CHƯƠNG IX
ĐÁNH BẠI CHÍNH SÁCH BÌNH ĐỊNH CỦA ĐỊCH,
PHÁT TRIỂN MẠNH PHONG TRÀO NHÂN DÂN DU KÍCH CHIẾN TRANH (1953 - 7/1954)
ĐÁNH SỤP CÁC THÁP CANH TÂN PHONG, NHĨ SỰ, CẦU LỚN
Đầu năm 1953 giặc Pháp bị thua đau. Tin thắng lợi trong cả nước dội về, làm nức lòng quân, dân trong tỉnh. Với hệ thống đồn bót dày đặc (109 đồn và 213 tháp canh có 12.793 lính canh giữ) giặc Pháp và tay sai đã kiểm soát chặt nhân dân. Lúa gạo bị tập trung, ban đêm dân phải ngủ đồn, việc làm ăn, đi lại bị hạn chế. Thuế tăng cao, tổng động viên, bắt lính rầm rộ. Lòng dân sôi sục căm hờn, yêu cầu phải gấp rút đứng lên đánh đổ địch, giải phóng cho mình, giải phóng quê hương.
Sau chiến thắng của quân chủ lực Liên Khu 5 tại An Khê, tiểu đoàn 59 thuộc trung đoàn 803, do đồng chí Nguyễn Lựu chỉ huy, được điều về hoạt động ở Khánh Hòa. Đồng chí Hà Vi Tùng trung đoàn phó trung đoàn 803 cùng đi với đơn vị.
Tiểu đoàn 59 là đơn vị đã lập chiến công xuất sắc ở chiến dịch An Khê. Sau chỉnh huấn, chỉnh quân, tư tưởng và kỹ thuật được nâng cao, được học tập về công tác dân vận, vận động binh lính ngụy và phát động du kích chiến tranh. Trong thời gian hoạt động, đơn vị làm nhiệm vụ thay cho bộ đội địa phương tỉnh, chịu sự chỉ đạo và chỉ huy trực tiếp của Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Quân sự tỉnh1. Tiểu đoàn cùng với các lực lượng địa phương mở đợt hoạt động nhằm mục đích tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, gắn liền với tranh thủ ảnh hưởng chính trị rộng rãi trong nhân dân, tạo điều kiện phát triển cơ sở, đào tạo cán bộ địa phương, xây dựng du kích. Làm tốt các nhiệm vụ trên cũng là phối hợp với chiến trường Liên Khu 5 phá thế uy hiếp của địch đối với vùng tự do Phú Yên.
Trận chiến đấu đầu tiên diễn ra tại vùng phía Tây huyện Ninh Hòa. Đây là nơi địch xây dựng được bộ máy tề gian ác, gây nhiều đau thương tang tóc cho cán bộ và đồng bào, và cũng là nơi điển hình về việc tập trung lúa, tập trung dân ngủ đồn. Trong cuộc đấu tranh giằng co ác liệt với địch trước đây, ta có phạm một số sai lầm về chính sách dân vận. Địch lấy cớ tuyên truyền xuyên tạc làm cho nhân dân hiểu lầm cách mạng. Điểm tác chiến nhằm vào tháp canh Tân Phong, Nhĩ Sự (nay thuộc xã Ninh Thân - Ninh Hòa), nơi có nhà ngủ, có kho lúa tập trung, và bộ máy tề được bảo vệ kỹ. Hai tháp canh này bị lực lượng của ta tiêu diệt vào đêm 3-4, lính ngụy và tề bị bắt sống. Ở Nhĩ Sự một số địch chạy thoát. Địch xung quanh không kịp phản ứng. Ta tổ chức mít tinh ngay tại chỗ, giải thích chính sách cách mạng cho dân, thông báo tin chiến thắng khắp nơi, kêu gọi đồng bào đấu tranh xóa bỏ ngủ đồn và tập trung lúa gạo.
Nhân dân lúc đầu còn lo sợ, sau rất mừng, đem lúa gạo và cối xay, cối giã về nhà. Trận đánh diễn ra, nhân dân trong xã và ngay cả bọn ngụy không có ai chết cũng như bị thương. Dân thấy rõ thái độ, cử chỉ bảo vệ dân của bộ đội cụ Hồ, lại được nghe nói về chính sách kháng chiến. Những hiểu lầm trước đây đối với cán bộ cách mạng bước đầu được xóa bỏ. Tin tức về tháp canh Tân Phong, Nhĩ Sự bị diệt, dân thoát cảnh ngủ đồn và tập trung lúa gạo, bộ đội “Việt Minh” rất tốt v.v... được loan truyền khắp vùng. Đêm hôm sau, đồng bào các thôn Tây Ninh Hòa bỏ ngủ đồn. Lính ngụy ban đêm không dám ở trong tháp canh.
Đêm 9 tháng 4, ta diệt tiếp tháp canh Cầu Lớn trên đường Ninh Hòa - Hòn Khói. Đây là tháp canh bảo vệ cầu, đường, đồng thời để đánh phá con đường liên lạc của ta từ Hòn Hèo đi Đá Bàn, nhiều cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh trên đoạn đường này. Đêm 20-1-1951, đồng chí Nguyễn Sắc Kim, chính ủy trung đoàn 803 khi hành quân qua đây bị giặc bắn bị thương nặng và sau đó hy sinh.
Trong trận đánh này, súng SKZ của ta (súng không giật) bắn xuyên tháp canh. Lính trong đồn có số bị cháy, toàn bộ tề ngụy còn lại bị bắt sống. Đồng bào phấn khởi, tấp nập kéo đến xem. Tề ngụy khắp nơi chán nản dao động.
Trận Tân Phong, Nhĩ Sự, Cầu Lớn tuy diệt địch, thu vũ khí ít nhưng đánh trúng vào chiến thuật tháp canh, chỗ dựa của chính sách bình định chiêu an của địch nên tác dụng và ảnh hưởng chính trị khá rộng. Đó là những trận đánh được chọn đúng nơi, đúng lúc, hợp lòng dân, làm rõ chính nghĩa của cách mạng.
Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân lên đều, nhất là đấu tranh chống bắt lính. Ngày 3-4 có 4.000 đồng bào Nha Trang tập trung trước dinh tỉnh trưởng bù nhìn biểu thị quyết tâm giành lại chồng, con, em mình bị bắt đi lính. Địch huy động 3 đại đội để đàn áp, giành thanh niên bỏ lên xe. Nhân dân xông vào, chặn đầu xe, giữ thanh niên lại. Cuộc đấu tranh có tiếng vang lớn, nhân dân nhiều nơi noi theo gương đồng bào Nha Trang. Trên một trăm đồng bào dân tộc bị địch tập trung ở đồn Cẩm Sơn (Diên Khánh) đã bỏ khu tập trung chạy về miền núi, sống bất hợp pháp, chống địch. Nhiều nơi, lợi dụng lúc địch đang hoang mang dao động, lơi lỏng việc kiểm soát, đồng bào đã tranh thủ ra vùng vành đai trắng khai hoang, phục hóa tăng gia sản xuất. Những cơ sở, cán bộ đứt liên lạc nằm im, nay xin nhận công tác. Một số tề ngụy và gia đình họ tìm gặp cán bộ để thanh minh về những việc làm sai trái của mình. Tình hình phát triển thuận lợi, nhưng cán bộ ta quá ít, bị ảnh hưởng tư tưởng đánh giá địch cao, lại ở xa dân, nên phát huy thắng lợi xây dựng thực lực cách mạng còn chậm, chưa linh hoạt phân tán lực lượng vũ trang tuyên truyền. Mãi đến 18-3 mới có một trung đội làm công tác này.
Số tề ngụy bị bắt trong các trận vừa qua được đưa về căn cứ Đá Bàn và được đối xử tử tế. Các tư trang, đồ dùng cá nhân của ai nấy giữ. Họ được học về chính sách của Chính phủ cách mạng đối với binh sĩ ngụy, được giải thích về nhiệm vụ của người dân yêu nước. Mỗi người tự liên hệ các sai lầm đối với nước, với dân và hứa không tái phạm. Ngày 16-4 họ được trả tự do. Lúc được thả về mỗi người đã trở thành tuyên truyền viên về chính sách của cách mạng, nói về sức mạnh và tác phong đúng đắn của quân đội Cụ Hồ, về sự vững vàng của vùng căn cứ.
Biết rõ là cách mạng khoan hồng, nên nhiều binh sĩ ngụy tỏ thái độ sẵn sàng đầu hàng khi ta nổ súng. Nhưng cũng có gia đình cho là con em mình vì bị bắt buộc đi lính, nên không có tội. Các đợt thả tù binh sau, ta giáo dục tốt hơn, phân tích rõ tội lỗi của những người cầm súng cho địch, bắn giết đồng bào. Ta lập tòa án xử một vài tên tề, ngụy có nhiều tội ác (xã Long ở Ninh Ích, tổng Đế ở Lạc Ninh).
Ta vừa đánh địch, vừa kết hợp tuyên truyền chính sách rộng rãi nên gây ảnh hưởng chính trị khá lớn, làm lung lay hệ thống tháp canh toàn tỉnh, bộ máy tề giảm hiệu lực.
