Ngành Ngân hàng (NH) tỉnh Khánh Hòa đang tích cực triển khai Nghị quyết số 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Kể từ ngày Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các TCTD có hiệu lực (15-8-2017), các chi nhánh NH trên địa bàn bước đầu xử lý hiệu quả nợ xấu. Theo lãnh đạo Agribank Chi nhánh Khánh Hòa, thực hiện các biện pháp xử lý thu hồi nợ theo Nghị quyết 42, chi nhánh đã thu hồi được tổng số nợ 55,5 tỷ đồng (nợ gốc 37,9 tỷ đồng, nợ lãi 17,6 tỷ đồng). Đến ngày 31-12-2017, số nợ xấu của chi nhánh còn 14,6 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,21% tổng dư nợ, giảm 0,24% so với đầu năm. Tại VietinBank Khánh Hòa, tỷ lệ nợ xấu chiếm dưới 0,4% tổng dư nợ cho vay. Còn tại Vietcombank Khánh Hòa, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp là 0,35% phản ánh chất lượng tín dụng của các chi nhánh TCTD.
|
Năm 2017, Vietcombank Chi nhánh Nha Trang đã tập trung, kiên quyết trong công tác xử lý thu hồi nợ xấu. Theo bà Nguyễn Thị Khánh - Trưởng phòng Khách hàng Vietcombank Chi nhánh Nha Trang, NH có những chính sách, biện pháp linh hoạt áp dụng cho các khách hàng khác nhau để thu hồi nợ xấu hiệu quả; động viên các khách hàng có thiện chí trả nợ. Đối với các trường hợp khách hàng không hợp tác, chây ì, NH khởi kiện ra tòa để xử lý tài sản, đưa ra bán công khai, minh bạch để thu hồi nợ thông qua trung tâm bán đấu giá tài sản. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu của chi nhánh thấp, chiếm 0,26% tổng dư nợ cho vay. Kể từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các NH xử lý nợ xấu một cách hiệu quả, rút ngắn thời gian. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, NH cũng gặp khó khăn. Nghị quyết có nêu rõ, NH có quyền chủ động trong xử lý tài sản, nhưng đối với các trường hợp khách hàng là hộ gia đình hoặc các doanh nghiệp chỉ có duy nhất tài sản đảm bảo để ở sẽ rất khó cho NH giải quyết có tình có lý. Để tiếp tục xử lý nợ xấu có hiệu quả theo Nghị quyết 42, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa NH và các cơ quan chức năng.
Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến cuối tháng 9-2017, tổng số nợ xấu được xử lý là 208,4 tỷ đồng; chủ yếu do khách hàng trả nợ chiếm 81,62%, phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ 6,07%, bên thứ 3 trả nợ 3,06%, bán cho công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) 6,96%, hình thức khác 2,26%. Điều này cho thấy, ý thức trả nợ của người dân, doanh nghiệp tăng lên đáng kể, tỷ lệ thu nợ bằng biện pháp phát mãi tài sản bảo đảm, bán cho VAMC chiếm tỷ trọng thấp. Có được kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của ngành NH với các ngành và bản thân các TCTD đã tích cực xử lý nợ xấu, kiểm soát nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. Đến nay, tỷ lệ nợ xấu của các chi nhánh TCTD trên địa bàn ở mức thấp, chiếm khoảng 0,6% tổng dư nợ, phản ánh đúng thực chất hoạt động của các TCTD trên địa bàn.
Để triển khai thực hiện xử lý nợ xấu hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1058 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”. Trong đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, các TCTD thực hiện hiệu quả đề án của Chính phủ.
Trong đó, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã chỉ đạo các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn xây dựng phương án cơ cấu lại quỹ gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 - 2020; phê duyệt phương án do các quỹ tín dụng nhân dân xây dựng. Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai; tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng đối với các chi nhánh TCTD trên địa bàn để đảm bảo mở rộng tín dụng phù hợp với khả năng nguồn vốn của TCTD, chỉ tiêu định hướng của NHNN và chỉ tiêu do hội sở chính TCTD giao cho các chi nhánh, đồng thời kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng. Thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh TCTD cố tình che giấu nợ xấu, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp xử lý đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các chỉ đạo của NHNN trong quá trình xử lý nợ xấu, đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện phương án xử lý nợ xấu của các chi nhánh TCTD trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xử lý tài sản đảm bảo…
Theo Báo Khánh Hòa