CHƯƠNG IV
CUỘC VẬN ĐỘNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VÀ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (1940 - 1945)
HOÀN CẢNH TRONG NƯỚC VÀ TRONG TỈNH KHI CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI BÙNG NỔ
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ kể từ khi phát xít Đức tấn công Ba Lan ngày 1-9-1939. Chỉ trong vòng một năm rưỡi sau đó, phát xít Đức đã thôn tính và đặt ách thống trị trên phần lớn các nước châu Âu tư bản. Tháng 6-1940 nước Pháp, một cường quốc thực dân châu Âu bị Đức chiếm đóng.
Ở Phương Đông, phát xít Nhật nổi lên trở thành một thành viên quan trọng của trục phát xít1. Mục tiêu của Nhật là nhanh chóng cướp lấy những thuộc địa và nửa thuộc địa rộng lớn của các nước đế quốc như: Trung Quốc, Đông Dương và các nước Đông Nam châu Á. Tháng 9-1940 đế quốc Pháp cam chịu đầu hàng, để quân Nhật chiếm Đông Dương.
Hai tên đế quốc phát xít Pháp - Nhật, kẻ thù của dân tộc ta, tuy có mâu thuẫn nhau sâu sắc nhưng trước mắt chúng tạm nhân nhượng để mưu tính ý đồ riêng. Phát xít Nhật lợi dụng Pháp "làm con chó giữ nhà", sau đó có dịp sẽ hất cẳng Pháp, chiếm trọn Đông Dương. Còn Pháp thì coi việc "đóng góp" vào cuộc chiến tranh của Nhật như cái giá để cho Pháp còn chỗ bấu víu vào Đông Dương.
Ngày 9-2-1941, Pháp, Nhật ký kết hiệp ước gọi là "Phòng thủ chung", thống nhất với nhau trong việc đàn áp phong trào cách mạng, tiêu diệt Đảng Cộng sản và vơ vét bóc lột nhân dân Việt Nam. Các tổ chức dân chủ và những quyền lợi dân chủ mà quần chúng giành được trong những năm 1936-1939 bị thủ tiêu, báo chí tiến bộ bị đóng cửa, nhiều lãnh tụ của Đảng và những người cộng sản bị bắt.
Cùng với việc đàn áp bắt bớ, địch tiến hành tuyên truyền đánh lạc hướng tư tưởng nhân dân. Pháp và bù nhìn bày ra nhiều phong trào cải lương, như phong trào Thanh niên Đuy-cua-roa (Ducouroix), lừa mị nhân dân bằng các thuyết "Cần lao - Gia đình - Tổ quốc", "Pháp - Việt đề huề". Phát xít Nhật thì lừa bịp nhân dân ta bằng các thuyết "Đại Đông Á", "Đồng văn, đồng chủng", "Người Nhật giúp người Việt giành độc lập".
Chúng ra lệnh tổng động viên để bắt lính bổ sung cho cái gọi là "Phòng thủ Đông Dương", đồng thời đưa hàng ngàn thanh niên Việt Nam sang Pháp làm "bia đỡ đạn" cho chính quốc. Phu phen tạp dịch càng nhiều để xây dựng đường sá, các công trình quân sự phòng thủ. Ở Khánh Hòa chúng cưỡng bức nhân dân đi làm xâu mở rộng sân bay Nha Trang, làm đường, làm thương cảng Cầu Đá và cảng quân sự Cam Ranh.
Chúng thực hành chính sách "kinh tế thời chiến", tăng các loại thuế, trưng thu, trưng dụng các cơ sở sản xuất phục vụ quốc phòng, vơ vét sức người, sức của của nhân dân ta, phục vụ cho chiến tranh đế quốc. Ở Khánh Hòa, nhân dân bị trưng thu lúa gạo, xe cộ. Chúng buộc nông dân ở các vùng Vạn Ninh, Ninh Hòa, Vĩnh Xương, Diên Khánh hạn chế trồng lúa, màu, để phát triển trồng các loại cây lấy dầu như lạc, thầu dầu và trồng cây lấy sợi như gai, bông, nhằm phục vụ cho chiến tranh. Công nhân viên chức ở thị xã, thị trấn phải làm tăng giờ từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, bị cắt xén tiền lương bằng các khoản "đóng góp". Nạn đầu cơ tích trữ hoành hành, giá cả tăng vọt, sinh hoạt đắt đỏ làm cho đời sống của nhân dân lao động và viên chức ngày càng khó khăn. Báo cáo của mật thám Pháp tại Nha Trang năm 1942 ghi: "bất bình nghiêm trọng về những biện pháp kinh tế khắt khe trong việc bán và lưu thông một số sản phẩm có dầu, bông... Gạo tăng giá và khan hiếm cũng ảnh hưởng một phần đến dân chúng". "Một tấm băng khẩu hiệu của Đảng Cộng sản Đông Dương được phát hiện ngày 23-3-1942 gần ga Nha Trang"2.
Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng tháng 11-1939 đánh dấu sự chuyển hướng về chỉ đạo chiến lược của Đảng trong tình hình mới. Trước kia, hai nhiệm vụ chiến lược đánh đổ đế quốc và đánh đổ phong kiến địa chủ đặt ra ngang nhau, thì trong hội nghị này Trung ương Đảng đặt mạnh vấn đề đánh đổ đế quốc, giành giải phóng dân tộc, nhấn mạnh giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương, chủ trương tạm gác khẩu hiệu "Cách mạng ruộng đất", để tập trung lực lượng chống bọn đế quốc và tay sai, lôi kéo những phần tử tiến bộ trong giai cấp địa chủ, mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc, giành độc lập dân tộc.
Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng tháng 11-1940 vạch rõ nguy cơ của các dân tộc Đông Dương bị "một cổ hai tròng". Kẻ thù chính của các dân tộc Đông Dương lúc này không chỉ là thực dân Pháp mà cả phát xít Nhật. Hai tên đế quốc này ra sức vơ vét, bóc lột nhân dân để phục vụ cho chiến tranh. Do đó "một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy, Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mạng thiêng liêng, lãnh đạo các dân tộc bị áp bức Đông Dương, võ trang bạo động giành lấy quyền tự do, độc lập"3.
PHÁT TRIỂN CƠ SỞ, CHUẨN BỊ LỰC LƯỢNG
Tháng 7-1940, đồng chí Trần Hữu Dực được Xứ ủy phái vào hoạt động ở miền Nam Trung bộ. Từ cơ quan tại Tháp Chàm (Ninh Thuận) đồng chí liên lạc với Khánh Hòa, và chắp mối các cơ sở cũ ở Suối Ré, Xuân Hòa và thị trấn Ninh Hòa, truyền đạt cho các đồng chí ở đây những điểm chính trong các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 và thứ 7 của Trung ương Đảng.
Các hoạt động của đồng chí Trần Hữu Dực đã tạo điều kiện cho một số đảng viên cũ ở Khánh Hòa nối được liên lạc với Đảng. Đường lối chủ trương của Đảng, tình hình thời sự thế giới và trong nước được phổ biến đến các cơ sở đảng, thông qua báo "Chiến thắng" một tờ báo được in tại Tháp Chàm, do đồng chí Trần Hữu Dực trực tiếp phụ trách, mỗi tháng 2 lần, mỗi lần 10 tờ. Báo Chiến thắng được đồng chí Nguyễn Hữu Gia, liên lạc của đồng chí Dực bí mật chuyển về cơ sở đảng ở Suối Ré và một số thôn ở phủ Ninh Hòa. Dựa theo tinh thần chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa trong Nghị quyết lần thứ 7 của Trung ương Đảng, đồng chí Trần Hữu Dực có ý kiến cho các đồng chí ở đây chuẩn bị lập chiến khu tại một địa điểm gọi là hồ Đá Xẻ thuộc vùng Suối Ré.
Trong lúc phong trào cách mạng ở Khánh Hòa được nhen nhóm lại, một số cơ sở đảng bắt đầu củng cố thì tháng 9-1941, đồng chí Trần Hữu Dực bị địch bắt ở Ninh Thuận. Sau vụ này tuy cơ sở cách mạng không bị tổn hao như các lần khủng bố trước, nhưng vì mất liên lạc với cấp trên, phong trào cách mạng trong tỉnh lại gặp những khó khăn mới.
Lúc này tình hình thế giới và trong nước có những biến chuyển rất quan trọng. Ngày 22 tháng 6 năm 1941, phát xít Đức tấn công Liên Xô. Ở trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, nhân dân đã nổi dậy vũ trang làm cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940) khởi nghĩa Nam kỳ (23-11-1940), giành được chính quyền một thời gian ngắn ở vài nơi trong vùng. Cuộc khởi nghĩa ở Bắc Sơn và ở Nam kỳ tuy bị thất bại do nổ ra trong những điều kiện chủ quan và khách quan chưa chín muồi, nhưng có tiếng vang lớn trong nhân dân cả nước, có ảnh hưởng trực tiếp đến đồng bào Khánh Hòa. Một số đồng chí tham gia khởi nghĩa ở Nam kỳ tránh sự khủng bố của địch về Khánh Hòa làm ăn, thường kể cho nhân dân ở đây những điều nghe thấy về tinh thần đấu tranh cách mạng anh dũng của đồng bào Nam bộ, sự khủng bố cực kỳ dã man, tàn ác của thực dân Pháp và tay sai đối với những người cách mạng4. Một số đồng chí hoạt động trong thời kỳ vận động Mặt trận dân chủ thường gặp gỡ trao đổi, khéo léo tuyên truyền những điều nghe được về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, về các hoạt động cách mạng ở Việt Bắc, về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.
Khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, nhưng công cuộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa nhằm mục đích giành chính quyền trong cả nước vẫn được xúc tiến với một nhịp độ rất khẩn trương. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì tại Pắc Bó (Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 5 năm 1941 xác định: "Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể dân tộc quốc gia còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được"5.
Hội nghị chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ mỗi nước Đông Dương, thành lập Mặt trận Việt Minh6 thay Mặt trận phản đế Đông Dương và áp dụng một sách lược hết sức mềm dẻo nhằm phân hóa và cô lập cao độ kẻ thù, tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ để cứu nước, giải phóng dân tộc. Hội nghị quyết định thành lập căn cứ địa cách mạng, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, chuẩn bị phát động những cuộc khởi nghĩa từng phần, để khi thời cơ đến dấy lên cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Ngày 6 tháng 6 năm 1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi thư kêu gọi toàn dân đoàn kết, đánh đuổi Nhật-Pháp: "Việc cứu quốc là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng"7.
Nghị quyết hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng và thư kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi quốc dân đồng bào đáp ứng những yêu cầu rất bức thiết của cách mạng, đáp ứng khát vọng giải phóng dân tộc của nhân dân.
Tình hình chung thuận lợi nhưng cơ sở cách mạng trong tỉnh chưa được phục hồi. Đồng chí Trần Chí Hiền, quê Thừa Thiên, tham gia phong trào Mặt trận dân chủ, bị địch bắt giam ở nhà lao Huế, rồi đày đi căng an trí Trà Kê (Phú Yên), khi ra tù đồng chí về Nha Trang vào cuối năm 1942, liên lạc với đồng chí Nguyễn Sơn, bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, tiếp thu được tài liệu về Mặt trận Việt minh. Có tài liệu của Đảng, đồng chí Trần Chí Hiền bắt đầu tổ chức gây cơ sở, trước hết trong số người thân quen, tin cậy như Trần Oanh, Trần Việt Châu, sau đó là Nguyễn Duy Tính, Lê Hinh... Dưới ánh sáng của chương trình và điều lệ Mặt trận Việt Minh, các đồng chí trong công nhân viên chức, tuyên truyền giác ngộ, thu hút thanh niên vào các hoạt động yêu nước; đi vào vùng nông thôn các huyện Vĩnh Xương, Diên Khánh, tuyên truyền giác ngộ nông dân, gây cơ sở Việt Minh trong binh sĩ người Việt của quân đội Nhật, Pháp.
Ở phía Bắc Khánh, tháng 3 năm 1943, đồng chí Mai Dương, nguyên là Tỉnh ủy viên Khánh Hòa mãn hạn tù từ Buôn Ma Thuột8 về có mang theo tài liệu về chương trình, điều lệ Việt Minh. Đồng chí bắt liên lạc hoạt động với số anh em thanh niên dân chủ ở vùng Lạc An, Hòa Huỳnh như: Võ Phước Lý, Huỳnh Quang Anh, Trần Kinh Luân, Huỳnh Quang Nga..., nhóm Lý Khuê ở thị trấn Ninh Hòa, nhóm các đồng chí Nguyễn Lịnh, Nguyễn Bảy (Lê) ở Hòn Khói. Ở vùng thị trấn Giã, có nhóm đồng chí Nguyễn Sinh, Dương Tấn Anh, hoạt động tuyên truyền gây cơ sở Việt Minh trong các làng Phú Hội, Bình Trung, Phú Cang, Vinh Huề.
Tháng 11 năm 1942, đồng chí Nguyễn Văn Chi, đảng viên năm 1930 mãn hạn tù, bị địch đưa từ nhà đầy Buôn Ma Thuột về quản thúc tại quê ở Trường Đông (Vĩnh Xương). Đồng chí ra Ninh Hòa bắt liên lạc với các đồng chí Huỳnh Trượng (Xuân Hòa), Nguyễn Thế (Điềm Tịnh), Nguyễn Long (Suối Ré) và truyền đạt tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng, nhưng 3 tháng sau đó, đồng chí Nguyễn Văn Chi bị địch bắt lại và đưa đi căng an trí Ly Hy tại Huế.
Ở Ba Ngòi, đến cuối năm 1944, đầu năm 1945, đồng chí Hồ Thiên Ngôn, một đồng chí lãnh đạo Đảng ở Ninh Thuận ra hoạt động gây cơ sở Việt Minh được 6 người, nhưng số người này lại bị Pháp bắt ngay. Vì vậy cho đến khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) ở Ba Ngòi còn trắng cơ sở.
NHẬT ĐẢO CHÍNH PHÁP VÀ CAO TRÀO TIỀN KHỞI NGHĨA
Từ tháng giêng năm 1944 đến tháng giêng năm 1945, Hồng quân Liên Xô ào ạt phản công, quét quân đội phát xít Đức ra khỏi toàn bộ lãnh thổ Liên Xô, giải phóng các nước Đông - Nam châu Âu và bao vây Béc-lin. Số phận của phát xít Đức sắp bị kết liễu.
Ở Thái Bình Dương, quân Nhật đang lâm vào tình thế khốn quẫn nghiêm trọng. Trước tình hình đó, để trừ hậu họa bị quân Pháp đánh sau lưng khi quân đồng minh đổ bộ vào Đông Dương, ngày 9-3-1945 phát xít Nhật làm đảo chính, hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ở Khánh Hòa, quân Nhật lật Pháp một cách êm thắm, mau lẹ. 1.200 người Pháp ở Nha Trang và Nam Trung bộ cả quân sự lẫn dân sự bị Nhật tập trung giam giữ tại Nha Trang. Số lớn bị tập trung ở khách sạn Grand Hotel và Beau Rivage.
Từ đây tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa trong cả nước nói chung và ở Khánh Hòa nói riêng có sự thay đổi quan trọng:
Về chính trị: Nhật tuyên bố cho Việt Nam "độc lập", bộ máy cai trị tay sai cũ được thay đổi ít nhiều về mặt hình thức cho phù hợp với cái độc lập giả hiệu do Nhật ban cho, nhưng về căn bản, bọn thống trị Nhật vẫn giữ nguyên bộ máy tay sai của Pháp để chuyển sang làm tay sai cho Nhật. Một số trí thức bị Nhật lừa gạt gia nhập vào cái gọi là "Ban trị sự quốc gia". Để cho có vẻ dân chủ, ở cấp huyện chúng lập ra "Hội đồng tư vấn" và củng cố các Hội đồng hương chính xã. Chúng cho tay sai ra sức quảng bá thuyết "Đại Đông Á", thuyết "Đồng chủng" của Nhật, ca ngợi cái độc lập bánh vẽ của Nhật ban cho nhằm lừa mị dân, kéo ảnh hưởng từ Pháp sang Nhật và làm cho quần chúng thoát khỏi ảnh hưởng của Việt Minh đang phát triển mạnh. Nhiều cuộc mít tinh được tổ chức tại các thị trấn, thị xã và vùng nông thôn để hoan hô Nhật, cổ động quần chúng, nhất là thanh niên tham gia vào các tổ chức hướng đạo, Tân Việt Nam, Thanh niên tiền tuyến; lôi kéo thanh niên vào các cuộc vui chơi thể dục, thể thao, đua xe đạp, đấu bóng hòng cho quên việc nước, cam chịu ách thống trị của Nhật.
Về quân sự: Trước đó ở Nha Trang đã có tổng hành dinh và sở hiến binh Nhật. Sau đảo chính chúng rải quân ra đóng nhiều nơi trong tỉnh và biến Nha Trang thành trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự của Nhật. Lính Nhật tỏa ra khắp các nẻo đường quê, xóm chợ để bắt thanh niên ta đi lính, đưa đi tập luyện quân sự. Bọn Nhật còn mở lớp đào tạo hiến binh ở Nha Trang, mở rộng và củng cố sân bay Nha Trang thành một sân bay chiến lược quan trọng, củng cố thương cảng Cầu Đá thành quân cảng, củng cố tuyến phòng thủ dọc bờ biển từ Bãi Dài (Cù Hin) đến Cam Ranh. Sửa lại quân cảng Cam Ranh, xây dựng kho tàng, dự trữ nhiều lương thực và thiết bị quân sự tại đây.
