PHẦN KẾT LUẬN
24/2/1930 - 30/4/1975
Bốn mươi lăm năm
Đó là chặng đường lịch sử xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa.
Đó là chặng đường đấu tranh cách mạng và kháng chiến lâu dài, quyết liệt, kiên cường, giành nhiều thắng lợi rất vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì thống nhất đất nước, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Bác Hồ vô vàn kính yêu lãnh đạo.
Từ cuối những năm 20 của thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) được truyền bá vào Khánh Hòa và được những người yêu nước nhiệt thành tiếp thu. Ngày 24 tháng 2 năm 1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Khánh Hòa được thành lập ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Vừa mới thành lập, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân vùng dậy làm cách mạng. Cuộc biểu tình ngày 16 tháng 7 năm 1930 tại huyện Tân Định (huyện Ninh Hòa ngày nay) tiếp sau cuộc biểu tình ngày 1 tháng 5 năm 1930 của công nhân Trường Thi, Bến Thủy tỉnh Nghệ An, góp phần châm ngòi nổ cho phong trào Xô viết-Nghệ Tĩnh và cao trào cách mạng cả nước trong những năm 1930-1931. Từ đó dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, phong trào cách mạng trong tỉnh tiếp tục phát triển, tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, nhưng thường xuyên tham gia góp phần vào các cao trào cách mạng rộng lớn của cả nước.
Tháng 8-1945, vượt qua bao cuộc khủng bố, đánh phá của kẻ thù, Đảng bộ đã nắm thời cơ, kịp thời lãnh đạo nhân dân vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi chỉ trong vòng 9 ngày, khi phát xít Nhật còn trên một vạn quân đóng ở các địa phương trong tỉnh. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nha Trang ngày 19 tháng 8 năm 1945 diễn ra cùng ngày với cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền Trung ương ở thủ đô Hà Nội.
Sau Cách mạng tháng Tám và sau ngày Nam bộ kháng chiến , ngày 23 tháng 10 năm 1945, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, bao vây quân Pháp 101 ngày đêm tại Nha Trang, sau đó tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân khắp cả tỉnh, làm thất bại kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của địch ra các tỉnh Nam Trung bộ, kìm chân quân địch tại Khánh Hòa, góp phần tạo điều kiện cho cả nước có thời gian chuẩn bị kháng chiến và tạo thế cho Chính phủ ta trong các cuộc thương thuyết với Chính phủ Pháp.
Trong 9 năm kháng chiến, mặc dù địch dùng nhiều âm mưu và thủ đoạn đánh phá thâm độc, nhưng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào nhân dân du kích chiến tranh, liên tục đánh phá một hậu phương chiến lược quan trọng của thực dân Pháp, lập nhiều chiến công xuất sắc, giữ vững đầu cầu phía Nam bảo vệ vùng tự do Liên Khu V. Cho đến khi hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương (7-1954) được ký kết, quân và dân Khánh Hòa đã đánh địch giải phóng phần lớn vùng nông thôn đồng bằng, tiến sát đến giải phóng tỉnh lỵ Nha Trang, góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai.
Khi đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, âm mưu độc chiếm miền Nam Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đã bền bỉ đấu tranh chống quốc sách "tố cộng" và "diệt cộng", kiên quyết bảo tồn lực lượng cách mạng. Trong khi kẻ thù tập trung đánh phá phong trào ở đồng bằng, thị xã, thị trấn thì Đảng bộ và nhân dân đẩy mạnh phong trào cách mạng ở miền núi. Nhờ vậy, vào năm 1960, sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (khóa II), vùng miền núi hoàn toàn được giải phóng, tạo thành căn cứ địa vững chắc cho phong trào kháng chiến toàn tỉnh.
