CHƯƠNG VI
CUỘC KHÁNG CHIẾN BẮT ĐẦU (23/10/1945 - 12/1946)
MẶT TRẬN NHA TRANG, MỘT TRONG NHỮNG TIỀN TUYẾN CỦA CẢ NƯỚC
Cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Sài Gòn- Chợ Lớn bao vây quân Anh- Pháp, làm cho chúng ngày càng lâm vào tình trạng khốn quẫn. Đầu tháng 10-1945, chúng buộc phải tìm cách điều đình với ta. Uỷ ban nhân dân Nam bộ tỏ rõ thiện chí chấp nhận yêu cầu của chúng. Ngày 30-9-1945 hai bên tạm ngưng bắn, nhưng thực dân Pháp cực kỳ ngoan cố và hiếu chiến, chúng lợi dụng hòa hoãn để chờ viện binh.
Trong tháng 10, có quân tăng viện từ chính quốc sang nên quân Pháp đã phá vỡ vòng vây Sài Gòn - Chợ Lớn, mở rộng chiếm đóng các tỉnh Nam bộ và chuẩn bị tiến công các tỉnh Nam Trung bộ.
Đầu tháng 10-1945, thiết giáp hạm Risơliơ (Richelieu) tới vùng biển Khánh Hòa. Ngày 6-10 và 12-10, một nghìn quân Pháp từ chiến hạm Risơliơ đổ bộ lên bãi biển Nha Trang trước Hotel Beau Rivage (nay là khu vực khách sạn Hải Yến). Cùng lúc quân Pháp trong thị xã bung ra chiếm một vài nơi. Một loạt vị trí ven biển từ Cầu Đá tới Lầu Ông Tư (nay là nhà nghỉ Bộ Nội vụ), nhà ga, nhà đèn, máy nước đều do quân Pháp đóng giữ. Sân bay Nha Trang được tăng cường một số máy bay. Trên mặt biển có các loại tàu chiến nhỏ, ca nô tuần tiễu từ Cầu Đá tới cửa sông Cái. Ngoài khơi, chiến hạm Risơliơ kiểm soát toàn bộ mặt biển từ cảng Cam Ranh ra tới Vũng Rô, sẵn sàng dùng pháo lớn chi viện cho bộ binh ở đất liền.
Quân Nhật vẫn đóng tại các vị trí cũ như khu vực Grand Hotel (khách sạn 44 Trần Phú), trại lính khố đỏ, sân bay, kho bạc, kho vũ khí Bình Tân.
Tình hình Nha Trang và Nam Trung bộ được Xứ ủy và Uỷ ban nhân dân Trung bộ quan tâm theo dõi. Xứ ủy đã có nhận định và chỉ thị: Thực dân Pháp xâm chiếm Nha Trang là uy hiếp trực tiếp con đường chi viện của các lực lượng miền Bắc, miền Trung vào Nam bộ. Cho nên vây chặt giặc Pháp lại trong Nha Trang để giữ được con đường chi viện cho Nam bộ là một yêu cầu bức thiết mà Trung ương đã đặt ra cho Đảng bộ và chính quyền cách mạng miền Trung, trực tiếp là Đảng bộ và quân, dân Nha Trang - Khánh Hòa. Cuối tháng 9-1945, Xứ ủy và Uỷ ban nhân dân Trung bộ mở Hội nghị quân sự do đồng chí Nguyễn Chánh, ủy viên trưởng quốc phòng chủ trì. Hội nghị đã quyết định một số nội dung, gồm:
- Giữ vững giao thông thông suốt để chi viện cho Nam bộ kháng chiến.
- Huy động quần chúng tuần hành thị uy, chống quân Pháp xâm lược, đồng thời tiến công uy hiếp quân Nhật bằng quân sự và binh vận.
- Điều động lực lượng quân sự từ Bắc và Trung Trung bộ vào tăng cường cho các tỉnh cực Nam Trung bộ.
- Lập Uỷ ban quân chính Nam Trung bộ đóng tại Khánh Hòa để chỉ huy cuộc chiến tại cực Nam Trung bộ do đồng chí Phạm Kiệt làm trưởng ban và đồng chí Trương Quang Giao làm chính trị ủy viên.
Căn cứ chủ trương của Xứ ủy Trung kỳ và tình hình thực tế giữa ta và địch lúc bấy giờ, Uỷ ban quân chính Nam - Trung bộ chủ trương: Tiếp tục đánh và làm tiêu hao sinh lực địch, ngăn chặn từng bước và cố giữ cho được một vùng tự do để làm căn cứ kháng chiến lâu dài.
Để sẵn sàng đánh địch ở thế chủ động tại nhiều hướng, Uỷ ban quân chính cũng đã triển khai kế hoạch phá một số cầu và một số đường, đồng thời bố trí lực lượng và xây dựng trận địa tại các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng, Đắc Lắc...
Về chỉ đạo quân sự, Chính phủ đã có chủ trương xây dựng nhiều chiến khu trong cả nước. Nam Trung bộ có hai khu: khu V và khu VI. Khánh Hòa là tỉnh thuộc khu VI.
Trước tình hình trên, quân và dân Khánh Hòa bước vào cuộc chiến đấu với một khí thế sôi nổi. Ban chỉ huy mặt trận được thành lập gồm đồng chí Trần Công Khanh làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Thế Lâm làm chỉ huy phó, đồng chí Hà Văn Lâu làm tham mưu trưởng và đồng chí Nguyễn Mô (tức Bùi Định) làm chính trị viên.
Trong thời gian này, đơn vị giải phóng quân Lê Trung Đình (Quảng Ngãi) gồm có 3 đại đội do đồng chí Lê Kích chỉ huy tăng viện cho Nha Trang. Các đại đội được bố trí ở phía bắc sông Cái, khu Chợ Mới và khu vực Nhà Đoan. Một khẩu đội pháo 75 ly đóng tại đồi La San (nay là Trường Đại học Thủy Sản), một điểm cao sát bờ biển phía bắc thị xã.
Cuối tháng 10-1945, Hội nghị đại biểu Việt Minh toàn tỉnh khai mạc. Hội nghị vạch ra nhiệm vụ tiếp tục động viên nhân, tài, vật, lực phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Pháp, giữ vững thành quả của chính quyền cách mạng. Hội nghị bầu đồng chí Hoàng Hữu Chấp làm chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh. Ban chấp hành các hội nông dân, công nhân, phụ nữ và thanh niên cứu quốc được chấn chỉnh. Sau cuộc họp này, các đồng chí Nguyễn Duy Tính (Chủ tịch Uỷ ban cách mạng tỉnh), Đào Thiện Thi, Trần Đăng Khoa, Trần Việt Châu được rút về Trung bộ và Trung ương. Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh được sắp xếp lại gồm: Tôn Thất Vỹ chủ tịch, Phạm Cự Hải phó chủ tịch và một số ủy viên phụ trách một số ngành cũng được chấn chỉnh, đồng chí Phan Văn Nhượng phụ trách ngành công an.
Nhiều cuộc họp giữa các đồng chí lãnh đạo chính quyền tỉnh, mặt trận Việt Minh và chỉ huy quân sự thống nhất nhận định:
- Quân Pháp bộc lộ quá rõ ý đồ dùng lực lượng quân sự từng bước đẩy ta ra, chiếm thị xã.
- Trong điều kiện so sánh lực lượng lúc này ta không đủ khả năng tổ chức đánh lớn để đẩy quân Pháp ra khỏi những vị trí chúng đã lấn chiếm, nhưng ta cũng không để cho quân Pháp tự do hành động.
Ta chủ trương dùng lực lượng bộ đội tại chỗ chủ động tấn công một số mục tiêu được coi là quan trọng, mà lực lượng địch ở đó tương đối mỏng, ta sẽ thâm nhập, như nhà ga, nhà đèn, khu kho Bình Tân, nhằm tiêu diệt một số sinh lực địch, phá hủy cơ sở vật chất. Sau đó, rút ra cùng lực lượng bên ngoài thực hiện nhiệm vụ chủ yếu bao vây chặt quân Pháp trong thị xã không cho chúng mở rộng diện chiếm đóng; đồng thời kiên quyết giữ vững giao thông Bắc - Nam, bảo đảm thông suốt con đường chi viện cho Nam bộ.
Ngày được chọn nổ súng tấn công là rạng sáng 23-10, đúng một tháng sau ngày nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Nhân dân Nha Trang chấp hành tốt chủ trương của tỉnh. Số đông người già và trẻ em tản cư ra vùng nông thôn Vĩnh Xương, Diên Khánh, số ở lại thị xã thực hiện bất hợp tác với giặc, biểu tình thị uy đặt chướng ngại vật trên đường phố, giúp đỡ bộ đội đục tường thông qua từng căn nhà, tạo thành hành lang vận động khi tác chiến. Thanh niên nam nữ làm nhiệm vụ cứu thương, tiếp tế và cùng bộ đội chiến đấu.