Về kinh tế: Nếu trước ngày 9-3-1945, phát xít Nhật cầm cái gậy chỉ huy gõ vào đầu thực dân Pháp, bắt công sứ Pháp và bọn quan lại Nam triều, ra sức vơ vét, bóc lột nhân dân để phục vụ cho bộ máy chiến tranh của Nhật, thì sau đảo chính, bọn Nhật nắm luôn quyền bá chủ về kinh tế. Những chính sách kinh tế phục vụ chiến tranh mà trước đây thực dân Pháp đã thi hành dưới sự điều khiển của Nhật, nay được mở rộng và tăng cường đến mức khốc liệt. Phát xít Nhật trắng trợn bắt nhân dân ta hạn chế trồng lúa, phát triển trồng nhiều hơn các loại cây có sợi và có dầu, tăng gấp bội các loại thuế, cưỡng bức nhân dân kê khai diện tích ruộng đất và sản lượng hoa màu để qui định chặt chẽ số lượng sản phẩm phải nộp. Các hệ thống "Tổng thương", "Tỉnh thương" được thiết lập để mua sản phẩm nông nghiệp, thực chất là ăn cướp của nông dân với giá rẻ mạt. Chúng bắt tập trung nhân công, xe ngựa, thuyền bè để chuyển hàng hóa. Phát xít Nhật càng thua trận càng trở nên tàn ác, bóc lột và vơ vét thậm tệ. Do đó, đời sống của nhân dân ta ngày càng cùng cực, căng thẳng về chiến tranh.
Trước những thay đổi lớn trong nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng, thái độ của các tầng lớp xã hội trong tỉnh có sự phân hóa:
Bọn làm tay sai đắc lực cho Nhật, những người này trước đảo chính có tên đã thân Nhật, nay càng rõ mặt hơn, có tên trước làm mật thám cho Pháp, nay chuyển sang làm mật thám cho Nhật. Tiêu biểu cho số người này là các đảng viên "Việt Nam Ái quốc đồng tâm hội" do Vương Gia Ngại cầm đầu. Bọn này lợi dụng cơ hội để kiếm tiền bạc và địa vị xã hội.
Một số công chức cao cấp, trung cấp và thanh niên trí thức trước đây có tư tưởng ghét Pháp, có lòng yêu nước, nhưng thiếu hiểu biết về chính trị; không thấy được bản chất đế quốc hiếu chiến của phát xít Nhật, nên tin Nhật, phục Nhật, bị mê hoặc bởi những thủ đoạn tuyên truyền xảo trá của Nhật.
Tuyệt đại đa số công chức trung, sơ cấp, nhất là những người làm trong các ngành hỏa xa, bưu điện, nhà đèn, các giáo viên, phần lớn là trí thức trẻ, thanh niên, học sinh, có tinh thần dân tộc, nhạy bén với thời cuộc. Sau đảo chính, họ rất tích cực hoạt động cách mạng và sẵn sàng tiếp thu sự lãnh đạo của Đảng.
Những người tiểu thương, tiểu chủ, chán ghét Pháp, nghi ngờ Nhật và bọn bù nhìn. Tầng lớp này gần đến ngày khởi nghĩa ngả hẳn về phía cách mạng và tiếp thu một cách nhanh chóng sự lãnh đạo của Đảng.
Đông đảo nông dân, công nhân lao động oán ghét và căm phẫn sâu sắc thực dân Pháp, không tin Nhật, ngày càng nhận rõ bộ mặt xảo quyệt, hành động tàn ác của giặc Nhật. Họ là lực lượng cơ bản, làm nòng cốt trong các đoàn thể cứu quốc và Mặt trận Việt Minh, các đội tự vệ vũ trang.
Thông qua phong trào cách mạng từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1945, trong các tầng lớp xã hội trên có sự chuyển biến không ngừng. Tầng lớp thứ nhất, luôn luôn cam tâm làm tay sai cho Nhật, dựa vào Nhật để mong duy trì những quyền lợi giai cấp ích kỷ của mình. Họ là đối tượng trấn áp của cách mạng. Đối với tầng lớp thứ hai, các đoàn thể cách mạng có sự liên hệ, làm tốt công tác tuyên truyền, giúp họ chuyển biến về mặt nhận thức tư tưởng ngả về phía cách mạng. Tầng lớp thứ ba và thứ tư có những chuyển biến nhanh chóng trước thời cuộc và trở thành một lực lượng cách mạng quan trọng. Riêng tầng lớp thứ năm có những chuyển biến đặc biệt. Bởi vì tầng lớp này luôn luôn bị áp bức, bóc lột. Trong thời Pháp thống trị, công nhân và nông dân bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất. Khi Nhật đảo chính Pháp, họ cũng không được gì, lại thêm một tròng áp bức tàn bạo nữa. Đời sống của họ vốn đã cơ cực, càng thiếu thốn cơ cực hơn. Người đi làm biển thì bị thuế Nhật đánh nặng, bị máy bay Mỹ đe dọa, nông dân làm ruộng thì bị Nhật cướp lúa, mua rẻ, công nhân đi làm công cho Nhật thì đồng lương bấp bênh, giá công rẻ mạt, người buôn bán nhỏ thì hàng hóa khan hiếm, thuế nặng và thường xuyên bị phạt vạ. Mùa hè năm 1945 nạn dịch tả tràn đến các làng huyện Vĩnh Xương, cướp đi hàng trăm sinh mạng do không thuốc men. Trước tình cảnh đó, người dân thấy không còn con đường nào khác là phải vùng lên đấu tranh. Nhiều nơi ở Vạn Ninh, Ninh Hòa, Vĩnh Xương, Diên Khánh nhân dân phản ứng công khai kêu ca oán thán về thuế, khất thuế, hoặc không chịu đi xâu, đóng thuế, đóng tiền chi tiêu cho làng xã, đòi chia công điền công bằng. Nông dân khai bớt diện tích, sản lượng, cất dấu bông, chống lệnh cấm khung cửi và bí mật tổ chức dệt vải. Công nhân làm ở Sở Hỏa xa, Lục lộ và nhất là số phu bị Nhật bắt làm sân bay đấu tranh bằng nhiều hình thức: lãn công, đánh bọn cai ký. Đồng bào đấu tranh quyết liệt đòi bọn Nhật phải bồi thường cho những người bị chúng làm thiệt hại tính mạng, tài sản.
Trong khi đó, thực tế diễn ra hàng ngày bọn phát xít Nhật rất tàn ác, nhưng không mạnh như chúng tuyên truyền. Ở phương Tây, đồng minh của Nhật là phát xít Đức, Ý đang bị đánh bại hoàn toàn. Bản thân Nhật đang thua liểng xiểng. Ngoài khơi Khánh Hòa từ Đại Lãnh vào đến Cam Ranh tàu hải quân Nhật bị máy bay đồng minh đánh chìm, rất nhiều xác lính Nhật và đồ dùng quân sự trôi dạt vào bờ. Trên không, máy bay đồng minh hoàn toàn làm chủ bầu trời, ném bom đánh sập các cầu cống trên các trục giao thông chiến lược, bắn cháy các đoàn tàu quân sự chuyển lương thực và vũ khí của Nhật, khiến chúng chỉ dám chuyển quân vào ban đêm một cách chậm chạp.
Đời sống căng thẳng, sự tàn ác và thế suy yếu của phát xít Nhật, những tin tức về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, về quân du kích Quảng Ngãi đang tiến về đồng bằng đánh Nhật, về khu giải phóng ở Việt Bắc gồm 6 tỉnh biên giới rộng lớn, đã cổ vũ, thức tỉnh nhân dân Khánh Hòa một cách mạnh mẽ.
Sau cuộc đảo chính hất cẳng Pháp, do sức ép đấu tranh của nhân dân, và của các chính trị phạm và cũng do chính sách lừa mị, phát xít Nhật buộc phải thả tù chính trị ra khỏi nhà đày Buôn Ma Thuột, các căng an trí Trà Kê (Phú Yên), Đắc Tô (Kon Tum), Ly Hy (Huế). Mặc dù các đồng chí tù chính trị lúc còn ở nhà giam có những quan điểm khác nhau về thái độ đối với Nhật, với chính phủ bù nhìn thân Nhật Trần Trọng Kim, đối với Đồng minh, đối với Pháp Đờ-gôn, về phương pháp thoát khỏi nhà đày, việc phân công người về các địa phương hoạt động, nhưng đều nắm được tinh thần Nghị quyết 8 của Trung ương Đảng, chương trình Mặt trận Việt Minh và ít nhiều có kinh nghiệm công tác quần chúng. Các đồng chí góp phần đẩy mạnh phong trào cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.
SỰ PHÁT TRIỂN VÀ THỐNG NHẤT CÁC LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG TRONG TỈNH
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, một cuộc họp tại làng Xuân Mỹ (nay thuộc xã Ninh Thọ, Ninh Hòa) gồm đại biểu các nhóm cách mạng: Mai Dương (Hòa Huỳnh, Vạn Ninh), Lý Khuê (thị trấn Ninh Hòa), Nguyễn Long (Suối Ré) nhận định tình hình đang bất lợi cho phát xít Nhật, chủ trương đẩy mạnh các hoạt động chống Nhật, phổ biến chương trình Việt Minh, khẩn trương xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng. Cùng lúc này Uỷ ban Vận động cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi, và Tỉnh ủy Quảng Ngãi do đồng chí Trương Quang Giao làm bí thư cử đồng chí Hồ Độ vào bắt liên lạc và đặt mối quan hệ giữa hai tỉnh Quảng Ngãi và Khánh Hòa, thông báo cho các đồng chí Khánh Hòa biết tình hình phong trào cách mạng Quảng Ngãi đang phát triển sôi nổi; cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thành công, đội du kích Ba Tơ được thành lập và phát triển. Tình hình đó càng thôi thúc các đồng chí Khánh Hòa tăng cường hoạt động.
