Chương XVI
ĐẢNG BỘ TỈNH PHÚ KHÁNH LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN TRONG TỈNH CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI, BƯỚC ĐẦU THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG (11/1975 - 6/1989)
I. THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TỈNH PHÚ KHÁNH, LÃNH ĐẠO CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI (11/1975 - 1980)
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mở ra giai đoạn mới của cách mạng nước ta. Tháng 8-1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp Hội nghị lần thứ 24, quyết định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới nhằm hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước bước vào chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Để đảm bảo thống nhất lãnh đạo và phù hợp với tình hình miền Nam sau giải phóng, Hội nghị quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam và các Khu ủy ở cả hai miền, sáp nhập một số tỉnh thành những đơn vị hành chính kinh tế với qui mô cần thiết.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ra các Nghị quyết số 245-NQ/TW ngày 29-9-1975 về việc bỏ khu hợp tỉnh và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 20-10-1975 về điều chỉnh việc hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam. Theo chủ trương của Trung ương, hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên được hợp nhất thành tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Phú Khánh.
Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Phú Khánh và chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 38 đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí, đồng chí Nguyễn Xuân Hữu, Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy V làm Bí thư Tỉnh ủy, hai đồng chí Mai Dương, Lê Trọng Khoan, Ủy viên Khu ủy V làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quyết định của Ban Bí thư, từ ngày 20-10-1975 đến ngày 3-11-1975, tại Thị xã Nha Trang, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Phú Khánh họp hội nghị lần thứ 1 (Hội nghị hợp nhất Tỉnh ủy Khánh Hòa và Tỉnh ủy Phú Yên) với sự tham dự của các đồng chí Tỉnh ủy viên hai tỉnh. Hội nghị quán triệt tinh thần Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết, Quyết định của Bộ Chính trị. Trong không khí đoàn kết, Hội nghị nhất trí với chủ trương của Trung ương về việc hợp nhất tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Phú Yên thành tỉnh mới là Phú Khánh, lấy thị xã Nha Trang làm tỉnh lỵ. Đồng thời bàn kế hoạch hợp nhất bộ máy tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, bàn việc ổn định ăn ở, lề lối làm việc của các cơ quan mới hợp nhất; ra nghị quyết về tình hình, nhiệm vụ mới và phương hướng, mục tiêu kế hoạch năm 1976 của Đảng bộ tỉnh Phú Khánh. Về phương hướng và nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, Hội nghị nêu rõ: "Phát huy thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam, nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, động viên một cao trào cách mạng sôi nổi của quần chúng, trấn áp bọn phản cách mạng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội. Ra sức xây dựng và củng cố hệ thống chuyên chính cách mạng nhất là ở cơ sở, tăng cường đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh và khôi phục kinh tế toàn diện, giữ vững và cải thiện đời sống nhân dân, trước mắt tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công, công nghiệp chế biến và các cơ sở công nghiệp sẵn có, tích cực giải quyết nạn thất nghiệp, quét sạch tàn dư về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nô dịch và phản động, xây dựng văn hóa xã hội lành mạnh, hoàn thành những việc còn lại của nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ, tạo điều kiện cải tạo và xây dựng cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến hành 3 cuộc cách mạng, tăng cường xây dựng Đảng đủ sức thực hiện nhiệm vụ mới". Trong đó, "nhiệm vụ trung tâm là ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, giữ vững và cải thiện đời sống nhân dân".
Ngày 29-10-1975, Ủy ban nhân dân cách mạng Khu Trung Trung bộ ra Quyết định số 155 về việc hợp nhất hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên thành tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Phú Khánh; giải thể Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Phú Yên, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Khánh Hòa, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Phú Khánh gồm 13 người, đồng chí Mai Dương làm Chủ tịch, các đồng chí Trần Suyền, Lê Tụng, Hồ Ngọc Nhường, Nguyễn Hữu Ái làm Phó Chủ tịch.
Thực hiện quyết định của Ủy ban nhân dân cách mạng Khu Trung Trung bộ, ngày 17-11-1975 tại thị xã Nha Trang, toàn thể Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Phú Yên và các thành viên Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Phú Khánh họp Hội nghị liên tịch, có đại biểu các Ty và đại biểu Ủy ban nhân dân cách mạng các huyện, thị của hai tỉnh tham dự. Hội nghị công bố danh sách Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Phú Khánh và bàn kế hoạch thực hiện hợp nhất các cơ quan chính quyền hai tỉnh, quyết định hợp nhất các huyện, thị trong tỉnh, trong đó trên địa bàn Khánh Hòa hợp nhất các huyện: Vạn Ninh và Ninh Hòa thành huyện Khánh Ninh; Diên Khánh và Vĩnh Xương thành huyện Khánh Xương; Vĩnh Khánh và một nửa huyện Vĩnh Sơn thành huyện Khánh Vĩnh; Khánh Sơn và số xã còn lại của huyện Vĩnh Sơn thành huyện Khánh Sơn; hợp nhất quận I và quận II thành thị xã Nha Trang.
Ngày 02-12-1975, tại thị xã Nha Trang trên 1.000 đại biểu thay mặt cho các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh, các đoàn thể nhân dân trong tỉnh dự lễ công bố thành lập tỉnh Phú Khánh và ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh.
Tỉnh Phú Khánh là một trong những tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng đối với cả nước; có diện tích gần một vạn km2, dân số 1.047.250 người, trong đó thị trấn, thị xã có 331.470 người; nông thôn, đồng bằng có 680.780 người; miền núi có 35.000 người (trong đó dân tộc thiểu số 24.000 người). Ngoại kiều có 6.100 người Hoa, 35 người Ấn; đồng bào theo đạo chiếm gần 1/3 dân số, trong đó 24 vạn người theo đạo Phật, 8 vạn người theo đạo Thiên Chúa, 5.000 người theo đạo Cao Đài, gần 4.000 người theo đạo Tin Lành. Tỉnh mới có 6 huyện đồng bằng (Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hòa, Khánh Ninh, Khánh Xương, Cam Ranh), 4 huyện miền núi (Miền Tây, Sơn Hòa, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh) và 2 thị xã (Nha Trang, Tuy Hòa), Nha Trang là tỉnh lỵ tỉnh Phú Khánh. Rừng núi, đồng bằng và biển tạo cho Phú Khánh một tiềm năng kinh tế lớn để phát triển toàn diện tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp...
Nhân dân tỉnh Phú Khánh có lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, vốn gắn bó với nhau qua lịch sử đấu tranh của dân tộc, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhân dân Phú Khánh có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, hiền hòa, nguồn lao động khá dồi dào, khối đoàn kết liên minh công - nông vững chắc. Trên địa bàn tỉnh có một số trung tâm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và các trường của quốc gia như Viện nghiên cứu biển (Viện Hải Dương học), Viện Pasteur, Vacxin, các trường sĩ quan kỹ thuật của quân đội...
Đảng bộ Phú Khánh được rèn luyện qua nhiều thử thách, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm đấu tranh cách mạng. Đây là một trong những yếu tố hàng đầu để Phú Khánh vượt qua khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trong chặng đường mới.
Những thuận lợi trên là cơ sở quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Phú Khánh vững bước cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, cùng với những khó khăn chung của cả nước, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh còn đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp, phải nỗ lực rất lớn mới vượt qua. Đó là, hậu quả của chiến tranh do chính sách cai trị của chế độ thực dân cũ và mới để lại khá nặng nề. Mặc dù sau giải phóng, Đảng bộ và quân dân Phú Yên, Khánh Hòa có rất nhiều cố gắng, nỗ lực để hàn gắn vết thương chiến tranh, song kết quả đạt được chưa nhiều. Tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân còn nhiều vấn đề bức xúc đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền cần có biện pháp giải quyết. Tỉnh Phú Khánh bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội từ nền kinh tế trong tình trạng sản xuất nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất hàng hóa chưa phát triển; trong khi kinh nghiệm, trình độ quản lý kinh tế - xã hội của đội ngũ cán bộ, đảng viên còn nhiều mặt yếu kém. Bên cạnh đó, địa hình tỉnh Phú Khánh phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, khi sáp nhập qui mô lớn, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ quá thiếu so với yêu cầu tối thiểu cần có để chỉ đạo, điều hành công việc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, an ninh...
Ngày 3-1-1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 228-CT/TW về lãnh đạo Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước.
Quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị, từ tháng 2-1976 Đảng bộ Phú Khánh đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền động viên mọi người tích cực tham gia bầu cử và đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, hoàn thành kế hoạch Nhà nước. Cuộc tuyên truyền vận động bầu cử có ý nghĩa chính trị rộng lớn, lần đầu tiên sau 30 năm chiến tranh, nhân dân Phú Khánh lại được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của nước Việt Nam thống nhất.
Ngày 25-4-1976 thực sự là ngày hội lớn, cùng với cử tri cả nước, trên 99% cử tri toàn tỉnh đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam thống nhất. Thắng lợi của Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước là sự thể hiện ý chí và mong muốn của toàn dân ta đối với việc xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.
Từ ngày 24-6 đến 2-7-1976, tại Hà Nội, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất họp kỳ thứ nhất, quyết định đổi tên nước là Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca của nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Hà Nội là Thủ đô; thành phố Sài Gòn - Gia Định được vinh dự mang tên thành phố Hồ Chí Minh. Quốc hội quyết định công nhận Quốc hội này là Quốc hội khóa VI.
Trong không khí phấn khởi của cả nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Khánh vinh dự được đón đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thăm và làm việc từ ngày 29 đến 30 tháng 3-1976. Sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy báo cáo tình hình, đồng chí Lê Duẩn có những ý kiến chỉ đạo quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và soi sáng công tác của Đảng bộ trong giai đoạn cách mạng mới. Đồng thời chỉ ra cho Đảng bộ phương hướng suy nghĩ và công tác nhằm vận dụng một cách sáng tạo và đạt hiệu quả cao đường lối chung và đường lối phát triển kinh tế của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của tỉnh.
Tháng 7-1976, đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ về thăm và nói chuyện với đông đảo cán bộ trong tỉnh. Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh "làm thế nào mà bằng sức của mình, bằng lao động sáng tạo của mình, bằng cái hy sinh phấn đấu của mình đem lại cho nhân dân trong tỉnh đời sống từng bước tốt hơn, đồng thời đóng góp cho Nhà nước ngày càng lớn hơn để công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa".
Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đến thăm tỉnh thể hiện sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, động viên cổ vũ Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh tiếp tục sự nghiệp khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh và giành được những thắng lợi bước đầu hết sức quan trọng.
Năm 1976, phong trào khai hoang, phục hóa phát triển mạnh, thực sự trở thành cao trào thi đua sôi nổi, được các cấp ủy Đảng và chính quyền tập trung chỉ đạo; kết hợp chặt chẽ 3 hình thức khai hoang: tỉnh làm, huyện làm, dân làm, lấy dân làm là chính để nhanh chóng mở rộng diện tích sản xuất. Kết quả năm 1976, toàn tỉnh khai hoang 12.500 hécta, đưa vào sản xuất 8.800 héc ta (tăng 25,7% so với năm 1975), thu hút thêm hàng chục ngàn lao động vào sản xuất nông nghiệp. Tổng sản lượng quy thóc đạt 243.000 tấn (tăng 34,2% so với năm 1975). Trên diện tích lúa 02 vụ, năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 5,5 tấn/hécta/năm.
Thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng, đến tháng 9 năm 1976 về cơ bản giai cấp địa chủ bị xoá bỏ, các hình thức bóc lột phong kiến khác bị thủ tiêu, trên 16.000 hécta ruộng đất được chia cho 26 vạn nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể.
Nghề cá và nghề muối, mặc dù còn khó khăn về nhiên liệu nhưng với nhiều eo vịnh, đầm đìa, thuận lợi cho việc nuôi trồng hải sản. Năm 1976, sản lượng đánh bắt cả tỉnh đạt 53.400 tấn cá, xuất khẩu 240 tấn cá, tôm đông lạnh, sản xuất 12 triệu lít nước mắm và 43.000 tấn muối.
Các cơ sở công nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp sản xuất được một số mặt hàng như máy tuốt lúa, máy ép mía... phục vụ sản xuất, đời sống, giải quyết việc làm cho hàng nghìn dân ở thị xã, thị trấn.
Là cầu nối giữa sản xuất và đời sống, ngành thương nghiệp cố gắng tổ chức nắm nguồn hàng, thu mua, trao đổi hàng hóa phục vụ nhân dân. Năm 1976 tổng trị giá hàng mua vào là 40 triệu đồng, lương thực Nhà nước bán ra (qui gạo) là 15.113 tấn. Thu ngân sách đạt 97,6% kế hoạch. Mạng lưới thương nghiệp được mở rộng, với tổng số 47 cửa hàng mậu dịch, 86 hợp tác xã mua bán. Ngành vật tư có nhiều cố gắng khai thác, thu hồi các loại vật tư phế thải, tiếp nhận tốt các loại vật tư do Trung ương chi viện, kịp thời phục vụ sản xuất, công tác quản lý vật tư đi dần vào nề nếp. Tuy nhiên, lưu thông phân phối vẫn còn là khâu yếu trong nền kinh tế của tỉnh, thu tài chính còn nhiều vướng mắc, vấn đề chính sách chưa được giải quyết kịp thời.
Hoạt động giao thông vận tải và bưu điện có nhiều cố gắng. Vận chuyển hàng hóa đạt 83% kế hoạch, vận chuyển hành khách tăng gấp đôi năm 1975, làm mới 190 km đường phục vụ các vùng kinh tế mới, nối liền các huyện miền núi và đồng bằng, tạo điều kiện giao lưu kinh tế giữa hai vùng, góp phần cải thiện đời sống đồng bào một số vùng miền núi. Những yêu cầu về thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo của Đảng và chính quyền, yêu cầu về báo chí và thư tín của nhân dân được giải quyết tốt hơn.
Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa xã hội cũng được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm. Hệ thống trường phổ thông, mẫu giáo phát triển, năm học 1976-1977, các huyện, thị trên địa bàn Khánh Hòa có 144 trường: 93 trường cấp I, 43 trường cấp II, 8 trường cấp III, 3479 giáo viên và 122.018 em học sinh; một số huyện, thị, xã, phường căn bản hoàn thành được nạn mù chữ.
Mạng lưới y tế phát triển, năm 1976 trên địa bàn Khánh Hòa có 103 cơ sở gồm 1.584 giường, ở các xã miền núi và vùng kinh tế mới đã tổ chức phun thuốc diệt muỗi, kịp thời ngăn chặn các bệnh dịch.
Công tác thông tin văn hóa, văn nghệ ngày càng phát triển, góp phần tích cực đưa đường lối chính sách của Đảng đến nhân dân, giải quyết một bước ảnh hưởng văn hóa nô dịch, đồi trụy do chế độ cũ để lại, bước đầu xây dựng nếp sống mới, tươi vui lành mạnh.
An ninh chính trị và trật tự xã hội trong tỉnh được giữ vững và ngày càng ổn định. Ngày 23-2-1976, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp quyết định phát động phong trào toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đề cao cảnh giác, kiên quyết đập tan các tổ chức phản động, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội. Tiếp đó, ngày 13-3-1976, Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị về việc mở chiến dịch truy quét địch còn đang lẩn trốn và các tổ chức phản động.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, các lực lượng vũ trang liên tục truy quét địch, kịp thời phát hiện âm mưu thủ đoạn của bọn phản động, phá hàng chục tổ chức chính trị và vũ trang của chúng mới nhen nhóm, triệt phá một số tổ chức phản động như "Mặt trận cứu nguy dân tộc", "Dân quân phục quốc", "Tổ chức tình báo phục quốc"..., bắt một số tên cầm đầu các ổ vũ trang phản cách mạng. Đồng thời chính quyền nhân dân tổ chức học tập, cải tạo có kết quả hàng vạn ngụy quân, ngụy quyền. Nhờ những cố gắng của Đảng bộ và quân dân, đến cuối năm 1976 tình hình an ninh, chính trị được ổn định hơn so với trước.
Sau hơn một năm phấn đấu khắc phục khó khăn, Đảng bộ Phú Khánh nói chung, Đảng bộ và nhân dân các huyện, thị trên địa bàn Khánh Hòa nói riêng từng bước giành được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng nhất là trong lĩnh vực khai hoang phục hóa, xây dựng vùng kinh tế mới, phát triển sản xuất nông nghiệp, tự lực giải quyết vấn đề lương thực, cơ bản đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, so với tiềm lực các mặt của tỉnh thì những kết quả đạt được còn rất hạn chế, bước phát triển của phong trào nhìn chung còn chậm, phong trào cách mạng của quần chúng chưa thật sôi nổi, sâu rộng với tinh thần làm chủ tập thể tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Sức lao động và tài nguyên dồi dào nhưng chưa được khai thác tốt. Việc lãnh đạo và chỉ đạo công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ không theo kịp nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Khánh lần thứ I (vòng 1)
Thực hiện chủ trương của Trung ương về chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Khánh lần thứ I (vòng 1) tiến hành tại thành phố Nha Trang từ ngày 11 đến 17-11-1976, có 223 đại biểu chính thức thay mặt cho trên 10.000 đảng viên toàn tỉnh về dự. Đại hội nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị và Điều lệ Đảng (sửa đổi) của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc.
Từ ngày 14 đến 20-12-1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Trên cơ sở phân tích đặc điểm tình hình của đất nước, Đại hội xác định đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới ở nước ta là: "Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học-kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội, xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội". Đại hội thông qua phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch 5 năm 1976-1980, quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng là Đại hội thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Đại hội IV có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống chính trị, tư tưởng và kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của Đảng bộ, nhân dân Phú Khánh nói riêng.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Tỉnh ủy chỉ đạo toàn Đảng bộ tập trung lãnh đạo, tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội IV của Đảng. Qua đợt học tập, nghiên cứu, trình độ nhận thức về cách mạng xã hội chủ nghĩa trong Đảng bộ và nhân dân được nâng lên một bước, niềm tin vào đường lối cách mạng của Đảng được củng cố.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Khánh lần thứ I (vòng 2)
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng, từ ngày 21 đến 26-3-1977, tại thành phố Nha Trang diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Khánh lần thứ I (vòng 2). Trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình mọi mặt của tỉnh, nhận rõ những thuận lợi và khó khăn, đánh giá thành tích và khuyết điểm, Đại hội khẳng định những tiềm năng to lớn của tỉnh về ba thế mạnh (nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp), coi đó là những thuận lợi cơ bản để giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, phát triển nghề biển, nghề rừng, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng cần thiết cho đời sống và xuất khẩu bằng nguyên liệu địa phương.
Đại hội thông qua phương hướng, nhiệm vụ chung và các mục tiêu lớn của kế hoạch 5 năm (1976-1980), đề ra nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh trong hai năm 1977-1978 là: "Nắm vững chuyên chính vô sản, ra sức xây dựng, kiện toàn hệ thống chuyên chính vô sản từ tỉnh đến cơ sở; thực hiện và không ngừng phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, quán triệt nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, khẩn trương thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội; tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, tổ chức lại sản xuất, phân bổ lại lao động, giải quyết nạn thất nghiệp, sắp xếp lại ngành, nghề; xây dựng và mở rộng các cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết cho chủ nghĩa xã hội, hình thành từng bước cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp, từng bước xây dựng huyện, thị thành đơn vị kinh tế nông - công nghiệp (hay nông-công-ngư nghiệp ở đồng bằng, nông-lâm-công nghiệp ở miền núi) theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Tăng cường quản lý kinh tế, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và xuất khẩu, ổn định thị trường và giá cả, phát triển công tác văn hóa, y tế, giáo dục, xây dựng các cơ sở phúc lợi, cải thiện từng bước đời sống nhân dân. Luôn luôn đề cao cảnh giác, xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang vững mạnh, sẵn sàng đập tan mọi hành động phá hoại của kẻ địch, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội. Ra sức phấn đấu xây dựng Đảng, nhất là tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, tích cực đào tạo và bồi dưỡng cán bộ đủ sức đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và chuẩn bị đầy đủ cho kế hoạch các năm tiếp theo".
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Khánh (khóa I) gồm 37 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Xuân Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí Mai Dương, Trần Suyền làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, từ ngày 21-6 đến 4-7-1977 Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) họp bàn về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Hội nghị xác định những việc phải làm ngay là đẩy mạnh vượt bậc về sản xuất nông nghiệp theo ba mục tiêu:
- Bảo đảm lương thực cho toàn xã hội, bao gồm cả thức ăn cho chăn nuôi và có lương thực dự trữ.
- Cung ứng nguyên liệu nông sản, lâm sản, hải sản cho công nghiệp.
- Tăng nhanh nguồn xuất khẩu.
Tháng 8-1977, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa I) họp hội nghị để nghiên cứu quán triệt và thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của Trung ương Đảng. Hội nghị tập trung bàn về phát triển nông nghiệp, chủ trương tập trung sức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện, giải quyết yêu cầu cấp bách về lương thực, thực phẩm, tạo ra những điều kiện vật chất thuận lợi để thực hiện cùng một lúc hai yêu cầu cơ bản và cấp bách là xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.
Thực hiện Chỉ thị số 17-TV/CT ngày 03-6-1977 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phát động quần chúng khai hoang mở rộng diện tích canh tác, nhân dân trong tỉnh thi đua khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích canh tác, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện. Trong ba năm (1976-1978) toàn tỉnh phục hóa khai hoang trên 4 vạn hécta, tổ chức cho 7 vạn dân trở về quê cũ, khôi phục sản xuất ở những vùng nông thôn còn trắng, diện tích canh tác từ gần 6 vạn hécta lúc mới giải phóng tăng lên 10 vạn hécta năm 1978. Do bình quân ruộng đất quá thấp (600m2/đầu người) vì vậy nhiều hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thực hiện việc cân đối đất đai, ngành nghề xây dựng cơ sở 2, đưa dân tại chỗ đi khai hoang, trải dân đến sinh cơ lập nghiệp. Từ 1976 đến quý I năm 1979, toàn tỉnh vận động trên 12.200 gia đình với hơn 63.000 người trong đó có hơn 28.600 lao động đi xây dựng các vùng kinh tế mới trong tỉnh. Đây là một hình thức mở rộng diện tích, phân bố lại lực lượng lao động trong nội bộ hợp tác xã một cách ít tốn kém nhưng đạt hiệu quả kinh tế cao. Huy động lực lượng lớn thanh niên xung phong đi xây dựng nông trường Sơn Thành, Sơn Hội và công trường Dục Mỹ... Ở miền núi hình thành nhiều vùng định canh, định cư, xuất hiện những nhân tố mới như mạng lưới giao thông, nhà ngói, vườn cây ăn quả, thủy lợi, lúa nước, diện tích trồng cây công nghiệp, máy xay xát nhỏ...
Trong quá trình lãnh đạo khôi phục và phát triển sản xuất, công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế được coi trọng. Thực hiện Chỉ thị số 15/BBT (tháng 8-1977) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng hợp tác xã nông nghiệp thí điểm ở miền Nam, nhằm rút kinh nghiệm cho công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở miền Nam, ngày 1-8-1977 Tỉnh ủy Phú Khánh ra Chỉ thị số 27-CT/TU, chủ trương "Tiến hành đợt 1 thí điểm cuộc vận động cải tạo quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, lấy xã Hòa Bình và huyện Tuy Hòa làm nơi thí điểm của tỉnh, các huyện Cam Ranh (lấy xã Cam Tân), Diên Khánh (lấy Diên An), Khánh Ninh (lấy Ninh Quang), Xuân An (lấy Xuân Sơn), mỗi huyện thí điểm ở một xã".
