PHẦN THỨ BA
ĐẢNG BỘ KHÁNH HÒA TRONG THỜI KỲ CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954 - 1975)
CHƯƠNG X
CUỘC ĐẤU TRANH ĐỂ GIỮ GÌN LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG (1954 - 1959)
TỪ ĐẤU TRANH VŨ TRANG CHUYỂN SANG ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ - ĐẤU TRANH ĐÒI THI HÀNH HIỆP ĐỊNH GIƠ-NE-VƠ
Từ năm 1946, Khánh Hòa là chiến trường vùng sau lưng địch. Cuộc đấu tranh giữa ta và địch trong nhiều năm liền đã diễn ra trong thế giằng co quyết liệt, phong trào cách mạng trong tỉnh nhiều lúc hết sức khó khăn. Nhưng đến giai đoạn 1953-1954, khi phong trào kháng chiến trong cả nước lên đến đỉnh cao giành thắng lợi quyết định, thì ở Khánh Hòa dấy lên một cao trào "nhân dân du kích chiến tranh" rộng lớn.
Cục diện tình hình trở nên vô cùng phức tạp. Miền Nam Việt Nam từ chỗ có chính quyền các cấp, có vùng tự do Liên Khu V tương đối rộng lớn, có nhiều vùng giải phóng và căn cứ du kích, nay trở thành một lãnh thổ hoàn toàn do đối phương quản lý. Tại đây còn nguyên mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam và bọn đế quốc xâm lược, mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân và giai cấp địa chủ, phong kiến, ngoài ra còn mâu thuẫn giữa 2 đế quốc Pháp, Mỹ và mâu thuẫn giữa các bọn tay sai của chúng.
Bước sang giai đoạn mới, kẻ thù của cách mạng nước ta không còn là thực dân Pháp mà là đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ và sen đầm quốc tế có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh nhất trong các thế lực đế quốc phản động. Đế quốc Mỹ đã giúp thực dân Pháp xâm lược nước ta, gánh chịu tới 73% chi phí chiến tranh cho Pháp. Lợi dụng thế suy yếu của Pháp, Mỹ ép Pháp công nhận Ngô Đình Diệm, một tên quan lại phong kiến điển hình làm thủ tướng. Mỹ ra sức xúi giục và tổ chức bọn địa chủ, tư sản phản động, đảng phái chính trị phản động, bọn lưu manh, bọn phản cách mạng, bọn cầm đầu ngụy quyền, ngụy quân tàn ác, một số giáo sĩ tôn giáo và một số giáo dân di cư lầm mưu địch làm cơ sở nhằm thực hiện mưu đồ đen tối thống trị miền Nam Việt Nam. Âm mưu cơ bản của đế quốc Mỹ: "tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước của nhân dân ta, thôn tính miền Nam chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam châu Á. Đồng thời lấy miền Nam làm căn cứ để tiến công miền Bắc, tiền đồn của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới ở Đông Nam châu Á, hòng đè bẹp và đẩy lùi chủ nghĩa xã hội ở vùng này, bao vây và uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa khác"1.
Thực hiện mưu đồ trên đây, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược Ai-xen-hao - một hình thức thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân mới. Dùng viện trợ kinh tế, quân sự, thông qua hệ thống "cố vấn" Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm cùng với lực lượng quân ngụy trên 20 vạn tên để nô dịch nhân dân miền Nam và tiến hành cuộc "chiến tranh một phía" bắt đầu từ nửa cuối năm 1954.
Độc lập dân tộc, thống nhất là con đường sống còn của nhân dân ta. Ngày 22-7-1954, trong Lời kêu gọi đồng bào cả nước, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: "Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ...".
"Đồng bào miền Nam kháng chiến trước hết, giác ngộ rất cao. Tôi chắc rằng, đồng bào sẽ đặt lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài trên lợi ích trước mắt, mà ra sức cùng đồng bào toàn quốc phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước"2.
Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 9-1954 cũng vạch ra nhiệm vụ của Đảng ở miền Nam là: "Lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến, củng cố hòa bình, thực hiện tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất và tranh thủ độc lập. Đồng thời phải lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống lại những hành động khủng bố, đàn áp, phá cơ sở, bắt bớ cán bộ ta và quần chúng cách mạng. Chống những hành động tiến công của địch, giữ lấy quyền lợi quần chúng đã giành được trong thời kỳ kháng chiến, nhất là ở những vùng căn cứ địa và vùng du kích của ta". Khẩu hiệu chung của miền Nam lúc này là: "Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ", thực hiện chính sách Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi để tranh thủ ảnh hưởng và tạo sự đồng tình rộng lớn buộc ngụy quyền phải tuân theo Hiệp định đình chiến, phải thừa nhận quyền tự do dân chủ của nhân dân trong một mức độ nào đó, phải tán thành Tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà.
Tỉnh Khánh Hòa những tháng cuối năm 1954 còn bao trùm không khí vui mừng hòa bình. Nhiều nơi, nhân dân lo dọn dẹp nhà cửa, treo cờ đỏ sao vàng, có gia đình giữ được ảnh Bác Hồ trong 9 năm kháng chiến, nay đem ra treo. Tình hình thôn, xóm nhộn nhịp, vui mừng sau bao năm nay mới có ngày hòa bình, nhưng mừng vui chen lẫn với suy nghĩ, lo âu. Đây là một đặc điểm khác với các tỉnh vùng tự do Liên khu V. Trong những ngày đầu tiếp quản, bọn địch thi hành ngay chính sách khủng bố trả thù man rợ, nhằm triệt hạ lực lượng cách mạng, xây dựng ngụy quân, ngụy quyền. Khánh Hòa vốn là một tỉnh bị địch chiếm, nên sự phản ứng của địch lúc đầu còn có mức độ. Một mặt chúng còn bận lo đấu đá thanh toán lẫn nhau giữa các bọn tay sai của Pháp và bọn tay sai của Mỹ, mặt khác uy thế của cách mạng còn ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng, chưa cho phép chúng tự do hành động.
Tuy vậy, trước sự tàn sát của địch ở Chợ Được, Vĩnh Trinh (Quảng Nam), Ngân Sơn, Chí Thạnh (Phú Yên) và qua kinh nghiệm bản thân, trong cán bộ và nhân dân đều có những suy nghĩ, trăn trở trước một thực tế là ta đang ở thế thắng mà nay phải tập kết bàn giao chính quyền cho đối phương, lại phải tiếp tục chiến đấu hy sinh trước một kẻ địch vô cùng tàn ác.
Từ đấu tranh vũ trang chuyển sang đấu tranh chính trị, Tỉnh ủy Khánh Hòa đứng trước nhiều vấn đề mới mẽ, phức tạp. Tình hình đòi hỏi phải có sự chuyển hướng, sắp xếp, bố trí lại lực lượng lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở, phải có sự thay đổi về phương châm, phương thức đấu tranh. Phiên họp của Tỉnh ủy tại Đá Bàn vào tháng 8-1954 đã giải quyết một bước các vấn đề đó. Hội nghị nghe thông báo về các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ, bàn vấn đề tập kết chuyển quân, bố trí số cán bộ ở lại hoạt động và quyết định một số cán bộ tập kết ra Bắc. Trong số các đồng chí Tỉnh ủy viên cũ, Khu ủy chọn ra một số để thành lập Tỉnh ủy bí mật, do đồng chí Lê Thanh Liêm làm bí thư, Mai Xuân Cống, phó bí thư, Đặng Vinh Hàm, uỷ viên thường vụ. Một số cán bộ lãnh đạo vững vàng được tôi luyện và thử thách qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được phân công hình thành bộ máy lãnh đạo và tổ chức lực lượng đấu tranh trong từng huyện, xã.
Cơ quan lãnh đạo huyện, xã tổ chức tinh giản gọn nhẹ. Ở huyện có từ 5 đến 7 cán bộ và một vài đồng chí làm công tác bảo vệ, văn phòng. Ở mỗi xã, có vài ba cán bộ thoát ly hoạt động bí mật. Tất cả số cán bộ ngoài diện bố trí trên, một số đi tập kết, còn thì phân công trở về làng, tạo cách sống hợp pháp làm nhiệm vụ tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu rõ ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định Giơ-ne-vơ, gây cơ sở, chuẩn bị cho việc thực hiện Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà vào ngày 20-7-1956. Số cán bộ kháng chiến về sống hợp pháp ở mỗi xã có đến 30, 40 người. Những đồng chí trung kiên được huyện ủy chọn hình thành những chi bộ nhỏ bí mật trong từng thôn, xóm. Cái bất lợi là các đồng chí, tuy là cán bộ thoát ly, nhưng hoạt động nhiều năm ở địa phương, bọn địch ở đó biết rõ ai là cán bộ, đảng viên. Các đồng chí lại chưa quen sống và hoạt động hợp pháp, nên ngay từ đầu đều bị địch khống chế, kiểm soát. Tuy nhiên, những nơi nào chi bộ biết hoạt động bí mật, khéo lợi dụng các hình thức đấu tranh và hoạt động công khai, hợp pháp thì duy trì được tổ chức trong thời gian khá lâu. Một số đồng chí ở bí mật bám làng, bám dân, được nhân dân hết lòng nuôi nấng bảo vệ.
Tỉnh ủy tổ chức học tập, chuẩn bị tư tưởng cho số cán bộ ở lại hợp pháp cũng như bất hợp pháp, phải giữ vững đạo đức và phẩm chất của người cộng sản, nếu bị địch bắt thì dù chết cũng không khai báo. Trong cung cách hoạt động cũng phải thật khôn khéo, không được bộc lộ những hành động đấu tranh bất hợp pháp để địch lợi dụng xuyên tạc, ảnh hưởng tới việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, phải phân biệt rạch ròi giữa công khai và bí mật cả trong việc ăn ở, hoạt động. Nguyên tắc là cán bộ hoạt động đơn tuyến, sau đó cấp trên sẽ liên lạc, không tự động tìm bắt mối với tổ chức, phòng khi địch phản bội thì có khung cán bộ để tập hợp xây dựng lại lực lượng. Một số vũ khí tốt được bí mật chôn cất ở căn cứ Đá Bàn, chuẩn bị cho tình huống cần sử dụng sau này. Tỉnh cũng dự kiến khả năng xây dựng lực lượng địa phương trong tương lai.
Cuộc họp của Tỉnh ủy tại Suối Cau (Hòn Dữ) vào tháng 12-1954, có đồng chí Nguyễn Xuân Hữu, phái viên Khu ủy tham dự và do đồng chí Lê Thanh Liêm, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Hội nghị nghiên cứu nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng tháng 9-1954 về tình hình mới, nhiệm vụ mới, và chính sách mới của Đảng. Quán triệt tinh thần nghị quyết của Trung ương, Hội nghị đề ra một số biện pháp về củng cố tổ chức, tư tưởng nhằm đẩy mạnh đấu tranh trong toàn tỉnh đòi đối phương phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, Hội nghị quyết định điều chỉnh cán bộ tăng cường cho một số vùng quan trọng, đồng chí phó bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm bí thư Thị ủy Nha Trang, chuyển cơ quan của Tỉnh ủy từ Đá Bàn về căn cứ Đồng Bò để tiện chỉ đạo phong trào đấu tranh công khai hợp pháp ở thị xã.
Đối với miền núi, Hội nghị Tỉnh ủy vạch rõ, cán bộ phải bám dân, thực hiện phương châm đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp thích hợp với vùng địch quản lý, vận động giải tán nốt các ổ goum còn lại, tích cực xây dựng thực lực cách mạng.
Về mặt tư tưởng, Hội nghị đặt mạnh vấn đề giáo dục cho cán bộ, đảng viên nhiệm vụ mới, chính sách dân tộc của Đảng, nêu cao khí tiết người cộng sản, tinh thần quyết tâm cách mạng phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp của Tổ quốc.
