Du lịch là ngành khá nhạy cảm với các yếu tố thông tin về môi trường, dịch bệnh, an ninh trật tự, thời tiết... Trong quá trình truyền thông về ngành Du lịch, các cơ quan báo chí đưa tin về những hình ảnh của cuộc sống thường nhật và thông tin chân thật, chính xác sẽ tạo niềm tin cho người dân và du khách khi quyết định lựa chọn điểm đến phù hợp.
Báo chí và câu chuyện khủng hoảng
Những năm qua, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển, đem lại nguồn thu lớn cho đất nước. Một trong những yếu tố tạo nên sự phát triển lớn mạnh của ngành Du lịch có đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí, truyền thông vào việc quảng bá du lịch. Đặc biệt, trong kỷ nguyên 4.0, những thông tin liên quan đến du lịch được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội được xem là kênh chính thức để người dân, du khách tham khảo, lựa chọn. Đối với các doanh nghiệp du lịch, thông tin trên báo chí cũng là kênh để quảng bá và khai thác nguồn khách phù hợp. Ngoài ra, nhiều vướng mắc của doanh nghiệp hoặc những vấn đề phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp du lịch khi được báo chí phản ánh sẽ giúp các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời, đảm bảo môi trường du lịch chuyên nghiệp.
Có thể thấy, truyền thông có tác động rất lớn tới hoạt động du lịch. Bên cạnh những thông tin phản ánh trung thực, hiện nay có một số thông tin sai sự thật, suy đoán trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành, trực tiếp là các doanh nghiệp du lịch. Tại Việt Nam, một ví dụ điển hình là vào tháng 8-2015, khu vực Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu (tỉnh Quảng Ninh) bị thiệt hại nặng nề về việc du khách hủy tour, do có thông tin dự báo sẽ có mưa to hơn cơn mưa lịch sử trước đó. Tuy nhiên, trên thực tế, thời tiết lại rất đẹp. Do đó, với những thông tin võ đoán được đưa ra đã ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp du lịch, người dân địa phương trên các tuyến đảo. Du khách rất nhạy cảm với những thông tin bất lợi về thời tiết, môi trường và an ninh, do đó, khi thông tin theo kiểu dự báo không xác thực, không có căn cứ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của cả chuỗi dịch vụ.
Tính chuyên nghiệp - “thần dược” xử lý khủng hoảng
Với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, khi xảy ra khủng hoảng truyền thông, ngành Du lịch cần có sự sẵn sàng, tập trung nguồn lực, hành động ứng phó thống nhất, sự tham gia chủ động của tất cả các bên liên quan. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng quy trình quản lý khủng hoảng truyền thông. Thực tế cho thấy, việc quản trị khủng hoảng tốt sẽ ngăn chặn và giảm thiểu tác động tiêu cực của khủng hoảng đối với du lịch Việt Nam. Khi xảy ra khủng hoảng, công chúng rất cần thông tin cơ bản, ngắn ngọn, chính xác, đầy đủ và trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp. Đây là “thần dược” giảm van áp lực, làm dịu độ “nóng” của vấn đề. Mặt khác, để lấy lại hình ảnh của điểm đến trong khủng hoảng, cần phải có cái nhìn từ người trong cuộc khi đưa thông tin dưới nhiều góc độ một cách chân xác, để công chúng có được niềm tin. Tóm lại, khi xảy ra khủng hoảng, bước đầu tiên các đơn vị, tổ chức cần có phản ứng nhanh. Mặc dù thông tin tại thời điểm đó chưa hoặc không có sẵn, nhưng việc im lặng trước đó sẽ dẫn đến những giả định, suy đoán và buộc tội công khai.
Đối với lãnh đạo địa phương, các cấp có trách nhiệm nên xây dựng một bộ phận chuyên trách xử lý khủng hoảng truyền thông. Qua mỗi vụ việc hãy cung cấp cho xã hội, khách du lịch những thông tin cập nhật để làm “dịu” dư luận hơn, người dân và du khách yên tâm về mọi mặt. Bởi sau khủng hoảng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp luôn là người thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Vì vậy, các doanh nghiệp, tổ chức không nên ngừng liên lạc khi khủng hoảng truyền thông mà hãy giao tiếp cởi mở với những gì chúng ta đang làm để đưa ra kết luận có trách nhiệm. Các cơ quan, doanh nghiệp cần chủ động thông tin trung thực trong khủng hoảng, không né tránh, không phỏng đoán, tránh thông tin gây hiệu ứng tiêu cực. Đặc biệt, các cơ quan rất cần thành lập một đội “tác chiến” nhanh để có chỉ đạo xuyên suốt, đi thẳng vấn đề, tránh bị chồng chéo, không thống nhất trong việc cung cấp thông tin. Thực hiện nhanh chóng giải pháp: “Lấy thông tin tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Tốt nhất, nên cử lãnh đạo cao nhất là người phát ngôn chính thức, xuyên suốt thời gian xảy ra khủng hoảng. Như vậy, thông tin sẽ nhất quán, tránh những sai sót hoặc không thống nhất trong thông điệp đưa ra cho công chúng. Khủng hoảng truyền thông đối với ngành Du lịch như “ngọn lửa cháy” cần phải dập tắt ngay tức khắc. Do đó, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cần quan tâm vấn đề này một cách nghiêm túc và có trách nhiệm.
Theo Báo Khánh Hòa