Hướng đến mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, du lịch, dịch vụ lớn của cả nước vào năm 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra 26 chỉ tiêu trên các lĩnh vực. Để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Khánh Hòa tập trung thực hiện 4 đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, công khai
Hiện nay, Khánh Hòa đang khẩn trương thực hiện nhiệm vụ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết về sử dụng vùng biển, bờ biển, tài nguyên biển của tỉnh để sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động KT-XH đồng bộ với quy hoạch, bảo đảm phát triển bền vững cả ba trụ cột: KT-XH - môi trường. Nhiệm vụ đặt ra cho tỉnh là vừa tập trung phát triển công nghiệp, du lịch chất lượng cao và kinh tế biển, vừa thực hiện có hiệu quả 4 chương trình phát triển KT-XH và phát triển 3 vùng động lực theo định hướng: Khu vực vịnh Vân Phong là vùng kinh tế trọng điểm, động lực của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ. TP. Nha Trang là vùng trọng điểm về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, đào tạo nguồn nhân lực. Khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về KT-XH gắn với quốc phòng, an ninh. Đây là những nhiệm vụ ưu tiên chiến lược, mang tính đột phá của tỉnh trong cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.
|
Việc triển khai các dự án, đề án là mấu chốt để phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Vì vậy, ngay sau đại hội, tỉnh đã khẩn trương xây dựng: Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025; Chiến lược phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; danh mục dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Để thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tỉnh quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ; từng bước chuyển đổi số đi đôi với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng. Trong đó, tập trung cải thiện vị trí xếp hạng của tỉnh ở các chỉ số: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), cải cách hành chính (PAR Index); nâng cấp, hoàn thiện Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các ứng dụng, dịch vụ trực tuyến; thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo địa phương với doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.
Tập trung phát triển khu vực vịnh Vân Phong
Để thúc đẩy phát triển khu vực vịnh Vân Phong, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, triển khai nghiên cứu tách bạch tương đối về chức năng quản lý hành chính nhà nước theo địa giới hành chính và chức năng quản lý kinh tế tại khu vực triển khai đề án; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển kinh tế, bảo đảm phù hợp với phát triển xã hội trong khu vực thực hiện đề án; tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án theo các tiêu chí “công nghệ cao, mới, sạch, tiết kiệm”; hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến có tính động lực cao, có sự lan tỏa lớn, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao của địa phương.
Khu vực bắc Vân Phong chỉ thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, phù hợp với định hướng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, khẩn trương tiến hành rà soát quy hoạch để xây dựng chiến lược phát triển và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển để phát triển bắc Vân Phong trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, tạo đột phá trong phát triển cho Khánh Hòa và khu vực.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao đón đầu các dự án đầu tư mới, Khánh Hòa tiếp tục triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực, giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, kết hợp giữa việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có và phối hợp với các trường, viện của Trung ương để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn như: Đóng tàu, chế biến, xuất khẩu thủy sản… Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao trong các nhóm ngành: Du lịch, dịch vụ, công nghiệp - chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe... từ các địa phương khác đến làm việc tại tỉnh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thông qua chương trình, dự án hợp tác trong và ngoài nước để nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… Để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, thời gian tới, tỉnh sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, thành lập Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối với mạng lưới khởi nghiệp quốc gia...
Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư
Với quyết tâm đẩy nhanh việc kêu gọi đầu tư hạ tầng vào các địa phương trên địa bàn tỉnh, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Tỉnh ủy ban Chương trình phát triển đô thị, Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, định hướng tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị, bảo đảm thông suốt giữa các đô thị trên địa bàn tỉnh và giữa tỉnh Khánh Hòa với các khu vực lân cận; đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng các công trình nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ người lao động, các công trình phúc lợi tại các khu, cụm công nghiệp; kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị như: trung tâm dịch vụ, thương mại, trung tâm văn hóa, thể thao, các công trình giáo dục, y tế… theo hướng xã hội hóa. Đối với khu vực nông thôn và miền núi, bên cạnh việc kêu gọi đầu tư, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực, bố trí kinh phí để hỗ trợ các địa phương đạt các tiêu chí nông thôn mới còn thiếu, nhất là các tiêu chí về thiết chế văn hóa, hạ tầng giao thông, bảo đảm an ninh, trật tự...
Với niềm tin và khát vọng đổi mới, phát triển, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, phấn đấu xây dựng Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, tạo nền tảng vững chắc để Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202103/tao-dot-pha-de-phat-trien-8210999/