Tuy Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (gọi tắt là Đặc khu Bắc Vân Phong) chưa có hình hài rõ ràng, nhưng nhiều tháng nay, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất tại huyện Vạn Ninh rất rầm rộ, bát nháo và đang để lại nhiều hệ lụy khó giải quyết. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương quyết liệt kiểm tra, quản lý đất đai nhằm ổn định tình hình.
|
Giá tăng, cò đất lộng hành
Những ngày sau Tết Nguyên đán, những tưởng thị trường bất động sản ở Vạn Ninh sẽ trầm lắng nhưng thực tế các cò đất vẫn hoạt động tích cực và giá đất vẫn đang bị đẩy lên cao chóng mặt.
|
Từ Quốc lộ 1 rẽ vào con đường liên thôn thuộc thôn Ninh Mã, xã Vạn Thọ, chạy chừng 1km chúng tôi thấy một quán cà phê ven đường có dựng một biển ghi “Nhận ký gửi mua bán nhà đất”. Trên bảng quảng cáo này ghi đầy đủ số điện thoại cùng website để quảng bá cho bất động sản Bắc Vân Phong. Ghé vào bắt chuyện, ông Tài Lương - chủ quán cà phê thao thao giới thiệu hàng chục lô đất từ thổ cư đến đất đìa, đất rừng với đủ loại giá cả khác nhau. “Toàn đất của bà con lối xóm gửi thôi. Giấy tờ sổ đất tôi chụp lại đây hết nên các anh cứ yên tâm, cần loại đất gì, diện tích bao nhiêu cứ nói, đảm bảo giá đẹp”, ông Lương khẳng định.
|
Thấy chúng tôi quan tâm, ông Lương gọi một chủ đất tới để cho chúng tôi xem lô đất rộng gần 9.000m2 với hiện trạng là cây lâu năm và căn nhà lụp xụp. Chủ đất tên Bé nói chỉ đồng ý bán với giá 2,2 tỷ đồng. Khi ông Bé vừa đi khỏi, ông Lương nói: “Mấy anh cứ trả 1,8 tỷ đồng là ông Bé bán. Tôi sẽ thuyết phục thêm, nhưng khi thành công thì các anh trích cho tôi 40 triệu đồng tiền hoa hồng”.
Không chỉ quán cà phê, quầy tạp hóa hay đìa tôm cũng trở thành nơi để ký gửi, mua bán đất. Có mặt tại Khu tái định cư Vĩnh Yên (xã Vạn Thạnh), chúng tôi bất ngờ khi thấy nhà ông Thông có treo một bảng rất lớn ghi: “đấtvânphong.com, kết nối bất động sản số 1 Vân Phong, mua bán - ký gửi - dịch vụ nhà đất”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi mua đất thì ông Thông cho biết đã bán gần hết từ trước Tết. “Đất ở khu tái định cư này tôi chỉ còn 1 lô rộng 100m2, giá 1,5 tỷ đồng, nếu anh mua tôi sẽ liên hệ với chủ đất. Còn không thì mua đất rừng ở quanh đây, giá rẻ hơn, khoảng 1 triệu đồng/m2”, ông Thông cho hay. Một cò đất trong khu tái định cư này cho biết, đầu năm 2017, tại khu tái định cư này giá đất khoảng 100 triệu đồng/lô rộng 100m2, nhưng hiện nay giá rẻ nhất cũng 1,4 tỷ đồng/lô 100m2. Đặc biệt những lô có vị trí giáp biển thì giá nhảy múa đến chóng mặt; một lô 200m2 trước Tết có giá 3 tỷ đồng, hiện nay đã hơn 4 tỷ đồng.
|
Khác với các văn phòng cò đất nghiệp dư ở các xã, tại thị trấn Vạn Giã, các văn phòng giao dịch hoạt động chuyên nghiệp hơn, trang trí hoành tráng hơn để tạo niềm tin cho khách. Ông Võ Thành Sơn - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Vạn Ninh cho biết, chỉ trong vài tháng nay, trên địa bàn thị trấn Vạn Giã đã có hơn 10 văn phòng giao dịch bất động sản được thành lập. Các đường: Hùng Vương, Trần Phú, Trần Hưng Đạo… đều có các văn phòng giao dịch đất mọc lên san sát nhau.
