PHẦN THỨ TƯ
ĐẢNG BỘ KHÁNH HÒA SAU NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH VÀ TRONG THỜI KỲ HỢP NHẤT ĐẢNG BỘ TỈNH PHÚ KHÁNH (4/1975 – 6/1989)
Chương XV
ĐẢNG BỘ KHÁNH HÒA LÃNH ĐẠO KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, ỔN ĐỊNH TÌNH HÌNH TRONG TỈNH SAU GIẢI PHÓNG (4/1975 – 11/1975)
I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ TỈNH KHÁNH HÒA SAU NGÀY GIẢI PHÓNG
Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên tháng 3-1975 thắng lợi, tạo đà cho quân dân miền Nam tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Khánh Hòa anh dũng chiến đấu giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà vào ngày 02-4-1975. Nha Trang, Khánh Hòa giải phóng, tạo thế và lực mới cho quân và dân ta, nhất là các quân đoàn chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam - thời kỳ cả nước thống nhất cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bước vào thời kỳ mới, Đảng bộ, quân và dân Khánh Hòa có những thuận lợi cơ bản nhưng cũng không ít khó khăn. Thuận lợi lớn và cơ bản nhất là quê hương hoàn toàn giải phóng, thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với Khánh Hòa qua mấy chục năm đấu tranh gian khổ. Từ đây, quân và dân toàn tỉnh được sống trong tự do hòa bình, phấn khởi bước vào xây dựng quê hương và cuộc sống mới. Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa vốn có truyền thống đấu tranh anh dũng, được rèn luyện thử thách trong quá trình đấu tranh cách mạng. Sau ngày giải phóng, đội ngũ cán bộ được tăng cường bổ sung từ nhiều nguồn, có sự hỗ trợ lẫn nhau, gấp rút đào tạo bồi dưỡng lực lượng mới, sớm đưa các mặt công tác từng bước ổn định, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh càng quyết tâm đoàn kết xây dựng lại quê hương, đất nước.
Khánh Hòa có vị trí địa lý thuận lợi, địa hình đa dạng, bao gồm: miền núi, đồng bằng, biển - đảo; có tiềm năng về nhiều mặt: đất đai, rừng, biển, văn hóa, du lịch, lực lượng lao động dồi dào, có điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những thuận lợi, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Đó là, hậu quả của 30 năm chiến tranh để lại khá nặng nề: Nền kinh tế về cơ bản vẫn còn là sản xuất nhỏ, mất cân đối và lệ thuộc nước ngoài cả về vốn, kỹ thuật, vật tư, hàng hóa. Sản xuất công nghiệp hầu như không có gì, sản xuất tiểu thủ công là chủ yếu. Nông nghiệp kém phát triển sản xuất manh mún, thô sơ, lạc hậu. Ở miền núi, qua nhiều năm bị địch đánh phá ác liệt, hàng vạn đồng bào bị đói, đau, lạt, rách. Ở vùng nông thôn đồng bằng, gần 2 vạn héc ta ruộng đất bị hoang hóa. Hàng vạn đồng bào bị địch tập trung ở các khu dồn dân trở về làng cũ chưa có nơi ăn, ở. Số người sống ở thị trấn, thị xã quá đông, phần lớn làm các nghề buôn bán, dịch vụ1. Hàng vạn người thất nghiệp cùng với hàng vạn ngụy quân, ngụy quyền tan rã tại chỗ, làm cho đội quân thất nghiệp tăng cao; giá cả tăng vọt2. Bên cạnh đó còn hàng ngàn thương phế binh, người tàn tật cần sự cưu mang, trợ giúp; các tệ nạn xã hội như xì ke, ma túy, mại dâm, trộm cướp và các dịch bệnh thật sự trở thành vấn đề nan giải trong đời sống xã hội.
Khánh Hòa có vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt là Cam Ranh và Nha Trang, bởi vậy nơi đây Mỹ-ngụy tập trung xây dựng bộ máy ngụy quyền, ngụy quân và cơ sở vật chất phục vụ chiến tranh khá lớn3.
Trước nguy cơ sụp đổ của chế độ tay sai, một kế hoạch hậu chiến được Mỹ - ngụy bàn tính, sắp đặt, sẵn sàng gây bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng, phá rối trật tự an ninh, tiến hành tuyên truyền tâm lý gây hoang mang trong nhân dân, nhất là thanh niên, học sinh và những khu vực có đông đồng bào theo đạo.
Với bản chất ngoan cố, phản động, hòng ngăn chặn bước tiến của quân giải phóng, liên tiếp trong các ngày 8 và 10-4-1975 quân ngụy Sài Gòn cho máy bay ném bom, bắn phá khu vực đèo Rù Rì, khóm Tháp Bà và khu I phường Tân Lập, giết hại gần 100 dân thường, làm bị thương trên 200 người, phá hủy một số nhà cửa. Sau đó, chúng tiếp tục cho máy bay ném bom ở Cam Ranh gây nhiều thiệt hại cho nhân dân địa phương. Khi quân giải phóng tiến công truy kích địch, hàng trăm đồng bào các nơi bị địch lừa gạt, dụ dỗ di tản bằng đường thủy đã bị lính ngụy giết hại để cướp tài sản, trong đó có gần 100 xác chết trôi dạt vào bờ biển Nha Trang. Lợi dụng tình hình trên, bọn phản động tung tin, tuyên truyền hù dọa: Mỹ sẽ chiếm lại Nha Trang, đồng bào không nên ở lại với Việt cộng; rằng, máy bay tiếp tục ném bom hủy diệt Nha Trang, Cam Ranh, v.v... khiến cho một bộ phận nhân dân hoang mang, dao động.
Những ngày đầu mới giải phóng, lợi dụng lúc giao thời và những nơi ta chưa kịp tiếp quản, số lưu manh cùng với bọn ác ôn trong đám tàn binh ngụy, trong các tổ chức chống đối nổi lên đập phá các cơ sở công cộng, kho tàng, trụ sở, chợ và các hiệu buôn để cướp phá tài sản, nhất là khu chợ Đầm, Lãnh sự quán Mỹ và cướp phá nhà dân trên đường Độc Lập (nay là đường Thống Nhất) ở Nha Trang. Tại thị xã Cam Ranh, một số sĩ quan ngụy do tên Long, trung tá hải quân, cố vấn của "Đảng phong trào quốc gia cấp tiến” một tổ chức phản động tự xưng là lực lượng thứ ba do hắn làm chủ tịch, Trần Đức làm phó chủ tịch, câu kết với một số tên khác tập hợp thanh niên, phân phát vũ khí, tự đứng ra thành lập chính quyền và điều hành hoạt động chi phối nhân dân. Thậm chí chúng còn ngang ngược yêu cầu chính quyền cách mạng cùng hợp tác với chúng; tên Nguyễn Thượng Trí (chủ tịch liên đoàn quốc gia ngụy, cố vấn đảng Dân chủ phản động) còn viết thư đề nghị cách mạng tranh thủ lực lượng này. Ở một số nơi như Cam Ranh, Nha Trang, một số tên phản động được cài cắm vào cơ quan, trường học cải trang che dấu tội lỗi, chờ thời cơ móc nối hoạt động chống phá chính quyền cách mạng.
