PHẦN THỨ NHẤT
ĐẢNG BỘ KHÁNH HÒA THÀNH LẬP VÀ LÃNH ĐẠO CUỘC ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1930 - 1945)
CHƯƠNG I
CUỘC VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TỈNH KHÁNH HÒA
QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TỈNH KHÁNH HÒA
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta là thuộc địa của đế quốc Pháp, dân ta bị chúng xem là vong quốc nô. Người Pháp nắm hết các chức vụ đứng đầu bộ máy cai trị và các ngành kinh tế. So với các tỉnh khác, một trong những đặc điểm về sự thống trị của thực dân Pháp ở Khánh Hòa là có nhiều cơ quan không phải thuộc tỉnh và có khá đông viên chức trí thức. Thị xã Nha Trang lại rất gần Sài Gòn, có đoạn cuối đường sắt từ Sài Gòn ra và đầu mối phía Nam của đường vận tải ô tô STACA nối tiếp giao thông đoạn Nha Trang - Đà Nẵng1. Do vậy mà Nha Trang là nơi dừng chân đối với hành khách từ Bắc vào hay từ Nam ra và trở thành nơi hội tụ giao lưu của Nam Trung bộ. Các tờ báo yêu nước, các sách cấm, từ Bắc vào hay từ Nam ra đều có lưu hành ở Nha Trang. Không khí chính trị ở Nha Trang - Khánh Hòa thường rất nhạy cảm đối với các biến động diễn ra ở Sài Gòn.
Báo cáo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gởi Chủ tịch đoàn Quốc tế Cộng sản ngày 19-2-1925 phản ánh rằng: "Mới đây, nhiều truyền đơn chống đế quốc đã được rải ở Nam kỳ. Căn cứ vào những đoạn trích tôi cho rằng, những truyền đơn ấy là của Ban thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp"2. Những loại truyền đơn như vậy cũng đã được rải ở Nha Trang. Ngày 16-10-1924, mật thám Nha Trang báo cáo lên cấp trên một sự kiện có vẻ đặc biệt rằng: "Một số truyền đơn Cộng sản từ Pháp gửi cho người bản xứ trong tỉnh đã bị tịch thu, và những người nhận truyền đơn bị theo dõi một cách nghiêm ngặt"3.
Giới viên chức trí thức Nha Trang bị mật thám Pháp chú ý theo dõi, kiểm soát vì họ tỏ ra mẫn cảm đối với những luồng tư tưởng yêu nước nhằm đả kích vào những thủ đoạn thống trị tàn ác của thực dân Pháp và bọn Nam triều phong kiến tay sai.
Họ ngưỡng mộ những tư tưởng mới trong báo L'humanité (Nhân đạo) cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp hay trong báo Le Paria (Người cùng khổ) cơ quan của Hội Liên hiệp thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc là chủ nhiệm, kiêm chủ bút. Báo L'humanité và báo Le Paria thường được các tờ báo tiếng Pháp xuất bản ở Nam kỳ như tờ La cloche fềlée (Chuông rè) của Nguyễn An Ninh, L'Annam của Phan Văn Trường hay tờ Jeune Annam (nước Annam trẻ) trích đăng. Có một dạo bọn thống trị Pháp tại Khánh Hòa thông báo cho nhau một cách lo ngại rằng: "Tòa sứ Nha Trang có nhiều cơ quan, không phải thuần túy của tỉnh. Tại đây lại có một số tương đối lớn viên chức trẻ tuổi, có tham vọng chơi kiểu Jeune Anam"4.
Chơi kiểu Jeune Anam tức là xu hướng theo nhóm "Thanh niên Việt Nam" ở Nam kỳ. Cơ quan báo chí của nhóm là tờ Annam trẻ. Nhóm này cũng xuất bản dưới dạng những sách nhỏ bản Tuyên ngôn dân quyền và bản Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của K.Mác. Truyền đơn của nhóm kêu gọi "Tận tâm tận lực hoạt động để giải phóng dân tộc Việt Nam". Vậy là trong những năm 1925-1926, chủ nghĩa Mác-Lênin đã được truyền bá đến tỉnh Khánh Hòa, lưu hành trong một số trí thức, viên chức tại Nha Trang, Ninh Hòa. Tuy nhiên cũng chỉ dừng lại ở phạm vi một tư tưởng mới, chứ chưa đi đến một tổ chức cụ thể nào.
Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập một tổ chức yêu nước có khuynh hướng cộng sản, lấy tên là "Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội". Nếu như trước đó, các phong trào yêu nước còn mang đậm màu sắc tư sản, tiểu tư sản, còn bó hẹp trong các tầng lớp trên, thì sau đó đã có tính chất giai cấp công nhân và đi vào quần chúng lao động. Ở Khánh Hòa, lớp thanh niên tiến bộ ngưỡng mộ tên tuổi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đón nhận ảnh hưởng của Cách mạng tháng 10 Nga và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết. Những người tham gia phong trào sĩ phu yêu nước còn sót lại và còn uy tín như ông Nguyễn Tử Trực tức Ấm Trực5 đã nhường bước cho lớp thanh niên trí thức hoạt động. Ông Vương Gia Bật từ chức giáo viên về mở hiệu sách "Mộng lương Thư quán" tại Nha Trang. Các báo tương đối tốt như Tân Thế kỷ, Tiếng Dân, trình bày ở hiệu sách nhiều người đến mua, xem. Thanh niên ham mê đọc các sách về gương thiếu niên, sách của Nhà xuất bản Quan Hải Tùng Thư về chủ nghĩa Mác-Lênin, sách "Pháp luật luận" của nhà báo Phan Văn Trường. Nhưng rồi thấy giáo Vương Gia Bật bị tù, Mộng lương Thư quán bị đóng cửa.
Vào cuối năm 1925, cụ Phan Bội Châu, một nhà yêu nước lão thành, xuất dương từ 20 năm nay, bị thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải. Tòa án thực dân tuyên bố xử tử cụ, sau giảm xuống còn chung thân khổ sai. Trong cả nước dấy lên phong trào nhân dân đấu tranh đòi thả cụ. Học sinh các trường Pháp - Việt Ninh Hòa, Nha Trang chịu ảnh hưởng của nhiều thầy giáo yêu nước, chia nhau đi nói chuyện với bạn học, với những người quen thân về thân thế sự nghiệp của cụ Phan Bội Châu. Học sinh Huế chẳng những đấu tranh bãi khóa đòi thả cụ Phan, mà còn phái đại biểu đi vận động các tỉnh. Trên 100 học sinh Nha Trang lên núi Sinh Trung nghe chị Võ Thị Trang, học sinh Huế nói chuyện, sau đó ký tên vào kiến nghị đòi thả cụ Phan6.
Đầu năm 1926, cụ Phan Chu Trinh là một nhà yêu nước nổi tiếng, là bạn của nhà chí sĩ yêu nước Trần Qúy Cáp. Khi cụ qua đời đã có trên 30.000 người Việt Nam ở khắp xứ Nam kỳ đưa tang cụ, và được khắp cả nước tổ chức lễ truy điệu. Tiếp nhận hai sự kiện đau lòng, hai cái tang, thanh niên, học sinh Nha Trang - Khánh Hòa vô cùng thương tiếc. Các thầy giáo, cô giáo, công chức, nhân sĩ trí thức trong tỉnh làm lễ truy điệu, đeo băng đen để tang cụ Tây Hồ và đánh điện chia buồn với ban tổ chức lễ tang ở Sài Gòn.
Ngày giỗ đầu cụ Phan Chu Trinh 15-3-1927 được cử hành long trọng tại chùa Cát (Nha Trang). Hầu hết thanh niên trí thức, học sinh, công chức, thân hào, thân sĩ, đại biểu các huyện về dự. Điếu văn nêu rõ công đức của cụ và kêu gọi đồng bào đoàn kết, yêu nước.
Dưới ách áp bức bóc lột nặng nề của thực dân phong kiến, những sự kiện chính trị nói trên đã khơi dậy mãnh liệt lòng yêu nước, chí căm thù và truyền thống chống ngoại xâm.