Bộ đội của thị xã Nha Trang được giao nhiệm vụ tiến công các mục tiêu đã định. Bộ đội chủ lực tỉnh và bộ đội Nam tiến bố trí sẵn ven bờ sông, đường sắt, các điểm cao mặt bắc và tây thị xã. Lực lượng dự bị đứng chân tại Ngọc Hội, Phú Nông, Xuân Lạc, sẵn sàng chi viện. Tất cả lực lượng ta sẵn sàng chờ lệnh nổ súng tấn công.
3 giờ sáng ngày 23 tháng 10 năm 1945 lệnh tấn công được phát ra từ một khối thuốc nổ lớn đặt bên ngoài hầm xe lửa số 1. Một loạt các vị trí địch bị lực lượng ta tấn công: khu vực nhà ga xe lửa, nhà đèn, khu Bình Tân...
Ở khu vực nhà ga, sau vài phút nổ súng ta đã làm chủ trận địa, tiêu diệt toàn bộ quân địch, thu vũ khí. Tại đây, đồng chí Võ Văn Ký, người chỉ huy của lực lượng tự vệ Nha Trang đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh.
Lực lượng ta làm chủ khu vực nhà đèn gần một ngày, phá hủy một số máy móc.
Ở khu vực kho vũ khí Bình Tân, do không cân sức và thiếu kinh nghiệm chiến đấu, bộ đội ta không chiếm được kho, phải rút lên Đồng Bò trước sự phản kích mạnh của địch.
Quân Pháp có lực lượng lớn và được quân Nhật trợ chiến chiếm các điểm cao đồi Sinh Trung, đồi Trại Thủy, lập trận địa pháo khống chế khu vực nội thành và vùng xung quanh thị xã.
Cuộc tấn công sớm ngày 23-10-1945 có sự chuẩn bị chu đáo, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Khánh Hòa và Nam Trung bộ.
Cuộc kháng chiến của Khánh Hòa trong ngày đầu tuy thắng lợi quân sự chưa nhiều, song có giá trị tinh thần rất to lớn, lần nữa làm cho quần chúng thấy được hành động xâm lược dã man, tàn bạo của thực dân Pháp và dấy lên lòng căm thù sâu sắc. Qua chiến đấu, cán bộ lãnh đạo và lực lượng vũ trang ta thấy quân xâm lược Pháp không có gì ghê gớm như chúng tuyên truyền.
101 NGÀY ĐÊM BAO VÂY QUÂN PHÁP TẠI NHA TRANG (23/10/1945 – 1/2/1946)
Sau khi tiến công một số vị trí địch, các lực lượng trong thị xã rút ra, phối hợp lực lượng bên ngoài lập hệ thống phòng tuyến bao vây quân Pháp. Phòng tuyến Chợ Mới gồm phòng tuyến phía bắc thị xã khu vực đồi La San, cầu Xóm Bóng, Tháp Bà lên đến Cầu Sắt hầm xe lửa số 1; phòng tuyến phía tây từ bến đò Kim Bồng phía nam bờ sông Cái theo dọc đường sắt qua quốc lộ 1 khu vực Chợ Mới, lên phía Tây- nam qua vùng Thái Thông, Thủy Tú, tới dãy Đồng Bò.
Phòng tuyến Chợ Mới là trận địa phòng ngự gồm hệ thống giao thông hào vận động và công sự chiến đấu có nắp bằng thân dừa chống pháo, cối của địch từ các điểm cao trong thị xã bắn xuống. Ngoài ra, bộ đội còn lợi dụng địa hình dọc đường sắt, dọc theo các đám dừa nước ven sông để chiến đấu.
Trong vòng một tháng, các lực lượng ta trên phòng tuyến Chợ Mới đánh lui nhiều trận nống ra của quân Pháp. 4 giờ sáng ngày 17-11, ta bẻ gãy cuộc tiến công quy mô lớn của quân Pháp, diệt hàng chục tên tại khu vực Bờrôten1. Bên ta đồng chí Nguyễn Dậu đại đội phó bộ đội Nha Trang là xạ thủ bắn VB2 nổi tiếng đã hy sinh anh dũng.
Đường xe lửa vẫn do ta kiểm soát, nhưng đoạn đường từ đèo Rù Rì qua Nha Trang vào Suối Dầu khoảng 20 km không thể dùng đầu máy kéo cả đoàn tàu vì quá gần vị trí địch. Để đảm bảo an toàn, đêm đêm từng đoàn xe goòng chở đầy vũ khí, thuốc men, quân trang, quân dụng được bộ đội, du kích và nhân dân đẩy từ hầm Rù Rì vào tới ga Suối Dầu, từ đó được đầu máy kéo chạy tiếp vào Nam bộ.
Bưu điện Nha Trang tổ chức xây dựng đường dây, các trạm điện thoại ở Phú Vinh, Lương Sơn, Hòa Tân, đảm bảo thông tin liên lạc giữa Sở chỉ huy mặt trận Nha Trang với Uỷ ban Quân chính Nam Trung bộ có chỉ huy sở đóng tại thôn Xuân Hòa nay thuộc xã Ninh Phụng (huyện Ninh Hòa) và giữa Uỷ ban Quân chính với Tháp Chàm (Ninh Thuận) và Nam bộ.
Công an xung phong, tự vệ thành liên tiếp tổ chức những trận tấn công các mục tiêu và vị trí trọng yếu của quân Pháp. Trận địa pháo 75 mm trên đồi La San nhiều lần nã đạn vào vị trí địch trong thị xã. Ngày 26-10 pháo ta bắn cháy một tàu vận tải nhỏ của Pháp trước khách sạn Bôriva. Nhiều toán lính địch bị tự vệ ta diệt trên đường phố, một số tên tay sai Pháp bị trừng trị.
Mục đích của quân Pháp chiếm Nha Trang làm bàn đạp mở rộng diện chiếm đóng không thể thực hiện được. Âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của quân Pháp bị sa lầy tại Khánh Hòa. Chúng tăng cường lực lượng để mở các cuộc tấn công mới.
Trong hai ngày 22 và 23 tháng 11, lực lượng ta và Pháp đọ sức quyết liệt tại khu vực từ Chợ Mới đến chùa Bà Nghè - Ngọc Hội, sau đó ta rút khỏi phòng tuyến Chợ Mới đưa toàn bộ lực lượng lui về lập phòng tuyến Cây Da- Quán Giếng cách thị xã Nha Trang 6 km.
Trong khi Nha Trang đang chiến đấu, các đơn vị võ trang tập trung và bán tập trung được giao nhiệm vụ cụ thể. Những nơi trực tiếp có chiến sự thì dân quân phục vụ tiền tuyến: Tải thương, tiếp tế lương thực, liên lạc dẫn đường và trực tiếp chiến đấu cùng bộ đội. Các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa và Cam Lâm (Cam Ranh) tổ chức canh gác, xây dựng công sự, lập các đội vận tải, phục vụ mặt trận và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Một số đơn vị dân quân tập trung của Ninh Hòa được tăng cường cho phòng tuyến phía bắc mặt trận Nha Trang. Những điểm xung yếu như cầu, cống dọc quốc lộ 21, quốc lộ 1, hầm xe lửa đèo Cổ Mã được bộ đội và dân quân du kích các địa phương trong tỉnh chốt giữ.
Lực lượng vũ trang tham gia chiến đấu ở mặt trận Nha Trang, gồm có tiểu đoàn tự vệ địa phương và các đơn vị Nam tiến: Đại đội Lê Trung Đình (Quảng Ngãi) - đơn vị đầu tiên tới Nha Trang, sau đó là đơn vị Thuận Hóa do đồng chí Nguyễn Thế Lâm (tức Nguyễn Kén) chỉ huy đóng tại Thái Thông, Thủy Tú, đơn vị bộ đội Nghệ Tĩnh đứng chân tại Lư Cấm. Đơn vị bộ đội ở Nam bộ ra gồm hầu hết là anh em công nhân đồn điền cao su do đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh chỉ huy đứng chân tại tây- nam thị xã.
Cuối tháng 12-1945, đơn vị Nam tiến Bắc-Bắc do đồng chí Lư Giang chỉ huy, đơn vị Quảng Yên do đồng chí Lê Hữu Quán chỉ huy vào đến Khánh Hòa. Đơn vị Bắc-Bắc tham gia mặt trận Nha Trang tại phòng tuyến Cây Da - Quán Giếng, còn đơn vị Quảng Yên lên chi viện cho mặt trận Ban Mê Thuột.
Các đội công an xung phong, tự vệ mật hoạt động bên trong thị xã, nhiều lần đột nhập doanh trại địch ở Cầu Đá, nhà ga, nhà đèn, Xóm Bóng, Cầu Dứa, Phú Vinh. Đặc biệt một tổ tự vệ mật đột nhập sân bay đốt cháy 2 máy bay địch. Đây là những chiếc máy bay địch bị phá hủy đầu tiên tại Nha Trang và cũng là chiến công đốt cháy máy bay đầu tiên từ sau ngày Nam bộ kháng chiến. Trận địa pháo đặt trên đồi La San nhiều lần nã đạn vào các vị trí của địch trong thị xã. Ngày 4-1-1946, một tàu thủy của địch đang đậu ở cảng Cầu Đá bị bốc cháy.
