Sáng 23-8, Sở Công Thương tổ chức công bố quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, nhiều định hướng cho công nghiệp được vạch ra một cách cụ thể.
Phát triển theo hướng hiện đại
Trong quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2025, tỉnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó ưu tiên khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, lựa chọn phát triển các ngành, các sản phẩm sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, tiêu tốn ít tài nguyên, thân thiện môi trường, có khả năng tạo ra giá trị kinh tế cao, đóng góp lớn vào tổng giá trị GDP của tỉnh. Đặc biệt, UBND tỉnh định hướng phát triển công nghiệp gắn với phát triển bền vững, không thu hút đầu tư bằng mọi giá; luôn dành quỹ đất cho phát triển giai đoạn tiếp theo và đón những dự án lớn, công nghệ hiện đại góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu công nghiệp.
|
Từ nay đến năm 2025, UBND tỉnh sẽ tập trung đầu tư cho các ngành công nghiệp có lợi thế như: chế biến, chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng để đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng, có đóng góp lớn cho ngân sách sẽ được chú trọng đặc biệt. Trong đó, công nghiệp cơ khí chế tạo tập trung vào đóng và sửa chữa tàu thuỷ, thiết kế thi công thiết bị siêu trường, siêu trọng, sản xuất các máy móc phục vụ cho sản xuất công nghiệp và chế biến nông lâm, thuỷ sản. Công nghiệp hỗ trợ tập trung vào chế tạo, sản xuất các linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất, lắp ráp tàu thuỷ, ô tô và các sản phẩm điện tử, công nghệ cao. Đối với ngành điện sẽ tập trung vào Dự án Nhiệt điện Vân Phong, nhiệt điện BOT, năng lượng mới, thu hút đầu tư phát triển điện năng lượng mặt trời. Các lĩnh vực công nghiệp hoá chất, giày da, may mặc cũng được định hướng một cách cụ thể.
Ông Lê Hoàng Thọ - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Quy hoạch nhằm mục tiêu phát huy tối đa các lợi thế, huy động mọi nguồn lực, tạo bước phát triển đột phá về cách thức tăng trưởng công nghiệp. Trong đó, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới thu hút đầu tư, phát triển lực lượng lao động kỹ thuật có trình độ cao. Song song đó, sẽ xây dựng chính sách khuyến khích, ưu tiên phát triển công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao”.
Định hướng cụ thể
Ông Nguyễn Sanh Đương - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết, ngoài định hướng phát triển theo ngành nghề, công nghiệp Khánh Hòa giai đoạn tới còn được chia theo 3 vùng trọng điểm gồm Khu kinh tế Vân Phong, Vịnh Cam Ranh và Nha Trang - Diên Khánh. Trong đó, Khu kinh tế Vân Phong được chia thành 2 khu vực, nam Vân Phong phát triển thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, tập trung các dự án trọng điểm với các ngành công nghiệp chủ lực như: lọc hoá dầu, điện, đóng tàu, cảng biển, vận tải biển; bắc Vân Phong sẽ xây dựng thành khu công nghệ cao theo quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đối với khu vực vịnh Cam Ranh, tập trung phát triển tổng hợp kinh tế biển nhằm phát huy hết lợi thế, tiềm năng, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo; chú trọng công nghiệp đóng tàu, hàng hải, cảng biển và phát triển công nghiệp nông thôn, dịch vụ du lịch để giải quyết lao động, góp phần từng bước hiện đại hoá. Riêng khu vực Nha Trang - Diên Khánh sẽ ưu tiên cho công nghiệp điện tử, công nghệ cao; đẩy mạnh công nghiệp nông thôn, công nghiệp phục vụ du lịch, thu hút lao động dôi dư do quá trình đô thị hoá.
Đánh giá về quy hoạch công nghiệp, ông Lê Hoàng Thọ cho rằng, những nội dung trọng yếu trong quản lý phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đã vạch ra được những vấn đề mang tính chiến lược, định hướng cao; quy hoạch giúp các doanh nghiệp hiện có đổi mới công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị sản phẩm ở những phân khúc có giá trị tăng cao. Ngoài ra, quy hoạch đã chú trọng vào việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư bằng các chính sách ưu đãi đặc thù, hấp dẫn; không ngừng đẩy nhanh công tác cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. “Tuy nhiên, để có thể phát triển công nghiệp một cách toàn diện và triệt để theo quy hoạch của tỉnh thì vấn đề vốn và nguồn nhân lực là những thách thức không nhỏ. Vì vậy, chúng ta phải tạo mọi điều kiện để kêu gọi đầu tư, chuẩn bị tốt nhất việc đào tạo nhân lực đủ trình độ phục vụ quá trình phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, bản thân từng sở, ngành, địa phương cần thực hiện quy hoạch công nghiệp một cách linh hoạt nhằm đạt hiệu quả cao nhất” - ông Thọ nói.
ĐÌNH LÂM
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh chiếm 42 đến 44%, riêng công nghiệp chiếm 37 đến 39,5% và tốc độ tăng trưởng bình quân phải đạt 6,9 đến 7,3%/năm. Giai đoạn 2021 -2025, tỷ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm trên địa bàn chiếm 37 đến 39%. Đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghiệp và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 40%; tỷ lệ sản phẩm công nghiệp chế tạo trong tổng giá trị sản xuất đạt trên 45%.
______________________________________________
Theo quy hoạch, đến năm 2025, toàn tỉnh có 4 KCN gồm: KCN Suối Dầu (Cam Lâm) có diện tích hơn 136ha; KCN Ninh Thuỷ (Ninh Hoà) có diện tích 207ha; KCN Nam Cam Ranh (Cam Ranh) có diện tích 350ha; KCN Vạn Thắng (Vạn Ninh) có diện tích 200ha. Các KCN này phục vụ các ngành CN chế biến thực phẩm, điện tử, cơ khí, cơ khí chế tạo, điện tử và CN sạch. Đồng thời, cũng sẽ có 12 CCN với diện tích hơn 525ha, phục vụ chủ yếu các ngành CN sạch.
Theo Báo Khánh Hòa