Mặc dù bị thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhưng đế quốc Mỹ và các thế lực phản động vẫn chưa từ bỏ âm mưu lật đổ, chống phá cách mạng, thực hiện chiến lược “kế hoạch hậu chiến” đối với Việt Nam. Tại Khánh Hòa, một số ngụy quân, ngụy quyền tuy thoát khỏi chiến tranh nhưng lại lo sợ cách mạng trả thù, mặc cảm, xa lánh với bà con xóm làng. Lợi dụng diễn biến của tình hình khó khăn sau giải phóng, bọn ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân trốn tránh trình diện, tiếp tục móc nối với bọn phản động đội lốt tôn giáo và trong các đảng phái phản động, tổ chức các vụ ám sát cán bộ, bộ đội, ném lựu đạn vào doanh trại bộ đội; tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, kích động quần chúng, lôi kéo những phần tử chống đối, quá khích rải truyền đơn, viết khẩu hiệu, tung tin thất thiệt để nói xấu chế độ mới. Từ cuối tháng 5-1975, hoạt động phá hoại ngầm của địch có chiều hướng gia tăng ở Hóc Chim (Vạn Ninh), chùa Nước Đỗ (Diên Khánh), chùa Thái Thông (Vĩnh Xương), nhà thờ Đá ngã sáu (Nha Trang), Suối Hai, Suối Rua và vùng giáp ranh Cam Ranh - Ninh Thuận... Liên tiếp trong các tháng 6, 7 và 8-1975, một số tàn quân ngụy sống lén lút trong vùng rừng núi Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Ranh, Vạn Ninh móc nối với các tổ chức phản động khác tiếp tục hoạt động. Ngày 4-6 và các đêm 6, 10, 28 tháng 7, chúng rải truyền đơn và khẩu hiệu bướm ở ngã tư, ngã sáu, đường Lê Đại Hành, Mê Linh, Lê Văn Duyệt, phường Phước Tân, khóm Duy Thọ và chợ Hòn Chồng (Nha Trang). Ngày 13-7, chúng viết khẩu hiệu lên tường trường Tiểu học Cam Thịnh, Cam Ranh, xuyên tạc cuộc vận động nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Đêm 29-7 rải truyền đơn ở Diên Khánh. Những ngày đầu tháng 8, chúng đồng loạt rải truyền đơn, dán áp phích ở Cam Ranh, Nha Trang, Diên Khánh... cho đến cuối tháng 9-1975, tại Nha Trang, Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa vẫn xuất hiện nhiều truyền đơn, khẩu hiệu phản động. Một số tổ chức phản động tự xưng là “Mặt trận liên minh những người Việt Nam thuần tuý”, “Việt Nam thanh niên anh dũng đoàn”... do một số tên sĩ quan ngụy lẩn trốn thành lập và tổ chức các hoạt động chống phá. Bọn tàn quân ngụy còn móc nối với tổ chức FULRO ở Lâm Đồng, ở Khánh Dương, Đăk Lăk hoạt động đốt nhà cướp của, kích động chia rẽ đoàn kết Kinh - Thượng, chuẩn bị các điều kiện gây bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng ở một số xã. Bên cạnh đó, bọn tội phạm hình sự tiếp tục gây ra các vụ trộm cắp, cướp của, giết người ở Cam Tân, Cam Xuân, Cam Thịnh. Chỉ riêng tháng 7-1975, chúng gây ra 67 vụ trộm cướp, có vụ giết lái xe ở Diên Khánh cướp gần 1 triệu đồng. Đêm 22-8, một nhóm tội phạm có vũ trang dùng súng, lựu đạn khống chế xe chở khách từ Nha Trang đi Sài Gòn (tại khu vực đồng Bà Thìn, cách Cam Ranh 17 km), cướp toàn bộ tài sản của khách. Từ tháng 5-1975, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các vụ tuyên truyền, kích động lôi kéo tổ chức đưa người vượt biên trái phép ra nước ngoài... Tình hình trên làm cho trật tự trị an diễn biến phức tạp và ảnh hưởng xấu đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.
Cùng với những khó khăn, thách thức bộn bề, hệ thống tổ chức của Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể cách mạng chưa được củng cố, kiện toàn. Đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành vừa thiếu, vừa yếu về trình độ nhận thức và năng lực quản lý điều hành, chưa đáp ứng kịp yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng của thời kỳ mới.
Trong bối cảnh của tỉnh mới giải phóng, vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa đứng trước những khó khăn, thử thách to lớn, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa từng bước vượt qua khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình xã hội và đời sống của nhân dân; bước đầu khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - văn hóa xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
II. LÃNH ĐẠO KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, ỔN ĐỊNH TÌNH HÌNH MỌI MẶT SAU GIẢI PHÓNG
Ngay sau ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Ủy ban Quân chính tỉnh4, do đồng chí Lê Tụng làm Chủ tịch; đồng thời đề ra một số nhiệm vụ trước mắt là nhanh chóng tiếp thu quản lý các cơ sở vật chất, kỹ thuật của địch; tăng cường an ninh trật tự ổn định tình hình xã hội, ổn định đời sống nhân dân; từng bước củng cố bộ máy chính quyền các cấp và các đoàn thể quần chúng cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho việc phát động các phong trào tiếp theo. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngày 5 và 6-4-1975 các cơ quan ban, ngành của tỉnh về đến Nha Trang và khẩn trương triển khai mọi nhiệm vụ. Tại số nhà 16, đường Duy Tân (nay là Bảo tàng tỉnh, đường Trần Phú, thành phố Nha Trang), Tỉnh ủy kịp thời họp bàn việc thành lập Ủy ban Quân chính các cấp và các Ban tự quản khóm, phường; truy quét bọn ác ôn, phản động, nhanh chóng đưa thị xã và các vùng trong tỉnh trở lại cuộc sống bình thường, tập trung chi viện chiến trường Nam Bộ và giải phóng quần đảo Trường Sa.
Công tác tiếp quản vùng giải phóng, nhất là các thị xã, thị trấn được các đơn vị, ban ngành trong tỉnh tiến hành khẩn trương. Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã tiếp quản toàn bộ các cơ quan công sở, kho tàng, sân bay, bến cảng, bệnh viện, trường học; các cơ sở nghiên cứu như Viện Pasteur, Viện Hải dương học, Đại học Duyên Hải; các cơ sở: Đài phát thanh, nhà máy điện, máy nước, ngân hàng... Đi đôi với việc tiếp quản, các lực lượng của ta cũng tiến hành vận động giao nộp vũ khí, thực hiện việc kiểm kê, quản lý cơ sở vật chất, kỹ thuật thu được của địch, bao gồm: 34 máy bay, 69.870 khẩu súng các loại, trên 300.000 tấn đạn, 150 xe vận tải quân sự, 1.603.200 lít xăng, 1.052.500 lít dầu lửa, 10 tấn dầu nhờn, 342.900 lít gazol, trên 20.000 tấn phân bón, 165 tấn gạo, 9 triệu đồng (tiền chế độ cũ) và nhiều loại khác.
Tuy nhiên, do thiếu lực lượng quản lý nên việc tiếp thu, bảo quản chiến lợi phẩm có nơi làm chậm; tình trạng mất mát, kẻ xấu phá hoại gây thiệt hại không nhỏ. Khắc phục tình trạng đó, Tỉnh ủy có sự chỉ đạo chặt chẽ hơn, đến cuối tháng 4-1975 công tác tiếp quản trong toàn tỉnh cơ bản hoàn thành, hầu hết các cơ sở của chế độ cũ và tài sản thu được đều được kiểm kê và có lực lượng quản lý, bảo vệ, hạn chế thất thoát tới mức thấp nhất.
Với khí thế cách mạng sôi nổi, cán bộ và quân dân Khánh Hòa hăng hái thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của chính quyền cách mạng. Hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền cách mạng, tại Nha Trang, Cam Ranh, gần 1.000 viên chức và công nhân trở lại làm việc trong các công sở; các cơ sở như Đài phát thanh, nhà máy điện, máy nước, ngân hàng, bệnh viện, bưu điện hoạt động trở lại bình thường; giao thông vận tải trong thị xã và đi các tỉnh phía Nam, phía Bắc, đi Tây Nguyên thông suốt.
Tỉnh Khánh Hòa được giải phóng trong không khí sôi động của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, thị xã Nha Trang và khu vực Nam Khánh Hòa trở thành địa bàn hậu cứ của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với hơn 4.000 tấn xăng, 1.000 tấn dầu ma dút... được tập kết tại Nha Trang, hơn 2.000 tấn gạo ở Cam Ranh. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, nhân dân Khánh Hòa tiếp tục đóng góp sức người, sức của phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh, 1.000 xe cơ giới được huy động vận tải cho bộ đội; nhân dân Diên Khánh, Cam Ranh vừa tổ chức vận động quyên góp tiếp tế lương thực, thực phẩm, vừa trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc cán bộ, bộ đội ta trên đường truy kích địch.Với những đóng góp của quân và dân Khánh Hòa đã được Bộ Tư lệnh tiền phương và Hội đồng chi viện chiến dịch của Quân khu V đóng tại Nha Trang đánh giá cao và khen ngợi.
Ngày 1-5-1975, tại sân vận động Nha Trang và ở các địa phương trong tỉnh, hàng chục vạn lượt người tham dự Lễ mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động và mừng chiến thắng Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng. Lễ mít tinh tạo ra niềm phấn khởi, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân đối với cách mạng, thu hút đông đảo quần chúng tham gia vào các hoạt động do Đảng bộ và chính quyền phát động.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tổ chức mở hội mừng Đại thắng trong cả nước, từ ngày 15 đến 19-5-1975 tất cả các tỉnh, thành phố ở cả hai miền Nam-Bắc đều tổ chức mít tinh, diễu hành, hoạt động văn hóa, thể thao mừng đại thắng.