Đồng chí Trịnh Huy Quang, quê tỉnh Thanh Hóa là một cán bộ cách mạng bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà đày Ban Mê Thuột, khi mãn hạn tù bị quản thúc tại căng an trí Trà Kê (Phú Yên). Sau ngày Nhật đảo chính, đồng chí thoát khỏi căng an trí về hoạt động cách mạng tại tỉnh Khánh Hòa. Đồng chí bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Long (Suối Ré), và đồng chí Mai Dương. Trong một thời gian, đồng chí Trịnh Huy Quang nhanh chóng liên lạc với các nhóm Việt Minh trong huyện Ninh Hòa. Ở huyện Vạn Ninh nhất là tổng Phước Thiện cơ sở Việt Minh phát triển rộng; phía Tu Bông và Vạn Giã cũng phát triển thuận lợi.
Cuối tháng 3-1945, một cuộc hội nghị được triệu tập tại Suối Ré, phía sau làng Vạn Khê gồm đại biểu các nhóm Việt Minh: Nguyễn Thạnh (Suối Ré), Lý Khê (thị trấn Ninh Hòa), Nguyễn Bảy (Hòn Khói), Võ Phước Lý (Lạc An), Huỳnh Quang Anh (Lạc Xuân), Mai Dương (Xuân Mỹ); đồng chí Trịnh Huy Quang chủ trì hội nghị, phổ biến về tình hình chiến tranh thế giới và tình hình sau cuộc đảo chính của Nhật, giải thích chương trình Việt Minh và bàn việc mở rộng tuyên truyền ảnh hưởng Việt Minh, xây dựng cơ sở, phát triển tổ chức các đoàn thể cứu quốc và Việt Minh. Hội nghị xác định tất cả những người dự hội nghị này đều là thành viên Ban vận động cứu quốc tỉnh và cử đồng chí Trịnh Huy Quang phụ trách chung.
Trên cơ sở phong trào cách mạng phát triển ở Ninh Hòa, Vạn Ninh và đang có xu thế ngày càng rộng, mạnh..., đầu tháng 4-1945, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập tại nhà đồng chí Đặng Thao ở làng Mỹ Lệ (là nơi đồng chí Quang thường ở) gồm 3 đồng chí: Võ Phước Lý, Mai Dương và Trịnh Huy Quang do đồng chí Trịnh Huy Quang làm bí thư. Tỉnh ủy lâm thời nằm bên trong Ban vận động Việt Minh tỉnh.
Ổn định về tổ chức một thời gian, đồng chí Trịnh Huy Quang theo sự phân công của Tỉnh ủy lâm thời đi vào phía Nam liên lạc với đồng chí Nguyễn Văn Chi bị đưa đi an trí ở Ly Hy (Huế) mới về ở tại Cửa Bé. Hai đồng chí bàn công việc chung, phân công đồng chí Quang vào Ninh Thuận gặp đồng chí Lê Tự Nhiên. Qua đồng chí Lê Tự Nhiên, đồng chí Trịnh Huy Quang biết đồng chí Tôn Thất Vỹ9 và biết thêm ở Nha Trang đã có tổ chức Việt Minh. Đồng chí Tôn Thất Vỹ, người Huế, học sinh bãi khóa trường Quốc học Quy Nhơn, được kết nạp Đảng tại đây, về sau hoạt động hỏa xa và được Tỉnh ủy Bình Định phân công phụ trách vận động phong trào công khai trong trí thức, viên chức, học sinh thời kỳ Mặt trận dân chủ. Tại Nha Trang, đồng chí Tôn Thất Vỹ đã hoạt động Việt Minh trong ngành đường sắt. Qua đồng chí Tôn Thất Vỹ, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa từng bước mở rộng sự tiếp xúc và thống nhất hoạt động với Việt Minh Nha Trang.
Một đặc điểm của cách mạng Khánh Hòa là sau ngày Nhật đảo chính, phong trào Việt Minh ở nông thôn và thành thị đều mạnh, nhưng phong trào ở Nha Trang lúc đầu chưa có sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời. Phong trào ở đây do một số trí thức yêu nước và cựu chính trị phạm tổ chức và lãnh đạo, tập hợp được đông đảo nhân dân lao động, nhất là trong giới công nhân đường sắt, lục lộ và hầu hết công chức, trí thức vào Mặt trận Việt Minh, trở thành một lực lượng hùng hậu chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Bởi vậy, việc thống nhất lực lượng Việt Minh trong tỉnh, nhất là thống nhất với Nha Trang và lực lượng cách mạng ở phía Nam Khánh Hòa được Tỉnh ủy lâm thời coi là vấn đề mấu chốt đảm bảo cho cách mạng trong tỉnh có thể nổ ra đúng thời cơ và giành được thắng lợi trọn vẹn.
Vào một đêm đầu tháng 5-1945, cuộc họp giữa hai đoàn đại biểu Việt Minh Nha Trang và Việt Minh Khánh Hòa diễn ra tại nhà đồng chí Đặng Thao ở thôn Mỹ Lệ (nay thuộc xã Ninh Đa huyện Ninh Hòa)10. Cuộc họp này bàn việc thống nhất Việt Minh. Về phía Việt Minh Nha Trang có các đồng chí Trần Oanh, Trần Việt Châu; về phía Việt Minh Khánh Hòa có các đồng chí Trịnh Huy Quang, Mai Dương, Võ Phước Lý. Qua trao đổi hai bên đi đến nhất trí là phải thống nhất hai lực lượng Việt Minh, nhưng khi bàn đến việc thống nhất cụ thể như thế nào về mặt tổ chức và lãnh đạo thì chưa nhất trí với nhau. Hai bên đồng ý để chuẩn bị thêm cho kỳ họp sau và giao cho Việt Minh Khánh Hòa chủ động triệu tập.
Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6-1945, tù chính trị ở nhà đày Buôn Ma Thuột được trả tự do, theo sự phân công của tổ chức Đảng trong tù từ trước, nhiều đồng chí về Khánh Hòa. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh nguyên là cán bộ lãnh đạo tổ chức Đảng trong nhà đày Buôn Ma Thuột giới thiệu cho tỉnh một số cán bộ, phân bổ như sau: đồng chí Trần Thạnh (Bưởi) về Ninh Hòa; đồng chí Lê Cường (Phước) về Vĩnh Xương; đồng chí Nguyễn Chúc (Mừng) về Vạn Ninh; đồng chí Trần Danh về Diên Khánh, đồng chí Nguyễn Trọng Kỷ về Ba Ngòi và đồng chí Lạc (Cương) phụ trách in ấn cho tỉnh, đồng chí Trịnh Huy Lãng về Văn phòng Việt Minh tỉnh. Lúc này Tỉnh ủy lâm thời có thêm đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Nguyễn Văn Chi. Các đồng chí Bùi San, Hoàng Hữu Chấp, Tống Đình Phương, Nguyễn Định cũng là những đồng chí từ nhà đày Ban Mê Thuột ra hoạt động tại các huyện trong tỉnh.
Các đồng chí ở tù ra tăng thêm số cán bộ lãnh đạo rất quan trọng, tăng cường củng cố tổ chức chỉ đạo các huyện, thúc đẩy thêm phong trào cách mạng trong tỉnh có sự phát triển mới, rộng khắp.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh về Khánh Hòa ở trong Tỉnh ủy lâm thời, nhưng vì trách nhiệm chung, đồng chí không thể ở lại đây lâu. Đồng chí tranh thủ đi kiểm tra nắm tình hình các huyện, thị và góp ý kiến chỉ đạo sớm thống nhất các lực lượng Việt Minh trong tỉnh.
Tình hình thế giới thay đổi rất nhanh, phát xít Đức, Ý đã đầu hàng đồng minh, phát xít Nhật kẻ thù của dân tộc ta đang đại bại, phong trào cách mạng trong tỉnh đang phát triển mạnh, quần chúng phấn khởi sẵn sàng đi theo sự lãnh đạo của Việt Minh. Vấn đề thống nhất lực lượng càng thêm cấp bách. Đầu tháng 7-1945, cuộc họp để thống nhất Việt Minh lần thứ hai được tổ chức tại nhà ông Nguyễn Châu (Châu Râu) phó lý trưởng làng Phú Diêm (nay thuộc xã Ninh Đa, Ninh Hòa), ngoài thành phần đại biểu hai nhóm Việt Minh nói trên, còn có đại biểu nhóm Việt Minh mới hình thành là nhóm các đồng chí Bùi San, Đỗ Long. Cuộc họp này có đồng chí Hồ Độ phái viên của Tỉnh ủy Quảng Ngãi vào liên lạc với Tỉnh ủy Khánh Hòa dự.
