Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), phóng viên Báo Khánh Hòa đã gặp gỡ một số doanh nhân, được nghe những câu chuyện thú vị của họ xung quanh chuyện làm ăn cũng như tấm lòng, trách nhiệm đối với xã hội…
|
Vượt qua “sóng” Covid-19
Hẹn gặp mặt doanh nhân Vương Vĩnh Hiệp - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh thật khó! Phần vì ông bận rộn chuyện kinh doanh, phần vì ông tham gia công tác giảng dạy và các hội đồng chấm luận án thạc sĩ. Đến khi gặp được, ông cũng chỉ dành cho tôi 30 phút bởi còn phải lo chuyện mở rộng sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Long An, TP. Đà Nẵng. Biết chuyện này, tôi khá ngạc nhiên, bởi giữa lúc dịch Covid-19 đang để lại bao hậu quả, đa phần các doanh nghiệp đều vật vã để tồn tại, vậy mà Công ty TNHH Long Sinh vẫn mở rộng sản xuất. Đây là hành động mạo hiểm hay là thời cơ? Như hiểu được suy nghĩ của tôi, ông Vương Vĩnh Hiệp nói ngay: “Mở rộng sản xuất lúc này là điều bình thường, bởi trong "nguy" có "cơ", quan trọng doanh nhân có biết chuyển "nguy" thành "cơ" hay không. Đó chính là triết lý của người kinh doanh”.
Vẫn với giọng chầm chậm, ông tâm sự về những ứng phó của công ty trong bối cảnh dịch Covid-19. Giọng người kể dù rất khoan thai, từ tốn nhưng câu chuyện kinh doanh của ông lại cho người nghe cảm nhận được sự quyết liệt trong từng hành động. “Công ty TNHH Long Sinh sản xuất bột cá, thức ăn gia súc, thức ăn sinh vật cảnh và phân bón sinh học… Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu nên khi dịch xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh. Không chấp nhận ngồi chờ thị trường, ngay lập tức chúng tôi chuyển hướng quay về thị trường nội địa vì nhiều công ty chuyên nhập khẩu các dòng sản phẩm cùng loại cũng bị thiếu hàng. Hướng đi đó đến giờ phút này là hoàn toàn chính xác. Hết quý III/2020, công ty vẫn đạt doanh thu 200 tỷ đồng, bằng doanh thu cùng kỳ năm 2019 và quan trọng nhất là toàn bộ lương, thưởng, chế độ phúc lợi cho người lao động vẫn đảm bảo”, ông Hiệp cho hay.
|
Thực sự nhìn vào con số hơn 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải giải thể từ đầu năm đến nay mới thấy hết sự tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh. Vậy nhưng, giữa lúc khó khăn nhất, vẫn có những doanh nghiệp làm ăn phát đạt, đảm bảo doanh thu, đời sống người lao động. Đó chính là bản lĩnh của các doanh nhân, người chèo lái “con thuyền” doanh nghiệp.
Tương tự Công ty TNHH Long Sinh, Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang vẫn đang mở rộng quy mô sản xuất. Gặp doanh nhân Huỳnh Ngọc Diệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, ông cho biết: “Tỉnh đã đồng ý cho công ty xây dựng nhà máy đóng chai tại Cụm Công nghiệp Diên Phú, sắp tới sẽ có nhà máy công suất 20 triệu sản phẩm tại đây. Mấy hôm trước, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cũng đã chấp thuận để Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang xây dựng khu sản xuất mới ở cảng cá Cà Ná. Việc xây dựng đang tiến hành, đến cuối năm nay, toàn bộ dây chuyền sản xuất sẽ được đưa về các cơ sở mới”. Trong câu chuyện, doanh nhân Huỳnh Ngọc Diệp rất vui khi đã lèo lái công ty vượt qua khó khăn, đảm bảo tăng trưởng và không một người lao động nào phải nghỉ việc hay bị giảm lương trong bối cảnh cả thế giới đang vật vã vì Covid-19.
|
Là doanh nhân không được sợ hãi
Doanh nhân Lê Tiến Anh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Khánh Việt đã tâm sự như thế khi trò chuyện nhân ngày Doanh nhân Việt Nam. Trong câu chuyện, vị doanh nhân “quốc doanh” say sưa nói về tinh thần lăn xả nơi thương trường. Với ông, đã là doanh nhân, là người đứng đầu một công ty thì phải chấp nhận khó khăn, chấp nhận bỏ cái thiệt thòi nhỏ của bản thân để đổi lại cái lợi lớn cho tập thể, doanh nghiệp. Với tính cách bộc trực, doanh nhân Lê Tiến Anh thẳng thắn khẳng định: “Sợ hãi thì sẽ không làm được gì. Nhiều người nghĩ làm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước rất dễ, nhưng không phải. Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước bị bó buộc bởi rất nhiều quy định, không như doanh nghiệp tư nhân được tự quyết. Song nếu sợ trách nhiệm thì sẽ không làm được gì giữa cơ chế thị trường liên tục biến động này”.
