Kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã có vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Chương trình hành động số 06-CTr/TU, ngày 19/7/2002 thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX. UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2208/QĐ-UBND, ngày 05/9/2013 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh trao giấy khen cho các cá nhân tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm
25 năm Ngày thành lập Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa
Trong 15 năm qua, thông qua việc học tập, quán triệt Nghị quyết số 13-NQ/TW và các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh,... các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng, vai trò, vị trí của kinh tế tập thể. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, khuyến khích hỗ trợ tạo điều kiện củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác, HTX để loại hình kinh tế này ngày càng phát triển góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, nâng cao đời sống nhân dân tại địa phương.
Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự vận động, hợp tác, phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, đoàn thể cùng với sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của cán bộ và thành viên HTX, tình hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Liên minh HTX tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiều chính sách đối với kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã thành lập Ban đổi mới và phát triển kinh tế tỉnh; kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh. UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và PTNT cần tích cực thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp đối với các HTX nông nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh thuộc lĩnh vực ngành quản lý. Hàng năm phối hợp với các ngành liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chủ chốt của HTX, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, cung cấp thông tin, số liệu phục vụ công tác tham mưu chỉ đạo.
Một số HTX bước đầu đã có những chuyển biến tích cực như: Tổ chức hiệu quả một số hoạt động dịch vụ, mở rộng kinh doanh, nâng cao năng lực nội tại và tích cực hợp tác, liên kết với các đối tác để tăng tích lũy cho HTX và nâng cao thu nhập xã viên. Một số mô hình mới như: Liên hiệp HTX, HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp, HTX phi nông nghiệp để phát triển sản xuất được hình thành và từng bước phát triển ổn định. Phong trào HTX đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn. Các HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt khá, giỏi thật sự làm chỗ dựa cho kinh tế hộ phát triển; đời sống nông dân khá hơn, qua đó, có nhiều con em các hộ nông dân được học tập bài bản tại các trường đại học, cao đẳng...
Tổ hợp tác
Đến cuối năm 2018, tỉnh Khánh Hòa có 298 THT, tăng 128 THT so với năm 2003 (tăng 75,3%), nhiều THT phát triển thành HTX; trong đó có 224 THT thuộc các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nông, lâm, diêm nghiệp, đánh bắt thủy sản, đã được UBND xã, phường chứng thực hợp đồng hợp tác theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Vốn bình quân 450 triệu đồng/tổ; một số THT khai thác thủy sản có vốn từ 02-10 tỷ đồng, lao động bình quân 20-30 người/tổ. Các THT đã giải quyết việc làm ổn định cho người lao động, thu nhập bình quân từ 2,5-3,5 triệu đồng/tháng, góp phần tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là khu vực nông thôn. Một số THT thủy sản mới thành lập, bước đầu hoạt động mang lại hiệu quả cao, bền vững: THT sản xuất kinh doanh nuôi cá thương phẩm Ngọc Diêm - xã Ninh Ích, THT Nghề cá Phước Đồng, THT Nghề cá Vĩnh Phước; Tổ liên kết sản xuất tỏi xã Ninh Phước theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, THT trong tỉnh phát triển vẫn chưa nhiều, hoạt động mang tính thời vụ nên thiếu tính bền vững. Việc quán triệt Nghị định số 151/2007/NĐ-CP chưa được thường xuyên. Từ hình thức hợp tác giản đơn đã qua một quá trình hoạt động, các THT chưa phát triển nhiều thành HTX do tâm lý e ngại của người dân đối với kinh tế hợp tác vẫn chưa được tháo gỡ.
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước - thị xã Ninh Hòa
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Đến cuối năm 2018, tỉnh Khánh Hòa có 114 HTX, liên hiệp HTX đang hoạt động. Trong đó có: 90 HTX nông-lâm-ngư-diêm nghiệp, tăng 31 HTX so với năm 2003; 08 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng 03; 02 HTX xây dựng, giảm 01; 01 HTX thương mại, giảm 06; 09 HTX vận tải, giảm 11; 04 quỹ tín dụng nhân dân, tăng 01 và 01 liên hiệp HTX, bằng với năm 2003. Số HTX hoạt động thuộc diện khá, giỏi là 41%, trung bình là 45%, 14% còn lại là yếu, kém. Ngoài ra có 18 HTX đang tồn tại về danh nghĩa cần được tư vấn giúp đỡ giải thể, một số HTX tự tuyên bố giải thể.