Trong quá trình chiến đấu, các Nhân dân và lực lượng vũ trang luôn đoàn kết gắn bó, vừa đánh giặc, vừa xây dựng củng cố lực lượng, bảo đảm cung cấp vũ khí, lương thực, cứu chữa thương bệnh binh, tạo mọi điều kiện cho tiền tuyến đánh thắng. Công tác xây dựng hậu phương làm cơ sở cho kháng chiến lâu dài được chú ý. Lúc này Diên Khánh là hậu phương trực tiếp của mặt trận, các cơ quan đầu não của tỉnh chuyển về khu vực Thành. Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh đóng ở thôn Trường Lạc, có tổ chức hai lớp huấn luyện thanh niên Trần Qúi Cáp, mỗi lớp khoảng 150 người. Cơ quan Đảng, Mặt trận Việt Minh đóng tại thị trấn và cơ quan quân sự đóng trong Thành Diên Khánh. Mặc dù khu vực chiến sự diễn ra cách Thành chỉ vài cây số, nhưng mọi sinh hoạt ở đây gần như bình thường, nhân dân vẫn tích cực sản xuất phục vụ chiến đấu sôi nổi. Giữa tháng 12-1945, Hội nghị nông dân toàn tỉnh tổ chức tại trường tiểu học Pháp - Việt (Diên Khánh) để bàn việc thực hiện chính sách giảm tô, chia công điền, công thổ cho nông dân. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh sẵn sàng đóng góp với tinh thần tự giác cao. Nhiều điền chủ đưa trâu, bò, hàng tấn lúa gạo góp vào qũy nuôi quân. Tầng lớp lao động tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng rất hăng hái thực hiện “hũ gạo nuôi quân” dành lương thực tiếp tế cho chiến sĩ ngoài mặt trận. Nhân dân Ninh Hòa, Vạn Ninh vừa đảm bảo đủ lương thực nuôi quân tại chỗ đang tăng nhanh, vừa đáp ứng các mặt cho mặt trận Nha Trang, mặt trận Ban Mê Thuột.
Diễn biến chiến trường ở Nam bộ, Nam Trung bộ và ở mặt trận Nha Trang được Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đặc biệt quan tâm theo dõi.
Cuối tháng 12-1945, Hồ Chủ tịch cử phái đoàn Chính phủ do đồng chí Lê Văn Hiến dẫn đầu tới một số tỉnh Nam Trung bộ tìm hiểu tình hình, phổ biến một số chính sách, chủ trương của Chính phủ và mang thư của Bác Hồ “Gửi các chiến sĩ cùng đồng bào Nam bộ và phía Nam Trung bộ. Thư có đoạn viết: “Từ ba tháng nay các anh chị em đã đổ xương máu để giữ từng tấc đất của Tổ quốc. Tôi cũng như bao nhiêu đồng bào ở Bắc bộ và phía Bắc Trung bộ đã bao nhiều lần tức giận khi nghe bọn thực dân Pháp chà đạp lên miếng đất của ông cha ta, giết hại nòi giống ta; đã bao nhiêu lần phấn khởi khi nghe những chiến công oanh liệt do những vị vô danh và hữu danh, anh hùng của dân tộc tạo nên; đã bao nhiêu lần hồi hộp, có thể khóc được trước những gương vô cùng hy sinh, vô cùng can đảm của những người con yêu Tổ quốc. Do đó, tôi tin chắc rằng: Với một quốc gia có những đứa con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không thể bị mất lại một lần nữa”3.
Đến Khánh Hòa, sau khi làm việc với các đồng chí trong Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời và Tư lệnh mặt trận Nha Trang, đồng chí Lê Văn Hiến đi thăm một số đơn vị đang chiến đấu trên phòng tuyến, thăm bệnh viện tỉnh đóng trong nhà dân..., nói chuyện và truyền đạt Thư của Hồ Chủ tịch và của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp, cổ vũ động viên chiến sĩ. Ngày 31-12 tại Thành (Diên Khánh) có cuộc gặp giữa Phái viên Chính phủ với đồng bào địa phương. Đồng chí Phái viên động viên nhân dân hăng hái tham gia cuộc Tổng tuyển cử và hết sức cảnh giác, phòng quân Pháp đánh phá.
Mặc dù phải lo chiến đấu chống giặc, công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử được Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân đặc biệt chú ý. Ban tổ chức cuộc bầu cử bố trí các địa điểm thuận lợi để nhân dân đi bỏ phiếu. Địa điểm nào cũng có hầm hố, trạm cứu thương, súng phòng không trực chiến.
Ngày 6-1-1946, nhân dân Khánh Hòa cùng nhân dân cả nước lần đầu tiên nô nức đi làm nghĩa vụ thiêng liêng của người công dân, tới các địa điểm bỏ phiếu để bầu những đại biểu của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đồng bào, chiến sĩ khu vực mặt trận Vĩnh Xương, Diên Khánh bất chấp bom đạn của kẻ thù vẫn đi bỏ phiếu đông đủ. Máy bay Pháp quần lượn nhiều giờ tại khu vực bỏ phiếu, ném hàng chục quả bom. Nhưng nhờ có hệ thống hầm hố phòng tránh tốt nên ta đã hạn chế được thiệt hại. Đồng chí phái viên Chính phủ gửi về Trung ương bản tường trình về ngày Tổng tuyển cử ở Khánh Hòa như sau:
“Trong ngày Tổng tuyển cử, thực dân Pháp đã dã man dùng máy bay ném hàng chục quả bom, bom lửa và bom nổ khủng bố dân chúng. Hành động vô nhân đạo ấy đã làm cho thường dân chết 4 người trong số đó có 1 trẻ em 2 tuổi, 12 người bị thương nặng. Số người bị chết có thể tăng lên. Trong khoảng 1 tiếng rưỡi, chúng dùng máy bay qua lại trên Thành Diên Khánh để khủng bố dân chúng. Dân chúng bình tĩnh tiếp tục bỏ phiếu làm tròn nghĩa vụ công dân”.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, kết quả cử tri trong tỉnh đã bầu 3 ông: Nguyễn Văn Chi, Tôn Thất Vỹ, Đào Thiện Thi4 là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa 1 của tỉnh Khánh Hòa.
Cuối tháng giêng năm 1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp vào kiểm tra tình hình mặt trận miền Nam. Ngày 27-1-1946 đồng chí tới thị sát mặt trận Nha Trang, cùng đi có đồng chí Nguyễn Sơn, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam. Đồng chí Võ Nguyên Giáp có cuộc họp mặt với các cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền, mặt trận Việt Minh, chỉ huy quân sự tỉnh tại Thành Diên Khánh. Đồng chí trân trọng chuyển lời thăm hỏi và khen ngợi của Bác Hồ đến đồng bào chiến sĩ mặt trận Nha Trang. Sau khi nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh báo cáo, đồng chí đã nhận định tình hình như sau: “Với biết bao khó khăn của ngày đầu kháng chiến, quân và dân Nha Trang- Khánh Hòa đã trụ bám vững chãi một thời gian dài trên tuyến lửa, tiêu diệt và tiêu hao giữ chân quân Pháp, thật sự làm thất bại một bước âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch...”. “Cho đến lúc này giao thông của ta từ Bắc vào Nam vẫn thông suốt, để Trung ương vẫn tiếp tục vận chuyển vũ khí, bộ đội vào Nam bộ tạo điều kiện cho hậu phương chuẩn bị kháng chiến. Ở mặt trận này đang có nhiều đơn vị vệ quốc quân, dân quân tự vệ, có những đơn vị địa phương, có những đơn vị Nam tiến từ phía Bắc vào, thế mà các đơn vị giữ được mối đoàn kết hợp đồng tác chiến, đoàn kết quân dân, như vậy là rất tốt. Các lực lượng vũ trang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chặn địch, bảo vệ cho đồng bào thực hiện Tổng tuyển cử ngày 6 tháng 1 thành công”.5
Về phương hướng kháng chiến của Khánh Hòa trong thời gian tới, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã vạch ra một số nét tổng quát: “Từ thực tiễn mặt trận Nha Trang, có thể rút ra những bài học bổ ích. Rõ ràng khi địch tiến công ào ạt, lực lượng chúng còn hạn chế, việc lập phòng tuyến vừa đánh, vừa chặn địch với quyết tâm cao là tốt. Song, sắp tới đây, thực dân Pháp sẽ tăng viện, mở cuộc tấn công mới. Ta cần thấy trước và điều chỉnh ngay sự bố trí và cách tác chiến, không thể giữ mãi các phòng tuyến hiện nay mà phải chủ động rút ra một bộ phận chủ lực, chỉ để một bộ phận nhỏ bám sát địch, sẽ tổ chức những đơn vị cơ động đánh địch bằng các hình thức tập kích, phục kích tiêu hao sinh lực địch, cho biệt động hoặc du kích thâm nhập đánh phá, toàn dân đánh giặc, mọi vùng, mọi làng đều thành làng xã chiến đấu. Đồng thời tỉnh nên chủ động xây dựng căn cứ kháng chiến ở vùng Đồng Trăng”.6
Sau khi thị sát mặt trận Nha Trang về, đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo với Bác, Thường vụ Trung ương và Chính phủ tình hình đang diễn ra tại mặt trận Nha Trang. Bác đã nhận xét: “Chuyển hướng tác chiến tại mặt trận Nha Trang như vậy là đúng, phù hợp với tình hình đang diễn ra tại chiến trường; đã đến lúc bộ đội, tự vệ ta tại Nha Trang nhanh chóng chuyển sang chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân”.7
MẶT TRẬN NHA TRANG VỠ - CHIẾN TRANH LAN RỘNG TOÀN TỈNH
Vào cuối tháng 1-1946, Bộ chỉ huy quân sự Pháp ở Đông Dương huy động 15.000 quân gồm lực lượng của binh đoàn thiết giáp Mát-xuy (Massu), trung đoàn bộ binh thuộc địa Ma-rốc (M.L.C.M), 2 tiểu đoàn của trung đoàn bộ binh thuộc địa số 21 và 23 (21 è, 23 è R.I.C), 1 tiểu đoàn thuộc lữ đoàn viễn chinh phương đông (B.M.E.O) phối hợp với lực lượng hải quân, không quân mở cuộc hành quân quy mô có tên là “Bò tót” (Gaur) tấn công các tỉnh Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, giải tỏa Nha Trang bằng hai cánh quân.
