Vừa qua báo Khánh Hòa có loạt phóng sự “Khai thác cát quản cũng như không”, phản ánh tình trạng “cát tặc” hoành hành làm ảnh hưởng đến môi trường và tái tạo cát tự nhiên. Tỉnh Khánh Hòa đã có chủ trương đầu tư sản xuất cát nhân tạo nhưng đến nay vẫn chưa kêu gọi được các doanh nghiệp.
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhu cầu cát tự nhiên dùng cho xây dựng rất lớn. Tuy nhiên, nguồn cung chủ yếu từ cát tự nhiên lấy từ sông, suối, ảnh hưởng đến dòng chảy, sạt lở bờ… Trong khi đó, cát nhân tạo có nhiều ưu điểm nổi trội so với cát tự nhiên trong xây dựng nhưng trong tỉnh hiện chưa triển khai được dự án sản xuất cát nhân tạo nào dù đã kêu gọi các nhà đầu tư.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, dự báo đến năm 2020, nguồn cung cát tự nhiên sẽ thiếu nghiêm trọng; nhu cầu cát tự nhiên đạt 1,6 - 1,9 triệu m3/năm trong khi tổng công suất khai thác chỉ đạt 1,45 triệu m3/năm. Lượng thiếu hụt cát xây dựng lên tới hàng trăm ngàn m3 mỗi năm. Đồng thời, nhu cầu cát phục vụ sản xuất các loại vật liệu khác cũng tăng nhanh như: bê tông cấu kiện 105.000m3, gạch lát bê tông 300.000m2/năm… Trước tình hình đó, giải pháp được xem là khả thi thay thế cát tự nhiên là sản xuất cát nhân tạo.
Theo các chuyên gia, nguyên liệu sản xuất cát nhân tạo rất dồi dào, có thể làm từ đá vôi, granite, đá basal, đá cuội, sỏi…, thậm chí sử dụng đá cát kết từ phế phẩm ngành than. Sản phẩm cát nhân tạo đảm bảo độ đồng đều về hình dáng, kích thước, không chứa các tạp chất, độ kết dính cao hơn rất nhiều so với cát tự nhiên. Cát nhân tạo có khả năng dần thay thế cát tự nhiên nhờ những đặc tính nổi trội như: tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối nhiều loại bê tông khác nhau; tiết kiệm xi măng, nhựa đường, tăng tuổi thọ công trình và rút ngắn thời gian thi công; giải quyết nhu cầu dùng cát trong các công trình.
|
Ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngày 26-12-2016 UBND tỉnh đã có Quyết định 4013/QĐ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, toàn tỉnh sẽ đầu tư 2 cơ sở chế biến nghiền cát (sản xuất cát nhân tạo) tại huyện Vạn Ninh và TP. Cam Ranh, tổng công suất thiết kế 400.000m3/năm (mỗi nơi 200.000m3). Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai sản xuất cát nhân tạo gặp bế tắc. “Năm 2017, một nhà đầu tư tại Hà Nội có ý định đầu tư sản xuất cát nhân tạo tại Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh. Song do quy hoạch này chồng lấn với quy hoạch hồ Sông Cạn nên tỉnh tạm dừng chưa cấp phép, thế nên nhà đầu tư rút lui. Đến nay, vẫn chưa có nhà đầu tư nào đặt lại vấn đề này dù tỉnh vẫn đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất cát nhân tạo”, ông Thái nói.
Ông Đỗ Văn Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Đá Hóa An 1 - doanh nghiệp đang sản xuất cát nhân tạo quy mô 20.000 tấn/tháng tại Đồng Nai - cho biết, sở dĩ hiện nay các doanh nghiệp sản xuất cát nhân tạo chưa mặn mà đầu tư tại Khánh Hòa là vì chi phí sản xuất cát nhân tạo giá thành 160.000 đồng/m3, trong khi cát tự nhiên có giá khoảng 150.000 đồng/m3, lại có sẵn và số lượng nhiều. Hiện nay, các đơn vị sản xuất bê tông ở Cam Ranh sử dụng cát nhân tạo chỉ chiếm 5 - 10%. Ngoài ra, thị trường vẫn chưa sử dụng nhiều cát nhân tạo, chủ yếu dùng trong sản xuất bê tông. Đó một phần vì thói quen sử dụng cát tự nhiên đã trở thành cố hữu của người dùng.
Hiện nay, trước tình hình khai thác cát, đất trái phép quá “nóng”, tỉnh sẽ tạm dừng việc cấp phép mới các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Đồng thời, tỉnh chỉ gia hạn cấp phép cho các dự án chuyển tiếp, dự án chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư sản xuất cát nhân tạo trong thời gian đến.
Theo Báo Khánh Hòa