Chiều 24-5, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, người lao động (NLĐ) năm 2023. Tại hội nghị, NLĐ đã thẳng thắn nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách, phúc lợi và được Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành giải đáp rõ ràng và định hướng giải quyết trong thời gian tới.
Công nhân đặt nhiều câu hỏi sát sườn
Hội nghị có 100 đoàn viên, NLĐ đại diện cho hơn 95.000 NLĐ trên địa bàn tỉnh trực tiếp đối thoại với lãnh đạo tỉnh. Mở đầu buổi đối thoại, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, công nhân Công ty TNHH Một thành viên May mặc thương mại và dịch vụ Minh Sơn (huyện Cam Lâm) chia sẻ, hiện nay, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động trẻ vừa học xong lớp 12 vào làm việc. Do chưa được đào tạo nghề khiến năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, ảnh hưởng tới tiền lương, thu nhập. Do vậy, UBND tỉnh cần có chính sách hỗ trợ công nhân học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để từng bước nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập. Còn anh Đinh Văn Kiên, nhân viên Công ty Cổ phần Du lịch Khánh Tâm (TP. Nha Trang) băn khoăn, hiện nay, việc điều tra kết luận các vụ tai nạn lao động của các ngành chức năng còn chậm, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người bị nạn. Về chính sách hỗ trợ, chị Cao Thị Thơm, công nhân Công ty TNHH Quang Quân Nha Trang (huyện Diên Khánh) quan tâm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ cho công nhân bị cắt giảm việc làm, nghỉ việc, nhưng điều kiện ràng buộc là doanh nghiệp phải xây dựng phương án cắt giảm lao động, giảm giờ làm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện gây khó cho việc thực hiện hỗ trợ của tổ chức công đoàn. Vì vậy, tỉnh cần có giải pháp chấn chỉnh tình trạng này.
|
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân trao quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. |
Liên quan đến các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, nhân viên Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Vạn Ninh băn khoăn, hiện nay, do đời sống khó khăn, nhiều lao động bị mất việc làm phải rút BHXH 1 lần. Thực trạng này không chỉ gây thiệt thòi lớn về quyền lợi của NLĐ mà còn tạo áp lực cho việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Do đó, tỉnh cần hỗ trợ cho công nhân bị mất việc nhằm giảm tình trạng rút BHXH 1 lần.
Vấn đề về nhà ở, thiết chế dành cho công nhân cũng được nhiều NLĐ quan tâm. Chị Đặng Thị Thương, nhân viên Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa thắc mắc, hiện nay, ở các khu, cụm công nghiệp vẫn chưa có nhà ở xã hội dành cho công nhân nên hầu hết công nhân phải đi thuê trọ ở tạm bợ, thiếu thốn nhiều thứ. NLĐ mong tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, trường học, chợ, thiết chế để công nhân an tâm làm việc lâu dài. Ông Đoàn Ngọc Cứ - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Tín Thịnh (Khu Công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm) đề nghị tỉnh cần có giải pháp và chính sách hỗ trợ công nhân tiếp cận nguồn vốn tiêu dùng lãi suất thấp để hạn chế "tín dụng đen"…
Giải đáp rõ nhiều vấn đề
Tại hội nghị, Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân đã trực tiếp trả lời một số nội dung công nhân quan tâm, trong đó ưu tiên bảo đảm việc làm, quyền lợi cho NLĐ. Về vấn đề nhà ở, đồng Nguyễn Tấn Tuân cho biết, sắp tới, tỉnh sẽ khởi công xây dựng nhà ở xã hội tại TP. Cam Ranh, xã Vĩnh Phương và dọc Tỉnh lộ 3 (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), thị xã Ninh Hòa để phục vụ công nhân, NLĐ. Đồng thời, tỉnh sẽ cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ gói ưu đãi cho NLĐ vay mua nhà. Đồng chí yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương ghi nhận và có kế hoạch giải quyết kiến nghị, đề xuất của công nhân; từ nay đến thời điểm diễn ra Đại hội Công đoàn tỉnh phải báo cáo lại cho UBND tỉnh kết quả giải quyết những kiến nghị của NLĐ. Trong đó, ngành ngân hàng cần rà soát, thực hiện thủ tục cho vay nhanh gọn để hạn chế "tín dụng đen"; các ngành có liên quan tăng cường tuyên truyền để hạn chế NLĐ rút BHXH 1 lần để đảm bảo an sinh lâu dài. Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân yêu cầu các cấp công đoàn cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, NLĐ. Đồng chí cũng mong muốn đoàn viên, NLĐ đồng lòng, chung sức tích cực tham gia đóng góp xây dựng tỉnh Khánh Hòa ngày càng phát triển vững mạnh, giàu đẹp...
