KẾT LUẬN
Khánh Hòa là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Hơn ba thập niên qua, trong điều kiện gặp không ít khó khăn do thiên tai, những tác động bất lợi của tình hình khu vực và quốc tế, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thử thách, kiên trì phấn đấu giành được những thành tựu quan trọng.
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa bắt tay ngay vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới: cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc thắng lợi, nước nhà độc lập thống nhất, có điều kiện tập trung các nguồn lực vào nhiệm vụ hàng đầu là hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khó khăn buổi ban đầu còn bộn bề vì khởi đầu với một mặt bằng đầy tàn tích chiến tranh, nền kinh tế của tỉnh phần lớn phụ thuộc vào bên ngoài và phục vụ cho cuộc chiến tranh do Mỹ thực hiện tại địa phương; sản xuất nông nghiệp là chủ yếu với trình độ canh tác thủ công, lạc hậu, manh mún; các cơ sở sản xuất công nghiệp vốn đã nhỏ bé lại bị đình đốn do máy móc thiết bị hư hỏng, thiếu nguyên liệu, thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật lành nghề; hệ thống đường giao thông, cầu cống hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng; lưu thông hàng hóa ách tắc; cơ sở vật chất và mạng lưới y tế, giáo dục, văn hóa vừa thiếu lại vừa yếu; hàng vạn người không có việc làm; nhân dân ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa bị đói ăn, ốm đau bệnh tật; trật tự an toàn xã hội chưa ổn định, các thế lực phản động do Mỹ cài lại lén lút hoạt động chống phá cách mạng …
Để nhanh chóng vượt qua những khó khăn, thách thức to lớn đó, Đảng bộ Khánh Hòa tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và ý chí cách mạng tiến công, kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, từng bước khôi phục và phát triển về kinh tế, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất và tinh thần, chăm lo đời sống nhân dân; từng bước củng cố bộ máy chính quyền các cấp và các đoàn thể quần chúng làm chỗ dựa vững chắc cho việc phát động các phong trào cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, bộ mặt quê hương có nhiều thay đổi: sản xuất được phục hồi, tình hình trật tự xã hội và đời sống nhân dân từng bước ổn định, chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước được thực hiện có hiệu quả ...
Để đảm bảo việc thống nhất lãnh đạo phù hợp với tình hình miền Nam sau giải phóng, tháng 8-1975, Ban Chấp hành trung ương Đảng (khóa III) quyết định sáp nhập một số đơn vị hành chính kinh tế (tỉnh, thành phố) với quy mô cần thiết. Theo chủ trương của Trung ương và sự chấp thuận của Quốc hội, tháng 11-1975, hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên được hợp nhất thành tỉnh mới là tỉnh Phú Khánh. Từ đây, Đảng bộ Khánh Hòa bước vào một giai đoạn mới với những thuận lợi lớn hơn, nhưng những khó khăn, thách thức cũng không kém phần gay go, phức tạp.
Sau hơn 13 năm hợp nhất, Đảng bộ Phú Khánh đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, thiên tai; ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn tỉnh; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các đoàn thể có nhiều bước tiến vượt bậc. Đặc biệt, trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986-1989), Đảng bộ và nhân dân Phú Khánh, trong đó có các Đảng bộ huyện, thị xã và quân dân trên địa bàn Khánh Hòa đã nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng; từng bước khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Đó là những tiền đề vững chắc và rất cơ bản để Đảng bộ và quân dân Khánh Hòa giành những thắng lợi tiếp theo trong công cuộc đổi mới trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình hợp nhất, nhiều hạn chế cũng được bộc lộ khá sâu sắc: Địa bàn tỉnh Phú Khánh quá rộng và phức tạp; điều kiện tự nhiên của hai địa phương Phú Yên và Khánh Hòa có nhiều đặc điểm khác nhau, truyền thống lịch sử tuy có nét chung nhưng hoàn toàn độc lập; hiện tượng mất đoàn kết nội bộ nảy sinh và tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ Đảng bộ nhưng không giải quyết kịp thời dẫn đến làm giảm sức mạnh của Đảng bộ, làm tổn thương đến truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên, Khánh Hòa.