Trong những năm 1925-1926, hai thầy giáo Ngô Đức Diễn (người Nghệ An), Hà Huy Tập (người Hà Tĩnh) được cử vào dạy học tại tỉnh Khánh Hòa. Thầy Diễn, thầy Tập là những trí thức yêu nước, là trong số những người tham gia thành lập "Hội Phục Việt" (7-1925) sau đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng, gọi tắt là Tân - Việt ở Nghệ Tĩnh. Lúc đầu tư tưởng yêu nước của hai ông còn chịu ảnh hưởng các quan điểm tư sản, tiểu tư sản. Trong bản "Tiểu sử tự ghi" năm 1929, đồng chí Hà Huy Tập viết: "Chắc chắn là năm 1923, tôi chưa có tư tưởng cộng sản, mới chỉ có tư tưởng chống Bảo Hoàng (triều đình phong kiến nhà Nguyễn) và chống đế quốc, bởi vì tôi căm thù chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến. Tôi tuyên truyền chống chế độ chuyên chế và chế độ thực dân Pháp trong số những học sinh và những người mà tôi biết"7. Nhưng từ giữa năm 1926, khi đảng Tân - Việt đã có sự liên hệ với tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập thì tư tưởng của hai ông đã chuyển qua xu hướng mácxít, vận động yêu nước trên lập trường giai cấp công nhân. Trong bản "Tiểu sử tự ghi", đồng chí Hà Huy Tập viết: "Năm ấy (1926), tôi đã được đọc những tờ báo, những cuốn sách viết về chủ nghĩa cộng sản. Những sách, báo này, tôi nhận từ bên Pháp gởi sang. Lúc đó, một xu hướng mới bắt đầu có trong đời tôi, xu hướng chủ nghĩa cộng sản. Khi đó, tôi hiểu những động lực chính của cách mạng là những ai. Từ ngày đó, tôi có thể thấy rõ vai trò cách mạng của giai cấp vô sản, và đúng vậy, chính vì nó mà tôi lao vào đời sống chính trị"8. Thầy Diễn dạy học tại trường Pháp - Việt Ninh Hòa. Thầy Tập dạy tại trường Pháp - Việt Nha Trang. Hai ông đem lập trường yêu nước theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin vận động trong nhà trường và viên chức.
Lúc bấy giờ ở Khánh Hòa chỉ có trường tiểu học (cấp I). Trong chế độ nhà trường thực dân, cấp tiểu học kéo dài 6 năm. Học sinh hết cấp độ 15, 16 tuổi, có người đến 19, 20 tuổi. Mục đích học là để trở thành người làm việc cho thực dân Pháp. Ngay từ lớp tư (Cours préparatoire) học sinh đã học tiếng Pháp, lịch sử nước Pháp, dễ làm cho học sinh ngộ nhận "Tổ quốc chúng em là nước Pháp", "Tổ tiên chúng em là người Gô-loa" nhằm mục đích nhồi sọ, đầu độc khối óc trong trắng của thanh niên ta, sớm tiêm nhiễm ý thức nô lệ, quên tổ tiên mình là vua Hùng.
Ngoài việc dạy ở trường, các thầy Diễn, thầy Tập còn vận động tổ chức các lớp dạy đêm cho công nhân. Ở Nha Trang tổ chức được hai lớp cho người lớn và một lớp tuổi trẻ, chia làm hai bậc học: người biết đọc, biết viết và người mới bắt đầu học chữ. Đồng chí Hà Huy Tập kể lại: "Vào tháng 3-1926, tôi lập 3 lớp học buổi chiều cho công nhân ở Nha Trang. Những lớp này có hơn 150 công nhân thường đến học. Mục đích giả của tôi là đấu tranh chống nạn mù chữ, nhưng mục đích thật của tôi là tập hợp những công nhân để dễ dàng cho việc tuyên truyền bí mật. Những chi phí về thắp sáng hoặc mua sách vở phát cho công nhân, đều do tiền của tôi và các bạn tôi gom góp lại"9. Đây là những người lao động và dân nghèo thị xã, có người làm thợ hồ, thợ mộc, thợ máy, thợ cắt tóc, thợ rèn, phụ lái xe, kéo xe. Bà con đều siêng năng, học tập chăm chỉ, phấn khởi gắn bó nhau, mến phục các thầy, vừa học chữ, vừa học các bài giảng thường thức. Trong lúc giảng, các thầy nói đến quyền làm người, kể lịch sử nước ta, nêu gương anh hùng liệt sĩ, ca tụng giòng giống Lạc Hồng. Qua đó, nhiều người mới hiểu ra rằng nước mình đã mất và tại sao đồng bào mình nghèo khổ, dốt nát. Tình thương nước, thương đồng bào, thương người nghèo ghi sâu vào lòng học sinh và những người lao động. Đồng chí Hà Huy Tập kể: "Cũng trong thời kỳ này, tôi là thành viên của Thư viện tỉnh. Trong một cuộc họp của Thư viện, tôi đề nghị mua một số sách viết về "Sự lật đổ" và những tờ báo Annam (Dân chủ), Người cùng khổ, Hồn Việt Nam (Báo cách mạng ở Pari). Khi đó, tôi bị viên công sứ kết tội là người chống Pháp. Từ ngày đó, tôi là đối tượng bị theo dõi bí mật và bị chính quyền ngược đãi"10.