Qua sản xuất tập thể, các hợp tác xã thí điểm thể hiện được ưu thế của quan hệ sản xuất mới, sản xuất được giữ vững và phát triển, lao động được tổ chức và sử dụng tốt, bước đầu xây dựng được một số cơ sở vật chất kỹ thuật, thu nhập của xã viên và giá trị ngày công tương đối khá... Trên cơ sở kết quả của việc làm thí điểm hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở các huyện, đồng thời quán triệt Chỉ thị 43-CT/TW tháng 4-1978 của Bộ Chính trị về nắm vững và đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở miền Nam, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 (khóa I) ra nghị quyết đẩy mạnh cải tạo nông nghiệp, mở rộng phong trào xây dựng hợp tác xã, đồng thời triển khai tích cực các mặt đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tập đoàn sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp, phân vùng quy hoạch nông nghiệp ở từng huyện, đi đôi với quy hoạch tổ chức tập đoàn và hợp tác xã trên địa bàn huyện.
Đến đầu tháng 5-1979 các huyện, thị trên địa bàn Khánh Hòa tổ chức được 104 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, đưa 90% hộ nông dân và 83% lao động nông nghiệp vào làm ăn tập thể, trong đó có 57 hợp tác xã quản lý sản xuất kinh doanh và phân phối từ 1 đến 3 vụ. Các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh và thị xã Nha Trang căn bản hoàn thành xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp; hơn 85% diện tích canh tác và số trâu bò cày kéo của tỉnh được tập thể hóa. Một số hợp tác xã như Ninh Quang, Diên An... nhanh chóng khắc phục được những mặt yếu kém ban đầu, tổ chức sản xuất vươn lên đạt nhiều kết quả trong khai hoang, quản lý lao động, tăng năng suất, tăng thu nhập cho xã viên, xây dựng cơ sở vật chất, làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, thể hiện tính ưu việt của cách làm ăn tập thể về cả 3 mặt: diện tích, năng suất và sản lượng1. Cuộc vận động hợp tác hóa sản xuất nông nghiệp ở Phú Khánh cơ bản hoàn thành vào cuối năm 1979.
Trong quá trình vận động hợp tác hóa, tỉnh cũng chú ý đúng mức đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Đến tháng 5-1979, có 47.663 cán bộ được đào tạo, trong đó có 3.316 cán bộ nghiệp vụ, 32.347 cán bộ xây dựng tổ đổi công, tập đoàn sản xuất. Các lớp ngắn ngày do huyện tổ chức, đào tạo được 12.000 cán bộ tại chỗ gồm đội trưởng, đội phó, cán bộ nghiệp vụ, kế toán...
Thắng lợi về cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp và phát triển sản xuất nông nghiệp là thắng lợi bước đầu có ý nghĩa quan trọng nhất của tỉnh. Tuy nhiên, phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn những tồn tại và khó khăn. Tồn tại chủ yếu nổi bật nhất là tính vững chắc của phong trào chưa thực sự bảo đảm. Hầu hết các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đều mới được tổ chức, bộ máy quản lý điều hành còn yếu, thiếu lại chưa có nhiều kinh nghiệm, tư liệu sản xuất chủ yếu có nơi tập thể hóa chưa triệt để; phương hướng sản xuất của các hợp tác xã còn nhiều sai sót, cơ cấu cây con, ngành nghề nhiều nơi bố trí không hợp lý, chưa thực sự phù hợp với đất, nước, thời tiết, khí hậu và lao động vốn có. Năng xuất, sản lượng của hợp tác xã đạt được chưa tương xứng với điều kiện và tiềm năng của tỉnh. Việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho hợp tác xã, nhất là việc đầu tư làm thủy lợi, chuồng trại chăn nuôi, nhà kho, sân phơi... còn quá ít, chưa đảm bảo phục vụ sản xuất và mở rộng sản xuất. Sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp, các ngành chưa đồng bộ, đồng thời tổ chức hoạt động của các đoàn thể, quần chúng còn khó khăn lúng túng. Những biểu hiện tiêu cực như tham ô, ức hiếp quần chúng, lấn chiếm đất đai của tập thể làm của riêng... đã xuất hiện ở một số nơi.
Một trong những nguyên nhân của yếu kém, khuyết điểm đó là một số cấp ủy huyện, xã chưa thật quán triệt đường lối, chính sách hợp tác hóa của Đảng, nhất là thực hiện nguyên tắc tự nguyện với phương châm "tích cực, khẩn trương nhưng vững chắc" trong việc tổ chức hợp tác xã, do đó một số nơi khi thực hiện nôn nóng, chạy theo thời gian và số lượng, gò ép, mệnh lệnh, đánh trống ghi tên.
Việc chọn lựa, bồi dưỡng cán bộ có nơi chưa quan tâm thích đáng, bộ máy quản lý của một số hợp tác xã còn yếu. Công tác kiểm tra đôn đốc làm chưa thật tốt và thường xuyên, quyền làm chủ tập thể của xã viên chưa được tôn trọng.
Nhằm phát huy tốt nhất những thắng lợi giành được, khắc phục có hiệu quả những khó khăn yếu kém, đảm bảo cho phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp phát triển nhanh, mạnh và vững chắc theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi Đảng bộ, các cấp, các ngành, các địa phương và các hợp tác xã phải tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, ra sức củng cố và hoàn thiện các hợp tác xã đã có làm nhiệm vụ trung tâm; tiếp tục tổ chức tốt hơn nữa các hợp tác xã trên những địa bàn còn lại, đảm bảo hoàn thành vững chắc phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở tỉnh.
Đi đôi với cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân Phú Khánh trong giai đoạn cách mạng mới. Nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản được thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị là rút ngắn thời gian hoàn thành cơ bản từ 5 năm xuống 2 năm (1977-1978).
Đầu năm 1977, lực lượng và hoạt động công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp và thương nghiệp tư doanh chiếm trên 90% lực lượng trong tỉnh. Các thành phần này tập trung chủ yếu ở thị xã và thị trấn, hoạt động không có tổ chức, chuyên đầu cơ, gây rối loạn giá cả thị trường, làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của nhân dân và trật tự trị an trong tỉnh. Trước tình hình đó, ngày 20-4-1977, Tỉnh ủy ra Nghị quyết về cải tạo công thương nghiệp tư doanh, xác định: "Trong hai năm 1977-1978 hoàn thành về cơ bản nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh, trước hết là xoá bỏ thương nghiệp tư bản chủ nghĩa; đồng thời tổ chức lại các ngành, nghề quan trọng trong tiểu công nghiệp, sắp xếp và chuyển phần lớn tiểu thương sang sản xuất".
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, Đảng bộ và nhân dân Phú Khánh tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp trên tất cả các lĩnh vực. Trong năm 1977, tình hình cải tạo chuyển biến chậm, mới chuẩn bị xong phương án cải tạo, hướng dẫn các hộ chuyển vốn sang sản xuất; lĩnh vực giao thông vận tải mới cải tạo được bước một; hoàn thành cơ bản cải tạo khách sạn, quán trọ. Năm 1978, về căn bản hoàn thành cải tạo tư sản thương nghiệp, chuyển 474 trong tổng số 684 hộ tư sản trung và tiểu thương sang sản xuất. Tổ chức lại sản xuất cho 2,7 vạn trong tổng số 6,2 vạn lao động công nghiệp và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, chuyển 1.594 lao động trong tổng số 19.499 lao động thương nghiệp sang trực tiếp sản xuất. Xây dựng được 31 cơ sở công tư hợp doanh, 147 hợp tác xã, 372 tập đoàn sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, với giá trị sản phẩm là 25,8 triệu đồng, chiếm 22% giá trị sản phẩm toàn ngành công nghiệp.
Sản xuất công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn như vật tư cung ứng không kịp thời, máy móc, thiết bị cũ kỹ, không có phụ tùng thay thế, lao động có trình độ kỹ thuật, tay nghề không cao nên sản xuất công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp tăng trưởng chậm, không đủ sản phẩm cung cấp cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Trong hơn hai năm (1977-1979), toàn tỉnh khôi phục và xây dựng 37 cơ sở quốc doanh, trên 3.000 cơ sở tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp với gần 2 vạn lao động. Bước đầu hình thành mạng lưới cơ khí từ tỉnh đến cơ sở với trên 700 máy công cụ các loại. Các nhà máy xi măng Hòn Khói, đại tu ô tô, cơ khí trung tâm, xí nghiệp mộc Trịnh Phong, nhà máy muối bột và một số xí nghiệp công nghiệp khác được xây dựng và đi vào sản xuất. Hệ thống điện lưới được mở rộng đến một số huyện, thị trong tỉnh; năm 1978 hoàn thành đường dây 35kv Nha Trang - Ninh Hòa - Hòn Khói. Khôi phục, mở rộng và xây dựng mới các cơ sở gia công, chế biến những mặt hàng từ nguyên liệu địa phương như đồ gỗ, giấy, thủy tinh, đường, nước ngọt, vật liệu xây dựng... hạn chế được một phần tình trạng khó khăn về thiếu hàng tiêu dùng cho nhân dân. Tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp có bước phát triển, tạo ra được nhiều cơ sở sản xuất. Toàn tỉnh có 13 xí nghiệp, 127 hợp tác xã, 1.300 tổ hợp làm được các mặt hàng tiêu dùng và xuất khẩu, tạo ra giá trị sản lượng 100 triệu đồng/năm.
Thi hành Quyết định 87-QĐ/HĐBT ngày 24-4-1978 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thống nhất tiền tệ trong cả nước, từ ngày 2 đến 10-5-1978, các huyện, thị trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác thu đổi tiền. Từ đây trong cả nước cùng thống nhất một loại tiền của Ngân hàng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kết quả đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa giữa tỉnh Phú Khánh với các tỉnh, thành trong cả nước.
Đến cuối năm 1978, công tác cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh trên địa bàn tỉnh Phú Khánh hoàn hành căn bản, đảm bảo đúng chủ trương của Bộ Chính trị đề ra, góp phần phục vụ đời sống nhân dân, góp phần tích cực bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, công tác cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh vẫn còn hạn chế, công tác xây dựng, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới còn chậm, chưa gắn chặt giữa cải tạo và xây dựng, lấy xây dựng là chính, nhiều chính sách cải tạo và xây dựng không được chấp hành nghiêm chỉnh và triệt để, gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và lưu thông phân phối; khu vực quốc doanh và tập thể còn ít và yếu kém, hàng hóa nhất là nông sản thực phẩm chưa tập trung cao vào Nhà nước, giá cả tăng vọt, đời sống của cán bộ và nhân dân lao động gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt khác trong đời sống xã hội. Việc tổ chức lại sản xuất và phát triển sản xuất, phát triển phân phối lưu thông không có mục đích rõ ràng cho nên cải tạo không tận dụng được những cơ sở hiện có, chưa phát huy được thế mạnh của lực lượng khoa học kỹ thuật.
Trong cải tạo còn biểu hiện chủ quan nóng vội, nặng về xóa bỏ và cấm đoán, thiếu kế hoạch xây dựng, làm ồ ạt, nặng về biện pháp hành chính. Một số ngành, địa phương trong tỉnh có rất nhiều cố gắng nhưng nói chung sự cố gắng đó chưa đủ để giải quyết dứt điểm nhiệm vụ công tác cải tạo và xây dựng.
Cùng với công tác cải tạo nông nghiệp, công thương nghiệp tư bản tư doanh, nhiệm vụ cải tạo một số ngành kinh tế khác cũng được chú trọng.
Về hải sản, tỉnh cố gắng duy trì nghề cá, bảo đảm khả năng hoạt động của 5.871 thuyền gắn máy; xóa bỏ bóc lột của tư sản nậu, vựa, bước đầu tổ chức lại sản xuất và chế biến. Tỉnh cũng bắt đầu xây dựng hệ thống bến cá, quy hoạch lại việc khai thác hải sản; hàng năm đánh bắt 5 vạn tấn cá, tôm, mực, thu mua hàng chục ngàn tấn hải sản. Hai năm 1977-1978, toàn tỉnh xây dựng 60 tổ hợp tác, 15 tập đoàn, 1.104 tổ đoàn kết, 7 hợp tác xã nghề cá.
Nghề rừng được quy hoạch lại, có kế hoạch bảo vệ rừng và trồng rừng, chọn cây trồng thích hợp, thực hiện phủ kín đồi thấp bằng cây mít và bãi cát bằng cây dứa. Các lực lượng khai thác bằng cơ giới tư nhân được cải tạo, chuyển thành xí nghiệp khai thác lâm sản. Bộ máy tổ chức của ngành lâm nghiệp với đội ngũ cán bộ, công nhân và hệ thống cơ sở vật chất, bao gồm các lâm trường, vườn ươm, chế biến gỗ, trạm cung ứng lâm sản... được xây dựng. Bước đầu điều tra tài nguyên rừng, xây dựng các phương án về quy hoạch phát triển lâm nghiệp ở các huyện. Mỗi năm, toàn tỉnh khai thác được trên 3 vạn mét khối gỗ, chế biến trên 10 nghìn mét khối. Trong hai năm 1977-1978 toàn tỉnh trồng mới 12.000 hécta rừng.
Tuy nhiên, công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động sản xuất kinh doanh đất đồi rừng của tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa lập được quy hoạch trồng rừng, xem nhẹ việc tổ chức nhân dân trồng rừng và bảo vệ rừng, khai thác gỗ chưa đảm bảo được nhu cầu xây dựng của Nhà nước và nhân dân, nạn chặt phá rừng vẫn còn phổ biến, hiệu quả trồng rừng rất thấp.
Hoạt động giao thông vận tải và xây dựng cơ bản từng bước được đầu tư. Hệ thống cầu, đường nối liền đồng bằng với miền núi và vùng kinh tế mới được xây dựng, tạo thành hệ thống các trục đường chính từ tỉnh về địa phương. Tỉnh xây dựng được hai công ty quốc doanh vận chuyển hàng hóa và hành khách, cùng với việc cải tạo các cơ sở công - tư hợp doanh và hình thành các hợp tác xã vận tải, tạo thành mạng lưới vận tải kết hợp giữa cơ giới với thô sơ, bảo đảm nhu cầu vận chuyển của tỉnh. Công tác xây dựng cơ bản được tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng; 2 năm 1977, 1978, tỉnh đầu tư xây dựng một khối lượng công trình trị giá 66 triệu đồng. Trong 3 năm (1976, 1977, 1978), tổng số vốn đầu tư của tỉnh mỗi năm một tăng. So với năm 1975, năm 1976 tăng 280%, năm 1977 tăng 452%, năm 1978 tăng 486%, trong đó chủ yếu là đầu tư xây dựng các cơ sở phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Sản xuất vật liệu xây dựng có bước phát triển, đáp ứng được nhu cầu xây dựng của Nhà nước và nhân dân; sản lượng năm 1979 so với năm 1976 về gạch tăng 7,5 lần, ngói tăng 6 lần, vôi tăng 12 lần, đá chẻ tăng 15 lần và sỏi sạn tăng 15 lần.
Hoạt động xuất khẩu hình thành được một số mặt hàng có giá trị như tôm, mực, cá đông lạnh. Giá trị hàng xuất khẩu mỗi năm đều tăng lên từ 50% đến 60%. Tuy nhiên, so với tiềm năng của địa phương thì xuất khẩu chưa đạt yêu cầu, vì cơ sở nhỏ yếu, công nghệ lạc hậu.
Công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường và củng cố một bước. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta thắng lợi nhưng bọn đế quốc và các thế lực phản động thù địch không muốn có một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, chúng ráo riết tập hợp mọi lực lượng phản động nhằm chống phá cách mạng nước ta; gây ra cuộc chiến tranh dọc biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Hàng loạt người Hoa đang sinh sống tại Việt Nam bị dụ dỗ, cưỡng ép di cư sang Trung Quốc.
Ở Phú Khánh, bọn tình báo, gián điệp quốc tế câu kết với bọn phản động trong nước tăng cường hoạt động chống phá. Lợi dụng tình hình khó khăn phức tạp của ta, một số ngụy quân, ngụy quyền chưa chịu cải tạo móc nối với bọn phản động đội lốt tôn giáo ngóc đầu ngấm ngầm và công khai chống phá chế độ mới. Chúng thực hiện chiến tranh tâm lý, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lợi dụng thần quyền để mê hoặc, kích động, lôi kéo quần chúng. Các hoạt động của chúng ngày càng nhiều, tính chất nghiêm trọng và quy mô tăng dần. Các vụ vượt biên trái phép bằng đường biển diễn ra với mức độ cao; năm 1976 có 32 vụ vượt biển, năm 1977 có 81 vụ, 5 tháng đầu năm 1978 có 61 vụ2.
Trước những âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động, Tỉnh ủy chỉ đạo tiến hành nhiều đợt phát động quần chúng kết hợp với công an, bộ đội, dân quân du kích địa phương truy lùng và tiêu diệt các toán vũ trang phản cách mạng, ngăn chặn và làm thất bại những âm mưu phá hoại của địch, diệt và bắt 2.951 tên, trong đó có một số tên đầu sỏ, thu 650 súng, 400 lựu đạn. Đồng thời, phát hiện và bắt giữ hàng trăm vụ vượt biển, đưa người trốn đi nước ngoài trái phép và các tổ chức phản động từ bên ngoài thâm nhập vào. Phong trào quần chúng tham gia truy quét địch, giữ vững an ninh trật tự có chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong tỉnh.
Hưởng ứng lời kêu gọi ngày 4-3-1979 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và lệnh tổng động viên ngày 5-3-1979 của Chủ tịch nước, toàn tỉnh dấy lên làn sóng căm thù và bừng bừng khí thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Hàng vạn thanh niên trong tỉnh hăng hái khám sức khỏe sẵn sàng đi bộ đội và chờ lệnh ra tiền tuyến đánh giặc. Thực hiện quân sự hóa thanh niên, toàn tỉnh thành lập hàng trăm đội thanh niên xung kích bảo vệ cơ quan, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp. Tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh mở lớp tập huấn đào tạo cán bộ quân sự trong thanh niên để xây dựng mỗi cơ quan, xí nghiệp là một đại đội, tiểu đoàn, mỗi xã là một đại đội, mỗi huyện là một sư đoàn thanh niên xung kích bảo vệ Tổ quốc. Thi đua với tiền tuyến, thanh niên trong tỉnh xây dựng 150 công trình thanh niên bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng vũ trang nhân dân của tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều đơn vị vũ trang, thanh niên xung phong của tỉnh đi chiến đấu ở biên giới phía Tây Nam và giúp nước bạn được cấp trên khen thưởng.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, phức tạp, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) họp từ ngày 18 đến 27-8-1979. Trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế đất nước, Hội nghị đề ra hai Nghị quyết quan trọng: Nghị quyết số 20-NQ/TW về "Tình hình và nhiệm vụ cấp bách" và Nghị quyết số 21 về "Phương hướng nhiệm vụ phát triển hàng công nghiệp tiêu dùng và hàng công nghiệp địa phương". Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) là tín hiệu mới có tính chất khởi đầu của quá trình tìm kiếm giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Những chính sách kích thích lực lượng sản xuất phát triển, tháo giỡ một số trói buộc của cơ chế sản xuất cũ trong thời kỳ chiến tranh, tạo ra những động lực mới cho sản xuất "bung ra".
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Khánh lần thứ II
Thực hiện Chỉ thị số 55-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đại hội Đảng các cấp và để đánh giá những thành tựu đạt được trong giai đoạn 1977-1979, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa 3 năm (1980-1982), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Khánh lần thứ II được tổ chức từ ngày 12 đến 19-10-1979 tại Thành phố Nha Trang. Dự Đại hội có 330 đại biểu chính thức thay mặt cho 11.400 đảng viên ở 970 chi bộ và Đảng bộ cơ sở.
Đại hội tập trung thảo luận báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và nhất trí khẳng định: Hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất trong tình hình cả nước và trong tỉnh có nhiều khó khăn phức tạp, dưới ánh sáng của đường lối chung và các Nghị quyết của Trung ương, Đảng bộ đã nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy năng lực và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tinh thần cách mạng tiến công, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực tự cường cố gắng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, giành được thắng lợi to lớn về nhiều mặt, nhất là về sản xuất nông nghiệp, từ năm 1975 đến 1979 diện tích canh tác tăng thêm 4 vạn hécta, tổng sản lượng lương thực tăng 12 vạn tấn, tổ chức trên 200 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và 200 tập đoàn sản xuất là thắng lợi to lớn, không những khắc phục tình hình khó khăn về lương thực, bảo đảm được yêu cầu tối thiểu về đời sống của nhân dân mà còn tạo được cơ sở bước đầu cho phát triển công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp, cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, cơ bản hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp, phân công lại một bước lực lượng lao động xã hội, giải quyết việc làm cho hàng vạn người chưa có việc làm, chăm lo đời sống các mặt của nhân dân, kịp thời phát hiện và đập tan các âm mưu và hành động phá hoại của bọn phản cách mạng; phát triển các mặt văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng và củng cố hệ thống chuyên chính vô sản từ tỉnh đến cơ sở.
Đại hội cho rằng những thắng lợi đạt được vừa qua là lớn, cơ bản và toàn diện. Tuy nhiên, so với nhiệm vụ, mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Khánh lần thứ I đề ra và với tiềm năng vốn có thì thắng lợi đạt được còn thấp, sự tiến bộ không đồng đều, sản xuất các mặt phát triển chậm. Rừng và biển là hai thế mạnh chưa được khai thác và phát huy đúng mức, năng xuất lao động thấp, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm, chưa chú ý sử dụng đúng đắn các thành phần kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn...
Đại hội xác định phương hướng nhiệm vụ chung cho những năm tới và chủ trương, biện pháp thực hiện trong hai năm 1980-1981 là:
Tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong tình hình mới, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VI, động viên cao độ tinh thần yêu nước và chủ nghĩa xã hội, truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm, tinh thần tự lực tự cường của toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong tỉnh, nắm vững chuyên chính vô sản, ra sức phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động, đẩy mạnh công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, tăng nhanh tiềm lực kinh tế và quốc phòng, xây dựng hậu phương vững mạnh, luôn luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, kiên quyết đập tan mọi âm mưu của địch hòng làm suy yếu, phá hoại và xâm lược nước ta; chăm lo tốt hơn đời sống các mặt của nhân dân, tăng cường tổ chức quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bảo đảm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu của kế hoạch 2 năm 1980-1981 và hoàn thành tốt nghĩa vụ quốc tế được giao.
Đại hội đề ra 3 nhiệm vụ cấp bách:
Một là, đẩy mạnh sản xuất, ổn định và bảo đảm đời sống nhân dân.
Hai là, tăng cường quốc phòng và an ninh sẵn sàng chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, kiên quyết đấu tranh khắc phục những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế và xã hội, nhất là tệ ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng.