Theo Chỉ thị của Ban Thường vụ Liên khu V, trong số cán bộ trên đường tập kết ra miền Bắc, khi đến Bình Định được chọn một số để bố trí đưa lại tỉnh. Số cán bộ này chia làm 3 đoàn. Đoàn đi bằng đường biển do đồng chí Ngô Đến đi trước xoi đường. Đoàn đi bằng đường núi, lúc đầu có 7 người do đồng chí Nguyễn Thặng làm đoàn trưởng đi trong 3 tháng về đến căn cứ Đá Bàn. Tiếp theo là đoàn cán bộ do đồng chí Trần Nguyên Tích làm trưởng đoàn cũng đi bằng đường núi gồm cán bộ dân, đảng, đặc công, bộ binh, bưu điện, cơ yếu, y tá, mang theo 2 máy vô tuyến điện, tiền Đông Dương và một số súng đạn. Đồng chí Trần Nguyên Tích, nguyên tỉnh ủy viên, khi về đến tỉnh được bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 5-1955 đã trao đổi xác định những công việc trước mắt phải làm như khẩn trương xây dựng đường dây liên lạc thông suốt từ Liên Khu ủy V đến Tỉnh ủy và từ Tỉnh ủy về các địa phương trong tỉnh. Sử dụng cả đường dây bí mật lẫn công khai bảo đảm sự chỉ đạo thông suốt của Đảng từ trên xuống và từ dưới lên trong bất cứ tình huống khó khăn nào. Hội nghị cũng đi sâu nêu ra một số biện pháp cụ thể về xây dựng và phát triển cơ sở ở nông thôn đồng bằng, thị xã, vận động đồng bào miền núi, rút kinh nghiệm, uốn nắn những tác phong công tác không giữ đúng nguyên tắc bí mật. Hội nghị cũng bàn thực hiện nhiệm vụ của Khu ủy V giao cho tỉnh Khánh Hòa là tổ chức đường dây hợp pháp để đưa cán bộ các tỉnh, Khu V ra hợp pháp bằng đường Nha Trang - Đà Lạt - Sài Gòn và ngược lại, vì Khánh Hòa có cơ sở bên trong nên làm tốt vấn đề này.
Sau hội nghị, cơ quan Tỉnh ủy từ Suối Cau thuộc căn cứ 175D (Bắc Hòn Dữ) dời về núi Đồng Bò ở phía Tây-nam thị xã Nha Trang. Trên đường di chuyển cơ quan trong đêm, đồng chí Đặng Vinh Hàm bị địch bắn hy sinh.
Cơ quan Tỉnh ủy lúc đầu đóng ở Đồng Bò Thượng, sau chuyển về Đá Chẹt, Đồng Bò Hạ. Bộ phận điện đài cơ yếu đóng cách cơ quan Tỉnh ủy 3 km và được bảo vệ rất cẩn mật. Mọi phương tiện sinh hoạt thiết yếu của cơ quan Tỉnh ủy được các cơ sở ở Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Vĩnh Thái, Vĩnh Trung lo tiếp tế khá chu đáo. Tỉnh ủy lúc này có 5 người. Bí thư là đồng chí Lê Thanh Liêm phụ trách chung và theo dõi chỉ đạo phong trào Nha Trang, Vĩnh Xương, Phó bí thư là đồng chí Mai Xuân Cống, cùng với đồng chí Đức Trí, tỉnh ủy viên làm Bí thư và Phó bí thư Thị ủy Nha Trang; đồng chí Tô Văn Ơn, tỉnh ủy viên phụ trách chỉ đạo phong trào Vạn Ninh, Ninh Hòa; đồng chí Trần Nguyên Tích, Uỷ viên Thường vụ làm nhiệm vụ Thường trực Tỉnh ủy và phụ trách các ngành Tuyên huấn, Dân vận, Binh vận; đồng chí Việt Thắng (Hà Huy An) làm Chánh văn phòng Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Thành Huyên (Ba Huệ) theo dõi công tác tuyên huấn, tổ chức (sau năm 1958, Thường vụ Tỉnh ủy điều về làm Bí thư huyện Khánh Sơn); đồng chí Giang Nam theo dõi các đài, nhất là Đài tiếng nói Việt Nam soạn thành bản tin gửi các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, thị.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo các huyện, thị cũng được sắp xếp ổn định. Ở huyện Vạn Ninh có các đồng chí Nguyễn Lương, Lê Dậu, Trần Hưng, Lê Hiến Thuần; ở Ninh Hòa có các đồng chí Nguyễn Thặng, Nguyễn Hữu Thiều, Nguyễn Châu (Châu Râu), Mai Tư, Ngô Đến; ở huyện Diên Khánh có các đồng chí Lê Hinh, Nguyễn Tấn; ở Vĩnh Xương có các đồng chí Nguyễn Nghiềm, Bùi Hồng Thái... ở huyện Cam Ranh có các đồng chí Nguyễn Vân (Nguyễn Giác), Đoàn Việt Sửu... ở huyện miền núi Khánh Sơn có các đồng chí Phạm Thành Huyên (Ba Huệ), Trần Văn Quế (Mười Kinh), Tro É, Bo Bo Bang, Đặng Nhiên; ở huyện Khánh Vĩnh có các đồng chí Lê Tụng, Võ Duy Đồng, Bùi Thanh Vân, Pi Năng Xà A, Trần Công (Trần Bá Ngọc).
Những tháng cuối năm 1954, lẻ tẻ một vài nơi đã xảy ra khủng bố của địch, nhưng nhìn chung chúng chưa làm mạnh tay, nhân dân vẫn tự do đi lại làm ăn, còn vui Tết hòa bình năm 1955. Trong nhiều thôn xã, cán bộ ta tranh thủ mở mít tinh có tự vệ canh gác để giải thích các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi đối phương phải thi hành hiệp định. Ngày 2-8-1954, tại các thôn Trường Lạc, Thanh Minh (nay là xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh) đã xảy ra 2 cuộc biểu tình. Từ khuya ngày 1-8, cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ được treo ở nhiều nơi. Sáng sớm ngày 2-8 tên bang tá Đính cho bọn lính đi gỡ, xé cờ, biểu ngữ; đã xảy ra xô xát, nhiều người xua đẩy tên bang tá. Để thoát thân y rút súng bắn loạn xạ làm ông Năm Ninh bị thương, sau đó lại bắt bà Ba Huế. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, hàng ngàn đồng bào đổ ra đường, thành đội ngũ hô vang khẩu hiệu: "Không được bắt người vô cớ, phải thi hành hiệp định". Đoàn biểu tình kéo đến Cửa Tây - Thành Diên Khánh, bọn địch phải ra tiếp đại biểu đoàn biểu tình, hứa chấp hành các yêu sách của đồng bào.
Ngày 7-8, bọn địch lại bắt anh Nguyễn Khắc Hoàng đánh đập dã man rồi tống giam. Đồng chí Lê Lọng, huyện ủy viên cùng với các đồng chí Trương Phi Long đã tổ chức cuộc biểu tình phản đối có hàng ngàn người tham gia. Kẻ địch khát máu đã xả súng vào đám đông đồng bào ta đang tập họp tại chợ Thanh Minh làm chết 3 người và nhiều người bị thương. Cuộc đấu tranh của nhân dân Diên Khánh hòa nhịp với nhiều cuộc đấu tranh lớn của nhân dân Chợ Được, Duy Xuyên (Quảng Nam), Ngân Sơn, Chí Thạnh (Phú Yên) làm rõ bộ mặt gian ác, lật lọng của bè lũ Mỹ-Diệm.
Truyền đơn với nội dung chính đòi chính quyền miền Nam hiệp thương giữa 2 miền, chống khủng bố trả thù những người kháng chiến cũ được rải với số lượng lớn tại Nha Trang, Vĩnh Xương và trong nhiều vùng nông thôn.
Theo gương Sài Gòn, Thị ủy Nha Trang chủ trương phát động phong trào đòi hòa bình. Phong trào tuy không được rộng, nhưng cũng tập hợp được một số trí thức, nhân sĩ. Tại nhà riêng của bác sĩ Nguyễn Qúy Phầu, đồng chí Mai Xuân Cống, Bí thư Thị ủy Nha Trang đã làm lễ tặng cho ông bà Huy chương kháng chiến.
Ở các chợ có phong trào của phụ nữ đấu tranh chống địch thu thuế nặng. Tại chợ Xóm Mới, Nha Trang, nhân dân đấu tranh chống lệnh dời nhà. Tên tỉnh trưởng Nguyễn Trân trực tiếp chỉ huy cuộc đàn áp. Được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo quần chúng, các nạn nhân đã nằm lỳ, lăn lộn kêu la, phản đối chính sách vô nhân đạo của ngụy quyền. Ngày 1-5-1955, lợi dụng "nghiệp đoàn" của địch, Thị ủy đã tổ chức cuộc biểu tình. Biết có sự lãnh đạo của ta, hàng ngàn công nhân viên chức lao động tham gia biểu tình, tuần hành trên các đường phố thị xã Nha Trang, với các biểu ngữ: "Tinh thần ngày 1-5 muôn năm", "Chống áp bức, bóc lột, bảo đảm ngày làm 8 giờ", "Hòa bình, độc lập, thống nhất muôn năm"... Đây là cuộc biểu dương lực lượng đầu tiên của công nhân và lao động Khánh Hòa trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Nhiều tờ báo ở Sài Gòn đã đưa tin về cuộc biểu tình này.
Ngày 20-7-1955 là thời điểm hai miền phải hiệp thương để thực hiện Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Tỉnh ủy phát động một đợt đấu tranh trong toàn tỉnh, nhất là ở Nha Trang, Diên Khánh, Vĩnh Xương. Truyền đơn được tung ra ở nhiều nơi trong thị xã Nha Trang, tập trung nhất là chợ Đầm, dọc quốc lộ số I từ cầu Hà Ra vào đến đường Phan Bội Châu. Nội dung truyền đơn đòi nhà cầm quyền miền Nam phải đáp ứng Công hàm của Chính phủ ta, tổ chức Hiệp thương giữa hai miền. Đối phương chẳng những không đáp ứng, mà còn ra sức phá hoại, hô hào "Bắc tiến", "Lấp sông Bến Hải". Cuộc đấu tranh đã gây được ảnh hưởng và lòng tin tưởng cách mạng trong nhân dân.
Tiếp đó, Tỉnh ủy phát động đợt đấu tranh phá cuộc "trưng cầu ý dân" 23-10-1955 của địch, âm mưu truất phế "quốc trưởng Bảo Đại" tay sai Pháp, đưa Ngô Đình Diệm tay sai Mỹ lên làm "tổng thống". Đồng bào ở nhiều địa phương trong tỉnh đã dùng những lý lẽ khôn khéo, để vạch trần bộ mặt phản dân, hại nước của Ngô Đình Diệm.
Ngày 23-11-1955, đông đảo nhân dân quận Diên Khánh lợi dụng mâu thuẫn Pháp, Mỹ, đã kéo đến dinh tỉnh trưởng, đòi bắt giam tên Hoàng Phúc Hải, nguyên quận trưởng rồi tỉnh trưởng trong thời kỳ Pháp xâm lược có nhiều nợ máu để nhân dân trị tội.
Được sự tổ chức và hướng dẫn khéo léo của Thị ủy Nha Trang, một số cán bộ sống hợp pháp và nhân sĩ, trí thức cho ra báo "Gió mới" để cổ động phong trào đấu tranh đòi hòa bình, thực hiện Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Các đồng chí Mai Xuân Cống, Giang Nam được phân công bí mật chỉ đạo và tham gia viết bài. Báo ra hàng tháng khổ 24 x 30 dày 30 trang, in mỗi kỳ 5.000 tờ, giữ lại 1.000 tờ cho Khánh Hòa còn thì gửi cho tổng phát hành "Nam Cường" ở Sài Gòn. Báo ra được 12 số, bắt đầu từ tháng 5-1955 đến tháng 12-1956 thì bị ngụy quyền đình bản. Những người làm báo và giúp tài chính bị bắt giam. Trong báo có những bài nói lên tinh thần đấu tranh cách mạng, tình cảm Bắc-Nam và nguyện vọng hòa bình thống nhất nước nhà:
"... Ai nói dùm em: Bao giờ hết cảnh chiến trường
Cho đò Bến Điệp tình thương lại đầy".