Quán triệt Chỉ thị số 218 và 219-CT/TW ngày 19-4-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chính sách đối với tù hàng binh, ngụy quân, ngụy quyền và công tác đấu tranh chống phản cách mạng, thiết lập trật tự ở vùng giải phóng, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chính quyền cách mạng ra thông cáo và thông báo trên Đài phát thanh thị xã yêu cầu ngụy quân, ngụy quyền, tình báo, cảnh sát, cốt cán của các đảng phái phản động ra khai báo trình diện. Đến ngày 31-5-1975, toàn tỉnh Khánh Hòa có 62.119 đối tượng ra trình diện. Trong đó có 4.526 sĩ quan5; số ngụy quyền, cảnh sát, mật vụ... có 4.397 người6 và 369 người trong các đảng phái phản động. Hết tháng 6-1975 (thời hạn chấm dứt việc trình diện) toàn tỉnh có 65.551 người khai báo trình diện, tất cả đều được phân loại cho học tập để họ nhận rõ tội lỗi và hiểu rõ đường lối, chính sách khoan hồng của cách mạng. Hầu hết trong số này (trừ loại ác ôn nguy hiểm hoặc những trường hợp phải xử lý theo pháp luật) còn lại đều được khôi phục quyền công dân, không phân biệt đối xử kể cả bản thân và gia đình họ, được trả về địa phương tiếp tục làm ăn, sinh sống. Một lần nữa, chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta thể hiện rõ tình dân tộc, nghĩa đồng bào, không có các "cuộc tắm máu”, trả thù sau giải phóng như luận điệu tuyên truyền, đe dọa của bọn đế quốc, phản động.
Cùng với việc đăng ký trình diện đối với ngụy quân, ngụy quyền và các đảng phái phản động, lực lượng an ninh và lực lượng vũ trang địa phương phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát, tiếp tục truy lùng bọn ác ôn trốn tránh trình diện và trấn áp bọn lưu manh, côn đồ gây rối trật tự, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân, tài sản của Nhà nước. Cuối tháng 8-1975, được sự giúp đỡ của nhân dân, lực lượng an ninh của tỉnh điều tra khám phá một số tổ chức phản động có âm mưu bạo loạn vũ trang, gây rối trật tự trong dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9, như “Hội thanh niên hùng tâm dũng trí” ở Cam Ranh do Nguyễn Văn Cương cầm đầu, tổ chức “Thanh niên tranh đấu” ở Ninh Hòa do Tâm và An cầm đầu. Tại Nha Trang, ta bắt gọn 7 tên trong tổ chức “Thanh niên anh dũng đoàn” do Lê Quang Cương cầm đầu. Ta còn điều tra khám phá 6 vụ, bắt hàng chục tên, thu toàn bộ vũ khí, tài liệu tang vật buộc chúng phải thú nhận tội lỗi, điển hình như chuyên án “K80”.
Tại khu vực đèo Cả (Vạn Ninh), bọn sĩ quan ngụy trong tổ chức CIA do Phan Văn Thu, thiếu tá ngụy đội lốt thầy tu tự xưng “Thánh vương tôn luân” lấy chùa “Thiền viện Hồng trúc lâm” làm nơi tập hợp lực lượng, lập mật khu ở Núi Chúa (Phú Yên) để hoạt động chống phá. Từ ngày 18 đến 30-7-1975, lực lượng vũ trang Khánh Hòa phối hợp với Phú Yên tổ chức bao vây bắt 9 tên tại chùa (trong đó có các tên Tửu, Châu và Dương Ngọc Lan), tiếp tục tấn công truy quét mật khu Núi Chúa, bắt 68 tên (có 15 tên cầm đầu, trong đó có Phan Văn Thu) ẩn núp ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh. Mở rộng chuyên án, ta tổ chức bao vây truy quét khu Đồng Bò, suối Nước Đỗ, kiểm tra bọn tàn quân đội lốt thầy tu lẩn trốn trong các chùa Thiền Nam, Thiên Thiên (Ninh Hòa), Thiên Ngọc (Diên Khánh), xoá bỏ các tụ điểm ở khu vực đèo Cả.
Các lực lượng vũ trang của tỉnh còn điều tra khám phá 10 vụ tàng trữ cất dấu vũ khí, thu trên 60 khẩu súng các loại (có cả cối 81), nhiều đạn dược và các chất gây cháy nổ. Sau nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhân dân, các cơ quan chức năng thu hồi trên 1.000 tấn vũ khí, chất nổ, chất cháy và nhiều phương tiện giao thông, thông tin liên lạc của địch để lại. Công tác phòng chống cháy, nổ được coi trọng; chính quyền đã xây dựng và phổ biến qui định phòng cháy chữa cháy, thành lập lực lượng phòng chống cháy ở các nhà máy, kho tàng và một số cơ quan, chỉ riêng ở Nha Trang thành lập được 24 tổ chữa cháy, tăng cường kiểm tra, hạn chế các vụ cháy nổ xảy ra. Từ tháng 6 đến tháng 10-1975, toàn tỉnh điều tra khám phá 175 vụ trộm cắp tài sản công dân, thu hồi trên 10 triệu đồng, 80 xe Honda, xe đạp trả cho người bị hại; bắt 250 đối tượng, trong đó có 6 tên trong nhóm cướp có vũ trang; chính quyền cách mạng mở phiên toà công khai xét xử bọn tội phạm, trong đó tuyên phạt tử hình 1 tên gây nhiều tội ác. Bên cạnh đó ta còn tổ chức đưa đi tập trung học tập cải tạo gần 1.000 tên trộm cướp, nghiện ngập xì ke, gái điếm chuyên nghiệp. Đến cuối tháng 9-1975, lực lượng an ninh phục kích bắt 7 vụ gồm 120 đối tượng tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài; trong đó triệt phá đường dây từ Sài Gòn - Nha Trang do Lý Tam Dương (người Hoa ở Nha Trang) cầm đầu và đường dây do Nguyễn Thái Phụng, Thị Bích tổ chức, tịch thu toàn bộ tài sản, vũ khí và phương tiện vượt biên trái phép. Những hoạt động tích cực trên góp phần làm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở thị xã và vùng nông thôn sau giải phóng.
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ lúc này là nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, chính quyền cách mạng các cấp kịp thời vận động nhân dân cứu trợ, giúp đỡ các gia đình bị nạn, nhanh chóng khắc phục hậu quả của cuộc oanh kích dã man do máy bay địch gây ra những ngày đầu tháng 4-1975; đồng thời giải quyết việc chống đói, đau, lạt, rách. Tháng 4-1975, tỉnh chi viện cho hai huyện Vĩnh Khánh và Vĩnh Sơn 51 tấn muối, 30.000m vải, hàng ngàn lít dầu ăn và một số hàng hóa nhu yếu phẩm khác. Trong tổng số hơn 7.583 tấn lương thực nhập từ sau giải phóng đến 18-7-1975, tỉnh đã xuất cứu đói cho dân hơn 287 tấn. Đồng thời, cấp cho các hoạt động kinh tế và dân sinh gần 290 tấn xăng, hơn 365 tấn dầu lửa, 877 tấn dầu gazol và gần 18 tấn dầu nhờn. Đến tháng 7-1975, chỉ riêng ở Cam Ranh, chính quyền đã cấp cho dân hơn 753 tấn gạo. Từ tháng 4 đến cuối tháng 8-1975, tỉnh đưa lên các huyện miền núi 86 tấn muối, 37.872m vải, 2.334 lít dầu lửa và 13.900 viên đá lửa; về cơ bản tình hình thiếu muối của nhân dân miền núi được giải quyết, song tình trạng thiếu ăn và mặc rách vẫn còn nhiều.
Nhằm giải quyết nạn đói, Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện phải khẩn trương tổ chức tăng gia sản xuất, trồng các loại cây lương thực, các huyện Vĩnh Sơn, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã trỉa hàng ngàn giạ giống bắp (trong đó Vĩnh Sơn trỉa 1.177 giạ), hàng chục vạn gốc mì, cán bộ ban ngành trong huyện sản xuất tự túc trồng gần 30 vạn gốc mì tại Gia Lê và Suối Gia. Huyện Vĩnh Sơn chọn các xã Sơn Hòa, Liên Sang và Sơn Thành làm thí điểm cấy lúa nước. Toàn tỉnh có 45.670 ha, trong đó ruộng đất đang canh tác là 27.618 ha, còn lại là ruộng hoang hóa; diện tích ruộng được tưới nước qua hệ thống thủy lợi chỉ chiếm 44,27%, diện tích bị hạn còn lớn. Hưởng ứng chủ trương của Đảng, nhân dân trong tỉnh tích cực đào mương, đắp đập, nạo vét kênh mương, tu bổ các đập: Đá Bàn ở Ninh Hoà, Cầu Dứa ở Vĩnh Xương. Nhân dân Diên Khánh đắp 5 đập bổi, 10 bờ xe nước, xây dựng 1 tổ bơm gồm 4 máy tưới cho gần 1.000 ha. ở Ninh Hòa, toàn huyện đắp xong đập Sông Cái và 2 tuyến mương về 7 xã, đảm bảo nước tưới cho hơn 1.000 ha và chống úng cho 500 ha vùng Ninh Giang, Ninh Hà.
Đi đôi với việc làm thủy lợi đảm bảo nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất, chính quyền cũng phát động nhân dân đẩy mạnh khai hoang phục hóa ở Đồng Trăng, Đồng Tròn (Diên Khánh); Xuân Sơn, Hóc Chim, Đồng Bé (Vạn Ninh); Đồng Nẩy, Cung Hòa, Quảng Thiện, Tân Lâm, Tân Tứ (Ninh Hòa)... được 500 ha đưa vào sản xuất.