Cánh thứ nhất, theo đường 20 tiến vào thị xã Đà Lạt ngày 27-1 và sau đó theo đường 11 đánh chiếm thị xã Phan Rang ngày 28-1. Từ thị xã Phan Rang, một lực lượng lớn của địch gồm nhiều xe chở lính có thiết giáp mở đường, một số xe đi đầu cắm cờ đỏ sao vàng chở bọn Nhật cải trang làm bộ đội vệ quốc đoàn kéo ra Ba Ngòi. Nhân dân hai bên đường tưởng là bộ đội ta, chạy ra chào đón bị quân Pháp nổ súng giết hại một số người. Quân Pháp tới Ba Ngòi, để lại một bộ phận nhỏ chiếm đóng Đá Bạc phối hợp với quân đổ bộ từ chiến hạm lên chiếm đảo Bình Ba và bán đảo Cam Ranh, còn đại bộ phận tiếp tục tiến ra Hòa Tân.
Cũng trong ngày 27-1-1946, cánh thứ hai với lực lượng lớn có xe thiết giáp mở đường từ thị xã Ban Mê Thuột theo đường 21 (nay là đường 26) tiến xuống Ninh Hòa. Dọc đường hành quân, chúng bị các đơn vị chủ lực Nam tiến, dân quân Ninh Hòa, Vạn Ninh chi viện cho mặt trận Ban Mê Thuột và dân quân du kích địa phương chặn đánh tại kilômét số 24, 59, 62 ở thị trấn Mađrắc, ở đèo Phượng Hoàng. Đến 4 giờ chiều ngày 29-18 địch chiếm được thị trấn Ninh Hòa, hình thành gọng kìm uy hiếp thị xã Nha Trang từ hai phía: Từ Cam Ranh ra, từ Ninh Hòa vào.
Phối hợp với đồng bọn trong cuộc hành quân, quân Pháp tại thị xã Nha Trang được tăng viện, tập trung lực lượng cố đẩy ta ra khỏi ga Phú Vinh- tuyến tiền tiêu của phòng tuyến Cây Da - Quán Giếng. Sau mấy ngày chiến đấu giằng co quyết liệt, ta rút khỏi Phú Vinh. Quân Pháp gấp rút xây dựng tại ga Phú Vinh thành một chi khu kiểm soát khu vực Vĩnh Xương và tạo bàn đạp tiến công lên vùng Diên Khánh. Pháo của địch từ chiến hạm Risơliơ bắn hàng ngàn quả đạn vào các vị trí ta trên phòng tuyến và dọc quốc lộ số 1 gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Ở phía Nam, ngày 29-1-1946, đại bộ phận quân Pháp có xe bọc thép mở đường từ Ba Ngòi tiến ra Hòa Tân tới Đồng Cam (Cửu Lợi) sục sạo và bắn phá làng xóm, chốt một bộ phận tại Cửu Lợi và Vĩnh Bình, rồi kéo ra Thành Diên Khánh. Trên đường hành quân, quân Pháp bị lực lượng dân quân chặn đánh quyết liệt tại Hòa Tân và Suối Dầu gần một ngày, đến chiều tối chúng mới đến được khu vực Gò Cam cách Thành 5 km về phía Nam. Sáng 30-1 chúng tiến ra Thành nhưng bị du kích tiến công dọc đường, đến Cống Ba - Cầu Lùng phải dừng lại, vì Cầu Lùng bị ta đánh sập và một đơn vị bộ đội bố trí tại đây đánh chặn, nhưng so sánh lực lượng và hỏa lực của ta kém xa địch, sau một thời gian chiến đấu, ta phải rút về phía sau. Quân Pháp mở đường dã chiến phía dưới Cầu Lùng và càn vào thôn xóm gần đấy lấy một số cánh cửa, ván nằm của dân làm vật liệu lót đường cho đoàn xe cơ giới vượt qua.
Ở phía Bắc, cũng chiều ngày 29-1, quân Pháp sau khi để lại một lực lượng ở thị trấn Ninh Hòa, còn tập trung phần lớn lực lượng gồm 20 xe cơ giới có 3 xe bọc thép tiến vào Nha Trang. Trên đường hành quân, xe tăng địch bắn phá thôn xóm hai bên quốc lộ 1. Lợi dụng trời tối, một số đơn vị dân quân tập trung Ninh Hòa và dân quân du kích đánh địch ở một số điểm từ đèo Rọ Tượng tới Lương Sơn, làm cho quân Pháp không dám vượt đèo Rù Rì vào ban đêm, phải tập kết lực lượng phía bắc đèo Rù Rì. Rạng sáng hôm sau quân Pháp vượt đèo, thọc sau lưng phòng tuyến phía bắc thị xã, gặp một phân đội của đại đội Võ Quốc Thụ từ Ninh Hòa tăng cường cho mặt trận Nha Trang đang chốt tại khu vực Xóm Bóng, Tháp Bà. Bộ đội ta nổ súng, nhưng lực lượng quá chênh lệch, ta phải rút theo tả ngạn sông Cái lên hầm số 1 gần Cầu Sắt - Ngọc Hội. Quân Pháp chiếm phòng tuyến đồi La San- cầu Xóm Bóng để tiến vào Nha Trang.
Cũng ngay trong tối 29-1, quân Pháp từ Ninh Hòa tiến ra phía bắc chiếm thị trấn Giã, từ đây chúng hành quân ra Tu Bông. Một tiểu đội bộ đội địa phương Vạn Ninh chặn đánh quân địch tại hầm xe lửa Ninh Mã. Toàn bộ tiểu đội đã hy sinh anh dũng trong đó có đồng chí Trần Tạo9 chỉ huy trưởng đại đội. Quân Pháp không đóng quân lại mà rút ngay về thị trấn Giã. Một cánh quân khác của địch theo tỉnh lộ số 7 (nay là đường số 2), kéo xuống càn quét bắn phá khu vực Hòn Khói, sau đó rút về thị trấn Ninh Hòa.
Trước sức ép từ 2 phía, sáng ngày 1-2-1946, các đơn vị đóng ở phòng tuyến Cây Da- Quán Giếng rút qua bắc sông Cái về Tứ thôn Đại Điền.
Chiều 1-2 tại Cống Ba- Cầu Lùng, quân Pháp cắm cờ đỏ sao vàng trên xe, nghi binh vượt qua các vị trí ta, phối hợp với lực lượng từ Nha Trang lên, tấn công Thành. Lực lượng ta bảo vệ Thành đã chiến đấu quyết liệt tại thị trấn và khu vực cửa Nam, diệt nhiều tên địch, bảo vệ để các cơ quan đầu não trong Thành kịp rút lên Đồng Trăng an toàn. Mãi đến 10 giờ tối ngày 30 Tết Bính Tuất (tức 1-2-1946) địch mới chiếm được Thành. Các cơ quan đảng, đoàn thể và mặt trận ở phía Đại Điền rút về Đồng Trăng.