(Thơ "Chiều Bến Điệp", Gió Mới số 1).
"... Hai quê xa cách quá chừng
Cùng chung nước Việt em đừng có quên
Bao giờ thống nhất bình yên
Để hai quê ấy sống liền với nhau
Đường xa thì đã có tàu
Cách sông thì đã có cầu bắc qua".
(Thơ "Hai quê", Gió Mới số 2).
ĐẤU TRANH CHỐNG "TỐ CỘNG"
VÀ PHONG TRÀO Ở MIỀN NÚI
Thái độ của địch ngày càng hung hăng lấn tới, chúng hô hào "Bài phong, đả thực, diệt cộng". Bài phong, đả thực chỉ là cái vẻ bề ngoài để tỏ ra là chúng cũng cách mạng, dân chủ, cũng chống đế quốc, phong kiến, nhưng thực chất của "Đả thực, bài phong" là nhằm giải quyết mâu thuẫn Pháp, Mỹ, thực hiện âm mưu hất cẳng thực dân Pháp của Mỹ mà chúng gọi là "Đả thực", truất phế Bảo Đại và các bọn tay sai khác của Pháp mà chúng gọi là "Bài phong", để cho đế quốc Mỹ và bọn tay sai của Mỹ nắm trọn quyền thống trị miền Nam Việt Nam. Song mục tiêu cơ bản, quan trọng nhất của chúng là tập trung đánh phá Đảng Cộng sản - lực lượng trụ cột, hạt nhân tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bộ máy thống trị ngụy quyền từ tỉnh đến xã, thôn, đều gồm những phần tử đã nhẵn mặt làm tay sai cho thực dân Pháp như: Nguyễn Trân, nguyên tri huyện Tuy An (Phú Yên) được đưa lên làm tỉnh trưởng, kiêm chủ tịch đảng "Cần lao Nhân vị" Khánh Hòa, bên cạnh đó có "Phong trào cách mạng quốc gia" được tổ chức từ tỉnh đến quận, xã, trong ngụy quân và cơ quan ngụy quyền. Về quân sự, Đỗ Mậu là một sĩ quan của quân đội Pháp nay được đưa lên cầm đầu Tiểu khu Khánh Hòa.
Từ giữa năm 1955, bọn phe cánh của Diệm thắng thế nắm được trọn quyền hành ở Khánh Hòa. Chúng tổ chức các đoàn "Hành chính lưu động" đi về thôn, xã xây dựng và củng cố ngụy quyền, thực hiện các chiến dịch "Tố cộng", "Diệt cộng". Đợt 1, chúng chọn một số xã, thôn có phong trào cách mạng mạnh để làm thí điểm, sử dụng bọn tay sai tại chỗ và nơi khác tới để cùng làm "điển hình" và sau đó lan rộng ra các thôn, xã khác. Chúng kiểm soát từng nhà, bắt dân đi học tố cộng, vây ráp bắt cán bộ, đảng viên và cơ sở cách mạng. Chúng dùng thủ đoạn ly gián, chia rẽ nhân dân bằng cách chia dân ra làm 2 hạng. Các gia đình có thân nhân đi tập kết, có người tham gia kháng chiến thoát ly liệt vào loại "nguy hiểm" phải treo trước cửa nhà biển màu vàng, còn những gia đình mà chúng cho là không có liên quan đến cách mạng, với "Việt cộng" thì treo biển màu xanh. Dân trong từng thôn xóm buộc phải tập trung "học tập tẩy não" dài ngày, phải mang gạo cơm theo ăn. Chúng tuyên truyền kích động, gây hoang mang trong dân chúng, sau đó đưa từng người, từng nhà thuộc diện có liên quan với "Việt cộng" ra trước đám đông vạch tội, bắt dân đấu tố. Những gia đình có biển màu vàng, hàng ngày phải đến trụ sở ngụy quyền trình diện, phải đi ngủ tập trung. Mỗi lần đến địa phương khác làm ăn phải qua 8 cấp duyệt ký mới được đi.
Hàng ngày bọn mật thám, chỉ điểm bám sát theo dõi những gia đình bị tình nghi, mặt khác chúng tổ chức truy lùng cán bộ gắt gao, kể cả dùng chó săn để sục vào các bìa rừng, chân núi. Tra hỏi đánh đập những thanh niên đi tải đạn, đi tập kết phải trở về. Chúng cho quân lùng sục sâu vào các căn cứ kháng chiến Đá Bàn, các khu sản xuất ở Đồng Găng (khu A), Cây Sung, Láng Nhớt (khu B), Râm, Bến Khế (khu C), Suối Thơm, Suối Cau (khu D) đánh phá, cướp hết lương thực, trâu bò, lợi dụng một số tên đầu hàng khai báo để nhận diện cán bộ. Địch hay theo dõi cán bộ ở luồng nước, lạch sông, khe suối nên cán bộ ta phải hết sức bí mật từ ăn, ở, ngủ và đi lại trong rừng đều không được để lại dấu vết, thực hiện nguyên tắc: "Đi không dấu, nấu không khói, nói đủ nghe, che ánh sáng".
Đầu tháng 6-1955, Tỉnh ủy họp Hội nghị mở rộng tại căn cứ Đồng Bò, xác định chủ trương của Đảng lúc này là đấu tranh chính trị, phải lợi dụng mọi khả năng công khai hợp pháp, đẩy mạnh cuộc đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, chống địch khủng bố "tố cộng", đồng thời chăm lo xây dựng căn cứ miền núi làm chỗ dựa cho phong trào cách mạng trong tỉnh. Hội nghị đánh giá cao tinh thần đồng bào Đại Điền Nam đã kiên quyết đấu tranh đưa ra ánh sáng vụ địch giết hại anh Trần Thầm, nguyên là cán bộ kháng chiến cũ vào tháng 2-1955, có Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát hiệp định ngừng bắn từ Nha Trang lên tận nơi điều tra, lập biên bản bắt phải bồi thường nhân mạng. Kết quả sau đó, những tên đầu sỏ mưu giết anh Trần Thầm bị tù và những người còn bị giam giữ ở tại xã được thả.
Song, tình hình chung là địch rất lộng hành, bắn giết bừa bãi, bắt cóc nhiều đồng chí ta, thủ tiêu bằng cách bỏ bao bố thả sông. Đồng chí Nguyễn Lưu quê ở thôn Bình Trị, xã Ninh Bình (Ninh Hòa) là Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền tỉnh được Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh phân công ở lại hoạt động hợp pháp nắm quần chúng. Anh cùng với vợ cũng là cán bộ kháng chiến về ở lại quê nhà, tuyên truyền giải thích về thắng lợi của Hiệp định Giơ-ne-vơ, hướng dẫn cho nhân dân tổ chức Tết hòa bình, gây ảnh hưởng cách mạng lan rộng tại địa phương. Tên quận trưởng Ninh Hòa mời anh đến chất vấn và hăm dọa. Một cuộc tranh luận diễn ra giữa anh và tên quận trưởng, có nhiều đồng bào dự nghe. Trước những lý lẽ đanh thép của anh, tên quận trưởng tỏ ra lúng túng. Ngày hôm sau đích thân tên trưởng ty thông tin địch đến tranh luận, nhưng cũng bị anh vạch mặt làm cho chúng rất căm hận, rắp tâm ám hại anh. Tỉnh ủy đã có quyết định đưa anh ra căn cứ, nhưng không kịp. Bọn địch đã thủ tiêu anh vào ngày 11-9-1955 tại Gò Quýt, xã Ninh Bình (Ninh Hòa).
Tình hình xóm thôn ngày càng căng thẳng, cán bộ cơ sở cũng như các đồng chí ở chiến khu về sống hợp pháp bị địch khống chế uy hiếp nghiêm trọng. Nhà lao Nha Trang chật ních những cán bộ kháng chiến. Nhưng ở đây các đồng chí đã lập chi bộ nhà lao, lãnh đạo anh em tù đấu tranh, liên lạc với cơ sở bên ngoài để nắm tin tức và hoạt động gây qũy để cấp dưỡng cho cán bộ chống ly khai. Ngày 29-1-1956, Ngô Đình Diệm mở đợt 1 tố cộng ở "Cải hối thất". Nguyễn Trân tỉnh trưởng đặt ra tòa án cho bọn tay sai là những tên đầu hàng, đầu thú phản bội, làm "công tố viên, trưởng tòa". Chúng chọn 17 người đem ra "đấu tố" điển hình, vừa tố vừa đánh đập tàn bạo, có người bị chết đi sống lại, người đầy thương tích, đem nhốt xà lim, nhưng những người cộng sản và quần chúng trung kiên, không chịu khai báo đầu hàng.
Đầu năm 1956, địch mở các chiến dịch "tố cộng" rộng ra toàn tỉnh với quy mô lớn sau khi đã làm điểm ở một số xã thôn. Ở vùng đồng bào dân tộc, chúng chọn thôn Sông Cạn, Ma Trai, Suối Rua, Dốc Quýt (Khánh Sơn), nơi đây vào năm 1949 ta có vi phạm chính sách dân tộc, nên địch lợi dụng vấn đề này kích động đồng bào "tố cộng" và lôi kéo đồng bào dồn vào khu tập trung kiểu mẫu Láng Lớn (nay là xã Cam Thịnh Tây, Cam Ranh).
Đầu năm 1956 đồng chí Trần Lê, Bí thư Liên tỉnh 33 đi công tác Khánh Hòa đến căn cứ Đồng Bò. Đồng chí cho những ý kiến cần thiết tích cực phát động và lãnh đạo cuộc đấu tranh chống âm mưu "bầu cử quốc hội" riêng rẽ của Mỹ-Diệm vào tháng 3 năm 1956. Tiếp đó, Tỉnh ủy đã mở lớp chỉnh huấn cho cán bộ đồng bằng tại Lỗ Mây (Khánh Sơn) do đồng chí Trần Nguyên Tích phụ trách. Thị ủy Nha Trang đã bố trí một cuộc họp thị ủy tại Hòn Tre. Công việc đang dở dang thì đồng chí Mai Xuân Cống, Bí thư Thị ủy bị địch bắt. Trước đó, một số lớn cán bộ bất hợp pháp của Nha Trang cũng đã chạy dạt đi nơi khác, nhiều người bị địch bắt. Tình hình các huyện cũng trong hoàn cảnh như vậy.
Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng lại được triệu tập tại núi Cù Hin (Đồng Bò Hạ) trong 3 ngày 25, 26 và 27 tháng 2-1956. Đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ, Uỷ viên Ban Thường vụ Khu ủy về dự hội nghị. Hội nghị đã đi sâu kiểm điểm tình hình các mặt, đề ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chính trị, tập trung vạch mặt trò hề bầu cử quốc hội riêng rẽ của Mỹ-Diệm, đấu tranh đòi Hiệp thương giữa hai miền, tiến tới thực hiện Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, kết hợp đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống khủng bố trả thù người kháng chiến cũ.
Hội nghị đặt mạnh vấn đề giữ gìn lực lượng cách mạng, tăng cường giáo dục phẩm chất và đạo đức cách mạng, nêu cao khí tiết của người cộng sản và bầu bổ sung đồng chí Lê Tụng (Ba Sơn) vào Tỉnh ủy.
Địch ra sức khủng bố hòng dập tắt phong trào đấu tranh của nhân dân, cố phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Quần chúng có phần nao núng, sự đi lại của cán bộ hợp pháp ngày càng bị hạn chế. Tuy vậy, với sự tin tưởng ở đường lối của Đảng, những cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ tiếp tục nổ ra. Nhiều cuộc học tập "tố cộng" của địch ở thôn xóm, khối phố bị quần chúng biến thành nơi chất vấn, tố khổ. Bọn tay sai Diệm không điều khiển được, không trả lời được, phải tuyên bố giải tán, rồi sau đó tìm cách khủng bố.