Trước nhu cầu phát triển, đổi mới của công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt là quán triệt tinh thần Đại hội VI của Đảng và xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn, ngày 4-3-1989, Bộ Chính trị ra Quyết định số 83 về việc chia tách tỉnh. Trên tinh thần đó, ngày 30-6-1989, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết về việc chia tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh mới là Phú Yên và Khánh Hòa. Ngay sau khi được tái lập, Đảng bộ Khánh Hòa đã bám sát chủ trương, đường lối của Trung ương, tăng cường chỉ đạo công tác tư tưởng, tập trung sức lãnh đạo nhân dân thực hiện những nhiệm vụ mới: tiếp nhận bàn giao giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, kiện toàn và ổn định bộ máy các cấp, chăm lo đời sống quần chúng, lãnh đạo sản xuất, triển khai các công việc nhằm đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.
Kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được trong suốt chặng đường đầy khó nhọc mà rất đỗi tự hào ấy, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa nỗ lực tạo dựng nền tảng, chuẩn bị tăng tốc trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở thống nhất, hòa hợp giữa ý Đảng và lòng dân, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã phát huy trí tuệ, tài năng tham gia thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và giúp đỡ có hiệu quả của Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện thuận lợi cho Khánh Hòa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Nhiều chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm, nhiều nghị quyết chuyên đề và chủ trương lớn phù hợp với thực tiễn địa phương được xây dựng và triển khai. Những vấn đề trọng tâm, trọng điểm được lựa chọn trúng, đúng và tập trung thực hiện như: Điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu đầu tư để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; ưu tiên đầu tư nhằm hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng; nghiên cứu, quyết định một số cơ chế, chính sách tạo vốn, huy động vốn cho đầu tư phát triển; tập trung chuẩn bị các điều kiện hội nhập kinh tế; tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, hợp tác với các địa phương...
Trải qua 30 năm từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất, đặc biệt là từ khi cùng cả nước tiến hành công cuộc đổi mới (1986) đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với truyền thống yêu nước, bản chất cách mạng vốn có, ý thức tự lực, tự cường, cộng với tinh thần nỗ lực, sáng tạo, phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và an ninh - quốc phòng. Những thành tựu đó có thể khái quát ở những mặt chủ yếu sau:
1. Thành tựu về phát triển kinh tế
Sau 30 năm giải phóng, kinh tế Khánh Hòa đã có những phát triển vượt bậc. Từ một tỉnh nghèo, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, Khánh Hòa trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ và du lịch phát triển. Đạt được thành tựu này là do Đảng bộ Khánh Hòa có những định hướng đúng đắn bằng các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương và các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm.
Kinh tế liên tục tăng trưởng với nhịp độ cao, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thời kỳ 1991 - 1995 tăng gần 14%, đến cuối năm 1995 bình quân đầu người đạt 3,4 triệu đồng (khoảng 310 USD). Thời kỳ l996-2000, mặc dù có năm phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nhịp độ tăng trưởng vẫn đạt 8,2%, GDP bình quân đầu người đến năm 2000 là 401 USD. Từ năm 2001 đến năm 2005, GDP tăng bình quân hàng năm gần 11%, năm 2004, GDP bình quân đầu người đạt 670 USD, năm 2005, GDP của tỉnh tăng gấp 1,7 lần so với năm 2000; thu nhập bình quân đầu người đạt 768 USD/năm.
Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ tỉnh (1996) xác định cơ cấu kinh tế là công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ và du lịch. Đến Đại hội lần thứ XIV (2001) xác định là công nghiệp - dịch vụ, du lịch - nông nghiệp. Và đến Đại hội lần thứ XV (12-2005) quyết định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp. Tỷ trọng cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2000 là: công nghiệp: 35,3%; dịch vụ: 37,82%; nông nghiệp 26,9%; năm 2004, tỷ trọng tương ứng là: 40,97%; 39,6%; 19,43%. Đến năm 2005, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 40,9%, dịch vụ - du lịch 41,1%, nông nghiệp chiếm 18% trong GDP.
Thu ngân sách tăng nhanh và luôn vượt kế hoạch hàng năm. Nếu như năm 1976, Trung ương còn trợ cấp cho Phú Khánh 44% ngân sách và năm 1990, số thu ngân sách của tỉnh Khánh Hòa mới đạt 58 tỷ đồng, thì đến năm 1995 đã đạt 651 tỷ đồng, năm 2005 là 3.400 tỷ đồng, là một trong 8 tỉnh có số thu ngân sách lớn nhất cả nước. Kinh tế đối ngoại được mở rộng, từng bước tranh thủ thêm được bạn hàng đối tác, tiền vốn, thị trường và phương thức hợp tác, tiếp nhận một số thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý. Năm 2005, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 450 triệu USD, doanh thu du lịch đạt hơn 600 tỷ đồng. Toàn tỉnh có trên 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đến hơn 50 nước và vùng lãnh thổ. Đến hết năm 2003, Khánh Hòa đã thu hút được 52 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 396,8 triệu USD.
