Tình trạng nợ BHXH của các doanh nghiệp ngày càng trở nên phổ biến trên địa bàn tỉnh. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người lao động, mà còn gây tác động đến sự đến an toàn, cân đối nguồn quỹ. Với nỗ lực của toàn ngành, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình thu nợ BHXH trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, về lâu dài cần có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn nữa.
Ảnh hưởng quyền lợi của người lao động
Việc nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động, nhất là khi họ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được thanh toán chế độ; một số người lao động đến tuổi nghỉ hưu không được chốt sổ BHXH để giải quyết chế độ hưu trí, khiến cuộc sống của họ luôn bấp bênh trước những áp lực của cuộc sống.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa, tính đến ngày 30/06/2023, BHXH Khánh Hòa đã thu được 1.900.250 triệu đồng (tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) là 239.122 triệu đồng, trong đó đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN: 189.695 triệu đồng (bao gồm cả doanh nghiệp không còn hoạt động nhưng còn số nợ: 34.595 triệu đồng), lãi chậm đóng: 44.557 triệu đồng, ngân sách nợ BHYT: 4.870 triệu đồng.
Tính đến cuối tháng 06/2023, toàn tỉnh có 1.370 đơn vị (đã loại trừ 608 đơn vị không còn hoạt động nhưng còn số thiếu) nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 01 tháng trở lên với số tiền là 168.850 triệu đồng. Số đơn vị trên địa bàn thành phố Nha Trang nợ từ 1 tháng trở lên chiếm tỷ trọng lớn so với tổng số đơn vị và số nợ toàn tỉnh. Có 537 đơn vị (đã loại trừ 579 đơn vị không
còn hoạt động nhưng còn số thiếu) nợ từ 06 tháng trở lên, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN là 102.698 triệu đồng, trong đó: nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN: 75.527 triệu đồng, nợ lãi chậm đóng: 27.171 triệu đồng. Một số đơn vị có số nợ lớn, như: Công ty TNHH Một thành viên Đóng Tàu Nha Trang; Công ty TNHH MTV Đóng Tàu Cam Ranh; Công ty cổ phần Xây dựng Cấp Thoát Nước số 12; Công Ty Cổ Phần Khách Sạn Bến Du Thuyền; Công ty TNHH Xây dựng Trường An; …
Tăng cường công tác phối hợp, quyết liệt trong hành động
Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa đã triển khai rất nhiều biện pháp quyết liệt nhằm đôn đốc thu, thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT như: Định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội về tình hình nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn; đề nghị đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với những đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn. Thường xuyên thống kê, rà soát và cung cấp thông tin những đơn vị nợ đọng kéo dài để phối hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh đôn đốc thu hồi nợ đọng BHXH. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện công tác thu, công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị, doanh nghiệp. Các biện pháp trên về cơ bản, bước đầu góp phần khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác thu nợ BHXH.
Thời gian tới, nhằm sớm giải quyết dứt diểm tình trạng nợ đọng BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đảm bảo hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ được Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa giao, BHXH tỉnh Khánh Hòa cần chủ động bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tập trung thực hiện một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm:
(1) Tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và Luật BHXH, Luật BHYT, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thực hiện công tác thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, người lao động.
(2) Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành; Tổ Công tác liên ngành thu nợ BHXH, BHYT tỉnh và huyện thực hiện thu nợ, trốn đóng BHXH, BHYT; phối hợp Ngành Công an tăng cường công tác thu, thu nợ.
(3) Triển khai sâu rộng các giải pháp hướng dẫn người lao động, người dân cài đặt sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số. VssID thay thế thẻ BHYT giấy, sổ BHXH giấy; giúp người lao động, người dân kiểm soát được tình hình tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT của bản thân; kiểm soát được tình hình đóng BHXH của doanh nghiệp để có giải pháp yêu cầu doanh nghiệp tham gia BHXH đầy đủ cho chính mình.
(4) Tiếp tục mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN, căn cứ số liệu khảo sát doanh nghiệp, xác định những doanh nghiệp chưa tham gia BHXH,
tổ chức đến từng đơn vị làm việc để hướng dẫn thủ tục đăng ký tham gia BHXH, tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT.
Hải Quang - BTGTU