CHƯƠNG VII
PHONG TRÀO NHÂN DÂN DU KÍCH CHIẾN TRANH (1947 - 1949)
CÙNG TOÀN QUỐC BƯỚC VÀO CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP
Thực dân Pháp phản bội Hiệp định Sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9, mở rộng chiến tranh ra cả nước, “chuyển từ chính sách lấn chiếm sang chính sách vũ trang xâm lược toàn bộ”1.
Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) dưới sự chủ trì của Hồ Chủ tịch, quyết định phát động cuộc kháng chiến trong cả nước. Ngày 19-12-1946, Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp, cứu nước”2.
Ngày 22-12-1946, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”, xác định phương châm kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh.
Khánh Hòa là một trong những tỉnh miền Nam sớm bị thực dân Pháp đánh chiếm trở lại. Năm 1946 là thời kỳ thử thách ý chí chiến đấu của Đảng bộ, đồng thời mò mẫm, vừa học, vừa lao động, chỉ đạo chiến tranh, nhất là về tổ chức lực lượng vũ trang, về chiến thuật quân sự. Nhờ ở lòng tin tuyệt đối vào Đảng và Hồ Chủ tịch, với ý chí đoàn kết chiến đấu, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù, Đảng bộ đã tổ chức nhân dân đứng lên đánh giặc, duy trì và phát triển chiến tranh du kích thành phong trào cách mạng của quần chúng.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch và chấp hành Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Trung ương Đảng, quân dân Khánh Hòa quyết tâm đẩy mạnh cuộc kháng chiến lên một bước mới.
Thời kỳ này địch lập ở Khánh Hòa một tiểu khu quân sự với lực lượng tăng cường khoảng 3.500 tên bao gồm: lực lượng cơ động ứng chiến đa số là Âu- Phi chiếm 53% và phần lớn lính ngụy làm nhiệm vụ chiếm đóng các đồn bót xung quanh thị xã Nha Trang, các thị trấn và các chốt bảo vệ đường giao thông quan trọng, bảo vệ hải cảng.
Bốn tỉnh còn lại của Nam Trung bộ là một mục tiêu trong kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp. Ngày 13 tháng giêng năm 1947, chúng mở cuộc tấn công quy mô lớn đánh chiếm vùng Đại Lãnh- Vũng Rô (Vạn Ninh) và vượt đèo Cả tiến ra Phú Yên. Quân dân cả tỉnh, trực tiếp là hai huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa phối hợp với tiểu đoàn 6, trung đoàn 80, chặn đánh địch tại đèo Cổ Mã, diệt hàng trăm lính Âu- Phi, góp phần cùng quân dân Phú Yên kiềm chế quân Pháp. Ngày 20-1-1947, chúng buộc phải rút lui về phía nam sông Bàn Thạch, đóng căn cứ tại núi Hiềm thuộc xã Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa (Phú Yên).
Không thực hiện được âm mưu mở rộng chiếm đóng vùng tự do Phú Yên, địch quay về củng cố vùng chúng đã chiếm từ đèo Cả- Vũng Rô đến Ba Ngòi-Cam Ranh. Suốt năm 1947, địch tập trung lực lượng cơ động Âu- Phi mở những cuộc hành quân đánh vào các cơ quan đầu não của ta như tập kích chiến khu Hòn Dữ (C.175), chiến khu Hóc Chim bắn giết cán bộ, đốt phá kho tàng, trạm trại dọc đường dây liên lạc Bắc - Nam và nội tỉnh, đồng thời tăng cường càn quét, mở rộng lấn chiếm vùng nông thôn đồng bằng và miền núi. Chúng triệt hạ các làng, xóm ven rừng, nơi trú quân của bộ đội, cán bộ trên đường hành quân qua lại, càn quét, dồn dân về vùng chúng kiểm soát, tạo ra vành đai trắng từ Bình Lộc, Xuân Sơn, Cung Hòa, Tân Tứ, Ngũ Mỹ, Tân Lạc (Bắc Khánh) đến Phú Cốc, Khánh Xuân... (Nam Khánh). Đi đến đâu, chúng bắn giết, đốt phá bừa bãi đến đó, có thôn hàng trăm nóc nhà bị đốt, hàng trăm trâu bò bị bắn trong một trận càn. Lùng vào làng hễ thấy ai chạy thì bắn, nghi ai Việt Minh là bắn, không cần xét hỏi; lùa ông già, bà cả, trẻ con về đồn tra khảo, bỏ đói, phơi nắng. Ở những làng này, nhân dân bất hợp tác với địch. Khi nghe báo động có Tây đi lùng, ai có phần việc ấy, du kích tổ chức đánh, dân quân lo cất giấu dụng cụ sản xuất, cất giấu tài sản, ai không có nhiệm vụ đánh thì chạy lánh đi nơi khác “thà chết chứ không để địch bắt”. 5, 7 cán bộ cơ sở, du kích bị giặc bắn trong một trận càn là việc phổ biến. Sự hy sinh anh dũng, kiên cường của nhiều cán bộ, đảng viên và đồng bào trước những hành động dã man của giặc càng thổi bùng lên ngọn lửa căm hờn và ý chí đánh giặc cứu nước của quân và dân tỉnh ta3.