Sáng ngày 2-2-1946, từ Thành quân Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Đồng Trăng và qua bắc sông Cái khu vực bến đò Thành, nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não của tỉnh và lực lượng vũ trang ta. Hỏa lực của máy bay và đại bác từ các trận địa pháo ở các điểm cao quanh thị xã Nha Trang và tàu Risơliơ bắn yểm trợ cho bộ binh tấn công. Bộ đội Nam tiến Bắc-Bắc và bộ đội địa phương đánh quân địch tại Cầu Đôi, và bến đò Thành. Mặc dù gặp lúc trời mưa lớn, công sự ngập nước, phải chiến đấu dưới tầm bom đạn ác liệt nhưng bộ đội ta không nao núng, bình tĩnh, dũng cảm đẩy lùi tất cả các đợt tấn công ào ạt của quân Pháp, buộc chúng phải lui về Thành.
Các đơn vị tự vệ Nha Trang, Vĩnh Xương rút lên vùng núi Chín Khúc, xây dựng cơ sở đứng chân tại núi Đồng Bò. Sở chỉ huy mặt trận cùng các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận rút lên vùng Đồng Trăng- Đất Sét.
Cuộc chiến đấu bao vây quân Pháp 101 đêm tại mặt trận Nha Trang chấm dứt. Quân và dân Khánh Hòa được sự chi viện của cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Trung ương giao phó. Nhân ngày kỷ niệm quân đội ta tròn 1 tuổi, ngày 22-12-1945, Bác Hồ gửi thư khen các chiến sĩ mặt trận miền Nam, các chiến sĩ mặt trận Nha Trang:
“Chính phủ dân chủ cộng hòa Việt Nam rất khen ngợi chiến sĩ các mặt trận miền Nam, đặc biệt là chiến sĩ ở Nha Trang và Trà Vinh đã làm gương anh dũng cho toàn quốc.
Tổ quốc biết ơn các bạn.
Toàn thể đồng bào noi gương các bạn”.
Đây là phần thưởng quý giá, sự động viên to lớn, niềm tự hào không chỉ riêng quân dân Nha Trang, mà còn là của toàn thể Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
ĐẤU TRANH THI HÀNH HIỆP ĐỊNH SƠ BỘ 6-3
Sau các cuộc hành quân ào ạt bằng xe cơ giới quân Pháp đã chiếm được các thị trấn, phủ lỵ, huyện lỵ trong tỉnh, kiểm soát các đường giao thông chiến lược. Tại những nơi này địch lo dựng đồn, trại đóng quân, xây lô cốt, đào công sự, rải quân đóng chốt một số cầu, cống trên quốc lộ số 1 từ Giã vào Ba Ngòi và đường 21 từ Ninh Hòa đi Ban Mê Thuột. Tuy vậy, diện kiểm soát của quân Pháp còn rất hạn chế, không ngoài các trục giao thông và quanh các vị trí chiếm đóng.
Ta còn kiểm soát toàn bộ vùng tự do Tu Bông, đông Ninh Hòa, dọc ven biển, hải đảo, vùng núi và kiểm soát phần lớn vùng nông thôn giàu lúa gạo và nhân lực. Tuy nhiên, chiến sự đang tiếp tục diễn ra rất căng thẳng. Trong hoàn cảnh ấy, vào chiều ngày 3-2-1946, một hội nghị quan trọng đã được triệu tập tại Đất Sét, gồm các đồng chí thuộc Bộ Tư lệnh mặt trận, chính quyền, mặt trận Việt Minh và Tỉnh ủy do đồng chí Bùi Định thay mặt Tỉnh ủy chủ trì. Hội nghị khi nhận định tình hình thì không khí trầm lặng, nặng nề, nhưng khi bàn phương hướng tới thì sôi nổi, thể hiện rõ quyết tâm động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Khánh Hòa chiến đấu chống quân xâm lược Pháp đến cùng. Các đại biểu yêu cầu bộ đội chủ lực ở lại cùng nhân dân địa phương kháng chiến. Đối với phong trào thì chủ trương: Trước hết ổn định tình hình, tổ chức cuộc kháng chiến, sắp xếp lại bộ máy cho phù hợp với tình hình mới; phát động nhân dân kể cả vùng địch kiểm soát, tích cực ủng hộ nhân tài, vật lực cho kháng chiến. Động viên tinh thần đồng bào chiến sĩ, khẳng định “tinh thần quyết chiến, quyết thắng”; phát động phong trào du kích chiến tranh. Các đồng chí chỉ huy các đơn vị vũ trang đều hứa hẹn nỗ lực sát cánh cùng nhân dân Khánh Hòa đánh giặc đến cùng.
Có thể nói đây là Hội nghị quân, dân, chính, đảng đầu tiên của tỉnh trong kháng chiến. Hội nghị đã đề cập đến một số vấn đề lớn dựa theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng do đồng chí Võ Nguyên Giáp vào truyền đạt và góp ý kiến cho tỉnh trước khi mặt trận Nha Trang vỡ. Tuy vậy, về nội dung và phương thức hoạt động cụ thể thì còn lúng túng, chưa bàn được gì. Vì cuộc họp có tính chất quan trọng như vậy, nhưng phần lớn đại biểu chưa có sự chuẩn bị chu đáo, hơn nữa lại họp gấp rút trong một buổi, nên không thể đề cập kỹ các vấn đề.
Sau hội nghị, Thường vụ Tỉnh ủy bàn tiếp một số việc cụ thể, trước hết là phải nhanh chóng ổn định các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy của tỉnh. Các cơ quan Tỉnh ủy, mặt trận, chính quyền, quân sự chuyển vào Hòn Dữ (Diên Khánh) chuẩn bị chỗ ăn, ở và làm việc, tổ chức hệ thống giao thông liên lạc từ tỉnh đến huyện, thị. Các đồng chí tỉnh ủy được phân công về các địa bàn để triển khai nghị quyết nhằm chuyển hướng tổ chức hoạt động, đẩy mạnh phong trào kháng chiến trong toàn tỉnh.
Hai đồng chí Bùi Định và Trương An trực ở tỉnh và đi Diên Khánh, Vĩnh Xương, Nha Trang phổ biến nghị quyết. Đồng chí Mai Dương ra Bắc Khánh truyền đạt, tổ chức thực hiện chủ trương sớm ổn định tình hình để đi vào giai đoạn chiến đấu mới.
Để tiện việc chỉ đạo phù hợp với tình hình và khả năng cán bộ, địa bàn tỉnh được chia làm nhiều khu kháng chiến. Vùng Nha Trang- Vĩnh Xương- Diên Khánh có tầm quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế và có mối quan hệ chặt chẽ với vùng ta kiểm soát ở Bắc Khánh. Chủ trương của tỉnh là chia 3 huyện này thành 4 khu kháng chiến: Khu I gồm tổng Trung Châu; Khu II gồm hữu ngạn sông Cái từ Thành xuống toàn bộ huyện Vĩnh Xương và thị xã Nha Trang; Khu III từ Thành trở lên gồm các làng thuộc tổng Vĩnh Phước và Ninh Phước; Khu IV gồm các xã thượng lưu sông Cái. Phủ Ninh Hòa cũng được chia làm 6 khu kháng chiến tương đương các tổng trước đây là khu Phước Khiêm (Thượng, Hạ), Thanh Mỹ, Suối Ré, Hòn Khói, Ích Hạ, Xuân Hòa. Ở Vạn Ninh có 3 khu: Phước Thiện, Phước Tường Nội, Phước Tường Ngoại. Ở các khu tổ chức ra ủy ban quân- dân- chính vừa chỉ đạo kháng chiến, vừa làm nhiệm vụ của chính quyền. Đây là hình thức chính quyền kháng chiến tạm thời trong thời kỳ đầu.
Nhờ sự hoạt động tích cực của cán bộ, bộ đội và nhân dân, trong thời gian không lâu tình hình các địa phương trong tỉnh đi vào ổn định. Các tổ chức chính quyền, mặt trận, đoàn thể quần chúng được củng cố lại. Các mặt sinh hoạt và khí thế của quần chúng được khôi phục. Các đoàn thể quần chúng khai hội học tập, bàn việc kháng chiến, tổ chức hũ gạo nuôi quân, hũ gạo kháng chiến, nộp nguyệt phí, nguyệt liễm đều đặn. Các hội “mẹ chiến sĩ”, các đội “bạch đầu quân” ra đời, hoạt động sôi nổi có tác dụng động viên con em tích cực tham gia kháng chiến. Các lớp bình dân học vụ ban đêm được duy trì, thu hút đông đảo nhân dân theo học. Dân quân phát triển rộng rãi và tổ chức hệ thống canh gác, báo tin chuyền bằng âm thanh phục vụ lánh, tránh và đánh địch khi chúng càn quét. Lực lượng vũ trang tập trung được xây dựng và ngày càng lớn mạnh, duy trì được các cuộc chiến đấu du kích tiêu hao sinh lực địch, trừng trị bọn tay sai có nhiều nợ máu. Sau khi địch chiếm Thành (Diên Khánh) mới được 5 ngày, chưa kịp yên ổn, đã bị đội cảm tử do đồng chí Nguyễn Văn Vinh chỉ huy tấn công, diệt hàng chục lính Pháp và một tên quan ba Nhật.