Từ năm 1961 trở đi, quán triệt đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng đề ra cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam Việt Nam, vận dụng vào hoàn cảnh thực tiễn của tỉnh nhà, Đảng bộ và quân dân trong tỉnh đã đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết bên nhau, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, chịu đựng gian khổ hy sinh, khắc phục khó khăn, thiếu thốn, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ, chi viện của nhân dân cả nước, vừa chiến đấu vừa xây dựng thực lực cách mạng, chuyển phong trào cách mạng từ thế phòng thủ sang thế tiến công địch rộng khắp cả tỉnh, lập nên những chiến công xuất sắc, phối hợp với chiến trường toàn miền đánh bại các chiến lược "chiến tranh đặc biệt", "chiến tranh cục bộ", "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ. Đến năm 1975, khi thời cơ giải phóng miền Nam chín muồi, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã phối hợp với bộ đội chủ lực của Bộ, của Quân khu tiến công và nổi dậy đánh đuổi và làm tan rã trên 60 vạn quân địch giải phóng tỉnh Khánh Hòa vào ngày 2 tháng 4 năm 1975, góp phần vào đại thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, giải phóng nhà nước, thống nhất đất nước, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trải qua chặng đường lịch sử 45 năm, biết bao cán bộ, đảng viên và đồng bào trong tỉnh đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc. Hàng nghìn người bị địch bắt bớ, tù đày và bị tra tấn dã man. Hàng chục, hàng trăm làng mạc, thôn, xóm bị địch triệt hạ, thiêu hủy, tàn phá, ruộng đồng, cây cối xác xơ. Hàng trăm gia đình lâm vào cảnh ly tán, vợ mất chồng, con mất cha, em mất anh. Nhưng ngọn lửa cách mạng vẫn không bị dập tắt. Người trước ngã xuống, người sau lại tiến lên. Nhiều chiến sĩ cộng sản bị tù tội hết nhà lao này đến nhà lao khác, nhưng vẫn không nản chí, đấu tranh kiên cường bảo vệ khí tiết cách mạng, hễ có dịp thoát khỏi ngục tù lại xông pha trên trường tranh đấu. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chịu đựng mưa bom bão đạn, ăn bụi, ngủ rừng, nằm hầm bí mật, kiên trì trụ bám đánh địch, phát động quần chúng đấu tranh. Có biết bao gia đình cơ sở cách mạng sống công khai trong lòng địch mà vẫn bí mật giúp đỡ cách mạng bằng mọi cách, không sợ nhà tan cửa nát, không sợ tù đày, bắt bớ, hy sinh.
Trong suốt 45 năm ấy, trên mảnh đất thân yêu này đã ghi lại những dấu ấn lịch sử tuyệt đẹp, rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc cách mạng trường chinh vĩ đại của dân tộc ta. Năm tháng sẽ trôi qua nhưng những thắng lợi vẻ vang, những sự hy sinh mất mát to lớn ấy được ghi vào pho sử vàng của quê hương và dân tộc, được các thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ với lòng tự hào và biết ơn vô hạn...
Lịch sử phong trào cách mạng và kháng chiến ở Khánh Hòa đã khẳng định rằng chỉ từ khi có sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào yêu nước và cách mạng mới đứng vững và giành được thắng lợi rực rỡ.
Tuy nhiên trong quá trình lãnh đạo quần chúng tiến hành cuộc cách mạng giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc, bên cạnh những thắng lợi giành được rất to lớn, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã không tránh khỏi những khuyết điểm, thiếu sót. Khuyết điểm thường thấy xuất hiện trong các giai đoạn cách mạng đó là sự đánh giá ta và địch có lúc chưa sâu sát và đầy đủ, không lường hết những âm mưu và thủ đoạn của địch nhất là ở những thời điểm cách mạng chuyển giai đoạn. Cho nên trong chỉ đạo và tổ chức phong trào cách mạng có lúc còn chậm. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ việc chỉ đạo ba vùng chiến lược, có lúc còn chưa tập trung đúng mức nhất là đối với vùng địch hậu. Phong trào đấu tranh chính trị và binh vận có lúc còn yếu. Việc xây dựng và phát triển Đảng ở thị xã, thị trấn, vùng địch kiểm soát còn yếu, có nơi không phát triển được. Tư tưởng hữu khuynh, thiếu đi sâu đi sát quần chúng còn tồn tại ở một số cán bộ lãnh đạo.
