi biển trong phạm vi 3 hải lý (ven bờ) là 800ha, thể tích lồng nuôi đạt 2,5 triệu m3, sản lượng đạt 12.000 tấn; nuôi biển trong phạm vi từ 3 - 6 hải lý (xa bờ) là 700ha, thể tích lồng nuôi đạt 1,5 triệu m3, sản lượng đạt 18.000 tấn.
|
Thu hoạch cá chim vây vàng thương phẩm tại Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I. Ảnh: THIỆN TÂM |
Để thực hiện những mục tiêu này, tỉnh tập trung phát triển sản xuất giống phục vụ nuôi biển công nghệ cao; nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới vào nuôi biển thương phẩm; phát triển quan trắc môi trường, chủ động phòng, chống dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp phát triển dịch vụ hậu cần nuôi biển; phát triển chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong nuôi biển xa bờ; xây dựng chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư nuôi biển công nghiệp xa bờ, công nghiệp hỗ trợ, chế biến sản phẩm áp dụng công nghệ tiên tiến để tạo sản phẩm có giá trị gia tăng; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong nuôi biển; xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ nuôi từ vật liệu truyền thống sang công nghệ vật liệu mới; có giải pháp chuyển đổi công nghệ nuôi biển…
Đồng chí Trần Hòa Nam cho biết: “UBND tỉnh mong muốn, kêu gọi Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, đồng hành với tỉnh trong việc hỗ trợ, liên kết, đầu tư xây dựng các mô hình nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại (nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE), ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại… Từ đó, từng bước đưa ngành nuôi biển tỉnh phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại lợi ích kinh tế cho chính các hộ nuôi NTTS, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh”.
HẢI LĂNG
Theo https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202305/phat-trien-nuoi-bien-huong-ra-xa-bo-59f07c7/