Để thực hiện thắng lợi 3 nhiệm vụ cấp bách trên, mục tiêu phấn đấu của 2 năm 1980 - 1981 là:
- Tập trung sức giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm, bảo đảm đến cuối năm 1981, bình quân mỗi người dân đạt 330 kg lương thực, 24 kg cá, 6 lít nước mắm trên cơ sở tổ chức và củng cố các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp và nghề cá.
- Đẩy mạnh sản xuất tiểu, thủ công nghiệp và công nghiệp địa phương, đưa giá trị sản lượng lên 200 triệu đồng, phấn đấu không để thiếu các mặt hàng tiêu dùng thông thường mà tỉnh có khả năng về nguyên liệu và cơ sở kỹ thuật.
- Hàng xuất khẩu đến năm 1981 đạt 25 triệu đồng.
- Xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật trên địa bàn huyện như cơ khí sửa chữa, cơ sở chế biến lương thực, giống, bảo vệ thực vật, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển thủy lợi... đi đôi và tăng cường bộ máy cấp huyện một cách đồng bộ nhằm xây dựng huyện nông - công nghiệp.
- Xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang và công an nhân dân vững mạnh, đủ sức chủ động trong mọi tình huống.
- Tạo bước chuyển biến mới về tư tưởng và tổ chức, bảo đảm đưa lên cao trào cách mạng của quần chúng liên tục, sôi nổi nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II.
Đại hội cũng đề ra mục tiêu cụ thể trong năm 1980 và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa II) gồm 43 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Xuân Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Mai Dương, Nguyễn Phụng Minh làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Ngày 02-3-1980, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng đã thảo luận và bàn kế hoạch thực hiện Thông tri của Trung ương về việc đón và rước đuốc Bác Hồ vào ngày 21-3-1980.
Hội nghị nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của việc đón và rước đuốc Bác Hồ, từ đó làm cho toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân quán triệt sâu sắc mục đích, nội dung của việc rước đuốc Bác Hồ; các địa phương, cơ quan, đơn vị, bộ đội, nhà máy, trường học, các xã, phường…phải biến việc rước đuốc Bác Hồ thành những ngày hội lớn của quần chúng nhân dân trong toàn tỉnh, tiến công vào mặt trận lao động sản xuất, đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1980 mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu sâu về cuộc đời hoạt động và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Bác.
Hưởng ứng và tham gia cuộc hành trình “cả nước rước đuốc Bác Hồ”, nhân dân trong tỉnh đã dấy lên phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa rộng lớn, mạnh mẽ với những hành dộng cách mạng thiết thực như: bà con nông dân dồn sức ra đồng chăm bón lúa, làm thủy lợi, đẩy mạnh chăn nuôi, trồng rau màu, xây dựng tốt lực lượng vũ trang, tăng cường công tác quân sự toàn dân…và đã thu được một số kết quả đáng khích lệ.
Đến năm 1980, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II, năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm (1976-1980), sản xuất nông nghiệp của tỉnh có tiến bộ. Toàn tỉnh khai hoang phục hóa đưa diện tích sử dụng vào nông nghiệp từ 80.500 ha (năm 1976) lên 107.539 ha (năm 1980). Diện tích gieo trồng năm 1980 đạt 146.429 ha tăng 37.822 ha so với năm 1976, trong đó diện tích cây lương thực đạt 132.001 ha, bằng 90,1% tổng diện tích gieo trồng. Sản lượng lương thực qui thóc đạt 310.727 tấn, tăng 68.493 tấn so với 1976; bình quân lương thực đạt 256,6 kg (tăng 47,6 kg so với 1976). Từ một tỉnh thiếu lương thực Trung ương phải chi viện, đến năm 1978 Phú Khánh lần đầu tiên tự trang trải được lương thực và có đóng góp với Nhà nước.
Diện tích cây công nghiệp ngắn ngày đạt 8.698 ha, trong đó diện tích và sản lượng mía, thuốc lá, mè đều tăng so với năm 1976.
Nhận thức thủy lợi là khâu rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, các huyện, thị trên địa bàn Khánh Hòa ra sức củng cố và phát huy các công trình thủy lợi đã có, xây dựng mới một số công trình, phát động phong trào làm thủy lợi nhỏ. Đến cuối năm 1976, hầu hết các công trình thủy lợi xây dựng trước giải phóng đã được sửa chữa, khôi phục. Năm 1977, hai công trình thủy lợi có quy mô lớn được khởi công xây dựng là Hồ chứa nước Suối Trầu xã Ninh Xuân, huyện Khánh Ninh (huyện Ninh Hòa ngày nay) năng lực thiết kế tưới 1.000 hécta3 và Trạm bơm Cầu Đôi - Diên Khánh năng lực thiết kế tưới 3.200 hécta4. Tỉnh đầu tư 30 triệu đồng và nhân dân đóng góp 10 triệu ngày công xây dựng nhiều hồ chứa nước, trạm bơm, mương, đập... Tuy nhiên, trong công tác thủy lợi còn xem nhẹ thủy lợi nhỏ; chất lượng công trình thấp nhất là tại các đập đất tạo hồ chứa như Hồ Suối Trầu xảy ra hai lần vỡ và một lần rò đập chính gây thiệt hại lớn vào cuối năm 1977. Đến năm 1978, hầu hết các công trình thủy nông cũ được tu bổ, đặc biệt là hệ thống thủy nông Đồng Cam, đưa diện tích được tưới nước từ 8.000 ha năm 1976 lên 19.700 ha năm 1980. Làm mới đập Tam Giang, xây dựng mới 6 công trình loại vừa, xây đúc 316 hạng mục công trình5. Công tác quản lý thủy nông được chú ý, hầu hết các huyện thành lập được tổ quản lý thủy nông, các hệ thống lớn do công ty quản lý thủy nông đảm nhận.
Cùng với thủy lợi, phong trào làm phân hữu cơ bón ruộng được chú ý. Năm 1978-1979, bình quân 1 ha lúa bón từ 2,5 - 3 tấn phân, đến năm 1980 nhiều hợp tác xã đã bón từ 4-5 tấn phân/ha/vụ. Hợp tác xã Diên An (Diên Khánh) gieo trồng điền canh và cây đậu xanh làm phân bón ruộng sau gặt lúa hè thu. Các biện pháp thâm canh, tăng vụ, sử dụng giống lúa mới có năng suất cao và làm thuốc trừ sâu bệnh bằng thảo mộc được áp dụng vào sản xuất.
Đi đôi với sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi có bước phát triển. Năm 1979 so với năm 1976, trên địa bàn Khánh Hòa có đàn trâu 9.160 con (tăng 554 con), đàn lợn có 53.005 con (tăng 4.513 con). Riêng đàn bò, toàn tỉnh Phú Khánh năm 1976 có 101.589 con, đến năm 1979 chỉ còn 99.865 con; địa bàn Khánh Hòa giảm 8.239 con so với năm 1976. Sở dĩ đàn bò giảm sút là vì công tác tuyên truyền giải thích khi tiến hành xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp làm chưa tốt. Đến cuối năm 1980, công tác cải tạo quan hệ sản xuất có tiến bộ, việc chăn nuôi được chấn chỉnh kịp thời, đàn bò được khôi phục, cả tỉnh đạt 104.203 con, tăng 6,8% so với năm 1979; đàn lợn có 143.425 con, tăng 33% so với năm 1976 và 12,7% so với năm 1979. Tuy nhiên, chăn nuôi khu vực quốc doanh và tập thể hàng năm có tăng nhưng chiếm tỷ lệ thấp, trong số 226 hợp tác xã nông nghiệp toàn tỉnh mới có gần 100 hợp tác xã tổ chức chăn nuôi lợn tập thể.
Trong quá trình chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông, lâm nghiệp được củng cố một bước. Kể từ bước xây dựng thí điểm hợp tác xã (năm 1977), đến năm 1979 phong trào hợp tác hóa có bước phát triển, toàn tỉnh xây dựng được 216 hợp tác xã, thu hút 81,1% số hộ nông dân. Năm 1980, công tác cải tạo quan hệ sản xuất trong nông nghiệp chủ yếu củng cố và xác định qui mô hợp tác xã, đến cuối năm, toàn tỉnh có 226 hợp tác xã; thu hút 87,5% số hộ, 87,4% số lao động và 94,3% số trâu bò cày kéo và tư liệu sản xuất khác được tập thể hóa. Trong đó, huyện Diên Khánh có 91-94% và các xã miền núi huyện Cam Ranh có 45-51% số hộ vào hợp tác xã nông nghiệp. Bình quân 1 hợp tác xã có 335 ha, dưới 200 ha chiếm 23%, trên 500 ha chiếm 5,7% tổng số hợp tác xã. Qua công tác củng cố, nhiều hợp tác xã khắc phục được hạn chế trong công tác quản lý, đi dần vào thế ổn định, số cán bộ tham ô, ức hiếp quần chúng bị phê phán, xử lý.
Sản xuất lâm nghiệp có cố gắng, năm 1980 trồng mới 743 ha rừng, vượt kế hoạch 1,7%. Tuy nhiên, công tác bảo vệ và quản lý rừng chưa chặt chẽ, chỉ riêng tệ phá rừng làm nương rẫy năm 1980 là 2.000 ha (gấp gần 3 lần diện tích rừng trồng mới), sản lượng khai thác gỗ tròn chỉ đạt 1,6 vạn mét khối, so với năm 1976 giảm 1 vạn mét khối.
Năm 1980, nghề đánh bắt hải sản có chuyển biến, toàn tỉnh đánh bắt 2,8 vạn tấn cá (vượt kế hoạch 33,6%), thu mua 10.429 tấn (vượt 20,6%), đông lạnh xuất khẩu đạt 286 tấn (vượt 14% kế hoạch).
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được cải tạo và xây dựng. Đến cuối năm 1980, toàn tỉnh có 44 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh, với 6.500 lao động; 10 xí nghiệp hợp tác, 146 hợp tác xã chuyên nghiệp, 160 hợp tác xã kiêm sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 266 tổ hợp và 15.904 hộ sản xuất cá thể với 6,6 vạn lao động. Từ năm 1976 đến năm 1980, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có nhiều cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, song chưa năm nào hoàn thành kế hoạch được giao; năm 1980 đạt cao nhất 81%. Trong 9 ngành công nghiệp, công nghiệp lương thực thực phẩm có giá trị sản lượng hàng năm đạt cao, chiếm gần 70% giá trị sản lượng toàn ngành.
Mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa được xây dựng. Tỷ trọng doanh số mua tại địa phương trong tổng doanh số mua vào từ 39% năm 1976 tăng lên 54% năm 1979. Doanh số bán lẻ của thị trường có tổ chức từ 19,7% năm 1976 tăng lên 38% năm 1979. Toàn tỉnh có 300 điểm bán lẻ, bình quân gần 4.000 dân có một điểm bán lẻ của thị trường có tổ chức.
Tuy nhiên công tác lưu thông phân phối vẫn còn nhiều yếu kém: hoạt động mua bán của các hợp tác xã còn yếu, phương thức phân phối hàng chưa hợp lý, hiện tượng tham ô, ăn cắp và buôn bán bất hợp pháp hàng của Nhà nước như phân bón, dầu... vẫn còn diễn ra.
Để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, tháng 8-1979, Chính phủ ban hành quyết định bãi bỏ các trạm kiểm soát mang tính "ngăn sông, cấm chợ" cho phép lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh Phú Khánh với các tỉnh, thành trong cả nước, thúc đẩy ngành thương nghiệp phát triển.
Ngày 23-6-1980, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 26-NQ/TW về cải tiến công tác phân phối lưu thông. Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã cụ thể hóa tinh thần tạo điều kiện cho sản xuất "bung ra" của Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV).
Quán triệt và vận dụng chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy Phú Khánh ra Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, ngành thương nghiệp tập trung vật tư, tiền vốn và lao động, kết hợp nhiều phương thức thu mua giá cao, hợp đồng kinh tế hai chiều và đổi hàng ... Đến cuối năm 1980, tổng giá trị hàng mua vào đạt 137,2 triệu đồng, tăng 86,3 triệu đồng so với năm 1976, trong đó nguồn hàng nông sản và công nghệ của địa phương chiếm tỷ lệ cao. Mạng lưới hợp tác xã mua bán phát triển lên 145 hợp tác xã/170 xã, phường với doanh số bán ra bình quân đạt 28,6 triệu đồng/năm. Nhờ cố gắng của thương nghiệp quốc doanh và tập thể, công tác phân phối lưu thông bước đầu đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế được coi trọng. Văn hóa, thông tin tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là cung cấp cho nhân dân đầy đủ thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kết hợp chặt chẽ giữa cải tạo tàn dư văn hóa chế độ cũ với xây dựng nền văn hóa mới. Thông qua hoạt động của các đoàn thể và Mặt trận, phong trào văn hóa văn nghệ được đẩy mạnh với các loại hình sinh hoạt phong phú như văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, thơ ca, hò vè... Đến giữa năm 1978, toàn tỉnh có 3 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, 188 đội văn nghệ nghiệp dư, 26 đội chiếu bóng (trong đó 13 đội chiếu bóng lưu động), 8 đội thông tin lưu động ở huyện, tỉnh và 70 đội thông tin lưu động xã, phường. Đây là những đội xung kích mang đường lối chính sách của Đảng xuống tận cơ sở. Công tác thông tin, báo chí, phát thanh, truyền thanh, truyền hình, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao góp phần phát triển nền văn hóa mới và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, đưa đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước, những kiến thức về khoa học - kỹ thuật... đến với nhân dân.
Phong trào xóa mù chữ được phát động, thu hút hàng ngàn thanh niên ở các thị xã, thị trấn và các cơ quan cùng cán bộ ngành giáo dục tham gia. Sau ba năm kiên trì phấn đấu, nạn mù chữ sớm được xóa bỏ. Năm 1976, tuy đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ đã thực hiện miễn học phí cho học sinh. Hệ thống nhà trường xã hội chủ nghĩa bao gồm giáo dục phổ thông, mẫu giáo, cao đẳng, bổ túc văn hóa được xây dựng và mở rộng. Trẻ em đến tuổi đều được đi học nhiều hơn trước. Năm học 1979-1980, số trường phổ thông các cấp có 225 trường gồm 7.068 lớp (so với 1976 tăng 73 trường và 1.733 lớp); số học sinh các cấp phổ thông và mẫu giáo có 34,7 vạn em (trong đó học sinh phổ thông là 29,8 vạn em, tăng 5,2% so với năm học 1978-1979). Năm 1980, trường mẫu giáo phát triển nhanh với 98 trường thu hút 49 ngàn cháu đến lớp. Tổng số người đi học chiếm 29,7% so với dân số; 97,8% tổng số trẻ em đến tuổi đi học đã đến trường. Đội ngũ giáo viên toàn tỉnh có 7.662 người, tăng 1.273 người so với năm 1976. Phong trào giáo dục ở miền núi thu được những thành tích lớn: thanh toán nạn mù chữ, bổ túc văn hóa cho cán bộ và nhân dân.
Cùng với giáo dục, năm 1977 Nhà nước thực hiện khám và chữa bệnh miễn phí cho nhân dân. Năm 1979, ngành y tế khám và điều trị bệnh cho 2,5 triệu lượt người, tăng 26,6% so với năm 1978. Mạng lưới y tế phát triển từ tỉnh đến xã, năm 1980 có 192 cơ sở (so với năm 1975 tăng 85 cơ sở), trong đó tuyến tỉnh có 2 bệnh viện đa khoa, 1 bệnh viện y học dân tộc và 2 viện điều dưỡng; tổng số 3.410 giường bệnh; 2.667 cán bộ y tế. Bình quân cứ 600 ngàn dân có 1 cơ sở chữa bệnh, 1 vạn dân có 22,2 cán bộ y tế. Ở miền núi, hầu hết các buôn, xã đều có trạm xá và cán bộ y tế phụ trách. Đi đôi với việc xây dựng mạng lưới y tế, phong trào vệ sinh phòng bệnh, chống sốt rét được phát động rộng rãi và liên tục, vận động nhân dân thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi, gia đình có hố xí, giếng nước, nhà tắm, làm chuồng nhốt gia súc..., giảm bỏ các tập tục lạc hậu có hại, làng xóm sạch sẽ... Mạng lưới phòng bệnh và chữa bệnh được mở rộng, dập tắt nhiều bệnh dịch, từng bước tiêu diệt bệnh sốt rét, hàng ngàn người nghiện xì ke, ma tuý được ngành y tế của tỉnh cứu chữa trở thành những người lao động chân chính. Việc trồng và sản xuất thuốc nam góp phần chữa trị đáng kể cho nhân dân ở cơ sở.
Những năm 1978-1980, tình hình có nhiều diễn biến tác động trực tiếp đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, Đảng bộ tiến hành liên tục những đợt giáo dục, học tập sâu rộng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Tỉnh ủy, về tình hình và nhiệm vụ mới, về thời sự, chính sách và truyền thống cách mạng. Nâng cao nhận thức về đường lối chính trị của Đảng; chăm lo bồi dưỡng giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin cho hàng ngàn cán bộ, đảng viên; hình thành hệ thống tổ chức làm công tác tư tưởng - văn hóa trong toàn tỉnh, coi trọng giáo dục tinh thần chịu đựng gian khổ, tự lực tự cường "vì cả nước, với cả nước" trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó tạo được sự nhất trí cao về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, về phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn mới, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Đảng bộ Phú Khánh trong giai đoạn mới. Khi mới hợp nhất, toàn Đảng bộ có 414 chi bộ với 6.545 đảng viên, trong đó đảng viên ở cơ sở rất ít. Đến cuối năm 1980, toàn tỉnh có 669 tổ chức cơ sở Đảng (92 Đảng bộ, 577 chi bộ), gồm 12.187 đảng viên. Trong 3 đợt phát thẻ Đảng, có 379 tổ chức cơ sở, 5.629 đảng viên được nhận thẻ. Việc phát triển đảng viên mới được chú trọng; năm 1980 kết nạp 617 đồng chí, tăng 1,5 lần so với 1979 (407 đồng chí), trong số đảng viên mới dưới 30 tuổi chiếm 78,6%. Công tác kiểm tra, kỷ luật được tăng cường; trong ba năm (1978-1980), Đảng bộ thi hành kỷ luật 868 trường hợp vi phạm Điều lệ Đảng. Chỉ riêng năm 1980, ủy ban Kiểm tra các cấp phát hiện và nhận thư tố giác 1.416 đảng viên, 5 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó thi hành kỷ luật 379 trường hợp (khai trừ và đưa ra khỏi Đảng bằng các hình thức khác là 153 người). Số chi bộ vững mạnh đạt 8,4%, khá 72,6% (tăng 17%), yếu 16,7% (giảm 7,3%) và kém còn 2,3% (giảm 7,7%) so với trước.
Đảng bộ được củng cố, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng được nâng lên. Bên cạnh đó Tỉnh ủy cũng sớm có chủ trương gắn việc kiện toàn tổ chức cơ sở với xây dựng huyện; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, từng bước gắn xây dựng Đảng với xây dựng chính quyền, đoàn thể, quần chúng, làm cho hệ thống chuyên chính vô sản sớm được xây dựng đồng bộ và ngày càng được củng cố trong toàn tỉnh. Những hội nghị cán bộ xã, phường do Tỉnh ủy triệu tập thường kỳ hàng năm góp phần quan trọng trong việc bồi dưỡng cán bộ và tăng cường năng lực chiến đấu của các tổ chức cơ sở. Năm 1978, đợt tăng cường cán bộ cho cơ sở và Đại hội Đảng các cấp đã góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng, nâng trình độ của các tổ chức cơ sở lên một bước mới.
Tầm quan trọng của cấp huyện ngày càng tăng lên với việc từng bước xây dựng huyện thành đơn vị kinh tế nông - công nghiệp. Tỉnh ủy tăng cường những cán bộ có kinh nghiệm và từng bước tăng thêm cán bộ khoa học kỹ thuật cho cơ sở. Năm 1979, số đồng chí có chuyên môn, khoa học kỹ thuật tăng hơn 15% so với năm 1976, tuổi đời bình quân so với trước thấp hơn 2 tuổi.
Đảm bảo cho công tác cải tạo và phát triển kinh tế, Tỉnh ủy sớm có những chủ trương kiện toàn và củng cố hệ thống chính quyền các cấp, trong đó công tác xây dựng huyện được chú trọng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và qua các lần bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, bộ máy chính quyền các huyện, thị trên địa bàn tỉnh từng bước được kiện toàn, phát huy được chức năng của mình trong chỉ đạo sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân.
Ngày 10-3-1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 49/CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh Phú Khánh; Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết định việc hợp nhất các huyện và thành phố trong tỉnh theo phương hướng và quy mô phát triển kinh tế, văn hóa, dân số, tầm quan trọng về chính trị và yêu cầu về tổ chức bộ máy quản lý hành chính của đơn vị huyện là cấp quản lý toàn diện. Theo Quyết định 49/CP, trên địa bàn Khánh Hòa điều chỉnh như sau:
1. Thị xã Nha Trang được nâng lên thành phố Nha Trang trực thuộc tỉnh Phú Khánh.
Địa phận thành phố Nha Trang gồm: khu vực nội thành 17 phường của thị xã Nha Trang cũ. Khu vực ngoại thành gồm 7 xã của huyện Khánh Xương cắt chuyển đến là: Vĩnh Thái, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung, Vĩnh Lương, Vĩnh Phương, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc và một số xã mới của vùng kinh tế mới Đồng Bò thuộc Nha Trang, các hải đảo phía biển đông mà điểm xa nhất là đảo Hòn Nọc trong đó có các đảo Hòn Lớn, Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun hiện có dân cư.
2. Hợp nhất hai huyện Khánh Xương và Khánh Vĩnh thành huyện mới Diên Khánh.
Địa phận huyện Diên Khánh bao gồm: 6 xã miền núi của huyện Khánh Vĩnh cũ và 17 xã đồng bằng còn lại của huyện Khánh Xương, sau khi đã cắt 7 xã sáp nhập vào thành phố Nha Trang, cộng là 23 xã.
3. Hợp nhất hai huyện Cam Ranh và huyện Khánh Sơn thành huyện Cam Ranh.
Địa phận huyện Cam Ranh mới bao gồm 17 xã đồng bằng của huyện Cam Ranh cũ, 5 xã miền núi của huyện Khánh Sơn và các đảo của Hòn Nội, Hòn Ngoại, Bình Ba.
Sau khi điều chỉnh, tỉnh Phú Khánh gồm 1 thành phố (Nha Trang) trực thuộc tỉnh và 6 huyện (Xuân An, Tây Sơn, Tuy Hòa, Khánh Ninh, Diên Khánh và Cam Ranh).
Đến ngày 5-3-1979, theo Quyết định số 85-CP, huyện Khánh Ninh lại tách ra thành hai huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân các cấp, ngày 15-5-1977, cử tri trong tỉnh nô nức đi bầu cử Hội đồng nhân dân ba cấp đạt 98,95% cử tri đi bầu, có 94 đại biểu trúng cử vào Hội đồng nhân dân tỉnh. Kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh bầu Ủy ban nhân dân tỉnh gồm 15 đồng chí. Đồng chí Mai Dương được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các đồng chí: Hồ Ngọc Nhường, Nguyễn Hữu Ái, Nguyễn Quyết được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân. Đây là lần đầu tiên sau hàng trăm năm đấu tranh cực kỳ gian khổ và anh dũng, nhân dân trong tỉnh mới thực sự được hưởng quyền tự do dân chủ, tự mình bầu ra Hội đồng nhân dân - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở địa phương.