Từ những hoạt động tích cực của thầy Hà Huy Tập và Ngô Đức Diễn, cơ sở đầu tiên của Đảng Tân-Việt đã bắt đầu nhen nhóm, gây dựng tại 2 địa phương trong tỉnh là thị xã Nha Trang và huyện Tân Định (Ninh Hòa ngày nay). Ở Nha Trang cơ sở đầu tiên của Đảng Tân - Việt là các anh Bùi Giao nhân viên Sở Lục lộ, Nguyễn Khắc Tài nhân viên Sở Hỏa xa kiều lộ. Ở huyện Tân Định có các anh Dương Chước quê Quảng Nam, làm trợ giáo, cùng dạy một trường với Ngô Đức Diễn, Lê Dung quê Tân Định là người Khánh Hòa đầu tiên vào Đảng Tân - Việt.
Cơ sở đầu tiên ở huyện Tân Định hình thành hai nhóm. Nhóm ở Bá Hà (Hòn Khói) có anh Dương Chước (thôi làm trợ giáo, chuyển sang làm công cho Sở Muối Lacore để hoạt động), kết nạp Trương Công Kỉnh, Lê Bá, Trương Hành, Trương Hiệu... Nhóm huyện lỵ Tân Định có anh Lê Dung kết nạp Nguyễn Xướng, Huỳnh Hải, Võ Cạnh, Lê Anh,... rồi từ đó phát triển đến các thôn Phước Đa có Đỗ Long, Võ Lượng, Cao Duyệt, Lê Kế; ở thôn Phong Thạnh (khu vực Suối Ré) có Nguyễn Long, Nguyễn Thạnh, Nguyễn Kiểm, Hồ Mại11; ở thôn Mỹ Lợi (Suối Ré) có Phạm Yên, sau ngày 16-7-1930 làm bí thư khu vực Suối Ré; ở thôn Xuân Hòa (khu vực Xuân Hòa) có Huỳnh Trượng, Trần Công Độ, thôn Điềm Tịnh có Nguyễn Thế, thôn Nghi Phụng có Dương Khúc Chẩn; ở thôn Phước Thuận có Nguyễn Đài, Phan Tố Xuân... Ở Vạn Giã có Lê Hoành, A Đeo (người Hoa) sau có thêm Phan Đán.
Ở Nha Trang vào giữa năm 1928, kết nạp anh Nguyễn Văn Đô kíp trưởng công nhân cầu đường Sở Lục lộ, Hồ Mại giáo viên, hai anh đều ở thôn Cù Lao, Xóm Bóng, Nguyễn Phong Thanh, Lê Thị Em nhân viên Viện Pasteur, Trần Đình Quế nhân viên Sở Kiểm lâm, Trương Bảo Tịnh nhân viên Viện Hải Dương học, Nguyễn Biền nhân viên hỏa xa kiều lộ, Nguyễn Chương giáo viên. Cơ sở cũng phát triển vào công nhân lao động ở các vùng ngoại ô Nha Trang như Cầu Đá, Chụt, Cửa Bé, Bình Tân. Ở Thành Diên Khánh có Nguyễn Hoán đánh xe ngựa, Lê Châu thợ đúc, Trương Thị An, Nguyễn Ân, Phạm Phương ở thôn Phú Vinh, Lê Lương thôn Phú Nông...
Tài liệu của Sở mật thám Pháp tại Nha Trang nói: "Những người khả nghi và bị ảnh hưởng phần lớn là viên chức đường sắt, Viện Hải Dương học, Viện Pasteur".
Lúc bấy giờ, Đảng Tân - Việt chỉ phát triển đảng viên, chưa có các hội quần chúng. Ban đầu đảng viên giác ngộ về chủ nghĩa dân tộc, một ít khái niệm sơ đẳng về chủ nghĩa Cộng sản. Từ năm 1929 về sau, nhất là thời kỳ ra đời Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, chủ nghĩa Mác-Lênin được tuyên truyền sâu rộng hơn.