Đi đôi với càn quét, đánh phá vùng du kích, vùng căn cứ ta, địch ra sức bắt lính, đôn quân, đóng thêm đồn, bót, phát triển gián điệp, củng cố hội tề vùng chúng kiểm soát. Lúc này, địch chưa lập được bù nhìn cấp tỉnh. Tại Nha Trang, bộ máy chỉ huy quân sự các tỉnh cực Nam Trung bộ và Tây Nguyên do thiếu tướng Va-li-ê cầm đầu, phụ trách luôn công việc hành chính tỉnh Khánh Hòa. Ở các huyện, chúng tập hợp những tên tay sai, phản động ra làm quận trưởng như: Ngô Kim Cửu, Hoàng Phúc Hải...
Trong những ngày 15 và 16 tháng 3 năm 1947, tại một địa điểm dưới chân Hòn Lớn phía nam huyện Ninh Hòa, Tỉnh ủy Khánh Hòa họp hội nghị mở rộng có đông đủ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các huyện, thị (trừ Cam Ranh lúc này đứt liên lạc với tỉnh), chính quyền tỉnh và Trung đoàn 80, bàn cách đối phó với âm mưu địch và đẩy mạnh kháng chiến. Căn cứ vào phương hướng kháng chiến của Trung ương Đảng, quân dân trong tỉnh đã vượt qua những khó khăn bỡ ngỡ ban đầu, tổ chức và động viên được khối đoàn kết toàn dân tham gia đánh giặc. Lực lượng vũ trang địa phương tuy còn nhỏ bé, nhưng đã lập được thế trận sau lưng địch, tiến hành chiến tranh du kích, không để địch yên ổn xây dựng hậu phương của chúng. Đảng bộ tỉnh bước đầu sắp xếp lại hệ thống tổ chức. Khi toàn quốc kháng chiến, tư tưởng cán bộ, bộ đội và nhân dân không có gì diễn biến phức tạp và phần nào lại được củng cố về mặt ý thức kháng chiến. Tuy vậy phong trào phát triển không đều, cơ sở vật chất cho kháng chiến còn yếu. Hội nghị quyết định một số nhiệm vụ cấp bách của Đảng bộ năm 1947 như: Củng cố hệ thống tổ chức đảng, phát triển đảng viên; tăng cường vận động quần chúng, phát triển cơ sở cách mạng sâu vào vùng địch chiếm đóng; đẩy mạnh đấu tranh chính trị, vũ trang, củng cố và phát triển lực lượng du kích thoát ly, dân quân tự vệ, thành lập các đội biệt động. Vấn đề xây dựng căn cứ kháng chiến được hội nghị coi trọng. Hội nghị quyết định bổ sung vào Tỉnh ủy các đồng chí: Phạm Cự Hải, phó chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh, Mai Xuân Cống, bí thư Thị ủy Nha Trang và Lê Thanh Liêm, bí thư Huyện ủy Vĩnh Xương.
XÂY DỰNG CĂN CỨ, SẢN XUẤT TỰ TÚC, KHAI THÔNG HÀNH LANG BẮC - NAM
Trong khi địch tấn công đánh chiếm ra cả tỉnh, một vấn đề lớn đặt ra cho Đảng bộ lúc này là cần xây dựng căn cứ vững chắc, lâu dài cho các cơ quan lãnh đạo tỉnh, huyện để chỉ đạo cuộc kháng chiến.
Lúc bắt đầu cuộc kháng chiến, Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh đã có ý thức chuẩn bị hậu cứ. Nhưng chưa hình dung cụ thể nội dung xây dựng căn cứ địa, mà thấy cần thiết phải có chỗ đứng chân (thường gọi là chiến khu) tương đối an toàn và có lương thực cho các cơ quan và lực lượng vũ trang. Nhận thức sớm vấn đề này nên sau khi mặt trận Nha Trang vỡ, nhất là sau khi địch phản Hiệp định Sơ bộ đánh vào vùng Đại Điền, các cơ quan tỉnh dời lên đóng ở Hòn Dữ (Diên Khánh), một dãy núi có độ cao trên 900 mét so với mặt biển. Ở đây có nhiều hang đá, có nguồn nước (gọi Giếng Tiên), thuận tiện cho việc đóng cơ quan. Dưới chân núi có cánh đồng để sản xuất. Tỉnh ủy và Uỷ ban hành chính tỉnh đặt vấn đề sản xuất tự túc cho cơ quan, phân công đồng chí Phạm Cự Hải, phó chủ tịch Uỷ ban tỉnh phụ trách và các đồng chí Lê Hân, Huỳnh Thẩn trực tiếp lo việc này. Sau một thời gian ngắn đã mở ra các trại sản xuất Suối Thơm, Nguyễn Công Trứ gồm các điểm Bến Khế, Ba Còm, sông Giang, Cây Sung- sông Chò. Đất ở đây màu mỡ. Cán bộ, bộ đội cùng đồng bào địa phương trồng được nhiều khoai lang, mì, bắp, lúa và mở các trại chăn nuôi trâu, bò, có cơ xưởng sản xuất lựu đạn, kíp nổ, sửa súng đạn, làm dụng cụ sản xuất.
Ngoài chiến khu tỉnh, các huyện, thị đều có một hoặc hai chỗ đứng chân hoạt động, có nơi có dân như Hòn Tre (Nha Trang), có nơi không có dân như Hóc Chim (Vạn Ninh), có nơi không cách biệt với dân như Hòn Hèo (Ninh Hòa), có nơi sát với đô thị như Đồng Bò (Vĩnh Xương).
Các chiến khu tồn tại là niềm tin của đồng bào trong lòng địch, đồng thời là những cái gai nhọn đâm vào mắt địch, đã trở thành mục tiêu hàng đầu mà kẻ địch tìm mọi cách đánh phá, hòng tiêu diệt, nhưng không diệt nổi.