Hội nghị lần này diễn ra trong hoàn cảnh các tổ chức Việt Minh trong tỉnh đã có sự phát triển mới, có cơ quan lãnh đạo Việt Minh các huyện thị, nhưng mới vào họp đã có sự bất đồng về thành phần đại biểu dự họp. Tuy vậy, cuối cùng các đại biểu đều thống nhất tất cả cùng nhau lo việc chung, đều nhất trí đánh giá tình hình phong trào đang phát triển thuận lợi, cần phải ra sức hành động để phát triển phong trào rộng hơn, nhanh hơn cho kịp với tình hình. Nhưng về vấn đề tổ chức thì chưa đi đến thỏa thuận nào, hứa hẹn sẽ giải quyết vào lần sau. Hội nghị lại giao cho Việt Minh Khánh Hòa tổ chức tiếp cuộc họp sắp tới.
Sau cuộc họp này, đồng chí Hồ Độ trở về Quảng Ngãi mang theo bức thư đề ngày 14 tháng 7-1945 của Uỷ ban Vận động Cứu quốc (Việt Minh) tỉnh Khánh Hòa gửi du kích Ba Tơ "Chúng tôi xin tình nguyện đem hết năng lực kêu gọi dân chúng Khánh Hòa ủng hộ du kích Ba Tơ... Chúng tôi sẽ đem hết năng lực, kêu gọi, vận động tổ chức du kích tại Khánh Hòa để làm cho lực lượng du kích ngày càng bành trướng"11.
Cùng với bức thư có kèm theo 30 đồng bạc Đông Dương, do đồng bào Khánh Hòa gửi giúp du kích Ba Tơ. Món quà tuy nhỏ nhưng có giá trị tinh thần to lớn.
Đầu tháng 8-1945, Hội nghị thống nhất Việt Minh tỉnh lần thứ ba tại nhà bà Nguyễn Thị Liên (mẹ đồng chí Lê Ngọc Bán) ở Xóm Rượu, xã Mỹ Hiệp (nay là thị trấn Ninh Hòa). Các nhóm Việt Minh trong tỉnh đều có đại biểu tới dự: Trịnh Huy Quang, Lý Khuê (thị trấn Ninh Hòa), Nguyễn Long (Suối Ré), Nguyễn Lịnh (Hòn Khói) thuộc phủ Ninh Hòa; Võ Phước Lý, Mai Dương thuộc huyện Vạn Ninh, Nguyễn Văn Chi, Lê Cường thuộc huyện Vĩnh Xương, Trần Danh, Nguyễn Kim Toàn thuộc phủ Diên Khánh, Nguyễn Trọng Kỷ thuộc Ba Ngòi; Nguyễn Duy Tính, Trần Việt Châu, Trần Oanh thuộc thị xã Nha Trang và một số đồng chí khác Bùi San, Đỗ Long, Hoàng Hữu Chấp...
Hội nghị họp trong bối cảnh rất khẩn trương, phát xít Đức, Ý ở Âu Châu đã bị Hồng Quân Liên Xô đánh bại hoàn toàn12, lò lửa chiến tranh thế giới thứ 2 đã được dập tắt. Ở phương Đông phát xít Nhật đang kề miệng hố, bọn Nhật và tay sai ở địa phương đang hoang mang dao động mạnh, chính quyền bù nhìn thân Nhật rệu rã, phong trào cách mạng trong tỉnh lên cao và đều khắp hơn bao giờ hết. Nhân dân không chịu nổi ách áp bức bóc lột của bọn phát xít Nhật đã vùng lên đấu tranh mạnh mẽ, tình hình đó đòi hỏi phải thống nhất ngay mọi lực lượng cách mạng trong tỉnh. Hội nghị quyết định hợp nhất các lực lượng Việt Minh và thành lập Uỷ ban Việt Minh tỉnh, nhất trí coi các đại biểu dự họp đều là thành viên Ban lãnh đạo Việt Minh tỉnh Khánh Hòa. Uỷ ban Việt Minh tỉnh phân công các ủy viên phụ trách Uỷ ban Việt Minh các phủ, huyện. Sau hội nghị này đồng chí Mai Dương đi dự hội nghị do cấp trên triệu tập tại tỉnh Quảng Ngãi.
Phong trào cách mạng Khánh Hòa có một bước tiến mới có tính chất quyết định, Mặt trận Việt Minh của tỉnh đã được thống nhất, thông qua được chương trình hành động chung của phong trào cách mạng toàn tỉnh. Hội nghị Mỹ Hiệp đánh dấu một bước tiến rất quan trọng về sự thống nhất lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh. Từ đây phong trào cách mạng tỉnh Khánh Hòa có những chuyển biến mới, Mặt trận Việt Minh có cơ sở rộng khắp, với hàng ngàn hội viên cứu quốc, phong trào lên mạnh ở vùng nông thôn và các thị xã, thị trấn.
Ở thị xã Nha Trang, cơ sở Việt Minh phát triển rộng rãi trong viên chức các sở công và tư, trong giới công thương, công nhân, lao động, những người buôn bán nhỏ. Đặc biệt nhiều công chức cao cấp và trí thức có tên tuổi tại Nha Trang cũng hăng hái tham gia Việt Minh, bất chấp sự dụ dỗ mua chuộc của Nhật và Đảng Việt Nam ái quốc đồng tâm hội thân Nhật. Liên đoàn thanh niên Khánh Hòa bao gồm trên 2000 đoàn viên, với nòng cốt là thanh niên cứu quốc, thu hút đông đảo thanh niên công nhân, công chức, học sinh; các hình thức hoạt động của thanh niên rất phong phú, đa dạng: cắm trại, họp mặt, tổ chức diễn thuyết về những gương liệt sĩ, anh hùng dân tộc, khêu gợi lòng yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc, tổ chức lao động tập thể, tổ chức truyền bá chữ quốc ngữ, tổ chức diễn kịch, ca hát, quyên góp tiền bạc giúp đồng bào Bắc Trung bộ và Bắc bộ đang bị đói... Những hoạt động này có tác dụng lôi kéo đông đảo thanh niên ra khỏi ảnh hưởng của liên đoàn lao động ngụy quyền và thanh niên Phan Anh. Lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt trong khởi nghĩa giành chính quyền ở Nha Trang.
Các đội tự vệ bí mật được thành lập ở thị xã Nha Trang, ở tổng Phước Thiện (Vạn Ninh), Suối Ré (Ninh Hòa). Ở Hòa Tân, Đại Điền (Diên Khánh) làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở, hỗ trợ quần chúng đấu tranh và chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa sắp tới.
Việt Minh tỉnh cũng đã gây được cơ sở và nắm được một số chỉ huy và lính bảo an tại thị xã Nha Trang, Ba Ngòi, Hòn Khói... Ta còn vận động một số trí thức trong "Uỷ ban Trị sự quốc gia" do Nhật lập ra, có cảm tình với cách mạng, cung cấp tin tức có giá trị và vũ khí cho cách mạng.
Khắp các vùng nông thôn, cơ sở Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc phát triển rất mạnh, nhất là ở các tổng Phước Thiện, Phước Tường Nội thuộc huyện Vạn Ninh, vùng Hòn Khói, Suối Ré, thị trấn thuộc phủ Ninh Hòa, tổng Trung Châu thuộc phủ Diên Khánh, các làng dọc sông Cái thuộc huyện Vĩnh Xương. Việc tuyên truyền Việt Minh gần như công khai, đánh tan mọi luận điệu tuyên truyền của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và của các đảng phải thân Nhật. Những cuộc đấu tranh chống thuế, chống thu vét bông xơ và lúa gạo... thành phong trào có tính toàn dân nổ ra liên tục và quyết liệt. Đồng bào chống lệnh cấm dệt vải, niêm phong các khung cửi thủ công của chính quyền bù nhìn bằng cách đưa khung cửi vào rừng tổ chức canh gác, tiếp tục dệt vải, đào hầm bí mật, làm vách đôi để cất dấu vải bông. Trong các vùng nông thôn Vạn Ninh, Ninh Hòa, nhiều nơi phong trào lên mạnh quần chúng đã làm chủ thôn xóm.
Trước phong trào đấu tranh của nhân dân trong tỉnh đang dâng lên mạnh mẽ, bọn quan lại cảm thấy thế suy yếu của Nhật và hoảng sợ. Một vài tên chạy vạy xin đổi đi nơi khác, hòng tránh món nợ phải trả đối với nhân dân. Số đông làm việc cầm chừng, thi hành mệnh lệnh cấp trên một cách qua loa, tỏ ra miễn cưỡng trong việc thu mua bông, thu thuế. Nhiều kỳ hào, tổng lý đồng tình và ủng hộ các cuộc đấu tranh của nhân dân. Bọn thân Nhật bị phân hóa, số tên ngoan cố làm tay sai cho Nhật không nhiều. Phong trào quần chúng do Việt Minh lãnh đạo tiến lên rất mạnh. Phát xít Nhật và bọn tay sai của chúng không còn dựa vào ai và cũng không còn đủ khả năng ngăn cản phong trào cách mạng, không thể quản lý chính quyền được nữa.