Các thành phần kinh tế phát triển tương đối tốt. Công tác đổi mới sắp xếp doanh nghiệp nhà nước có chuyển biển tích cực, tiến hành cổ phần hóa, bán khoán cho thuê 50 doanh nghiệp nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của doanh nghiệp quốc doanh. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, bước đầu khai thác và phát huy hiệu quả nguồn nội lực trong dân. Hiện có hơn 1.200 doanh nghiệp tư nhân và hơn 25.000 hộ kinh doanh cá thể, đóng góp trên 50% trong tổng GDP của tỉnh và tham gia giải quyết việc làm cho hơn 90.000 lao động.
Về xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, vận dụng linh hoạt các chính sách của Trung ương, tỉnh có quyết định đầu tư đúng hướng, chủ động xây dựng cơ chế, huy động được nhiều nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Thời kỳ 1996- 2000, tỉnh huy động khoảng 6.900 tỷ đồng đầu tư, cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng sản xuất và xã hội, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, tăng năng lực của các ngành trọng điểm.
Với tổng nguồn vốn đầu tư nhiều chục tỷ đồng được huy động từ mọi thành phần kinh tế, trong và ngoài nước, tỉnh tập trung thực hiện một số chương trình kinh tế - xã hội lớn và một số dự án, công trình trọng điểm, bước đầu phát huy hiệu quả trong thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ tỉnh, hầu hết các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm đều đã và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Nhiều công trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa kinh tế - xã hội hết sức to lớn đã và đang được xây dựng, như: Đại lộ Nguyễn Tất Thành, đường Cổ Mã - Đầm Môn, đường lên Khu du lịch Hòn Bà, đường Khánh Lê - Lâm Đồng, đường Phạm Văn Đồng nối quốc lộ 1A, đường từ Sông Lô-Cù Hin đến sân bay Cam Ranh, đường Trần Phú và hệ thống công viên bờ biển, phát triển một số khu du lịch, khu công nghiệp mới, đô thị mới... góp phần thúc đẩy hạ tầng cơ sở phát triển mạnh, làm cho bộ mặt đô thị và nông thôn, miền núi ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí có quy mô lớn ở các khu vực có điều kiện tự nhiên lý tưởng, như vịnh Nha Trang, Vân Phong (Vạn Ninh) và Bãi Dài (Cam Ranh)… nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao gắn với nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ. Trong tương lai, khi những dự án phát triển du lịch Bãi Dài - Cam Ranh, Nha Trang, khu kinh tế tổng hợp Vân Phong được triển khai thực hiện sẽ tiếp tục tạo bước phát triển đột phá trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, từng bước thúc đẩy cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những năm 1996-2005, tỉnh đã tập trung thu hút các nguồn lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm tạo bước đột phá về phát triển kinh tế trong những năm tới. Đặc biệt, sau khi Chính phủ cho phép đưa khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh và sân bay Cam Ranh sử dụng vào mục đích dân dụng và quy hoạch xây dựng vịnhVân Phong thành khu kinh tế tổng hợp ( thương mại, công nghiệp, du lịch đa ngành và cảng trung chuyển Container quốc tế), đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Khánh Hòa; Đây là nền tảng quan trọng, tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội Khánh Hòa tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.