Việc hình thành sớm các chỗ đứng chân để chỉ đạo chiến tranh trong năm 1947 là một bước tiến bộ. Song chưa quán triệt được trong toàn Đảng bộ tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng là cần phải xây dựng các căn cứ đủ mạnh về mọi mặt, nhất là có sản xuất tự túc tại chỗ để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, thuốc men... cho các lực lượng cách mạng ở địa phương kháng chiến lâu dài. Lúc này lực lượng thoát ly của tỉnh, huyện chủ yếu dựa vào nguồn tiếp tế trong dân. Cán bộ cơ sở thì dựa vào gia đình bà con thân thuộc và các gia đình cơ sở. Khi địch đánh phá ác liệt, ngăn chặn các nguồn tiếp tế trong dân và phá vỡ các cơ sở sản xuất của ta thì đời sống bộ đội, cán bộ gặp nhiều khó khăn.
Chiến tranh lan rộng ra cả miền cực Nam Trung bộ. Tuyến đường bộ Bắc - Nam đã được hình thành từ trước, nay chuyển dịch về phía tây tỉnh, chạy dọc ven rừng từ Dốc Mõ vào giáp Ninh Thuận. Cứ mỗi chặng đi bộ khoảng một ngày đường có một trạm. Có trạm đóng trong nhà dân, ở bìa rừng, có trạm đóng hẳn trong rừng. Trạm nào cũng có cán bộ phụ trách, có từ năm đến bảy giao liên, có kho tàng (thường đặt trong rừng) để cất giấu hàng, vũ khí, có lương thực để tiếp tế cho cán bộ, bộ đội, dân công trên đường hành quân từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Thỉnh thoảng có những đoàn cán bộ quan trọng hoặc đoàn dân công vận tải lớn thì có đơn vị vũ trang địa phương đi theo bảo vệ.
Địch tìm mọi cách đánh phá các tuyến đường giao thông liên lạc trong tỉnh, nhất là trên tuyến hành lang Bắc - Nam, chúng thường xuyên pháo kích chặn đường, tập kích vào các đoàn cán bộ, dân công, cho biệt kích lùng sục, đốt phá kho tàng hoặc phục kích bắt cán bộ, giao liên.
Cuộc chiến đấu của quân và dân Khánh Hòa trên mặt trận giao thông liên lạc, tiếp tế vận tải không kém phần ác liệt, hy sinh. Cán bộ mở đường, nhân viên giao liên, chiến sĩ bảo vệ, dân công tiếp vận... đã vượt nhiều gian nan, nguy hiểm để khai thông và bảo vệ con đường huyết mạch này. Tháng 3-1948, Tỉnh ủy và Uỷ ban hành chính tỉnh giao thẳng cho huyện Cam Ranh thông đoạn đường nối Khánh Hòa với Ninh Thuận. Một đoàn cán bộ 14 người do đồng chí Nguyễn Trọng Kỷ phụ trách, đang làm nhiệm vụ thì bị địch vây úp bắn chết hai đồng chí, bị thương bốn đồng chí. Đồng chí Kỷ bị địch bắt chặt đầu đem về Đá Bạc bêu trong 3 ngày liền4.
Ở phía bắc tỉnh, đoạn đường từ Xuân Sơn ra Dốc Mõ nguy hiểm nhất vì đoạn đường “độc đạo” và Dốc Mõ là “cái nút” mà vượt qua nó là đến vùng tự do Phú Yên. Địch và ta thường xuyên “đụng độ” quyết liệt trên đoạn đường này. Có người đặt cho nó cái tên có ý nghĩa vừa đau thương vừa anh dũng là “đoạn đường máu”.
Nhiều đoàn cán bộ cao cấp của Đảng và Chính phủ từ trong Nam ra và từ Trung ương vào, qua tuyến hành lang Khánh Hòa đều được đưa đón chu đáo và bảo vệ an toàn5. Vũ khí, tài liệu, tiền bạc... từ Trung ương, Liên khu 5 chi viện cho các chiến trường Nam bộ, cực Nam Trung bộ được tổ chức chuyển tiếp thông suốt.
Đi đôi với việc xây dựng căn cứ kháng chiến, mở đường giao thông liên lạc nội tỉnh, việc khai thông và bảo vệ tuyến hành lang kháng chiến Bắc - Nam trên địa bàn Khánh Hòa, kể cả đường biển là một công sức lớn, góp phần giữ vững mối liên hệ chỉ đạo chiến tranh thông suốt giữa Trung ương và các địa phương trên chiến trường miền Nam.
CỦNG CỐ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, ĐẨY MẠNH CHIẾN TRANH DU KÍCH
Vào đầu năm 1947, sau khi vỡ mặt trận đèo Cả, trung đoàn 80 thuộc lực lượng chủ lực Quân khu VI vào đứng chân và hoạt động tại Khánh Hòa, do đồng chí Nguyễn Hải chỉ huy trưởng, Lư Giang chỉ huy phó và Trịnh Huy Quang chính trị viên. Cơ quan chỉ huy trung đoàn đóng tại phía tây núi Hòn Hèo (Ninh Hòa). Thực hiện phương châm hoạt động phân tán và tập trung linh hoạt, huấn luyện kèm cặp và phối hợp chiến đấu với các đơn vị bộ đội và dân quân, du kích địa phương, trung đoàn phân công các tiểu đoàn về đứng chân hoạt động ở các huyện. Tiểu đoàn 4 vào hoạt động ở chiến trường Nam Khánh, một đại đội vào đứng chân tại chiến trường Cam Ranh, hai đại đội khác hoạt động trên địa bàn Vĩnh Xương - Diên Khánh - Nha Trang. Tiểu đoàn 5 hoạt động vùng Vạn Ninh và tây Ninh Hòa, tiểu đoàn 6 cùng các đơn vị thuộc trung đoàn bộ hoạt động vùng đông và Nam Ninh Hòa.