Đồng chí Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NLĐ được tỉnh rất quan tâm. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 85%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 31%. Vì vậy, hệ thống giáo dục nghề nghiệp được tỉnh đầu tư phát triển mạnh, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. Lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tỉnh bố trí khoảng 2 tỷ đồng/năm để hỗ trợ đào tạo nghề dưới 3 tháng cho khoảng 1.000 lao động. Do vậy, để nâng cao tay nghề, kỹ năng cho công nhân, các ngành chức năng cần phổ biến rộng rãi chính sách để doanh nghiệp tiếp cận đăng ký, góp phần phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; giúp NLĐ nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Đối với các vụ tai nạn lao động còn chậm điều tra là do doanh nghiệp chậm khai báo và pháp luật chưa quy định cụ thể chế tài xử phạt đối với các hành vi này. Đồng thời, việc cơ quan cảnh sát điều tra kết luận vụ tai nạn chết người có phải là vụ tai nạn lao động hay không (có hay không yếu tố tội phạm) cần nhiều thời gian. Do vậy, thời gian tới, sở sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để đẩy nhanh kết luận điều tra; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong công tác khai báo, điều tra tai nạn lao động. Đối với chính sách hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, Bộ luật Lao động không quy định doanh nghiệp phải xây dựng phương án cắt giảm lao động, giảm giờ làm do ảnh hưởng của dịch bệnh hay thiếu đơn hàng. Do đó, Liên đoàn Lao động tỉnh cần tăng cường hướng dẫn để các cấp công đoàn, doanh nghiệp thực hiện để NLĐ được hưởng chính sách này.
Trả lời vấn đề liên quan đến BHXH, đồng chí Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh cho biết, chính sách BHXH luôn hướng đến an sinh xã hội lâu dài. Do đó, việc rút BHXH 1 lần sẽ làm mất đi ý nghĩa nhân văn của chính sách. Thời gian tới, ngành BHXH tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo được niềm tin và sự đồng thuận của NLĐ. Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi Luật BHXH sẽ hướng đến xây dựng BHXH đa tầng và sửa đổi một số nội dung nhằm hạn chế việc rút BHXH 1 lần.
Về chính sách tín dụng, đồng chí Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, hiện nay, hầu hết ngân hàng đều có nguồn vốn ưu đãi cho NLĐ vay tiêu dùng. Đặc biệt, Công ty Tài chính TNHH HD SAISON và Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC còn triển khai gói 20.000 tỷ đồng với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay của công ty tài chính để đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của công nhân; Agribank triển khai gói 5.000 tỷ đồng để cho vay tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình… Do vậy, các cấp công đoàn cần chủ động nắm bắt thông tin, tăng cường tuyên truyền đến đoàn viên, NLĐ các chính sách tín dụng của ngân hàng để họ tìm hiểu, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”...
Dịp này, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân trao kinh phí hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 5 nhà Mái ấm công đoàn cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn Quỹ Mái ấm Công đoàn Khánh Hòa với tổng số tiền 225 triệu đồng; trao 100 suất quà trị giá 1,2 triệu đồng/suất từ nguồn hỗ trợ của Liên đoàn Lao động tỉnh.
VĂN GIANG
Theo https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202305/uu-tien-bao-dam-viec-lam-quyen-loi-cho-nguoi-lao-dong-f8a291e/