Bộ máy chính quyền ở cơ sở qua các lần bầu cử Hội đồng nhân dân đã được sàng lọc và củng cố một bước.
Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, các đoàn thể quần chúng trên địa bàn Khánh Hòa được củng cố, từng bước kiện toàn về tổ chức, tăng cường số lượng và chất lượng. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động truyền thống "nơi nào cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên", đi đầu trong phong trào "3 xung kích, 3 sẵn sàng".. Chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, bồi dưỡng và giới thiệu những đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét và phát triển Đảng. Hội phụ nữ làm nòng cốt trong các phong trào "người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "phụ nữ 3 đảm đang", thực hiện sinh đẻ có kế hoạch... Hội nông dân đi đầu trong phong trào lao động tập thể, sản xuất đạt 5 điểm cao: thủy lợi, diện tích, năng suất, chăn nuôi, nghề phụ. Công đoàn thực hiện phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, tham gia quản lý cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, công trường đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Mặt trận Tổ quốc các cấp củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp mọi lực lượng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội vào trong các đoàn thể quần chúng, vận động tầng lớp trí thức hăng hái thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội... tạo nên sự nhất trí cao về chính trị và tinh thần trong toàn xã hội.
Sau hơn 5 năm (11-1975 - 1980), Đảng bộ, quân và dân các huyện, thị, thành phố trên địa bàn Khánh Hòa nói riêng và quân dân Phú Khánh nói chung vượt qua thời kỳ khó khăn, gian khổ đầy thử thách, với tinh thần tự lực tự cường và ý chí cách mạng tiến công, phấn đấu vượt mọi khó khăn, vươn lên chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thu được những thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề để toàn tỉnh tiếp tục phát huy trong giai đoạn cách mạng tiếp theo.
II. LÃNH ĐẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - VĂN HÓA XÃ HỘI, THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ KINH TẾ (1981-1985)
Những năm cuối của thập kỷ 70 thế kỷ XX, đất nước ta ngày càng lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Nền kinh tế quốc dân mất cân đối nghiêm trọng. Sản xuất phát triển chậm trong khi dân số tăng nhanh. Thu nhập quốc dân chưa bảo đảm được tiêu dùng xã hội. Đời sống kinh tế, văn hóa và an toàn xã hội có những biểu hiện tiêu cực kéo dài... Nguyên nhân là do hậu quả của cuộc chiến tranh chống Mỹ chưa được khắc phục triệt để, đất nước lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, với chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch và do những sai lầm, chủ quan, duy ý chí trong lãnh đạo và quản lý kinh tế, xã hội, bên cạnh đó mấy năm liền liên tiếp xảy ra thiên tai.
Tình hình kinh tế - xã hội của Phú Khánh nói chung, trên địa bàn Khánh Hòa nói riêng cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí có mặt gay gắt. Tài nguyên đất đai, lao động và ngành nghề chưa được phát huy; phát triển công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng, xuất khẩu chưa coi trọng đúng mức. Công tác quản lý kinh tế chưa có kinh nghiệm và còn nhiều lúng túng, sơ hở, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế đạt thấp. Việc cải tiến công tác kế hoạch hóa làm chậm, chưa bám sát nghị quyết và chỉ thị của Đảng, việc vận dụng các chính sách mới chuyển biến chậm. Đời sống người lao động ăn lương còn khó khăn. Các hiện tượng tiêu cực trong kinh tế và xã hội chậm được khắc phục.
Trong điều kiện khó khăn, từ kết quả làm thử khoán sản phẩm ở một số địa phương và để khắc phục nhược điểm trong cải tạo nông nghiệp, tiếp tục tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, ngày 13-1-1981 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng "khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động" trong hợp tác xã nông nghiệp (gọi tắt là khoán 100). Mục đích của khoán sản phẩm là bảo đảm phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế trên cơ sở lôi cuốn được mọi người hăng hái lao động, kích thích tăng năng suất lao động, sử dụng tốt đất đai và các cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất, củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn; không ngừng nâng cao thu nhập và đời sống của xã viên, tăng tích lũy của hợp tác xã, làm tròn nghĩa vụ và không ngừng tăng khối lượng nông sản cung ứng cho Nhà nước. Nhằm mục đích này, các hợp tác xã phải bảo đảm các nguyên tắc quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả tư liệu sản xuất; tổ chức tốt việc quản lý và điều hành lao động; phải nắm được sản phẩm và phát huy quyền tự chủ của hợp tác xã và quyền làm chủ tập thể của xã viên. Phương hướng chủ yếu để cải tiến công tác khoán là khuyến khích mạnh mẽ lợi ích chính đáng của người lao động, làm cho mọi người thực sự gắn bó với sản phẩm cuối cùng. Phương pháp khoán là hoàn chỉnh chế độ "ba khoán"6, chế độ thưởng phạt công minh, xác định mức khoán hợp lý và ngăn ngừa tình trạng "khoán trắng".
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương (khóa IV) về những nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch những năm sắp tới và kế hoạch năm 1981, Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 về phương hướng nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1981-1985), ngày 20-2-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 24-NQ/TU về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế và xã hội năm 1981, nêu rõ 10 nhiệm vụ trong năm là:
1. Tập trung cao cho nông nghiệp, cả trồng trọt và chăn nuôi, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, cây xuất khẩu;
2. Đẩy mạnh xuất khẩu bao gồm xuất khẩu qua ngành dọc, xuất khẩu tiểu ngạch và tại chỗ, coi công tác xuất khẩu là chìa khóa để giải quyết khó khăn về vật tư, nhiên liệu;
3. Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhất là sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, bằng nguyên liệu địa phương;
4. Hướng công tác vận tải phục vụ tốt hơn cho sản xuất, xây dựng, thu mua, cung ứng vật tư kỹ thuật và đời sống nhân dân; chú ý các tuyến miền núi;
5. Trong xây dựng cơ bản, chú trọng đầu tư theo chiều sâu, đồng bộ, dứt điểm, trước tiên là các công trình trọng điểm đang làm dở;
6. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên mặt trận phân phối lưu thông;
7. Tập trung sức củng cố hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp, mở rộng hình thức khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động theo Chỉ thị 100 CT/TW của Ban Bí thư;
8. Quản lý tốt lao động xã hội chủ nghĩa, tiếp tục thực hiện phân bổ lao động, từng bước bố trí lao động phù hợp với đất đai, ngành nghề của từng vùng nhằm tăng thêm của cải cho xã hội;
9. Bảo đảm nhu cầu quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự xã hội;
10. Đẩy mạnh hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao.
Triển khai Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 19-CT/TU về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp. Từ năm 1981, cấp ủy và chính quyền các cấp chỉ đạo tích cực chủ trương khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động đối với toàn bộ diện tích màu, đồng thời chỉ đạo mỗi huyện làm thử một hợp tác xã khoán sản phẩm trên toàn bộ diện tích lúa.
Khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động tạo động lực thúc đẩy phong trào thâm canh, tăng năng suất cây trồng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhiều hợp tác xã như Ninh Quang (Ninh Hòa), Diên An (Diên Khánh) đạt năng suất lúa từ 8 đến 11 tấn trên một hécta hai vụ lúa/năm. Xuất hiện một số hợp tác xã kết hợp được nông - công nghiệp, vận dụng có kết quả nhiều chính sách, có tác dụng thiết thực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa. Các vùng chuyên canh sắn, dừa, thuốc lá, bông... dần dần được xác định. Phương thức mở rộng diện tích theo hướng xây dựng "cơ sở 2" đạt hiệu quả kinh tế, được nhiều hợp tác xã hưởng ứng. Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", trong một thời gian ngắn, tỉnh đã hoàn thành một số công trình thủy lợi (trong đó có đập Cam Ranh thượng), bảo đảm nước tưới chắc chắn cho hàng trăm hécta lúa và xây dựng mới hai trạm thủy điện nhỏ.
Đi đôi với công tác khoán, việc kiểm tra được thực hiện ở 20 hợp tác xã (trong đó có cả hợp tác xã khá), phát hiện nhiều biểu hiện tiêu cực như quản lý tư liệu sản xuất (ruộng đất, trâu bò...) lỏng lẻo, các nguyên tắc, chế độ và kế toán tài vụ bị vi phạm nghiêm trọng. Chỉ riêng năm 1981, kết quả của công tác kiểm tra toàn tỉnh thu hồi trên 500 ha ruộng đất bị lấn chiếm, hàng chục ngàn đồng, hàng trăm tấn thóc và hàng chục tấn vật tư khác. Đến cuối năm 1981, sau khi củng cố, toàn tỉnh còn 241 hợp tác xã và 254 tập đoàn sản xuất nông nghiệp; trong đó có 120 tập đoàn sản xuất tương đối khá. Việc củng cố hợp tác xã và tập đoàn sản xuất gắn liền với khoán sản phẩm thúc đẩy sản xuất phát triển, dần dần tháo gỡ những khó khăn lớn trong nông nghiệp. Lợi ích của Nhà nước, hợp tác xã và xã viên đều tăng, nhất là lợi ích của người lao động. Đời sống nhân dân có bước cải thiện.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II về phương hướng phát triển ngành thủy sản, ngày 13-1-1981 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 18 về cải tạo và tổ chức lại sản xuất ngành thủy sản. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, từ năm 1980 trở đi ngành thủy sản hạn chế được sự giảm sút nhanh về năng lực tàu thuyền và sản lượng cá, tự cân đối được một phần vật tư, nâng dần trở lại sản lượng đánh bắt và chế biến, tăng thêm lao động, phát triển thêm nghề nuôi trồng thủy sản ở các đầm Nha Phu, Thủy Triều, Ô Loan. Thu mua mỗi năm một nhiều hơn, năm cao nhất một vạn tấn. Hải sản xuất khẩu chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Sản xuất và tiêu thụ muối dần dần ổn định và trên đà mở rộng.
Các ngành công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, mặc dù có nhiều cố gắng trong việc sắp xếp tổ chức sản xuất, khắc phục khó khăn về nguyên, nhiên, vật liệu, nhưng kết quả sản xuất đạt thấp so với kế hoạch; đời sống người lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân rất khó khăn, một bộ phận lao động trong biên chế đã xin thôi việc.
Để khắc phục tình trạng trì trệ trong sản xuất công nghiệp và với tinh thần làm cho sản xuất “bung ra”, ngày 21-1-1981 Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 25-CP về “một số chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh” và Quyết định 26-CP về “mở rộng hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và vận dụng hình thức tiền thưởng trong các đơn vị kinh doanh của Nhà nước”. Quán triệt và vận dụng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa IV) và các Quyết định 25-CP, 26-CP của Chính phủ, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh bắt đầu có chuyển biến, nhịp độ phát triển khá hơn, sản xuất thêm một số sản phẩm mới, hình thành bước đầu các ngành quan trọng như đường, giấy, vật liệu xây dựng, dệt... khôi phục và phát triển một số ngành nghề ở các hợp tác xã nông nghiệp. Tạo tiền đề để xây dựng cơ cấu kinh tế nông - công nghiệp trên địa bàn huyện. Tuy giá trị sản lượng công nghiệp còn thấp, nhưng với mạng lưới cơ khí tỉnh, huyện được xây dựng, mở ra khả năng từng huyện hình thành một số cụm kinh tế - kỹ thuật ở xã, hợp tác xã phục vụ cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Khánh lần thứ III (vòng 1)
Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1981-1985) và những năm 80, sau Đại hội Đảng bộ cơ sở, từ ngày 8 đến 16-1-1982 diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Khánh lần thứ III (vòng 1). Đại hội thảo luận đóng góp ý kiến vào các văn kiện của Trung ương trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, bầu đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V. Thông qua việc thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện của Trung ương, các đại biểu vừa nâng cao nhận thức về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa tạo được sự nhất trí cao giữa Trung ương với địa phương trong quá trình triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Từ ngày 27 đến 31-3-1982, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng họp và quyết định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Về kinh tế, Đại hội chủ trương: “Trong 5 năm 1981-1985 và những năm 80: Tập trung sức phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, ra sức đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng; kết hợp nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp nặng trong một cơ cấu công - nông nghiệp hợp lý”7. Đó là nội dung chính của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường trước mắt. Đại hội đề ra giải pháp quan trọng: “Thích ứng với nền kinh tế ấy, phải có một cơ chế quản lý năng động, có khả năng xó bỏ tập trung quan liêu, bảo thủ trì trệ và bao cấp tràn lan, thực hiện
đúng nguyên tắc tập trung dân chủ”8.
Đến cuối năm 1982, trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III (vòng 2), chủ trương khoán sản phẩm được thực hiện rộng khắp gắn với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phong trào cấy lúa đưa năng suất và sản lượng lương thực lên cao. Mặc dù thời tiết không thuận và ảnh hưởng do hậu quả lũ lụt cuối năm 1981, nhưng tổng sản lượng lương thực qui thóc cả năm 1982 vẫn đạt 31,3 vạn tấn, vượt kế hoạch 6.000 tấn. Chăn nuôi được phục hồi và phát triển khá. Cây công nghiệp bước đầu có chuyển biến tốt, diện tích trồng mới 40 ha dừa, 460 ha đào lộn hột... Tuy nhiên, cơ cấu màu lương thực giảm so với năm 1981; kinh tế vườn phát triển chậm và chưa được qui hoạch; mở rộng diện tích theo phương thức “cơ sở 2” của hợp tác xã đạt kết quả thấp. Bên cạnh đó, việc chỉ đạo khoán chưa chặt chẽ, vài nơi xảy ra tình trạng khoán trắng (trong đó, huyện Cam Ranh có 19 hợp tác xã), một số nơi định mức khoán quá cao hoặc quá thấp như Ninh Hòa, Vạn Ninh.
Ngày 6-11-1982, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 184 về phát triển nghề rừng và đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho hợp tác xã. Từ năm 1982, lâm nghiệp bắt đầu thực hiện cơ chế quản lý mới, bước đầu giao đất, giao rừng cho hợp tác xã sản xuất kinh doanh, lấy rừng nuôi rừng. Việc tổ chức lại lực lượng khai thác, vận dụng khoán sản phẩm có kết quả, xác định cây trồng thích hợp từng vùng, xuất hiện một số điển hình về trồng cây ở đồi thấp và bãi cát ven biển. Chỉ riêng năm 1982, rừng trồng tập trung đạt 287 ha, vượt 43%; khai thác 2,2 vạn mét khối gỗ, vượt 47% kế hoạch năm.
Ngành hải sản có tiến bộ trong đánh bắt đạt 3,3 vạn tấn, vượt 600 tấn; thu mua 10,3 ngàn tấn, vượt 3%; sản xuất 43,5 ngàn tấn muối, vượt 20%; thu mua 38,5 ngàn tấn muối, vượt 24% kế hoạch. Song, việc cải tạo nậu vựa, nuôi trồng thủy sản chưa chuyển biến tích cực.
Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển một bước. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về vật tư, nguyên liệu do Nhà nước cung ứng chỉ đảm bảo 30%-40% yêu cầu sản xuất, cung ứng điện hạn chế và không ổn định... nhưng sau khi thực hiện các Quyết định 25, 26 và 64 của Chính phủ về trả lương sản phẩm, lương khoán, tiền thưởng và mở rộng quyền chủ động sản xuất kinh doanh cho các xí nghiệp quốc doanh, tình hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh có chuyển biến tốt. Đặc biệt, từ năm 1980, Tỉnh ủy chỉ đạo tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị 81-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đấu tranh khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong quản lý kinh tế và xã hội, nhờ vậy các xí nghiệp đẩy mạnh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
Năm 1982, giá trị sản lượng công nghiệp (tính theo giá cố định) đạt 146,4 triệu đồng, bằng 109% kế hoạch, tăng 45% so với năm 1981; 7 trong 10 huyện, thành phố, thị xã, 23/50 xí nghiệp quốc doanh hoàn thành và vượt kế hoạch năm. Tiểu, thủ công nghiệp các huyện phía Nam phát triển khá hơn các huyện phía Bắc. Ngành tiểu, thủ công nghiệp bước đầu chú ý khai thác nguyên liệu địa phương, và với cơ sở vật chất hiện có, tranh thủ giúp đỡ của các tỉnh bạn đã sản xuất thêm một số mặt hàng mới, có sản lượng khá là đường ly tâm, đường kết tinh, cồn, rượu, giấy, mắm cô, thủy tinh, sành sứ... Hợp tác xã Diên An (Diên Khánh) kết hợp khá tốt công nghiệp với nông nghiệp và với các cơ sở được xây dựng: cơ khí, đường ly tâm, cồn, chế biến thức ăn gia súc phục vụ tốt cho phát triển nông nghiệp của hợp tác xã. Phong trào làm thủy điện nhỏ, điện sử dụng sức gió... tạo thêm điện năng bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực ở một vài huyện và được mở rộng ở các huyện khác trong tỉnh. Nhưng sự tiến bộ không đều, năng suất của các cơ sở quốc doanh thấp, có xí nghiệp chỉ hoạt động từ 1/3 đến 1/2 công suất máy móc, mạng lưới cơ khí từ tỉnh đến huyện còn lúng túng trong phương hướng phát triển sản xuất, điện đi-ê-zen ở các huyện phía Bắc ngày càng khó khăn.
Tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 33 triệu đồng, bằng 103,7% kế hoạch của tỉnh, 180% kế hoạch Trung ương giao. 9/12 công trình trọng điểm, 50/94 công trình khác được hoàn thành dứt điểm, tăng giá trị tài sản cố định lên 42,3 triệu đồng. Huy động hàng chục triệu đồng vốn của nhân dân đưa vào xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện nhỏ, giao thông, trường học...
Ngành giao thông vận tải sửa chữa, nâng cấp và làm mới trên 700 km đường ô tô, 1.000m cầu kiên cố, mở rộng hệ thống giao thông ở nông thôn và miền núi, phát triển phương tiện vận tải thô sơ và bước đầu phát triển vận tải thủy ở Cam Ranh... đáp ứng được phần lớn yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa và sự đi lại của nhân dân.
Mạng lưới bưu điện ngày càng được củng cố và mở rộng. Hệ thống điện thoại được nối liền với các huyện, thị xã và hơn 1/2 số xã, phường trong tỉnh, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt từ tỉnh đến cơ sở.
Ngày 19-5-1981, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 109-CT/TW về tiếp tục thi hành Nghị quyết 26-NQ/TW về cải tiến công tác phân phối lưu thông.Cùng với các biện pháp đẩy mạnh sản xuất, nắm nguồn hàng mở rộng kinh doanh thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, tăng cường quản lý thị trường, phụ cấp lương cho công nhân... Bộ Chính trị quyết định điều chỉnh hệ thống giá nhằm đảm bảo hạch toán kinh tế.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, phân phối lưu thông của tỉnh bước đầu cải tạo và sắp xếp thương nghiệp tư doanh, mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa xây dựng được 17 công ty, 336 cửa hàng và điểm bán hàng, 149 hợp tác xã mua bán. Việc nắm hàng vào tay Nhà nước khá hơn, nhất là các mặt hàng chủ yếu như lương thực, thịt, cá và kết hợp mở rộng kinh doanh bán lẻ, thương nghiệp xã hội chủ nghĩa góp phần làm tăng thu ngân sách, giữ được giá cả thị trường không để biến động quá mức. Giá trị xuất khẩu mỗi năm một tăng, năm 1982 tăng gấp 6 lần so với năm 1980 và qua xuất khẩu của địa phương đã nhập được một số vật tư, hàng hóa cần thiết phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Cùng với việc phát triển sản xuất, cơ sở vật chất, kỹ thuật của các huyện, thị, thành phố Nha Trang, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Ranh từng bước được mở rộng, năng lực sản xuất ngày càng phát triển, các cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, nghiên cứu khoa học được tăng cường.
Kết quả sản xuất làm cho đời sống nhân dân tương đối ổn định. Các vùng bị chiến tranh tàn phá, miền biển, miền núi và một số vùng ở nông thôn đồng bằng nhiều mặt được cải thiện hơn trước, nhất là về ăn và ở. Hàng chục vạn người ở thành thị được sắp xếp việc làm ổn định. Đời sống của đồng bào các dân tộc ở miền núi được cải thiện hơn trước. Việc đi lại, học hành, hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí được mở rộng. Chăm sóc bà mẹ và trẻ em ngày càng tốt hơn. Đối với công nhân viên chức đời sống còn nhiều khó khăn, chỉ hưởng lương và được phân phối 9 mặt hàng theo định lượng.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Khánh lần thứ III (vòng 2)
Từ ngày 31-1 đến 3-2-1983, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Khánh lần thứ III (vòng 2) được tổ chức tại thành phố Nha Trang. Dự Đại hội có 350 đại biểu thay mặt hơn 12.000 đảng viên trong toàn tỉnh về dự. Đại hội kiểm điểm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II, nhất là việc thực hiện khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Đại hội xác định phương hướng, nhiệm vụ chung trong thời gian tiếp theo là: Trên cơ sở quán triệt và phổ biến sâu rộng Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này, tạo ra một sự nhất trí cao về chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, phát động mạnh mẽ phong trào cách mạng của quần chúng, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tăng cường hiệu lực bộ máy Nhà nước và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng ở các cấp, đẩy mạnh đồng thời 3 cuộc cách mạng, kết hợp chặt chẽ cải tạo với xây dựng, xây dựng với cải tạo để hoàn thành tốt cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và lực lượng sản xuất mới ngày càng lớn mạnh, ra sức xây dựng huyện, tăng cường xây dựng thành phố, thị xã, vùng ven biển và miền núi bảo đảm thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược, 4 mục tiêu kinh tế - xã hội và hoàn thành tốt nghĩa vụ quốc tế.
Đại hội đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 1985 là:
1. Về sản xuất và xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, đạt sản lượng lương thực quy thóc 40 vạn tấn, tăng giá trị sản lượng công nghiệp bình quân hàng năm 20%. Xây dựng Nha Trang thành một trung tâm du lịch. Đưa giá trị xuất khẩu lên 15 triệu rúp đô la, phấn đấu thu ngân sách của tỉnh từ 1,3 đến 1,5 tỷ đồng, thực hiện tiết kiệm 10% trong sản xuất và xây dựng cơ bản.
2. Về cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiếp tục củng cố các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, hình thành từng bước cơ cấu kinh tế nông - công nghiệp.
3. Giải quyết vững chắc vấn đề lương thực và thực phẩm, bảo đảm lương thực đủ ăn, có dự trữ, bình quân đầu người 20 kg cá, 7,5 lít nước mắm, 10 kg đường trong một năm.