TỔNG KHỞI NGHĨA THÁNG TÁM
Ngay từ tháng 3 năm 1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã nhận định: "Nếu giặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940 và quân đội viễn chinh của Nhật mất tinh thần thì khi ấy dù quân đồng minh chưa đổ bộ cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi"13.
Ngày 11 tháng 8, một cơ sở tại thị xã Nha Trang14 đến gặp đồng chí Nguyễn Văn Chi, báo tin Nhật đã đặt vấn đề đầu hàng Đồng minh. Tin ấy được cấp tốc truyền đến các đồng chí trong Tỉnh ủy lâm thời. Đêm 12 tháng 8, một cuộc hội nghị các đồng chí lãnh đạo Việt Minh tỉnh được triệu tập tại nhà ông Nguyễn Điệp, số 45 đường Hoàng Tử Cảnh (nay là 137 Hoàng Văn Thụ) Nha Trang. Hội nghị quyết định căn cứ vào chủ trương của Trung ương, phải nắm ngay thời cơ Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh để phát động cuộc khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Sau hội nghị này đồng chí Trịnh Huy Quang về Ninh Hòa, Hoàng Hữu Chấp về Vạn Ninh để phát động khởi nghĩa tại địa phương.
Tại Vạn Ninh, sáng 13 tháng 8, đồng chí Hoàng Hữu Chấp triệu tập cuộc họp Việt Minh huyện và đại biểu Việt Minh cơ sở để phổ biến chủ trương khởi nghĩa của tỉnh và vạch ra kế hoạch khởi nghĩa của huyện, bầu ra Ban chỉ đạo khởi nghĩa gồm các đồng chí Hoàng Hữu Chấp, Nguyễn Sinh, Võ Chúc, Nguyễn Bảy, Nguyễn Hậu, Dương Tấn Anh, Huỳnh Quang Anh, Huỳnh Quang Vinh, do đồng chí Hoàng Hữu Chấp làm trưởng ban.
Đêm 13 tháng 8, nhân dân các xã quanh thị trấn Giã nổi trống, mõ, trang bị giáo, mác, gậy kéo về thị trấn hỗ trợ cho lực lượng tự vệ các tổng Phước Tường Nội, Phước Thiện, bao vây huyện đường, bắt giữ tri huyện Nguyễn Trọng Thuần, tịch thu ấn tín, tài liệu đem thiêu hủy trước sân huyện đường.
Sáng 14-8, hàng ngàn đồng bào các nơi trong huyện phần lớn là tổng Phước Tường Nội, tập trung về huyện làm cuộc mít tinh lớn. Đồng chí Hoàng Hữu Chấp đại diện Uỷ ban Việt Minh huyện tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai Nhật và thành lập chính quyền cách mạng lâm thời huyện. Tiếp sau đó chỉ trong 3 ngày chính quyền cách mạng đã nhanh chóng được thành lập khắp các làng xã.
Tại Ninh Hòa, phong trào quần chúng lên rất mạnh. Trong các ngày 14-15-16 tháng 8, quần chúng nổi dậy giành chính quyền thắng lợi ở hầu hết vùng nông thôn. Tiếng trống mõ inh ỏi, đèn đuốc sáng rực ở các làng quanh thị trấn Ninh Hòa làm cho bọn ngụy quyền tay sai Nhật hoang mang cực độ. Trong bối cảnh ấy Việt Minh phủ cử đại diện đến gặp tri phủ Hồ Hưng, báo cho y biết phải tuân theo lệnh của cách mạng, đồng thời cử người tới gặp viên sĩ quan chỉ huy quân đội Nhật ở Ninh Hòa, thông báo công cuộc cách mạng của người Việt Nam và yêu cầu quân đội Nhật không được can thiệp.
Sáng ngày 17 tháng 8, hàng vạn đồng bào các xã đổ ra đường biểu tình tuần hành, kéo về thị trấn bao vây phủ đường như kế hoạch đã vạch. Tri phủ mang giấy tờ, ấn tín ra nạp cho cách mạng. Sau đó cuộc biểu tình biến thành cuộc mít tinh lớn tại sân vận động (sau phủ đường). Đồng chí trưởng ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn và thành lập chính quyền cách mạng lâm thời phủ do đồng chí Trịnh Huy Quang làm chủ tịch.
Tin khởi nghĩa thắng lợi ở hai huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa truyền đi nhanh chóng làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng, trái lại làm cho kẻ địch thêm hoang mang, dao động. Lính Nhật đóng yên trong trại, các tầng lớp trung gian được phong trào chống Nhật cứu nước lôi cuốn ngả về phía lực lượng cách mạng. Các tổ chức chính trị thân Nhật, dưới những đòn đả kích nặng của phong trào Việt Minh đã phân hóa cao độ. Bọn Việt gian lo sợ tìm gặp các đồng chí lãnh đạo Việt Minh xin khoan hồng. Tình hình đó chứng tỏ thời cơ giành chính quyền ở tỉnh đã chín muồi.
Tuy nhiên, khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Nha Trang là một vấn đề hết sức quan trọng và khá mạo hiểm bởi vì ở Nam Trung bộ chưa đâu có khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh, lệnh khởi nghĩa của cấp trên chưa đến nơi, trong tỉnh lại có cả sư đoàn lính Nhật, riêng ở Nha Trang có trên 3000 tên. Nha Trang là một vị trí rất nhạy cảm đối với Sài Gòn, nhưng cuộc khởi nghĩa ở đây cũng chưa nổ ra. Đêm 15-8, Tỉnh ủy lâm thời mở cuộc họp với đại biểu các huyện tại một địa điểm khu vực Xóm Mới gần kho xăng Phước Hải. Hội nghị biểu thị sự phấn khởi trước cuộc khởi nghĩa đang bắt đầu thuận lợi ở các huyện phía Bắc tỉnh và nhanh chóng nhất trí phải ra sức chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa thắng lợi trong toàn tỉnh mà mấu chốt là cuộc khởi nghĩa tại Nha Trang. Hội nghị bầu ban khởi nghĩa gồm các đồng chí Bùi San làm ủy viên thường trực và các đồng chí Nguyễn Văn Chi, Trần Việt Châu. Hội nghị chủ trương tổ chức những cuộc biểu tình thị uy, qua đó tăng cường lực lượng và thăm dò sự phản ứng của Nhật. Hội nghị chỉ rõ trên cơ sở nhân dân được phát động, cần thi hành một chính sách mềm dẻo khiến cho bọn Nhật không dám can thiệp vào công việc nội bộ của ta.
Tiếp đó vào ngày 17-8 diễn ra Đại hội Việt Minh toàn tỉnh gồm đông đủ đại biểu của Tỉnh ủy lâm thời và Uỷ ban Việt Minh tỉnh, đại biểu thị xã Nha Trang, đại biểu các phủ, huyện. Đồng chí Trần Chí Hiền đi Huế liên lạc với Tỉnh ủy Thừa Thiên được tin Nhật sắp đầu hàng Đồng minh và chủ trương khởi nghĩa của ta. Trên đường về đồng chí có nhiệm vụ truyền đạt tin trên cho Tỉnh ủy Quảng Ngãi và cũng nhân đó, đồng chí biết được cuộc khởi nghĩa sắp nổ ra ở Quảng Ngãi. Đồng chí về đến tỉnh kịp dự Đại hội Việt Minh tỉnh và thông báo tình hình cho đại hội. Đại hội Việt Minh tỉnh bàn cụ thể về kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh tại Nha Trang, bầu Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời do các đồng chí Nguyễn Văn Chi làm chủ tịch, Phạm Cự Hải phó chủ tịch, Trần Chí Hiền ủy viên quân sự, Tôn Thất Vỹ (tức Nguyễn Minh Vỹ), ủy viên thư ký và một số ủy viên phụ trách các ngành.
Được tin bọn đầu sỏ ngụy quyền tỉnh dự định tổ chức một cuộc mít tinh lớn của thanh niên vào ngày 19 tháng 8 để mừng chính phủ Trần Trọng Kim, Tỉnh ủy lâm thời và Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh quyết định lợi dụng cơ hội này để biến cuộc mít tinh do địch tổ chức thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh. Anh Đào Thiện Thi, thủ lĩnh Liên đoàn thanh niên Khánh Hòa được Uỷ ban khởi nghĩa giao nhiệm vụ tranh thủ những điều kiện hợp pháp, tạo thuận lợi cho việc tập hợp quần chúng và binh sĩ yêu nước đến địa điểm mít tinh, đồng thời kéo được những tên cầm đầu chính quyền bù nhìn tỉnh Khánh Hòa, thị xã Nha Trang, Vĩnh Xương, Diên Khánh và các sĩ quan Nhật đóng tại Nha Trang đến dự. Để tăng thêm lực lượng hỗ trợ, Tỉnh ủy lâm thời và Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh quyết định huy động nhân dân huyện Diên Khánh, Vĩnh Xương nổi dậy khởi nghĩa cùng ngày với Nha Trang.