2. Thành tựu về văn hóa - xã hội và an ninh - quốc phòng
Cùng với nhịp độ phát triển kinh tế, sự nghiệp giáo dục, y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình, khoa học công nghệ, văn hóa văn nghệ, báo chí, thể dục thể thao... cũng không ngừng phát triển, đáp ứng và nâng cao rõ rệt đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Hệ thống trường lớp được xây dựng mới, kiên cố hóa, tiến tới hoàn thành giáo dục phổ cập trung học cơ sở. Đến 2005, 100% xã phường có trạm y tế, trên 90% xã, phường có bác sĩ, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng 22,7%. Từ năm 2001, hàng năm tạo việc làm mới cho trên 22.000 lao động, nâng cao lao động có trình độ kỹ thuật, lao động qua đào tạo trên 26%. Bình quân mỗi năm đầu tư gần 60 tỷ đồng cho miền núi, giúp đồng bào có nhà, vườn nhà, vườn rừng hoặc ruộng lúa nước, tạo động lực cho bà con vươn lên xóa đói giảm nghèo. Trình độ công nghệ của một số ngành sản xuất, xây dựng, dịch vụ... được nâng cao và đổi mới đáng kể, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất và phục vụ dân sinh được đẩy mạnh. Phong trào thể dục-thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao được duy trì, công tác xã hội hóa thể dục thể thao có nhiều tiến bộ. Hoạt động văn học nghệ thuật có nhiều tiến bộ, nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế. Hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có bước tiến đáng kể. Truyền thống văn hóa của các dân tộc từng bước được khôi phục và phát triển. Các cơ quan báo chí có bước phát triển khá cả về số lượng và chất lượng. Hệ thống phát thanh, truyền hình từ tỉnh đến huyện, xã đều được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Đến 2005, 100% xã có trạm truyền thanh, 95% địa bàn dân cư được phủ sóng phát thanh truyền hình. Phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa được giữ vững và phát huy tác dụng tốt trong đời sống xã hội.
Công tác từ thiện xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo có chuyển biến tích cực, đến năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 2% (theo chuẩn cũ). Các phong trào “toàn dân đoàn kết xây đựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, “đền ơn đáp nghĩa”, các hoạt động từ thiện, nhân đạo... ngày càng đi vào chiều sâu và đạt kết quả đáng trân trọng. Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển toàn diện khu vực miền núi cả về phát triển hạ tầng cơ sở, giáo dục, y tế, giúp đồng bào xây dựng nhà ở, phát triển kinh tế hộ, từng bước giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Quốc phòng, an ninh được củng cố, chính trị ổn định, công tác phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
3. Thành tựu về xây dựng Đảng và đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị
Công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Khánh Hòa được coi trọng từ khâu tư tưởng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ đến khâu tổ chức, sắp xếp bố trí cán bộ đúng vị trí nhằm phát huy hết năng lực của cán bộ, đảng viên trên các lĩnh vực công tác. Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng tăng cường các biện pháp giáo dục ý thức học tập, thực hiện các nghị quyết của Đảng, không vi phạm những điều quy định đảng viên không được làm, xây dựng khối đoàn kết trong Đảng và các tổ chức chính trị của Đảng vững mạnh. Tỉnh ủy đặc biệt coi trọng và thường xuyên thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nhận thức tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành và đoàn thể, đoàn kết trong Đảng ngày càng được củng cố.
Công tác kiểm tra Đảng được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên với phương châm "không kiểm tra là không lãnh đạo". Nhờ vậy, các cấp ủy kịp thời phát hiện, uốn nắn và chấn chỉnh những sai phạm của đảng viên, tổ chức Đảng ở cơ sở, đưa ra khỏi Đảng những phần tử biến chất, thoái hóa, giúp các cơ sở Đảng hoạt động có nền nếp, hiệu quả. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sớm chỉ đạo việc thành lập Ban chỉ đạo chống tham nhũng, tăng cường thanh tra, kiểm tra và có kết luận cụ thể các vụ việc nổi cộm ở địa phương, thực hiện tốt qui chế dân chủ, giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, công khai thu chi tài chính để củng cố lòng tin của quần chúng, ngăn ngừa "điểm nóng", phát huy tính chủ động và tự giác của nhân dân. Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh hàng năm đều tăng, tỷ lệ đảng viên đủ tư cách phát huy tác dụng tốt đạt trên 80%.