Tổng số vốn hoạt động, doanh thu, lợi nhuận HTX tăng nhanh, bền vững. Số vốn hoạt động của HTX tăng từ 60 tỷ đồng năm 2003 lên 148 tỷ đồng năm 2018 (tăng 146%). Doanh thu bình quân năm 2018 đạt 2.675 triệu đồng/HTX, tăng 2.075 triệu đồng/HTX (tăng 345,83% so với năm 2003). Lợi nhuận bình quân đạt 82 triệu đồng/HTX, tăng 54 triệu đồng/HTX (tăng 192,9% so với năm 2003). Tổng số thành viên HTX tính đến cuối năm 2018 là 48.500 người, giảm 2.500 thành viên so với năm 2003; do rà soát, củng cố tổ chức HTX, quản lý thành viên sau khi chuyển đổi mô hình HTX kiểu mới. Tổng số lao động thường xuyên làm việc tại HTX là 7.500 người, tăng 200 người so với năm 2003 (tăng 2,75%). Tiền lương bình quân của lao động thường xuyên làm việc tại HTX là 30 triệu đồng/người/năm (năm 2003 đạt 13 triệu đồng/người/năm). Các HTX thành lập mới trên cơ sở THT đã có thời gian dài hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực ngành nghề. Do đó, đảm bảo các nguyên tắc hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, bước đầu mang lại hiệu quả khá cho HTX và thành viên.
Một số mô hình HTX, liên hiệp HTX nổi bật, điển hình với cách làm mới
Đối với mô hình tổ chức dịch vụ: Chủ yếu là đồng sở hữu và đồng sử dụng sản phẩm dịch vụ của HTX, chủ yếu tại các HTX dịch vụ nông nghiệp nông thôn. Điển hình là HTX nông nghiệp Diên An, HTX nông nghiệp Diên Lộc, HTX nông nghiệp Diên Toàn; HTX nông nghiệp 1 Ninh Quang, HTX nông nghiệp phường Ninh Hiệp; HTX nông nghiệp Vĩnh Phương, HTX nông nghiệp Vạn Lương 1, HTX nông nghiệp thị trấn Vạn Giã... Đối với mô hình HTX sản xuất tập trung: HTX tạo việc làm cho thành viên và thành viên bỏ ra lao động của mình tham gia vào HTX. HTX loại hình này được thành lập từ tạo và giữ việc làm ổn định cho các thành viên, tiêu biểu là HTX Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước, các HTX sản xuất muối, HTX Thủy sản Thống nhất, HTX đóng tàu Song Thủy, các HTX thủy sản nghề đăng,...
Một số mô hình HTX, liên hiệp HTX thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị
Liên minh HTX tỉnh cùng với Liên minh HTX Việt Nam khảo sát, lựa chọn HTX đủ điều kiện và năng lực tham gia Đề án Mô hình hợp tác xã phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị; theo đó, 02 đơn vị là HTX cây ăn quả Sơn Bình Khánh Sơn và HTX Nấm Vĩnh Ngọc đã được chọn triển khai Đề án trong năm 2018. Các HTX sẽ được hỗ trợ không hoàn lại 250 triệu đồng để xây dựng nhà sơ chế, nhà lạnh và các trang thiết bị; được vay vốn ưu đãi để mua xe ôtô để vận chuyển hàng hóa; xây dựng hợp đồng với doanh nghiệp; thực hiện việc liên kết 6 nhà; tư vấn phương án sản xuất hàng năm và phương án chiến lược 5 năm, 10 năm; công nghệ bảo quản... Theo kế hoạch, năm 2019 và 2020, Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục chọn HTX Rau VietGAP Đắc Lộc và HTX nông nghiệp 1 Ninh Quang (gạo chất lượng cao) tham gia Đề án trên. Bên cạnh đó, Liên minh HTX phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành chức năng tham gia theo dõi, xây dựng chuỗi liên kết với các doanh nghiệp trong khai thác, thua mua, chế biến, tiêu thụ thủy sản như: Chuỗi liên kết giữa Công ty TNHH Thịnh Hưng với Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng đã thu hút hơn 100 tàu khai thác cá ngừ vây vàng mắt to tham gia; chuỗi liên kết giữa Công ty TNHH Tín Thịnh với Tổ hợp tác nghề cá Vĩnh Phước đã thu hút hơn 25 tàu khai thác cá ngừ sọc dưa tham gia.