Những cuộc đấu tranh lớn, có đông đảo quần chúng tham gia bị hạn chế. Nhưng những cuộc đấu tranh của từng nhóm 20, 30 người đòi được đi lại làm ăn, không được khủng bố bắt bớ vô cớ vẫn diễn ra liên tiếp. Phong trào lắng vào chiều sâu, tận dụng khả năng công khai, hợp pháp để trao đổi, bàn tán, lên án chỉ trích, vạch mặt từng tên tay sai tàn ác và động viên nhau đoàn kết, chiến đấu, giữ gìn tính mạng, tài sản giúp đỡ nhau trong lúc ngặt nghèo.
Trong khi ở đồng bằng ta gặp khó khăn thì phong trào ở miền núi phát triển tốt. Nhiều cán bộ đã hoạt động ở miền núi đều được bố trí ở lại bám địa bàn, bám dân, hoạt động giữ vững vùng căn cứ. Cán bộ đã tuyên truyền giải thích cho nhân dân về chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, chiến thắng Cẩm Sơn. Ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định Giơ-ne-vơ, hướng dẫn nhân dân đấu tranh đòi thi hành hiệp định, đòi được đi lại tự do, tạo thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa giữa các vùng, nhằm cải thiện đời sống nhân dân; vạch trần âm mưu địch, hướng dẫn cho quần chúng thấy được đế quốc Mỹ là bọn cướp nước như đế quốc Pháp trước kia, bọn Ngô Đình Diệm là tay sai Mỹ.
Một nhiệm vụ rất quan trọng được các nghị quyết của Tỉnh ủy nhắc đến là vận động nhân dân xóa bỏ các ổ goum còn lại. Tổng Ma Đai và cháu là Ma Tui là những tên cầm đầu các ổ goum và lực lượng vũ trang ở cứ điểm Cẩm Sơn. Sau khi cứ điểm này bị bộ đội ta tiêu diệt, Ma Đai và Ma Tui về lẩn trốn ở vùng Hòn Dù. Tổng Ma Đai và Ma Tui đã từng gây nhiều tội ác với dân làng, cướp đi nhiều của qúy như mã la, nồi đồng, chum ché. Đồng bào rất căm thù, nhưng cũng rất sợ chúng. Theo chủ trương của Tỉnh ủy, Ban cán sự huyện Vĩnh Khánh thực hiện chính sách nhân đạo cách mạng, kêu gọi Ma Đai, Ma Tui ra gặp ta. Nhưng chúng vẫn còn nghi ngờ và e sợ nên chưa chịu ra. Đồng chí Pi Năng Xà A (Bảy Xà A) là một cán bộ người dân tộc Raglai có uy tín được giao nhiệm vụ đi vào núi Hòn Lay tìm gặp đồng bào và gia đình của những người đã từng ở trong hàng ngũ giặc, dùng lời lẽ phải trái thiệt hơn, đấu tranh thuyết phục, cảm hóa rồi đưa họ về làng, trong đó có Ma Đai, Ma Tui. Đồng bào buôn làng nằng nặc bắt Ma Đai, Ma Tui phải đền nợ máu. Nhưng Ban cán sự đảng đã khéo léo giải thích cho quần chúng chính sách khoan hồng của Chính phủ Cụ Hồ, chủ trương phát động quần chúng căm thù địch hơn nữa, đồng thời tha tội chết cho Ma Đai, Ma Tui. Về sau Ma Đai bị ốm chết, còn Ma Tui hối cải, nghe lời chỉ dẫn của Đảng, hăng hái sản xuất, công tác giúp đỡ bà con làng xóm.
Việc xét xử khoan hồng đối với Ma Đai, Ma Tui có ảnh hưởng lớn trong đồng bào dân tộc khắp vùng, tác động mạnh đến một số tên cầm đầu các goum như quản Sóc một xếp goum ở Pa Cẳng đã ra đầu hàng cách mạng, nhận hết mọi lỗi lầm, trở về cùng nhân dân xây dựng buôn làng. Phía Du Oai, Gia Huynh có Tổng Ma Thia... các đầu lớn goum được ta thuyết phục cũng lần lượt bỏ súng trở về buôn làng cũ làm ăn. Ở Kờ-ra-nóa (Khánh Sơn) có Tổng Ma Lee, Là Cun ra gặp cốt cán và cán bộ ta ăn thề hứa không chống đối cách mạng, lo làm ăn lương thiện. Phần lớn những người cầm đầu các goum đều nhận rõ sai lầm của mình, ai nấy đều hứa là không nghe theo người Tây, người Mỹ, không "ăn lời" bọn làm phản, hứa trung thành với cách mạng, với Chính phủ Cụ Hồ.
Từ đó, vùng căn cứ được mở rộng đến tất cả các vùng mà trước đây ta chưa đến, hoặc đến rồi nhưng buộc phải lui về như vùng Du Oai Đại, Chà Liên, Gia Huynh, Gia Lục, Gia Rích, Bố Lang, Cần Đại, Đá Bi, Ea Tar, Đung Ninh, Pa Cẳng, Chư Tôn...
Trong một cuộc họp mặt giữa đoàn cán bộ lãnh đạo với đồng bào các vùng cao tại Gia Lục, già làng bảo: "Bắt con heo to làm thịt để đãi ông lớn", "mang trứng gà đến biếu ông lớn". Nhưng cán bộ ta ngăn chặn lại không cho mổ heo, không nhận trứng gà và nói cho đồng bào rõ: "Chúng tôi không phải là ông lớn như thời Tây trước kia và Mỹ hiện nay, mà là cán bộ Cụ Hồ đến thăm đồng bào, chúng tôi chỉ nhận cái gan, cái bụng tốt của đồng bào thôi". Đồng bào dân tộc ở Bưng Dưng, Giang Biên, Gia Rích, Bố Lang khi gặp cán bộ tỏ vẻ khúm núm, sợ sệt, nghi ngờ, coi cán bộ đến làng như các chánh tổng, quận trưởng mà trước đây họ đã từng hầu hạ, tiếp xúc. Thái độ đúng đắn của cán bộ ta, không lấy quà biếu, không cho mổ heo "mừng mặt" đã để lại ấn tượng tốt, không chỉ đối với các đầu lớn, già làng, mà còn đối với đông đảo đồng bào các dân tộc, những quần chúng cơ bản của cách mạng. Mối liên hệ tình cảm giữa cán bộ và đồng bào ngày càng củng cố gắn bó. Từ đó mọi sự hướng dẫn của cán bộ, đồng bào đều làm theo như trong sản xuất, đoàn kết dân tộc, học văn hóa, phòng chữa bệnh, chống các luận điệu xuyên tạc nói xấu cách mạng của địch.
Để che mắt bọn địch, những cán bộ người Kinh hoạt động ở miền núi thực hiện quần chúng hóa triệt để, mang tên dân tộc, thực hiện ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, như các đồng chí A Ma Khắc (Bùi Thanh Vân), A Ma Khâm (Võ Duy Đồng), A Ma Mada (Trần Bá Ngọc), A Ma Nhiên (Đặng Nhiên), Ma Ré (Nguyễn Son), Kom Pró (Đặng Trì)... một số đồng chí học và nói thạo tiếng Êđê, Raglai tạo được thuận lợi lớn để vận động đồng bào các dân tộc. Cán bộ ta dạy con em đồng bào các dân tộc học chữ, ốm đau khám chữa bệnh bằng thuốc, tổ chức sinh hoạt thôn xóm, hướng dẫn thanh niên học chính trị, học văn hóa, tuyên truyền giáo dục giác ngộ quần chúng.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ không bao lâu ta đã làm chủ toàn bộ miền Tây Khánh Hòa. Cán bộ cách mạng đi đến đâu cũng được dân tin yêu. Ta có điều kiện xây dựng thực lực đều khắp, làm cơ sở chuẩn bị hình thành các chi bộ đảng và lực lượng cốt cán cắm sâu vào các buôn làng.
Đây là một thành công lớn của công tác thượng du vận. Trước đây, để xóa bỏ các ổ goum, ổn định vùng căn cứ, ta có lúc đã dùng các biện pháp quân sự, nhưng không mấy thành công. Nhưng nay do vận dụng chính sách dân tộc của Đảng một cách đúng đắn và có phương pháp, bằng uy thế của cách mạng và kiên trì vận động, ta đã thuyết phục được các già làng, đầu lớn, từ đó đi sâu vận động nhân dân lao động, tiến tới xóa bỏ tận gốc các ổ goum đã từng làm mất ổn định vùng căn cứ ta nhiều năm trong kháng chiến chống Pháp.
Những tin địch giết hại đồng chí Trần Thầm, Nguyễn Lưu, những vụ đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân ở Thanh Minh, Trường Lạc (Diên Khánh), Ngân Sơn, Chí Thạnh (Phú Yên), Chợ Được (Quảng Nam) dội lên, làm cho cán bộ và nhân dân lo lắng. Không khí vui tươi thoải mái ban đầu dần dần chuyển sang trạng thái căng thẳng, lo âu, đề phòng đối phó. Nhiều đồng bào lo mua muối đốt cho chín cứng như đá, chôn cất đề phòng trường hợp địch khủng bố, bắt đi tập trung.
Đánh giá của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đối với vùng núi Khánh Hòa, đó là một vùng có "diện tích rộng rãi, đất tốt, núi non hiểm trở. Từ trước đến nay, ảnh hưởng chính trị của quốc gia đối với đồng bào thượng du kể như không có, vì lẽ các vùng thượng du đều nằm trong phạm vi kiểm soát của Việt Cộng. Cán bộ Việt cộng dễ bề lợi dụng thao túng và gây cảm tình với đồng bào hơn ta"4. Vì vậy, chúng chủ trương tìm mọi cách "tranh thủ nhân tâm người thượng", "đánh bật Việt cộng ra khỏi đồng bào". Và chúng coi đây là "khâu tấn công vào căn cứ cuối cùng và lâu dài của Việt cộng trong tỉnh"5.
Từ giữa năm 1956, sau khi ổn định một bước tình hình ở đồng bằng, Mỹ-Diệm chuyển một phần lực lượng lên đánh phá phong trào miền núi. Chủ yếu bằng biệt kích, gián điệp tuyên truyền xuyên tạc, dùng thuốc men, bơ sữa, quần áo và các phương tiện khác để mua chuộc nhân dân6. Địch bắt mối với các tổng, xã cũ, dùng thủ đoạn mua chuộc bắt ép họ làm tổng, xã trưởng, đại biểu, liên gia. Ta rút kinh nghiệm chống lập tề và chống lãnh cạt7 trong thời kỳ chống Pháp để có đối sách thích hợp đối với từng vùng. Đối với vùng thấp, nơi địch nắm được thế áp đảo, ta vận động quần chúng đấu tranh buộc địch phải chấp nhận những người trung kiên do ta chọn, đứng ra làm đại diện. Còn ở vùng giữa và vùng cao, ta lãnh đạo nhân dân đấu tranh kéo dài không cho chúng lập tề, nhưng lúc cần thiết, để giữ thế hợp pháp, ta chọn đảng viên, cốt cán ra làm chánh tổng, xã trưởng. Thông qua số đại diện ở vùng thấp do ta nắm, đồng bào vùng cao và vùng giữa có thể lên xuống liên hệ giao dịch mua bán muối, vải và các hàng hóa thiết yếu khác.
Phong trào ở vùng núi Khánh Hòa lên đều và mạnh. Ở huyện Khánh Sơn, hạt nhân của phong trào là các chi bộ Hòn Rồng, Cầu Lục Đại, Cầu Lục Tiểu, Sơn Tân, Tô Hạp, Xóm Cỏ, Ba Cụm... Ở huyện Khánh Vĩnh, hạt nhân của phong trào là các chi bộ Hòn Dù, Bến Lễ, A Xây.