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh cách mạng và kháng chiến trong suốt chặng đường 45 năm (2/1930 - 4/1975), Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm qúy báu, trong đó có những bài học kinh nghiệm chủ yếu:
1. Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm kiên định và đi theo con đường cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có quyết tâm cao, quyết đánh, quyết thắng mọi kẻ thù xâm lược để giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương. Không dao động, hữu khuynh, cơ hội chủ nghĩa. Nắm vững và quán triệt một cách sâu sắc đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng bao gồm những quan điểm tư tưởng, chủ trương chính sách, nhưng nguyên tắc, phương châm chỉ đạo cách mạng, chỉ đạo chiến tranh được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đề ra qua từng thời kỳ lịch sử. Trên cơ sở ấy, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, tùy thực tế từng lúc, từng nơi, đánh giá đúng tình hình, đề ra các chủ trương, nhiệm vụ, các hình thức, biện pháp đấu tranh cách mạng rõ ràng, cụ thể, sát tình hình thực tiễn, sát phong trào, tránh giáo điều, rập khuôn hoặc phiêu lưu mạo hiểm, chủ quan nóng vội, vô nguyên tắc, khơi dậy sức sáng tạo và tinh thần cách mạng, ý thức tự lực tự cường của quần chúng, tạo nên sức mạnh để thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, đưa phong trào cách mạng và kháng chiến của tỉnh tiến lên vững chắc, giành thắng lợi to lớn.
2. Nắm vững và thực hiện quan điểm của Đảng "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", luôn luôn quan tâm xây dựng khối đoàn kết toàn dân trong tỉnh, phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, ý chí tự lực tự cường của Đảng bộ và toàn dân. Tập hợp tất cả mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh trong một mặt trận dân tộc thống nhất, tạo thành một khối vững chắc, một sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân để chiến đấu và chiến thắng quân thù. Mọi chủ trương, chính sách đề ra phải đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân để thu hút các tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh cách mạng chống kẻ thù. Phải coi trọng công tác vận động quần chúng. Cán bộ, đảng viên phải tin vào dân, dựa vào dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, mọi lợi ích đều vì dân, phải coi mọi việc đều ở nơi dân, ra sức giác ngộ, tổ chức và phát động nhân dân đấu tranh.
3. Quán triệt quan điểm bạo lực cách mạng, đường lối và phương pháp chiến tranh nhân dân của Đảng, phát động quần chúng nhân dân khởi nghĩa và tiến hành chiến tranh cách mạng để giành chính quyền và bảo vệ chính quyền. Luôn luôn chú trọng xây dựng và phát triển lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân, sử dụng và khéo léo kết hợp chặt chẽ hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để đánh đổ kẻ thù, giành thắng lợi cho cách mạng.
Trong kháng chiến, để bảo đảm giành thắng lợi quyết định cần tập trung xây dựng đồng thời cả ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, đội vũ trang công tác). Lựa chọn nghệ thuật tiến hành chiến tranh, nghệ thuật quân sự của chiến tranh sáng tạo, độc đáo. Đó là nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc, xây dựng thế trận chiến tranh rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh; sử dụng và kết hợp hai lực lượng quân sự và chính trị, hai hình thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, chiến tranh cách mạng và khởi nghĩa của quần chúng, tiến công và nổi dậy, làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ; giải quyết một loạt vấn đề về kết hợp các phương thức tác chiến đánh địch.
Xây dựng căn cứ địa cách mạng với nhiều loại hình lớn nhỏ kể cả xây dựng căn cứ miền núi và căn cứ lõm ở đồng bằng, xây dựng hậu phương vững chắc, thực hiện hậu cần tại chỗ để kháng chiến lâu dài là nhân tố quyết định thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
4. Chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức bảo đảm tính chất giai cấp công nhân và tính tiền phong của Đảng; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; thường xuyên coi trọng tự phê bình và phê bình; xây dựng khối đoàn kết thống nhất cao trong từng cơ sở đảng và toàn Đảng bộ trước hết là trong các cấp ủy và cán bộ lãnh đạo chủ chốt; không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất và đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân; luôn luôn tỉnh táo đề phòng và chống sự thoái hóa biến chất, đầu hàng, phản bội nảy sinh từ nội bộ Đảng, đồng thời hết sức cảnh giác với âm mưu xuyên tạc, ly gián, chia rẽ của kẻ địch.
Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương đã kết thúc. Thời gian sẽ trôi qua nhưng âm hưởng hào hùng và những bài học lịch sử rút ra từ cuộc đấu tranh cách mạng và kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa mãi mãi vang vọng và giữ nguyên giá trị cho đến hôm nay và sau này. Đó là động lực tinh thần, tài sản vô giá để Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa tiếp tục tiến bước trên con đường cách mạng do Đảng và Bác Hồ vạch ra, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh và phồn vinh, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.