Thời gian qua, công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Một số kết quả
Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, cơ quan thuế đang quản lý thu thuế 1.535 doanh nghiệp (DN) và 137 hộ hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn; tăng 290 DN và 31 hộ so với năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm, tổng số thuế nộp ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này hơn 463 tỷ đồng, bằng 98% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, số thu ngân sách từ các hoạt động đều tăng so với cùng kỳ do lượng khách du lịch tăng. Điển hình như, số nộp của các DN hoạt động lữ hành tăng 77%; hoạt động thương mại, dịch vụ ăn uống phục vụ khách nước ngoài tăng 14%. Riêng số thuế đã nộp của các hộ kinh doanh tăng 132%. Tuy nhiên, số thu từ hoạt động lưu trú có phần giảm (bằng 91% so với cùng kỳ). Nguyên nhân chủ yếu do Công ty Cổ phần Vinpearl thực hiện sáp nhập các công ty con, số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ lớn, dẫn đến số thuế phải nộp giảm.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Trưởng phòng Thanh tra thuế Cục Thuế tỉnh cho biết, thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu của các DN, hộ trong lĩnh vực lưu trú, lữ hành, kinh doanh ăn uống, thương mại theo chỉ đạo của UBND tỉnh để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu. Bên cạnh đó, tập huấn cho các DN và công chức thuế sử dụng ứng dụng hệ thống quản lý thông tin lưu trú của 3 cơ quan gồm: thuế, công an, Sở Du lịch. Qua đó, tăng cường giám sát việc kê khai thuế đối với hoạt động lưu trú; quản lý công suất phòng, giá bán hiệu quả hơn.
Cơ quan thuế còn chú trọng thanh tra, kiểm tra các DN kinh doanh du lịch có dấu hiệu rủi ro cao; đã ban hành 54 quyết định xử lý, tổng số thuế truy thu và phạt khai sai hơn 74 tỷ đồng. Đồng thời, chuyển 3 hồ sơ có dấu hiệu trốn thuế sang cơ quan công an để điều tra, xử lý. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, ngành Thuế tỉnh đã kiểm tra, rà soát kê khai thuế đối với các DN lưu trú có dịch vụ đặt phòng qua mạng như: Agoda, Booking.com... để kê khai điều chỉnh, bổ sung thuế nhà thầu nước ngoài, tính tiền chậm nộp, nộp vào ngân sách…
|
Còn khó khăn, vướng mắc
Hiện nay, cơ quan thuế gặp khó trong việc kiểm soát giá bán thực tế đối với các khách sạn từ 2 sao trở xuống không có phần mềm quản lý khách sạn bài bản, đặc biệt là trong mùa cao điểm du lịch. Tình trạng kê khai thiếu thuế trong hoạt động thương mại, dịch vụ, ăn uống còn phức tạp do một số DN không xuất hóa đơn khi bán hàng. Mặt khác, công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại du lịch phục vụ khách nước ngoài gặp trở ngại trong việc kiểm soát doanh thu và kê khai thuế như: có thông tin về thanh toán bằng đồng nhân dân tệ qua máy POS nhưng tiền không qua hệ thống ngân hàng của Việt Nam mà đi thẳng về Trung Quốc...
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh, nhất là TP. Nha Trang phát triển mạnh mô hình căn hộ du lịch, kéo theo hình thức “đầu tư sinh lời” giữa chủ đầu tư dự án và chủ sở hữu căn hộ. Một số dự án hoạt động không rõ ràng về mục đích sử dụng nên việc xác định trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế còn bất cập. Tại TP. Cam Ranh, tuy việc kinh doanh ăn uống trên lồng bè đã bị cấm và không quản lý thuế do không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật nhưng thực tế một số hộ vẫn hoạt động, gây thất thu ngân sách.
Hướng tháo gỡ
Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, thời gian tới, cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát những DN hoạt động du lịch thường xuyên thay đổi người đại diện theo quy định pháp luật, địa chỉ kinh doanh hoặc một người đứng tên đại diện cho nhiều DN để tăng cường kiểm tra, giám sát. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, Sở Du lịch trong việc hỗ trợ cung cấp dữ liệu lưu trú của khách sạn, quy mô khách sạn, đơn giá phòng nghỉ đã đăng ký. Cơ quan công an cung cấp cho cơ quan thuế đường dẫn phần mềm đăng ký lưu trú qua mạng đối với các khu căn hộ để khai thác quản lý. Các ngân hàng cần cung cấp thông tin những giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ nhằm phát hiện DN có phát sinh khoản doanh thu được thanh toán qua ngân hàng nhưng không kê khai nộp thuế...
Cùng với đó, cơ quan chức năng kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú đối với các căn hộ, chịu trách nhiệm toàn bộ việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với những hoạt động kinh doanh trong dự án. Nên chăng, UBND tỉnh có ý kiến với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh cung cấp số lượng khách đã nhập cảnh vào cửa khẩu Sân bay quốc tế Cam Ranh để cơ quan chức năng có cơ sở đấu tranh với các DN hoạt động lữ hành có dấu hiệu gian lận thuế. Riêng các bè nổi không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn TP. Cam Ranh, UBND tỉnh nên chỉ đạo các ban, ngành liên quan kiên quyết xử lý nếu vẫn cố tình hoạt động.
Theo Báo Khánh Hòa