Cùng với nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy và các ban Đảng, Tỉnh ủy chỉ đạo đổi mới hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp theo hướng tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát các hoạt động của chính quyền, tôn trọng ý kiến và kiến nghị của cử tri để nâng cao lòng tin của quần chúng đối với Đảng và chính quyền các cấp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức của các cấp ủy, các tổ chức chính quyền, đoàn thể theo hướng đồng bộ, hiệu quả, mạnh dạn đề bạt những cán bộ, đảng viên trẻ, có năng lực, trình độ giữ các cương vị chủ chốt để thay thế những cán bộ yếu kém không đảm nhiệm nổi công việc, để tạo sức mạnh và hiệu quả công việc cao. Hoạt động của Hội đồng nhân dân và chính quyền các cấp, các cơ quan tư pháp ngày càng mang tính chuyên nghiệp hơn, quản lý nhà nước được tăng cường trên nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao kỷ cương phép nước. Phương thức hoạt động của mặt trận và các đoàn thể từng bước được đổi mới và có chất lượng hơn trước. Triển khai Quy chế thực hiện dân chủ cơ sở một cách tích cực, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy. Các tầng lớp nhân dân được khuyến khích làm ăn, tham gia các hoạt động theo hiến pháp, pháp luật.
Công tác xây dựng Đảng ở Khánh Hòa thực sự là khâu then chốt, làm chuyển biến các mặt hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, tạo ra những bước đi vững chắc, những kết quả kinh tế, xã hội to lớn.
4. Những khuyết điểm, hạn chế
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu cơ bản đã đạt được, sự phát triển của Khánh Hòa cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, yếu kém.Kinh tế phát triển có nhanh nhưng còn nhiều điểm yếu. Sản xuất công nghiệp tăng chậm dần. Một số chương trình kinh tế - xã hội triển khai chậm, kém hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ; công nghiệp và nhiều loại hình dịch vụ chưa phát triển, chưa có những sản phẩm công nghiệp chủ lực có sức cạnh tranh cao; tiềm năng kinh tế biển chưa được khai thác và phát huy mạnh. Thu hút đầu tư, nhất là đầu tư từ nước ngoài còn thấp. Công tác cải cách thủ tục hành chính tuy đã triển khai theo tiến độ chung của cả nước nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Hệ thống chính trị ở cơ sở nhiều nơi còn bộc lộ nhiều yếu kém, khuyết điểm.
Bên cạnh mặt năng động, dám nghĩ, dám làm thì quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đền bù giải tỏa, xây dựng cơ bản, tài chính... vẫn còn sự buông lỏng và sơ hở. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, sa sút ý chí phấn đấu, bản thân thiếu gương mẫu. Tình hình trên gây ảnh hưởng xấu tới kết quả thực hiện các mặt nhiệm vụ và uy tín của Đảng và chính quyền trước nhân dân.
5. Một số kinh nghiệm
Từ những thành tựu và hạn chế của Đảng bộ Khánh Hòa trong suốt 30 năm lãnh đạo thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, dựa trên yêu cầu phát triển của tỉnh trong những năm tới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong hoạt động của Đảng bộ như sau:
5.1. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng luôn sâu sát thực tiễn, năng động, sáng tạo trong việc quán triệt và vận dụng các chủ trương đường lối của Đảng, đặc biệt là đường lối đổi mới và chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Trên cơ sở đó, đề ra các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động sát đúng với tình hình thực tế của tỉnh, của các địa phương và tổ chức chỉ đạo thực hiện tập trung, kiên quyết. Cùng với đó, Tỉnh ủy đã xây dựng các quy chế, quy định nhằm giải quyết mối quan hệ giữa các cơ quan Đảng - Nhà nước - đoàn thể theo hướng nâng cao sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tăng cường hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân thông qua nội dung hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội.
5.2. Đảng bộ Khánh Hòa luôn năng động, sáng tạo trong lãnh đạo phát triển kinh tế. Điều này được thể hiện qua các công việc cụ thể như: Khuyến khích những tìm tòi mới trong làm ăn kinh tế (hiện tượng "khoán" ở xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang thời kỳ trước đổi mới). Xây dựng các ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh (kinh tế biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản, du lịch...). Xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chuyên sâu, như chương trình phát triển kinh tế biển, xây dựng các khu công nghiệp tập trung, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu... Đây là những chủ trương lớn thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện, tạo đà cho các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế... phát triển theo, đồng thời làm cơ sở cho việc giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội (chương trình mía đường, phủ điện nông thôn...). Xây dựng và khuyến khích, tạo điều kiện cho các mô hình kinh tế phát triển thuận lợi (Tổng công ty Khánh Việt - KHATOCO, Xí nghiệp Tư doanh điện tử TQT, Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Phước...). Đồng thời, Khánh Hòa đã huy động được tiềm lực của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào địa phương; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, kết hợp với tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành ở Trung ương, sự hợp tác với các địa phương trong cả nước và hợp tác quốc tế.
