Với sự tăng trưởng “nóng” như hiện nay, việc sớm công bố quy hoạch Cảng Hàng không (CHK) quốc tế Cam Ranh là điều hết sức cần thiết. Nhiều chuyên gia cho rằng, quy hoạch này phải có tầm chiến lược.
|
Tiếp tục quá tải
Theo thống kê, năm 2011, lượng khách thông qua CHK quốc tế Cam Ranh chỉ đạt 1 triệu lượt thì đến năm 2015, con số này là 2,7 triệu lượt và năm 2016 tăng lên gần 4,9 triệu lượt. Trong khi đó, công suất thiết kế của nhà ga dùng chung cho cả hành khách nội địa và quốc tế chỉ ở mức 2,5 triệu lượt/năm. Với thực trạng đó, một nhà ga hành khách quốc tế mới được xây dựng và đã đi vào hoạt động từ tháng 6-2018 nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng “nóng” của khách quốc tế.
Đây là nhà ga quốc tế đạt chuẩn 5 sao; với thiết kế công suất đến năm 2020 là 2,5 triệu khách/năm, đến năm 2025 là 4 triệu khách/năm và đến năm 2030 là 8 triệu khách/năm. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, dự kiến tổng công suất năm 2018 tại sân bay Cam Ranh đã lên đến khoảng 8,5 triệu lượt hành khách, công suất tăng trưởng khoảng 20%/năm. Trong khi đó, đặc thù của CHK quốc tế Cam Ranh đón đến 70% là khách quốc tế và chỉ có 30% khách trong nước. Hiện nay, có đến 21 hãng hàng không đang khai thác đường bay quốc tế tại sân bay Cam Ranh, trong đó có 18 hãng quốc tế.
Như vậy, dù đã đưa vào khai thác nhà ga hành khách quốc tế mới nhưng CHK quốc tế Cam Ranh vẫn tiếp tục bị quá tải. “Nhu cầu phát triển tại sân bay quốc tế Cam Ranh cực kỳ lớn. Nhiều hãng hàng không đề nghị được bay tại sân bay Cam Ranh nhưng do cơ sở hạ tầng cũng như nhân sự, an ninh hải quan… chưa đủ phục vụ nên phải từ chối tiếp nhận”, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết tại cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) với lãnh đạo tỉnh mới đây.
|
Cần Sớm điều chỉnh quy hoạch
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, theo quy hoạch CHK quốc tế Cam Ranh được Thủ tướng phê duyệt năm 2009, dự kiến giai đoạn đến 2020 và định hướng đến năm 2030, cảng này dùng chung cho quân sự và dân sự, cấp CHK 4E và sân bay quân sự cấp I. Trong đó, công suất thiết kế hành khách đến năm 2020 là 5,5 triệu khách/năm; công suất thiết kế hành khách dự kiến đến năm 2030 là 8 triệu lượt khách.
Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tháng 2-2018, công suất thiết kế hành khách dự kiến đến năm 2020 của CHK quốc tế Cam Ranh là 8 triệu lượt khách/năm và đến năm 2030 là 25 triệu lượt khách/năm. Vì vậy, cần phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHK quốc tế Cam Ranh; đồng thời từng bước đầu tư hạ tầng khu bay, nhà ga, sân đỗ và các hạng mục khác. “Tỉnh đã làm việc với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV), khái toán dự kiến tổng vốn đầu tư cần để phát triển CHK quốc tế Cam Ranh đến năm 2030 theo quy hoạch mới được Thủ tướng phê duyệt gần 12.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư khu bay 1.600 tỷ đồng; nhà ga, sân đỗ và các hạng mục khác thuộc tài sản của ACV gần 10.400 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho biết.
UBND tỉnh và ACV thống nhất kiến nghị Chính phủ và Bộ GTVT có cơ chế giải pháp để ACV sớm có thể triển khai các dự án đầu tư trong khu bay. Ngay khi có cơ chế quản lý khai thác khu bay, ACV triển khai ngay các dự án trong khu bay, bao gồm việc nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ hiện hữu của CHK quốc tế Cam Ranh. Đối với việc xây dựng nhà ga T3 và công trình đồng bộ, hiện nay, ACV đã báo cáo Bộ GTVT kế hoạch đầu tư nhà ga này với công suất 12 triệu hành khách/năm trong giai đoạn 2018 - 2025. Tuy nhiên, theo quy hoạch chi tiết CHK quốc tế Cam Ranh trước đây, đến năm 2030 đạt công suất 15 triệu lượt hành khách/năm và chưa quy hoạch vị trí nhà ga T3. Vì vậy, UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, trong đó có nhà ga T3, đồng thời điều chỉnh công suất khai thác phù hợp. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết được duyệt, ý kiến chấp thuận của Bộ GTVT, ACV sẽ triển khai các thủ tục đầu tư dự án để giảm tải ùn tắc cho CHK quốc tế Cam Ranh.
Như vậy, với sức tăng trưởng “nóng” tại CHK quốc tế Cam Ranh, việc điều chỉnh quy hoạch cảng này là hết sức cần thiết để có cơ sở đầu tư hạ tầng, đáp ứng nhu cầu hành khách thông qua cảng.
Theo Báo Khánh Hòa