Do ta không sử dụng vũ khí nên bọn địch hoạt động hết sức nghênh ngang. Một số cán bộ chủ chốt của ta được phát súng để tự vệ, với yêu cầu: trường hợp bức thiết lắm mới được bắn, thực tế là không được bắn, vì sợ vi phạm Hiệp định. Trước những thủ đoạn gian ác của địch, huyện ủy và các chi bộ đảng đã kiên quyết và bền bỉ lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị, phát huy tinh thần cách mạng kiên cường, nêu cao khí tiết của người cộng sản. Một số đảng viên người dân tộc thiểu số bị địch giam giữ, tra tấn, nhưng không hề khai báo, trái lại còn vạch trần âm mưu địch phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, tiêu biểu là các đồng chí Sang (É) Phước, chị Liên ở Sơn Tân, Cau Xiêng (Cầu Lục Tiểu), Cau Hùng ở Sông Cạn, xã Sơn Bình, Cau Điềm ở Tô Hạp, Cau Niêm ở Suối Hai (Khánh Sơn).
Trong các buổi học tập "tố cộng", trước sự o ép dọa dẫm cho đến tù đày bắn giết man rợ của địch, ở đồng bằng và thị xã, thị trấn, nói chung quần chúng có e sợ. Nhưng ở địa phương nào cũng xuất hiện một bộ phận quần chúng giác ngộ hơn. Họ đấu tranh khôn khéo, giữ thế hợp pháp và bí mật ủng hộ cán bộ hoạt động.
Lòng dân đối với Đảng, với cách mạng là như vậy. Từ sau khi giành được chính quyền trong Cách mạng tháng Tám, rồi tiếp đó cầm vũ khi đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, qua kinh nghiệm bản thân, họ đã thấy rõ đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa, đâu là cách mạng, đâu là phản cách mạng.
Một cái vốn, một tiềm năng rất qúy báu là Cách mạng tháng Tám và 9 năm kháng chiến đã trang bị cho quần chúng quan điểm phân biệt địch ta.
Đối với Ngô Đình Diệm, lúc đầu nhân dân còn mơ hồ. Một số tầng lớp trên, đông đảo người di cư theo đạo Thiên Chúa còn hiểu lầm Ngô Đình Diệm qua cái áo "chí sĩ" của hắn. Nhưng từ tháng 7-1956, khi Mỹ-Diệm từ chối hiệp thương, hô hào "Bắc Tiến" và liên tiếp mở những chiến dịch "tố cộng", "diệt cộng" thì bộ mặt phản động của Mỹ-Diệm bị lột trần trước dư luận.
PHONG TRÀO GẶP KHÓ KHĂN LỚN, NHỮNG CHUYỂN HƯỚNG TRONG PHƯƠNG THỨC ĐẤU TRANH
Ngày 20-7-1956 đã qua, nhưng do đế quốc Mỹ phá hoại nên không có hiệp thương giữa hai miền, không có tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Mỹ-Diệm tổ chức các chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc rằng "Hiệp định Giơ-ne-vơ đã bị xóa bỏ, cộng sản đã vĩnh viễn chia cắt Việt Nam"... Các nhóm tay sai Mỹ đã bị đánh đổ trong Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến, bọn phản động dồn từ miền Bắc vào, bọn đầu hàng phản bội có cơ hội ngóc đầu dậy phục thù. Các lực lượng cách mạng chỉ thực hiện đấu tranh chính trị đơn thuần, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã bị Mỹ-Diệm xé bỏ, nhưng ta chưa có đối sách thích hợp, chưa có sự thay đổi trong đường lối và phương pháp đấu tranh, nên chúng ra sức lộng hành đàn áp trắng trợn. Từ năm 1957 đến năm 1959, Mỹ-Diệm thực hiện "quốc sách tố cộng" với quy mô lớn và ác liệt hơn các năm trước. Mũi nhọn của giai đoạn này là chĩa vào toàn thể nhân dân yêu nước, đồng thời tiêu diệt các tổ chức của Đảng và cán bộ hoạt động bí mật.
Các ban tố cộng được thành lập từ tỉnh đến xã, trong các ngành, cơ quan ngụy quyền, trong các trường học và ngay cả trong nhà lao. Các tổ chức phản động như "Phong trào cách mạng quốc gia", "Đảng Cần lao Nhân vị", "Thanh niên Cộng hòa", "Phụ nữ Liên đới"... được mở rộng bắt buộc nhân dân phải vào. Dựa và các tổ chức phản động này, chúng khống chế o ép nhân dân chặt chẽ. Chúng bủa lưới gián điệp, tăng cường lùng sục. Những gia đình mà chúng bắt treo biển vàng bị kiểm soát gắt gao, hàng ngày phải tới trụ sở trình diện, đêm phải ngủ tập trung. Chúng bắt chị em có chồng, con đi làm cách mạng phải kêu gọi chồng, con về, nếu không thì phải làm đơn ly khai chồng con. Chúng bắt đồng bào phải bước qua ảnh Bác Hồ, xé cờ đỏ sao vàng để kiểm tra lập trường. Chúng ra sức phát triển các đạo giáo, xây dựng mới nhiều nhà thờ đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành, khuyến khích nhân dân theo đạo, đặc biệt phát triển đạo Tin Lành lên miền núi.
Chúng lập lại những khu tập trung như thời Pháp mà chúng gọi là "khu trù mật", "ấp tân sinh", tiến hành dồn dân. Những nơi khó dồn dân thì tiến hành rào làng. Địch tiến hành rào làng sớm và quyết liệt ở Ba Ngòi. Cùng với dồn dân lập ấp, địch thực hiện động viên quân dịch, bắt thanh niên đi lính, xây dựng ngụy quân, phát triển các đơn vị bảo an (sau địch đổi tên là địa phương quân) và các tổng đoàn dân vệ. Dùng "luật 10-59" và "tòa án quân sự đặc biệt" để tăng cường khủng bố, tố cộng, uy hiếp tinh thần quần chúng và cả những nhân viên, binh lính của chúng để làm áp lực thi hành chính sách phát xít.
Cảnh tượng khủng bố náo động căng thẳng nhất diễn ra ở nông thôn. Chúng bắt dân đi học tố cộng liên miên, hết học ngày lại học đêm, hòng "tẩy não", triệt phá ảnh hưởng của cách mạng, của Đảng trong quần chúng. Chúng cấm ngặt dân không được nói đến "hiệp thương, thống nhất". Nhà tù, trại giam ở địa phương nào cũng chật ních người, bởi đại diện xã cũng có quyền bắt bớ, giam cầm, những ai còn bị nghi ngờ, chúng theo khẩu hiệu "thà bắt nhầm hơn bỏ sót". Địch gây tâm lý sợ hãi, luôn luôn kích động làm cho nhân dân hoang mang. Chúng lôi cuốn lớp trẻ, thanh niên làm nòng cốt tố cộng. Bắt được cán bộ ta, chúng đưa ra buộc quần chúng phải tố, nếu ai không tố thì ghép vào tội "thân cộng" hoặc "Việt cộng" và hành hạ, đánh đập, giam tù.
Đối với những gia đình cán bộ chúng bắt chụp ảnh, lập hồ sơ, làm cho những người có liên quan với cách mạng phải bị cô lập. Những gia đình này luôn luôn sống trong tình trạng căng thẳng như "chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao". Hễ trong thôn xóm xảy ra việc gì "mất an ninh" thì những người chủ gia đình này lập tức bị bắt, tra hỏi, khủng bố trước tiên.
Hầu hết số cán bộ sống hợp pháp đều bị địch khống chế, một số co vào thế thủ, một số nằm im hoặc chạy giạt đi nơi khác. Số ít không giữ được phẩm chất, phản bội làm tay sai cho địch đánh phá phong trào cách mạng, gây hoang mang cho quần chúng. Số cán bộ hoạt động bất hợp pháp bị địch truy lùng gắt gao. Rất nhiều cán bộ và những người kháng chiến bị địch bắt, giết, tra tấn dã man và đày ải trong các nhà tù Côn Đảo, Chí Hòa, Tân Hiệp, Nha Trang v.v... Chỉ riêng trong chuyến tàu chở tù nhân lưu đày Côn Đảo rời cảng Nha Trang ngày 30-4-1957 có hơn 300 người, trong đó có 80 đồng chí cán bộ tỉnh Khánh Hòa.
Nhiều chi bộ được duy trì trong các đợt tố cộng trước, thì sau ngày 20-7-1956 bị bể vỡ. Những nơi có phong trào khá như Ninh An, Ninh Thọ, huyện Ninh Hòa, vùng Tứ thôn Đại Điền, huyện Diên Khánh bị địch lùng sục, uy hiếp dữ, phong trào xuống hẳn. Một số xã ở huyện Vĩnh Xương còn cơ sở hoạt động chủ yếu lo tiếp tế cho vùng căn cứ Đồng Bò. Số cán bộ còn lại ở các địa phương không nhiều, mỗi huyện chưa đến 10 người, ăn ở hết sức bí mật, bí mật một cách nghiêm ngặt, hoạt động đơn tuyến, và chỉ đi công tác vào những đêm tối trời. Mỗi người ở một vùng riêng biệt và nửa tháng hoặc cả tháng mới gặp nhau một lần. Bọn địch lộng hành ra sức lùng sục. Chúng biết một số cán bộ ta được trang bị súng nhưng không dám sử dụng vì sợ vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ. Điều đó, khuyến khích bọn địch lộng hành mà ta thì bị mất thế.
Đi đôi với đàn áp khủng bố, tuyên truyền xuyên tạc, Mỹ-Diệm thi hành chính sách mị dân; ở nông thôn mở tín dụng sản xuất, lập nhà thương, dựng trường học, làm trụ sở xã, đưa hàng hóa Mỹ tràn ngập, trang bị cơ giới nhỏ, phân bón, thuốc trừ sâu trong sản xuất, tặng sữa bột, gạo, bắp, giống lúa mới có năng suất cao cho dân, cộng với thời tiết thuận được mùa lúa, mùa cá nên đời sống dân so với hồi chiến tranh có phần dễ chịu hơn. Do đó một bộ phận quần chúng lầm mưu địch, thiếu tin tưởng ở cách mạng nhất định thắng lợi. Đối với phong trào công nhân ở thị xã Nha Trang và các thị trấn, địch tìm cách lũng đoạn bằng cách cho ra đời các tổ chức "nghiệp đoàn", có vẻ dân chủ, thực chất là tìm mọi cách bài trừ tư tưởng cộng sản ra khỏi công nhân và nhân dân lao động, đồng thời chia rẽ lực lượng và làm triệt tiêu sức mạnh đoàn kết, thống nhất của phong trào công nhân.
Tình hình hết sức khó khăn, cán bộ đồng bằng không nắm được dân, bị dồn ép lên núi. Sau khi đi họp ở Khu về, đồng chí Năm Hòa (Trần Lê), Khu ủy viên, Bí thư Liên Tỉnh ủy 3, phổ biến chủ trương đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Đó là một sự chuyển hướng quan trọng trong tình hình quần chúng bị địch khủng bố, cướp bóc nặng nề. Nhưng do tình hình khó khăn, các cơ sở bị bể vỡ, cho nên cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ chỉ diễn ra bằng hình thức đấu tranh hợp pháp lẻ tẻ, có tính cách tự phát của quần chúng nhiều hơn là được sự lãnh đạo trực tiếp.
Một sai lầm của ta là chủ trương chuyển số cán bộ lãnh đạo và đảng viên thoát ly ở căn cứ kể cả số sĩ quan tình báo, quân báo, sĩ quan quân đội ra hợp pháp để sống và hoạt động trong hoàn cảnh địch đang thi hành chính sách phát xít cực kỳ phản động.
Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng cuối năm 1957 tại suối A Thi, thôn Suối Giá, xã Ba Cụm (Khánh Sơn) do đồng chí Trần Lê - Khu ủy viên Khu V trực tiếp triệu tập và tham dự, đã thảo luận và bàn biện pháp thực hiện chủ trương này. Hội nghị có đông đủ các đồng chí trong Tỉnh ủy, bí thư các huyện trong tỉnh đã thảo luận sôi nổi, nhiều ý kiến không đồng ý chủ trương trên, tâm trạng chung là bế tắc về đường lối đấu tranh. Bởi vì, địch đang thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ, hầu hết cán bộ bất hợp pháp của ta bị lộ mặt, bọn đầu hàng phản bội làm tay sai cho địch đã biết rất rõ, tình hình như vậy mà đưa hàng loạt cán bộ ra sống hợp pháp để hoạt động thì khó tránh khỏi tổn thất lớn. Hội nghị Tỉnh ủy kiến nghị với cấp trên là trong tình hình trước mắt, nếu ở đồng bằng khó khăn thì tạm thời rút hết cán bộ bất hợp pháp lên núi, lo tổ chức sinh sống, chuẩn bị lực lượng xây dựng căn cứ, khi có điều kiện sẽ phát triển xuống đồng bằng. Những ý kiến tuy chưa xuất phát từ đường lối phương châm thật rõ ràng, đầy đủ, nhưng hoàn toàn hợp lý đã không được chấp nhận. Đứng trước tình hình ấy. Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng trong tỉnh biểu thị tính Đảng rất cao, tuy không thông suốt chủ trương, nhưng vẫn thi hành một cách nghiêm chỉnh. Trong đợt đầu đi ra hợp pháp có các đồng chí Lê Thanh Liêm, Bí thư Tỉnh ủy, Lê Hinh, Nguyễn Qúy Hanh, Giang Nam, Nguyễn Thặng, Nguyễn Lương... Đồng thời, một số các đồng chí ở các tỉnh khác được điều đến thay thế, chuẩn bị ra sống và hoạt động hợp pháp tại đây. Đồng chí Lê Văn Hiền, Phó bí thư Liên tỉnh 3, kiêm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận được điều ra thay đồng chí Lê Thanh Liêm làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Tỉnh ủy phân công bộ phận chuẩn bị chu đáo cho anh em có giấy tờ hợp pháp. Từng đồng chí chụp ảnh, làm căn cước giả, có quần áo cải trang thích hợp với hoàn cảnh từng người lúc ra đi và được cấp một số tiền để ra sống hợp pháp.
Một thời gian sau, Khu ủy có chủ trương gọi các đồng chí ra hợp pháp trở về căn cứ. Nhưng phải đến gần hai năm sau các đồng chí lần lượt trở về, không ít anh em bị địch bắt, giam cầm hoặc thủ tiêu. Có người đầu hàng, phản bội làm tay sai cho địch.
Trong một báo cáo của Khu V gửi Trung ương có đoạn viết:"Chủ trương này thất bại về căn bản vì hầu hết cán bộ đều lộ mặt không chuyển ra sống hợp pháp được, một số kiên quyết chuyển ra sống hợp pháp (gồm cán bộ từ Khu đến đảng viên thường) thì hoặc bị bắt, hoặc buộc phải chạy vào bất hợp pháp trở lại, hoặc chỉ loay hoay tạo thế sống hợp pháp, không công tác được"8.
Thực tiễn cho thấy, chủ trương chuyển một bộ phận cán bộ thoát ly ra sống hợp pháp lúc này là hết sức sai lầm không đem lại một tác dụng tích cực nào. Một số ít cơ sở còn lại ở thôn xã, sau khi đồng chí lãnh đạo mới đến không nắm được nên cơ sở ở đó không còn tác dụng. Có huyện đồng bằng lâm vào tình trạng trắng cơ sở. Trong số đó, Cam Ranh bị tổn thất nặng nề nhất, đến năm 1958 địa bàn ở đây bị bỏ trống hoàn toàn. Ở Diên Khánh, sau vụ hai tên Thiên và Thiện ra đầu hàng phản bội khai báo, địch khủng bố bắt bớ hàng loạt cán bộ, cơ sở làm cho phong trào ở đây mất trắng.
Tại Vạn Ninh, nơi phong trào tương đối yếu, đến khi số cán bộ lãnh đạo bị tổn thất thì phong trào cũng mất trắng. Ở những nơi được đánh giá là có phong trào khá như Ninh An, Ninh Thọ và một số thôn ven đường 21, huyện Ninh Hòa và một số thôn: Phú Vinh, Xuân Lạc, Phú Nông, Đồng Nhơn, Bút Sơn, Vĩnh Điềm, Thái Thông, Thủy Tú, Trường Đông (thuộc huyện Vĩnh Xương) có cơ sở rải rác, làm được một số việc như tuyên truyền giáo dục, giữ vững lòng tin ở cách mạng, nuôi dưỡng cán bộ bất hợp pháp và tiếp tế một phần nhu yếu phẩm cho Liên tỉnh. Nhưng số lượng đảng viên ngày càng ít. Các tổ chức quần chúng không phát triển được nên Đảng không có nguồn bổ sung. Số đồng chí vì công việc nhiều, phạm vi phụ trách rộng, nên hoạt động một thời gian thì lòi lưng, bị truy nã hoặc bị bắt.
Phong trào miền núi cũng gặp không ít khó khăn. Ngay sau ngày 20-7-1956, địch tăng cường bao vây kinh tế, nhất là muối và vải. Chúng kiểm soát chặt vùng ven, dồn dân lập "khu trù mật". Ở huyện Vĩnh Khánh, chúng mở con đường mới từ Đồng Trăng - Cẩm Sơn lên Gia Lê, dự tính sẽ vượt dốc Gia Rích nối liền với Đà Lạt và từ Ninh Hưng (Ninh Hòa) đi Bến Khế (Vĩnh Khánh). Con đường như một mũi dao nhọn cắt đôi vùng căn cứ, lách sâu vào hậu phương ta, chặn ngang hành lang giao liên vốn an toàn từ nhiều năm trước. Chúng gọi đây là con đường "phản kích Việt cộng và nắm dân"; Đồng thời cũng là con đường kinh tế của Trần Lệ Xuân để phá trống rừng "che Việt cộng" và khai thác lâm sản. Con đường vừa mở xong thì hàng loạt thầy giảng, mục sư đạo Tin Lành và linh mục Thiên Chúa giáo tranh nhau lên vùng cao, đi sâu vào các buôn làng, khuyến khích đồng bào theo đạo. Thần quyền, giáo lý được Mỹ-Diệm lợi dụng một cách tinh vi vào mục đích thực hiện chủ nghĩa thực dân mới. Chúng đã đưa lên Gia Lê tên Smít, một tên sĩ quan tình báo đội lốt mục sư, thông hiểu phong tục, tập quán các vùng dân tộc thiểu số, thông thạo các ngón chiến tranh tâm lý, lừa mị.
Tập trung dân là một quốc sách của địch, vừa dụ dỗ mua chuộc, vừa dùng vũ lực đàn áp để tách nhân dân xa rời Đảng. Nhưng đồng bào miền núi vốn quen sống tự do trên núi rừng, lại được Đảng tổ chức, lãnh đạo giáo dục nên họ kiên quyết chống, không chịu để địch đưa vào các khu dồn. Đồng bào các vùng Hòn Dù, A Xây, Suối Cát, Cà Thiêu, Tà Gộc (Vĩnh Khánh) đã cử 24 đại biểu do A Ma Chánh, A Ma Thăng, Pi Năng Quảng dẫn đầu mang cơm gạo xuống gặp quận trưởng Diên Khánh là Nguyễn Hứa, đấu tranh suốt 9 ngày phản đối bắt dân tập trung. Bọn địch dở trò dụ dỗ mua chuộc nhưng không lay chuyển được đồng bào. Cuối cùng chúng trở mặt đàn áp, đánh đập dã man Pi Năng Quảng và A Ma Chánh bị thương nặng. Pi Năng Quảng về đến nhà thì hy sinh.
Lúc này ở Khánh Sơn, đồng bào các xã ở vùng giáp ranh như Sơn Tân, Sơn Trung, Sơn Thanh, Sơn Cầu đã bị địch dồn xuống đồng bằng tập trung ở một số địa điểm gọi là "ấp tân sinh" ở Sông Cạn, Trại Láng, Bầu Hùng, Hóc Gia. Để tiếp tục dồn dân vùng giữa và vùng cao, địch chọn xã Ba Cụm, Tô Hạp (Khánh Sơn) làm thí điểm. Ba Cụm, Tô Hạp là trung tâm căn cứ, là chỗ dựa của chỉ đạo, nếu dân ở đây bị dồn sẽ ảnh hưởng không lợi về nhiều mặt đến toàn bộ phong trào. Bởi vậy, địch ra sức dồn, còn ta thì kiên quyết giữ. Tháng 5-1957, Bảy Hợi- (tức Lê Hợi, nguyên Thường vụ Huyện ủy Vạn Ninh), một tên phản bội làm tay sai đắc lực cho địch, cùng với một tiểu đội bảo an đến Ba Cụm vừa thuyết phục dụ dỗ, vừa dọa dẫm nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, 2 chi bộ Ba Cụm và Tô Hạp biểu thị quyết tâm lãnh đạo nhân dân, thề sống chết chống âm mưu tập trung dân xuống đồng bằng Ba Ngòi. Hàng trăm quần chúng tham gia đấu tranh. Họ khâm phục thái độ bình tĩnh đúng mức của cốt cán, nhất là 2 đồng chí đảng viên cộng sản Sáu Tý, Tro Dé và 4 cốt cán đã dùng những lý lẽ đanh thép khiến cho tên Bảy Hợi lúng túng, nhượng bộ. Từ đó về sau, địch còn thi thố nhiều thủ đoạn nham hiểm nữa nhưng vẫn không thể nào dồn được nhân dân Ba Cụm, Tô Hạp. Noi gương Ba Cụm, Tô Hạp đồng bào nhiều nơi đấu tranh kiên quyết không đi tập trung. Các đồng chí cán bộ người dân tộc như Bảy Xà A, Bảy Ba Non, A Ma Hớt (Bến Lễ), A Ma Lực (ở Cà Thiêu), A No (Khánh Thành), H' Giang ở Tà Giang, huyện Vĩnh Khánh với ảnh hưởng và uy tín của mình đã lãnh đạo nhân dân các nơi này rời buôn làng chạy đi nơi khác, không để bị địch dồn tập trung. Đồng bào Hòn Dù, A Xây, Tà Gộc kéo lên ở chung với đồng bào Cà Thiêu. Buôn Ma Phu thuộc đồng bào dân tộc Êđê do A Ma Bưng lãnh đạo cũng đã kiên quyết chống tập trung kéo lên trú ở vùng Tang Rang (Đắc Lắc). Khi bọn địch ở đây bắt tập trung thì lại dời làng về Thác Hòm bất hợp tác với địch.
Qua đấu tranh thử sức với địch thấy rõ nhiều chi bộ lãnh đạo tốt, trình độ giác ngộ chính trị của nhân dân được nâng cao đấu tranh với địch có lý lẽ, mạnh dạn. Đảng bộ địa phương đã nhận thức sâu sắc việc chống tập trung dân, dồn dân ở miền núi là vấn đề cốt tử của cách mạng trong giai đoạn này. Do đó, Đảng có nhiều biện pháp tổ chức đấu tranh phù hợp với khả năng và nắm được nguyện vọng của đồng bào miền núi, nên đã được nhân dân hết sức đồng tình. Theo tập quán dân tộc Raglai rất kiêng cử dời "cột nhang" đi xa núi, đem lúa, bắp để xa "nhà nhang", xa rẫy. Ta nắm tâm lý này để phát động phong trào quần chúng chống tập trung dân, có tề ngụy hưởng ứng tham gia.
