Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được các cơ quan chức năng phối hợp triển khai thực hiện, đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, bất cập cần tập trung tháo gỡ nhằm nâng cao, phát huy hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.
Tình hình quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập
Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2020, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 1.843 doanh nghiệp (giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu tập trung vào các ngành, lĩnh vực: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (419 doanh nghiệp, chiếm 22,7%); xây dựng (304 doanh nghiệp, chiếm 16,5%)... tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên có 1.284 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 89% so năm 2019); 443 doanh nghiệp giải thể (tăng 39% so năm 2019). Tính hơn 2 tháng đầu năm 2021, có thêm 256 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2020) nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tới 655 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh do cơ quan thuế quản lý là 10.788 doanh nghiệp. Hiện nay, các thủ tục về thành lập, kinh doanh, tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản doanh nghiệp... đã được đơn giản và giảm thiểu. Cơ chế này đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng “kẽ hở” này để thành lập nhiều doanh nghiệp hoặc lợi dụng việc tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản để gian lận, trốn thuế; một số doanh nghiệp hoạt động không theo nội dung đăng ký kinh doanh, không treo biển, bỏ trụ sở theo đăng ký, vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước của địa phương.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa tại Hội nghị đối thoại Doanh nghiệp lần II năm 2020
Cùng với việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thì công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý doanh nghiệp vi phạm quy định về đăng ký doanh nghiệp, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được các cơ quan quản lý chuyên ngành của tỉnh Khánh Hòa thực hiện hợp lý, tránh được tình trạng chồng chéo, trùng lắp gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo xử lý các vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Cụ thể: trong năm 2020, đã thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất liên quan ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và xử lý 75 trường hợp với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 494,473 triệu đồng, với các vi phạm chủ yếu là: sản xuất sản phẩm nước mắm không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố; sản xuất cà phê bột, chả lụa không phù hợp với quy định an toàn thực phẩm; sản xuất, đóng gói hạt điều giả mạo hàng hóa; kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y không có trong danh mục hoặc hàng cấm; thuốc bảo vệ thực vật vi phạm về tên nhãn hàng hóa... Đã tổ chức 04 đợt kiểm tra đột xuất đối với 10 doanh nghiệp kinh doanh du lịch (04 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú; 06 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành), qua đó xử phạt vi phạm hành chính đối với 01 tổ chức và 03 cá nhân, với số tiền 29 triệu đồng. Ngoài ra, có 15 doanh nghiệp đã xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường, đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước đối với với tổng số tiền là 1,252 tỷ đồng... Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2020, có 199 doanh nghiệp bị ra thông báo về hành vi vi phạm; 671 doanh nghiệp doanh nghiệp bị yêu cầu giải trình (bao gồm cả khoá hệ thống do bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh) do vi phạm quy định về đăng ký doanh nghiệp; có 10 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do vi phạm việc chấp hành nghĩa vụ thuế.
Khó khăn, bất cập và kiến nghị giải pháp tháo gỡ
Nhằm tăng cường giám sát hoạt động của doanh nghiệp sau thành lập, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau thành lập (Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 10/9/2019). Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng, thống kê dữ liệu về các doanh nghiệp do ngành quản lý, hàng năm tiến hành rà soát, bổ sung, cập nhật những dữ liệu thay đổi, kịp thời cung cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chứng chỉ hành nghề gửi các cơ quan quản lý cấp huyện và các ban ngành có liên quan để theo dõi chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp và phối hợp xử lý theo quy định pháp luật.
Có thể thấy, công tác quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập đã chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Tuy nhiên, khung pháp lý về công tác "hậu kiểm" hiện nay còn nhiều bất cập, chưa có sự phân định rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng; cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về doanh nghiệp giữa các cơ quan còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp bị cưỡng chế thuế lớn, số tiền nợ đọng thuế cao; chưa có quy định cụ thể xử lý doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng không giải thể; chưa có quy định xử lý người thành lập doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thuế; việc xử lý các vi phạm về thuế, về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp vi phạm. Thêm vào đó, số lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp ngày càng tăng mà nguồn nhân lực có hạn không được tăng thêm, thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp ngắn, vì vậy, nguồn lực cho công tác hậu kiểm doanh nghiệp sau đăng ký thành lập còn rất hạn chế, chưa đạt hiệu quả cao.
Hoạt động thanh tra doanh nghiệp
Để khắc phục bất cập trên, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập, trong thời gian tới, các sở, ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp đã ban hành; thường xuyên trao đổi, phối hợp cung cấp, công khai thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Ðồng thời, tăng cường đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, các hộ kinh doanh để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp. Quan trọng hơn, các đơn vị chức năng phải tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh, xử lý nghiêm các trường hợp giả mạo hồ sơ, vi phạm ngành nghề kinh doanh, gian lận thuế, hóa đơn...
Được biết, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản báo cáo tình hình quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh và kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện khung pháp lý về Thông tư Liên tịch số 04/2015/TTLT-BKHĐT-BTC-BNV, ngày 28/5/2015 của Liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ về ban hành Quy chế phối hợp mẫu giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập; trong đó quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chức năng, quy trình hậu kiểm, chế tài, biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm. Hy vọng sau khi khung pháp lý được hoàn thiện sẽ giúp công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp sau đăng ký trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được thuận lợi hơn, chặt chẽ hơn, góp phần hình thành môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.
CTV Quang Chính, Văn phòng Tỉnh ủy