Mặc dù Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh có nhiều cố gắng, song việc ổn định đời sống nhân dân, giải quyết việc làm, xây dựng vùng kinh tế mới, thúc đẩy tăng gia sản xuất đạt hiệu quả thấp, chưa tạo thành một phong trào sâu rộng thu hút đông đảo quần chúng tham gia, ủng hộ. Để khắc phục tình hình trên, từ ngày 9 đến 11 tháng 7-1975 Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp mở rộng, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ từ sau ngày giải phóng tỉnh, nghiêm túc kiểm điểm những thiếu sót, hạn chế; chỉ rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan của những yếu kém, đó là: Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành chưa nắm chắc tình hình, thiếu sâu sát, thấu hiểu đời sống, tâm trạng của quần chúng để giải quyết kịp thời. Tổ chức bộ máy, sự chỉ đạo và lề lối làm việc của cán bộ ở nhiều nơi còn rời rạc, phân tán, chưa chuyển kịp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới; sự phối hợp giữa các ngành dưới sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy Đảng chưa được thực hiện nghiêm túc; một bộ phận cán bộ có tư tưởng chủ quan, tự mãn, quan liêu, mệnh lệnh, cá nhân cục bộ công thần... Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân chưa thật sự tin tưởng vào chính quyền, các cơ sở sản xuất của tư nhân chưa yên tâm để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Hội nghị đề ra nhiệm vụ, mục tiêu phấn đấu và các biện pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, tài chính ... trong thời gian tiếp theo.
Việc đưa những người không có công ăn việc làm ở thành phố, thị xã, thị trấn về nông thôn để sản xuất nông nghiệp, phục hóa khai hoang và xây dựng vùng kinh tế mới, Hội nghị đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 1975, đưa khoảng 8 vạn người ở Nha Trang về sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trong tỉnh, trong đó về Ninh Hòa 3 vạn, Diên Khánh 3 vạn, Vạn Ninh 1 vạn, Cam Ranh 1 vạn, ngoài ra phải giải quyết hàng ngàn người khác trong khu quân cảng Cam Ranh về sản xuất ở các vùng trong huyện. Hội nghị xác định đây là một công tác lớn, có nhiều khó khăn phức tạp, do đó phải phát động quần chúng để hình thành một phong trào lao động sản xuất sôi nổi, có sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành. Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí phân công đồng chí Nguyễn Quyết làm Trưởng ban vận động nhân dân thành phố về nông thôn, trực tiếp nghiên cứu phương án, kế hoạch cụ thể và lãnh đạo các ngành liên quan thực hiện tốt công tác này. Trách nhiệm của Quận ủy I và II thị xã Nha Trang phải phối hợp chặt chẽ với các Huyện ủy để thực hiện tốt chủ trương của Tỉnh ủy. Tỉnh chọn phường Phước Tân (quận II Nha Trang) làm thí điểm rút kinh nghiệm, sau đó phổ biến nhân rộng trong toàn tỉnh.
Phương hướng sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới là phải phục hồi hết ruộng hoang hóa, trước mắt coi trọng sản xuất lương thực, về lâu dài cần đưa cây ăn quả chế biến xuất khẩu lên thành hướng phát triển chính của nông nghiệp. Đối với thủy lợi, phải khai thác nước tự chảy là chính, thay thế cho máy bơm, đẩy mạnh xây dựng hệ thống mương, đập để giải quyết nước cho nông nghiệp, cố gắng duy trì và phát triển sức kéo bằng cơ giới, coi trọng sức kéo trâu, bò.
Lâm nghiệp cần có những biện pháp cấp bách bảo vệ rừng, khôi phục cơ sở khai thác và chế biến gỗ, đẩy mạnh khai thác lâm sản; phát triển thủy sản trở thành một ngành chính của tỉnh, trong hoàn cảnh thiếu nhiên liệu cần chuyển một phần ghe, thuyền với trọng tải nhỏ sang dùng buồm để có thể duy trì mức sản xuất cần thiết, đẩy mạnh chế biến thủ công, cố gắng khắc phục khó khăn, giữ và tăng cường thêm trang thiết bị cơ giới trong khâu khai thác và chế biến thủy sản. Cần nghiên cứu và chuẩn bị tiến tới tổ chức khai thác và chế biến quốc doanh với quy mô lớn.
Công nghiệp địa phương phải khôi phục gấp những cơ sở tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp trong tỉnh có thể còn tiếp tục những mặt hàng trước đây đã sản xuất. Hướng phát triển cần chú ý chế biến thủy sản và hoa quả, chế biến gỗ, cơ khí và sửa chữa: ô tô, máy nông nghiệp, máy thuyền phục vụ sản xuất. Giao thông vận tải tổ chức bảo dưỡng tốt các tuyến đường hiện có, tạo điều kiện giao lưu, kết hợp 2 vùng kinh tế mới trong tỉnh; khai thác và lưu thông hàng hóa bình thường, từng bước xây dựng lực lượng vận tải quốc doanh.
Thương nghiệp và tài chính cần sử dụng thương nhân một cách hợp lý, có chỉ đạo, mậu dịch quốc doanh nắm được những mặt hàng chiến lược ở khâu bán buôn. Mở rộng trao đổi hàng hóa giữa đồng bằng và miền núi, thúc đẩy sản xuất, phát triển cải thiện đời sống nhân dân.
Hội nghị cũng đề ra một số biện pháp nhằm tăng cường và củng cố chính quyền, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể quần chúng ở cơ sở, mở đợt phát động quần chúng, tăng cường và củng cố thêm một bước về chính quyền và các đoàn thể quần chúng ở xã, phường, thôn, khóm. Phải lựa chọn người tốt, lý lịch trong sạch, rõ ràng, có tín nhiệm với quần chúng đưa vào bộ máy chính quyền (ủy ban, xã hội, an ninh) và cơ quan lãnh đạo các đoàn thể. Kiên quyết đưa những người trước đây làm tề ngụy cho bọn đế quốc, không được nhân dân tín nhiệm ra khỏi bộ máy chính quyền cách mạng. Các cấp ủy huyện, quận chịu trách nhiệm củng cố và tăng cường tổ chức ở cơ sở7.
Sau hội nghị, tình hình trong tỉnh có những chuyển biến khá tích cực. Đến cuối tháng 8-1975, toàn tỉnh vận động đưa 24.320 người ở thị xã, thị trấn về nông thôn và vùng kinh tế mới trực tiếp tham gia sản xuất. Ở Nha Trang, đưa được 1.372 gia đình về các vùng: Củ Chi, Diên Lâm, Diên Thọ (Diên Khánh); Phú Nhơn, Cung Hòa, Quảng Thiện (Ninh Hòa); Lỗ Lương, Đồng Lác, Núi Hời, Vĩnh Cẩm (Cam Ranh). Tại Cam Ranh có 852 hộ gồm 1.660 người đi khai hoang những nơi đất trống. Ngoài việc giúp đỡ hỗ trợ đối với đồng bào đi xây dựng kinh tế về lương thực, giống cây trồng, xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, nông cụ và cho vay để ổn định cuộc sống và đầu tư vào sản xuất, chính quyền cũng tập trung xe ủi giúp dân ủi đất khai hoang, phân bổ đất ở và đất sản xuất, lập bệnh xá, trường học, cửa hàng mậu dịch, phòng thông tin...; Ở khu vực Củ Chi (Diên Khánh), tỉnh huy động 138 thanh niên xung phong và 70 thanh niên thường trực làm 12 km đường, xây dựng 5 lán trại. Những biện pháp tích cực đó đã giúp cho đồng bào đi xây dựng kinh tế mới sớm ổn định cuộc sống trên quê hương mới.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về vận động đồng bào vùng cao xuống thấp, các địa phương tiến hành qui hoạch địa điểm, đất đai và vận động đồng bào đến địa điểm mới. Ở huyện Khánh Vĩnh, đồng bào các xã Giang Ly, Sơn Thái, Khánh Bắc, Khánh Hiệp đã chuyển đến khu định canh, định cư mới.
Khắp các vùng nông thôn dấy lên phong trào tháo gỡ bom mìn, làm thủy lợi, khai hoang, phục hóa. Các tổ vần công, đổi công, tập đoàn sản xuất được thành lập. Tổ chức nông hội phát triển rộng khắp với 222 tổ gồm 2.678 hội viên, góp phần vận động nông dân chấp hành các chính sách của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh sản xuất làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, tăng cường đoàn kết trong nhân dân và xây dựng chính quyền cách mạng.