PHẢN ỨNG CỦA ĐỊCH VÀ THẮNG LỢI CỦA TA TRONG NĂM 1953
Ngày 18-4, quân địch gồm 5.000 tên đổ bộ từ Bá Hà lên và theo trục đường số 1 từ Nha Trang ra, chia làm nhiều cánh đánh vào căn cứ Đá Bàn. Địch sử dụng lực lượng Âu-Phi, do thiếu tướng Le Blanc trực tiếp chỉ huy, có pháo binh và máy bay ném bom, yểm trợ. Bên trong căn cứ, ta dùng hầm chông, mìn và du kích bắn tỉa, tiêu hao địch. Toàn bộ tiểu đoàn 59 thoát ra ngoài căn cứ, phục kích địch trên đường về. 13 giờ ngày 20-4 quân ta nổ súng mãnh liệt vào giữa đội hình hành quân của địch tại Bến Ghe. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt, một đại đội Tây trắng bị tiêu diệt, ta thu 1 đại liên và nhiều súng trường. Sau trận này, địch rút toàn bộ đi nơi khác, kể cả 4 đại đội được tăng viện ra Ninh Hòa.
Ở Vĩnh Khánh, ngày 27-3, có 2.000 quân địch càn quét căn cứ 175. Bộ đội địa phương và du kích bám đánh địch, bảo vệ hoa màu. Trên 100 tên địch chết và bị thương do sụp hầm chông, cạm bẫy và vướng mìn của ta.
Sau gần một tháng hoạt động, ta có cơ sở để hiểu rõ địch hơn. Sức phản ứng của địch có hạn. Quân chủ lực địch chỉ càn quét trong thời gian ngắn, không đạt hiệu quả hà hơi tiếp sức cho ngụy quân, ngụy quyền.
Từ ngày 1-5, một tiểu đội trinh sát đặc công của tiểu đoàn 59 vào hoạt động tại Vĩnh Khánh. Tổ bộ đội địa phương Vĩnh Khánh do đồng chí Trần Mốc chỉ huy theo học kỹ thuật đặc công, tham gia đánh địch với đơn vị.
Đêm ngày 12-5 lực lượng vũ trang ta đánh tháp canh Cầu Thành, Phú Nẫm, bức hàng tháp canh Phú Cấp, diệt và bắt sống toàn bộ tề ngụy. Hoảng sợ, địch rút các tháp canh xung quanh căn cứ Đồng Găng. Các tên tề đầu sỏ lánh xa. Nhân dân phía bắc sông Cái bỏ tập trung ngủ đồn. Thanh niên tự tổ chức canh gác, chống bắt lính. Nhiều nhà đào hầm bí mật cho con trốn lính. Nhiều gia đình tề ngụy vận động con em trả súng về nhà. Việc giáo dục và phóng thích xã Tha (ác ôn người công giáo) và thái độ hối cải của xã Tha khi được về nhà, có tác dụng tốt trong đồng bào thiên chúa giáo, từ lâu hiểu lầm chính sách kháng chiến.
Ngày 12-5, địch ở các tháp canh Đồng Thân, Tân Lâm ở Tây Ninh Hòa rút chạy. Đêm 15-5, các tháp canh Mỹ Lệ, Hội Bình bị tiêu diệt. Số ngụy, tề Phước Sơn vào ngủ ở Hội Bình bị tóm gọn. Ngày 21-5, địch đóng lại đồn Tân Lâm, nhưng hạ thấp lô cốt còn từ một đến hai mét, xây dựng kiên cố.
Ở huyện Vạn Ninh, trung đội vũ trang địa phương đánh đồn bang tá Tu Bông hỗ trợ cho nhân dân đấu tranh giải tán ngủ đồn.
Ở Cam Ranh, quân Âu Phi rút đi tiếp viện cho các chiến trường khác. 7.000 tàn quân Quốc dân đảng Trung Quốc không chịu ra trận, (theo khẩu hiệu ta vận động). Quận trưởng Ngô Kim Cửu, một tên tay sai gian ác khét tiếng không còn tác dụng nên bị thay thế. Tề các tổng, xã hoang mang. Bửu Tề, mật thám ác ôn, tổng Thục trùm gián điệp đánh phá miền núi, người đã từng đề ra việc dồn dân, rào làng, đã gặp ta xin nhận tội, và hứa không làm việc cho địch nữa. Đồng bào dân tộc ở các khu dồn bung ra ngoài làm ăn. Ở các khu dồn dân, rào làng, cán bộ ta đã vào được bên trong. Cơ sở ở Đá Bạc phát triển khá. Nhiều chiến sĩ ta bị địch bắt làm tù binh thoát khỏi trại giam Cam Ranh, lên căn cứ.
Ngày 16-6-1953, tại căn cứ Đá Bàn đã khai mạc Đại hội mừng công, bầu chiến sĩ thi đua huyện và tỉnh. Đại hội đã bầu 23 chiến sĩ thi đua (có 10 chiến sĩ thi đua quân đội). Sáu người được cử đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua Liên Khu 5, trong đó có 2 đồng chí người dân tộc Raglai là Pi Năng Xà A và Bảy Du Oa.
* *
*
Sau một thời gian đối phó bị động với các hoạt động của ta, từ cuối tháng 5 đầu tháng 6-1953, địch ra sức phòng ngự, tăng cường hệ thống cứ điểm với một loạt lô cốt có công sự bê tông cốt sắt kiên cố. Tổ chức đội quân ứng chiến mạnh hơn từ một đại đội đến một tiểu đoàn. Ở từng vùng gồm nhiều xã địch lập khu hành chánh, có đồn để bộ máy tề tiếp tục kèm kẹp dân, bắt người, cướp của phục vụ chiến tranh. Các khu hành chánh cũng là đồn có lô cốt kiên cố, có quân đông bảo vệ. Trong tỉnh có những khu hành chánh như: Tu Bông, Lạc Ninh (Vạn Ninh), Đại Mỹ, Mỹ Lệ, Phú Thọ (Ninh Hòa), Phú Lộc, An Định, Cẩm Sơn (Vĩnh Khánh)... Vừa tăng cường phòng ngự, địch vừa ra sức phản kích phong trào cách mạng bằng các hoạt động biệt kích và càn quét dài ngày, đóng đồn sâu vào các căn cứ của ta. Quân dân ta đứng trước thử thách mới phải tiêu diệt địch đông hơn trong công sự kiên cố hơn, đánh quân ứng chiến mạnh hơn. Phải đánh bại các cuộc càn quét lấn chiếm căn cứ, đưa phong trào du kích chiến tranh tiến lên. Ngày 16-6-1953, chúng bắt đầu bao vây và càn quét đánh phá vùng căn cứ Hòn Hèo, đóng cứ điểm Hòn Cổ sâu trong thôn Ninh Tịnh. Suốt trong 2 tháng, nhân dân, du kích và bộ đội địa phương bám đánh địch, giết và làm bị thương hàng trăm tên.
Tại căn cứ Đồng Bò (Nha Trang), từ tháng 7-1953 đến cuối năm có 11 cuộc càn quét, từ 300 quân trở lên. Nhờ bố phòng và chống càn tốt, nên ta bảo vệ được lực lượng, gây thiệt hại đáng kể cho địch. Đồng thời tại đây ta đã sản xuất để giải quyết một phần lương thực tại chỗ.
Tại Vĩnh Khánh, tháng 10-1953, trên 4.000 quân địch càn vào căn cứ 175, nhằm triệt phá hoa màu, bắn giết trâu bò, tiêu diệt lực lượng vũ trang và cơ quan đầu não của huyện. Ta bố phòng cẩn mật bằng hầm chông, cạm bẫy, bom mìn. Địch không dám sục sạo mà luôn bị phục kích, bắn tỉa. Một trung đội bộ đội địa phương và 74 du kích trong 15 ngày giết và làm bị thương 500 tên địch. Nhân dân ở các xã xung quanh căn cứ đấu tranh mạnh đòi địch trả chồng, con bị bắt, loan tin thất bại của địch và vận động lính ngụy đào ngũ. Trên 100 phụ nữ Diên Khánh gặp quận trưởng Nguyễn Hứa để đấu tranh đòi chồng con. Cuộc chống càn kết hợp chặt dân vận, ngụy vận và chiến tranh du kích; phối hợp chặt chống càn ở căn cứ với phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân ở vùng địch kiểm soát. Bị thiệt hại nặng nề, địch phải chấm dứt cuộc càn sau 15 ngày. Nhưng để lấn chiếm và đánh phá căn cứ ta, chúng đóng cứ điểm gò Bà Bụi tại Đá Đen nằm sâu trong căn cứ. Đây là cứ điểm theo kiểu boong-ke, với lô cốt chùm mà sức của ta tại địa phương trong lúc này chưa công phá nổi.