Lực lượng dân quân du kích qua một năm chiến đấu thử thách trên các địa bàn, được bổ sung thêm quân số, trang bị thêm vũ khí, chủ yếu là lấy của địch và được tổ chức thành nhiều đơn vị bộ đội địa phương đặt dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng. Ba Ngòi có hai trung đội. Diên Khánh, Vĩnh Xương mỗi huyện có vài trung đội, quân số hàng trăm người. Vạn Ninh thành lập bộ đội Tam Phước (2 trung đội) sau khi tiểu đoàn Trần Tạo nhập vào chủ lực. Ninh Hòa có các đại đội Vũ Trung Ân, Hồng Phong, Hồng Liên, Phước Mỹ Hòa. Nha Trang có hai đội tự vệ bí mật và công an xung phong (sau sáp nhập thành bộ đội 252). Các huyện lần lượt tổ chức các đội biệt động chuyên hoạt động sâu trong thị xã, thị trấn. Được sự giúp đỡ của các đơn vị chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương ngày càng phát huy khả năng phối hợp chiến đấu, góp phần đẩy mạnh phong trào nhân dân du kích chiến tranh trong tỉnh.
Ngày 13 tháng 4 năm 1947, tiểu đoàn 6 do đồng chí Đoàn Huyên chỉ huy, phối hợp với lực lượng du kích Ninh Hòa phục kích đoàn xe quân sự địch 16 chiếc trên đường 21 (đoạn km 31 đèo Phượng Hoàng), phá hủy 11 xe cơ giới (có 1 xe thiết giáp), thu 22 súng các loại, diệt và làm bị thương gần hết bọn Âu- Phi đi trên xe. Đây là trận giao thông chiến giành thắng lợi lớn nhất từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến ở Khánh Hòa. Chiến thắng này có sự đóng góp đáng kể của nhân dân các thôn Phú Hòa, Vạn Hữu (Ninh Hòa). Đồng bào đã làm 500 đôi dép da trâu cho bộ đội dùng khi phải vượt qua trảng gai nhọn trong chiến đấu. Qua chiến thắng này, Bộ Quốc phòng đã gửi thư khen, tạo thêm niềm phấn khởi lớn trong nhân dân, cán bộ và các lực lượng vũ trang.
Trong tháng 5 và tháng 6 năm 1947, các đơn vị chủ lực của trung đoàn cùng các đơn vị dân quân địa phương liên tiếp đánh bại các cuộc tấn công của địch vào các chiến khu Hóc Chim, Hòn Dữ, Hòn Lớn... bảo vệ các cơ quan tỉnh, huyện, chặn đứng các cuộc hành quân càn quét vùng nông thôn, đồng thời tập kích các cứ điểm, tiêu diệt sinh lực địch, thu vũ khí. Ở Diên Khánh, đầu tháng 6 năm 1947 tiểu đoàn 4, được sự hỗ trợ của tổ địch vận của chị Thu Hà (tức Võ Thị Bé) tấn công đồn Phú Cốc và vận động một tiểu đội lính ngụy đồn này mang mười súng về với cách mạng. Đây là trận đầu tiên phối hợp giữa tấn công quân sự và công tác binh vận. Ở Ba Ngòi, đầu năm 1947, du kích xã Bình Hưng bắt hai tên Pháp và một tên thông ngôn trên một chiếc ghe từ Bình Ba đến Vĩnh Hy. Tháng 4 năm 1947 bộ đội thuộc tiểu đoàn 4 tập kích bót Lỗ Lương (Hòa Tân) diệt 2 lính, thu 2 súng. Thời gian này ở Bắc Khánh lực lượng ta chặn đánh các cuộc càn quét của địch vào vùng ta kiểm soát Chánh Thanh, Sơn Định, Mỹ Lương (Ninh Hòa), Cung Hòa, Tân Ninh (Vạn Ninh) diệt hàng trăm tên thuộc lực lượng Âu - Phi, thu nhiều vũ khí, có cả đại liên. Trong trận chống càn tại vùng Đồng Nẩy, Trảng Cám (Ninh Hòa), quân ta diệt nhiều địch và bắt tên chỉ huy cuộc hành quân (người gốc I-ta-li-a). Theo yêu cầu của địch ta trao trả tên này lại cho chúng với điều kiện: Ngừng bắn một ngày trên phạm vi toàn huyện và trả lại tự do cho tất cả đồng bào, chiến sĩ ta bị chúng bắt trong trận càn. Địch chấp nhận và làm đúng yêu sách của ta. Tại đình Tân Hưng (xã Hiệp Hưng - Ninh Hòa), địa điểm trao trả, một toán lính Pháp bồng súng chào Quốc kỳ ta. Ảnh hưởng trận này lan rộng khắp vùng.