Đảng bộ Tân - Việt Khánh Hòa thuộc liên tỉnh Ngũ Trang12. Cuộc họp thành lập liên tỉnh được tiến hành tại Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận). Đại biểu của Khánh Hòa là Lê Dung, đại biểu của Ninh Thuận là Nhã. Buôn Ma Thuột không có đại biểu. Đồng chí Trần Hữu Duyệt quê làng Nhượng Bản, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, ủy viên Ban chấp hành Kỳ bộ Nam kỳ được hội nghị nhất trí bầu làm bí thư liên tỉnh. Cơ quan của liên tỉnh đóng ở Tháp Chàm, tại hiệu tạp hóa Chấn Hưng do đồng chí Nguyễn Hữu Hương lập ra để làm bình phong che đậy hoạt động của liên tỉnh.
Đầu năm 1928, đồng chí Lê Dung được cơ sở của đảng Tân - Việt Khánh Hòa cử đi học lớp huấn luyện chính trị do Kỳ bộ Tân - Việt Nam kỳ tổ chức tại Sài Gòn. Đồng chí đã gặp đồng chí Nguyễn Khắc Tài và Nguyễn Tài (Tài Lang) phụ trách cơ sở đảng ở thị xã Nha Trang để nhận giấy giới thiệu và bí hiệu để liên lạc với Kỳ bộ. Khi vào đến Nam kỳ, đồng chí Lê Dung được đồng chí Bùi Giao đón tại Sài Gòn và đưa về nhà cụ Tú Kiên (tức Nguyễn Đình Kiên, bí thư Kỳ bộ Nam kỳ). Tại đây, đồng chí Lê Dung gặp các đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Lê Trọng Mân là hai đồng chí trong Kỳ bộ. Khóa học tiến hành trong 6 tháng, nghiên cứu các tài liệu:
- Các cuộc cách mạng trên thế giới
- Các chủ nghĩa và các nhân vật cách mạng thế giới
- Chủ nghĩa Cộng sản và các quốc tế cộng sản
- Công tác vận động quần chúng.
Khóa học này do đồng chí Hà Huy Tập là giảng viên chính. Học xong, đồng chí Lê Dung trở lại địa phương vào cuối năm 1928, làm nhiệm vụ truyền đạt lại cho một số đảng viên ở địa phương:
- Trần Diệm và Nguyễn Đô ở Sở Lục lộ13.
- Trần Đình Quế ở Sở Kiểm lâm
- Giáo Chương ở xóm Lò Heo
- Hồ Mại ở xóm Cù Lao
- Đỗ Long, Nguyễn Xướng ở thị trấn Tân Định
- Dương Chước, Trương Công Kỉnh, Trương Hành, Trương Hiệu ở Hòn Khói.
Đầu năm 1929, Kỳ bộ Nam kỳ rút đồng chí Lê Dung lên nhận nhiệm vụ ở cơ quan liên tỉnh Ngũ Trang. Đồng chí làm công việc liên lạc với các tỉnh, nhận báo cáo, thu nguyệt liễm, phân phối tài liệu của Kỳ bộ và của liên tỉnh, đảm bảo sự liên lạc thường xuyên giữa liên tỉnh và Kỳ bộ. Sau một năm, đồng chí Lê Dung trở về tỉnh phụ trách huyện Tân Định.
Từ giữa năm 1929, diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt trong nội bộ Đảng Tân - Việt giữa hai khuynh hướng cải lương tư sản và lập trường quan điểm giai cấp công nhân. Thời kỳ này, nhu cầu có một đảng cộng sản để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã chín muồi. Trong hoàn cảnh ấy chủ trương của Tổng bộ lập "khối quốc gia" (Bloc national) là không phù hợp. Hội nghị Kỳ bộ Tân-Việt Nam kỳ tháng 6-1929 bác bỏ "khối quốc gia" và cử đại biểu đi dự hội nghị Tổng bộ dự định vào ngày 14-7-1929 đòi lập Đảng Cộng sản, nếu không được thì tuyên bố ly khai Tổng bộ. Ngày 7-7, đại biểu của Kỳ bộ là đồng chí Trần Hữu Duyệt vừa mới đến Huế thì được tin toàn bộ Tổng bộ Tân-Việt đã bị địch bắt. Đồng chí Chắt Bảy, tức Nguyễn Xuân Thanh bí thư Kỳ bộ Trung kỳ, sau khi trao đổi ý kiến với các đồng chí lãnh đạo các tỉnh Bắc và Trung Trung kỳ, vào Sài Gòn bàn với các đồng chí ở Kỳ bộ Nam kỳ đồng ý thành lập Đảng Cộng sản lấy tên là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và ngày thành lập là 1-1-1930. Đại hội thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn tiến hành trên một chiếc đò xuôi, khi đến bến đò Trai thuộc địa phận huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh thì các đại biểu đều bị bắt trong lúc đang họp dở dang và chưa bầu được Ban Chấp hành Trung ương.
Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã có nhiều đảng viên và thành lập được nhiều đảng bộ ở các địa phương tại Nam kỳ và Trung kỳ, nhưng chưa có cơ quan Trung ương và cũng chưa kịp cử đại biểu đi dự Hội nghị thống nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930.
Sau khi có chủ trương cải tổ Đảng Tân-Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, tháng 12-1929, Kỳ bộ Nam kỳ tiếp tục cử đồng chí Trần Hữu Duyệt trực tiếp chỉ đạo phong trào tỉnh Khánh Hòa, kiêm phụ trách các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột chứ không tổ chức liên tỉnh nữa. Đầu tiên, đồng chí Trần Hữu Duyệt gặp đồng chí Nguyễn Khắc Tài rồi liên hệ với các đồng chí khác. Các đồng chí vận động thuê nhà mở hiệu ăn để làm trạm liên lạc giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh bạn. Đó là hiệu ăn "Tân Thành" (nay là nhà số 76 đường Phan Bội Châu - Nha Trang). Lúc đầu phân công đồng chí giáo Chương và một vài cán bộ người Ninh Hòa trông nom, sau giao hẳn cho đồng chí Nguyễn Phong Thanh phụ trách cửa hiệu. Đồng thời thuê một phòng ở phố Mười Căn (nay là đầu đường Thống Nhất, phía nhà ga) để làm nơi hội họp, có bố trí hai đồng chí Trần Đình Quế và Lê Thị Em (tức Vân) làm chủ nhà để che mắt địch, bố trí cơ quan ấn loát tại nhà một quần chúng tốt làm thợ giặt do đồng chí Nguyễn Phong Thanh giới thiệu. Nhà các đồng chí Trần Đình Giáp, giáo Chương, giáo Mại ở Xóm Bóng, nhà vợ chồng hai đồng chí Thái Thị Bôi và Lê Văn Hiến, hội viên Thanh niên cách mạng đồng chí Hội từ Đà Nẵng mới đổi vào làm việc tại Bưu điện Nha Trang, cũng là nơi các đồng chí trong Nam ra, ngoài Bắc vào, thường lui tới gặp gỡ nhận chỉ thị, tài liệu và cũng để tránh sự theo dõi của địch.
Ngày 24-12-1929, tại phố Mười Căn, diễn ra một hội nghị quan trọng gồm đủ các đồng chí lãnh đạo của tỉnh và đại biểu các phủ huyện. Tại hội nghị này, đồng chí Trần Hữu Duyệt thay mặt Xứ ủy Nam kỳ phổ biến chủ trương lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Hội nghị bàn kế hoạch thanh Đảng và chuyển những cơ sở của Đảng Tân-Việt sang Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, củng cố các chi bộ, thành lập Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gồm các đồng chí Trần Hữu Duyệt, Lê Dung, Đỗ Long, Trần Đình Giáp, Trương Hiệu (tức Thiệt)14. Đồng chí Trần Hữu Duyệt làm bí thư.
Từ đây, phong trào cách mạng ở Khánh Hòa ngày càng phát triển. Ở huyện Tân Định, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn phát triển khá mạnh ở các vùng Suối Ré, Điềm Tịnh, Xuân Hòa, Mỹ Hiệp, Phước Đa, Hòn Khói, một ít ở Vạn Giã. Ở phía Nam, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn phát triển mạnh ở Nha Trang và trong các huyện Vĩnh Xương, Diên Khánh.
Hệ thống tổ chức của Đảng bộ Tân-Việt Khánh Hòa chuyển sang Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, rồi từ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chuyển sang Đảng Cộng sản Việt Nam ở Khánh Hòa diễn ra trong thời gian ngắn, không bị gián đoạn; cũng có một số cơ sở còn nguyên là đảng Tân-Việt chuyển thẳng sang Đảng Cộng sản Việt Nam. Cơ sở đầu tiên của Đảng bộ là trường Pháp Việt thị xã Nha Trang do thầy giáo Hà Huy Tập làm nòng cốt cùng với các đồng chí Bùi Giao, Nguyễn Khắc Tài và trường Pháp Việt thị trấn Tân Định (Ninh Hòa) do thầy Ngô Đức Diễn làm nòng cốt cùng với các đồng chí Dương Chước, Lê Dung.