Tuy nhiên, với sự uy hiếp trắng trợn kết hợp với dụ dỗ mua chuộc, năm 1957 địch đã dồn dân một số vùng, xây dựng khu tập trung kiểu mẫu Gia Lê. Chúng tập trung đồng bào các vùng Đa Ca, Gia Rích, Giang Biên, Sông Trang, Bưng Dưng, Gia Huynh, Chà Liên, Thác Hòm, Thác Trại, Sông Máu, Đá Bi, hình thành 3 khu dồn dân lớn là Bố Lang, Thác Trại, Gia Lê. Mỗi khu dồn có rào bưng bít xung quanh, có thanh niên dân vệ được trang bị súng tuần tra, canh gác, có chòi cao để quan sát, bên trong có nhà thờ đạo, sân chơi. Hàng viện trợ Mỹ đổ vào hình thành lối sống phồn vinh giả tạo. Phần bị địch o ép, dồn sống tập trung, phần bị lối sống vật chất tác động, nên mối liên hệ giữa đồng bào và cán bộ bị cắt đứt, còn cán bộ thì ngại vào gặp đồng bào trong khu tập trung một thời gian khá lâu.
Đồng thời với chủ trương sai lầm đưa cán bộ bất hợp pháp ra sống "xã hội hóa" ở thành phố và đồng bằng, ở miền núi ta lại chủ trương rút vào hoạt động bí mật, không đi đường mòn, không được đóng cơ quan, cán bộ người Kinh không được ở trong nhà đồng bào dân tộc, không được trực tiếp gặp dân mà phải thông qua cốt cán người dân tộc, sợ một khi địch đi càn thấy dấu vết cán bộ người Kinh, nó có cớ khủng bố nhân dân. Chủ trương này khiến "tự ta bó ta", làm cho phong trào miền núi tương đối vững trong năm 1956 lâm vào thế khó khăn. Đây là sai lầm trong chỉ đạo phong trào các huyện miền núi lúc bấy giờ.
Song, thấu suốt quan điểm: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng bộ đã sớm nhận rõ chủ trương sai lầm trên để có những biện pháp khắc phục.
Qua anh Hai người Đa Răm, có bà con trong khu dồn Sông Máu, nắm được tình hình cụ thể, ta tổ chức một tổ tuyên truyền có vũ khí thô sơ, đột nhập vào nói chuyện với đồng bào, dần dần móc nối, xây dựng được một số cơ sở ở khu tập trung Gia Lê.
Ở vùng giáp ranh Cam Ranh - Khánh Sơn và một số xã vùng thấp Vĩnh Khánh, địch ra sức dồn dân, nhưng còn dây dưa chưa thực hiện được. Ta phân công cán bộ đi sát cơ sở, các đồng chí đảng viên người dân tộc bám đất, bám dân làm nòng cốt cho đồng bào đấu tranh. Đồng bào được sự hướng dẫn của ta đưa đại diện đi kêu xin, ù lì trì hoãn. Có những nơi địch o ép căng quá thì chặt cây đem đến nộp cho có lệ rồi về nhà rẫy, hoặc ra phát chồi rồi bỏ, chứ không chịu làm nhà để dời làng đến khu dồn, trường hợp có bị dồn thì cất nhà tập trung, nhưng phát rẫy ra núi xa, khi thu hoạch lúa bắp phải để lại ngoài rừng, kiên quyết không chịu nhận súng, không tham gia tổ chức dân vệ, không đi hội họp, nguyện lúc nào cũng giữ "một bụng một gan" với cách mạng, với Cụ Hồ. Riêng vùng giữa và vùng cao địch không làm gì được, cơ quan chỉ đạo và các trạm liên lạc vẫn hoạt động như trước. Hành làng giao thông vẫn thông suốt.
Từ năm 1956 đến 1959, vùng miền núi của tỉnh ta đã phát triển được 20 chi bộ đảng người dân tộc, mỗi chi bộ có từ 3 đến 5 đảng viên, bên cạnh có Chi đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng hoạt động khá sôi nổi. Các địa bàn mạnh là các xã Ba Cụm, Tô Hạp, Sơn Trung, Sơn Thanh (Khánh Sơn). Đặc biệt 2 xã Ba Cụm và Tô Hạp thành lập được đảng ủy, mỗi đảng ủy có từ 2 - 3 chi bộ, 2 chi đoàn thanh niên đồng thời cũng là 2 tiểu đội du kích. Thôn Hòn Rồng vùng địch kiểm soát cũng tổ chức được 1 chi bộ bí mật 4 đảng viên trong có Máu Thọ là tề hai mặt hoạt động tốt. Đây chính là cái gốc làm cơ sở cho phong trào nổi dậy sau này giành được thắng lợi.
Nhìn chung, tình hình trong những năm 1957-1959 là căng thẳng nhất, đây cũng là những năm ta tổn thất nhiều cán bộ nhất. Đây là thời kỳ cán bộ, đảng viên và nhân dân day dứt vô cùng. Địch xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, không chịu hiệp thương tổng tuyển cử. Chúng thi hành chính sách phát xít cực kỳ tàn bạo, nhằm tiêu diệt Đảng ta, tiêu diệt phong trào cách mạng, chà đi xát lại hết sức dã man. Thực tế tình hình như vậy, nhưng ta lại "nhấn mạnh quá nhiều về đấu tranh chính trị đơn thuần, nhấn mạnh biện pháp đấu tranh bằng tổng tuyển cử tự do, cho rằng đấu tranh bằng phương pháp hòa bình là duy nhất đúng"9. Tư tưởng đảng viên diễn biến phức tạp, nhiều đồng chí không tin ở khả năng đấu tranh chính trị đơn thuần. Thực tiễn đó đặt ra với lãnh đạo phải xem xét lại đường lối và phương pháp đấu tranh.
Ánh sáng đã bắt đầu hé ra và mỗi lúc một rõ dần. Vào cuối năm 1957, đồng chí Lê Văn Hiền vào Sài Gòn để liên lạc nắm tình hình của số đồng chí hoạt động hợp pháp, đồng chí liên hệ với Liên Tỉnh ủy miền Đông (Nam bộ), tiếp thu được bản "Đề cương về đường lối cách mạng miền Nam" do đồng chí Lê Duẩn thảo, trong lúc đồng chí còn công tác ở Nam bộ. Bản tư liệu quan trọng đó xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam là phải đánh đổ chế độ độc tài phát xít Mỹ-Diệm và đánh đổ bằng con đường bạo lực cách mạng.
Mặc dù, chưa được sáng rõ lắm nhưng cái mạch tư tưởng chỉ đạo và suy nghĩ của các đồng chí có trách nhiệm như đã bắt gặp được một sức sống mới. Tháng 3-1958, Khu ủy V điện cho Liên tỉnh 3 với nội dung: "Tình hình hiện nay có hai khả năng: hòa bình và chiến tranh. Ta phải ra sức tranh thủ khả năng thứ nhất, đồng thời chuẩn bị cho khả năng thứ hai, cụ thể là lo xây dựng căn cứ, có tự vệ võ trang, có biện pháp đối phó với bọn ngoan cố". Mùa thu năm 1958, Khu ủy ra nghị quyết về xây dựng căn cứ địa miền núi bao gồm miền Tây các tỉnh đồng bằng, Tây Nguyên và bước đầu xây dựng lực lượng võ trang với nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, bảo vệ cán bộ.
Chấp hành sự chỉ đạo của Khu ủy, của Liên tỉnh và dựa theo tinh thần bản "Đề cương về đường lối cách mạng miền Nam" của đồng chí Lê Duẩn, Tỉnh ủy chủ trương lo xây dựng và củng cố căn cứ, lực lượng tự vệ võ trang, đẩy mạnh công tác vận động đồng bào miền núi, chuẩn bị mọi mặt, tiến tới phá các khu tập trung. Đồng thời ở đồng bằng ta cũng có những biện pháp hoạt động mạnh hơn. Tỉnh ủy tập hợp một số cán bộ đặc công trước đây hình thành hai tổ võ trang: Một tổ phía Nam do đồng chí Huỳnh Văn Chiêu làm tổ trưởng và 2 đồng chí Nguyễn Văn Láp, Nguyễn Văn Hạ; một tổ ở phía Bắc do đồng chí Nguyễn Tấn Sang (Cả) làm tổ trưởng. Với phương châm hoạt động "Có miếng không có tiếng, diệt một ngã mười", tấn công tiêu diệt bọn ác ôn khét tiếng, nhưng khéo che dấu bằng những tình huống hợp pháp, khiến cho kẻ địch không có cớ khủng bố làm vỡ cơ sở. Tổ võ trang này hoạt động ở địa bàn Diên Khánh, Vĩnh Xương tổ chức diệt tên Bùi Nà, đại diện xã Vĩnh Phương vào ngày 4-1-1959. Bùi Nà có mâu thuẫn với cánh Lê Công Mộ, một tên tay sai đắc lực của địch, nên sau khi Bùi Nà bị giết, ngón đòn dư luận quật sang Lê Công Mộ, hắn bị bỏ tù. Vụ trừ gian này có ảnh hưởng lớn, đồng bào bàn tán xôn xao, cùng một lúc loại trừ được hai tên ác ôn ở địa phương, nhưng cơ sở không bị vỡ mà còn phát triển thêm. Tiếp đó đội vũ trang ở phía Bắc diệt Trần Đức Ty, một tên ác ôn khét tiếng ở Bằng Phước, xã Ninh Phú, huyện Ninh Hòa. Đầu năm 1959, một tiểu đội du kích mật xã Ba Cụm do đồng chí Sen chỉ huy, cải trang làm lính bảo an ngụy quận Cam Lâm đột nhập nhà riêng bắt xử tội tên Mang Xiêm, tổng đoàn trưởng ác ôn khét tiếng.
Những vụ diệt ác, xử đúng người, đúng tội là những cú đập trúng đích, gây ảnh hưởng rất lớn trong nhân dân. Quần chúng phấn khởi, tin tưởng là cách mạng vẫn còn, cách mạng đang đứng dậy.
ĐẢNG BỘ TIẾP THU NGHỊ QUYẾT 15 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
Bằng việc sử dụng bạo lực phản cách mạng vô cùng tàn bạo, đến giữa năm 1959, ngụy quyền Mỹ-Diệm tạm thời ổn định. Chúng đã nắm được nông thôn bằng bộ máy kìm kẹp, đồng thời siết chặt thế kiểm soát ở các đô thị. Tổ chức cai trị của địch thọc sâu xuống tận liên gia bằng một hệ thống gián điệp, công an, mật vụ dày đặc. Chúng tiến hành khủng bố gây chết chóc khủng khiếp. Tình hình nông thôn cực kỳ căng thẳng và không khí đô thị cũng rất ngột ngạt. Phong trào cách mạng xuống thấp rõ rệt. Kẻ thù lấn lướt nhân dân về mọi mặt. Quần chúng căm thù địch sâu sắc, nhưng đồng thời cũng ngán uy thế bề ngoài của chúng.
Tuy nhiên, bọn Mỹ-Diệm không thể cai trị bình thường mà phải dùng đến bạo lực phát xít một cách điên cuồng, đặt quần chúng trước hai con đường; hoặc khuất phục chúng, hoặc quyết tử chống lại. Mọi tầng lớp nhân dân hầu như cảm thấy trước khả năng ngụy quyền Ngô Đình Diệm không thể tồn tại lâu dài được. Chẳng những quần chúng cơ bản muốn lật đổ chế độ hiện hành, mà các tầng lớp trên, tôn giáo, một số nhân viên ngụy quyền, sĩ quan, binh lính cũng muốn thay đổi chế độ đó. Do đó, con đường duy nhất để thực hiện nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là: dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Trước tình hình đó, Nghị quyết lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (mở rộng) tháng 1-1959, đã đánh dấu một sự chuyển hướng quan trọng về đường lối và phương pháp cách mạng đối với miền Nam. Nghị quyết chỉ rõ: "Cách mạng Việt Nam ở miền Nam nói chung không thể đi ra ngoài quy luật chung của nước thuộc địa và nửa thuộc địa từ trước tới nay, cho nên con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là dùng bạo lực". Cụ thể là: "Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân".