Từ tháng 9 năm 1947, nhằm phối hợp với quân và dân Việt Bắc phá âm mưu địch tấn công đánh chiếm căn cứ địa Việt Bắc, bộ đội các đơn vị thuộc Trung đoàn 80 lại tích cực hoạt động, lập nhiều chiến công. Ở Bắc Khánh, đêm ngày 7 tháng 9 tập kích thị trấn Vạn Giã chiếm đồn khố xanh, diệt và làm bị thương 90 tên địch. Đêm ngày 8 tháng 10, đánh vào chi khu quân sự Ninh Hòa, diệt và làm bị thương 190 tên. Ở phía Nam Khánh, đêm mùng 7 tháng 12 năm 1947 đại đội 98, tiểu đoàn 4 phối hợp với lực lượng vũ trang huyện có cơ sở và cán bộ xã Chiến Thắng giúp sức tập kích vào Đá Bạc, trung tâm chính trị quân sự của địch ở Ba Ngòi, phá hai kho đạn và vũ khí, diệt trên 30 lính Pháp và ngụy. Tiếp đó ta bắn chìm một tàu chiến ở Mũi Nậy. Các trận này tác động mạnh vào tinh thần binh sĩ địch ở nơi mà chúng cho là an toàn nhất. Quần chúng phấn khởi, cán bộ, du kích về làng tổ chức diệt ác ôn, xây dựng lại cơ sở.
Được sự hỗ trợ và phối hợp của bộ đội chủ lực, các lực lượng dân quân địa phương, du kích thoát ly và biệt động phát triển lối đánh du kích, bao vây quấy rối đồn địch, phục kích diệt bọn địa phương quân, diệt ác, phá tề, gây cho chúng thường xuyên bị tiêu hao lực lượng, sống không yên ổn trong các lô cốt. Bộ đội, dân quân Tam Phước (Vạn Ninh) thường xuyên vây hãm đồn Lạc Ninh, bẻ gãy nhiều cuộc lùng sục, cướp bóc của địch, bảo vệ an toàn các đoàn dân công vận tải vũ khí, đưa đón cán bộ trên tuyến đường từ Dốc Mõ vào Hòn Hèo và vào phía Nam; bảo vệ đồng bào vùng Phước Thiện, vận chuyển muối Hòn Khói đưa lên chiến khu. Bộ đội Vũ Trung Ân phối hợp với tiểu đoàn Ba Dương6 quầng nhau với địch cả ngày tại Đồng Gieo (nam Ninh Hòa) diệt và làm bị thương hàng đại đội địch.
Tháng 4 năm 1947, nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Trừ đã mưu trí cải trang lẫn vào đồng bào đi chợ mang theo lựu đạn để đánh toán địch đang lùng sục chợ Ninh Hòa. Bị phát hiện và bao vây, trên đường thoát ra, chị đã anh dũng đánh trả, diệt 11 tên. Chị bị địch bắt và tra tấn hết sức tàn nhẫn nhưng quyết không khai báo một lời, hiên ngang chửi vào mặt bọn địch, trước lúc tắt thở còn hô: “Hồ Chí Minh muôn năm”7. Noi gương chị Trừ, các chị Nguyễn Thị Thi du kích thôn Hòa Thuận, chị Nguyễn Thị Kiết thôn Quang Đông cũng đưa lựu đạn vào chợ Ninh Hòa diệt địch và đều hy sinh anh dũng. Tấm gương hy sinh của các chị vẫn còn lưu mãi trong lòng nhân dân Ninh Hòa. Ở Diên Khánh, vào cuối năm 1947, bộ đội địa phương liên tục đánh địch ở Thanh Minh, Suối Dầu, An Định... Tháng 7 năm 1947, nhờ có nội ứng tiểu đội vũ trang Hòa Tân phục kích một tiểu đội lính ngụy người dân tộc ở Lỗ Lương, thu 7 súng, diệt 1 tên, làm bị thương 7 tên và bắt giáo dục 4 tên. Tiếp đó đánh 1 đại đội Tây đen ở Hòn Một. Ở Nha Trang, các đơn vị du kích thoát ly phối hợp với bộ đội chủ lực đánh đồn Bang Tá, diệt 1 trung đội địch (1-6-1947). Cũng thời gian này tự vệ nội thành tập kích các đồn bót xung quanh thị xã như Trường Đông, Trường Tây, Vĩnh Điềm, Phước Hải, phá sập bót Xóm Cồn, diệt một tiểu đội lính “Partisan”. Đêm 14 tháng 7 năm 1947 đúng vào ngày Quốc khánh của Pháp, một tổ công an xung phong gài mìn ở câu lạc bộ sĩ quan tại nhà hàng Pocogol diệt và làm bị thương 20 sĩ quan Pháp và lính lê dương. Ngày 25 tháng 7 năm 1947, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí trưởng công an tỉnh Phan Văn Nhượng, biệt động đội phối hợp với chị Năm Soạn - cơ sở nội tuyến, đột nhập tàu Aten của Pháp bắt tên quan ba thuyền trưởng; đồng thời dùng mìn đánh chìm tàu tại cảng Cầu Đá, làm cho nhiều sĩ quan, thủy thủ chết và bị thương. Đêm mồng 7 tháng 10, một tổ biệt động lại tập kích vào kho xăng Effel đốt cháy một vạn lít xăng. Cũng tại thị xã Nha Trang, trong tháng 12 năm 1947, công an xung phong do đồng chí Bửu Đóa chỉ huy đột nhập lầu Bảo Đại (trên đỉnh núi cạnh Cầu Đá) bắt tên Sêranh quan ba Pháp thu 2 súng và nhiều tài liệu quan trọng.
PHÁ CHÍNH TRỊ VÀ BAO VÂY KINH TẾ ĐỊCH
Các hoạt động vũ trang của ta đã hỗ trợ tích cực cho quần chúng đấu tranh phá chính trị, bao vây kinh tế địch.