Dường như chất khí khái của “doanh nhân quốc doanh” Lê Tiến Anh chính là bản lĩnh chung của rất nhiều doanh nhân thành đạt. Nhiều doanh nhân khác mà tôi từng gặp cũng có những suy nghĩ tương tự. Với doanh nhân, từ “sợ hãi” gần như không được phép tồn tại. Xuất thân từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, các doanh nhân đã từng bước thích ứng với kinh tế thị trường, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Trong đường hướng làm ăn, giới doanh nhân - những người chèo lái doanh nghiệp của các thành phần kinh tế đã vươn lên bằng sự quyết đoán, linh hoạt, dám nghĩ dám làm. Với họ, con đường thành công không cho phép sợ hãi. Doanh nhân Nguyễn Khánh Toàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư VCN tâm sự: “Doanh nghiệp nào cũng có những lúc khó khăn, công ty chúng tôi cũng vậy. Nhưng đã làm kinh doanh thì phải chấp nhận, phải đương đầu. Chỉ có tinh thần dám nghĩ, dám làm mới giúp doanh nghiệp đi lên. Như VCN khởi điểm chỉ có khoảng 10 người, nhưng đến nay đã lên 1.000 người. Lúc đầu chỉ đầu tư, kinh doanh tại Khánh Hòa, nhưng sau 14 năm thành lập, hiện nay đã có mặt ở rất nhiều tỉnh, thành”. Theo doanh nhân Nguyễn Khánh Toàn, đã là doanh nhân thì phải luôn đổi mới, sáng tạo, lấy chữ "Tín" làm phương châm để phát triển, cùng nỗ lực mang lại lợi ích cho khách hàng và sự phồn vinh cho đất nước.
Trách nhiệm với xã hội
Được gặp gỡ, trò chuyện với các doanh nhân, tôi nghiệm ra rằng, tất cả các doanh nhân thành đạt đều luôn gắn sự phát triển kinh doanh với trách nhiệm xã hội. Đây chính là phẩm chất vốn có của các doanh nhân thực thụ. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn với số tiền hàng chục tỷ đồng. Điều này thêm một lần nữa khẳng định trách nhiệm của tầng lớp doanh nhân khi xã hội gặp khó khăn. Doanh nhân Nguyễn Khánh Toàn trăn trở: “Xã hội vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, thiếu may mắn. Nếu mỗi doanh nghiệp, mỗi doanh nhân đều nghĩ tới trách nhiệm cộng đồng thì xã hội ngày càng tốt hơn. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, khi hay tin Viện Pasteus Nha Trang quá tải về công tác xét nghiệm do thiếu trang thiết bị xét nghiệm, chúng tôi đã liên hệ với Sở Y tế và thống nhất tặng cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh 4.000 bộ kit test, trị giá 2,1 tỷ đồng với mong muốn góp phần cùng địa phương phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả”.
Thực sự khó có thể kể hết những đóng góp cho xã hội của doanh nhân Khánh Hòa. Người thì đóng góp cho các chương trình từ thiện, khuyến học, xây cầu, làm trường…, người lại đóng góp âm thầm thông qua những việc làm cụ thể, huy động được sự vào cuộc của cả cộng đồng để sức lan tỏa rộng hơn. Mỗi người chọn cho mình một cách làm, song tựu trung chính là những tấm lòng cao quý của doanh nhân đối với xã hội. “Như tôi bây giờ thực sự đâu cần phải làm nhiều, bởi nếu chỉ vì nhu cầu kinh tế của gia đình, bản thân thì đã đủ. Tầng lớp doanh nhân khi kinh doanh đến một ngưỡng thành công nhất định sẽ làm việc vì đam mê, vì xã hội, vì những người yếu thế hơn mình. Bản thân tôi khi tham gia giảng dạy tại Đại học Nha Trang đâu phải mưu cầu tiền bạc, mà đó là tâm nguyện muốn dìu dắt và tạo nên một thế hệ doanh nhân tương lai, những người sẽ nối tiếp thế hệ đi trước tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Hàng năm, Công ty TNHH Long Sinh còn tặng hàng trăm suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó”, doanh nhân Vương Vĩnh Hiệp trải lòng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, cho xã hội, thế hệ doanh nghiệp - doanh nhân hôm nay đã nêu cao vai trò, trách nhiệm xã hội, nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh, quan tâm tới các gia đình chính sách, có công với cách mạng. Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay sẽ còn rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đứng trước thách thức, song với bản lĩnh và tinh thần doanh nhân Việt Nam, họ xứng đáng được toàn xã hội tôn vinh.
Theo Báo Khánh Hòa
https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202010/sang-mai-tinh-than-doanh-nhan-8188240/