Ngày 24-2-1930, đồng chí Ngô Gia Tự, đại diện cho Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam ký quyết định công nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Do đó, Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Khánh Hòa được chính thức thành lập ngay từ ngày có quyết định công nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam là ngày 24-2-1930.
Khi thành lập, Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Khánh Hòa đã có đủ các ban chấp hành từ tỉnh đến huyện. Tất cả đều do tổ chức của Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chuyển thành, riêng huyện Vạn Ninh mới có vài đồng chí nên hoạt động trực tiếp với Huyện ủy Tân Định. Tỉnh ủy lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa vẫn gồm các đồng chí: Trần Hữu Duyệt, Lê Dung, Đỗ Long, Trần Đình Giáp, Trương Hiệu, do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm bí thư Tỉnh ủy kiêm phụ trách Nha Trang, Lê Dung phụ trách hai huyện Tân Định, Vạn Ninh, Nguyễn Biền phụ trách hai huyện Vĩnh Xương, Diên Khánh. Đỗ Long làm nhiệm vụ liên lạc với các tỉnh bạn và với Xứ ủy Nam kỳ. Các đồng chí Trương Hiệu, Trần Đình Giáp giúp đồng chí Trần Hữu Duyệt làm một số việc do Xứ ủy giao đối với các tỉnh "Ngũ Trang" cũ.
Phương hướng tổ chức và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam khác với các tổ chức cách mạng trước đây, ngoài việc chăm lo xây dựng tổ chức nòng cốt là Đảng Cộng sản, phải triển khai xây dựng các tổ chức quần chúng như Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên Cộng sản Đoàn, Hội phụ nữ, Mặt trận phản đế đồng minh. Đường lối đúng đắn của Đảng là làm cách mạng tư sản dân quyền do giai cấp vô sản lãnh đạo, đánh đổ đế quốc, phong kiến làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất sau đó tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, có một sự hấp dẫn kỳ lạ đối với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là đối với công nhân, nông dân, trí thức.
Việc thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Khánh Hòa đánh dấu thời kỳ phong trào cách mạng trong tỉnh chuyển kịp theo trào lưu chung, đánh bại các quan điểm quốc gia cải lương tư sản và tiểu tư sản, chuyển sang giải quyết vấn đề yêu nước trên lập trường của giai cấp công nhân, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin. Các tổ chức cộng sản riêng rẻ đã thống nhất lại thành một Đảng Cộng sản duy nhất, có cương lĩnh chính trị rõ ràng để dẫn dắt phong trào cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Đảng Cộng sản, phong trào lại tiếp tục mở rộng, cơ sở đảng được củng cố và phát triển. Vào đầu năm 1930 ở huyện Tân Định có khoảng 500 hội viên các đoàn thể quần chúng, trên 20 đảng viên cộng sản. Ở huyện Vạn Ninh có một chi bộ 3 đảng viên. Ở Nha Trang, các chi bộ cộng sản được thành lập tại Viện Pasteur, Viện Hải Dương học, Sở Hỏa xa, Sở Lục lộ, Sở Kiểm lâm, khách sạn Grand Hotel, các xí nghiệp cơ khí sửa chữa De Monfreid, Charner, Bourbon. Ở vùng ngoại ô Nha Trang có các chi bộ Lư Cấm, Phú Nông, Phú Vinh...
Một lớp học bồi dưỡng cán bộ được tổ chức tại cây số 12 trạm Bò (Le Bosquet) trên quốc lộ 11 (Phan Rang - Đà Lạt). Lớp học có 15 học viên từ các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Viên cử đến học. Đồng chí Trần Hữu Duyệt phụ trách chung và giảng một số bài. Đồng chí Trương Hiệu (tức Thiệt, người Hòn Khói - Khánh Hòa) được cử trực tiếp phụ trách lớp học, đồng thời là giảng viên chính. Nội dung bài giảng gồm các vấn đề: Lịch sử nhân loại; Cách mạng các nước; Quốc tế Cộng sản; Con đường cách mạng; Sơ lược về chủ nghĩa Cộng sản.
