Qua 05 năm tổ chức thực hiện "Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới theo hướng tích cực, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của các địa phương theo hướng ngày càng hiệu quả, bền vững hơn,...
Những kết quả tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020, tỉnh Khánh Hòa đã xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển những cây, con mà địa phương có thế mạnh, thực hiện có hiệu quả đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tiếp tục phát huy thế mạnh phát triển thủy sản của tỉnh. Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được UBND tỉnh ban hành nhằm thu hút, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, đóng góp hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trong quá trình xây dựng nông thôn mới; chính sách hỗ trợ khi dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn; chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ,... Nhờ vậy, qua 05 năm (2013-2018) thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, nhất là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực, hiệu quả hơn với một số kết quả cụ thể như:
Về trồng trọt, đã định hình được một số cây trồng chính và từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung: cây lúa, cây mía, cây ăn quả, cây thực phẩm và từng bước đưa các giống cây trồng mới, chuyển giao các tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng và sản xuất theo hướng sạch và an toàn, phục vụ nhu cầu xã hội và phát triển du lịch. Năm 2017, sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt trên 268 nghìn tấn tăng 1,26 lần so với năm 2015, việc chuyển dịch, cơ cấu lại cây lương thực đã bảo đảm góp phần an ninh lương thực, nhất là giải quyết được nhu cầu lương thực tại chỗ cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi. Bên cạnh đó, các địa phương đã từng bước chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, trồng sắn và mía kém hiệu quả để tập trung phát triển một số cây ăn quả có lợi thế như: cây sầu riêng, cây xoài Úc, cây bưởi da xanh và từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, thâm canh như: vùng xoài Cam Lâm, sầu riêng Khánh Sơn và bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh. Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây thực phẩm hơn 1.000 ha ở Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm, Nha Trang bằng cách áp dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap; từng bước hình thành và phát triển hệ thống tiêu thụ nông sản an toàn để chủ động cung ứng cho các khu đô thị, khu du lịch, siêu thị, nhà hàng,...
Về chăn nuôi, đã triển khai thực hiện chuyển đổi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại và ứng dụng công nghệ mới có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường; đồng thời chuyển dịch cơ cấu đàn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các loài nuôi có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ, có thị trường ổn định để nâng cao thu nhập cho người trực tiếp chăn nuôi, đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định. Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã hình thành được các cơ sở chăn nuôi tập trung gồm: 341 cơ sở chăn nuôi lợn (tăng 177 cơ sở so với năm 2013); 205 cơ sở chăn nuôi gia cầm (tăng 21 cơ sở so với năm 2013); 22 cơ sở chăn nuôi chim cút, 25 cơ sở chăn nuôi bò; 10 cơ sở chăn nuôi dê cừu, 01 cơ sở chăn nuôi đà điểu, 226 nhà nuôi chim yến. Một số tập đoàn, công ty lớn đã đầu tư vào ngành chăn nuôi như: Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, Tổng công ty Khánh Việt, Công ty cổ phần Khánh Tân, Công ty TNHH Hương Liên, Công ty TNHH Chăn nuôi Nhật Minh,... kèm theo đó là hệ thống cơ sở chăn nuôi vệ tinh được hình thành, tạo điều kiện làm chuyển biến rõ nét trong ngành chăn nuôi. Việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cũng đã có sự chuyển biến, hiện đã có trên 40% số lượng lợn xuất chuồng theo chuỗi liên kết sản phẩm, từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm.
Về lĩnh vực thủy sản, nuôi trồng thủy sản chuyển dần theo hướng công nghiệp, tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, cá mú, ốc hương,... gắn với thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, xây dựng và chuyển giao các mô hình nuôi an toàn sinh học, từng bước tổ chức nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh theo hướng tạo mối liên kết chặt chẽ, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Sản lượng nuôi trồng thủy sản bình quân hàng năm giữ ổn định khoảng trên 13.000 tấn và hàng năm đã sản xuất, cung ứng ra thị trường hơn gần 1,8 tỷ con tôm giống tạo điều kiện cung cấp giống phục vụ cho nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Tỉnh đã làm tốt công tác hỗ trợ cho ngư dân yên tâm đầu tư đánh bắt xa bờ, hình thành các chuỗi liên kết, tổ hợp tác, tổ ngư dân đoàn kết sản xuất, các hệ thống thông tin hỗ trợ đánh bắt xa bờ, phục vụ cứu nạn... đã được quan tâm đầu tư trang bị. Các cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tàu thuyền, được đầu tư hoàn thiện góp phần tạo đỉều kiện cho ngư dân yên tâm sản xuất.