XÂY DỰNG THỰC LỰC CHÍNH TRỊ VÀ VŨ TRANG
Trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, huyện Bắc Khánh trở nên quá rộng, trở ngại cho sự chỉ đạo kịp thời của tỉnh và huyện nên đầu năm 1953, Tỉnh ủy chủ trương chia huyện Bắc Khánh thành 4 vùng, gồm vùng Đông, vùng Tây, vùng Nam Ninh Hòa và vùng Bắc (nay là huyện Vạn Ninh). Mỗi vùng có một Ban cán sự Đảng lãnh đạo với bộ máy giúp việc có từ 25 đến 30 cán bộ chiến sĩ.
Trong những năm đấu tranh giằng co ác liệt, lực lượng trực tiếp đương đầu với địch là cán bộ xã, bị hy sinh nhiều. Số còn lại bị đói, đau, ít được học tập, nên sức khỏe giảm sút, năng lực công tác hạn chế. Vùng Tây Ninh Hòa, có 33 cán bộ xây dựng cơ sở thì phần lớn đau bệnh. Trước tháng 6-1952 cán bộ xã sống nhờ dân và chủ yếu là gia đình nuôi. Lúc chưa có căn cứ (tháng 3-1951) thì luôn bị đói, thiếu, phải ăn trái sung, môn ngứa, củ nần v.v... Từ tháng 6-1952 về sau, Liên Khu 5 cung cấp cho một nửa trong số 500 cán bộ xã với định suất một ngày 1,2 kg gạo (tính cả cơm và thức ăn bằng giá gạo). Trong bối cảnh đó càng thấy rõ sự hy sinh cao qúy của cán bộ địa phương có lòng yêu quê hương thiết tha, được nhân dân chăm sóc qúi mến. Đội ngũ cán bộ ấy là đầu mối bám sâu vào quần chúng. Chỉ đạo của các cấp chưa thật quan tâm và có chủ trương biện pháp kịp thời để xây dựng, giữ gìn và phát triển lực lượng ấy. Cán bộ ở Cam Ranh xa tỉnh, ít được học tập, điều kiện công tác khó khăn vì địch rào làng, bị hy sinh, tổn thất nên khi phong trào phát triển đi lên vẫn chưa được tăng cường cán bộ xây dựng cơ sở. Ở Bắc Vạn Ninh nhất là vùng Tu Bông, cán bộ tạm lánh ra vùng tự do Phú Yên. Hòn Khói là một trong những xã điển hình khá nhất của Liên Khu 5 trong năm 1950 nhưng cũng chỉ còn 3 cán bộ. Cả vùng Nam Ninh Hòa chỉ còn 5 cán bộ phải vào tận căn cứ Đá Đen của Vĩnh Khánh để sản xuất. Tháng 7-1953 mới biệt phái thêm 3 đồng chí quê ở đây về móc nối lại cơ sở.
Tháng 5-1953, ách kìm kẹp của địch đã rã ở nhiều nơi. Nhân dân đấu tranh chống ngủ đồn, chống bắt lính. Ở một số địa phương, dân sẵn sàng đứng lên nhưng vì quá thiếu cán bộ thôn, xã nên bỏ lờ nhiều cơ hội có thể mở rộng tổ chức cơ sở một cách nhanh chóng và đưa phong trào lên cao.
Qua hoạt động hè 1953, toàn tỉnh đã đào tạo được 28 cán bộ thôn, 135 cán bộ xóm, 702 cán bộ tổ và 10 cán bộ tuyên truyền. Con số này quá ít so với khả năng.
Về lực lượng vũ trang, đến cuối năm 1953, Tỉnh đội xây dựng được đại đội 222 và đại đội 200 ở Bắc Khánh, đại đội 2 ở Vĩnh Khánh, xây dựng thêm 2 trung đội ở Cam Ranh và Vạn Ninh. Trực thuộc tỉnh còn có trung đội trinh sát và tiểu đội đặc công mới dự huấn luyện ở Khu về. Tiểu đội này do đồng chí Nguyễn Cụ (Tư Cường) chỉ huy, phát triển thành một trung đội nhờ huấn luyện ngay trong chiến đấu, đã lập công xuất sắc trong các trận đánh sau này. Quân số toàn tỉnh là 720 người. Dân quân du kích ở các căn cứ có 342 người. Du kích mật ở thị xã và các vùng cơ sở có 206 người.
Sau chỉnh huấn chính trị và quân sự, trình độ chính trị, lập trường phục vụ nhân dân, hiểu biết về công tác dân vận, ngụy vận có tiến bộ, trình độ kỹ thuật, chiến thuật của cán bộ chỉ huy và chiến sĩ được nâng lên.
Đời sống và trang bị của lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đầu năm 1953 chiến sĩ còn đi chân không để đánh giặc. Quần áo mỗi năm được hai bộ vải xấu. Cả đại đội không ai có mền đắp, 3 người mới có một áo ấm (áo trấn thủ). Cuối năm 1953 trang bị vũ khí bộ binh được khá hơn, mặc dù chưa có vũ khí trợ chiến như pháo, cối, trọng liên và phương tiện thông tin.
Các lực lượng và cơ quan vừa chiến đấu, công tác, vừa sản xuất. Nơi tự túc về lương thực khá được 5 tháng ăn trong một năm. Nhân dân các vùng vừa phá ngủ đồn đã bung ra vùng vành đai trắng để sản xuất. Các huyện đã giúp dân có trâu bò cày và giống để sản xuất (Vĩnh Khánh góp 50 giạ giống, 25 đôi bò cày, Ninh Hòa giúp 40 giạ giống và 8 đôi trâu).
Nguồn bổ sung vũ khí, chủ yếu là do đánh lấy của địch. Nhờ đó mà trang bị cho bộ đội và du kích dồi dào hơn trước. Cơ sở sản xuất vũ khí của quân giới Tỉnh đội đã làm bom, lựu đạn, thủ pháo từ thuốc nổ lấy được trong bom và đạn pháo của địch. Nhờ máy thông tin và điện thoại chiến lợi phẩm, ta bắt đầu trang bị điện đài cho các nơi xa và hệ thống điện thoại giữa các cơ quan trong căn cứ Đá Bàn.
Giao lưu giữa vùng căn cứ và vùng địch còn kiểm soát được khai thông. Qua đó, ta tiêu thụ lâm sản để mua gạo và các hàng tiêu dùng khác.
Về xây dựng Đảng, đến cuối năm 1953, toàn tỉnh có 2.020 đảng viên. Trong số này có 163 đồng chí hoạt động ở vùng dân tộc miền núi, 420 đảng viên trong lực lượng vũ trang (720 cán bộ, chiến sĩ bộ đội tỉnh, huyện có 420 đảng viên). Nếu tính theo số lượng thì không phải ít, nhưng qua một thời gian, việc giáo dục, củng cố đảng làm chưa thường xuyên, nên giảm sút về chất lượng. Nhiều đồng chí kiên cường, dũng cảm bám quần chúng, được nhân dân tin yêu nhưng cũng không ít đảng viên dao động, bỏ nhiệm vụ, gây ảnh hưởng xấu trong quần chúng. Năm 1953 có 30 đồng chí hy sinh, 30 đồng chí bị địch bắt, 212 đảng viên nằm im, đứt liên lạc hoặc bỏ nhiệm vụ. Lực lượng đảng viên ở cơ sở bị tổn thất chưa được khôi phục. Từ giữa năm 1952, nhất là trong năm 1953, tỉnh đã tổ chức cho cán bộ luân phiên học tập “chỉnh huấn, chỉnh đảng” của Trung ương Đảng và học “phương châm công tác vùng sau lưng địch”. Qua đó, tinh thần tự phê bình và phê bình được nâng lên, lập trường phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, lấy dân làm gốc được xác lập đúng đắn. Cán bộ, đảng viên đã làm tốt nhiệm vụ lãnh đạo và dũng cảm đi đầu trong những cuộc chiến đấu ác liệt, động viên được đông đảo nhân dân noi theo.
* *
*
Năm 1953 ta đã thành công trên hai mặt: Đánh gãy một phần chính sách bình định, chiêu an bằng chiến thuật dựa vào tháp canh của địch, và xây dựng thực lực ta về các mặt.
Với tương quan lực lượng giữa địch và ta quá chênh lệch, (ta 1, địch 15). Đồn và tháp canh của địch giăng khắp. Ngoài quân chính quy, địch còn có quân địa phương và bộ máy tề có vũ trang, gián điệp kèm kẹp quần chúng rất ngặt nghèo. Ta có một tiểu đoàn chủ lực (400 quân) hoạt động trong ba tháng cùng với cán bộ và lực lượng vũ trang địa phương, đã đánh trúng chỗ yếu của địch trong hệ thống tháp canh. Đây là hệ thống kèm kẹp đã gây uất hận cho nhân dân hơn 3 năm qua. Nhân dân rất hả dạ, như trút được căm hờn, vùng dậy khởi nghĩa ở từng bộ phận thôn, xóm. Binh lực địch bị tiêu diệt không nhiều (1.063 tên) nhưng một số quan trọng ngụy quân, ngụy quyền ở thôn, xã bị tan rã. Ta thu được thắng lợi trên là nhờ đã học tập và vận dụng tốt phương châm công tác vùng sau lưng địch của Trung ương Đảng; kết hợp chặt chẽ giữa ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích) trong công tác phát động nhân dân đứng lên đánh địch, đòi cải thiện đời sống. Ngoài ra, chúng ta đã tiếp thu và nâng cao được những yếu tố kỹ, chiến thuật của quân đội trong cách đánh tháp canh, đánh cứ điểm. Nhiều năm qua, tại Khánh Hòa ta chưa đánh gọn được các tháp canh của địch. Các năm trước đây nhiều trận do chủ lực hoặc bộ đội địa phương đánh giệt gọn hàng đại đội mạnh của địch như Đồng Thân, Núi Beo (năm 1951), có gây cho địch hoang mang trong một thời gian ngắn, nhưng rồi tình hình vẫn trở lại như cũ. Vì tác chiến của chủ lực chưa kết hợp được với phá kèm cho dân. Hoạt động hè 1953 là: Đánh tháp canh, đánh bọn lùng sục, càn quét và phát động nhân dân du kích chiến tranh là chủ trương đúng đắn, chính xác.