Cùng với nông nghiệp, Khánh Hòa có diện tích rừng và đất rừng chiếm 76% (434.500 ha) diện tích chung toàn tỉnh; trong đó rừng tốt chiếm 58%, rừng nghèo 23%, còn lại là đồi trọc và núi đá. Việc khai thác và chế biến lâm sản được hoạt động trở lại với 23 trại mộc, 18 chủ lò gồm 150 lò đốt than, 12 công ty tư nhân khai thác, chế biến gỗ. Ở Cam Ranh thu hồi 8.975m3 gỗ đưa vào sản xuất, tổ chức các trạm kiểm lâm, hướng dẫn nhân dân phát rẫy, chặt củi, đốt than, bước đầu hạn chế nạn đốt phá rừng bừa bãi; huyện còn lập các vườn sản xuất giống cây, cung cấp cho phong trào trồng cây “Nhớ ơn Bác Hồ”.
Ngư nghiệp và thủy sản vốn là một trong ba thế mạnh kinh tế của tỉnh. Trước giải phóng có 17.000 ngư dân với 7.326 chiếc tàu thuyền. Sau giải phóng do thiếu nguyên, nhiên liệu nên chỉ khai thác được 30% công suất, việc đánh bắt xa bờ là rất khó khăn. Trước thực trạng đó, ngành hải sản tiến hành điều tra, lập qui hoạch cơ bản về nhu cầu mọi mặt phục vụ phát triển ngư nghiệp, diêm nghiệp. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, các ngành và nỗ lực của ngư dân, sản lượng đánh bắt thủy hải sản trong tháng 7 tăng gấp 2 lần tháng 6-1975. Chỉ riêng huyện Cam Ranh đã cung cấp cho hoạt động ngư nghiệp, diêm nghiệp 557.652 lít xăng dầu, tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt thu hoạch hàng trăm tấn cá, tôm, mực, sản xuất 86.000 lít nước mắm, mở rộng diện tích làm muối lên 67 ha, sản xuất 2.000 tấn muối; giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho 4.000 ngư dân trong huyện.
Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp được chú trọng. Toàn tỉnh có 550 cơ sở kỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp hầu hết của tư nhân; các nhà máy điện Nha Trang, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Ranh đi vào hoạt động nhưng công suất chưa cao do thiếu nhiên liệu. Để khắc phục khó khăn về thiếu nhiên liệu, tỉnh chủ trương nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng đường điện cao thế từ Phan Rang ra Cam Ranh, Nha Trang, Ninh Hòa và Vạn Ninh để sử dụng nguồn điện của nhà máy thủy điện Đa Nhim, chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ dùng nhiệt điện sang dùng mạng thủy điện.
Đối với giao thông vận tải, tỉnh huy động hàng vạn ngày công tu sửa cầu đường và xây dựng các tuyến đường mới. Đoạn đường sắt Cam Ranh - Đại Lãnh dài 93 km được phục hồi và đưa vào sử dụng. Các bến cảng Nha Trang, Ba Ngòi, Cam Ranh đi vào hoạt động, giải quyết cho gần 1.200 người có việc làm. Nhân dân các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cũng đóng góp hàng ngàn công lao động tham gia làm đường Lục Đại - Ba Cụm I, Dục Mỹ - Diên Khánh, công trường làm đường T12 và một số tuyến đường từ huyện xuống xã. Các phương tiện vận tải được bảo đảm, phục vụ phát triển kinh tế và dân sinh.
Cùng với giao thông vận tải, ngành Bưu điện có cố gắng trong việc lắp đặt thêm các trạm bưu điện, đường dây điện báo, điện thoại phục vụ công tác chỉ đạo của tỉnh, huyện và đời sống nhân dân.
Các chính sách thuế, tiền tệ được thực hiện. Hơn hai tháng sau ngày giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nghiên cứu ban hành các chính sách thuế mới, nhằm động viên sự đóng góp công bằng hợp lý của các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng lại đất nước. Nhiều khoản thuế mà chính quyền Sài Gòn trước đây đặt ra được bãi bỏ, thay vào đó thực hiện một số chính sách thuế mới, khuyến khích phát triển sản xuất và đóng góp một phần nghĩa vụ đối với Nhà nước. Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, trong 3 tháng 5, 6, 7-1975 ngành tài chính, ngân hàng tỉnh Khánh Hòa thu trên 100 triệu đồng các loại thuế8 và hơn 20.000 giạ lúa, trong đó cho vay để phát triển sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp gần 50 triệu đồng9. Để đưa nền kinh tế miền Nam từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối và lệ thuộc vào nước ngoài, đáp ứng yêu cầu quản lý nền kinh tế mới, ngày 22-9-1975, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định thu đổi tiền của chính quyền Sài Gòn cũ và Ngân hàng quốc gia Việt Nam, phát hành các loại tiền của Ngân hàng Việt Nam thay thế đồng tiền cũ. Tại Khánh Hòa, từ ngày 22 đến 25-9-1975 việc thu đổi tiền cũ sang tiền mới diễn ra nhanh gọn, an toàn.
Nhằm tiến lên xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, trước mắt tạo điều kiện để ổn định và phát triển sản xuất, ổn định và bảo đảm đời sống của nhân dân, ngày 10-9-1975 Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra tuyên bố về một số chính sách khôi phục và phát triển công thương nghiệp, bài trừ lũng loạn, đầu cơ, phá rối thị trường của giai cấp tư sản mại bản. Thực hiện chủ trương này, ngành công thương tổ chức họp mặt 450 nhà công kỹ nghệ và tiểu công nghệ trong toàn tỉnh để phổ biến chính sách của Chính phủ cách mạng lâm thời nhằm động viên mọi người cùng hăng hái tham gia khôi phục và phát triển sản xuất; tích cực tham gia trong đợt đầu cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh.
Giải quyết đất sản xuất là vấn đề cấp thiết đối với nông dân sau ngày giải phóng, tạo điều kiện để nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Khu ủy, Tỉnh ủy Khánh Hòa đề ra mục tiêu đến cuối năm 1975 đối với các huyện, thị và đến quí I-1976 đối với Cam Ranh, phải hoàn thành chính sách ruộng đất, chia công điền, công thổ cho nông dân thiếu và chưa có ruộng cày; đồng thời chỉ đạo Nông hội tỉnh cùng với Ty Nông nghiệp tiến hành điều tra, lập phương án, kế hoạch chia ruộng đất cho nông dân trong tỉnh. Ngày 1-10-1975, Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 101-CT/TU về tịch thu tài sản của bọn địa chủ ác ôn trên địa bàn tỉnh, trong đó nêu rõ đối tượng phải tịch thu và yêu cầu các huyện, xã triển khai nhanh chóng, chính xác. Ngày 16-10-1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua kế hoạch chia ruộng đất công điền, công thổ cho nông dân lao động. Quán triệt chủ trương của Đảng và chỉ thị của Tỉnh ủy, ngày 20-10-1975 tại Nha Trang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cán bộ lãnh đạo huyện, thị, các cơ quan, đoàn thể học tập chủ trương chính sách ruộng đất của Đảng, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác này; đồng thời chọn các xã làm điểm, rút kinh nghiệm để triển khai trong toàn tỉnh10.
Dưới chế độ mới, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế được Đảng bộ và chính quyền cách mạng đặc biệt chú trọng. Các bệnh viện tiếp tục hoạt động trở lại. Hệ thống y tế được mở rộng và hoạt động xuống tận các xã, phường, số lượt người bệnh được khám và điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện, bệnh xá ngày càng tăng lên. Tại Nha Trang, phòng y tế được giải thể để thành lập phòng y tế quận I và quận II. Nhằm giảm bớt lượt người ở phòng khám Bệnh viện trung tâm, ngành y tế thành lập 3 phòng khám chuyên khoa là tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt và tổ chức phòng giải phẫu bệnh lý. Ở Cam Ranh, bệnh viện 100 giường được triển khai và đầu tư thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ người bệnh, đồng thời tổ chức được 15 trạm y tế ở các phường. Tỉnh còn thành lập được trạm điều dưỡng cán bộ gồm 100 giường đưa vào hoạt động. Hàng chục đội y tế lưu động khám chữa bệnh, phát thuốc cho nhân dân không lấy tiền và kịp thời dập tắt ổ dịch hạch, sốt xuất huyết, sởi ở Cam Ranh, Vạn Ninh; phòng dịch tả ở Sơn Hòa (Vĩnh Sơn)... Hàng vạn lượt người được tiêm phòng các bệnh dịch hạch, dịch tả, sởi, đậu mùa, sốt xuất huyết, thương hàn, đau mắt đỏ và phòng ngừa bệnh sốt rét, bệnh chó dại. Phong trào vệ sinh phòng bệnh được phát động ở cả thành thị và nông thôn, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia dọn vệ sinh ở phường, khóm. Ngành y tế tỉnh mở được 3 lớp đào tạo y, dược tá và nữ hộ sinh gồm 267 học viên, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 78 vệ sinh viên. Sau giải phóng, mặc dù còn nhiều khó khăn song Viện Pasteur vẫn duy trì hoạt động, tiếp tục nghiên cứu và sản xuất được nhiều loại vắc xin, phục vụ kịp thời việc phòng ngừa và điều trị có hiệu quả dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh.