|
Bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại dịch vụ Nhân Vạn Tín cho biết, bà mới bán lô đất rộng hơn 100m2 cho khách ở Hà Nội hồi trước Tết với giá hơn 5 tỷ đồng, nhưng đến nay lô đất này có người trả hơn 7 tỷ đồng mà chủ đất chưa bán. Dẫn chúng tôi đến Khu tái định cư xã Vạn Lương (dùng để tái định cư cho các hộ phải di dời để làm dự án kè ven biển thị trấn Vạn Giã), một lô đất hơn 200m2 được bà Thanh đưa giá 9 tỷ đồng. Khi chúng tôi tỏ vẻ không hài lòng vì giá cao, bà Thanh tiếp tục dẫn đi xem lô đất nằm trên đường Trần Hưng Đạo rộng 100m2 với giá 6 tỷ đồng. Trước khi chia tay, bà Thanh dặn phải quyết nhanh vì giá sẽ tiếp tục tăng nữa.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia môi giới bất động sản ở Nha Trang sau nhiều ngày ở Vạn Ninh tìm hiểu để mở sàn giao dịch bất động sản đã lắc đầu ngao ngán khi giá đất đã bị những cò đất từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến thổi giá. Theo chuyên gia này, hiện đất ở Vạn Ninh đang xảy ra tình trạng sốt ảo. Nhiều người mua đất ở đây xác định như “mua vé số” bởi họ cũng mơ hồ về giá trị của đất khi Vạn Ninh chính thức trở thành đặc khu kinh tế.
Phát sinh nhiều mâu thuẫn
Việc giá đất tăng cao khiến nhiều người dân ở Vạn Ninh đổi đời, kinh tế đi lên, nhưng từ đó cũng khiến nhiều gia đình mất đoàn kết, anh em, bạn bè từ mặt nhau.
Ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa: Đất ở Vạn Ninh đang bị làm giá và nhiều khả năng bị vỡ bong bóng trong thời gian tới. Cơn sốt là do giới buôn bán đất ở các tỉnh khác về, cấu kết với hệ thống “cò mồi” để cùng nhau ôm đất rồi thổi giá ảo để bán kiếm lời. Nếu không quản lý chặt và có những cảnh báo mạnh mẽ thì khi Đặc khu Bắc Vân Phong hình thành sẽ khó khăn trong công tác đền bù giải tỏa, thu hút nhà đầu tư chiến lược. Các cơ quan chức năng cần đưa ra các giải pháp như: hạn chế chuyển mục đích sử dụng, ngăn chặn tình trạng đứng tên hộ, đầu cơ bằng cách mua cùng lúc nhiều lô đất… |
Ông Đỗ Công Đa - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Vạn Ninh cho biết, trong vài tháng nay, số vụ án dân sự, hình sự liên quan đến đất đai tăng gấp nhiều lần so với thời gian trước. Hiện nay, tòa đã tiếp nhận nhiều đơn kiện liên quan đến lừa đảo, tranh chấp đất đai. Có trường hợp nhận tiền đặt cọc nhưng không có đất trong tay, đến thời gian bàn giao đất thì không có nhưng không đền bù hợp đồng khiến phát sinh đơn kiện. Có trường hợp chủ đất nhận tiền đặt cọc của người này nhưng khi có người trả giá cao hơn đã chấp nhận bồi thường để bán cho người khác. Tuy nhiên, người trả cao đến phút cuối lại không mua nên chủ đất vừa không bán được đất vừa phải bồi thường tiền đặt cọc. “Trước kia, thông thường hợp đồng mua bán đất chỉ ghi nếu sau thời gian đó mà chủ đất không bán sẽ đền gấp đôi tiền đặt cọc, nhưng do tình trạng sốt đất nên gần đây xuất hiện những hợp đồng đền gấp 10 lần, có khi đến 20 lần số tiền đặt cọc. Mới đây, tòa thụ lý đơn một trường hợp đặt cọc 2 tỷ đồng nhưng giao dịch bất thành nên họ đang đòi chủ đất bồi thường 20 tỷ đồng. Ngoài ra, còn rất nhiều vụ việc phức tạp, khó giải quyết khác”, ông Đa chia sẻ.
Ông Lâm Tuấn Anh - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Vạn Ninh cho biết, việc mua bán đất đai ở đây tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì quy hoạch sử dụng đất của huyện Vạn Ninh hiện tại sẽ phải bỏ để thay thế bằng quy hoạch Đặc khu Bắc Vân Phong mà UBND tỉnh đang thuê tư vấn nước ngoài hoàn thiện. Giá đền bù và hỗ trợ đất lâm nghiệp rất thấp, khoảng 14.000 - 20.000 đồng/m2.
Tăng cường quản lý, xử lý hàng loạt vi phạm
Dọc tuyến đường thôn Tuần Lễ (xã Vạn Thọ) dài khoảng 5km, bên diện tích đất rừng ngập mặn xuất hiện hàng chục ngôi nhà xây kiên cố và hàng trăm lô đất nền được kè móng phân lô đang lấn dần vào rừng. Ông Đ., - hộ dân ở đây cho biết, mấy tháng qua, thấy người dân ở đây lấn rừng, phân lô bán nền nên gia đình ông cũng làm theo. Với lô đất rộng khoảng 100m2, ông Đ. đổ đất, kè móng, đưa ra giá 5 triệu đồng/m2. Khi chúng tôi tỏ ý lo ngại về nguồn gốc đất, ông Đ. trấn an: “Các chú cứ an tâm, trước sau gì địa phương cũng sẽ chuyển đổi khu đất này thành đất ở thôi. Rừng ngập mặn giờ đây có còn đâu, các chú cứ mua đi rồi trồng dừa, lo lót chút ít là xây được nhà thôi, ở đây ai cũng làm vậy. Nếu sau này Nhà nước thu hồi thì cũng phải đền bù thỏa đáng cho dân”.