Tuy vậy, khi tình thế chuyển biến có lợi, ta chậm tranh thủ tổ chức và phát động nhân dân để đưa phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ cao hơn, để hình thành tổ chức, cơ sở chính trị của quần chúng, phát triển dân quân du kích, đào tạo cán bộ địa phương, xây dựng chính quyền thôn, xã, nhanh chóng chuyển các vùng đã gỡ kèm, không còn đồn bót địch thành vùng du kích. Cán bộ các cấp còn mang nặng tư tưởng, tác phong làm việc theo kiểu cũ. Tỉnh ủy lúc này cũng chưa đánh giá hết tình hình để tháo gỡ cho bên dưới, nhiều huyện ủy gặp lúng túng trong việc đưa phong trào lên.
PHỐI HỢP VỚI CHIẾN TRƯỜNG CẢ NƯỚC VÀ LIÊN KHU 5, LIÊN TỤC ĐÁNH ĐỊCH GIÀNH THẮNG LỢI
Trước thất bại dồn dập, Chính phủ Pháp được Mỹ ra sức viện trợ đã thông qua kế hoạch Na-va nhằm bình định Đông Dương trong vòng 18 tháng.
Địch tập trung lực lượng cơ động mở chiến dịch Át-lăng đánh chiếm vùng tự do Liên Khu 5. Thực hiện được âm mưu đó, địch sẽ cắt đứt đường liên lạc giữa Trung ương Đảng với miền Nam, từ đó bình định miền Nam Đông Dương rồi chuyển lực lượng cơ động, giành quyền chủ động quân sự ở chiến trường Bắc bộ.
Tháng 9-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng lao động Việt Nam đã họp và nêu quyết tâm chiến lược đánh bại kế hoạch Na-va. Quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và những chỉ thị của Liên Khu 5 về đẩy mạnh du kích chiến tranh ở các vùng sau lưng địch được quán triệt trong toàn Đảng bộ Khánh Hòa.
Bước vào hoạt động Đông-Xuân (1953-1954), thế và lực của ta ở Khánh Hòa khác trước. Bộ đội địa phương và du kích mạnh hơn. Nhân dân nhiều nơi thoát khỏi ách kèm kẹp của địch, đã sẵn sàng chống bắt lính, bắt xâu và tham gia các công tác cách mạng khác. Các đại đội 222 và 200 cùng với tiểu đội đặc công, sau khi được chỉnh huấn, xây dựng ở vùng tự do đã về lại Khánh Hòa. Tuy nhiên, lực lượng ta còn quá ít (720 chiến sĩ bộ đội tập trung tỉnh, huyện), trang bị binh khí kỹ thuật còn kém, ngay các loại chất nổ cũng rất thiếu. Cán bộ xây dựng phong trào nhiều nơi thiếu và yếu, tư tưởng chưa chuyển biến kịp thời với tình hình phát triển của phong trào.
Địch tuy thất bại bước đầu, phải co lại và bị động đối phó, gặp khó khăn trong bắt lính, bộ máy tề dao động, tinh thần binh sĩ địch tiếp tục giảm sút, nhưng càng thua địch càng phản ứng điên cuồng, xây dựng đồn bót kiên cố hơn. Đặc biệt chúng tăng cường lùng sục và hoạt động biệt kích. Địch được hà hơi bằng kế hoạch Na-va, tung tin sẽ lập lại thế tập trung dân, tập trung lúa gạo như cũ.
Quyết tâm của Tỉnh ủy Khánh Hòa là chuyển ý chí của Liên Khu ủy thành ý chí của toàn dân, toàn quân trong tỉnh khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực vươn lên. Mấu chốt của thắng lợi là phải dựa vào dân, nắm chắc phương châm vùng sau lưng địch là: dân vận, ngụy vận và chiến tranh du kích, để tiêu diệt và tiêu hao địch, phát triển và mở rộng vùng du kích, phá tan chính sách bình định của địch, ra sức hoạt động kìm chân địch không cho chúng tự do vơ vét sức người, sức của, đưa quân đánh Phú Yên và vùng tự do Liên khu 5.
Về chỉ đạo, Tỉnh ủy chọn Bắc Khánh là hướng chính, Nam Khánh là chiến trường phối hợp. Hướng tác chiến nhằm vào các lực lượng đang kèm kẹp quần chúng, nhất là các khu hành chánh mới thành lập, các căn cứ hậu cần và kho tàng của địch. Đồng chí Nguyễn Xuân Hữu, bí thư Tỉnh ủy kiêm chính trị viên Tỉnh đội, đồng chí Phan Văn Đường, trưởng ban quân sự (tham mưu trưởng Tỉnh đội) trực tiếp chỉ huy lực lượng.
Mở đầu hoạt động Đông-Xuân, ngày 9-1, đại đội 222 phục kích ở Gành Bà trên đường Vạn Giã - Đại Lãnh diệt tên Nguyễn Chánh, quận trưởng Vạn Ninh và một tiểu đội bảo vệ. Tên Moal đại úy sĩ quan tham mưu đi chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch Át-lăng, chạy thục mạng, thoát chết. Đêm 21-1, tổ đặc công của tỉnh được du kích bí mật Nha Trang dẫn đường đã đốt cháy gần 4 triệu lít xăng ở kho xăng Phước Hải (Nha Trang)2. Đêm 11-1-1954 ta tiêu diệt khu hành chánh Mỹ Lệ và đêm 15-1 lại tiêu diệt khu hành chánh Đại Mỹ. Đây là hai trung tâm hành chính đồng thời là các điểm có công sự kiên cố do bọn tề có vũ trang cùng quân ngụy đóng giữ. Một trung đội bộ đội địa phương huyện và một tổ đặc công đã đánh gọn, bắt toàn bộ binh lính và tề, thu vũ khí. Nhân dân và du kích tham gia trận đánh làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường và tải thương. Đêm trước quân ta đã áp sát đồn Mỹ Lệ, nhưng gặp trở ngại phải rút lui. Ngày hôm sau nhân dân đã lùa trâu để xóa dấu vết, địch hoàn toàn không hay biết, bảo đảm bí mật cho trận đánh đêm 11-1.
Ngày 20-1-1954, 22 tiểu đoàn quân Pháp đánh ra Phú Yên mở đầu cuộc hành quân Át-lăng. Để bảo vệ đường giao thông chiến lược từ Khánh Hòa ra Phú Yên, địch huy động tất cả đồn, bót đóng trên trục quốc lộ 1 và 21, cộng với 2 tiểu đoàn lính ngụy có xe bọc thép ngày đêm rải quân, sục sạo.
Quân và dân Khánh Hòa tăng cường hoạt động tiêu hao, tiêu diệt địch, kìm chân địch, phối hợp chặt chẽ với chiến trường Liên Khu 5 và trực tiếp là Phú Yên. Các lực lượng vũ trang của tỉnh và Ninh Hòa, Vạn Ninh liên tiếp quấy rối giao thông địch. Đồng bào dân tộc xã Y Bút (nay là xã Ninh Tây, Ninh Hòa) đã cùng du kích và lực lượng vũ trang chặt cây, đắp mô đất, đào phá đường 21, đêm ngày quấy rối tiêu hao địch. Những chốt điểm quân ngụy bảo vệ đường bị đánh bật, thay vào đó là các chốt của du kích và bộ đội ta bắn tỉa, không cho địch vận chuyển lên Tây Nguyên. Quốc lộ 21 bị tắc nghẽn nhiều lần.
Trên quốc lộ số 1 giữa Ninh Hòa và Giã, tại Láng Chu, đơn vị 222 đã diệt hai trung đội quân ngụy bảo vệ đường, thu toàn bộ vũ khí.
Đêm 27-1, chiến dịch Bắc Tây Nguyên bắt đầu. Để giành thế chủ động chiến dịch, chủ lực của Liên Khu 5 đã dồn dập tấn công hệ thống phòng thủ kiên cố bậc nhất của địch ở Kon Tum. Địch phải điều quân cơ động từ Phú Yên lên, tăng viện cho Tây Nguyên.
Đêm 2-2-1954, lực lượng vũ trang Vĩnh Khánh đánh vào trại huấn luyện tân binh và hạ sĩ quan ở Suối Dầu, đốt cháy 1 triệu lít xăng, phá hủy nhà máy điện, san bằng toàn bộ khu huấn luyện. Trên 1.000 tân binh và hạ sĩ quan ngụy bỏ chạy.