Về lĩnh vực giáo dục, thực hiện Thông tư số 409 của Khu Trung trung Bộ, tỉnh tích cực tiếp thu, tiếp quản, công lập hóa các trường tư thục và triển khai công tác theo chỉ đạo của Trung ương. Đội ngũ quản lý và phần lớn giáo viên cũ của các trường phổ thông được lưu dụng trở lại làm việc. Ngành giáo dục sớm ổn định tình hình, tổ chức bồi dưỡng về quan điểm chính trị và nghiệp vụ cho 2.847 giáo viên, bồi dưỡng lớp tu nghiệp cho 1.935 giáo viên cũ, mở lớp sư phạm ngắn ngày đào tạo cấp tốc 280 giáo sinh kịp thời phục vụ cho năm học mới. Ngày 17-6-1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 221-CT/TW về công tác giáo dục ở miền Nam sau ngày hoàn toàn giải phóng. Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, hơn 400 trường phổ thông cấp I, II và III bước vào khai giảng năm học 1975-1976. Hệ thống giáo dục phổ thông vẫn giữ hệ 12 năm nhưng chương trình học và sách giáo khoa được thay thế theo chương trình giáo dục của chính quyền cách mạng. Nhờ những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền cách mạng và của ngành giáo dục, năm học đầu tiên sau giải phóng, chỉ riêng ở Cam Ranh mở lại 500 lớp học với gần 30.000 học sinh các cấp, số giáo viên lưu dụng gần 800 người. Tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, ngành giáo dục mở lại 15 lớp vỡ lòng và lớp 1 với 208 học sinh; đội ngũ giáo viên có 70 người, trong đó có 34 giáo viên dân tộc thiểu số. Viện đại học cộng đồng Duyên Hải được mở lại gồm 545 sinh viên. Các trường chuyên nghiệp như Sư phạm Nha Trang và trung học kỹ thuật thu hút hơn 700 học viên.
Phong trào xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa được phát động, thu hút hàng vạn người tham gia học tập. Nhằm nâng cao trình độ học vấn cho cán bộ, công nhân viên chức cơ quan, xí nghiệp, tỉnh mở trường bổ túc công nông, bước đầu có 257 người học. Huyện Khánh Vĩnh mở được 2 lớp bổ túc văn hóa cho 42 cán bộ địa phương theo học. Hưởng ứng chiến dịch "ánh sáng văn hóa" do tỉnh phát động, nhiều giáo viên từ đồng bằng xung phong lên miền núi mở lớp xóa mù chữ cho đồng bào.
Hoạt động văn hóa có chuyển biến tích cực. Tàn dư của những ấn phẩm văn hóa phản động, đồi trụy bị lên án và từng bước được đẩy lùi. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ cách mạng phát triển rộng khắp, thu hút đông đảo quần chúng, nhất là thanh thiếu niên tham gia. Từ sau giải phóng đến giữa tháng 5-1975, ngành văn hóa thông tin tổ chức 157 buổi biểu diễn văn nghệ, chiếu phim, mở phòng triển lãm tại trung tâm Nha Trang và ở các huyện, phục vụ gần 30 vạn lượt người xem. Đồng thời còn tổ chức các cuộc thi đấu thể thao như bóng đá, bóng bàn, chạy, bơi thuyền, bơi lội thu hút hàng trăm vận động viên tham gia. Các đài phát thanh Đồng Đế, các rạp chiếu bóng, nhà in, hiệu sách được tiếp thu và đưa vào sử dụng. Mạng lưới loa truyền thanh được tăng cường ở các quận, huyện với 86 loa, trong đó thị xã Nha Trang có thêm 30 loa. Hệ thống truyền thanh, sách báo cách mạng góp phần tích cực tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Các tệ nạn xã hội của chế độ cũ để lại như thất nghiệp, xì ke, ma tuý, bệnh xã hội, trộm cướp, gái bán dâm, trẻ em mồ côi lang thang cơ nhỡ... dần dần được khắc phục.
Thực hiện Chỉ thị số 75-CT/TU của Tỉnh ủy Khánh Hòa về tổ chức kỷ niệm lần thứ 30 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, các địa phương trong tỉnh đều phát động phong trào thi đua rộng khắp, tổ chức các hoạt động chào mừng bằng nhiều hình thức phong phú sôi động. Tại Nha Trang tổ chức trọng thể Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành biểu dương lực lượng; cùng với Nha Trang, lễ mít tinh kỷ niệm được tổ chức ở hầu khắp các huyện, xã trong tỉnh, thu hút hàng chục vạn người tham dự. Tỉnh Khánh Hòa còn tổ chức đoàn đại biểu gồm các gia đình có công với cách mạng đi dự kỷ niệm Quốc khánh 2-9-1975 tại Thủ đô Hà Nội.
Công tác xây dựng lực lượng vũ trang và an ninh của tỉnh ngày càng vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu, làm nòng cốt cho việc bảo vệ chính quyền, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm. Cơ quan Tỉnh đội đến các Huyện, Thị đội, các phòng, ban chức năng được củng cố, kiện toàn và hoàn thiện hơn. Trước giải phóng, lực lượng bộ đội địa phương ở tỉnh và huyện có 1.040 người; du kích, tự vệ xã, phường, khóm, ấp chỉ có 51 người. Sau giải phóng, chỉ riêng lực lượng du kích tự vệ phát triển lên 3.161 người, trong đó lực lượng du kích có 2.670 người; đến 31-5-1975 phát triển thêm 214 người, đưa tổng số lên 3.375 người, có 1.630 tay súng được chọn lọc. Trong số thanh niên thuộc thành phần cơ bản, tỉnh tuyển chọn 403 người đưa đi huấn luyện, bổ sung cho bộ đội địa phương và an ninh vũ trang của tỉnh11. Các huyện, thị đều xây dựng kế hoạch, phối hợp với Tỉnh đội mở các lớp tập huấn cho cán bộ xã đội, trung, tiểu đội du kích tự vệ nhằm nâng cao trình độ chính trị, kỹ chiến thuật cho lực lượng bán vũ trang địa phương đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới.
Khi tiếp quản, lực lượng an ninh mới có 28 cán bộ, chiến sĩ. Đến cuối tháng 10-1975, hệ thống ngành an ninh được xây dựng và kiện toàn từ tỉnh đến các huyện thị với tổng số 309 người, trong đó có 203 đảng viên và 52 đoàn viên thanh niên. Lực lượng an ninh xã, phường, thôn, khóm được hình thành, củng cố. Nhằm nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng và tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Ty An ninh Khánh Hòa tổ chức chỉnh huấn cho toàn lực lượng và phát động phong trào thi đua “Quyết thắng” trong toàn ngành.
Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy và của ngành cấp trên, Ty An ninh phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương và các ngành, các cấp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo chức năng tham mưu cho cấp ủy và chính quyền; trực tiếp tham gia chiến đấu truy quét địch và là lực lượng nòng cốt trong việc tổ chức đăng ký trình diện số ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động; phân loại các đối tượng thuộc diện tập trung cải tạo; tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ các cơ quan Đảng, chính quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, từ tháng 4 đến cuối tháng 10-1975, lực lượng an ninh vũ trang Khánh Hòa bảo đảm an toàn tuyệt đối cho 40 đoàn cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, của quân đội và các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc với tỉnh, các buổi mít tinh, kỷ niệm lớn ở tỉnh.
Đi đôi với nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an, lực lượng an ninh tỉnh tham gia tích cực vào việc xây dựng chính quyền cách mạng các cấp. Qua công tác tiếp quản, thu hồi hàng trăm hồ sơ tài liệu của địch, ngành an ninh khai thác phát hiện 280 trường hợp đầu hàng, khai báo hoặc cộng tác viên, mật báo viên của địch, góp phần thanh lọc và làm trong sạch bộ máy chính quyền cách mạng. Đồng thời giúp các cơ quan của Đảng, chính quyền tiến hành thuần khiết nội bộ, điều chuyển những người không đảm bảo về chính trị ra khỏi những cương vị quan trọng; xây dựng phương án chống nội gián, ngăn chặn kẻ địch chui vào bộ máy cơ quan, đoàn thể.
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngành an ninh nghiên cứu ban hành các qui tắc về trật tự an toàn giao thông đường bộ, qui định đăng ký hành nghề kinh doanh đặc biệt. Các văn bản ban hành được tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Qua công tác đăng ký quản lý các phương tiện giao thông, lực lượng an ninh phát hiện 120 xe các loại của kẻ gian; thực hiện quản lý 20 khách sạn, quán trọ, 1 nhà in tư nhân và các hiệu khắc dấu trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với ngành văn hóa thông tin, lực lượng an ninh thu hồi, tiêu hủy hàng chục ngàn ấn phẩm sách báo, hàng ngàn băng nhạc, phim có nội dung phản động, đồi trụy.
III. XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ CÁC ĐOÀN THỂ CÁCH MẠNG
Đi đôi với công tác lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, nhanh chóng ổn định tình hình mọi mặt sau giải phóng, công tác xây dựng Đảng bộ được đặc biệt quan tâm, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ.
Ngày mới giải phóng, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa có 689 đảng viên, số đảng viên ở các chi bộ, tổ Đảng xã, thôn chỉ có 74 đồng chí. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 25 đồng chí, trong đó có 2 đồng chí dân tộc thiểu số, đồng chí Võ Cứ giữ chức Quyền Bí thư Tỉnh ủy. Đến đầu tháng 5-1975, đồng chí Mai Dương, Ủy viên Khu ủy V được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy. Toàn Đảng bộ có 9 Đảng bộ quận, huyện trực thuộc Tỉnh ủy, gồm 117 đồng chí trong Ban Chấp hành, trong đó có 52 đồng chí Huyện ủy của 3 huyện miền núi. Đến cuối tháng 6-1975, tổ chức Đảng ở cơ sở vẫn còn quá mỏng, trong tổng số 64 xã, phường toàn tỉnh mới có 21 chi bộ và 5 tổ Đảng, số đảng viên tăng lên 109 đồng chí. Tuy số đảng viên ở cơ sở có tăng so với trước, nhưng nhiều xã vẫn chưa có chi bộ, tổ Đảng. Từ tháng 4 đến tháng 6-1975, Trung ương tăng cường cho Khánh Hòa 327 cán bộ chuyên môn, Khu ủy tăng cường 24 cán bộ, phần lớn là cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ và cán bộ tập kết ở miền Bắc về. Nhờ có cán bộ bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau, bộ máy các ban, ngành của Đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở từng bước được kiện toàn.
Thực hiện chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy, để xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng đủ sức lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh trong tình hình mới, các Ban Đảng được kiện toàn và tăng cường cán bộ; trong đó: Ban Tổ chức Tỉnh ủy (4 đồng chí), Ban Kiểm tra Tỉnh ủy (2 đồng chí), Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy (2 đồng chí), Văn phòng Tỉnh ủy (5 đồng chí) và Ban Dân vận Mặt trận (4 đồng chí). Cùng với việc kiện toàn các Ban Đảng cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Đảng bộ Dân Chính Đảng của các cơ quan tỉnh.
Ngày 6-4-1975, Ủy ban Quân chính tỉnh quyết định tách Nha Trang - Vĩnh Xương thành 3 đơn vị hành chính trực thuộc là huyện Vĩnh Xương, Quận I và Quận II. Ủy ban Quân chính huyện Vĩnh Xương do đồng chí Trần Bá Ngọc, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch; Uỷ ban Quân chính Quận I do đồng chí Huỳnh Đức Tâm, Bí thư Ban Cán sự Quận ủy làm Chủ tịch; Ủy ban Quân chính Quận II do đồng chí Nguyễn Văn Tự, Bí thư Ban Cán sự Quận ủy làm Chủ tịch. Đến ngày 9-4-1975, Ủy ban Quân chính các huyện Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Vĩnh Sơn, Vĩnh Khánh và Khánh Sơn đều được thành lập. Ủy ban Quân chính Quận I và Quận II Nha Trang đã có 18 cán bộ. Chính quyền cơ sở được thành lập ở 39 xã và 11 phường gồm 319 cán bộ, 205 ban tự quản thôn và 48 khóm gồm 571 người.
Tháng 5-1975, Tỉnh ủy họp mở rộng để kiểm điểm những việc đã làm, đề ra biện pháp khắc phục những thiếu sót trên các mặt công tác, xây dựng phương án kiện toàn hệ thống chính quyền cách mạng trong toàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Ủy ban Quân quản thành phố, thị xã, tỉnh, huyện chuyển giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Tại Khánh Hòa, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh do đồng chí Lê Tụng làm Chủ tịch; Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là Bùi Hồng Thái, Nguyễn Quyết và Nguyễn Ngọc Hoanh làm Phó Chủ tịch12. Tỉnh cũng thành lập và kiện toàn được các Ty Lương thực - thực phẩm, Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản, Công nghiệp, Xây dựng, Thương nghiệp, Tài chính, Vật tư kỹ thuật, Giáo dục, Y tế, Văn hóa- Thông tin, Ủy ban Kế hoạch tỉnh, Chi cục Thống kê và chi nhánh Ngân tín. Đến cuối tháng 6-1975, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời các huyện, thị xã đều được thành lập. Ở Nha Trang, ngày 25-7-1975, theo Quyết định số 147/UB-QĐ của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Quận I thành lập do đồng chí Mai Xuân Cống làm Chủ tịch, Quận II do đồng chí Đinh Hòa Khánh làm Chủ tịch. Nhằm tiếp tục kiện toàn một bước cấp ủy trực thuộc, tháng 9-1975 Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định Quận ủy quận I do đồng chí Nguyễn Sơn làm Bí thư, Huỳnh Đức Tâm làm Phó Bí thư Quận ủy; Quận ủy quận II do đồng chí Trần Quốc Khánh làm Bí thư và Đinh Hòa Khánh làm Phó Bí thư Quận ủy.
Ngày 10-10-1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 805-TC/QĐ về việc thống nhất Quận I và II, thành lập Đảng bộ thị xã Nha Trang và chỉ định Thường trực Thị ủy, do đồng chí Lê Tụng, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, trực tiếp làm Bí thư và đồng chí Huỳnh Đức Tâm, Phó Bí thư Quận ủy I làm Thường trực Thị ủy. Cùng thời gian này, do có việc sáp nhập huyện Vĩnh Xương và Diên Khánh thành huyện Khánh Xương, tổ chức Đảng của huyện Khánh Xương cũng được thành lập và kiện toàn kịp thời. Ở các xã, phường, thôn, khóm, hệ thống chính quyền được thành lập bằng hình thức chỉ định tại 53 xã, 11 phường và 48 khóm, gồm 1.112 cán bộ. Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ, song chính quyền cách mạng các cấp có nhiều cố gắng trong việc ổn định tình hình trật tự xã hội, ổn định đời sống nhân dân, tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh.
Cùng với công tác tổ chức, công tác chính trị tư tưởng được coi trọng. Cán bộ, đảng viên được học tập những vấn đề cơ bản về lý tưởng của Đảng, về chỉ thị đặc biệt của Tỉnh ủy Khánh Hòa, bài diễn văn của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, về đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và về công tác vận động quần chúng. Thông qua các đợt học tập chính trị, cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ lý luận, nhận thức đúng đắn về chủ trương, chính sách, tư tưởng chiến lược tiến công, quan điểm quần chúng và lập trường giai cấp của Đảng.
Đi đôi với việc xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức Đảng và chính quyền nhân dân cách mạng các cấp, các tổ chức đoàn thể cách mạng được củng cố và phát triển. Ban Mặt trận tổ chức tiếp xúc với trên 3.000 công thương gia trong 70 ngành nghề khác nhau, mở các cuộc tọa đàm với đại biểu trí thức và một số vị chức sắc đứng đầu các tôn giáo để tuyên truyền vận động làm cho họ nhận thức rõ hơn về chính sách đoàn kết dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, qua đó kêu gọi các vị chức sắc và giáo dân tham gia hưởng ứng các phong trào xây dựng lại quê hương, đất nước, xóa bỏ mặc cảm giáo lương, tin tưởng vào cách mạng và chế độ mới.
Đến tháng 6-1975, tổ chức đoàn thể phụ nữ phát triển rộng khắp với 3.265 tổ gồm 58.339 hội viên, tăng 2.640 tổ và 50.236 hội viên so với tháng 4-1975; các cấp Hội phụ nữ giải phóng có 1.365 cán bộ. Tổ chức Hội thanh niên phát triển được 218 chi hội và 334 phân hội với 37.744 hội viên, trong đó có 17.231 nữ. Đối với nông dân, tổ chức Nông hội phát triển được 500 tổ với 7.638 hội viên. Hoạt động của các tổ chức hội quần chúng góp phần tích cực vào việc vận động hội viên tham gia các phong trào vệ sinh phòng bệnh, hoạt động văn nghệ, thể thao, xây dựng chính quyền, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống và các phong trào khác.
Ở các cơ quan, đơn vị sản xuất, tổ chức Công đoàn mới hình thành ở 14 đơn vị, trong đó có 13 Ban Chấp hành công đoàn và 25 tổ công đoàn cơ sở, gồm hơn 8.000 đoàn viên. Các Ban vận động công nhân được thành lập trong các xí nghiệp. Hoạt động của tổ chức Công đoàn có tiến bộ, tích cực tuyên truyền vận động công nhân khắc phục khó khăn về vật tư, nguyên nhiên liệu, duy trì sản xuất, đảm bảo kế hoạch được giao.