Trong khi lực lượng vũ trang địa phương và một vài đơn vị Nam tiến bám địa bàn, bám dân, phát động chiến tranh du kích, thì có khoảng 500 chiến sĩ được lệnh của chỉ huy mặt trận, rút ra vùng tự do Phú Yên, không có sự bàn bạc hoặc giải thích thỏa đáng với Tỉnh ủy, Uỷ ban hành chính và Mặt trận Việt Minh tỉnh. Trong hoàn cảnh phong trào Khánh Hòa đang cần sự có mặt và hỗ trợ đắc lực của lực lượng vũ trang, thì việc rút một lực lượng lớn bộ đội chủ lực ra khỏi chiến trường có ảnh hưởng không tốt đến phong trào kháng chiến thời gian đầu ở địa phương.
Cùng khi đó, vì bức xúc trước tình hình ở Nha Trang, đồng chí chính trị viên mặt trận và chủ nhiệm Việt Minh tỉnh đã đích thân vào thị xã nắm tình hình, trong khi chưa có sự tổ chức chuẩn bị chu đáo đường dây liên lạc và cơ sở. Đồng chí Hoàng Hữu Chấp bị quân Pháp bắt và xử bắn ngày 21-2-1946. Đồng chí Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh hy sinh là sự mất mát to lớn của Đảng bộ Khánh Hòa trong ngày đầu kháng chiến.
Quân Pháp từ những cứ điểm tại thị xã, thị trấn mở những cuộc càn quét ra xung quanh nhằm tìm diệt các cơ quan chỉ đạo kháng chiến và lực lượng ta như cuộc đánh úp cơ quan huyện Cam Ranh tại Dốc Quýt (Suối Rua), chặn đánh đơn vị vệ quốc đoàn do đồng chí Bảo và An chỉ huy trên đường rút ra Phú Yên. Các cuộc càn lớn vào vùng Đồng Trăng, các làng xung quanh đường 21, thị trấn Ninh Hòa, Vạn Giã, tập kích các cơ quan chính quyền, đoàn thể tại vùng Hóc Chim (Vạn Ninh)... diễn ra liên tiếp. Pháo lớn hàng ngày bắn phá các khu vực nghi là có bộ đội và cơ quan ta đóng làm thiệt hại nhiều về tính mạng và tài sản, gây cho nhân dân nhiều khó khăn trong sản xuất và ổn định đời sống. Bộ máy ngụy quyền tay sai được Pháp dựng lên tại những vùng Pháp chiếm đóng.
Trước hành động ngày càng lấn tới của thực dân Pháp, các đội tự vệ cảm tử diệt một số tên tay sai đầu sỏ, gian ác, vận động nhân dân chống mọi luận điệu tuyên truyền lừa bịp của kẻ thù, bao vây kinh tế, bất hợp tác với địch.
Ngày 6-3-1946 Chính phủ ta và Chính phủ Pháp ký hiệp định Sơ bộ, nước Pháp thừa nhận Việt Nam là một nước tự do có Quốc hội, quân đội và tài chính riêng và ở trong khối Liên hiệp Pháp. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thỏa thuận cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay thế cho quân đội Tưởng và trong vòng 5 năm (mỗi năm một phần năm) toàn bộ quân Pháp phải rút hết khỏi Việt Nam. Hai bên đình chỉ ngay xung đột để mở đàm phán chính thức. Trong khi đàm phán, quân đội hai bên ở đâu vẫn đóng nguyên ở đấy.
Để cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn và quán triệt chủ trương ký kết hiệp định, ngày 9-3-1946 Trung ương Đảng ra chỉ thị “Hòa để tiến” nhấn mạnh việc không ngừng cảnh giác đề phòng thực dân Pháp bội ước, đồng thời tiếp tục chuẩn bị các mặt cho kháng chiến lâu dài.
Phái đoàn Chính phủ do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm trưởng đoàn vào Khánh Hòa, truyền đạt tinh thần Hiệp định Sơ bộ và phổ biến một số chủ trương của Trung ương cho các cấp lãnh đạo của tỉnh. Nhiều cuộc mít tinh quần chúng đón phái đoàn Chính phủ được tổ chức tại Phú Ân Nam (Diên Khánh), núi Ổ Gà (Ninh Hòa) ở Lạc Ninh (Vạn Ninh). Một số địa phương như Trường Đông, Trường Tây (Vĩnh Nguyên - Vĩnh Trường, Nha Trang), Thái Thông (Vĩnh Thái- Vĩnh Xương) cũng tổ chức mít tinh ủng hộ việc ký kết Hiệp định Sơ bộ. Nhân dân tới dự đông đảo bất chấp sự uy hiếp của quân Pháp và tay sai.
Đầu tháng 4-1946, tại nhà Bưu điện Nha Trang diễn ra cuộc đàm phán giữa đại diện Chính phủ ta, đại diện tỉnh Khánh Hòa với đại diện quân Pháp để bàn việc thi hành Hiệp định Sơ bộ tại khu vực Nha Trang - Khánh Hòa. Phía đại biểu tỉnh Khánh Hòa do đồng chí Nguyễn Chánh đại úy làm trưởng đoàn, đồng chí Hà Văn Lâu làm phiên dịch. Qua đàm phán, hai bên thỏa thuận một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện hiệp định tại địa phương và ký kết một số điều khoản. Đồng chí Nguyễn Chánh thay mặt Việt Minh Nha Trang cùng đại úy Revene chỉ huy phân khu Thành ký vào bản thoả thuận, quy định khu vực Pháp tạm kiểm soát là trục quốc lộ 1 Nha Trang - Thành với hành lang hai bên đường không quá 300 mét. Ta kiểm soát vùng nông thôn Vĩnh Xương và vùng bắc sông Cái, Đại Điền. Với tinh thần thiện chí, nhân đạo ta tạm dừng việc bao vây kinh tế, cho phép đồng bào ngoại ô mang lương thực, thực phẩm vào thị xã buôn bán, giải tỏa tình trạng thiếu thốn thực phẩm thường xuyên của binh lính Pháp.
Trong đàm phán nổi lên một sự bất đồng lớn, đó là việc phía Pháp đòi để cho số hào lý dưới chế độ thực dân phong kiến trước đây được trở lại làm việc trong bộ máy ngụy quyền do chúng lập ra. Phái đoàn ta kiên quyết phản đối đề nghị bất hợp pháp đó; đại diện Pháp ngoan cố không thay đổi ý kiến.
Các cuộc đàm phán thực hiện Hiệp định Sơ bộ cũng được tổ chức tại Ninh Hòa, Vạn Ninh...
Sau khi ký kết, các cơ quan tỉnh chuyển một bộ phận nhỏ về đóng tại Tứ thôn Đại Điền coi như cơ quan tiền phương để nắm sát tình hình kịp chỉ đạo, lãnh đạo phong trào. Phần lớn bộ phận quan trọng vẫn ở căn cứ Hòn Dữ. Vùng Đại Điền nằm ở tả ngạn sông Cái là một vùng đông dân, ruộng đất màu mỡ, giàu lúa gạo, nhân dân có tinh thần cách mạng cao. Vùng này sát với Thành Diên Khánh, chỉ cách con sông Cái không rộng qua chiếc cầu gỗ và cách Nha Trang khoảng 10 km, rất gần nhiều đồn bót địch. Để đảm bảo an toàn cho cơ quan chỉ đạo, ở đây ta đã có sự chuẩn bị chu đáo từ trước về các mặt, củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, Việt Minh, phát triển dân quân du kích tại địa phương, đào đắp công sự, bố phòng chiến đấu, tổ chức chống gián điệp, thám báo, đồng thời xây dựng mạng lưới trinh sát nắm tình hình xung quanh. Riêng các lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh, sau khi vỡ mặt trận đã có sự sắp xếp lại do đồng chí Nguyễn Văn Mô làm chính ủy, đồng chí Hà Văn Lâu chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Hải (Hải Râu) chỉ huy phó đóng quân trên địa bàn này.
Trung tuần tháng 4-1946, đồng chí Trần Tống, phái viên Xứ ủy Trung bộ vào triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại thôn Đại Điền Đông để phổ biến tình hình chung, bàn việc thi hành hiệp định sơ bộ và kiểm tra tình hình sẵn sàng đánh địch. Hội nghị thấy rõ âm mưu của thực dân Pháp là cần có thời gian hòa hoãn để đưa quân ra thay thế quân đội Tưởng chiếm đóng miền Bắc Việt Nam, đồng thời chuẩn bị lực lượng mở các cuộc tấn công mới chiếm đất, chiếm dân của ta. Về phía ta cũng cần có thời gian để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Hội nghị đã bầu bổ sung vào Tỉnh ủy 3 đồng chí: Tống Đình Phương (Ninh Hòa), Trần Danh (Diên Khánh) và Lê Cường (Vĩnh Xương), đồng chí Mai Dương được bầu làm bí thư Tỉnh ủy.