Công việc chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền được triển khai hết sức khẩn trương, tràn đầy khí thế hào hùng, sôi nổi. Truyền đơn, cáo thị được phổ biến khắp nơi kêu gọi đồng bào đoàn kết đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, lên án phát xít Nhật, vạch mặt chính quyền bù nhìn tay sai thân Nhật. Các đội tự vệ bí mật tuần tra quanh khu vực tập trung người Pháp, và các doanh trại Nhật, bám sát các cơ quan đầu não quan trọng của chính quyền bù nhìn, theo dõi chặt những tên Việt gian đầu sỏ.
Tỉnh ủy lâm thời và Uỷ ban khởi nghĩa rất chú trọng tìm hiểu mức độ phản ứng của Nhật, đồng thời chuẩn bị chu đáo để đối phó với quân đội Nhật trong trường hợp bất trắc.
Sáng 19 tháng 8, một phái đoàn Việt Minh do đồng chí Nguyễn Văn Chi làm trưởng đoàn được cử đến Sở hiến binh Nhật để thông báo cho phía Nhật rõ không được can thiệp vào công cuộc cách mạng của nhân dân ta và hứa sẽ bảo đảm cho quân Nhật rút về nước an toàn. Viên sĩ quan Sở hiến binh Nhật Kobaysi trả lời đại ý: "Các ông nói như vậy, chứ các ông có khẩu hiệu chống chúng tôi, như thế là thế nào? Các ông bảo rằng các ông giữ trật tự, nhưng việc đó có được sự đồng ý của nhà cầm quyền hợp pháp (ý nói Bảo Đại) không ?" Đại diện ta trả lời: "Khi các ông không can thiệp vào công việc của nước chúng tôi, thì chúng tôi không chống đối các ông. Chúng tôi hành động theo chủ trương của đoàn thể chúng tôi, chứ không theo nhà cầm quyền hợp pháp nào cả".
Trước những lý lẽ thẳng thắn về nguyên tắc nhưng hết sức mềm mỏng của đại diện ta, viên chỉ huy Nhật lúng túng, chẳng khước từ mà cũng chẳng nhận lời yêu cầu của ta, nhưng thái độ của Nhật tỏ ra thận trọng không dám hống hách như trước.
Kế hoạch về cuộc khởi nghĩa tại Nha Trang được vạch ra một cách chu đáo, tỉ mỉ. Lực lượng tham dự mít tinh không chỉ hạn chế trong phạm vi thanh niên Nha Trang mà còn bao gồm các tầng lớp nhân dân thị xã và quần chúng ở các vùng thuộc huyện Vĩnh Xương, một bộ phận nhân dân và cán bộ phủ Diên Khánh.
Trưa ngày 19 tháng 8, nhân dân từng đoàn, từng đoàn công khai mang gậy gộc, dây thừng, cầm những lá cờ "quẻ ly" cuộn chặt dấu bên trong lá cờ đỏ sao vàng và băng khẩu hiệu Việt Minh, rầm rập kéo về sân vận động Nha Trang. Bên ngoài đó là đoàn người đi dự mít tinh của ngụy quyền, nhưng bên trong là các đội quân khởi nghĩa, có tự vệ vũ trang làm nòng cốt. Các đội tự vệ cách mạng và lực lượng yêu nước trong các đội lính khố xanh bám chặt bọn quan lại và những tên Việt gian đầu sỏ để sẵn sàng trấn áp ngay hành động chống đối của chúng. Đồng thời, ở các công sở, các cơ quan hành chánh và chính quyền của địch, ta cũng bố trí lực lượng canh gác chờ quân khởi nghĩa đến chiếm.
14 giờ ngày 19 tháng 8, một rừng người đã phủ kín sân vận động Nha Trang. Bọn quan lại tỉnh, huyện, thị xã, bọn hiến binh Nhật, bọn mật thám các loại, những tên cầm đầu các tổ chức phản động đều có mặt đông đủ. Tất cả bọn chúng đều bị lực lượng vũ trang bí mật kèm chặt.
15 giờ ngày 19 tháng 8 - giờ phút lịch sử trọng đại. Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nha Trang bắt đầu bằng việc đồng chí Trần Oanh có mặt sẵn ở chân cột cờ bất ngờ hạ cờ "quẻ ly" của ngụy quyền xuống, dẫm chân lên và nhanh chóng buộc lá cờ đỏ sao vàng - lá cờ cách mạng vào dây và từ từ kéo lên đỉnh cột cờ, giữa tiếng hoan hô, hò reo của nhân dân vang lên như sấm. Phút chốc, băng cờ, biểu ngữ của Việt Minh từ bốn phía được tung ra. Bọn địch ngơ ngác, nhốn nháo. Một viên sĩ quan Nhật đặt tay vào đốc kiếm định bước lên, liền bị 2 tự vệ chặn lại, yêu cầu hắn đứng yên tại chỗ. Bỗng tiếng hô: "Nghiêm!" và lệnh chào cờ vang lên dõng dạc. Cả sân vận động trở lại im lặng trật tự, một sự im lặng trong giờ phút thiêng liêng của Tổ quốc. Đội ngũ binh sĩ yêu nước do Lê Thám và Phạm Thám phụ trách, nhất tề bồng súng cùng hàng ngàn đồng bào đứng nghiêm chào cờ đỏ sao vàng đĩnh đạc, hiên ngang trên đỉnh cột, lộng gió tung bay dưới trời thu Nha Trang xanh thẳm.
Sau giờ phút nghiêm trang ấy, đồng chí Đào Thiện Thi được hai đội viên tự vệ trang bị súng ngắn bảo vệ, bước lên diễn đàn, thay mặt Uỷ ban Việt Minh tỉnh Khánh Hòa tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn tỉnh, và kêu gọi đồng bào ủng hộ Mặt trận Việt Minh, ủng hộ chính quyền cách mạng.
Bọn cầm đầu bù nhìn tỉnh: tuần vũ Phan Thanh Kỷ, án sát Lê Huy Tiềm, bọn ngụy quyền thị xã, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh, bọn mật thám Việt gian bị tự vệ ta, hai người kèm một, bắt đem đi. Băng đệm buồm chữ đen của ngụy quyền treo trên khán đài bị gỡ ném xuống đất, thay vào đó là băng vải đỏ chữ vàng "Mặt trận Việt Minh muôn năm! Chính quyền cách mạng muôn năm!".
Viên sĩ quan liên lạc Nhật Sakaguchi bực tức bước lên bục gỗ sừng sộ:
- "Ai cho các người độc lập?"
Cả sân vận động hô to:
- "Nhân dân!".
- "Nhật Bản có cho các người độc lập không?"
- "Không cần. Không cần?"15.
Trước khí thế cách mạng sôi sục của quần chúng, viên sĩ quan Nhật hoảng sợ cùng đồng bọn chuồn thẳng.
Trong khi đó, hàng chục cán bộ được cơ sở Việt Minh công kênh diễn thuyết trước quần chúng. Tiếng hoan hô của nhân dân vang dậy: "Ủng hộ Việt Minh!", "Đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim!"...
17 giờ, cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành thị uy. Quần chúng chia thành nhiều đoàn tỏa ra đi chiếm kho bạc, nhà đèn, máy nước, các công sở, cơ quan của chính quyền bù nhìn các cấp, doanh trại lính khố xanh, cảnh sát, mở nhà lao giải phóng tù. Đoàn tuần hành đông nhất kèm viên tỉnh trưởng Phan Thanh Kỷ vừa bị bắt đi theo, tiến thẳng đến "Tòa sứ", nơi đóng cơ quan đầu sỏ ngụy quyền, tịch thu ấn tín và các phương tiện làm việc. Tại đây Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Khánh Hòa ra mắt đồng bào. Đồng chí Nguyễn Văn Chi, chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh nói vắn tắt 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và kêu gọi đồng bào đoàn kết, đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng.
Các đoàn biểu tình tiếp tục tuần hành trên các đường phố, với sự tham gia của quần chúng mỗi lúc một đông thêm, hô vang các khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm!", "Mặt trận Việt Minh muôn năm!" và hát các bài hát cách mạng cho đến tận khuya.
Một sự kiện cũng cần được nhắc đến là trong lúc các đồng chí trong Uỷ ban cách mạng lâm thời đang trao đổi ý kiến về các công tác sắp đến thì có một viên sĩ quan Nhật xin gặp, tự giới thiệu là người Triều Tiên, thay mặt nhân dân Triều Tiên đến chúc mừng nước Việt Nam độc lập. Thay mặt nhân dân, đồng chí chủ tịch tỉnh cảm ơn anh bạn Triều Tiên và nói rằng: "Tôi tin là Triều Tiên, Tổ quốc của anh cũng nhất định giành được độc lập trong tình thế này"16. Có lẽ đây là mối quan hệ quốc tế đầu tiên của nhân dân Khánh Hòa trong ngày nước nhà độc lập.
Ở Vĩnh Xương, sau khi tham gia giành chính quyền tại Nha Trang, nhân dân chiếm ngay huyện đường và tràn về các địa phương, xóa bỏ chính quyền bù nhìn tổng xã, lập nên chính quyền cách mạng. Ngày 20 tháng 8, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Vĩnh Xương được thành lập do đồng chí Hồ Xuân Cang làm chủ tịch.