5.3. Thường xuyên phát hiện và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề trọng tâm, trọng điểm mang tính đột phá trong một số lĩnh vực như xây dựng kết cấu hạ tầng, trước hết là giao thông; từng bước đổi mới nội dung và phương pháp chỉ đạo thực hiện theo phương châm hướng mạnh về cơ sở “tỉnh sát xã, huyện sát thôn, xã sát hộ dân”, trực tiếp giải quyết những vướng mắc ngay từ cơ sở.
5.4. Phát triển kinh tế phải gắn chặt với phát triển văn hóa, phát triển con người; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố an ninh - quốc phòng; thực hiện dân chủ và công bằng xã hội; coi trọng bảo vệ môi trường sinh thái; giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội bức xúc, nâng cao chất lượng cuộc sống và yêu cầu phát triển bền vững. Làm tốt công tác vận động nhân dân, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới, giải quyết kịp thời các khiếu kiện của nhân dân.
5.5. Các cấp ủy Đảng trong toàn Đảng bộ, từ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến các Đảng ủy, Chi ủy cơ sở thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đúng với yêu cầu của nhiệm vụ then chốt, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự phối hợp đồng bộ trong hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, thực hiện phân cấp quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính từng bước xây dựng nền hành chính văn minh hiện đại. Nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ và tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị và chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo ngang tầm với đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa tỉnh nhà chuyển sang giai đoạn phát triển nhanh, bền vững.
5.6. Xác định công tác cán bộ chính là chìa khóa để quyết định việc ổn định và phát triển của tỉnh. Do có đặc thù là địa phương hội tụ nhiều cán bộ của cả nước qua các thời kỳ cách mạng từ kháng chiến đến đổi mới xây dựng đất nước và do thực tiễn đã vấp phải tình trạng mất đoàn kết nội bộ kéo dài và sự vi phạm phẩm chất của một số cán bộ lãnh đạo, nên Đảng bộ Khánh Hòa rất chú trọng đến việc chăm lo xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong cấp ủy, trong đội ngũ cán bộ chủ chốt; chú trọng đến việc tăng cường giáo dục phẩm chất cho cán bộ, đảng viên; kiên quyết chống các biểu hiện gây mất đoàn kết nội bộ như tư tưởng bè cánh, cục bộ địa phương, cá nhân chủ nghĩa...; trên cơ sở đó đánh giá, bố trí và sử dụng đúng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành và các đơn vị kinh tế trọng yếu.
Như vậy, trong 30 năm qua, nhất là trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy cao độ tinh thần năng động, vận dụng sáng tạo các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương, xác định hướng đi đúng đắn, khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, tạo ra những khởi sắc toàn diện, đưa Khánh Hòa vươn lên trong công cuộc đổi mới đất nước. Trên cơ sở phát huy truyền thống cách mạng và những thành tựu to lớn đạt được trong 3 thập niên qua, hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa nhất định sẽ nỗ lực phấn đấu nắm bắt được thời cơ để phát triển nhanh hơn, hiệu quả và vững chắc hơn, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, xây dựng Khánh Hòa trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực Nam Trung Bộ, có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của các tỉnh khu vực miền Trung và cả nước.
Tags:
Tác giả:
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
- LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH KHÁNH HÒA (1930 - 2005) (31/01/2018)
- Phụ lục 2 (30/01/2018)
- Phụ lục (30/01/2018)
- Chương XVIII - Đảng bộ Khánh Hòa lãnh đạo công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996-2005) (30/01/2018)
- Chương XVII - Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (7/1989 - 1995) (30/01/2018)
- Chương XVI - Đảng bộ tỉnh Phú Khánh lãnh đạo nhân dân trong tỉnh cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, bước đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (11/1975 - 6/1989) (30/01/2018)
- Chương VI - Cuộc kháng chiến bắt đầu (23/10/1945 - 12/1946) (30/01/2018)
- Chương V - Xây dựng chính quyền nhân dân và chuẩn bị kháng chiến (8/1945 - 10/1945) (30/01/2018)
- Chương IV - Cuộc vận động giải phóng dân tộc và cách mạng tháng Tám (1940 - 1945) (30/01/2018)
- Chương III - Thời kỳ đấu tranh chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đòi tự do, cơm áo và hòa bình (1936 - 1939) (30/01/2018)