Tỉnh ủy cũng chủ trương tăng cường cán bộ cho cơ sở, nhất là các địa bàn quan trọng như Nha Trang, Vĩnh Xương. Đồng chí Lê Cường được điều về lại Vĩnh Xương, đồng chí Mai Xuân Cống về nội thành, bắt mối với số đồng chí vào trước để xây dựng tổ chức đảng và cơ sở quần chúng.
Các cơ quan chính quyền, đoàn thể và lực lượng vũ trang có thêm một số đảng viên mới, làm tăng thêm sức chiến đấu của Đảng bộ.
Nhiều chi bộ đảng được thành lập, Ninh Hòa, Vạn Ninh là những huyện có cơ sở đảng và các tổ chức quần chúng tương đối mạnh trong toàn tỉnh. Ninh Hòa có Phủ ủy lâm thời được chỉ định ngày 7-5-1946 gồm có 7 đồng chí, đã phát triển được 40 đảng viên và thành lập 6 chi bộ. Vạn Ninh có Huyện ủy lâm thời gồm 5 đồng chí và 8 chi bộ. Thị xã Nha Trang cũng thành lập được chi bộ đầu tiên gồm 5 đồng chí; Diên Khánh thành lập 2 chi bộ cơ quan ở khu I và khu II; Vĩnh Xương có 3 chi bộ. Công tác phát triển đảng viên, tổ chức xây dựng các tổ chức cơ sở đảng là nhằm chuẩn bị cho việc thành lập các huyện ủy, thị ủy trong thời gian tới.
QUÂN PHÁP PHẢN HIỆP ĐỊNH, TA TỔ CHỨC KHÁNG CHIẾN LÂU DÀI
Đúng như nhận định của ta, cuối tháng 4-1946 địch ráo riết hoạt động, có nhiều dấu hiệu chuẩn bị tấn công, phản hiệp định.
Ngày 30-4-1946 chúng gửi tối hậu thư buộc ta đầu hàng và ngay đêm đó bí mật đưa lực lượng vượt sông Cái đóng tại đình Phú Lộc và nhà thờ Hoa Vông (Đại Điền Tây). 5 giờ sáng ngày 1-5-1946 quân Pháp mở cuộc tấn công từ 3 hướng vào Tứ thôn Đại Điền: Lực lượng phía Thành sang, từ Nha Trang theo đường Xuân Phong, Đắc Lộc lên và từ nhà thờ Hoa Vông xuống, kết hợp với hỏa lực súng cối từ đồn An Định bắn qua yểm trợ. Các cánh quân địch phối hợp cùng một lúc đánh bọc phía sau các làng Đại Điền Đông, Đại Điền Trung và Đại Điền Nam nhằm bao vây tiêu diệt cơ quan đầu não và lực lượng ta đang đóng ở đây. Khu vực Đại Điền trở thành mặt trận chiến đấu nóng bỏng. Lực lượng bộ đội tỉnh do đồng chí Hà Văn Lâu, Nguyễn Hải chỉ huy đã kịp thời phản kích, bẻ gãy các cuộc tiến quân của địch. Dân quân du kích địa phương phối hợp với chủ lực chiến đấu và phục vụ chiến đấu rất dũng cảm. Đơn vị bộ đội chủ lực Bắc-Bắc do đồng chí Lư Giang chỉ huy đã giáng cho địch những đòn nặng nề tại khu vực Phú Cấp, Phú Nẫm.
Ý đồ của địch là hợp điểm 2 cánh quân từ hướng đông (Phú Cấp, Phú Nẫm) và phía tây (Thành, Đại Điền Tây) để bao vây tiêu diệt các cơ quan lãnh đạo kháng chiến đã không thực hiện được. Cơ quan lãnh đạo tỉnh kịp rút lên vùng Am Chúa an toàn.
Trận tấn công này của địch rất nham hiểm, nhưng ta không bị bất ngờ. Các lực lượng ta đã phối hợp chiến đấu rất tốt và tinh thần cán bộ chiến sĩ rất dũng cảm. Tuy nhiên cũng có đơn vị đáng phê phán, đó là trường hợp tiểu đoàn10 “Lương Ngọc Quyến”, bộ đội chủ lực, đóng tại phía tây Diên Khánh sát với khu vực Đại Điền, nhưng đã không hoạt động phối hợp khi địch tấn công Đại Điền. Ngày hôm sau khi địch tiến công vào khu vực đóng quân của tiểu đoàn, thì đơn vị lại rút quân ra đóng tại Phú Gia, Sơn Lộc (Phước Thiện- Vạn Ninh).
Cuộc tiến công vào Đại Điền ngày 1-5 là cuộc tiến công lớn nhất kể từ sau khi vỡ mặt trận Nha Trang. Cùng ngày quân Pháp tại Ninh Hòa mở cuộc hành quân phối hợp với cánh quân từ cầu Sông Găng lên càn quét vùng Phú Nhơn. Ở Vạn Ninh chúng bao vây trụ sở Ban Liên kiểm Việt-Pháp thi hành Hiệp định Sơ bộ đóng ở nhà ông Đỗ Cửu thôn Phú Cang, bắt một đại diện của ta là đồng chí Dương Tiến Anh.
Sau cuộc tiến công “phản Hiệp định Sơ bộ”, quân Pháp liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân khác nhằm vào những nơi xung yếu, hòng tiêu diệt lực lượng ta, phá hoại phong trào cách mạng và mở rộng chiếm đóng vùng nông thôn.
Ngày 2-5 địch đánh chiếm Phú Cốc, Đồng Găng (huyện Diên Khánh), đóng đồn và tung quân càn quét ra các vùng xung quanh.
Ngày 6-5 ở Ninh Hòa một tiểu đoàn cơ động Âu Phi có thiết giáp mở đường, chia làm hai mũi: Một mũi từ thôn Quang Đông tiến lên Phước Thuận, một mũi từ Lạc An tiến lên Phú Gia, tiến công mục tiêu chính là cơ quan lãnh đạo huyện Ninh Hòa và tiểu đoàn Lương Ngọc Quyên vừa rút từ Diên Khánh ra đóng quân ở đây. Do chủ quan, thiếu cảnh giác và tinh thần chiến đấu kém, đơn vị của ta bị thương vong lớn, một trung đội bị hy sinh.
Cùng ngày, địch tấn công lên hướng tây nam, bị đại đội vệ quốc đoàn Võ Quốc Thụ phối hợp với dân quân du kích khu Thanh Mỹ chặn đánh tại Cầu Cá, thôn Trường Châu (Ninh Quang), diệt hàng trăm tên địch, bên ta 21 chiến sĩ anh dũng hy sinh. Trận đánh có ảnh hưởng rất lớn đối với nhân dân trong vùng.
Như vậy, sau khi mặt trận Nha Trang bị vỡ, thực dân Pháp lợi dụng thời cơ hòa hoãn, ra sức chuẩn bị các mặt để đúng 2 tháng sau mở các cuộc hành quân lớn thực hiện âm mưu tiêu diệt lực lượng ta, mở rộng vùng kiểm soát, tăng cường củng cố hậu phương. Thực dân Pháp đã trắng trợn phản bội Hiệp định Sơ bộ, nhưng quân Pháp không thực hiện được mục đích chính của cuộc tấn công là tiêu diệt cơ quan lãnh đạo kháng chiến và chủ lực của ta, mà ngược lại lực lượng cơ động nòng cốt của chúng bị quân dân ta đánh tiêu hao. Cuộc tiến công của quân Pháp đã vấp phải sức đánh trả ngoan cường của lực lượng vũ trang và tinh thần kháng chiến bất khuất của nhân dân ta. Nhiều nơi trong tỉnh, nhân dân tự nguyện thực hiện “vườn không nhà trống”, bất hợp tác với giặc. Nhân dân Ninh Hòa bằng hình thức thanh viện nổi trống, mõ, thổi tù và..., phối hợp với các mũi chiến đấu của bộ đội, dân quân du kích chống địch càn quét có hiệu quả.
Trong lúc hội nghị trù bị giữa ta và Pháp đang tiến hành ở Đà Lạt, Chính phủ ta và Chính phủ Pháp đang sắp mở hội nghị hai bên tại Pháp, thì bọn thực dân Pháp ở Đông Dương thi hành chính sách “việc đã rồi”. Ngày 1-6-1946 chúng thành lập chính phủ bù nhìn “Cộng hòa Nam kỳ”, chúng còn đánh chiếm Tây Nguyên và dự tính lập nước “Cộng hòa Tây kỳ”, thực hiện âm mưu nham hiểm “chia để trị” của chúng.
Ở Khánh Hòa, ngày 21-6-1946, một lực lượng lớn quân Pháp có máy bay và pháo từ biển bắn yểm trợ, tấn công vùng Tu Bông, huyện Vạn Ninh. Tu Bông là nơi cung cấp nguồn lúa gạo đáng kể cho kháng chiến, đầu cầu tiếp giáp vùng tự do Phú Yên, là chỗ dựa của cơ quan lãnh đạo huyện và cũng là địa điểm tập kết của lực lượng ta từ vùng tự do vào hoạt động tại khu vực Vạn Giã.