Về tổ chức hoạt động của Hợp tác xã (HTX), toàn tỉnh hiện có 84 HTX đang hoạt động, tăng thêm 14 HTX so với năm 2013; tổng số thành viên HTX là 43.932 người với tổng số vốn hoạt động là 120 tỷ đồng; tổng doanh thu của HTX là 103 tỷ đồng. Các HTX đã tổ chức kinh doanh theo hướng đa dạng hóa các khâu dịch vụ, đáp ứng cơ bản các yêu cầu của sản xuất nông nghiệp; nhiều hợp tác xã hoạt động gắn với sản phẩm chủ lực của vùng, áp dụng công nghệ cao, tiên tiến vào sản xuất, thực hiện liên kết theo chuỗi, liên kết với các siêu thị để tiêu thụ sản phẩm. Kinh tế HTX đã đóng góp vai trò tích cực trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần giảm nghèo, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất ở nông thôn là điều kiện và cơ sở để tổ chức liên kết sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng cánh đồng lớn.
Những khó khăn, hạn chế...
Tuy đã đạt được những kết quả khả quan, song qua đánh giá tổng thể việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn của tỉnh còn chậm, chưa có sự đột phá, sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khả năng cạnh tranh về giá, chất lượng một số nông sản còn thấp. Nguyên nhân là do các ngành, địa phương vẫn còn lúng túng trong việc xác định nội dung, giải pháp cụ thể để triển khai tại địa phương, đơn vị mình; tâm lý của người nông dân còn ngại thay đổi thói quen canh tác, thiếu nhiệt tình trong quá trình chuyển đổi sản xuất; mặt khác tình hình dịch bệnh, nắng hạn, bão lụt diễn biến phức tạp trong những năm qua cũng gây khó khăn nhất định trong tổ chức sản xuất nông nghiệp của người dân và quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, việc vận động thu hút các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn do hiệu quả mang lại chưa cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đầu tư. Theo số liệu báo cáo, toàn tỉnh hiện có 98 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, trong đó có 05 doanh nghiệp nhà nước; 85 doanh nghiệp ngoài nhà nước và 08 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tuy số doanh nghiệp có tăng nhưng các doanh nghiệp tạo giá trị sản xuất trong nông nghiệp tỷ trọng còn thấp; giá trị sản xuất nông nghiệp (không tính thủy sản, lâm nghiệp) của tỉnh chủ yếu vẫn do kinh tế hộ tạo ra (năm 2016 tỷ trọng đạt 97%).
Ngoài ra, việc khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng đồng lớn; thực hiện chính sách khuyến nông, chuyển giao các mô hình sản xuất tiên tiến còn nhiều hạn chế do nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhỏ, phân tán, không đáp ứng được nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến tiêu thụ nông sản, các chính sách khuyến nông chưa đủ mạnh để khuyến khích, chuyển giao các mô hình trong khi tỉnh cũng chưa có những cơ chế, chính sách đặc thù để tạo sự đột phá. Về hoạt động của các HTX nhìn chung còn nhiều khó khăn và đa số các hợp tác xã thiếu vốn, thiếu lao động có trình độ, việc liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu, sự liên kết giữa các thành viên của hợp tác và giữa các thành viên với nhau còn lỏng lẻo, hiệu quả hoạt động còn thấp.
Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Từ những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Khánh Hòa trong thời gian qua, UBND tỉnh đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong thời gian tới với một số nội dung cụ thể đáng chú ý như:
Tập trung triển khai có hiệu quả các quy hoạch ngành, các đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được phê duyệt; tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm gắn kết sản xuất với thị trường tiêu thụ, đưa các nông sản an toàn vào các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại,... tiến tới xây dựng “mỗi địa phương một sản phẩm đặc thù”. Trong đó, sẽ hình thành các vùng sản xuất tập trung như: cây lúa tập trung phát triển ở huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh; xoài Úc huyện Cam Lâm; sầu riêng, mía tím huyện Khánh Sơn; Bưởi da xanh Khánh Vĩnh; Tỏi thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh; nuôi trồng thủy sản ở các huyện, thị xã, thành phố ven biển. Trên cơ sở đó, chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các nông sản chủ lực của các địa phương; ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ cho sản xuất nông ngiệp thông qua các cơ chế chính sách để triển khai các mô hình sản xuất tiên tiến, chuyển đổi cây trồng vật nuôi có hiệu quả trên diện rộng, tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung với quy mô vừa và lớn.
Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác, hợp tác xã, hình thành các hợp tác xã kiểu mới nhằm thực hiện tốt hơn việc tổ chức lại sản xuất, làm tốt vai trò cầu nối trong mở rộng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Quang Chính - Văn phòng Tỉnh ủy