4. Về an ninh quốc phòng, tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phòng tuyến an ninh nhân dân, xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
5. Xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa III) gồm 41 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Xuân Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Nguyễn Phụng Minh, Hồ Ngọc Nhường làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Phú Khánh lần thứ III về phát triển nông nghiệp và mục tiêu phấn đấu đến năm 1985 là “Tập trung sức phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, bảo đảm đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, kết hợp chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, sớm hình thành cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp”, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo mùa vụ, coi trọng thâm canh, xác định những vùng lúa năng suất cao của tỉnh như Diên Khánh, Ninh Hòa, thành phố Nha Trang; xác định rõ vị trí màu trong cơ cấu lương thực, thực hiện khoán mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng diện tích giống lúa mới, tăng cường công tác bảo vệ thực vật... đề ra các chủ trương chỉ đạo sát hợp với tình hình sản xuất từng vùng. Nhờ có những biện pháp giải quyết phù hợp nên diện tích, năng suất, sản lượng lương thực hàng năm đều tăng. Năm 1984, trên địa bàn Khánh Hòa (Nha Trang, Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Ranh) diện tích cây lương thực đạt 60.406 ha, sản lượng lương thực qui thóc đạt 167.808 tấn. Đến năm 1985, diện tích cây lương thực cả tỉnh Phú Khánh đạt 13,4 vạn hécta, riêng lúa đạt 9,56 vạn hécta. Toàn tỉnh có 37 hợp tác xã đạt 10 tấn trở lên; 7 hợp tác xã có diện tích 3 vụ lúa đạt năng suất từ 14,3 đến 17,9 tấn/ha. Sản lượng lương thực qui thóc đạt 47 vạn tấn. Khai hoang và đưa vào sản xuất 6.298 ha đạt 63% kế hoạch. Phân bố lao động cho kinh tế mới 1.525 người, đạt 38,1% kế hoạch.
Vừa tập trung sản xuất, giải quyết nhiệm vụ trọng tâm là lương thực và thực phẩm, Tỉnh ủy cũng coi trọng chỉ đạo công tác đổi mới cơ cấu cây trồng, từng bước hình thành và phát triển các vùng chuyên canh lúa cao sản, sắn (Cam Ranh, Diên Khánh), mía (Đồng Bò), dừa (Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh), cà phê... nhằm phá vỡ thế độc canh, đi vào làm ăn có kế hoạch hơn.
Phong trào chăn nuôi với hai hình thức tập thể và gia đình, kể cả gia đình nông dân và gia đình công nhân, viên chức đều phát triển. Năm 1985, toàn tỉnh có đàn trâu đạt 1,78 vạn con (vượt 5% kế hoạch), so với năm 1983 tăng 3.100 con; đàn bò 18,57 vạn con (vượt kế hoạch 3,7%), tăng 5 vạn con so với 1983, đàn lợn 23,8 vạn con, tăng 1,9 vạn con so với năm 1984 và 5,7 vạn con so với 1983; cùng với chăn nuôi trâu, bò, lợn, một số nơi còn phát triển chăn nuôi ngựa, dê; chăn nuôi gà, vịt được giữ vững.
Ngày 29-11-1984, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp và ra Nghị quyết số 16 về công tác lâm nghiệp, nêu rõ: cần nhanh chóng tạo cho được chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng bộ và toàn dân trong tỉnh có nhận thức đúng về rừng và kinh tế rừng của tỉnh, chấm dứt ngay nạn đốt, phá rừng, tích cực xây dựng vốn rừng, tổ chức và quản lý tốt khai thác rừng, chế biến tốt lâm sản. Ngày 29-1-1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị giao đất, giao rừng đến hộ nông dân, gắn quyền hạn, trách nhiệm và lợi ích vật chất để khuyến khích nông dân tích cực lao động sản xuất. Cùng ngày, Ban Bí thư ra Chỉ thị về củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất ở nông thôn miền núi, nhằm đẩy mạnh 3 cuộc cách mạng, nâng cao đời sống của nhân dân vùng cao. Thực hiện chủ trương phát triển mạnh lâm nghiệp, đến cuối năm 1985 toàn tỉnh trồng mới 9.800 ha rừng, 18 triệu cây phân tán, tỷ lệ cây sống cao hơn năm trước, khai thác bình quân hàng năm 2 vạn mét khối gỗ, giao 4,3 vạn hécta rừng, đất rừng cho hợp tác xã sản xuất, kinh doanh. Riêng Ninh Hòa đã gieo 7 tấn hạt táo nhân (keo đậu) để phủ xanh đồi trọc.
Về thủy sản, bình quân đánh bắt hàng năm trên 3 vạn tấn, thu mua 1,1 vạn tấn, xuất khẩu tăng khá. 5 năm (1981-1985) mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 1.600 ha mặt nước, có bước phát triển mới về nuôi tôm, trồng rau câu và chế biến Aga xuất khẩu. Đặc biệt năm 1984, lần đầu tiên ở nước ta, các nhà khoa học trong tỉnh đã cho sinh sản nhân tạo thành công con tôm sú, tạo tiền đề để phát triển nghề nuôi tôm sú trong tỉnh và cả nước. Sản xuất muối hàng năm tăng cả về diện tích, năng suất, tổng sản lượng và lượng muối xuất khẩu.
Quán triệt và vận dụng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa IV) và Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa V), sản xuất công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp có chuyển biến tích cực. Sự kết hợp giữa nông nghiệp và công nghiệp trong tỉnh và từng huyện ngày càng gắn bó. Các ngành công nghiệp lấy nông nghiệp làm mục tiêu phục vụ. Ngành cơ khí tuy chưa trang bị được máy móc chế biến nông sản, thực phẩm, nhưng đã cố gắng sửa chữa máy móc nông nghiệp, trang bị tương đối đầy đủ công cụ cầm tay. Công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm bước đầu hướng vào khai thác thế mạnh của địa phương.
Tổng giá trị sản lượng công nghiệp tăng bình quân hàng năm 22,1%, sản lượng vải, xi măng, đường, giấy, xà phòng... tăng khá. Đến cuối năm 1985, giá trị sản lượng công nghiệp (giá cố định năm 1982) đạt 2,29 tỷ đồng, vượt 2,81% kế hoạch. Trong đó công nghiệp địa phương đạt 1,76 tỷ đồng, vượt 3,56% kế hoạch. Riêng quốc doanh đạt 947,2 triệu đồng; tiểu, thủ công nghiệp 1,34 tỷ đồng; các ngành điện năng, nhiên liệu, dệt, sành sứ, thủy tinh, gạch, ngói, xà phòng, nhựa đều vượt kế hoạch. Ngành nghề và cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp được mở rộng, có thêm mặt hàng mới cho tiêu dùng và xuất khẩu. Giá trị sản lượng công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp chiếm 40% giá trị sản lượng nông - công nghiệp. Cơ sở thủy điện nhỏ được chú ý xây dựng ở một số nơi, tăng cường nhiệt điện cho thị xã, thị trấn. Bước đầu sắp xếp và phát huy các xí nghiệp cơ khí (Đại tu ô tô, Cơ khí Phú Khánh).
Giao thông vận tải có tiến bộ trong đóng mới và sửa chữa phương tiện, kết hợp sử dụng cơ giới với các phương tiện vận tải thô sơ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách bình quân hàng năm 18%, xây dựng cầu đường tăng 20%, xây dựng mới và nâng cấp 1.163 km đường ô tô, sắm mới gần 5.000 tấn phương tiện vận tải thủy. Riêng năm 1985, vận chuyển trên 1,38 triệu tấn hàng; 9,05 triệu lượt hành khách, vượt 18,2% kế hoạch; vận chuyển thủy 10,4 vạn tấn hàng, vượt 52% kế hoạch.
Ngành bưu điện có cố gắng bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, mở thêm mạng lưới, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật.
Vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách địa phương được tăng dần, chủ động và tập trung hơn cho các công trình trọng điểm. Tổng số vốn đầu tư trong 5 năm (1981 -1985) dành cho nông nghiệp 27,4%, công nghiệp 22,4%, giao thông xây dựng 12,2% và văn hóa xã hội 15%. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã có thêm một số công trình thủy lợi vừa và nhỏ, thủy điện nhỏ, xưởng chế biến, công trình phúc lợi công cộng... Nhiều công trình hoàn thành đưa vào sản xuất và phục vụ đời sống như xí nghiệp dược phẩm Nha Trang, Dệt Nha Trang, Hồ Đá Bàn, Hồ Am Chúa, Hồ Suối Hành, mở rộng nhà máy xi măng Hòn Khói....
Thực hiện mục tiêu ổn định tình hình kinh tế - xã hội, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa V) họp từ ngày 10 đến 17-6-1985 bàn về giá - lương - tiền. Hội nghị chủ trương dứt khoát xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện đúng chế độ tập trung dân chủ, hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
Triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa V) và Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy chỉ đạo tiến hành vận dụng bước 1: bù giá vào lương và thí điểm đưa lương vào giá thành, phí lưu thông; bước 2: thực hiện các chính sách giá - lương - tiền mới gắn với chuyển hẳn sang cơ chế quản lý mới. Việc thực hiện giá - lương - tiền của tỉnh được gắn liền với công tác cải tạo thương nghiệp và quản lý thị trường, tổ chức sắp xếp các chợ, mở rộng mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, đấu tranh chống đầu cơ buôn lậu, giữ vững giá cả chống hành động phá hoại của địch. Chỉ đạo làm thử tính giá thành ở 3 xí nghiệp. Sắp xếp một bước tổ chức nhằm giảm cấp trung gian, giảm biên chế ở cơ sở, ngành 1.500 người. Hệ thống thương nghiệp được chấn chỉnh, mạng lưới mở rộng hơn. Công tác thu đổi tiền được hoàn thành nhanh gọn, bảo đảm yêu cầu bí mật, an toàn, nắm được lượng tiền mặt phân bổ trong các tầng lớp dân cư. Đến cuối năm 1985, về cơ bản xếp xong hệ thống lương mới cho cán bộ, công nhân viên chức, hưu trí và thương binh; thực hiện mặt bằng giá mới đối với các sản phẩm.
Trên mặt trận phân phối lưu thông của tỉnh đạt được những kết quả đáng kể. Huy động lương thực đạt 12 vạn tấn (qui thóc) vượt 21% kế hoạch. Đóng góp cho Nhà nước 3,5 vạn tấn (qui thóc), vượt 16,7% kế hoạch trung ương giao. Bán ra 6,45 vạn tấn (qui gạo) vượt 24% kế hoạch.
Thương nghiệp mua vào 557 triệu đồng vượt 47,3% kế hoạch. Trong đó mua địa phương 318,8 triệu đồng. Bán ra 635,8 triệu đồng vượt 24,4% kế hoạch.
Giá trị hàng xuất khẩu 15 triệu Rúp (kế hoạch tỉnh đề ra 25 triệu Rúp)9. Tỉnh Phú Khánh cùng với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (trừ Quảng Nam- Đà Nẵng) tổ chức công ty liên doanh xuất nhập khẩu khu vực.
Toàn tỉnh có 250 cửa hàng quốc doanh, 1.100 điểm bán hàng của hợp tác xã mua bán, 80% chợ nông thôn (124/154) có cửa hàng, quầy hàng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. 3.965 hộ tư thương được sắp xếp thành lô sạp, 220 điểm bán lương thực. Kinh tế quốc doanh và hợp tác xã làm chủ thị trường 64% (đạt 80% kế hoạch).
Năm 1985, thu ngân sách đạt 288,5 triệu đồng, vượt 11,5% kế hoạch trong đó ngân sách địa phương 155,8 triệu đồng; chi 11 tháng 227,6 triệu đồng, đạt 86,87% kế hoạch. Huy động tiền gửi tiết kiệm 14,37 triệu đồng. Mua công trái (đến 20-10-1985) đạt 1.917.090 đồng và 408 tấn thóc (chỉ tiêu 11 triệu đồng và 2.012 tấn lương thực). Vận động tiết kiệm giúp đồng bào Bình Trị Thiên và các tỉnh bị bão lụt trên 400 tấn lúa giống, 100 tấn gạo...
Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, công tác củng cố quan hệ sản xuất được chú trọng. Đối với nông nghiệp tiếp tục củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất đi đôi với thực hiện chính sách khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động, các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất có bước phát triển mới. Nhiều hợp tác xã làm ăn giỏi và khá, cơ sở vật chất kỹ thuật tăng như Vạn Ninh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Nha Trang.
Về hải sản, đến năm 1986 có 64% lao động với 60% công suất tàu, thuyền đi vào làm ăn tập thể; song còn tồn tại một số vấn đề về quy mô, hình thức, bước đi, chính sách tiếp tục phải giải quyết. Lâm nghiệp chưa tổ chức lại khâu khai thác và chế biến gỗ, việc quản lý còn phân tán. Đối với công thương nghiệp, chưa quan tâm đầy đủ việc xây dựng và củng cố thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa. Thiếu chính sách, kế hoạch cụ thể sắp xếp tiểu thương, giải quyết việc làm cho số dư thừa, nên số người buôn bán càng phát triển, thị trường tự do mở rộng, làm suy yếu thị trường xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và đời sống của nhân dân lao động.
Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển. Cùng với việc xây dựng nền kinh tế mới xã hội chủ nghĩa, việc xây dựng nền văn hóa mới và con người mới cũng được chú trọng. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, chính quyền, và các tổ chức đoàn thể, các huyện, thị, thành phố trên địa bàn Khánh Hòa đã vận động nhân dân xóa bỏ các tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại, từng bước phát triển văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa, làm thay đổi dần nếp nghĩ và tập quán cũ của mọi người. Toàn tỉnh có 12/15 huyện, thị xã, thành phố thực hiện chỉ tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; 10/15 huyện, thị, thành phố có đài truyền thanh. Hoạt động phát thanh, truyền thanh, truyền hình, báo chí, phim ảnh, triển lãm... có bước tiến bộ trong việc tuyên truyền phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, những nhân tố mới và điển hình tiên tiến, những kiến thức văn hóa và khoa học kỹ thuật cho nhân dân. Ở một số huyện bước đầu hình thành điểm văn hóa, cụm văn hóa huyện, có nhà văn hóa, rạp chiếu bóng, sân vận động...
Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và công tác in ấn, xuất bản góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng tình cảm, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa cho quần chúng lao động. Văn nghệ có bước phát triển mới, nhất là ở cơ sở. Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp có tiến bộ, nhưng kịch bản còn nghèo, tính tư tưởng và nghệ thuật chưa cao. Hoạt động thể dục thể thao có phát triển và tiến bộ. Công tác thương binh xã hội đã giải quyết chính sách cho hầu hết thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công trong hai cuộc kháng chiến. Quan tâm chăm lo đối với những người hưu trí và thực hiện chính sách hậu phương quân đội.
Trên mặt trận giáo dục, hoàn thành xóa nạn mù chữ, xây dựng hệ thống giáo dục cách mạng, thống nhất chương trình giảng dạy chung của cả nước. Tất cả các xã trong tỉnh có trường phổ thông cơ sở, các huyện đều có trường phổ thông trung học. Đến năm 1985 bình quân 3,5 người dân có một người đi học. Năm học 1985-1986 so với năm 1984-1985, hệ giáo dục phổ thông tăng 27 trường, 1.125 lớp và 1.727 giáo viên, tổng số học sinh nhập học 40,59 vạn em (vượt 11,6% kế hoạch), tăng 3,7 vạn học sinh. Trên địa bàn Khánh Hòa (Nha Trang, Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Ranh), năm học 1984-1985 hệ phổ thông có 151 trường, 4.333 lớp gồm 5.179 giáo viên và 159.194 học sinh, trong đó có 2.205 học sinh dân tộc thiểu số.
Mạng lưới y tế được mở rộng và xây dựng đến cơ sở, so với lúc mới giải phóng, số giường bệnh tăng 1,5 lần. Năm 1984, tỉnh Phú Khánh có 15 bệnh viện, 5 viện điều dưỡng, 186 trạm y tế, hộ sinh xã, với tổng số 4.065 giường bệnh; so với năm 1982 tăng 1 bệnh viện, 14 trạm y tế, hộ sinh xã và 412 giường bệnh. Đến năm 1985, số giường bệnh cả tỉnh đạt 4.360 giường, vượt 2,8% kế hoạch; số người áp dụng các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch tăng 2,7% so với năm 1984. Trên địa bàn Khánh Hòa, riêng năm 1984 đã có 8 bệnh viện, 106 trạm y tế, hộ sinh và 2.198 giường bệnh. Phong trào vệ sinh phòng bệnh, xây dựng ba công trình, trồng và sử dụng thuốc nam ngày càng phát triển rộng rãi. Việc kết hợp đông và tây y trong khám và chữa bệnh, ngăn ngừa, khống chế các bệnh dịch đi dần vào nề nếp.
Đi đôi với nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, công tác an ninh - quốc phòng được tăng cường. Đảng bộ tỉnh Phú Khánh đặt nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đi đôi với việc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, xây dựng và củng cố Đảng, chính quyền cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Phú Khánh với khí thế cách mạng sôi nổi, kiên quyết, kịp thời đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, tập trung cải tạo những đối tượng có tội ác, giáo dục và cảm hóa những người làm việc dưới chế độ cũ, tích cực truy quét bọn lưu manh côn đồ, giải quyết các tệ nạn xã hội; khẩn trương xây dựng hệ thống chính quyền cách mạng từ tỉnh đến xã, phường. Tăng cường giáo dục, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho toàn dân, phát huy quyền làm chủ tập thể của cán bộ và nhân dân tích cực bảo vệ an ninh, trật tự ở từng thôn xã, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị; phát huy hiệu lực của các cơ quan chuyên chính, huy động các cấp, các ngành trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh, củng cố quốc phòng và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Thực hiện Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị “về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới” và Chỉ thị số 92-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 28 để thi hành Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 209 thực hiện Chỉ thị số 92 của Ban Bí thư. Dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, các ngành, các cấp, nhất là lực lượng công an và quân sự đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ, được quần chúng nhân dân tích cực tham gia đấu tranh chống hoạt động phá hoại, kiên quyết trấn áp mạnh mẽ bọn phản cách mạng và các bọn tội phạm khác, thu được nhiều kết quả, củng cố và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Nhiệm vụ bảo vệ an ninh, củng cố quốc phòng hàng đầu là tập trung đấu tranh chống hoạt động tình báo gián điệp, nội gián, chống phá hoại kinh tế, chiến tranh tâm lý của địch; củng cố các vùng xung yếu phòng chống bạo loạn, chống xâm nhập và chống trốn đi nước ngoài. Tổ chức thường xuyên truy quét các ổ nhóm phản động vũ trang lẩn trốn, các toán FULRO, kiên quyết trấn áp mạnh mẽ bọn phản cách mạng phá hoại, điều tra khám phá các tổ chức phản động. Tuy tình hình phức tạp, âm mưu hoạt động của địch ráo riết, quyết liệt, nhưng toàn tỉnh đã chủ động phòng ngừa, chủ động tấn công, tấn công liên tục không để xảy ra gây rối, gây bạo loạn, phá hoại lớn về kinh tế, quốc phòng, bảo vệ các ngày lễ, ngày tết, các cuộc mít tinh lớn, bảo vệ an toàn Đại hội Đảng bộ các cấp và các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các đoàn khách nước ngoài đến thăm.
Công tác đấu tranh chống hoạt động tình báo, gián điệp được các ngành chức năng xây dựng các biện pháp phòng ngừa, các phương án bảo vệ ở địa bàn Cam Ranh, Nha Trang, các mục tiêu kinh tế, quốc phòng trọng điểm. Việc quản lý nội bộ, tích cực phòng chống nội gián, thuần khiết nội bộ được thực hiện, điều chuyển hàng trăm đối tượng ra khỏi các bộ phận cơ mật, quan trọng; tiến hành kế hoạch làm trong sạch một số địa bàn trọng điểm ở Cam Ranh, Nha Trang, Vạn Ninh. Điều chuyển chỗ ở của các đối tượng nguy hiểm khỏi các khu vực trọng yếu. Nhiều địa phương có tuyến biển đã kết hợp công tác phát động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc với xây dựng mạng lưới an ninh nhân dân, gắn liền với việc củng cố tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng ở cơ sở. Từng bước tiến hành xây dựng phòng tuyến an ninh nhân dân, bước đầu có tác dụng trong công tác đấu tranh chống hoạt động thu thập tình báo của địch, chống xâm nhập và chống trốn đi nước ngoài.
Trong tình hình mới, nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng ngừa chống địch phá hoại kinh tế với công tác bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, chống tham ô trộm cắp. Các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp chú trọng công tác giáo dục, phát động trong cán bộ công nhân viên chức phát huy quyền làm chủ tập thể, ý thức trách nhiệm, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tích cực tham gia đấu tranh chống địch phá hoại kinh tế, chống tệ ăn cắp, tham ô, củng cố các ban bảo vệ, xây dựng nội quy, quy trình kỹ thuật trong sản xuất và bảo vệ sản xuất. Chỉ riêng năm 1985, toàn tỉnh phát hiện 67 vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, gây thiệt hại 44,3 vạn đồng; điều tra, khám phá 34 vụ, bắt 56 đối tượng, thu hồi 16,7 vạn đồng.
Công tác chống địch phá hoại tư tưởng văn hóa được coi trọng. Thực hiện Nghị quyết số 36 của Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đoàn viên, công nhân viên và nhân dân; vận động quần chúng tích cực tham gia đấu tranh chống chiến tranh tâm lý của địch. Nhiều nơi có phong trào quần chúng khá, các luận điệu chiến tranh tâm lý của địch đều được quần chúng phát hiện đấu tranh dập tắt. Các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng các ngành tổ chức nhiều đợt truy quét văn hóa phẩm phản động, đồi trụy, bắt xử lý hàng trăm đối tượng.
Kịp thời đấu tranh ngăn chặn âm mưu hoạt động của các tổ chức vũ trang nhen nhóm phản động và tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài. Toàn tỉnh điều tra, triệt phá 76 tổ chức phản động, bắt xử lý và giáo dục cải tạo trên hai nghìn đối tượng, không để xảy ra gây rối, gây bạo loạn. Các cấp, các ngành đẩy mạnh phát động quần chúng phối hợp cùng lực lượng công an, bộ đội, du kích, tích cực đấu tranh ngăn chặn người trốn đi nước ngoài; tăng cường các biện pháp quản lý hành chính, quản lý nội bộ, tuần tra kiểm soát tuyến ven biển, đảo, phát hiện bắt giữ hàng ngàn người trốn đi nước ngoài.
Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nếp sống mới ở thành phố và nông thôn được phát động. Thực hiện Chỉ thị số 92 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc bước đầu phát huy tác dụng trong việc xây dựng đoàn kết thôn, xóm, khu phố, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, thúc đẩy thực hiện nghĩa vụ công dân, tập trung giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn người, tăng cường các biện pháp đấu tranh trấn áp kiên quyết với bọn lưu manh côn đồ, bọn xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, tích cực giải quyết các tệ nạn xã hội, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật góp phần gìn giữ an ninh, trật tự ở xã, phường. Qua phân loại năm 1984 có 318/822 cơ quan, xí nghiệp và 166/198 xã, phường có phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc đạt loại khá.