Giặc Pháp tấn công ra Tu Bông không gặp sức chống trả đáng kể, vì đơn vị đứng chân tại đây là tiểu đoàn Trần Tạo đã chuyển ra Phú Yên trước đó ít lâu và cơ quan Uỷ ban hành chính huyện phải chuyển lên căn cứ Hóc Chim. Thực dân Pháp chiếm được Tu Bông mảnh đất tự do cuối cùng của Khánh Hòa. Từ đây chúng áp sát vùng Đại Lãnh, Vũng Rô hàng ngày nhòm ngó vùng tự do Phú Yên.
Về phía ta, các cơ quan lãnh đạo kháng chiến tỉnh xây dựng căn cứ ở Hòn Dữ để ổn định công tác. Các Phủ ủy Ninh Hòa, Huyện ủy Vĩnh Xương, Thị ủy Nha Trang được thành lập11. Địa bàn xa sự chỉ đạo của tỉnh là Cam Ranh, ở đây các đồng chí cũng đã tổ chức được cơ quan chỉ đạo kháng chiến gồm 3 đồng chí do đồng chí Tôn Thất Chí (Nguyễn Thiện Chí) làm chủ tịch.
Ta vẫn kiểm soát phần lớn vùng nông thôn đồng bằng, chính quyền cơ sở ở nhiều nơi vẫn bám sát địa bàn hoạt động.
Lực lượng vũ trang tập trung của trên, đại bộ phận rút ra vùng tự do Phú Yên để xây dựng, chỉ còn một đơn vị nhỏ ở lại hoạt động phân tán tại khu vực Nam Khánh.
Ở phía Bắc Khánh, vào đầu tháng 8-1946 bộ đội Ninh Hòa đánh đoàn xe địch từ Nha Trang ra Ninh Hòa tại Cát Lợi phá hủy 3 xe, diệt 20 tên Pháp. Đoạn đường sắt qua lại địa bàn Vạn Ninh, Ninh Hòa liên tục bị cắt đứt. Nhiều xe địch bị trúng mìn của du kích trên quốc lộ 1. Đầu tháng 10-1946 du kích đánh bom đoàn xe quân sự địch tại dốc Đá Trắng (Vạn Ninh) phá 2 xe, diệt và làm bị thương 30 tên. Dân quân và du kích các khu vực chống địch càn quét ven rừng, đánh thiệt hại nhiều sinh lực địch, thu vũ khí như các trận Mỹ Lương, Ổ Gà, Phú Gia, Phước Thuận... Thành tích chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương được ghi nhận trong báo cáo của Bộ Tư lệnh Đại đoàn 27 (khu VI) gửi về Bộ Tổng Tư lệnh: “Sau mặt trận Nha Trang vỡ, toàn tỉnh Khánh Hòa không còn lực lượng vệ quốc đoàn. Nhờ 2 tiểu đoàn dân quân Ninh Hòa hoạt động ráo riết dưới sự chỉ đạo của Trịnh Huy Quang, chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Mỹ Hữu ở lại nên Ninh Hòa giữ được chính quyền và dân chúng...”.
Cuộc kháng chiến hơn một năm của Khánh Hòa có ý nghĩa thực tiễn, làm sáng tỏ khả năng của quân và dân ta, dưới sự chỉ đạo của Đảng tiền phong, có thể kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược và đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH DỪNG CHÂN Ở VỊNH CAM RANH
Một sự kiện nổi trong lịch sử kháng chiến của Khánh Hòa thời gian này là cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cao ủy Pháp Đô đốc Đắc-giăng-li-ơ (D’Argenlieu) tại vịnh Cam Ranh để bàn việc thi hành Tạm ước 14-9-1946.
Cuộc đàm phán Phông-ten-nơ-blô không thành vì sự ngoan cố của phía Pháp. Phái đoàn Chính phủ ta về nước. Cũng thời gian đó Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nước Pháp với tư cách là một thượng khách đã ký với Chính phủ Pháp bản Tạm ước 14-9. Tinh thần bản Tạm ước là không nên để cho đổ vỡ tất cả, mà phải cố gắng duy trì mối quan hệ Việt- Pháp, chuẩn bị để đến tháng 1-1947 cuộc đàm phán lại tiếp tục.
Ngày 14-9 ký với Chính phủ Pháp thì ngày 15-9 Hồ Chủ tịch tuyên bố với các nhà báo Pháp: “Chúng tôi hy vọng về phần người Pháp cũng thành thật thi hành như chúng tôi”.
Trên đường Người về nước đã diễn ra cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cao ủy Pháp Đắc-giăng-li-ơ (D’Argenlieu) tại vịnh Cam Ranh. Đắc-giăng-li-ơ là một nhân vật hiếu chiến điển hình của thực dân Pháp ở Đông Dương. Đắc-giăng-li-ơ đã có lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại vịnh Hạ Long (23-3-1946) để bàn việc thi hành Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 thì lần này Đắc-giăng-li-ơ lại gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để bàn việc thi hành Tạm ước 14-9.
Cuộc gặp gỡ diễn ra vào ngày 18-10-1946 trên chiến hạm Sup-phơ-ren của Pháp neo tại vịnh Cam Ranh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân tại vịnh Cam Ranh, nhưng chính quyền và nhân dân Khánh Hòa không được đón tiếp Người, chỉ được biết qua sự tường thuật của các tờ báo Việt và Pháp đương thời.
Nhân dân Khánh Hòa đã có nhiều cuộc đấu tranh đòi thực dân Pháp thi hành Tạm ước 14-9 và đã bị chúng đàn áp đẫm máu. Những cuộc mít tinh diễn ra ở Nha Trang, Vĩnh Xương, Thành (Diên Khánh), Hòa Tân (Cam Lâm) tập trung hàng ngàn người tham gia. Đặc biệt nhân dân ở Đại Điền Nam và Đại Điền Trung họp mít tinh đòi thực dân Pháp phải trả tự do cho đồng chí Trần Oanh, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Diên Khánh bị quân Pháp bắt, theo đúng điều khoản bản Tạm ước 14-9 quy định. Đây là thời gian phong trào đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị diễn ra ở nhiều vùng nông thôn Khánh Hòa.
__________
1. Bờrôten: (Nghĩa là cái dây đeo quần): Khu vực ngã ba đường sắt Bắc- Nam trước khi vào đoạn đường vòng ga Nha Trang.
2.VB: Lựu đạn dùng đạn mã tử súng trường để phóng đi đường cầu vòng như một dạng súng phóng lựu (Tromplong VB).
3. Tài liệu lưu trữ tại Lịch sử quân sự Quân khu V.
4. Kết quả bầu cử tại Nha Trang trong báo Vì nước:
Số cử tri toàn tỉnh: 97.515.
Số cử tri đi bầu: 85.245.
Số phiếu hợp lệ: 82.015.
Các vị trúng cử: Nguyễn Văn Chi: 82.013 phiếu, Tôn Thất Vỹ: 74.466 phiếu, Đào Thiện Thi: 67.474 phiếu.
5. Bác Hồ trong lòng dân Khánh Hòa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xuất bản năm 1990, trang 22.
6. 7. Bác Hồ trong lòng dân Khánh Hòa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa xuất bản năm 1990, tr. 22,23, 25.
8. Tức 27 Tết Bính Tuất. Nhân dân Ninh Hòa còn truyền lại bài vè: “Chiều 27 Tết giặc ầm ầm reo,
Dẫm lên làng xóm thân yêu
Nhà tôi bị đốt một chiều cuối năm...”
9. Tên đồng chí Trần Tạo sau này được đặt cho 1 tiểu đoàn bộ đội vệ quốc đoàn.
10. Lúc đó gọi là đại đội.
11. Ninh Hòa lúc đó gọi là Phủ ủy.
Tags:
Tác giả:
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 5 đánh giá
Xếp hạng: 2.6 - 5 phiếu bầu
- LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH KHÁNH HÒA (1930 - 2005) (31/01/2018)
- Phụ lục 2 (30/01/2018)
- Phụ lục (30/01/2018)
- Kết luận (30/01/2018)
- Chương XVIII - Đảng bộ Khánh Hòa lãnh đạo công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996-2005) (30/01/2018)
- Chương XVII - Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (7/1989 - 1995) (30/01/2018)
- Chương VII - Phong trào nhân dân du kích chiến tranh (1947 - 1949) (30/01/2018)
- Chương V - Xây dựng chính quyền nhân dân và chuẩn bị kháng chiến (8/1945 - 10/1945) (30/01/2018)
- Chương IV - Cuộc vận động giải phóng dân tộc và cách mạng tháng Tám (1940 - 1945) (30/01/2018)
- Chương III - Thời kỳ đấu tranh chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đòi tự do, cơm áo và hòa bình (1936 - 1939) (30/01/2018)