Quỹ Tấm lòng vàng Người lao động hỗ trợ ngư dân Khánh Hòa
Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã chọn vùng mía đường xã Diên Đồng và xã Ninh Tân để triển khai mô hình liên kết tiêu thụ cây mía đường giữa doanh nghiệp và HTX. Công ty Cổ phần Đường Việt Nam là doanh nghiệp đăng ký tham gia vào chuỗi liên kết và làm thành viên của HTX khi thành lập (thành lập HTX mía đường Ninh Tân). Khi triển khai mô hình sẽ từng bước giúp các địa phương quy hoạch vùng sản xuất thành cánh đồng lớn, tăng cường cơ giới hóa, đồng thời giúp giảm giá thành sản xuất, giải quyết các vấn đề đầu ra cho nông sản.
Những tồn tại, hạn chế
Một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành liên quan chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của kinh tế hợp tác - HTX, thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoặc đôi khi can thiệp quá sâu làm mất quyền tự chủ của các HTX trong sản xuất kinh doanh. Nội lực của các HTX chưa thực sự mạnh, còn hạn chế về trình độ cán bộ quản lý, nghiệp vụ chuyên môn chưa cao, vốn đầu tư trên một đầu thành viên thấp,... làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả xây dựng và phát triển của khu vực kinh tế tập thể. Số lượng HTX phát triển mô hình mới chưa nhiều, tỷ lệ HTX kinh doanh khá giỏi chưa cao, chưa phát triển rộng giữa các ngành nghề và trên các địa bàn trong tỉnh nhất là các huyện miền núi, hải đảo mà chủ yếu tập trung tại các thành phố, thị trấn.
Kinh tế hợp tác nòng cốt là HTX đã có chuyển biến nhưng chưa theo kịp yêu cầu trong tình hình mới. Việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, phát hiện bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa được coi trọng đúng mức. Công tác tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, tập thể cá nhân điển hình tiên tiến tiến hành chưa thường xuyên; do vậy, phong trào thi đua khó trở thành động lực thúc đẩy phát triển HTX. Các HTX nông nghiệp vẫn duy trì chủ yếu các hoạt động dịch vụ trước đây, việc mở rộng thêm các ngành nghề mới như chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, dịch vụ khác... chưa phát triển tương xứng; do vậy, nhiều HTX vẫn còn gặp khó khăn, tỷ lệ HTX hoạt động sản xuất kinh doanh khá, giỏi tuy tăng lên từ 28,5% (năm 2001) lên 37,5% (năm 2007) và 41% (năm 2002-2018) nhưng số HTX yếu, kém chuyển biến chậm. Các HTX phi nông nghiệp, nhiều mô hình điển hình tiên tiến, làm ăn khá như HTX thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước, HTX thủy sản Thống Nhất... chưa được nhân rộng. Số HTX hoạt động sản xuất kinh doanh trung bình vẫn còn chiếm tỷ lệ khá lớn. Chính sách khuyến khích hỗ trợ cho HTX chưa thực sự tạo điều kiện cho HTX thụ hưởng. Nợ tồn đọng trong HTX chưa được giải quyết cơ bản…
Mục tiêu cụ thể
Tỉnh Khánh Hòa xác định phát triển kinh tế tập thể gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu cụ thể là phát triển nhanh, bền vững các loại hình THT, HTX trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, tiến tới có thu nhập ổn định. Chỉ tiêu cụ thể: Phấn đấu số lượng HTX đạt khá, giỏi chiếm 50-60%; không còn các HTX tồn tại hình thức, không hoạt động, số HTX yếu kém còn dưới 10%. Số HTX hoạt động ổn định làm ăn có lãi từ 80-90%, thu nhập của thành viên tăng 15%/năm. Vận động thành lập mỗi năm từ 03-05 HTX, nâng tổng số HTX hoạt động thực sự đến năm 2025 lên từ 130-150 HTX và 02 liên hiệp HTX. Thu hút khoảng trên 80% các hộ nông dân trên địa bàn nông thôn tham gia kinh tế tập thể hoặc có sử dụng các dịch vụ của tổ hợp tác, HTX. Đến năm 2025, có từ 80-90% cán bộ quản lý của HTX được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý điều hành HTX, từ 20-30% cán bộ quản lý HTX đạt trình độ cao đẳng, đại học.
Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tổ chức tốt các Phiên chợ nông sản hàng năm
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian đến
Qua tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, tỉnh Khánh Hòa xác định một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian đến để thực hiện nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và các nghị quyết, chỉ thị… của Trung ương, của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tập thể; từ đó đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với sự phát triển của kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh. Tăng cường giới thiệu các mô hình HTX hiểu mới, kinh nghiệm của phong trào HTX trong khu vực và trên thế giới.
2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX từ tỉnh đến cơ sở. Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống bộ máy quản lý nhà nước đối với HTX theo luật, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả, tập trung và thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phát triển kinh tế tập thể, HTX. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc và các vi phạm pháp luật về HTX. Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể các cấp để chỉ đạo thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
3. Tổ chức, củng cố lại hoạt động của các HTX theo Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn; phát huy vai trò làm chủ của thành viên; vận động thành viên HTX góp vốn và nâng mức góp vốn; vận động HTX thu hút thêm thành viên, hợp nhất, sáp nhập HTX cùng ngành, nghề và địa bàn hoạt động để tăng tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động của HTX. Thành lập các HTX mới theo hướng dịch vụ tổng hợp đa ngành nghề; trong đó, tập trung ưu tiên phát triển các HTX dịch vụ phục vụ các chương trình nông nghiệp trọng điểm giai đoạn 2020-2025.
4. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp của tổ hợp tác, hợp tác xã. Trong đó, tiếp tục hỗ trợ để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại của kinh tế tập thể và hợp tác xã. Chú trọng quan tâm từng bước hoàn thiện thị trường tiêu thụ sản phẩm ở khu vực nông thôn bao gồm mạng lưới chợ nông thôn và hệ thống đại lý dịch vụ bán lẻ nguyên vật liệu cho sản xuất và hàng tiêu dùng.
5. Tiếp tục chủ động tham mưu, triển khai các kế hoạch, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế hợp tác, HTX đã ban hành, tạo lập môi trường thuận lợi cho các HTX phát triển. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Liên minh HTX tỉnh, các tổ chức, đoàn thể đối với sự phát triển kinh tế tập thể.
Nguyên Lộc - Văn phòng Tỉnh ủy
Tags:
Tác giả: Nguyên Lộc - Sở Ngoại vụ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
- Đa dạng tour du lịch xuất ngoại (31/07/2019)
- Nhiều chuyển biến trong quan hệ lao động (30/07/2019)
- Khánh Hòa có 2 bãi biển được tạp chí Forbes chọn vào top 10 bãi biển đẹp Việt Nam (26/07/2019)
- 5 doanh nghiệp Khánh Hòa đạt Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2019 (23/07/2019)
- Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (22/07/2019)
- Khánh Sơn: Đất tăng giá, khó đền bù (18/07/2019)
- Tiềm năng phát triển tour du thuyền (17/07/2019)
- Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sau 5 năm nhìn lại (16/07/2019)
- Công ty Yến sào Khánh Hòa đạt danh hiệu "Doanh nghiệp Việt Nam điển hình sáng tạo 2019" (10/07/2019)
- Mùa du lịch hè: Cơ hội thu hút khách nội địa (10/07/2019)