Đi đôi với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chính trị, củng cố quốc phòng và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng đều được quán triệt sâu rộng, kết hợp tốt cả hai mặt tổ chức xây dựng với bạo lực trấn áp trên cơ sở bảo đảm đúng đường lối, chính sách, luật pháp. Lực lượng công an, quân sự được tăng cường củng cố từ tỉnh đến xã, phường. Đến năm 1984, chỉ riêng lực lượng dân quân tự vệ toàn tỉnh đã chiếm 1,5 vạn người. Công tác tuyển quân hoàn thành tốt, năm 1984 vượt chỉ tiêu 8,47%, năm 1985 vượt 10,39% (5741/5450 người). Tỉnh xây dựng được 1 tiểu đoàn (D97) đi làm nghĩa vụ quốc tế. Nhờ những cố gắng nỗ lực của Đảng bộ và toàn quân, toàn dân trong tỉnh, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức được đẩy mạnh. Ngày 15-5-1981, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bàn về tình hình và nhiệm vụ trước mắt của công tác tư tưởng, nêu rõ: "Công tác tư tưởng phải có tính chiến đấu sắc bén, kiên quyết phê phán và đấu tranh khắc phục những khuynh hướng chính trị và tư tưởng sai lầm, lối sống không lành mạnh, chống lại những luận điệu phản tuyên truyền và các thế lực thù địch, vạch trần và đánh bại chiến tranh tâm lý của chúng, giữ vững không khí lành mạnh về chính trị và tư tưởng trong Đảng và trong xã hội. Gắn chặt công tác tư tưởng với thực hiện nhiệm vụ chính trị trước mắt, với công tác tổ chức. Phấn đấu tổ chức tốt đời sống vật chất và văn hóa của quần chúng".
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, toàn Đảng bộ tiến hành liên tục những đợt giáo dục sâu rộng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, các nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy. Qua các đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, được đông đảo cán bộ, đảng viên quần chúng tham gia, tạo được sự nhất trí cao về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, về đánh giá tình hình, về phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, củng cố lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều hiện tượng tiêu cực được đấu tranh ngăn chặn.
Đến năm 1982, Đảng bộ Phú Khánh có số lượng đảng viên tăng gấp 4,3 lần so với lúc mới giải phóng. Trong 5 năm (1981-1985) kết nạp gần 4.000 đảng viên, bằng 23% tổng số đảng viên hiện có (17.000). Tổ chức cơ sở Đảng có đều khắp ở xã, phường, cơ quan, xí nghiệp. Toàn Đảng bộ có 892 tổ chức cơ sở Đảng (trong đó có 208 chi bộ, đảng bộ xã, phường, thị trấn) tăng 217 cơ sở so với năm 1981. Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, việc chỉ đạo củng cố cơ sở, xây dựng nề nếp sinh hoạt Đảng, quản lý đảng viên, thực hiện tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống tiêu cực có tiến bộ. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên. Đặc biệt là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, chỉ riêng năm 1985 Tỉnh ủy có 5 lần Hội nghị bàn những vấn đề quan trọng của tỉnh:
- Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9 (2-1985) kiểm điểm thực hiện kế hoạch 1984, đề ra nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1985 và bàn một số công tác tổ chức cán bộ;
- Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 (5-1985) kiểm điểm thực hiện kế hoạch 5 tháng, thành lập 3 huyện mới ở miền núi và bàn một số công tác tổ chức, cán bộ;
- Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 11 (7-1985): Quán triệt Nghị quyết 8-NQ/TW và chuẩn bị kế hoạch của tỉnh về thực hiện Nghị quyết Trung ương 8;
- Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 12 (8-1985) thông qua tổng kết kinh tế 10 năm và chiến lược kinh tế đến năm 2000 của tỉnh, phương hướng mục tiêu kế hoạch 1986-1990, soát lại việc chuẩn bị thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 và phân công cán bộ;
- Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13 (11-1985) kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch năm 1985, phương hướng kế hoạch 1986.
Thực hiện Thông tri số 103-TT/TW của Ban Bí thư, trong hai năm 1980-1981, Tỉnh ủy biểu dương và tặng cờ "Đảng bộ cơ sở vững mạnh" cho 144 tổ chức cơ sở Đảng. Đến năm 1985, có 349 chi bộ, Đảng bộ cơ sở được Tỉnh ủy xét công nhận trong sạch và vững mạnh; tỉnh đề nghị Ban Bí thư biểu dương 3 Đảng bộ huyện vững mạnh 2 năm 1984-1985, trong đó có Đảng bộ huyện Ninh Hòa.
Công tác kiểm tra của các cấp ủy theo Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư được tăng cường. Một số vụ vi phạm kỷ luật được giải quyết kịp thời. Chỉ riêng năm 1985, toàn Đảng bộ tiến hành kiểm tra 247 đảng viên vi phạm; giải quyết dứt điểm 85/189 đảng viên bị tố cáo, 22/38 trường hợp khiếu nại. Xử lý kỷ luật 175 đảng viên, trong đó khai trừ 40, đưa ra khỏi Đảng bằng các hình thức khác 13 người.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 83 ngày 26-11-1979 của Ban Bí thư về phát thẻ Đảng, đến cuối năm 1984 toàn Đảng bộ có 13.742 đảng viên được nhận thẻ Đảng.
Đi đôi với xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở, công tác xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện theo Chỉ thị số 33 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 33 của Hội đồng Chính phủ đạt được kết quả bước đầu. Nhiều ngành ở tỉnh đã thực hiện phân cấp cho huyện. Nhiều huyện cố gắng phấn đấu vươn lên thực hiện vai trò, chức năng của cấp huyện.
Về tổ chức bộ máy, bước đầu thực hiện Nghị quyết số 32 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 16 của Hội đồng Bộ trưởng, chức năng nhiệm vụ và các mối quan hệ công tác của các cơ quan quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước được xác định rõ hơn. Ngày 26-4-1981, cử tri toàn tỉnh nô nức đi bầu đại biểu Quốc hội khóa VII và Hội đồng nhân dân 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Khánh khóa II họp kỳ thứ nhất bầu ra Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Hồ Ngọc Nhường được bầu làm Chủ tịch và các đồng chí: Cao Xuân Thiêm, Nguyễn Quyết, Phạm Hồng Quang, Cao Sơn Hà làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Cuối năm 1983, đồng chí Hồ Ngọc Nhường được điều về Trung ương, đồng chí Võ Hòa làm Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh.
Nhằm tạo điều kiện cho các huyện phát triển theo tiềm năng, thế mạnh của từng vùng đồng bằng, miền núi, hải đảo, ngày 27-6-1985, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 189-HĐBT về việc điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh Phú Khánh. Theo Quyết định số 189-HĐBT, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh như sau:
Huyện Cam Ranh lại tách thành hai huyện: huyện Cam Ranh và huyện miền núi Khánh Sơn.
Huyện Diên Khánh tách thành hai huyện: huyện Diên Khánh và huyện Khánh Vĩnh.
Đến năm 1985 ở tỉnh (kể cả cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, các công ty kinh doanh trực thuộc tỉnh) có 67 cơ quan; ở huyện, thị xã, thành phố có từ 15-18 ban (chưa tính các ban xây dựng Đảng, Văn phòng cấp ủy, trường Đảng huyện và các đoàn thể). Một số sở, ngành bước đầu có sự sắp xếp về tổ chức theo hướng gọn nhẹ, hợp lý. Nhiều huyện bỏ các phòng lương thực, thương nghiệp, thủy lợi... nhập vào các công ty.
Công tác cán bộ có nhiều cố gắng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ. Đội ngũ cán bộ của tỉnh được tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều đồng chí được đào tạo, bồi dưỡng chính quy, có hệ thống, có trình độ năng lực khá. Số cán bộ khoa học, chuyên môn nghiệp vụ lên tới 6.000 đồng chí, trong đó có 9 trên đại học và 2.000 đại học. Qua thực tiễn công tác, nhiều đồng chí ngày càng hiểu rõ tình hình thực tế ở địa phương, ngành mình hoạt động, tích lũy được kinh nghiệm. Số đông cán bộ giữ vững phẩm chất cách mạng, nếp sống giản dị, lành mạnh, tận tụy với nhiệm vụ được giao. Trong ba năm 1980-1982, có 4.622 đồng chí được cử đi học ở các trường văn hóa, lý luận, nghiệp vụ tập trung do Trung ương và tỉnh mở. Chỉ riêng 2 năm (1984-1985), toàn tỉnh có gần 200 đồng chí được cử đi học các trường ở Trung ương, 11 đồng chí đi học ngoài nước, hơn 1.000 cán bộ học trường Đảng tỉnh, gần 7.000 cán bộ học các trường cấp huyện. Toàn tỉnh có 70 sở, ban, ngành xây dựng qui hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; 9 huyện xây dựng được qui hoạch cán bộ chủ chốt huyện, 3 huyện làm qui hoạch đến cán bộ cấp xã. Đề bạt 102 trưởng, phó ty, ban, ngành tỉnh, 300 trưởng, phó phòng các cơ quan tỉnh, huyện, giám đốc, phó giám đốc và các chức vụ tương đương ở các đơn vị cơ sở sự nghiệp, sản xuất, kinh doanh; bố trí phân công lại 16 bí thư, chủ tịch huyện, tăng cường cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ khoa học kỹ thuật vào các chức vụ lãnh đạo quản lý ở tỉnh, huyện. Việc chăm lo giải quyết chính sách đối với cán bộ được chú ý hơn trước và đạt một số tiến bộ mới.
Quán triệt quan điểm "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", Đảng bộ Phú Khánh không ngừng quan tâm chỉ đạo công tác vận động quần chúng. Ngày 6-3-1985, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 18-NQ/TU về tăng cường công tác quần chúng của Đảng. Sau khi đánh giá tình hình quần chúng và phong trào cách mạng của quần chúng từ sau ngày giải phóng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác quần chúng những năm tiếp theo và nêu rõ: Cần làm cho toàn Đảng bộ nhận thức rõ công tác quần chúng là một khâu then chốt của công tác Đảng, là nhiệm vụ trực tiếp và thiết thân của các cấp ủy Đảng, các cấp, các ngành, của mọi cán bộ, đảng viên. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng cơ sở, hoạt động của các đoàn thể quần chúng với nhiều hình thức phong phú góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng.
Công đoàn được tổ chức rộng khắp, hoạt động có tiến bộ trong việc chăm lo giáo dục xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân, tổ chức phong trào thi đua, tham gia quản lý kinh tế - xã hội. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng đại đa số cán bộ, nhân viên cố gắng công tác, đóng góp nhiều sáng kiến trong việc khắc phục thiếu nguyên liệu, vật tư, năng lượng... Chỉ riêng 2 năm (1984-1985), Công đoàn thực hiện hàng trăm công trình trọng điểm, then chốt, đóng góp hàng ngàn sáng kiến có giá trị, làm lợi cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng. Nhiều đơn vị đăng ký thi đua giành danh hiệu "Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa".
Hội nông dân tiếp tục phát huy thắng lợi các mặt trong sản xuất nông nghiệp, động viên hội viên tăng cường làm thủy lợi, cải tạo đồng ruộng, tích cực trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; tạo điều kiện cho giai cấp nông dân đẩy mạnh phong trào "xây dựng nông thôn mới" và phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh biên giới và đồng bào các vùng bị thiên tai lụt bão.
Hội liên hiệp phụ nữ qua đại hội Hội các cấp có bước chuyển biến mới về giáo dục chính trị tư tưởng, kiện toàn tổ chức và phương thức hoạt động. Phát động được các phong trào như "người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "Phụ nữ tài năng", chăm sóc nuôi dạy con theo phương pháp khoa học thu hút đông đảo phụ nữ tham gia. Tổ chức hội thi phụ nữ tài năng, các hội thi cấy, thi thợ giỏi, đóng góp hàng ngàn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trên mặt trận sản xuất trong các ngành kinh tế của tỉnh.
Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có bước phát triển mới về số lượng và chất lượng, giới thiệu nhiều đoàn viên ưu tú cho Đảng. Trong 2 năm (1984-1985), có 20.986 thanh niên được kết nạp vào Đoàn; năm 1985 có 660 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng. Lực lượng thanh niên, đoàn viên tham gia xây dựng hàng ngàn công trình, đóng góp hàng vạn ngày công trên công trường hồ chứa nước Đá Bàn, mở vùng đất mới Sông Hinh và các công trình thủy lợi khác. Đồng thời tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, đóng góp hàng ngàn sáng kiến, làm lợi hàng chục triệu đồng.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tập hợp lực lượng các giới tham gia có kết quả vào thực hiện các chủ trương, công tác của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực vào việc tổ chức, giáo dục, động viên quần chúng tham gia tốt các cuộc vận động chính trị lớn của tỉnh như: Bầu cử Quốc hội khóa VII (ngày 26-4-1981), bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Khánh khóa II ngày 26-4-1981 và trong cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp.
III. ĐẢNG BỘ PHÚ KHÁNH NHỮNG NĂM ĐẦU LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG (1986 – 6/1989)
Bước vào năm 1986, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Khánh nói chung, trên địa bàn Khánh Hòa nói riêng tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn thách thức mới phát sinh. Cơ chế khoán 100 bộc lộ những nhược điểm do cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp để lại; số hợp tác xã “khoán trắng” ngày càng nhiều; thu nhập của xã viên hợp tác xã tuy có tăng, song chưa tương xứng với công sức lao động... Do chưa đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân, sự hồ hởi của người lao động bị chững lại. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa V) có một số sai lầm và khuyết điểm về giá - lương - tiền gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhân dân. Công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp bộc lộ nhiều yếu kém, giá trị sản lượng chỉ đạt 83,2% kế hoạch. Khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển so với kế hoạch đạt thấp. Mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa có mở rộng nhưng việc nắm nguồn hàng và làm chủ thị trường còn yếu. Công tác cải tạo thương nghiệp tư doanh, quản lý thị trường bị buông lỏng, tư thương phát triển tự do, giá cả thị trường tiếp tục tăng vọt. Từ năm 1980 đến năm 1986, thời tiết không thuận lợi: hạn hán, lũ lụt diễn ra liên tiếp, nhất là trận lụt lớn cuối năm 1986 gây thiệt hại nặng nề về người và cơ sở vật chất, tổng sản lượng lương thực qui thóc cả tỉnh đạt 41,4 vạn tấn (bằng 83% kế hoạch, giảm 10% so với năm 1985). Đời sống nhân dân đứng trước những khó khăn gay gắt; tiêu cực trong xã hội gia tăng; văn hóa- xã hội xuống cấp; đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam, đẩy mạnh chiến tranh phá hoại nhiều mặt; vùng biên giới luôn trong tình trạng không ổn định. Trong khi tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp; các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô khủng hoảng nghiêm trọng, tác động rất lớn đến nước ta.
Trong bối cảnh đó, Đảng ta phải tìm giải pháp để đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Để chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, theo Chỉ thị số 80 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Phú Khánh chỉ đạo các Huyện ủy, Thị, Thành ủy và các Đảng ủy trực thuộc tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, đóng góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội VI của Đảng.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Khánh lần thứ IV
Từ ngày 20 đến 26-10-1986, Đảng bộ tỉnh Phú Khánh tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ IV tại thành phố Nha Trang. Dự Đại hội có 409 đại biểu chính thức thay mặt cho hơn 17.000 đảng viên thuộc 904 tổ chức cơ sở Đảng trong toàn tỉnh.
Đại hội sôi nổi thảo luận đóng góp ý kiến bổ sung vào bản Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V) trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Đại hội nhất trí với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” và sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng, các quan điểm của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương đổi mới của Đảng, kiên quyết đổi mới tư duy trước hết đổi mới tư duy kinh tế.
Đại hội tập trung đánh giá tình hình thực hiện các mặt công tác do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III đề ra. Đánh giá tổng quát tình hình kinh tế - xã hội 3 năm (1983-1985) của tỉnh, Đại hội nêu rõ có 9 trong số 14 chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III đề ra đạt và vượt mức kế hoạch. Đến cuối năm 1984, một số chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm (1981-1985) được thực hiện trước một năm. Tổng sản lượng lương thực tăng bình quân hàng năm 8,2%. Trong 5 năm, khai hoang 3 vạn hécta, tăng năng lực tưới nước cho 4.300 ha, bước đầu hình thành và phát triển các vùng chuyên canh lúa cao sản, sắn, mía, đào, cà phê, dừa... Sản xuất công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, giá trị sản lượng tăng bình quân hàng năm 22,1%. Sản lượng vải, xi măng, đường, giấy, xà phòng... tăng khá. Ngành nghề và cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp được mở rộng, có thêm mặt hàng mới cho tiêu dùng và xuất khẩu. Giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 40% giá trị sản lượng công nông nghiệp toàn tỉnh. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế được duy trì và có chuyển biến tích cực trên một số mặt. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với tỉnh kết nghĩa Stung-treng (Campuchia) đạt hiệu quả tích cực. Công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể nhân dân được chú trọng thường xuyên.
Trên cơ sở đánh giá đúng những ưu điểm, khuyết điểm, căn cứ vào tình hình cụ thể của tỉnh, Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1986-1990): Tiếp tục thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược và 4 mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và V, phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Khánh trở thành một trong những tỉnh “giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, đẹp về văn hóa”. Mục tiêu tổng quát của những năm tới là: Trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất theo cơ cấu kinh tế, ổn định tình hình kinh tế- xã hội, ổn định và cải thiện một bước đời sống nhân dân, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, thực hiện cơ chế quản lý mới, tiếp tục củng cố an ninh quốc phòng và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Đại hội đề ra 5 nhiệm vụ lớn là:
1. Trước hết phải thực hiện sự ổn định về sản xuất, sử dụng hết lực lượng lao động xã hội, huy động các thành phần kinh tế dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Nhà nước. Khai thác, sử dụng tối đa những tiềm năng sản xuất hiện có. Đẩy mạnh sản xuất công - nông nghiệp, tập trung cao cho mặt trận hàng đầu là nông nghiệp. Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Từng bước tạo tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế. Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.
2. Ổn định và cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân; tạo ra chuyển biến mới về xã hội; từng bước xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
3. Tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục suốt cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Phải tăng cường chỉ đạo, nhất là đối với cải tạo công thương nghiệp tư doanh. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa. Thực hiện cơ chế quản lý mới, phát huy quyền tự chủ của cơ sở.
4. Nâng cao cảnh giác cách mạng, hành động kiên quyết cùng cả nước làm thất bại cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, đế quốc và phản động quốc tế, sẵn sàng đối phó với chiến tranh xâm lược.
5. Làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Tăng cường đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện với tỉnh kết nghĩa Stung treng. Mở rộng hợp tác kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện phương hướng, nhiệm vụ trên, Đại hội quyết định nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể trên các lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp, đến năm 1990 đạt 650 ngàn tấn lương thực. Giá trị sản lượng công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp tăng bình quân hàng năm 22%. Phấn đấu đến 1990 tổng giá trị xuất khẩu đạt 50 triệu rúp (đôla). Trong kế hoạch 1986-1990, tạo thêm việc làm cho 4 vạn lao động; giảm tỷ lệ phát triển dân số xuống 1,5% vào năm 1990...
Đại hội nhấn mạnh: Mấu chốt để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra là xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đoàn kết nhất trí cao trên cơ sở các quan điểm, đường lối và nguyên tắc của Đảng thể hiện trong các Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IV, V, VI của Đảng.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IV gồm 60 đồng chí, trong đó có 45 đồng chí ủy viên chính thức. Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm có 13 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Duy Luân - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Bùi Hồng Thái, Võ Hòa được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, từ ngày 15 đến 18-12-1986 tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp đã nghiêm khắc kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước. Chỉ rõ những sai lầm, khuyết điểm, nguyên nhân khách quan, chủ quan và rút ra bài học kinh nghiệm lớn. Trên cơ sở đó, Đại hội đề ra đường lối đổi mới: đổi mới tư duy lý luận, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức cán bộ và phong cách lãnh đạo của Đảng; thực hiện ba chương trình kinh tế lớn: lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, nhằm từng bước đưa nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng và tiếp tục đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội lần thứ VI của Đảng đánh dấu bước chuyển có ý nghĩa chiến lược của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV được Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên và phổ biến sâu rộng trong toàn dân. Qua học tập, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được đường lối đổi mới và quyết tâm đổi mới của Đảng. Nhận thức quan trọng nhất của cán bộ, đảng viên trong đổi mới tư duy kinh tế là tập trung xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, hiệu quả kinh tế là mục tiêu hàng đầu trong sản xuất kinh doanh.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, từ ngày 1 đến 9-4-1987, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI) họp bàn giải quyết những vấn đề khó khăn, ách tắc trong phân phối lưu thông, tạo đà đẩy mạnh công cuộc đổi mới.
Tháng 8-1987, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới cơ chế quản lý, quyết định chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế cơ sở quốc doanh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước về kinh tế...
Phú Khánh thực hiện Nghị quyết của Đảng trong tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn nhiều mặt. Hội nghị Tỉnh ủy (khóa IV) họp lần thứ 3 từ ngày 13 đến 14-2-1987, sau khi nghiên cứu và thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1986, Hội nghị thông qua phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1987 và những chỉ tiêu chủ yếu, những biện pháp lớn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra. Hội nghị chỉ rõ kế hoạch năm 1987 hướng tập trung vào 3 chương trình mục tiêu (sản xuất lương thực, thực phẩm; sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu). Phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng lao động sản xuất, phân bố lại lao động, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến quản lý, chấn chỉnh tổ chức bộ máy và cán bộ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trên cơ sở củng cố và phát huy sức mạnh của làm ăn tập thể, thực hiện khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động; thúc đẩy sản xuất phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật và tích lũy của hợp tác xã tăng cường. Nhiều hợp tác xã phát triển kinh doanh tổng hợp, mở rộng ngành nghề, nhân tố mới và điển hình tiên tiến xuất hiện, bước đầu hình thành một số cụm kinh tế - kỹ thuật nông - công nghiệp từ cơ sở.
Kết quả sản xuất và hợp tác hóa nông nghiệp là thành tựu to lớn, có ý nghĩa nhiều mặt, góp phần quan trọng tạo ra bộ mặt nông thôn mới xã hội chủ nghĩa, bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho nhân dân, làm nghĩa vụ với nhà nước ngày càng tăng, đời sống nông dân được ổn định, nhiều vùng được cải thiện rõ rệt, an ninh chính trị và an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp có chiều hướng tăng chậm, không ổn định, sản lượng lương thực và đàn gia súc không đạt kế hoạch. Diện tích trồng màu giảm. Sản lượng nông sản hàng hóa chưa đáng kể, một số vùng ở miền núi, ven biển, hải đảo còn mang tính tự cấp, tự túc. Tài nguyên rừng giảm nghiêm trọng do không kết hợp chặt chẽ giữa các khâu trồng rừng, quản lý, bảo vệ và khai thác.
Cải tạo nông nghiệp còn nóng vội, giản đơn, vận dụng qui mô, hình thức, bước đi chưa sát hợp với điều kiện cụ thể về tự nhiên, xã hội, trình độ quản lý của từng địa phương, từng vùng. Một số hợp tác xã qui mô lớn, hình thức cao không đủ sức quản lý, dẫn đến yếu kém kéo dài. Nhiều tập đoàn sản xuất chỉ là hình thức, phần lớn là làm ăn cá thể, đời sống xã viên khó khăn. Tình trạng nông dân trả lại ruộng khoán, xin ra hợp tác xã, đòi lại ruộng đất cũ để làm ăn riêng lẻ xảy ra ở một số nơi.
