5 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chỉ đạt hơn 18% (theo vốn Chính phủ giao), thấp hơn mức trung bình cả nước (22,37%). Lãnh đạo UBND tỉnh đã đưa ra các giải pháp quyết liệt hơn nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Tỷ lệ giải ngân thấp
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), năm 2022, vốn Thủ tướng Chính phủ giao hơn 3.569 tỷ đồng; số vốn UBND tỉnh phân bổ thực tế hơn 3.519 tỷ đồng. Đến ngày 31-5, so với kế hoạch vốn do Thủ tướng giao đạt 18,1%; so với vốn do UBND tỉnh giao đạt 19%. Qua tổng hợp số liệu giải ngân vốn đầu tư công được giao, toàn tỉnh có 26 đơn vị giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung toàn tỉnh, trong đó có tới 18 đơn vị chưa giải ngân được đồng vốn nào. Hiện nay, chỉ có 12 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung, song cao nhất cũng chỉ đạt 49,5%.
Cải tạo đất để thực hiện Công trình trồng cây xanh dải phân cách đường Võ Nguyên Giáp.
Đồng chí Nguyễn Văn Nhựt - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT khẳng định, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh khá thấp. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, kế hoạch sử dụng đất ở một số địa phương chưa có nên chậm trong thẩm định giá đất. Vấn đề phê duyệt đơn giá, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án còn chậm, kéo dài thời gian làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Ngoài ra, căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hiện nay, một số dự án trên địa bàn huyện Cam Lâm (như dự án Cải tạo, nâng cấp kênh chính Nam hồ chứa Cam Ranh và kênh chính hồ chứa Suối Dầu; dự án Kè và đường ven đầm Thủy Triều...) phải ngừng triển khai thi công để rà soát lại quy hoạch, tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt
Để đạt được mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công vào cuối năm, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành và chủ đầu tư triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch đầu tư công năm 2022; tăng cường trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc hoàn chỉnh hồ sơ, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư để triển khai thi công đảm bảo đúng tiến độ dự án; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Trong thời hạn 4 ngày, kể từ ngày có khối lượng nghiệm thu, các đơn vị liên quan phải thực hiện thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án; đẩy nhanh công tác nghiệm thu, quyết toán, không để dồn vào cuối năm.
Công trường thi công hạng mục nhà máy xử lý nước thải phía bắc TP. Nha Trang.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố (có dự án đầu tư trên địa bàn thuộc mình quản lý) khẩn trương thực hiện hoàn thành công tác kiểm đếm khối lượng giải tỏa; xác minh nguồn gốc sử dụng đất; lập phương án bồi thường, niêm yết công khai lấy ý kiến, hoàn chỉnh phương án trình Sở Tài nguyên và Môi trường phương án giá đất. Các địa phương có trách nhiệm tăng cường tổ chức tuyên truyền, giải thích cho người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng của từng dự án, đảm bảo công khai, minh bạch nhằm tạo sự tin tưởng và đồng thuận của người dân trong việc triển khai thực hiện. Đối với các trường hợp cố tình chống phá, không chấp hành quy định của Nhà nước về giải phóng mặt bằng, phải kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Lãnh đạo tỉnh cũng giao các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương khẩn trương giải quyết các thủ tục trong phạm vi quản lý; tham mưu xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỷ lệ giải ngân trong những tháng đầu năm rất chậm. Ngay từ bây giờ, các địa phương phải nhanh chóng thực hiện việc quy hoạch phân khu đô thị theo Nghị quyết 09; đốc thúc các dự án lớn đẩy nhanh thi công; các sở, ngành có dự án khẩn trương báo cáo UBND tỉnh về tình hình giải ngân. Những đơn vị không thể giải ngân được cũng nhanh chóng trả vốn về tỉnh để bố trí cho các dự án khác. Đến ngày 30-6, tỷ lệ giải ngân ít nhất phải đạt từ 30 đến 40%; đến ngày 30-9 phải đạt từ 60% trở lên. Đặc biệt, những chủ đầu tư có vốn lớn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của tỉnh cần nỗ lực trong giải ngân. Phấn đấu đến cuối năm phải đạt tỷ lệ giải ngân 100%. Nếu đơn vị nào có tỷ lệ giải ngân thấp, UBND tỉnh sẽ xem xét xếp loại thi đua và trách nhiệm người đứng đầu.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202206/tap-trung-giai-ngan-von-dau-tu-cong-8253598/