Sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây đã tạo điều kiện cho ngày càng nhiều khách hàng được tiếp cận dịch vụ ngân hàng; thông qua đó, gia tăng sử dụng thanh toán điện tử, góp phần giảm sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)
Ngân hàng với xu hướng chuyển đổi số
Theo kế hoạch của Chính phủ, đến cuối năm 2019, các ngân hàng thương mại thực hiện chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ từ nội địa, 35% số lượng ATM và 50% số lượng POS (công cụ hỗ trợ thanh toán thẻ ATM lưu động) hiện có sang công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc. Chậm nhất vào 31/12/2021, toàn bộ thẻ từ nội địa đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ tiêu chuẩn về thẻ chip nội. Do đó, Giám đốc trung tâm thẻ của một ngân hàng thương mại cho biết, dự kiến đến cuối năm nay sẽ chính thức ra mắt sản phẩm thẻ đầu tiên ứng dụng công nghệ thanh toán không tiếp xúc theo chuẩn quốc tế (EMV contactless). Bước đầu, ngân hàng này sẽ triển khai máy POS đọc thẻ chip cho chuỗi rạp chiếu phim, siêu thị… trên toàn quốc; nhưng nếu máy POS chưa có công nghệ mới vẫn có thể quẹt thẻ để thanh toán bình thường.
Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), tính đến cuối năm 2018, số lượng thẻ đạt 147,3 triệu thẻ. Máy ATM, POS đạt lần lượt 18.587 và 243.123 máy. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng, tổ chức tiền gửi thanh toán tại Việt Nam đã ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm giảm chi phí, tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật cho sản phẩm, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt...); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code); thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ (Tokenization); thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment) tốc độ và tiện lợi...
Việc thanh toán bằng QR code hay còn gọi là một chạm, được các tổ chức quan tâm để thúc đẩy thanh toán qua điện thoại di động. Đến nay đã có 16 ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán này, toàn thị trường có 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code.
Hiện Việt Nam có 48 ngân hàng phát hành thẻ nội địa với số lượng khoảng 76 triệu thẻ, hơn 261.000 máy POS và 18.600 máy ATM; trong đó phần lớn POS đã tuân theo Tiêu chuẩn EMV nên việc triển khai thẻ chip nội địa trên các thiết bị chấp nhận thẻ sẽ không quá phức tạp.
Mới đây, 7 ngân hàng gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank, ABBank đã chính thức công bố ra mắt sản phẩm thẻ chip nội địa của các ngân hàng. Việc chuyển đổi thẻ này được xem là xu thế tất yếu của các nước trong khu vực và quốc tế trước tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng; ngoài ra, đây còn là giải pháp nâng cao công nghệ trong việc cung cấp sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng.
Cần sự chuyển đổi đồng bộ
Theo đánh giá của các chuyên gia, thanh toán điện tử còn những hạn chế như hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán điện tử chưa đồng bộ, mới tập trung ở các thành phố, đô thị, chưa trang bị các nông thôn, miền núi. Các phương tiện, dịch vụ thanh toán điện tử mới chưa được triển khai trên diện rộng để đáp ứng nhu cầu thanh toán vùng nông thôn, miền núi.
Cùng với đó, phần lớn người dân vẫn sử dụng mặt do tâm lý e dè, ngại tìm hiểu, sợ rủi ro đã ngăn cản việc tiếp cận của người tiêu dùng với các hình thức thanh toán điện tử.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng để đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt cần xây dựng hệ sinh thái, không chỉ có ngân hàng cung cấp giải pháp thanh toán, mà ngân hàng cùng nhà cung cấp dịch vụ, hệ thống doanh nghiệp và các tổ chức cùng hợp tác để cung cấp dịch vụ ngân hàng tốt nhất cho người dân và phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Sự liên kết giữa ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông đang bắt đầu bằng nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển thanh toán điện tử, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh trong một hội thảo gần đây về chủ đề phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt cũng khẳng định, cần chú trọng tới xu hướng số hóa dịch vụ ngân hàng, lấy khách hàng làm trung tâm trở nên phổ biến và hành vi người tiêu dùng có sự thay đổi mạnh mẽ từ tương tác giới hạn trong môi trường off-line, gặp mặt trực tiếp nhân viên ngân hàng sang môi trường giao dịch trực tuyến không gặp mặt, tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng liên tục, mọi lúc, mọi nơi trên nhiều loại thiết bị di động.
Phó Thống đốc khẳng định, trong bối cảnh mới hiện nay đòi hỏi các ngân hàng, tổ chức tiền gửi thanh toán phải đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ 4.0 nhằm cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới; đẩy mạnh khai thác, phân tích dữ liệu thông minh để thấu hiểu khách hàng, qua đó cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với giá cả hợp lý; bảo vệ bí mật khách hàng, ngăn ngừa tấn công mạng…/.
Theo Dangcongsan.vn