Việc giao đất, giao rừng còn là hình thức, nhiều hợp tác xã chưa tổ chức kinh doanh nghề rừng; các hộ gia đình chưa được giao đất, giao rừng hoặc chưa muốn nhận đất, nhận rừng để sản xuất. Việc quản lý và khai thác chế biến lâm sản bị buông lỏng.
Các nông - lâm trường quốc doanh phần lớn làm ăn hiệu quả chưa cao, bộ máy quản lý, điều hành còn nhiều tiêu cực. Một thời gian dài chưa có chính sách kinh tế gia đình, kinh tế tư nhân, chưa tổ chức liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế...
Trước thách thức của cơ chế thị trường, sản xuất nông nghiệp của cả nước có chiều hướng chững lại và giảm sút. Cơ chế “khoán 100” trong nông nghiệp tạo hiệu quả kinh tế lớn, song cũng bộc lộ những nhược điểm. Để tìm lối thoát, tiếp tục đưa nông nghiệp phát triển, từ kinh nghiệm thực tiễn thực hiện Chỉ thị 100-CT/TW về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp ở các địa phương, Bộ Chính trị tổng kết và ra Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 5-4-1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, xác định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, tiến tới giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài cho hộ xã viên.
Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khóa VI) đánh dấu sự mở đầu cho thời kỳ đổi mới nông nghiệp và nông thôn nước ta. Thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Phú Khánh tổ chức học tập quán triệt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là vùng nông thôn và các khu vực kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp tập thể, quốc doanh.
Từ ngày 20 đến 22-6-1988, Hội nghị Tỉnh ủy Phú Khánh lần thứ 11 (khóa IV) họp quán triệt Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, kiểm điểm tình hình sản xuất và hợp tác hóa nông nghiệp, quyết định phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp10. Đồng thời chỉ đạo các Đảng bộ xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (gọi tắt là khoán 10).
Trên mặt trận sản xuất và phân phối lưu thông, từ thực trạng kinh tế - xã hội của tỉnh và trên tinh thần đổi mới, Đảng bộ bước đầu có cách nhìn thực tế hơn. Đầu năm 1988 Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng đề án 3 chương trình kinh tế, tuy chưa hoàn chỉnh và chưa được thông qua nhưng trong chỉ đạo điều hành của Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, từng ngành, từng địa phương chú trọng hướng vào 3 chương trình, khắc phục dần tình trạng phân tán của các năm trước, dành ưu tiên cho các công trình trọng điểm và các công trình phục vụ 3 chương trình kinh tế. Năm 1986, toàn tỉnh có hơn 120 công trình đang thi công, đến năm 1987 còn 65 công trình và năm 1988 còn lại 37 công trình được đầu tư theo nguồn vốn ngân sách. Tổng mức đầu tư hai năm 1987-1988 gần 5 tỷ đồng (vốn ngân sách 3,2 tỷ đồng), riêng 3 chương trình kinh tế chiếm 60-70% mức vốn đầu tư. Xây dựng cơ bản mở ra triển vọng lớn về liên doanh, liên kết và huy động vốn ngoài ngân sách, về chỉ đạo tập trung dứt điểm từng công trình sớm đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả nhanh.
Đi đôi với việc bố trí lại cơ cấu đầu tư, tỉnh từng bước sắp xếp lại sản xuất, tinh giảm biên chế và bố trí lại cán bộ (giảm bớt một phần lực lượng gián tiếp)...
Trong hai năm 1987-1988, chương trình lương thực - thực phẩm tăng thêm đáng kể diện tích được tưới nước, bao gồm cả thủy lợi nhỏ, bảo đảm nguồn phân bón và thuốc trừ sâu, diện tích lúa có năng suất cao được tăng thêm, sản lượng lương thực qui thóc năm 1988 đạt 41,6 vạn tấn, tăng hơn 1 vạn tấn (2,7%) so với năm 1987, nhưng mới đạt 88,5% kế hoạch năm. Do nắng hạn, diện tích màu và cây công nghiệp giảm nhiều, so với diện tích gieo trồng diện tích màu chỉ đạt 9,9%, riêng diện tích ngô tăng khá, tỷ trọng màu trong cơ cấu lương thực chiếm 12%. Cây công nghiệp phát triển khá là cà phê, hồ tiêu, dừa và cây đào, so với cuối 1986 tăng 40-50% diện tích.
Nhờ có chủ trương mở rộng chăn nuôi khu vực gia đình và cho tự do lưu thông, đàn trâu bò tiếp tục phát triển mạnh, tỷ lệ tăng hàng năm trên 3%, so với năm 1986 tăng gần 7% (riêng đàn heo có xu hướng giảm, chăn nuôi công nghiệp giảm nhiều do giá cả, thức ăn và con giống không đảm bảo).
Nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm xuất khẩu phát triển mạnh ở cả 3 khu vực quốc doanh, tập thể và cá thể. Triển khai hợp tác với nước ngoài về phát triển nuôi tôm có năng suất cao và đánh bắt hải sản.
Năm 1988 biển mất mùa cá, an ninh vùng biển không đảm bảo làm cho ngư dân thiếu yên tâm, sản lượng đánh bắt chỉ đạt 3,89 vạn tấn, bằng 97% kế hoạch. Thu mua và chế biến hải sản tăng hơn các năm trước. Quản lý thu mua nguồn hải sản xuất khẩu chưa tốt, sản xuất muối có chiều hướng chững lại do việc tiêu thụ gặp khó khăn (tồn kho hàng vạn tấn muối).
Thu mua và cân đối lương thực năm 1988 mới đạt 71% kế hoạch (10/14 vạn tấn), bằng 77% khối lượng lương thực huy động năm 1987. Bình quân lương thực giảm dần (năm 1985: 393 kg/người, năm 1988: 284kg/người), do sản lượng lương thực tăng chậm và dân số tăng nhanh (trên 2%). Tình trạng thiếu đói cục bộ xảy ra ở hầu hết các huyện miền núi và rải rác ở 1 số xã vùng đồng bằng do thiên tai nặng. Số người thiếu đói có lúc lên đến gần 2 vạn người.
Mặc dù triển khai chưa đồng bộ và còn chậm, nhưng chương trình lương thực, thực phẩm có những tiến bộ đáng kể. Tình trạng nông dân đòi lại ruộng đất xảy ra ở một vài nơi khi thực hiện khoán 10 đã được Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, vấn đề đòi lại ruộng đất căn bản được giải quyết. Tư duy mới thể hiện qua chủ trương, chính sách, cơ chế quản lý kinh tế đi dần vào cuộc sống; chính sách kinh tế gia đình, mô hình hợp tác xã kinh doanh tổng hợp, khoán theo đơn giá thanh toán gọn trong hợp tác xã nông nghiệp, ổn định giá trao đổi vật tư nông nghiệp và thóc giữa Nhà nước với nông dân. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp như dùng giống mới, tăng diện tích tưới nước, đảm bảo nguồn vật tư cho nông nghiệp, nhất là phân bón, ... tạo cơ sở cho nông nghiệp phát triển vững chắc hơn. Ngành thủy sản chuyển hướng từ tập trung cho hợp tác xã và tập đoàn sau mở rộng đầu tư phát triển khu vực cá thể, cho ngư dân góp vốn mua sắm tàu thuyền và ngư lưới cụ, phát triển cơ sở nuôi trồng, tăng nhập khẩu các trang thiết bị cho nghề cá, hai năm 1987-1988 đầu tư đạt 2,3 triệu đôla, đóng thêm 2,5 vạn tàu thuyền, khôi phục và phát triển hàng ngàn hécta mặt nước nuôi tôm. Phương thức kinh doanh của ngành thủy sản có nhiều chuyển biến tốt. Xuất hiện nhiều nhân tố mới, nông dân, ngư dân gắn bó với ruộng đất và tàu thuyền. Đời sống ngư dân có sự thay đổi về nhiều mặt.
Tuy nhiên chương trình lương thực, thực phẩm, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Chưa chủ động chuyển hướng cây trồng cho phù hợp với đặc điểm từng vùng. Nạn phá rừng chưa được ngăn chặn kịp thời, làm ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước và là một trong những nguyên nhân gây ra hạn hán và lũ lụt.
Chương trình sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu có chuyển biến tích cực. Từ đầu năm 1987, thực hiện Nghị quyết 306 của Bộ Chính trị và Quyết định 217 của Hội đồng Bộ trưởng, quyền chủ động sản xuất - kinh doanh của đơn vị cơ sở được xác định. Việc liên doanh, liên kết tạo thêm nguồn vật tư, tiêu thụ sản phẩm, tranh thủ được nguồn vốn của tư nhân, tập thể cả ở địa phương và nước ngoài mang lại kết quả rõ rệt. Các xí nghiệp hợp tác, liên doanh sản xuất và gia công hàng xuất khẩu trên địa bàn Nha Trang có kết quả bước đầu, mở ra nhiều triển vọng.
So với năm 1987, năm 1988 các mặt hàng tăng khá như nông cụ cầm tay (tăng 30%), phụ tùng xe đạp (tăng 20%), thuốc chữa bệnh (tăng 120%), xà phòng, đường thủ công, thuốc lá (tăng 12-15%), vải các loại (tăng 5-10%). Giá trị sản lượng năm 1988 đạt trên 1 tỷ đồng. Một số mặt hàng mới có khả năng mở rộng như dây khóa kéo, mũi giầy, may mặc xuất khẩu, xà phòng thương phẩm, phụ tùng máy dệt, đồ điện...
Công tác xuất nhập khẩu có tiến bộ. Năm 1988 kim ngạch xuất khẩu đạt 13,5 triệu Rúp. Các ngành và địa phương chú ý hơn trong việc đầu tư phát triển các vùng chuyên canh, cây con có giá trị xuất khẩu lớn như cà phê, tiêu, đào, dừa, lạc và nuôi tôm... Phát triển thêm một số mặt hàng hải sản có giá trị xuất khẩu như mực lột da, mực tẩm, sứa muối phèn... Việc nhập khẩu được chấn chỉnh lại và ưu tiên nhập tư liệu sản xuất (73,40%). Nhờ phát triển mạnh các mặt hàng xuất khẩu trực tiếp sang khu vực 2, nên bước đầu chủ động được việc cung ứng vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, nhất là phân bón, máy móc cho nông nghiệp và ngư lưới cụ cho nghề cá.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, khả năng hiện có thì chương trình sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu đạt thấp. Hàng tiêu dùng sản xuất trong tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu, mới chiếm 30% lượng hàng bán ra của thương nghiệp trên thị trường trong tỉnh. Chưa khắc phục được vấn đề vật tư, nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất, nhất là thiếu điện ở khu vực phía bắc tỉnh. Công suất, thiết bị, máy móc sử dụng 45-50%. Công nghiệp chế biến yếu, không khai thác hết nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Giá cả biến động nhanh làm cho xí nghiệp không xử lý kịp đầu vào lẫn đầu ra. Mặt khác ảnh hưởng của cơ chế cũ vẫn còn nặng, các đơn vị sản xuất kinh doanh đi vào hạch toán bộc lộ nhược điểm về trình độ quản lý, về tiêu thụ sản phẩm và chậm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Nghị quyết 16 và các nghị định 27-28 và 29 của Hội đồng Bộ trưởng chưa được cụ thể hóa và phổ biến sâu rộng đến quần chúng, chưa phát huy và khai thác tốt năng lực sản xuất phong phú trong nhân dân.
Công tác xuất nhập khẩu tuy có nhiều cố gắng nhưng chuyển biến còn chậm, hiệu quả còn thấp, năm 1988 mới đạt 90,3% kế hoạch. Chưa tạo được mặt hàng xuất khẩu chủ lực với số lượng lớn, chất lượng tốt và ổn định. Một số mặt hàng quý hiếm, có giá trị cao như tôm, trầm kỳ, yến sào, chưa quản lý tốt dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, đẩy giá lên cao và chạy ra ngoài tỉnh. Quy hoạch, tạo vùng sản xuất nông sản xuất khẩu chưa xác định chính xác đầu tư vốn cho chương trình sản xuất hàng xuất khẩu còn thấp, tỷ giá đồng Việt Nam và ngoại tệ chênh lệch lớn làm cho xuất khẩu bị ách tắc, thậm chí thua lỗ. Kết hối ngoại tệ đối với Trung ương quá cao (10-30%). Chính sách xuất nhập khẩu của Trung ương và địa phương còn gò bó, thiếu thống nhất, bộ máy ngành xuất khẩu của tỉnh chưa được củng cố, thiếu cán bộ có nghiệp vụ giỏi. Hoạt động kinh tế đối ngoại yếu, chưa lường hết diễn biến của thị trường quốc tế, thiếu nhạy bén để thu hút nguồn vốn từ bên ngoài.
Sau cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền, mặt trận phân phối lưu thông tiếp tục rối ren, nguyên nhân chủ yếu là do mất cân đối giữa cung và cầu, giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa tiền và hàng. Việc điều chỉnh giá, nâng giá đi đôi với phát hành tiền mới càng làm cho vấn đề quản lý tiền, hàng và giá cả thêm phức tạp, tác động xấu đến sản xuất.
Trong bối cảnh đó, ngành thương nghiệp quốc doanh tỉnh Phú Khánh có nhiều cố gắng trong việc cung ứng hàng hóa và cải tiến phương thức mua bán, từng bước nâng cao tính cạnh tranh trong thị trường tự do, góp phần bình ổn giá cả, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, phục vụ sản xuất và đời sống. Doanh số mua vào và bán ra mỗi năm đều tăng, năm 1987 mua vào vượt kế hoạch 27%, bán ra vượt 15%. Năm 1988 mua vào 91 tỷ đồng (mua địa phương 55 tỷ đồng), bán ra 104,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, những mặt hàng chủ yếu mua và bán tại địa phương không tăng, có 1 số mặt hàng giảm hơn trước (nhất là hàng nông sản thực phẩm). Một số công ty còn nặng chạy theo các mặt hàng có chênh lệch giá lớn, chưa khai thác tốt các mặt hàng sản xuất ở địa phương để khuyến khích sản xuất phát triển, các điểm ăn uống, dịch vụ, giải khát phát triển quá nhiều làm cho thị trường, giá cả càng rối ren hơn. Trong kinh doanh thương nghiệp nặng về khu vực thành thị, vùng nông thôn đồng bằng và miền núi ít chú ý, những nhu cầu tối thiểu của quần chúng ở những vùng này không đáp ứng được, bán lẻ của ngành thương nghiệp mới đạt 56% thị trường xã hội. Từ đầu năm 1989 thị trường, giá cả có những điểm mới, hàng hóa phong phú, giá cả giảm dần... Thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán thiếu nhạy bén, phương thức mua bán không chuyển biến nên các hoạt động kinh doanh bị thua lỗ, đình đốn.
Công tác quản lý thị trường được chấn chỉnh lại. Các chợ, các trung tâm buôn bán, dịch vụ được sắp xếp lại, các biện pháp kiểm tra và quản lý thị trường được tăng cường. Song bộ máy ngành thuế còn yếu, triển khai chưa đều khắp, thiếu biện pháp đồng bộ, chưa gắn với chính quyền xã, phường để nắm chắc số hộ kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh (mới cấp giấy phép 13.057/23.304 hộ, đạt 56%), xử lý số người kinh doanh trái phép, đầu cơ, buôn lậu chưa kiên quyết. Số hộ buôn chuyến đường dài và tư thương phát triển, các cơ quan, đơn vị không có chức năng thương nghiệp cũng phát triển kinh doanh, dịch vụ nên thuế công thương nghiệp thất thu còn rất lớn.
Từ tháng 7-1988, Ngân hàng Nhà nước chuyển hướng hoạt động theo cơ chế mới, có hạch toán kinh doanh, lập thêm 2 ngân hàng công thương và nông nghiệp. Việc quản lý tiền mặt được chặt chẽ hơn, giảm được tốc độ bội chi tiền mặt so với trước.
Với cơ chế mới, các đơn vị sản xuất kinh doanh trực tiếp vay vốn ngân hàng, bước đầu tạo thế chủ động về tài chính của xí nghiệp, quay nhanh vòng vốn, tạo được nguồn vốn để hoạt động, hiện tượng ỷ lại vào vốn ngân sách đã giảm nhiều.
Ngân hàng tập trung hỗ trợ cho chương trình lương thực, thực phẩm 22 tỷ (riêng cho thu mua 10,5tỷ), chương trình sản xuất hàng tiêu dùng 6,5 tỷ, chương trình sản xuất hàng xuất khẩu 8,1 tỷ, khu vực kinh tế gia đình vay gần 1 tỷ. Tuy có chuyển biến so với trước, song chưa theo kịp những biến động về giá và tiền, các hình thức thanh toán cũng như các hoạt động của ngân hàng còn kém năng động, thiếu biện pháp để giám sát các nguồn vốn cho vay và thu hồi các nguồn vốn ở các đơn vị sản xuất kinh doanh, huy động tiền nhàn rỗi trong nhân dân chưa nhiều. Bội chi tiền mặt còn lớn, riêng năm 1988 bội chi 16,3 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về chống lạm phát, Tỉnh ủy có chương trình chống lạm phát 6 tháng cuối năm 1988, nhưng chưa được triển khai tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc.
Hai năm (1987-1988), huy động cho ngân sách có nhiều tiến bộ so với trước, mỗi năm tăng 4 đến 5 lần, từng bước trang trải nhu cầu cơ bản cho phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, giải quyết nhu cầu về đời sống, bảo đảm cấp phát kịp thời về tiền lương và bù giá cho cán bộ, công nhân viên chức trong tỉnh và làm tròn nghĩa vụ nộp ngân sách cho Trung ương.
Tuy vậy, động viên tích lũy cho ngân sách còn hạn chế, chưa tạo được nhiều nguồn thu mới, thất thu thuế công thương nghiệp còn lớn. Chính sách tài chính còn nhiều mặt bất hợp lý, đặc biệt là chính sách thuế chưa khuyến khích được sản xuất và phân phối lưu thông, chưa điều tiết được các khoản thu nhập bất hợp lý trong các ngành và các thành phần kinh tế.
Đổi mới cơ chế quản lý và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có chuyển biến. Thực hiện Nghị quyết 306 của Bộ Chính trị và Quyết định 217 của Hội đồng Bộ trưởng, tỉnh chọn 1 số đơn vị làm thí điểm, sau khi sơ kết được triển khai rộng rãi. Kết quả bước đầu, các xí nghiệp chủ động bố trí được phương án sản xuất kinh doanh, giảm đáng kể bộ phận gián tiếp, xem xét lại các định mức kinh tế kỹ thuật, thực hiện lương khoán, tuyển lao động hợp đồng... đến cuối năm 1988 hầu hết các đơn vị quốc doanh trong tỉnh đi dần vào thực hiện Quyết định 217 nhưng còn lúng túng, những điều kiện cơ bản để thực hiện chưa bảo đảm (thiếu vật tư, năng lượng, vốn lưu động...). Quyền tự chủ của xí nghiệp chưa được tôn trọng, các cơ quan chủ quản cấp trên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở, chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết, thiếu chính sách đòn bẩy về giá và khuyến khích lợi ích vật chất. Chưa mạnh dạn giao quyền cho xí nghiệp, các yếu tố vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất chưa được giải quyết kịp thời. Mặt khác lại buông lỏng quản lý không đảm bảo nghĩa vụ nộp ngân sách... Giám đốc xí nghiệp vẫn còn tư tưởng ỷ lại, xử lý trong quá trình sản xuất thiếu năng động, chưa tiếp cận tốt với thị trường và thị hiếu người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành sản phẩm còn cao, chưa thể hiện rõ yếu tố cạnh tranh trong sản xuất.
Ngành nông nghiệp áp dụng giống lúa có năng suất cao và giống chịu sâu bệnh, nâng trọng lượng xuất chuồng đàn heo. Các hợp tác xã nông nghiệp, từ khoán sản phẩm đến xây dựng mô hình hợp tác xã nông-công-thương-tín đã tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển. Chính sách kinh tế gia đình được nông dân hưởng ứng, tạo được không khí lao động, sản xuất sôi nổi ở nông thôn. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khóa VI) nhanh chóng đi vào cuộc sống. Với cơ chế khoán 10 tạo bước chuyển biến mạnh trong nông nghiệp, khơi dậy động lực sản xuất, nông dân an tâm, phấn khởi hơn trước.
Ngành thủy sản đi đôi với khắc phục những thiếu sót trong công tác cải tạo nghề cá, bước đầu khuyến khích ngư dân bỏ vốn khôi phục phát triển nghề cá cả đánh bắt, nuôi trồng và chế biến, thu mua hàng xuất khẩu, nhập ngư lưới cụ phục vụ cho nghề cá, đầu tư mạnh cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản. Hình thức liên doanh thủy sản 3 cấp mang lại hiệu quả rõ rệt.
Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp bao gồm tập thể và cá thể có tiến bộ khá, nhân dân bỏ ra hàng ngàn lượng vàng để phát triển sản xuất. Giá trị sản lượng bằng 80% toàn ngành công nghiệp, riêng hàng tiểu thủ công nghiệp chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Thực hiện cơ chế mới tuy còn nhiều hạn chế, song tạo được sự chuyển biến tích cực trong các thành phần kinh tế, từng bước phát huy tiềm năng đất đai, lao động, ngành nghề, nguồn vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có.
Năm 1987-1988, toàn tỉnh có 60 đề tài khoa học kỹ thuật được áp dụng chủ yếu phục vụ 3 chương trình kinh tế, trong đó có 35 đề tài thuộc chương trình hàng tiêu dùng và 18 đề tài thuộc chương trình lương thực, thực phẩm.
Chương trình sản xuất hàng tiêu dùng đã tạo được mô hình liên kết giữa khoa học kỹ thuật và sản xuất, quan tâm sản xuất hàng tiêu dùng bằng nguyên liệu sẵn có ở địa phương, sản xuất các mặt hàng điện tử. Sản xuất hàng xuất khẩu, nghiên cứu phát triển tôm giống, thức ăn cho tôm và nuôi tôm tăng sản; phát triển các mô hình hợp tác liên doanh, liên kết trong nước và nước ngoài bước đầu mang lại hiệu quả.
Đi đôi với thực hiện 3 chương trình kinh tế, sự nghiệp văn hóa - xã hội của tỉnh được chú trọng. Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác giáo dục 3 năm 1988 - 1990, các cấp ủy và chính quyền quan tâm chỉ đạo, sự cố gắng của toàn ngành giáo dục bước đầu hạn chế giảm sút chất lượng dạy và học; huy động được một phần đóng góp của nhân dân để xây dựng trường, mua sắm đồ dùng dạy học, giảm dần việc học 3 ca, phát triển thêm hệ vừa học vừa làm, mở rộng hệ B... Học sinh phổ thông là dân tộc thiểu số tăng hơn trước.
Tuy vậy, chất lượng giáo dục vẫn tiếp tục giảm sút. So với năm học trước, giảm 46 nhà trẻ, nhóm trẻ, tỷ lệ trẻ đến lớp so với độ tuổi chỉ đạt 9,5%. Ngành phổ thông, năm học 1987-1988 tăng 5 trường nhưng giảm gần 5.000 học sinh. Sơ kết kỳ một năm học 1988-1989 số lượng học sinh cuối kỳ so với đầu kỳ giảm 11.000 em và giảm 138 lớp (trong đó cấp II giảm 135 lớp và 9.800 học sinh).