Ông Trần Kim Bảo - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, trước cơn sốt đất đang tăng chóng mặt, nhiều người dân trên địa bàn huyện đã lợi dụng việc sập nhà do cơn bão số 12 để tự ý lấn chiếm đất rừng, trồng cây, chuyển mục đích đất, xây nhà trái phép, phân lô bán nền. Mới đây, qua kiểm tra đột xuất, các ngành chức năng của huyện đã phát hiện gần 60 trường hợp người dân tự ý lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất lâm nghiệp, trồng cây lâu năm, đổ đất san nền ao đìa. “Với những trường hợp phát hiện, chính quyền cấp xã đã lập biên bản xử phạt hành chính 51 trường hợp. Đến nay, địa phương đã thực hiện cưỡng chế, buộc tháo dỡ, trả lại hiện trạng đất ban đầu 40 trường hợp; 11 trường hợp đang thực hiện tháo dỡ. Bên cạnh đó, có 3 trường hợp khi kiểm tra người dân đã kè móng, phân lô nhưng không biết chủ nhân là ai nên thời gian tới sẽ tiến hành tháo dỡ. Bằng mọi giá chúng tôi phải quản lý chặt chẽ và ổn định tình hình đất đai trên địa bàn huyện”, ông Bảo cho hay.
Được biêt, từ tháng 6-2017 đến nay, huyện Vạn Ninh đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo chính quyền cấp xã tăng cường quản lý đất đai. Trong các văn bản và những cuộc họp của huyện đều nêu rõ: địa phương nào để xảy ra sai phạm về đất đai thì lãnh đạo đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước huyện và pháp luật. Bên cạnh đó, huyện còn giao trách nhiệm quản lý cụ thể cho từng phòng, ban chuyên môn; hàng tuần lãnh đạo huyện xuống các địa phương kiểm tra đột xuất.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, chính quyền các xã, thị trấn của Vạn Ninh cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để quản lý đất đai. Ông Nguyễn Thanh Nam - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết: “Để tránh tình trạng đầu cơ, gom đất, tôi đã không giao phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực đất đai thực hiện xét duyệt hồ sơ mà tất cả hồ sơ đó đều phải được tôi kiểm tra kỹ lưỡng và do tôi ký duyệt. Đồng thời, những hộ trong xã có nhu cầu bán đất, chúng tôi đều tiến hành kiểm tra, xác minh rõ người mua, sau khi bán đất thì ở đâu nhằm tránh tình trạng sau khi bán đất lại đi lấn chiếm”.
Theo ông Bảo, thực tế hiện nay giá đất trên địa bàn huyện đang sốt ảo, bị các cò đất đồn thổi, nâng giá để trục lợi. Nhiều lô đất trước đây chỉ có giá hơn 100 triệu đồng đã được đẩy lên hàng tỷ đồng. Các cò đất quảng cáo thông tin mơ hồ về đặc khu, hứa chạy dự án du lịch cho đối tác để làm dự án du lịch… khiến tình hình mua bán đất trở nên phức tạp. Địa phương đang tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân nắm rõ vấn đề, không để các cò đất trục lợi. Đồng thời, yêu cầu cán bộ không được giới thiệu mua bán đất đai, gây mất uy tín, nảy sinh tiêu cực.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 01 về tăng cường quản lý đất đai ở huyện Vạn Ninh. Chỉ thị nêu rõ, huyện Vạn Ninh cần tăng cường rà soát, kiểm tra, thanh tra các vi phạm về sử dụng đất đai và trách nhiệm công vụ để xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý cố ý hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra nhiều vi phạm trên địa bàn quản lý. UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan chỉ đạo và thống nhất các loại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đồng bộ với quy hoạch để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư nhưng đồng thời xử lý nghiêm hoặc đề nghị cấp thẩm quyền xử lý các chủ đầu tư nếu để lãng phí đất đai, sử dụng sai mục đích…
___________________________________________
Theo số liệu của Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Vạn Ninh, số lượng hợp đồng giao dịch đất đai tại địa phương này từ tháng 10-2017 đến nay tăng đột biến so với thời gian trước đó. Cụ thể, tháng 10-2017 có 320 hồ sơ chuyển nhượng, tháng 12-2017 có 688 hồ sơ, tháng 1-2018 có 821 hồ sơ. Những người mua đất chủ yếu đến từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và số ít ở Nha Trang. Bên cạnh đó, giá chuyển nhượng trong hợp đồng thường thấp hơn 10 lần so với giá thực tế.
Theo Báo Khánh Hòa