Âm mưu chính trị của địch thời kỳ này là cố dựng lên bộ máy bù nhìn tay sai, đưa Bảo Đại ra làm Quốc trưởng. Cuối năm 1947, ở Nha Trang - Vĩnh Xương, chúng nặn ra những tổ chức chính trị phản động như: “Mặt trận Liên hiệp quốc gia”, “Phong trào dân chúng miền Nam Trung bộ” xuất xứ từ bọn Ngô Xuân Tích ở Ninh Thuận, liên hệ với nhóm Cung Giũ Nguyên, Tạ Ngọc Liên, Võ Đình Dung và do Trương Văn Như là thủ lĩnh.
Liên đoàn công chức và giáo giới kháng chiến thị xã tập hợp được đông đảo quần chúng, trí thức yêu nước Nha Trang phản đối, vạch mặt bọn cầm đầu nên thủ lĩnh Trương Văn Như gặp lãnh đạo Việt Minh nhận tội. Từ đó các tổ chức phản động này dần dần tiêu tan. Tên Vương Gia Ngại thủ lĩnh đảng Hắc Long trước làm tay sai cho Nhật, nay tiếp tục làm tay sai cho Pháp bị công an xung phong xử trị. Ở Vĩnh Xương - Diên Khánh địch dùng quân đội lùa dân đi biểu tình ủng hộ Bảo Đại. Ngày 11-9-1947 tại Phú Vinh ta bố trí cán bộ và tự vệ luồn vào đám đông vận động quần chúng hô đả đảo giặc Pháp và bù nhìn tay sai. Giặc Pháp đàn áp, bắn xả vào đám đông làm 7 người chết. Đồng bào vô cùng căm phẫn, buộc địch phải để đưa các tử thi về chôn cất.
Sau khi đọc diễn văn ở Hà Đông, ngày 10-9-1947 Bôlae Cao ủy Pháp ở Đông Dương vào Nha Trang tiếp tục cổ động cái gọi là “giải pháp Bảo Đại”. Tại chợ Đầm Nha Trang, khi Bôlae bước lên bục diễn thuyết vừa bắt đầu nói thì tự vệ8 nổ lựu đạn cách chỗ y đứng 15 mét. Bôlae bị nhân dân Nha Trang cảnh cáo nghiêm khắc.
Giữa năm 1947, địch đã lấn chiếm và làm chủ một số làng ven quốc lộ 1, xây dựng đồn, bót, mở những trận càn chớp nhoáng để bắt cán bộ thôn xã. Ở một số nơi địch còn bắt dân vào ngủ tập trung ở các đồn, bắt dân dồn lúa gạo vào đồn của chúng nhằm cắt đứt liên lạc của dân với cán bộ ta trên núi về làng. Mặc dù vậy, tại nhiều vùng nông thôn, quần chúng đã nổi lên phá rã các tổ chức ngụy quyền, bắt ra tự thú nhiều lý trưởng, chánh tổng lăm le trở lại làm tay sai cho giặc, trừng trị bọn đầu sỏ ác ôn từng gây nhiều nợ máu. Chính quyền cách mạng được quần chúng ủng hộ, phát huy hiệu lực quản lý hành chính. Ở nhiều xã, Uỷ ban kháng chiến hành chính cấp giấy thông hành cho đồng bào đi lại làm ăn, mua bán, vận động đồng bào tiêu bạc Việt Nam, mở chợ kháng chiến trong làng, ven rừng, để nhân dân vùng tự do của ta và vùng địch tạm chiếm liên hệ trao đổi mua bán các sản phẩm; thu các thứ thuế, đảm phụ kháng chiến, quỹ nuôi quân... đồng thời tổ chức bao vây kinh tế địch như vận động đồng bào không đem thực phẩm, lương thực vào chợ bán cho địch, cất giấu lúa gạo, tài sản, heo gà... không để cho binh lính địch cướp giật. Việc bao vây này lúc đầu làm cho địch ở một số đồn, bót gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, lương thực, thực phẩm có nơi chúng phải thương lượng với du kích cho giải tỏa. Trong thực tế, việc giao lưu mua bán giữa vùng ta và vùng địch bị gián đoạn có phần nào ảnh hưởng không lợi đến đời sống của nhân dân lao động. Về sau ta làm ngơ để đồng bào đi lại mua bán bình thường.
PHÁ HOẠI ĐỂ KHÁNG CHIẾN
Ngày 6 tháng 12 năm 1947, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi đồng bào phá hoại để kháng chiến. Người nói: “Vì ta không chịu làm trâu ngựa cho Pháp, vì ta phải giữ gìn non sông đất nước ta, cho nên ta phải đánh thực dân Pháp.
Đánh thì phải phá hoại. Ta không phá thì Pháp cũng phá... Vì vậy ta phải phá trước, cho Pháp không dùng được. Dù ta muốn để cống, để đường, để nhà mà dùng cũng không dùng được, vì Pháp cũng chiếm hết, phá hết.
Bây giờ ta phải phá để chặn chúng lại, không cho chúng tiến lên, không cho chúng lợi dụng.