Các đoàn thể quần chúng cách mạng mặc dù tổ chức phát triển chưa đều khắp, hoạt động còn bỡ ngỡ và hiệu quả chưa cao, song bước đầu đã phối hợp với chính quyền cách mạng các cấp trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia vào các phong trào hành động cách mạng như giữ gìn trật tự an ninh, giúp nhau sản xuất ổn định cuộc sống, giúp những người trước đây lầm đường lỡ bước sớm hòa nhập với cộng đồng và chế độ mới; xoá bỏ tàn dư đồi bại của chế độ cũ, thực hiện nếp sống văn hóa mới... Trong các phong trào đó có hàng chục ngàn thanh niên trong tỉnh hăng hái tham gia xây dựng nếp sống văn hóa mới, xây dựng thôn khóm văn minh, vệ sinh.
Bằng sự cố gắng nỗ lực vượt bậc của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và của toàn dân, đến cuối năm 1975 tình hình Khánh Hòa có những chuyển biến rõ rệt, chính trị và kinh tế - xã hội từng bước được ổn định, trật tự trị an được giữ vững. Nhân dân trong tỉnh đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng và góp sức mình vào việc xây dựng chế độ mới.
Tháng 10-1975, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Khánh Hòa vinh dự được đón Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng vào thăm và làm việc tại tỉnh. Thay mặt Trung ương Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Chủ tịch nhiệt liệt biểu dương thành tích đạt được của Đảng bộ, quân và dân Khánh Hòa, góp phần xứng đáng cùng quân và dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chủ tịch nhắc nhở Đảng bộ và quân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tiến hành truy quét tàn quân ngụy và các tổ chức phản động; xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng; giải quyết tốt vấn đề ăn, mặc, ở, đi lại, học tập của nhân dân, coi trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến thăm và làm việc với tỉnh là nguồn động viên cổ vũ to lớn đối với Đảng bộ và quân dân Khánh Hòa, là sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với cách mạng miền Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng. Sau 8 tháng khắc phục hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và ý chí cách mạng tiến công, dũng cảm vượt qua khó khăn thử thách, làm thay đổi bộ mặt quê hương. Sản xuất được phục hồi, tình hình trật tự xã hội và đời sống nhân dân từng bước ổn định; thực hiện có kết quả các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đó là chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc và chính sách xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xì ke, mại dâm, trộm cướp và những tàn dư văn hóa nô dịch của chế độ cũ; tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh chống âm mưu phá hoại của bọn phản động và các thế lực thù địch. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa mới được xác lập. Công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức quần chúng cách mạng được quan tâm chú trọng. Đó là những điều kiện căn bản để Đảng bộ và quân dân Khánh Hòa bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Phú Khánh hợp nhất.
____________
1. Số liệu trước tháng 4-1975, số dân toàn tỉnh Khánh Hoà là 589.783 người. Trong đó Nha Trang 217.000, Cam Ranh 132.422, 4 huyện đồng bằng 228.438 và các huyện miền núi có 11.923 người; 35% số dân làm nghề dịch vụ và buôn bán.
2. Giá cả trước giải phóng: Gạo 79đ/kg, thịt lợn ba chỉ 500đ/kg, cá tươi 100đ/kg, sữa đặc 200đ/hộp, bột ngọt 1.760đ/kg.
Sau giải phóng giá các mặt hàng tương ứng trên: 220đ/kg, 1.600đ/kg, 800đ/hộp, 10.000đ/kg và 300đ/lít.
3. Trước ngày giải phóng, toàn tỉnh có 27 ty và các cơ sở dân vận, y tế, viễn thông, cải huấn, đài phát thanh, truyền hình; cấp liên tỉnh Khánh Hoà - Cam Ranh có 4 ty và một phân khu kiều lộ; cấp phân khu và Quân khu II gồm 13 khu, nha và hệ thống tổ chức bộ máy kìm kẹp từ tỉnh đến thôn ấp. Lực lượng của địch tại Khánh Hoà có 58.245 ngụy quân, 10.501 ngụy quyền và 3.030 cảnh sát. Sau khi bị thất thủ ở Tây Nguyên, tàn quân địch chạy về Khánh Hoà, Nha Trang với số lượng ngụy quân, ngụy quyền ngày càng tăng vọt, làm cho tình hình trở nên hỗn loạn, không thể kiểm soát nổi. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 21 tổ chức đảng phái phản động do Mỹ cung cấp tài chính, phương tiện hoạt động, với tổng số 31.385 tên. Trong đó: Đảng Dân chủ có 18.838, Đảng Tự do 2.311, Đảng Liên minh dân chủ xã hội 2.677, Việt Nam quốc dân đảng 1.900, Nhân xã đảng 4.447, Đại Việt 380 và Đảng cứu nguy dân tộc có 752. Các đảng phái phản động có tổ chức chặt chẽ từ tỉnh đến huyện thị và các chi bộ ở cơ sở.Trên địa bàn tỉnh có một số trường quân sự của ngụy quân như: Quân trường Lam Sơn-Dục Mỹ, Trại dân sự chiến đấu Trung Dũng, Trường hạ sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Đồng Đế, Liên đoàn 5 biệt kích Trung Dũng đóng tại Bình Tân, Trung tâm huấn luyện Hải quân, Trung tâm huấn luyện Không quân, Liên đoàn 6 biệt kích Trung Dũng đóng tại Đồng Bà Thìn, Duyên đoàn 25 Hải thuyền tại Hòn Khói, Duyên đoàn 26 tại Cam Ranh, Tiểu đoàn 5 An ninh thiết lộ.
4. Sau ít ngày, tất cả Ủy ban Quân chính tỉnh, quận, huyện đổi thành Ủy ban Quân quản tỉnh, quận, huyện.
5. Gồm 2 đại tá, 35 trung tá, 201 thiếu tá, 658 đại uý, 1389 trung uý, 1384 thiếu uý và 857 chuẩn uý.
6. Gồm: 1 Chủ tịch hội đồng tỉnh, 1 Phó chủ tịch hội đồng tỉnh, 29 trưởng phó ty, 8 đoàn trưởng bình định, 5 đoàn trưởng và 44 đoàn phó phòng vệ dân sự, 34 liên toán trưởng, 386 chánh phó chủ tịch hội đồng xã, 359 trưởng phó phường xã, 399 bình định nông thôn, 216 tên phượng hoàng, 277 mật vụ, 19 tên chiêu hồi, 321 cảnh sát viên, 2.298 cảnh sát dã chiến và cảnh sát xã.
7. Từ khổ cuối trang 11 đến các trang 12, 13 và 2 dòng đầu trang 14 là nội dung Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ mở rộng họp từ ngày 9 đến 11 tháng 7-1975 và ra Nghị quyết số 65-NQTV ngày 26-7-1975 - Tài liệu lưu Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Khánh Hoà.
8 và 9. Tiền chính quyền Sài Gòn cũ, trước ngày đổi tiền 22-9-1975.
10. Theo Chỉ thị số 517/ĐB ngày 16-10-1975 của Thường vụ Tỉnh uỷ Khánh Hòa.
11. Bổ sung cho các huyện đội Vạn Ninh 53 tân binh, Ninh Hoà 35, Nha Trang 31 và Cam Ranh 40 tân binh.
- Bổ sung cho an ninh vũ trang tỉnh 91 chiến sĩ, Cam Ranh 29, Ninh Hoà 40 và Vạn Ninh 37 chiến sĩ an ninh.
12. Các đồng chí Nguyễn Thành Công, Ủy viên thư ký; Hoài Sơn, Nguyễn Văn Ánh, Dương Minh Tiến, Đinh Hòa Khánh, Nguyễn Phụng, Đinh Văn Tuyến, Trần Vĩnh Phúc và Pinăng Huỳnh làm uỷ viên Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh.
Tags:
Tác giả:
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
- LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH KHÁNH HÒA (1930 - 2005) (31/01/2018)
- Phụ lục 2 (30/01/2018)
- Phụ lục (30/01/2018)
- Kết luận (30/01/2018)
- Chương XVIII - Đảng bộ Khánh Hòa lãnh đạo công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996-2005) (30/01/2018)
- Chương XVII - Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (7/1989 - 1995) (30/01/2018)
- Chương VI - Cuộc kháng chiến bắt đầu (23/10/1945 - 12/1946) (30/01/2018)
- Chương V - Xây dựng chính quyền nhân dân và chuẩn bị kháng chiến (8/1945 - 10/1945) (30/01/2018)
- Chương IV - Cuộc vận động giải phóng dân tộc và cách mạng tháng Tám (1940 - 1945) (30/01/2018)
- Chương III - Thời kỳ đấu tranh chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đòi tự do, cơm áo và hòa bình (1936 - 1939) (30/01/2018)