Thực hiện cải cách giáo dục thu được một số kết quả, nhưng còn bất hợp lý trong nội dung cải cách giáo dục, thiếu sách giáo khoa, chương trình học quá cao. Đội ngũ giáo viên không đáp ứng được yêu cầu cải cách, việc đào tạo đội ngũ giáo viên không theo quy hoạch, chất lượng thấp, tình trạng thừa giáo viên các bộ môn khoa học tự nhiên, không bố trí được, trong khi giáo viên các bộ môn sử, địa và khoa học xã hội lại thiếu. Chất lượng dạy và học thấp; qua các kỳ thi có hơn 50% học sinh thực chất yếu kém, trong đó 20-30% học sinh yếu kém toàn diện. Đạo đức của học sinh tiếp tục sa sút, nhiều vụ đánh nhau gây thương tích, đe dọa hành hung thầy cô giáo, gây rối nhà trường xảy ra, ý thức bảo vệ của công, tôn trọng luật pháp kém…
Thực hiện Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hóa, văn nghệ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ đi đúng hướng, đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở, hoạt động nghệ thuật của các đoàn chuyên nghiệp có nhiều nét mới, tiến bộ cả về nội dung và trình độ diễn xuất. Các hoạt động điện ảnh, Video, triển lãm, bảo tàng đều có cố gắng. Tuy vậy, từng nơi, từng lúc xuất hiện một số lệch lạc như hợp tác với tư nhân mua băng Video để kinh doanh, lưu hành băng ghi hình, băng nhạc, tranh ảnh có nội dung xấu. Các hoạt động phim ảnh có tính kích động không kiểm soát được. Biện pháp giáo dục, ngăn ngừa bài trừ ấn phẩm văn hóa đồi trụy bị buông lỏng. Các hình thức sinh hoạt văn hóa tập trung nhiều ở thành phố, thị xã và thị trấn, vùng nông thôn, miền núi, ven biển chưa được chú ý. Ý thức phục vụ nhân dân, tuyên truyền cho chủ nghĩa xã hội trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật bị coi nhẹ. Tư tưởng đổi mới theo cái đúng, cái tiến bộ chưa nhiều, chiều hướng bung ra theo thị hiếu tầm thường ngày càng phát triển.
Từ giữa những năm 80 thế kỷ XX, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các bệnh dịch tả, dịch hạch, sốt suất huyết phát triển trên diện rộng, tuy số người mắc bệnh không nhiều nhưng tái diễn dai dẳng. Ngành y tế có cố gắng trong công tác phòng chống dịch, thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng; phát triển sử dụng đông y để điều trị có hiệu quả tốt. Khó khăn là các cơ sở y tế tiếp tục xuống cấp nhất là các huyện miền núi, thuốc chữa bệnh thiếu ảnh hưởng đến công tác điều trị và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Phương tiện khám điều trị và chế độ nuôi dưỡng còn kém, chất lượng điều trị giảm sút.
Trong 2 năm (1987-1988), toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 43.000 người. Điều động 3.750 hộ với 18.200 nhân khẩu đi xây dựng các vùng kinh tế. Thực hiện chính sách xã hội đối với 24.000 đối tượng. Cứu trợ kịp thời cho nhân dân các vùng bị hạn hán, lũ lụt.
Tuy nhiên, số người thiếu việc làm ngày càng tăng (trên 6 vạn người). Nạn xì ke, ma túy, gái bán dâm và các hiện tượng tiêu cực khác trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Những bất công trong xã hội diễn ra gay gắt; hiện tượng bi quan, thiếu lòng tin ở sự lãnh đạo của Đảng nảy sinh trong xã hội và ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc cải tạo, giáo dục thanh, thiếu niên hư và các đối tượng phạm pháp khác kết quả còn hạn chế.
Hoạt động thể dục thể thao tiếp tục phát triển, các vận động viên của tỉnh giành nhiều huy chương trong các kỳ thi đấu quốc gia. Phong trào rèn luyện sức khỏe được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng.
Công tác quốc phòng - an ninh có nhiều hoạt động tích cực. Sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, ngành công an chuyển hướng hoạt động, tập trung về cơ sở, bám địa bàn. Lực lượng công an từng bước được kiện toàn, tinh giảm biên chế, củng cố tổ chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới. Kết hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh, bảo vệ vững chắc địa bàn trọng điểm và mục tiêu chính trị, kinh tế quan trọng.
Các biện pháp đấu tranh ngăn ngừa và chống tội phạm hình sự có kết quả. Hưởng ứng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, hầu hết các nguồn tin có giá trị đều do nhân dân cung cấp. Song, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Vấn đề vượt biển trốn đi nước ngoài ngày càng nghiêm trọng và gây hậu quả xấu. Hai năm 1987-1988 có 287 vụ vượt biển với trên 4.000 người, riêng năm 1988 có 158 vụ với 2.327 người. Địa bàn tập trung là Nha Trang 57% số vụ, số người vượt biển đa số là dân lao động ở địa phương.
Nguyên nhân của tình hình trên có phần do đời sống khó khăn; sự kích động từ bên ngoài; công tác tuyên truyền, giáo dục vận động giải thích cho nhân dân chưa sâu rộng. Tổ chức cơ sở yếu kém chưa nắm chắc được dân, các lực lượng vũ trang trên địa bàn chưa phối hợp chặt. Một số vụ bán bến, bãi, câu móc tổ chức người vượt biển có lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở tham gia chưa kịp thời đưa ra công luận phê phán và xử lý nghiêm túc.
Phạm pháp hình sự tăng lên, số vụ năm sau tăng hơn và có tính chất nghiêm trọng hơn năm trước. Năm 1988, xảy ra 1.508 vụ phạm pháp hình sự, toàn tỉnh điều tra khám phá trên 43% số vụ, trong đó trọng án đạt 80% số vụ (riêng địa bàn Nha Trang chiếm 60% số vụ phạm pháp hình sự). Đối tượng gây án hầu hết là thanh thiếu niên hư và số lang thang không có công ăn việc làm ở các nơi khác đến. Bên cạnh các vụ phạm pháp hình sự, toàn tỉnh xảy ra 61 vụ cháy nổ làm chết 21 người, bị thương 37 người, thiệt hại tài sản gần 1 tỷ đồng. Nghiêm trọng là các vụ cháy gây thiệt hại lớn xảy ra ở đơn vị quân đội và công an chưa được kết luận làm rõ11. Các vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa có chiều hướng gia tăng. Năm 1988 xảy ra 172 vụ, thiệt hại 165 triệu đồng (tăng gấp 6 lần năm 1987). Hầu hết các vụ mất mát, thâm hụt xảy ra trong khu vực quốc doanh do quản lý lỏng lẻo để kẻ xấu lợi dụng sơ hở lấy cắp (70% số vụ), hoặc nội bộ móc ngoặc thông đồng với tư thương để tuồn hàng hóa của Nhà nước ra ngoài. Việc điều tra, xử lý và thu hồi tài sản đạt 20% số vụ. Ngoài ra, tình trạng lãng phí, tham ô cũng gây thất thoát hàng tỷ đồng.
Hưởng ứng “Những việc cần làm ngay”, Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 18 chỉ đạo giải quyết các vụ việc tiêu cực. Các ngành nội chính có sự phối hợp giải quyết các vụ án tồn đọng nhiều năm, góp phần đấu tranh ngăn ngừa tội phạm bảo vệ luật pháp, bảo vệ thành quả cách mạng, duy trì kỷ cương trật tự xã hội, đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân.
Từ sau ngày giải phóng, nhất là từ năm 1979 trở đi, tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến hết sức phức tạp. Quán triệt Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị, Hội nghị Tỉnh ủy Phú Khánh lần thứ 12 (khóa IV) ra Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 10-10-1988 về xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc. Sau khi đánh giá nhận định tình hình hoạt động của bọn phản động và các thế lực thù địch trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ, yêu cầu và nội dung xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc để bảo vệ Tổ quốc.
Mặc dù Đảng, Nhà nước và ngành Công an có nhiều cố gắng hạn chế tiêu cực, song tình hình trật tự xã hội vẫn diễn biến xấu, phức tạp. Tội phạm xảy ra trên nhiều lĩnh vực và đều tăng ở hầu hết các địa phương, nhất là các thành phố lớn, khu vực biên giới, các tuyến giao thông... gây thiệt hại về nhiều mặt, nỗi bất bình và lo lắng của quần chúng tăng lên. Ngoài những nguyên nhân khách quan, về chủ quan, công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, chưa động viên được các lực lượng và quần chúng tham gia. Trước tình hình đó, ngày 14-5-1989 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 135-CT/HĐBT về tăng cường công tác bảo vệ trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, yêu cầu các Bộ, các ngành, các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các cấp phải chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi địa bàn, địa phương mình, thực hiện ngay các biện pháp đã được Hội đồng Bộ trưởng đề ra.
Quán triệt Chỉ thị 135 của Hội đồng Bộ trưởng và chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngành Công an tỉnh giúp các cấp ủy và Ủy ban nhân dân xây dựng kế hoạch mở chiến dịch tấn công truy quét tội phạm hình sự trên địa bàn tỉnh.
Công tác xây dựng Đảng bộ và chính quyền tiếp tục được đẩy mạnh, công tác tư tưởng có nhiều cố gắng, động viên toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Chuyển biến quan trọng của công tác tư tưởng là sự nhất trí về nhận định tình hình nhiệm vụ, mục tiêu của cách mạng nước ta và quyết tâm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng. Nhận thức sâu sắc hơn vấn đề xây dựng cơ cấu kinh tế 5 thành phần và vấn đề 3 lợi ích trong lãnh đạo quản lý và điều hành kinh tế. Việc dân chủ hóa và công khai hóa được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng hoan nghênh. Tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình có chuyển biến rõ như nói thẳng, nói thật, công khai trên các phương tiện thông tin, đối thoại trực tiếp giữa cán bộ lãnh đạo với quần chúng. Bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, tăng cường giáo dục tư tưởng đổi mới, lập trường quan điểm, ý chí chiến đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức, quan điểm "lấy dân làm gốc" cho cán bộ, đảng viên.
Thông qua các đợt sinh hoạt chính trị trong Đảng, việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc củng cố tổ chức cơ sở Đảng gắn liền với xây dựng Đảng bộ huyện vững mạnh và củng cố hệ thống chuyên chính vô sản ở cơ sở có chất lượng hơn. Toàn Đảng bộ có 900 tổ chức cơ sở Đảng (174 Đảng bộ, 726 chi bộ cơ sở; 890 chi bộ dưới cơ sở và 1.677 tổ Đảng), tổ chức cơ sở Đảng chiếm 63,9% so với tổng số các tổ chức hành chính, các đơn vị kinh tế, sự nghiệp. Qua phân loại, số cơ sở Đảng vững mạnh chiếm 26,7%, khá 55%, yếu kém 18,3%. Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV đến tháng 9 -1988, toàn Đảng bộ kết nạp 1.400 đảng viên mới, đưa tổng số đảng viên lên 18.872 đồng chí, trong đó đảng viên dưới 40 tuổi chiếm 53,8%. Trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận Mác-Lênin từng bước được nâng lên.
Công tác kiểm tra của Đảng được tăng cường. Từ tháng 10-1986 đến 7-1989, Ủy ban Kiểm tra các cấp giúp cấp ủy xem xét xử lý 698 vụ kỷ luật, đạt 81% số vụ; đưa ra khỏi Đảng 249 trường hợp. Trong số đảng viên bị xử lý kỷ luật có 0,3% cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, 12% thuộc diện tỉnh quản lý và 74,9% thuộc diện huyện quản lý. Nội dung sai phạm chủ yếu là tham ô, vi phạm chính sách, pháp luật, nguyên tắc sinh hoạt Đảng, thoái hóa về lối sống; số ít còn lại phạm tiêu chuẩn lịch sử chính trị, trình độ giác ngộ và tác dụng đảng viên thấp.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 28-7-1986 của Bộ Chính trị (khóa V) về kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực của bộ máy chính quyền, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ kinh tế - xã hội và Nghị quyết 04 ngày 12-9-1987 của Bộ Chính trị (khóa VI) Về cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, Đảng bộ có sự chuyển biến bước đầu khá tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tăng cường công tác cán bộ của tỉnh. Đến cuối tháng 9-1988, bộ máy cơ quan Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh giảm 30% đầu mối so với trước (từ 13 ban trực thuộc Tỉnh ủy còn 9 ban; từ 38 sở, ngành trực thuộc Ủy ban còn 27 sở, ngành). Bộ máy cấp huyện từ 251 phòng, ban trực thuộc Ủy ban còn 139 phòng, ban (giảm 44%). Việc sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy được thực hiện đúng qui định của Trung ương; bước đầu giảm đầu mối, bỏ bớt cấp trung gian, giảm cấp phó, chuyển một bộ phận cán bộ sang làm việc theo chế độ cán bộ, chuyên viên. Nhiều nơi xác định lại chức năng nhiệm vụ, sửa đổi qui chế làm việc. Đội ngũ cán bộ, công nhân cả tỉnh có 52.425 người (không kể lực lượng quân sự, công an, biên phòng), trong đó khu vực hành chính sự nghiệp chiếm 52,2%, gần 3.000 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Trên cơ sở sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ cấp tỉnh và huyện dôi ra gần 1.000 người; trong số này được giải quyết: cho nghỉ chế độ, tự nguyện xin thôi việc hoặc đưa đi đào tạo và tăng cường cho cơ sở. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ được chú ý hơn trước. Trình độ mọi mặt của cán bộ được nâng lên một bước, số có trình độ đại học, cao đẳng trở lên chiếm 12,7%, trung học chuyên nghiệp 12,6% tổng số cán bộ, công nhân viên toàn tỉnh. Trên 200 cán bộ được đề bạt làm lãnh đạo, quản lý, trong đó có 38 trưởng, phó ngành cấp tỉnh.
Hơn 13 năm hợp nhất, Đảng bộ Phú Khánh đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh đoàn kết ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, thiên tai; ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn tỉnh.
Song quá trình hợp nhất hai tỉnh cũng bộc lộ những mặt hạn chế. Địa bàn tỉnh Phú Khánh quá rộng và phức tạp; điều kiện tự nhiên của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa lại có những đặc điểm khác nhau; truyền thống lịch sử hai tỉnh tuy có những nét chung nhưng đời sống văn hóa tinh thần có khác nhau. Trong quá trình lãnh đạo và điều hành công việc, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, thiếu sót, chưa phát huy được những thế mạnh tiềm năng của tỉnh nhà. Trình độ và khả năng của cán bộ có hạn nên việc chỉ đạo và điều hành bộ máy Đảng và chính quyền gặp nhiều khó khăn. Việc mất đoàn kết nội bộ nảy sinh và tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa được giải quyết kịp thời dẫn đến làm giảm sức mạnh của Đảng bộ, làm tổn thương đến truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên và Khánh Hòa. Một trong những nguyên nhân mất đoàn kết là tính cục bộ địa phương biểu hiện trên các mặt: công tác cán bộ, đầu tư xây dựng cơ bản và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trước nhu cầu phát triển của công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước theo tinh thần Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam và xuất phát từ thực tiễn, từ ngày 9 đến 16-2-1989, đồng chí Võ Chí Công, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và các đồng chí Trần Kiên, Bí thư Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đồng chí Nguyễn Xuân Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng- Ủy viên Hội đồng Nhà nước về thăm và làm việc tại tỉnh Phú Khánh. Trong thời gian ở thăm, các đồng chí Võ Chí Công, Trần Kiên, Nguyễn Xuân Hữu đã dự và trực tiếp chỉ đạo Hội nghị lần thứ 13 Tỉnh ủy Phú Khánh (khóa IV) họp ngày 15 đến 18-2-1989. Tại Hội nghị, Tỉnh ủy đã thẳng thắn nhìn thẳng sự thật và đánh giá việc mất đoàn kết nội bộ trong Đảng bộ thời gian qua là nặng nề, phổ biến và kéo dài, chỉ rõ tác hại và những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng mất đoàn kết; quyết định những nhiệm vụ cấp bách nhằm nhanh chóng khắc phục tình hình mất đoàn kết trong nội bộ Đảng12. Hội nghị cũng nêu vấn đề tách tỉnh là một yêu cầu khách quan, phù hợp với khả năng và trình độ quản lý của cán bộ, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế, cũng như tâm lý và lịch sử của nhân dân hai tỉnh.
Căn cứ đề nghị của Tỉnh ủy Phú Khánh, ngày 4-3-1989 Bộ Chính trị ra Quyết định số 83 về việc chia tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Bộ Chính trị chỉ rõ nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng bộ, nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ, đảm bảo sau khi tách tỉnh phải phát huy tốt năng lực đội ngũ cán bộ hiện có và giải phóng mọi năng lực sản xuất, đảm bảo công tác an ninh quốc phòng, đảm bảo phân chia tài sản đúng nguyên tắc, công bằng hợp lý và có sự đoàn kết nhất trí cao.
Trên tinh thần đó, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 14 (họp từ 14-15.3.1989) thảo luận, nhất trí cao và nghiêm túc chấp hành Quyết định của Bộ Chính trị. Để đảm bảo thực hiện tốt quyết định của Bộ Chính trị, Hội nghị đã quyết nghị một số vấn đề quan trọng về việc tách tỉnh và xác định: việc tách tỉnh phải đảm bảo kỷ cương, pháp luật, bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ, công bằng, hợp lý, chống mọi biểu hiện cơ hội, đề phòng kẻ địch và bọn xấu lợi dụng sơ hở để kích động chia rẽ.
Tách tỉnh là vấn đề lớn có liên quan đến sự ổn định và phát triển của Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Hội nghị kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh vì sự nghiệp lớn, vì sự phát triển phồn vinh và hạnh phúc của nhân dân hai tỉnh, đoàn kết nhất trí, đồng tâm hiệp lực chấp hành nghiêm chỉnh quyết định của Bộ Chính trị và Nghị quyết Tỉnh ủy.
Thực hiện Quyết định 83 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 14 của Tỉnh ủy về việc tách tỉnh, Tỉnh ủy chỉ đạo chặt chẽ về mặt tư tưởng làm cho mọi người nhận rõ chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế khách quan, tạo điều kiện cho hai tỉnh phát huy tiềm năng và thế mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Chấn chỉnh các hiện tượng lệch lạc gây mất đoàn kết nội bộ, tư tưởng cục bộ địa phương, cá nhân chủ nghĩa, đặt lợi ích lâu dài của Đảng bộ và nhân dân 2 tỉnh lên trên hết, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành việc tách tỉnh đúng thời gian qui định.
Ngày 30-6-1989, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết tách tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh mới là tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa. Tỉnh Khánh Hòa có 8 đơn vị hành chính, gồm thành phố Nha Trang và 7 huyện: Cam Ranh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh và Trường Sa13. Tỉnh lỵ là thành phố Nha Trang.
Từ tháng 11-1975 đến tháng 6-1989, Đảng bộ tỉnh Phú Khánh lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đạt nhiều thành tích quan trọng. Các Đảng bộ huyện, thành phố và quân dân trên địa bàn Khánh Hòa nỗ lực phấn đấu, góp phần đáng kể trong thắng lợi chung của tỉnh Phú Khánh trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế - văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng cách mạng; từng bước khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, ổn định đời sống nhân dân và có bước được cải thiện. Công tác quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường, nhiệm vụ phòng thủ địa phương được triển khai một bước, thực lực chính trị ở cơ sở được xây dựng, củng cố làm nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống “chiến tranh phá hoại nhiều mặt” của địch, nhờ vậy an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương, tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thôn, khóm, buôn làng được củng cố và kiện toàn, bảo đảm sự lãnh đạo và tổ chức thực hiện các mặt công tác của Đảng, tạo tiền đề vững chắc và rất cơ bản để Đảng bộ và quân, dân Khánh Hòa giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới trên địa bàn tỉnh.
___________
1. Hợp tác xã Ninh Quang mặc dù lúa bị rầy nâu phá hoại nghiêm trọng nhưng năng suất cả năm 1978 đạt 49 tạ/hécta, hơn hẳn năng suất lúa của nông dân còn làm ăn cá thể ở xung quanh. Năm 1979, hợp tác xã Diên An huyện Diên Khánh lần đầu tiên làm 3 vụ lúa trên diện tích 90 ha, năng suất đạt 10-11 tấn/ha/năm.
2. Trong số 61 vụ vượt biên đầu năm 1978, ta bắt được 42 vụ gồm 753 người, trong số này có 125 người Việt gốc Hoa, 34 ngụy quân, 18 ngụy quyền, 35 nhân viên tạm tuyển hợp đồng, 73 học sinh, sinh viên, 11 người trong lực lượng vũ trang và bán vũ trang của ta, 43 người làm biển, 51 người buôn bán và hàng trăm người thuộc các thành phần khác.
3. Khởi công xây dựng ngày 2-4-1977.
4. Khởi công xây dựng ngày 4-10-1977.
5. trong đó có 20 xi phông, 160 cống, 290 đập thời vụ, 1.500 ao giếng và hàng chục bờ xe nước.
6. "Ba khoán": Khoán chi phí sản xuất, khoán công điểm và khoán sản phẩm.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1982, tr.26.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1982, tr.72.
9. Rúp-đôla.
10. Nghị quyết Hội nghị Tỉnh uỷ về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, số 09-NQ/TU ngày 27-6-1988.
11. Cháy nhà thông tin của tiểu đoàn 12 thông tin, cháy kho quân trang của lữ đoàn 394, cháy xưởng gỗ của công an tỉnh, cửa hàng nông sản chợ Đầm, hội y học dân tộc.
12. Xem Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 21-2-1989 của Tỉnh uỷ Phú Khánh
"Một số vấn đề cấp bách về giải quyết tình hình mất đoàn kết nội bộ". Tài liệu lưu Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Khánh Hoà.
13. Ngày 28-12-1982, Nghị quyết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định sáp nhập huyện Trường Sa (nguyên thuộc tỉnh Đồng Nai) vào tỉnh Phú Khánh. Sau ngày chia tách tỉnh, Trường Sa là một huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Tags:
Tác giả:
Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
- LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH KHÁNH HÒA (1930 - 2005) (31/01/2018)
- Phụ lục 2 (30/01/2018)
- Phụ lục (30/01/2018)
- Kết luận (30/01/2018)
- Chương XVIII - Đảng bộ Khánh Hòa lãnh đạo công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996-2005) (30/01/2018)
- Chương XVII - Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (7/1989 - 1995) (30/01/2018)
- Chương VI - Cuộc kháng chiến bắt đầu (23/10/1945 - 12/1946) (30/01/2018)
- Chương V - Xây dựng chính quyền nhân dân và chuẩn bị kháng chiến (8/1945 - 10/1945) (30/01/2018)
- Chương IV - Cuộc vận động giải phóng dân tộc và cách mạng tháng Tám (1940 - 1945) (30/01/2018)
- Chương III - Thời kỳ đấu tranh chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đòi tự do, cơm áo và hòa bình (1936 - 1939) (30/01/2018)