Ta vì nước mà hy sinh, chịu khó một lúc. Đến ngày kháng chiến thắng lợi, ta sẽ cùng nhau kiến thiết và sửa sang lại, nào có khó gì...”9.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, việc phá hoại để kháng chiến trở thành phong trào quần chúng toàn tỉnh, kể cả trong vùng địch kiểm soát. Nhiều đoạn đường xe hơi, xe lửa bị băm nát, cầu, cống trên quốc lộ, thiết lộ bị phá sập, đường ray xe lửa bị gỡ từng mảng, nhiều nhất là các đoạn từ Phú Vinh đến Suối Dầu, nam-bắc Ninh Hòa, nam-bắc Vạn Ninh, có những đêm sáng trăng, từng đoàn người nam nữ, cùng dân quân du kích dùng cuốc xẻng đào phá suốt đêm. Địch phản ứng, đốt nhà, bắt đồng bào đem bắn tại những đoạn đường và cầu cống bị phá hoại10. Nhưng chúng không thể nào dập tắt nổi tinh thần đấu tranh của nhân dân. Ta phá địch sửa lại, ta lại phá hết chỗ này đến chỗ khác. Ở nông thôn nhiều ngôi nhà của dân, nhiều ngôi đình, xem ra địch có thể lấy đóng đồn hoặc tháo gỡ đem vật liệu về xây đồn thì đồng bào tự nguyện đập phá không luyến tiếc.
Các cuộc phá hoại đã góp phần ngăn chặn bước tiến của địch trong các cuộc hành quân, vận chuyển lương thực, vũ khí và tạo thuận lợi cho lực lượng vũ trang ta tác chiến tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Trong nhiều trường hợp, địch không lợi dụng được nhà dân, phải bỏ ra nhiều công, sức, mất nhiều thời giờ để xây dựng củng cố đồn, bót.
Cuộc kháng chiến của quân và dân Khánh Hòa đã qua năm thứ hai. Địch đánh phá ác liệt, mở rộng kiểm soát ra nông thôn, gây cho ta rất nhiều khó khăn. Song chúng ta đã sớm rút kinh nghiệm của năm 1946, củng cố tổ chức, bố trí các lực lượng kháng chiến phù hợp với tình hình mới. Nhờ tinh thần dũng cảm của dân và quân, ta quyết tâm đánh giặc giữ làng, nên nói chung phong trào vẫn được giữ vững, có nơi phát triển khá, kiềm chế địch ở phía nam đèo Cả, góp phần giữ vững vùng tự do Phú Yên. Những thành tích chiến đấu của quân và dân Khánh Hòa năm 1947, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, đã góp phần vào thắng lợi chung của cả nước và đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh trong tỉnh lên một bước, chúng ta từng bước đã “trưởng thành trong kháng chiến, dày dạn trong gian khổ”11.
PHÁ CHÍNH SÁCH BÌNH ĐỊNH CỦA THỰC DÂN PHÁP
Từ đầu năm 1948, sau thất bại ở Việt Bắc (Thu- Đông 1947) thực dân Pháp bắt buộc phải chuyển hướng chiến lược chiến tranh từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang chiến lược đánh lâu dài, thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Từ chỗ mở rộng chiếm đóng, chúng chuyển sang củng cố vùng chiếm được.
Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng tháng 1 năm 1948 nhận định: Trên chiến trường toàn quốc, sau thất bại nặng nề trong cuộc tiến công quy mô lớn vào căn cứ địa Việt Bắc, quân Pháp buộc phải phân tán lực lượng, bị động đối phó trên khắp các chiến trường. “Giặc Pháp càng gặp khó khăn và tự thấy suy yếu, đã đến lúc chúng không thể tự do tung lực lượng ra chiếm đất một cách dễ dàng như trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến mới nổ”, “nhưng chúng còn có thể vơ vét lực lượng trong nước và thuộc địa, cầu cứu bọn phản động thế giới để đánh ta những trận ác liệt nhiều hơn nữa”12.
Nhận định trên đây rất phù hợp với tình hình địch, ta lúc này trên chiến trường Khánh Hòa. Tuy bị quân dân Khánh Hòa đánh cho những đòn nặng nề vào cuối năm 1947, nhưng sang đầu năm 1948, địch tập trung lực lượng đánh phá vùng nông thôn và miền tây tỉnh. Chúng phân tán các binh đoàn cơ động thành những đơn vị nhỏ, xây dựng hệ thống đồn bót xung quanh thị xã Nha Trang, thị trấn Ba Ngòi, Thành (Diên Khánh), Ninh Hòa, Vạn Giã và trên đường giao thông13, lập các đội ứng chiến để ứng cứu cho chúng đánh phá những nơi nghi ngờ có cơ quan, bộ đội, kho tàng, cơ xưởng của ta, đồng thời ứng cứu các đồn bót, khi bị quân ta tấn công. Đội ứng chiến nhỏ và hệ thống cứ điểm nhỏ là biện pháp quân sự cơ bản của địch để thực hiện kế hoạch bình định. Chúng tiến thêm một bước trong việc triệt hạ các làng ven rừng, gom dân, lập tề, tạo ra một số vành đai “trắng” ngăn chặn sự liên hệ giữa cán bộ với dân. Ở Diên Khánh, dân làng Phú Xuân bị dồn xuống khu vực Thành. Ở Ba Ngòi, các thôn người dân tộc vùng thấp bị dồn xuống dọc theo đường sắt và quốc lộ ở xen kẽ với làng người kinh, hình thành các khu tập trung. Ở Nha Trang, Vĩnh Xương phong trào gặp nhiều khó khăn, 300 cơ sở nội thành bị địch bắt, hầu hết tổ chức bên trong bị vỡ. Lực lượng vũ trang bị bật lên rừng, cán bộ cơ sở, du kích thoát ly mất chỗ dựa trong dân...
Đối với đồng bào miền núi, thực dân Pháp có chính sách chinh phục, vừa dùng vũ lực uy hiếp, vừa dùng kinh tế mua chuộc, làm cho dân các làng từ Hòa Tân trở ra đến Suối Dầu, Cây Sung không hợp tác với ta. Chúng phát trên 70 khẩu súng cho bọn phản động ở rừng để chặn đường liên lạc của ta từ Ninh Thuận ra. Từ đầu năm 1948 hoạt động của ta mang lại một số kết quả: Dân quân phục kích tước khí giới bọn phản động, đồng thời cán bộ đi tuyên truyền cảm hóa, vận động nhiều người giao súng lại cho ta.