Ta lại đánh tiếp đồn Xuân Lạc diệt một trung đội, bắt sống tên đồn trưởng. Sau đó vài ngày đánh đồn cầu chợ Ông Bộ (trên đường số 1 Nha Trang- Thành). Địch đầu hàng ngay sau loạt đạn đầu. Ta bắt 30 tù binh, thu dọn vũ khí, chiến lợi phẩm về căn cứ.
Đầu tháng 2-1954, đại đội 500 tiêu diệt gọn đồn bang tá Tu Bông, bắt 40 tên địch, thu toàn bộ vũ khí.
Địch bị đánh liên tục, nhưng chúng vẫn dùng quốc lộ 1 để vận chuyển ra Phú Yên. Phân chi khu Cầu Đúc do một đại đội tăng cường làm nhiệm vụ bảo vệ giao thông. Đây là cứ điểm mạnh với hệ thống lô cốt bongker kiên cố, hỏa lực được bố trí dày đặc, hàng rào ngoại vi 9 lớp rộng hàng trăm mét, gài đủ loại mìn.
Việc tiêu diệt đồn Cầu Đúc đã góp phần cắt đứt mạch giao thông thiết yếu của cuộc hành quân Át-lăng, đồng thời phá thế kèm kẹp của địch ở vùng Bắc Vạn Ninh. Bộ đội đặc công tỉnh do đồng chí Nguyễn Cụ chỉ huy cùng 2 đại đội 222 và 200 sau mấy giờ chiến đấu ác liệt đã hạ đồn Cầu Đúc vào đêm 25 rạng 26-3-1954. Cùng lúc phá sập Cầu Đúc, cắt đứt quốc lộ số 1, bộ đội ta áp dụng kỹ thuật đặc công, bí mật luồn sâu, xuyên qua lớp rào có mìn dày đặc vào tận bên trong, dùng bộc phá đánh sập lô cốt khiến địch không kịp trở tay. So với Mỹ Lệ, Đại Mỹ đây là trận đánh có giá trị cao về kỹ, chiến thuật và hiệu suất chiến đấu (ta hy sinh hai đồng chí). Đồng bào Vạn Ninh phát huy thắng lợi đứng lên phá kèm, đấu tranh chống bắt lính, vận động binh lính địch bỏ ngủ. Vùng Tu Bông xóa sạch việc ngủ đồn.
Đồn Cầu Đúc bị diệt, cứ điểm Hảo Sơn- đầu cầu phía nam Tuy Hòa bị cô lập, địch phải tiếp tế bằng máy bay. Ta liên tiếp bám đánh địch theo trục đường số 1 bằng địa lôi và bắn tỉa.
Để cắt hẳn đường 21, công binh ta đã đánh sập cầu Bến Gành cách thị trấn Ninh Hòa 2 kilômét. Sau đó, ta liên tục bám đánh bọn địch hành quân giải tỏa cầu. Địch hoàn toàn không sử dụng được đường 21 để chi viện cho quân của chúng ở Nam Tây Nguyên.
Tại Ninh Hòa, sau khi cầu Bến Gành bị đánh sập, quốc lộ 21 tắc nghẽn. Địch điều tiểu đoàn cơ động ở thị trấn Ninh Hòa hành quân lên giải tỏa. Đơn vị 200 đã kịp thời vận động, đón đánh tại đồng ruộng thôn Ngũ Mỹ (Ninh Xuân, Ninh Hòa) tiêu diệt một đại đội địch, bắt sống 28 tên, thu toàn bộ vũ khí. Đồng bào chạy theo bộ đội bắt tù binh. Thiếu nhi cũng ra sông Ngũ Mỹ lặn tìm súng do lính ngụy vất khi bỏ chạy. Đây là một trận đánh vận động đẹp, diệt địch gọn, chứng tỏ sự tiến bộ nhanh về kỹ, chiến thuật của bộ đội ta.
Giữa tháng 5-1954, ta san bằng đồn Lạc Ninh (Vạn Ninh). Đây là cứ điểm đã gây nhiều tội ác đối với đồng bào xã Ninh Phước (Ninh An, Ninh Thọ) là vị trí án ngữ căn cứ Đá Bàn và bảo vệ quốc lộ số 1, nơi tập trung bộ máy tề ngụy cả vùng để khống chế nhân dân. Cứ điểm này kiên cố, lô cốt được xây dựng mới, hàng rào ngoại vi rộng, có hai đại đội quân ngụy canh giữ. Trận đánh diễn ra nhanh, gọn, ta tiêu diệt và bắt sống trên 200 địch, thu toàn bộ vũ khí có 1 đại bác 75 ly. Trên 300 đồng bào xã Ninh Phước cùng bộ đội thu dọn chiến lợi phẩm. Ta sử dụng ô tô lấy được để chuyên chở.
Sau trận Lạc Ninh, bộ máy ngụy tề vùng ngoại vi căn cứ từ Hòn Hèo đến Đá Bàn tan rã. Nhân dân xã Ninh Phước (Ninh An, Ninh Thọ), Hòa Nghĩa (Ninh Đa) đêm đêm đào phá quốc lộ 1 từ đèo Bánh Ít thôn Hà Thanh đến Xuân Tự. Địch không còn dùng được quốc lộ 1 để vận chuyển ra Phú Yên. Chúng rút bỏ 10 đồn bót và tháp canh, co cụm về phòng thủ quận lỵ Ninh Hòa. Bọn tề ở khu vực Hòn Khói chạy ra Đông Hà để lánh thân.
Ta chuyển lực lượng bao vây, uy hiếp phân chi khu Dục Mỹ (cây số 12 đường 21). Địch điều tiểu đoàn cơ động ở Ninh Hòa có xe bọc thép lên giải tỏa. Tại Đèo Cạnh, đơn vị 222 đã chặn đánh diệt một đại đội địch và xe bọc thép, thu nhiều vũ khí trong đó có khẩu trọng liên 12 ly 7. Đồn Dục Mỹ bỏ chạy không kịp phá vũ khí, ta thu hàng chục tấn đạn và quân trang, quân dụng. Địch lại điều trung đoàn 42 hành quân giải tỏa. Binh lính trung đoàn này phản chiến, mang súng chúc đầu xuống, kéo trở lại Ninh Hòa. Tình hình này gây hoang mang lớn trong số ngụy, tề, và cơ quan ngụy quyền cấp quận. Đêm đêm, các cơ quan quận Ninh Hòa phải chuyển hồ sơ ra ngoài. Bọn ác ôn trốn lánh đề phòng những đòn tấn công của ta.
Trên chiến trường Bắc Khánh, sau trận lạc Ninh mục tiêu trước mắt phải thanh toán là các đồn Phú Thọ, Mỹ Lương, Đông Hà, Đông Hòa (Hòn Khói).
Đêm 8-7, ta tập kích đồn Thương Chánh (thôn Đông Hòa, xã Hòa Nhân (Ninh Hải), thu nhiều vũ khí trong đó có 3 đại liên và một số bạc Đông Dương. Sáng hôm sau toàn bộ địch ở các đồn còn lại ở Hòn khói tháo chạy. Trực thăng và tàu thủy của Pháp từ Nha Trang hối hả đổ xuống Ninh Tịnh bốc quân chạy khỏi cứ điểm Hòn Cổ. Lực lượng vũ trang ta đánh sập cầu Dinh giải phóng 700 tù chính trị bị địch giam giữ tại nhà lao Ninh Hòa.
Đồn Phú Sơn rút chạy, nhưng vẫn không yên, chúng bị bộ đội 700 (Tây Ninh Hòa) đón đánh ở Gò Khẹt, xã Hòa Trí (Ninh Trung). Ta bao vây bức đồn Dục Mỹ rút chạy lần thứ 2, thu hàng chục tấn đạn, quân trang quân dụng. Toàn huyện Ninh Hòa, địch chỉ còn co cụm ở thị trấn Ninh Hòa, đồn Quảng Cư trong thế bị bao vây, và bót đèo Rọ Tượng.
Ở Nam Khánh Hòa, vào tháng 4-1954, lực lượng vũ trang ta diệt đòn Phú Lộc, một khu hành chánh tập trung bọn tề ác ôn, có một trung đội Commandos. Toàn bộ địch bị tiêu diệt và bắt sống, thu toàn bộ vũ khí. Tiếp đó ta diệt đồn Am Chúa đóng trên điểm cao sườn núi phía bắc thôn Đại Điền Trung xã Khánh Điền (Diên Điền). Thừa thắng, du kích xã Khánh Lộc (Diên Phú) bao vây và kêu gọi bót Phú Cấp đầu hàng.
Tháng 5-1954, ta diệt đồn Cẩm Sơn, một cứ điểm mạnh án ngữ phía tây huyện Vĩnh Khánh. Trên 500 đồng bào dân tộc bị địch dồn về đây đã phá khu tập trung về núi làm ăn, bố phòng chống địch.