Để giữ bí mật cho lớp học, các học viên giả làm cu li khai thác đá, đêm ở trong nhà, ngày ra ngồi học ở hầm đá, tay cầm dụng cụ làm đá. Thời gian tuy ngắn, nhưng kết quả tốt. Phần lớn học viên sau khi về địa phương đã trở thành cán bộ của Đảng, góp phần phát triển sâu rộng hơn nữa phong trào cách mạng ở các tỉnh Khánh Hòa và cực Nam Trung bộ.
____________
1. Trước năm 1933, đường sắt trong Nam ra mới đến Nha Trang, từ Bắc vào mới đến Đà Nẵng. Đoạn giữa Nha Trang - Đà Nẵng chạy bằng xe hơi do hãng STACA chuyên chở.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập 1925-1930 tập 2, NXB Sự Thật - Hà Nội, 1981, trang 7.
3. Tài liệu lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa.
4. Báo cáo hàng năm từ tháng 6-1926 đến tháng 5-1927 của tòa sứ Nha Trang. Tài liệu lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa.
5. Ông Nguyễn Tử Trực - tức Ấm Trực, là một nhà hoạt động yêu nước trong phong trào Duy Tân năm 1908. Báo cáo tình hình chính trị (qúy IV/1935) của Công sứ Nha Trang Destenay viết: "Nguyễn Tử Trực - tức Ấm Trực là người khả nghi. Lẽ ra ông ta đã bị kết án trong những ngày đầu của phong trào Duy Tân do tham gia vào một tổ chức quốc gia bí mật. Ông bị tước phẩm trật "Ấm Sanh" và được tự do vì lý do sức khỏe.
6. Năm 1928 Võ Thị Trang là hội viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng dồng chí Hội Tuy Hòa (Phú Yên).
7. Theo bản "Tiểu sử tự ghi" của Xinhikin (ngày 24-7-1929, Hà Huy Tập khi bước vào học trường Đại học phương Đông ở Matxcơva, với tấm thẻ số 4917 mang tên Xinhikin). Tài liệu lưu tại kho lưu trữ của Đảng cộng sản Liên Xô, bản tiếng Nga và tiếng Pháp (Hà Huy Tập - Tổng bí thư của Đảng (1936-1938) do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh xuất bản năm 2000).
8. Theo bản "Tiểu sử tự ghi" của Xinhikin (Hà Huy Tập) tài liệu đã dẫn.
9. 10. Theo bản "Tiểu sử tự ghi" của Xinhikin (Hà Huy Tập) tài liệu đã dẫn.
11. Hồ Mại, người Cù Lao (Nha Trang) lúc này dạy học tại trường Phong Thạnh.
12. Lúc bây giờ ở Trung kỳ, Tổng bộ Tân - Việt phái cán bộ phụ trách từng liên tỉnh. Có các liên tỉnh như sau: liên tỉnh "Ngũ Hoan" gồm các tỉnh Châu Hoan cũ; liên tỉnh "Lục Thừa" gồm có 6 tỉnh quanh Thừa Thiên; liên tỉnh "Tứ Định" gồm 4 tỉnh quanh Bình Định và liên tỉnh "Ngũ Trang" gồm 5 tỉnh quanh Nha Trang. Liên tỉnh Ngũ Trang trực thuộc Kỳ bộ Nam kỳ.
13. Trần Diệm sau điều lên Đà Lạt, làm Bí thư chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở đây, tháng 4-1930.
14. Trương Hiệu lúc đi hoạt động, sử dụng bài chỉ của người anh ruột là Trương Hành, nên khi mật thám Pháp bắt được Trương Hiệu ghi là Trương Hành.
Tags:
Tác giả:
Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 6 đánh giá
Xếp hạng: 2.8 - 6 phiếu bầu
- LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH KHÁNH HÒA (1930 - 2005) (31/01/2018)
- Chương VI - Cuộc kháng chiến bắt đầu (23/10/1945 - 12/1946) (30/01/2018)
- Chương V - Xây dựng chính quyền nhân dân và chuẩn bị kháng chiến (8/1945 - 10/1945) (30/01/2018)
- Chương IV - Cuộc vận động giải phóng dân tộc và cách mạng tháng Tám (1940 - 1945) (30/01/2018)
- Chương III - Thời kỳ đấu tranh chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đòi tự do, cơm áo và hòa bình (1936 - 1939) (30/01/2018)
- Chương II - Phong trào cách mạng trong những năm 1930 - 1935 (30/01/2018)