Tại phủ Diên Khánh một địa bàn quan trọng phía Nam tỉnh, nhân dân đã sẵn sàng nổi dậy. Ngày 17 tháng 8, Uỷ ban Việt Minh phủ triệu tập hội nghị đại biểu Việt Minh toàn phủ tại trường Phú Hậu (Suối Hiệp) để truyền đạt quyết định phát động quần chúng khởi nghĩa của tỉnh. Những cuộc tuyên truyền xung phong và tuyên truyền vũ trang được tiến hành tại nhà hát Tân Đức, đình Đại Điền Trung, Hòa Tân. Cờ đỏ sao vàng được treo ở Thành, Phú Lộc, Đại Điền, biểu thị khí thế hừng hực của nhân dân trước ngày khởi nghĩa.
Theo kế hoạch của Uỷ ban khởi nghĩa, từ mờ sáng ngày 19 tháng 8, nhân dân các vùng Hòa Tân, Đại Điền, Phú Cốc, Trường Lạc rầm rộ biểu tình vũ trang thị uy tiến về Thành. Các đội tự vệ nhanh chóng chiếm giữ và bố trí lực lượng sẵn tại các điểm xung yếu: Cầu Sông Cạn, nhà Dây thép, cổng Thành, đồng thời xây các chướng ngại vật trên quốc lộ số 1 từ Nha Trang đến Thành đề phóng lực lượng quân Nhật tăng viện lên.
14 giờ, quần chúng cách mạng chiếm giữ các công sở ngụy quyền như dinh Tuần vũ, Án sát... 17 chiếm nhà lao Thành, thả tù nhân. 15 giờ, chiếm phủ Diên Khánh. 16 giờ, mấy nghìn nhân dân dự cuộc mít tinh lớn tại sân vận động nội thành để tiếp nhận sự ra mắt của Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện do đồng chí Lê Hinh làm chủ tịch.
Tại Ba Ngòi, được tin thị xã Nha Trang và các huyện khác trong tỉnh đã khởi nghĩa thắng lợi, đêm 19 tháng 8, đồng chí Tôn Thất Chí tổ chức cuộc họp tại trường tiểu học Đá Bạc, thành phần bao gồm các đại biểu nhân sĩ, các phe nhóm chính trị, công chức, binh sĩ có cảm tình với Việt Minh để trình bày chủ trương khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh huyện. Tỉnh ủy và Mặt trận Việt Minh tỉnh cử hai cán bộ là đồng chí Nguyễn Xuân Cúc và Võ Văn Yêm vào Ba Ngòi hỗ trợ các đồng chí ở đây tổ chức chỉ đạo khởi nghĩa.
Theo đúng kế hoạch, mờ sáng ngày 22 tháng 8, đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc trang bị giáo mác, gậy gộc, tên, ná, từ Cà Rôm, Hiệp Mỹ, Hiệp Thạnh, Trại Cá, Trà Long, Khánh Cam, Hòa Do, Mỹ Ca, Cồn Ké theo đường số 1 đổ về Đá Bạc. Đồng bào làm nghề biển Cam Ranh, Thịnh Xương, Cồn Sung, Bình Ba, Bình Hưng trên hàng chục chiếc thuyền lớn nhỏ giương cờ đỏ sao vàng cùng tiến về Đá Bạc, bao vây chiếm Nha đại diện hành chính và các công sở ngụy quyền. Viên kiểm lý Tôn Thất Ẩn giao nộp ấn tín, hồ sơ cho cách mạng. Các tên Việt gian phản động đều bị tự vệ bắt giữ. Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện do đồng chí Nguyễn Xuân Cúc làm chủ tịch ra mắt quần chúng, tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn, công bố 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh.
Quân Nhật ở Cam Ranh rất đông18 nhưng giữ im lặng vì trước đó ta đã cử đại diện đến thông báo, thương lượng nhằm tranh thủ thái độ không can thiệp của Nhật.
Chỉ trong vòng hơn tuần lễ, nhân dân Khánh Hòa dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời và Mặt trận Việt Minh tỉnh, đã đứng lên tổng khởi nghĩa thắng lợi, xóa bỏ hoàn toàn chính quyền tay sai của giặc Nhật, thành lập chính quyền cách mạng từ tỉnh đến huyện, xã.
Khí thế vui tươi, nhộn nhịp bao trùm các đường phố thị xã, thị trấn, vùng nông thôn, hải đảo xa xôi hẻo lánh. Trên mặt mọi người đều lộ rõ nét hân hoan, vui sướng khôn tả vì cách mạng đã thành công, tỉnh nhà được hoàn toàn độc lập, tự do, chính quyền về tay nhân dân.
Từ đây, toàn Đảng, toàn dân Khánh Hòa bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ mới của cách mạng cùng nhân dân cả nước ra sức chiến đấu bảo vệ và xây dựng nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
* *
*
Thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm1945 là thành tựu tuyệt vời của tinh thần, ý chí, trí tuệ của nhân dân tỉnh ta, đánh dấu bước phát triển của phong trào cách mạng, mở ra thời kỳ đấu tranh mới của nhân dân Khánh Hòa, hòa vào trào lưu chung cả nước trong các cao trào cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đã cùng với cả nước đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân đế quốc trong gần một thế kỷ, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Nhân dân Khánh Hòa cũng như nhân dân cả nước từ người nô lệ trở thành người dân của một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa bước vào một cuộc trường chinh mới với những biến đổi cách mạng lớn lao và sâu sắc, quyết tâm vượt qua muôn vàn thử thách, hiểm nguy để xây dựng và bảo vệ chính quyền, tiến hành 30 năm trường kỳ kháng chiến và chiến thắng 2 đế quốc hung bạo nhất, góp phần thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa.
___________
1. Gồm: Đức - Ý - Nhật.
2. Tài liệu lưu trữ tại Cục Lưu trữ Bộ Nội vụ. Bản sao lưu tại Bộ phận Lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa.
3. Văn kiện Đảng 1939 - 1945, Nhà Xuất bản Sự Thật - Hà Nội 1936, trang 142.
4. Trong khởi nghĩa Nam kỳ, thực dân Pháp đã bắt và giết hại gần 6.000 người cách mạng.
5. NQ Hội nghị TW lần thứ 8. Văn kiện Đảng 1930-1945. Ban NCLSĐ TW xuất bản. Hà Nội 1977, tr 198.
6. Tên gọi tắt của Việt Nam độc lập đồng minh.
7. Hồ Chí Minh - Tuyển tập, tập I. Nhà xuất bản Sự Thật Hà Nội 1980, trang 322.
8. Trước ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975, từ quen gọi và viết là Ban Mê Thuột.
9. Trong suốt thời gian hoạt động ở tỉnh Khánh Hòa, đồng chí dùng tên Tôn Thất Vỹ sau mới đổi thành Nguyễn Minh Vỹ.
10. Nhà đồng chí Đặng Thao được sử dụng làm cơ quan liên lạc của Việt Minh Khánh Hòa thời gian đầu.
11. Thư gửi du kích Ba Tơ của Uỷ ban Vận động Cứu quốc tỉnh Khánh Hòa - Bản lưu tại Bộ phận Nghiên cứu Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa.
12. 30-4-1945, Hồng quân Liên Xô chiếm Béc-lin, 9-5-1945 phát xít Đức ký văn bản đầu hàng Liên Xô và đồng minh.
13. Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Văn kiện Đảng 1930-1945. Ban NCLS Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội 1977, trang 392, 393.
14. Bác sĩ Lê Văn Tân làm việc trong Ban Trị sự quốc gia do Nhật lập ra, là cơ sở của Việt Minh tỉnh có máy thu thanh theo dõi các tin tức của Nhật để thông báo cho ta.
15. Theo hồi ký của đồng chí Nguyễn Văn Chi, Đào Thiện Thi, Tôn Thất Vỹ và số đồng chí khác.
16. Theo hồi ký của đồng chí Nguyễn Văn Chi.
17. Tên tri phủ Diên Khánh vắng mặt vì đi dự cuộc mít tinh tại Nha Trang.
Sau đảo chính 9-3-1943, các cơ quan đầu tỉnh Nam triều đã chuyển về đóng tại Nha Trang.
18. Lúc này Cam Ranh là hậu cứ của quân Nhật, ở đây chúng có đến 1 sư đoàn.
Tags:
Tác giả:
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
- LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH KHÁNH HÒA (1930 - 2005) (31/01/2018)
- Phụ lục 2 (30/01/2018)
- Phụ lục (30/01/2018)
- Kết luận (30/01/2018)
- Chương XVIII - Đảng bộ Khánh Hòa lãnh đạo công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996-2005) (30/01/2018)
- Chương XVII - Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (7/1989 - 1995) (30/01/2018)
- Chương VII - Phong trào nhân dân du kích chiến tranh (1947 - 1949) (30/01/2018)
- Chương VI - Cuộc kháng chiến bắt đầu (23/10/1945 - 12/1946) (30/01/2018)
- Chương V - Xây dựng chính quyền nhân dân và chuẩn bị kháng chiến (8/1945 - 10/1945) (30/01/2018)
- Chương III - Thời kỳ đấu tranh chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đòi tự do, cơm áo và hòa bình (1936 - 1939) (30/01/2018)