Ảnh hưởng trận Cẩm Sơn loan nhanh đến đồng bào dân tộc ở các khu tập trung Ngã Hai, Hiệp Mỹ (Cam Ranh). Nhân dân ở đây đã bỏ khu tập trung trở về làng cũ. Lính dân vệ cũng trả súng cho địch, chạy theo dân.
Đơn vị 200 chủ lực tỉnh cùng một bộ phận đặc công và cùng đại đội Vĩnh Khánh đánh địch. Trận Đồng Hần tiêu diệt địch đang hành quân xã Khánh Giang (Diên Lâm). Tiếp đó tiêu diệt đồn An Định, Đắc Lộc, bao vây và bức rút đồn gò Bà Bụi, một cứ điểm mạnh đóng sâu vào căn cứ 175. Nhân dân xã Khánh Lộc (Vĩnh Phương) gọi hàng và diệt đồn Xuân Phong.
Tiếp theo, tiêu diệt đồn Phú Cốc đêm 1-7, tấn công đồn Đắc Lộc đêm 4-7. Đêm 7-7 tiêu diệt đồn Phú Xương, đêm 10-7 diệt đồn Vĩnh Bình và 13-7 diệt bót Rù Rì trên quốc lộ số 1. Địch hoang mang rệu rã3. Ở Vĩnh Khánh lúc này chỉ còn cứ điểm địch ở Suối Dầu, Phú Vinh, thị trấn Thành và đồn Mỹ Lộc.
Để kịp thời chỉ đạo mở rộng vùng giải phóng Vĩnh Khánh, tháng 6/1954, Tỉnh ủy quyết định tách các xã bờ Nam sông Cái, giáp quốc lộ 1 đoạn Thành - Suối Dầu thành lập vùng Tây nam Diên Khánh. Cơ quan và lực lượng vũ trang của vùng đóng tại vùng B (Cây Sung - Láng Nhớt). Tại đây, ta đã chuẩn bị kế hoạch tiêu diệt đồn Mỹ Lộc do 1 đại đội bảo an địch đóng giữ, nhưng trước giờ nổ súng, ta nhận được lệnh ngừng bắn có hiệu lực nên phải dừng lại.
Ở Vạn Ninh, phong trào đấu tranh chính trị đang lên mạnh nhưng hoạt động của lực lượng vũ trang và du kích bao vây uy hiếp địch chưa thường xuyên. Số cứ điểm còn lại sau tháng 7-1954 là 5 đồn (tính cả thị trấn Giã) và 6 tháp canh.
Ở Cam Ranh các khu địch tập trung dân tuy chưa bị xóa hẳn, nhưng thế kèm của địch bị lỏng. Nhiều vùng ta làm chủ ban đêm, ngay tại thị trấn Đá Bạc ta triệu tập hàng trăm người ra bên ngoài để dự mít tinh. Cơ sở phụ nữ vận động hai lính Pháp ở đồn Hiệp Mỹ ra hàng. Các khu tập trung đồng bào dân tộc đã bị phá rã. Tuy nhiên ở Cam Ranh lúc này, ta chưa đánh hay bức rút được một cứ điểm nào của địch. Lực lượng vũ trang của huyện yếu, chỉ đạo còn lúng túng trong việc đưa phong trào lên.
ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ CỦA QUẦN CHÚNG VÀ PHONG TRÀO Ở THỊ XÃ, THỊ TRẤN
Song song với các hoạt động võ trang, phong trào đấu tranh chính trị đã diễn ra quyết liệt, đều khắp. Vào tháng 1-1954, khi địch bắt đầu đánh ra Phú Yên, 400 đồng bào ở ngã tư Tu Bông đấu tranh đòi chồng con, chống ra trận. Trên 800 thanh niên các xã Khánh Điền, Khánh Lộc, Diên Sơn, Diên Điền, Diên Phú (huyện Vĩnh Khánh) tự tổ chức sống bất hợp pháp, chống địch bắt lính.
Ở Nha Trang nhiều đồn bót bị đánh sụp nhờ liên kết bên ngoài với nội ứng bên trong như: bót Lương Sơn, Rù Rì, bót Lò Vôi (Phương Sài), bót Cầu Dứa, đồn Thủy Tú, Bình Tân, Trường Đông, Ngọc Hội, Xuân Lạc, Phú Vinh. Bộ đội đặc công phục kích bắn chết tên Phan, quận trưởng Vĩnh Xương tại cổng xe lửa Chợ Mới; tấn công quân địch đóng ở gara Charner; đánh sập một nhịp cầu Xóm Bóng; đánh sập Cầu Dứa trên đường Nha Trang - Thành. Cơ sở ngụy vận thị xã tuyên truyền vận động số binh lính bại trận trở về thị xã, khéo léo khai thác mâu thuẫn giữa học viên Trường sĩ quan Hải quân và công an ngụy. Do phẫn uất lâu ngày, nhân dân đã cùng binh sĩ ngụy giết chết trưởng ty công an Nguyễn Văn Mạnh và kéo đến tỉnh đường đòi xử tội tên tỉnh trưởng Nguyễn Văn An.
Mở đợt phối hợp đấu tranh chính trị giữa nhân dân thị trấn Thành (Diên Khánh) và Nha Trang diễn ra trong 3 ngày. Bắt đầu từ 28-5-1954, hàng đoàn xe tham gia đấu tranh đi từ Diên Khánh xuống thị xã Nha Trang mang cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ. Chợ vắng người, các cửa tiệm đóng cửa, công nhân viên chức các xí nghiệp và công sở ở Nha Trang bãi công. Trên 500 công nhân, viên chức họp mít tinh ký kiến nghị ủng hộ hội nghị Giơ-ne-vơ, phản đối đế quốc Mỹ can thiệp vào chiến tranh Đông Dương. Binh lính và nhân viên ngụy quyền thị xã lơ là nhiệm vụ. Ban đêm lính phòng 5 Pháp phải đích thân lo canh giữ ngoại vi thị xã. Nhân dân lao động phấn khởi sẵn sàng hành động cách mạng, các tầng lớp thương gia, trí thức ngả về kháng chiến.
Năm 1953 và đầu năm 1954, các hoạt động vũ trang và đấu tranh chính trị đều kết hợp chặt với công tác ngụy, địch vận. Việc thực hiện đúng chính sách đối với thương, tử, tù, hàng binh, đối xử tử tế và phóng thích tù binh có ảnh hưởng to lớn. Nhân dân ra sức đấu tranh, bảo vệ chồng, con, em mình, chống địch bắt lính. Phong trào lính ngụy trả súng về nhà ngày càng lan rộng, nhất là lính người dân tộc, có cả trung đoàn không chịu ra trận (trung đoàn 42, tiểu đoàn 9). Trong 6 tháng đầu năm 1954 có 1.104 lính ngụy đào ngũ.
TIẾN LÊN LÀM CHỦ HOÀN TOÀN MIỀN NÚI
Từ năm 1954, Tỉnh ủy và các huyện ủy Khánh Sơn và miền núi Vĩnh Khánh có sự chuyển hướng mạnh về tư tưởng, tổ chức trong đội ngũ cán bộ công tác vùng đồng bào các dân tộc. Nhiều cán bộ ưu tú được tăng cường cho miền núi. Nhiều gương hy sinh quên mình vì dân như đồng chí Đặng Trì (Campró) đã không sợ lây bệnh đậu mùa (trái trời), chôn người chết, nuôi người bệnh, dọn sạch môi trường, tận tâm tận lực cứu chữa được gần 50 dân làng thoát khỏi chết hàng loạt trong nạn dịch hiểm nghèo.
Trận bão lửa lớn (gió nóng) vào ngày 20-10-1952, làm cho miền núi mất mùa, đồng bào thiếu đói. Việc giao lưu giữa vùng đồng bào miền núi do ta kiểm soát với vùng nông thôn và thị trấn do địch kiểm soát là cần thiết để đồng bào đổi lâm sản mua gạo, muối và các thứ cần cho cuộc sống hàng ngày. Địch ở Cam Ranh, mà đầu sỏ là tên trùm gián điệp Ali đã xúi dân phải lập tề bí mật và chụp hình lãnh cạc (loại thẻ căn cước).
Huyện ủy Khánh Sơn phát động phong trào chống chụp hình lãnh cạc của địch. Nhưng vì đời sống, nhân dân tự bàn bạc với nhau, giả vờ chịu làm tề bí mật và lãnh cạc để được đi lại làm ăn dễ dàng. Tất cả ăn thề phải dấu kín không cho huyện biết... Dù đi lại hàng ngày ở vùng địch, nhưng đồng bào vẫn giữ lòng trung thành với cách mạng, với Cụ Hồ, không tiết lộ những điều bí mật cho địch. Đồng bào lại cử hai cán bộ có uy tín (Cau Điền, Cau Non) đề nghị với huyện nên sửa chủ trương ngăn không cho đồng bào lãnh cạc.