Tình hình Khánh Hòa trước khi có Nghị quyết 15 là sự chênh lệch giữa phong trào cách mạng ở đồng bằng với miền núi. Cơ sở Đảng ở đồng bằng hầu như bị trắng. Ở miền núi, hệ thống tổ chức của Đảng được giữ vững từ xã đến huyện lãnh đạo được quần chúng, tranh thủ được đại bộ phận tề (tề 2 mặt) ở cả cấp tổng, xã và đại biểu liên gia. Bằng những hoạt động và đấu tranh khôn khéo, nhân dân đã bảo vệ nuôi dưỡng cán bộ, làm chỗ đứng chân cho cơ quan đầu não của tỉnh và cả Liên tỉnh 3.
Tháng 7 năm 1959, đồng chí Năm Hòa (Trần Lê), Bí thư Liên tỉnh 3 đi dự hội nghị Trung ương để nghe truyền đạt Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, đồng thời đưa về cho tỉnh cả một khung cán bộ tiểu đoàn với một số vũ khí, điện đài làm tăng thêm niềm tin cho Đảng bộ và nhân dân, nói theo cách diễn đạt của cán bộ người dân tộc là "Kỳ này heo rừng mọc nanh, nai mọc gạc".
Nghị quyết có tính chất cương lĩnh về cách mạng miền Nam của Trung ương được tổ chức học tập cho cán bộ của tỉnh họp tại Xóm Cỏ (Khánh Sơn) vào tháng 8 năm 1959. Hội nghị nhận định: Tình hình hiện nay là phong trào ở các huyện miền núi tương đối khá. Trong cuộc kháng chiến trước, miền núi là chỗ dựa của tỉnh, và cũng là bàn đạp cho các đội võ trang tuyên truyền hoạt động lên phía Đắc Lắc, có đội ngũ cán bộ và chiến sĩ người dân tộc, có nhiều cơ sở cách mạng. Trong những năm đầu chống Mỹ, phát huy truyền thống chống thực dân Pháp xâm lược, phong trào miền núi Khánh Hòa tiếp tục được duy trì và phát triển, nhưng ở đồng bằng bị địch đánh phá ác liệt, nhiều nơi đứt liên lạc với cơ sở. Vận dụng tinh thần Nghị quyết lần thứ 15 của Trung ương Đảng vào tình hình cụ thể của địa phương, Tỉnh ủy chủ trương: "Đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng các huyện miền núi, lấy đấu tranh vũ trang hỗ trợ cho đấu tranh chính trị của quần chúng, phá các khu tập trung dân của địch. Phương hướng đối với các huyện đồng bằng là ra sức phục hồi phong trào, nhưng lúc này không chỉ đấu tranh chính trị đơn thuần, mà phải tổ chức các đội vũ trang công tác đi xây dựng cơ sở, dần dần phá thế kèm kẹp của địch, thanh toán các vùng trắng".
Hội nghị còn chủ trương tăng cường cán bộ cho vùng căn cứ, rút thanh niên ra xây dựng các đội vũ trang, mở các lớp huấn luyện quân sự do một số cán bộ quân sự miền Bắc về hướng dẫn và làm nòng cốt. Ở vùng căn cứ mở các lớp học văn hóa, chính trị, các lớp bồi dưỡng và đào tạo cán bộ chi ủy người dân tộc. Công việc chuẩn bị mọi mặt cho bước chuyển mới của phong trào cách mạng trong tỉnh được tiến hành hết sức khẩn trương, sôi động.
* *
*
Trong quá trình đấu tranh cách mạng, chưa có thời kỳ nào lực lượng cách mạng của tỉnh Khánh Hòa lại bị tổn thất nghiêm trọng như trong những năm 1954-1959. Kẻ thù ra sức đánh phá Đảng ta và đàn áp khốc liệt các phong trào cách mạng của quần chúng. Khánh Hòa, nguyên là vùng tạm bị chiếm trong cuộc kháng chiến trước vốn đã gặp muôn vàn khó khăn, số lượng cán bộ, đảng viên toàn tỉnh lúc cao nhất không quá 4.000 người. Sau khi ngừng bắn, số cán bộ đi tập kết rất ít, đa số được bố trí ở lại, trong đó khoảng 120 cán bộ thoát ly hoạt động bí mật bất hợp pháp, kể cả văn phòng, điện đài, cơ yếu, liên lạc và một số đồng chí đặc công. Tỉnh ủy có 5 đồng chí, mỗi huyện, thị ủy có 3 - 5 đồng chí, mỗi xã có 2 - 3 cán bộ. Số còn lại được bố trí về lại địa phương hoạt động hợp pháp, làm ăn hòa nhập với quần chúng, lãnh đạo, vận động quần chúng đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Nhưng chỉ trong vòng 5 năm (1954-1959) đã bị địch sát hại trên 350 người, trong đó 30 đồng chí là cấp ủy viên huyện, tỉnh. Đó là những đồng chí cốt cán trung kiên đã được đào luyện, trưởng thành trong quá trình đấu tranh ác liệt và gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp, một tổn thất hết sức to lớn đối với Đảng bộ và phong trào cách mạng của tỉnh nhà.
Nhiều đồng chí đã bị địch giết vì không chịu đầu hàng khai báo. Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên bị địch bắt đều quyết tâm bảo tồn sự nghiệp cách mạng, mặc dù bị kẻ thù tra tấn cực kỳ dã man. Nhiều lúc cơ sở bị địch khủng bố tan nát, thiếu chỗ ăn, chỗ ở, một mình sống trong rừng, hoặc phải ở bờ, ở bụi, bị đói, bị đau, bị địch săn đuổi, nhưng cán bộ vẫn quyết tâm bám phong trào, quyết tâm không rời quần chúng.
Trong hồ sơ của địch còn lưu lại những gương trung thành bất khuất của cán bộ, đảng viên ta, làm nãn lòng những cuộc điều tra, truy quét của chúng như gương đồng chí Phạm Ngọc Hoành, thôn Phú Hội (Vạn Ninh) thà chịu chết để bảo toàn bí mật căn cứ Đá Bàn. Đồng chí Lê Hiến Thuần, huyện ủy viên Vạn Ninh bị địch bắn bị thương, khiêng về bệnh xá đã không cho địch băng vết thương, đồng chí đã giải thích cho quần chúng trong bệnh viện về đường lối của Đảng và chửi địch cho đến khi tắt thở. Đồng chí Ngô Đến, quê ở Vĩnh Xương từ lúc bị địch bắt đến lúc đấu tranh hy sinh ở nhà tù Côn Đảo đã tỏ rõ khí phách anh hùng được cán bộ, đảng viên và đồng bào hết sức ca ngợi, gọi là "Anh hùng Côn Đảo".
Tấm lòng ưu ái của nhân dân đối với Đảng, đối với cán bộ cách mạng không sao kể xiết. Rất nhiều gia đình có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ trong nhà. Cứ mỗi lần nghe anh em chị em cán bộ bị địch bắt là hàng trăm quần chúng tìm cách đến thăm, cho đồ dùng thức ăn trước sự hăm dọa của địch. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có anh Thiêng người dân tộc T'ring đã vượt núi cao rừng rậm đi tìm gặp cán bộ. Chị Tay Dú 4 năm liền đem cơm tiếp tế cho cán bộ lãnh đạo. Mẹ anh Quyết ở Sơn Lâm trước khi mất dặn con: "Mẹ chết không phải cúng chi hết, các con theo Đảng là mẹ yên lòng". Ông bà Sáu Tý ở Ba Cụm (Khánh Sơn), nhà nghèo nhưng cố giành dụm nuôi heo, bán lấy tiền mua áo, quần cho cán bộ. Những tháng giáp hạt hai ông bà vào rừng đào củ mài, lựa phần củ ngon dành cho cán bộ. Giữa đêm đông giá lạnh ông bà gọi cán bộ đến tâm sự, căn dặn: "Dù khó khổ đến mấy, con cũng không được đầu hàng Mỹ-Diệm, chúng xấu lắm. Mau hay chậm rồi Cụ Hồ cũng sẽ thắng".
Trong chuỗi những biến cố lịch sử lớn của cách mạng nước ta, những năm 1955-1959 là thời kỳ diễn ra những sự đảo lộn ghê gớm. Đảng bộ Khánh Hòa vượt qua được sự thử thách khủng khiếp ấy là nhờ đã kiên định lập trường tư tưởng, tuyệt đối tin tưởng vào Bác Hồ, vào hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, không ảo tưởng mơ hồ về kẻ thù, không nhụt ý chí đấu tranh, nguyện chiến đấu hy sinh đến cùng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cho đến năm 1959, mặc dù cán bộ, đảng viên chưa thông suốt với chủ trương đấu tranh chính trị đơn thuần, nhưng tất cả đều chấp hành chỉ thị của Đảng rất nghiêm chỉnh. Suốt thời gian đó, đa số đảng viên đã kiên trì bám quần chúng, chỉ đạo đấu tranh, hy sinh anh dũng. Do đó, những đảng viên còn lại là những hạt gạo cội được trui rèn và thử thách, có nhiều kinh nghiệm, trình độ chính trị vững vàng. Chính số đảng viên trung kiên ấy cùng với cơ sở quần chúng cốt cán là hạt nhân phát động phong trào cách mạng sau này.
Ánh sáng Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bùng lên xua tan đêm tối. Cán bộ và nhân dân Khánh Hòa đã gặp được ánh sáng ấy, chuẩn bị đưa phong trào tiến lên theo hướng mới.
_________
1. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IV.
2. Hồ Chí Minh TT, NXB Sự Thật, Hà Nội 1960, tr. 490.
3. Gồm 5 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Viên (Tuyên Đức), Đồng Nai Thượng (Lâm Đồng).
4. Cơ quan quân sự Khánh Hòa: Báo cáo tình hình thượng du Khánh Hòa năm 1954 - Bản lưu tại Bộ phận NGLS Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
5. Cơ quan quân sự Khánh Hòa: Báo cáo tình hình thượng du Khánh Hòa năm 1954 - Bản lưu tại Bộ phận NGLS Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
6. Địch áp dụng chính sách nắm dân thượng du của thực dân Pháp như: chính trị muối, chính trị kí ninh, chính trị vải (Politique dusel, politique du quinine, politique d'etoffe ai chặt đầu Việt cộng, cắt 2 tai đem nộp quận trưởng được nhận tiền thưởng bạc vạn).
7. Cạt (Carte d'identité): Thẻ tùy thân.
8. Báo cáo tình hình Khu V từ sau khi hòa bình lập lại đến nay (Tháng 9-1961). Bản lưu tại Bộ phận NCLS Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa.
9. Trích "Báo cáo tình hình Liên khu V từ sau hòa bình lập lại đến nay" tháng 9-1961.
Tags:
Tác giả:
Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 5 đánh giá
Xếp hạng: 1.4 - 5 phiếu bầu
- LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH KHÁNH HÒA (1930 - 2005) (31/01/2018)
- Phụ lục 2 (30/01/2018)
- Phụ lục (30/01/2018)
- Kết luận (30/01/2018)
- Chương XVIII - Đảng bộ Khánh Hòa lãnh đạo công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996-2005) (30/01/2018)
- Chương XVII - Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (7/1989 - 1995) (30/01/2018)
- Chương VI - Cuộc kháng chiến bắt đầu (23/10/1945 - 12/1946) (30/01/2018)
- Chương V - Xây dựng chính quyền nhân dân và chuẩn bị kháng chiến (8/1945 - 10/1945) (30/01/2018)
- Chương IV - Cuộc vận động giải phóng dân tộc và cách mạng tháng Tám (1940 - 1945) (30/01/2018)
- Chương III - Thời kỳ đấu tranh chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đòi tự do, cơm áo và hòa bình (1936 - 1939) (30/01/2018)