UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Qua đó, phấn đấu GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh đạt 7,1%/năm trở lên.
Nhiệm vụ cụ thể từng ngành
UBND tỉnh xác định sẽ mở cửa kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế trong phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho người dân. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
|
Đặc biệt, UBND tỉnh xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực thế mạnh trong khôi phục và phát triển kinh tế. Đối với ngành thương mại, dịch vụ, phải đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hỗ trợ DN quảng bá trực tiếp các sản phẩm đến người tiêu dùng ở các thị trường nước ngoài; tăng cường công tác phát triển thị trường trong nước, quản lý các hoạt động thương mại điện tử, tạo điều kiện thuận lợi để các DN tham gia quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, mua bán hàng hóa thông qua Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Khánh Hòa. Ngành du lịch có nhiệm vụ triển khai Chương trình kích cầu thu hút khách du lịch; triển khai đồng bộ công tác truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và bằng các biện pháp phù hợp. Đồng thời, quảng bá các sản phẩm dịch vụ chất lượng, sản phẩm mới, độc đáo với các gói giá cả cạnh tranh, thu hút khách du lịch đến Khánh Hòa.
Với hoạt động xuất - nhập khẩu, sản xuất công nghiệp và lâm nghiệp - thủy sản, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu để kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ DN; tăng cường cập nhật thông tin phổ biến đến các DN về nhu cầu nhập khẩu của thị trường nước ngoài; thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để duy trì, ổn định sản xuất, tiêu thụ nông sản, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, không để tồn đọng sản phẩm. Ngoài ra, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hiện có như: Hạ tầng Khu Công nghiệp Ninh Thủy; các cụm công nghiệp Sông Cầu, Diên Thọ, Trảng É, Ninh Xuân; Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1…
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh những nhiệm vụ cơ bản, UBND tỉnh xác định thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút nguồn vốn hợp pháp cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm. Trong đó, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án của tỉnh thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công sau khi được Trung ương bố trí vốn, phấn đấu giải ngân hoàn thành 100% kế hoạch vốn hàng năm được giao; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân và xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng.
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong tập trung thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, gắn với yêu cầu chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại; tăng cường thu hút FDI quy mô lớn và các ngành công nghệ cao, kết nối DN trong nước và DN FDI thông qua các chương trình xúc tiến; thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư kết hợp xúc tiến thương mại, du lịch trong và ngoài nước nhằm tiết kiệm chi phí; chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và trực tuyến. Các đơn vị tăng cường tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, DN trong thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh; rà soát các vấn đề tồn đọng để xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư ngoài ngân sách, góp phần thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.
Riêng Khu Kinh tế Vân Phong, với yêu cầu phải được phát triển toàn diện, trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh nên bên cạnh thực hiện lập điều chỉnh Quy hoạch chung, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong có nhiệm vụ triển khai các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bổ sung Khu Kinh tế Vân Phong vào nhóm khu kinh tế ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư và tổ chức lập các quy hoạch phân khu, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển.
Đồng chí Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kế hoạch nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng. Trong đó, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, mang tính đột phá, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. UBND tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan đầu mối để nắm bắt, tổng hợp tình hình chung. Hàng tháng, hàng quý, sở sẽ có báo cáo cụ thể; nếu có khó khăn, vướng mắc sẽ báo cáo, tham mưu để UBND tỉnh có phương án tháo gỡ.
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Trong giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đạt các mục tiêu: Tăng trưởng GRDP đạt mức 7,1%/năm; thu ngân sách hàng năm đạt và vượt dự toán ngân sách Trung ương giao; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 354.000 tỷ đồng; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị năm 2025 dưới 3,8%. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Theo https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202204/tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-8249664/