Dù việc làm trên đây là thiết thực cho cuộc sống, nhưng vì trái ý kiến của huyện, vốn lâu nay được dân yêu, dân mến nên trong lòng đồng bào và cán bộ người dân tộc luôn áy náy. Cuối cùng đồng chí Máu Tý cán bộ người dân tộc đã gặp đồng chí Hà Huy An (Việt Thắng) bí thư Huyện ủy để báo cáo rõ lâu nay dân đã chụp hình lãnh cạc rồi. Huyện đã tự kiểm điểm, thấy chủ trương vừa qua là không phù hợp với nguyện vọng và đời sống của dân, nên đã sửa chữa. Việc quan trọng là giải thích cho dân hiểu rõ âm mưu địch và đấu tranh chống địch. Cán bộ càng thấm thía bài học thực tế về lòng tin dân, dựa vào dân và luôn luôn sâu sát, tìm hiểu nguyện vọng, tôn trọng ý kiến đúng đắn của nhân dân.
Cuộc vận động nhân dân miền núi Khánh Sơn, Vĩnh Khánh tố cáo tội ác của địch, càng làm cho dân thấy rõ âm mưu, tội ác của giặc Pháp. Đại hội bình mừng công các huyện miền núi đã động viên phong trào thi đua sản xuất, bố phòng xây dựng căn cứ.
Theo lệnh của Hồ Chủ tịch, Uỷ ban Kháng chiến hành chánh Liên Khu 5 đã xuất 40 triệu đồng tín phiếu4 cho tỉnh Khánh Hòa để mua lương thực cứu đói đồng bào miền núi. Gạo, bắp lúa giống và nông cụ chuyển tận tay đồng bào. Phong trào sản xuất cứu đói, nhớ ơn Hồ Chủ tịch được phát động rộng rãi. Thời tiết thuận lợi, sản xuất được mùa, dân no. Vùng ta làm chủ chuyển thành căn cứ du kích; sản xuất được mở rộng; buôn làng được bố phòng, chống địch bằng các loại hầm chông, cạm bẫy. Các lớp học văn hóa cho các cháu thiếu nhi được tổ chức, đêm đêm người lớn đi học chữ phổ thông.
Để mở rộng vùng làm chủ, ta đã tích cực vận động đồng bào ở các khu dồn, vùng địch kiểm soát bung ra ngoài làm ăn. Tích cực vận động binh sĩ người dân tộc trả súng, theo dân trở về buôn, làng.
Ở vùng cao từ đầu năm 1953, cán bộ ta đã “tom”5 được với đầu lớn ở Dốc Rùa, Apa, Du Oai, tổng Lacol, Malee và Paner, xếp goum Hănrạc. Cả vùng Tà Giang, Gia Lục được xây dựng thành vùng căn cứ của ta. Do hiểu lầm nên goum Paner đã giết chết đồng chí Nguyễn Tiến Phước, một cán bộ đã có công trong công tác vận động đồng bào dân tộc.
Tháng 9-1953, ta diệt tên Ali tại Trại Cá, tên trùm gián điệp khét tiếng gian ác và xảo quyệt từ lâu đã giúp cho Pháp đánh phá vùng miền núi Tây Khánh Hòa và vùng Bắc Ái của Ninh Thuận. Đơn vị vũ trang người dân tộc bảo vệ Ali tan rã, ta thu nhiều vũ khí. Huyện Khánh Sơn đã tập trung 300 đồng bào biểu dương thắng lợi, động viên nhân dân phá kèm kẹp ở các khu dồn, củng cố và mở rộng vùng ta làm chủ, tình hình phát triển thuận lợi.
Sau các trận Suối Dầu, Cẩm Sơn, các khu dồn dân tan rã hẳn. Các đơn vị lính ngụy người dân tộc bỏ súng về nhà làm ăn. Tên Paner chỉ huy ổ goum Hănrạc gặp cán bộ ta xin theo kháng chiến. Ta cùng tổng Malia vận động tổng Là Cun trả súng cho địch. Goum Mare (tổng Gia Huynh) giải thể lúc hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết.
Ở miền núi huyện Vĩnh Khánh, sau khi ta diệt đồn Cẩm Sơn, tên Tổng Ma Đai và tên Ma Cui về lẩn trốn ở Hòn Dù. Sau đình chiến, đồng chí Pinăng Xà A đích thân kêu gọi chúng ra hàng. Tất cả bọn phản động ở miền tây Khánh Hòa thấy rõ chính sách khoan hồng của cách mạng, đều ra thú nhận tội lỗi trước nhân dân.
Miền tây Khánh Hòa hoàn toàn giải phóng, các dân tộc Raglai, Êđê, Tring, Kinh, đoàn kết một lòng theo cách mạng, theo Cụ Hồ. Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, miền tây Khánh Hòa là trục nối liền đường liên lạc Bắc- Nam. Các đồng chí lãnh tụ của Đảng và đảng bạn như đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Sơn Ngọc Minh đã đi qua và ở lại trên các trạm liên lạc của Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Miền núi Khánh Hòa, địa bàn chiến lược nối liền với Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên là căn cứ địa của phong trào kháng chiến toàn tỉnh.
* *
*
Sau hơn 6 tháng hoạt động liên tục, quân dân Khánh Hòa đã tiêu diệt 2.504 tên địch, xóa 4 phân chi khu, đánh và bức rút 33 đồn, 29 tháp canh, đốt 5 triệu lít xăng. Vũ khí và quân trang, quân dụng thu được đủ trang bị cho hai tiểu đoàn.
Ta đã giải phóng hầu hết vùng nông thôn phía Nam huyện Vạn Ninh, huyện Ninh Hòa và Vĩnh Khánh. Tất cả các khu tập trung đồng bào dân tộc đều bị phá. Các ổ goum đã trả súng cho địch và theo cách mạng. Miền núi rộng lớn có trên 10.000 dân đã đứng lên làm chủ hoàn toàn. Phong trào đấu tranh chính trị ở Nha Trang và các thị trấn diễn ra quyết liệt. Đại đa số nhân dân đã ngả về cách mạng. Cuộc chiến tranh nhân dân ở cả ba vùng miền núi, nông thôn đồng bằng và thị xã, thị trấn quyện chặt nhau. Nhân dân nhiều vùng đã đứng lên với khí thế của ngày khởi nghĩa. Ngụy quân, ngụy quyền đều dao động, tan rã về tinh thần và ý chí chiến đấu.
Kết hợp chặt chẽ và làm nòng cốt trong cuộc chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang của tỉnh và huyện (3 đại đội chủ lực của tỉnh, 2 trung đội đặc công, 5 trung đội ở huyện) đã chiến đấu liên tục, ngoan cường, tiến bộ nhanh về kỹ thuật, chiến thuật. Quân số ít nhưng hiệu suất chiến đấu cao. Tự đánh tháp canh nhỏ, đã nhanh chóng tiến lên tiêu diệt đồn địch có quân số đông, có công sự khá kiên cố. Từ chỗ đánh bọn đi lùng lẻ tẻ, đến đánh địch đang vận động, đánh cơ giới địch trên đường giao thông.
Đặc biệt việc dùng chiến thuật đặc công, tận dụng yếu tố bất ngờ, len vào tận sào huyệt của địch mà đánh là thành công nổi bật. Hàng loạt cứ điểm như: Cầu Đúc, Cẩm Sơn, Am Chúa, Lạc Ninh... bị tiêu diệt, làm rung chuyển cả hệ thống đồn bót địch, đánh bại một phần quan trọng chính sách bình định, chiêu an của địch.
Về mặt kinh tài và hậu cần, các căn cứ đã nỗ lực sản xuất. Dù phải liên tục chiến đấu và phục vụ chiến đấu, nhưng các cơ quan và lực lượng vẫn lo sản xuất tự túc lương thực. Nhờ mở rộng vùng ta kiểm soát, nên công tác hậu cần tại chỗ được giải quyết và có dự trữ để tiếp nhận lực lượng bên trên. Nhân dân hết sức quan tâm đến việc đóng góp tiền của cho kháng chiến.
Nối tiếp đà thắng lợi trong năm 1953, hoạt động Xuân - Hè 1954 là bước tiến lớn của phong trào. Nhân dân trong các vùng được giải phóng sau bao nhiêu năm sống dưới ách kèm kẹp nghiệt ngã của địch, sẵn sàng tham gia các công tác được cách mạng giao. Thanh niên nhập ngũ hàng loạt tạo nên một khí thế phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, gây dựng thêm niềm tin về chiến thắng của cuộc kháng chiến do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Tuy nhiên, trong thời gian này, về mặt khách quan, ta vẫn còn gặp một số khó khăn, chưa mở được các lớp đào tạo cán bộ để đáp ứng kịp nhu cầu của phong trào. Cán bộ tỉnh, huyện đều phải luân phiên ra vùng tự do Liên Khu 5 để học tập chỉnh huấn, chỉnh đảng. Mỗi lượt đi phải vắng xa chiến trường từ 3 đến 4 tháng. Cán bộ đang công tác quá ít, lại phải kiêm nhiều việc.
NGỪNG BẮN, CHUYỂN QUÂN TẬP KẾT,
CHUẨN BỊ CHO CUỘC ĐẤU TRANH MỚI
Trước khí thế thắng lợi ấy, ngày 20-7-1954 tin Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết truyền đến trong sự bất ngờ, vừa xúc động, vui mừng, nhưng vẫn gây băn khoăn trong cán bộ, bộ đội và nhân dân.
