Từ nhiều năm nay, thanh âm các loại nhạc cụ dân tộc đã ngân vang từ đại ngàn đến phố thị. Đặc biệt, các loại nhạc cụ dân tộc xuất hiện ngày càng phổ biến trong những chương trình biểu diễn nghệ thuật ở Nha Trang - Khánh Hòa.
|
Đồng bào Raglai ở huyện Khánh Vĩnh biểu diễn đánh mã la. |
Ngân vang đại ngàn
Hơn 10 năm nay, huyện Khánh Sơn luôn quan tâm việc sử dụng, biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc, nhất là những nhạc cụ gắn với đời sống tinh thần của đồng bào Raglai. Đến nay, huyện đã mở 6 lớp truyền dạy đánh mã la, 2 lớp dạy sử dụng đàn đá. Cùng với đó, địa phương đã tích cực sưu tầm hơn 100 hiện vật, gồm: đàn chapi, mã la, kèn bầu. Năm 2022, huyện đã hoàn thành việc chế tác 10 bộ đàn đá để trang bị cho các xã, thị trấn, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện. Để hoạt động biểu diễn nhạc cụ dân tộc ngày càng phổ biến, huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn lập đội biểu diễn mã la, đàn đá, đàn chapi, kèn bầu… sẵn sàng tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và phục vụ khách du lịch. “Tôi rất vui khi thấy ngày càng có nhiều thanh niên học và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ của ông bà để lại. Cứ mỗi lần trong làng, trong xã hay huyện tổ chức biểu diễn văn nghệ, người già chúng tôi lại thổn thức khi được nghe tiếng đàn đá, tiếng mã la, tiếng đàn chapi…”, nghệ nhân Mấu Hồng Thái (xã Sơn Hiệp, Khánh Sơn) cho biết.
|
Nghệ sĩ Ngô Trần Phương Linh biểu diễn đàn T’rưng. |
Ở những khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh, cứ vào mỗi kỳ lễ hội truyền thống của đồng bào hoặc ngày hội văn hóa các dân tộc, chúng ta lại bắt gặp hình ảnh những nghệ nhân, nam thanh, nữ tú biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Phổ biến là các loại nhạc cụ của đồng bào Raglai, Êđê như: Mã la, cồng chiêng, đàn đá, đàn chapi, kèn bầu, đàn T’rưng… Ở các trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao cấp huyện còn có đội ngũ nhạc công biểu diễn được đàn bầu, đàn tranh, đàn tam thập lục, đàn nhị… Tất cả làm nên bầu không khí sôi nổi, đặc sắc trong sinh hoạt văn hóa từ các bản làng đến thành thị. Anh Cao Di (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) cho biết: “Đội văn nghệ của chúng tôi thường ngày biểu diễn nhạc cụ dân tộc phục vụ khách du lịch ở Công viên Du lịch Yang Bay. Mỗi khi xã, huyện tổ chức hoạt động biểu diễn văn nghệ, các thành viên trong đội lại được đề nghị tham gia. Chúng tôi rất vui khi được đưa tiếng đàn, tiếng sáo mang âm hưởng của đại ngàn, do ông cha truyền lại để gửi tới mọi người”.
Thanh âm rộn ràng phố biển
Trong chương trình tham quan danh thắng Hòn Chồng và di tích Tháp Bà Ponagar, du khách cũng đều có được khoảng thời gian để xem biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Ở danh thắng Hòn Chồng, du khách được nghe những bản nhạc từ đàn bầu, đàn T’rưng, đàn K’lông pút, đàn đá… Để khách hiểu hơn về các loại nhạc cụ này, những nhạc công ở đây sẽ giới thiệu ngắn gọn các tính năng, đặc điểm cơ bản của từng nhạc cụ. Còn tại di tích Tháp Bà Ponagar, du khách lại bị mê hoặc bởi các làn điệu âm nhạc của đồng bào Chăm qua tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ghi năng, trống Paranưng. Tiếng kèn réo rắt, tiếng trống bập bùng có sức hút mãnh liệt đối với người nghe. Ở các địa chỉ du lịch khác, như: Làng nghề Trường Sơn, Khu du lịch VinWonders Nha Trang, hay ở một số nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố cũng thường tổ chức biểu diễn nhạc cụ dân tộc để phục vụ khách du lịch.
|
Biểu diễn nhạc cụ đàn đá phục vụ du khách ở danh thắng Hòn Chồng. |
Đối với các đơn vị nghệ thuật của tỉnh, trước đây, dàn nhạc dân tộc của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh vốn chỉ phục vụ phần đệm nhạc cho các vở diễn, nhưng từ khi có hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố, dàn nhạc cũng đã dựng những tiết mục độc tấu, hòa tấu riêng để mang đến sự đa dạng cho các đêm diễn. Ở đó, ngoài những bản nhạc dân tộc, thỉnh thoảng khán giả còn được nghe những bản nhạc phương Tây được chơi bằng đàn nhị, đàn bầu, đàn tranh… Với Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, sau 8 năm hình thành, đến nay, ban nhạc dân tộc gồm 4 thành viên: Phạm Văn Tấn (đàn bầu), Ngô Trần Phương Linh (đàn tranh), Vi Văn Hiếu (sáo trúc), Nguyễn Đức Hùng (đàn nhị) đã có sự trưởng thành rõ nét. Các thành viên của ban nhạc đã có thể chơi được từ 2 nhạc cụ trở lên. Nghệ sĩ Ngô Trần Phương Linh chia sẻ: “Khi mới về đoàn, tôi chủ yếu đánh đàn tranh theo đúng chuyên ngành được đào tạo, nhưng qua thời gian và với yêu cầu của công việc biểu diễn, cần sự đa dạng trong các tiết mục nên tôi đã học thêm cách chơi đàn T’rưng, đàn đá. Qua đó, góp phần thuận lợi hơn cho lãnh đạo đoàn trong việc dàn dựng các chương trình, tiết mục biểu diễn được hấp dẫn, phong phú”. Các tiết mục độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật đã nhận được sự đánh giá cao của khán giả.
Có thể thấy, Nha Trang - Khánh Hòa là nơi phù hợp để phát triển các loại hình biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Trong một số chương trình biểu diễn nghệ thuật ở Festival Biển 2023 vừa qua, sự xuất hiện của các tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc đã để lại ấn tượng tốt đối với khán giả.
Theo https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202306/suc-song-nhac-cu-dan-toc-o-xu-tram-5d262b1/