Ngày 23-7, phái đoàn Ban Liên hiệp đình chiến Trung ương do đồng chí Mai Dương làm trưởng đoàn vào Khánh Hòa để truyền đạt nội dung thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ và chuyển quân tập kết. Đồng chí cũng truyền đạt những chỉ thị về nhiệm vụ đấu tranh chính trị để thống nhất đất nước.
Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, Tỉnh ủy Khánh Hòa phải thực hiện hai nhiệm vụ: Chuyển quân tập kết và tổ chức lực lượng bám dân, tiếp tục đấu tranh thống nhất nước nhà. Cán bộ chia làm hai bộ phận: Phần lớn cán bộ xã về sống hợp pháp để hòa với nhân dân để lãnh đạo đấu tranh (trên 500 đồng chí không kể các đồng chí cán bộ ở miền núi). Một số đồng chí trong Tỉnh ủy và huyện ủy ở lại hình thành tỉnh ủy và huyện ủy bí mật, hoạt động bất hợp pháp. Đồng chí Lê Thanh Liêm được chỉ định bí thư Tỉnh ủy. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Ngật (Nguyễn Lương) bí thư Vạn Ninh, Tô Văn Ơn bí thư Ninh Hòa, Nguyễn Lãnh (Duy) bí thư Vĩnh Xương, Mai Xuân Cống bí thư Nha Trang, Nguyễn Quý Hanh bí thư Cam Ranh, Trần Văn Quế bí thư Khánh Sơn, Lê Tụng bí thư Khánh Vĩnh.
Theo quy định, 0 giờ 1-8-1954, trên chiến trường Khánh Hòa ngưng tiếng súng. Ở các vùng ta làm chủ, nhà nhà đều treo cờ đỏ sao vàng, không khí hân hoan tràn ngập. Tổ liên hiệp đình chiến của ta do đồng chí Lưu Văn Trọng làm tổ trưởng, bắt đầu làm việc với phía quân đội Liên hiệp Pháp để bàn việc tập kết chuyển quân và bảo đảm thi hành các điều khoản về không trả thù và phân biệt đối xử với người kháng chiến cũ. Lợi dụng điều khoản cách ly quân đội hai bên trên đường hành quân tập kết, ta đã buộc địch rút khỏi đồn Quảng Cư - cứ điểm đã án ngữ và gây khó khăn cho căn cứ Đá Bàn trong chiến tranh. Chỉ trong hai ngày nhân dân 2 xã Ninh An và Ninh Thọ đã chuyển toàn bộ vũ khí, quân dụng tại căn cứ Đá Bàn về Bến Quế (Lạc Ninh), bốc lên 5 chiếc thuyền lớn để chuyển đi Qui Nhơn. Cùng chuyến đi có 50 thương, bệnh binh và các cháu thiếu nhi đi tập kết.
Từng đơn vị quân ngụy tìm trụ sở của tổ Liên hiệp đình chiến đóng tại thôn Lạc Ninh để xin nạp vũ khí. Trường huấn luyện Hải quân ngụy ở Nha Trang rã ngũ, 40 học sinh sĩ quan ngụy người miền Bắc sau khi hiểu được nội dung Hiệp định Giơ-ne-vơ, đến liên lạc xin về quê.
Trong những ngày 1-8 đến 4-8, nhân dân các nơi tấp nập đổ về căn cứ Đá Bàn để thăm bộ đội, thăm căn cứ. Nhiều gia đình cha mẹ gặp con, vợ gặp chồng, mừng mừng, tủi tủi rồi lại chia tay, hẹn sau hai năm sẽ hội ngộ. Trước khi ra đi, Tỉnh ủy và Tỉnh đội cử một bộ phận vun đắp, làm lại bia mộ các liệt sĩ và đồng bào đã hy sinh tại căn cứ Đá Bàn.
Ngày 22-8-1954 là ngày lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và cũng là lễ chia tay của quân đội với đồng bào, với quê hương để đi tập kết. Tuy không báo tin cho đồng bào Nha Trang và Nam Khánh, nhưng trong ngày này, ùn ùn các loại xe ô tô, xe gắn máy, xe đạp từ các nơi trong tỉnh đổ về căn cứ Đá Bàn. Đồng chí Nguyễn Xuân Hữu và đồng chí Lê Thanh Liêm đã thay mặt Tỉnh ủy và Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh nói chuyện với đồng bào. Buổi lễ xúc động tình quân, dân của chiều hôm ấy để lại trong lòng từng người những tình cảm tin yêu, mến phục của nhân dân đối với cách mạng, với Bác Hồ kính yêu.
Trên 700 thanh niên, con em của đồng bào toàn tỉnh, phần đông là du kích xã, đã phấn khởi đi tập kết để học tập, xây dựng quân đội, xây dựng quê hương. Nhưng khi ra đến Bình Định thì bộ phận của Tỉnh ủy Khánh Hòa phụ trách công việc tập kết lại theo hướng dẫn của trên vì lý do phương tiện vận chuyển ra miền Bắc đang khó khăn, nên tất cả đều cho về lại Khánh Hòa. Số thanh niên này khi về địa phương, địch theo dõi khủng bố, kéo theo sự bất bình của gia đình và bản thân họ. Tỉnh không những mất nguồn cán bộ cho tương lai, mà gây thêm khó khăn cho phong trào.
Sau những ngày tấp nập, sôi động, nay tại căn cứ im lìm vắng vẻ. Đồng bào còn ở lại và những cán bộ ra đi ngậm ngùi xúc động. Bộ phận bí mật ở lại Đá Bàn để coi giữ các kho lương thực do đồng chí Lê Mét đảm nhiệm. Về sau, đồng chí sống những ngày gian khổ, đơn độc. Khi địch xúc cả dân ở Đá Bàn đi nơi khác, Tỉnh ủy cũng đã bí mật giao cho đồng chí Tôn Thất Chí (Nguyễn Thiện Chí) và Nguyễn Văn Thành ở Ban cung cấp tỉnh giấu một số vũ khí ở Dốc Chanh. (Sau này trong thời kỳ chống Mỹ (tháng 9-1960), theo sự chỉ dẫn của các đồng chí, ta đào lấy được 30 khẩu tiểu liên Tulle với 3.000 viên đạn).
Sáng ngày 3-9-1954, theo lệnh của Ban Liên hiệp đình chiến Liên khu 5, tổ liên hiệp đình chiến Khánh Hòa hết nhiệm vụ ra Qui nhơn bằng phương tiện của quân đội Liên hiệp Pháp.
Những ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp ở Khánh Hòa khí thế cách mạng sôi sục, tình cảm quân dân thắm thiết, Đảng và dân là một khối. Tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Xuân - Hè 1954 của Quân khu 5, Khánh Hòa được thưởng cờ: “HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ XUÂN- HÈ 1954”.
Đây là phần thưởng qúy báu mà Đảng bộ, nhân dân Khánh Hòa nhận được vào thời điểm cả nước kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Và cũng từ thời gian này, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa cùng với cả nước bước vào một giai đoạn lịch sử mới - giai đoạn đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
____________
1. Bội đội địa phương tỉnh lúc này là đại đội 1 được điều ra vùng tự do để chỉnh huấn chính trị và quân sự.
2. “Trận tập kích căn cứ Nha Trang đốt cháy 4 triệu lít xăng, trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất phá hủy hàng trăm tấn bom địch đã có tác dụng động viên rất lớn và phối hợp đắc lực với mặt trận Điên Biên Phủ’. - Trích bài báo của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam – Báo Quân đội nhân dân số 8202 ngày 3-4-1984.
3. Tờ trình của Trưởng ty Công an Khánh Hòa tháng 7-1954 viết: “Chúng (tức lực lượng kháng chiến) tấn công bằng một loạt tiểu liên và một quả tạc đạn rồi xung phong bắt sống tất cả binh sĩ và thu toàn bộ vũ khí. Bên ta không một tiếng súng trả lời”. Bản lưu tại bộ phận NCLSĐ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa.
4. 200 đồng bạc tín phiếu lúc này đổi được 1 đồng Đông Dương.
5. Tom - tiếng đồng bào dân tộc chỉ cuộc họp, cuộc tiệc.
Tags:
Tác giả:
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
- LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH KHÁNH HÒA (1930 - 2005) (31/01/2018)
- Phụ lục 2 (30/01/2018)
- Phụ lục (30/01/2018)
- Kết luận (30/01/2018)
- Chương XVIII - Đảng bộ Khánh Hòa lãnh đạo công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996-2005) (30/01/2018)
- Chương XVII - Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (7/1989 - 1995) (30/01/2018)
- Chương VI - Cuộc kháng chiến bắt đầu (23/10/1945 - 12/1946) (30/01/2018)
- Chương V - Xây dựng chính quyền nhân dân và chuẩn bị kháng chiến (8/1945 - 10/1945) (30/01/2018)
- Chương IV - Cuộc vận động giải phóng dân tộc và cách mạng tháng Tám (1940 - 1945) (30/01/2018)
- Chương III - Thời kỳ đấu tranh chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đòi tự do, cơm áo và hòa bình (1936 - 1939) (30/01/2018)