Sau khi mất trên 10 khẩu súng trong những điều kiện trên, Pháp thu lại tất cả số súng đã phát. Nhân dịp ấy ta tấn công chính trị mạnh hơn, đồng bào những vùng nói trên trở lại có cảm tình và ủng hộ kháng chiến, giữ bí mật cho những vùng sản xuất của ta.
Công tác vận động đồng bào miền núi do Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh trực tiếp chỉ đạo, có 3 bộ phận phụ trách các khu vực: Ninh Hòa, Bến Khế- sông Chò, sông Cái - Hòa Tân và miền tây Ba Ngòi. Được sự chỉ dẫn của cán bộ, đồng bào dân tộc tăng gia sản xuất nhiều hơn trước, đời sống có được cải thiện. Nhược điểm của ta thời gian này là nhiều nơi không tiêu thụ được lâm thổ sản của đồng bào và thiếu muối để tiếp tế.
Bọn địch dùng “chính trị muối”, “chính trị ký ninh” để lừa phỉnh, mua chuộc và lôi kéo một số người ra làm việc cho chúng. Ở một số vùng, đồng bào chịu lãnh “cạc” lập tề, có nơi địch nhen nhóm các ổ vũ trang. Cán bộ ta đôi lúc không nắm vững chính sách dân tộc của Đảng, phạm một số sai lầm làm cho đồng bào thắc mắc, oán trách. Địch càng lợi dụng sơ sót này để xuyên tạc chính nghĩa của cuộc kháng chiến.
Tháng 7 năm 1948, tại căn cứ Hòn Lớn, Tỉnh ủy họp mở rộng để nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ IV, trong đó đặc biệt chú ý công tác vùng sau lưng địch nhằm “giữ vững và nâng cao trình độ giác ngộ và tinh thần quyết chiến của nhân dân, lập lại và làm kiên cố các tổ chức quần chúng và của Hội (Đảng), làm rối ren và tan rã hàng ngũ địch, phá chính quyền địch, phá kinh tế địch, lập lại chính quyền ta”. “Dù hoàn cảnh khó khăn nào chi bộ cũng phải bám lấy địa phương mà hoạt động”. “Các ban chấp hành huyện, tỉnh cũng phải bắt buộc bám lấy địa phương mình để lãnh đạo phong trào”14.
Theo tinh thần đó, hội nghị nhận thấy cần phải có kế hoạch phản công địch, làm sao cho địch phải đối phó với ta nhiều hơn là ta phải đối phó với địch, hầu thoát khỏi tình trạng bị động trong những tháng đầu năm 1948. Những kế hoạch cụ thể phá hoại địch về mọi mặt, củng cố, phát triển lực lượng ta được vạch ra với chủ trương “Tiến về làng” kháng chiến ở hương thôn theo phương châm “tin vào dân, dựa vào dân”. Việc thực hiện chủ trương này lúc đầu vì chưa có kinh nghiệm, nên có nơi cán bộ, bộ đội về làng ồ ạt bị tổn thất, nhưng nói chung đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Cán bộ, bộ đội có ý thức lấy quần chúng làm thành lũy chiến đấu. Chi bộ, đảng viên bám phong trào, sống trong dân, đánh tan những tư tưởng cầu an, sợ khổ, thiếu tin tưởng quần chúng nhân dân. Bộ đội, dân quân phấn khởi, quân sự chính trị thống nhất, đồng bào tin tưởng thêm vào việc kháng chiến lâu dài, có ý thức bảo vệ cán bộ hơn trước. Địch phải đối phó với ta nhiều hơn, cực nhọc hơn, vì ta đã hoạt động mạnh hơn trong khu vực chúng kiểm soát, ngay trong hương thôn.
Chiến tranh ngày càng ác liệt. Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, về tổ chức thời kỳ này tập trung vào phong trào đấu tranh chống kẻ thù cướp nước, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Các tổ chức Đảng ngày được trưởng thành. Từ 5, 7 chi bộ với mấy chục đảng viên sau ngày cướp chính quyền, đến năm 1948 Đảng bộ đã có tới 55 chi bộ, trên 600 đảng viên. Tuy trong chiến đấu quyết liệt, cá biệt có người dao động, đầu hàng hoặc phản bội làm tay sai cho giặc, còn tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên trong các ngành dân, chính, đảng, trong các lực lượng vũ trang đều tỏ ra rất mực trung thành, gần gũi nhân dân, sẵn sàng xả thân vì nước. Gương chiến đấu bất khuất, hy sinh anh dũng chiến đấu của nhiều anh chị em trong Đảng và ngoài Đảng là sự cổ vũ tinh thần to lớn và là niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng ta15.
Việc bồi dưỡng và nâng cao tư tưởng, chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, trong lực lượng vũ trang cũng được coi trọng. Đi đôi với việc tổ chức học tập các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, thư của Hồ Chủ tịch, Tỉnh ủy lần lượt cử cán bộ trong tỉnh ủy, huyện ủy, bí thư xã đi học các lớp chính trị do Khu ủy mở tại Quảng Ngãi16. Ngoài ra còn mở lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ17. Trong tỉnh mở lớp huấn luyện ngắn ngày cho cán bộ cốt cán xã18. Việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cũng được quan tâm hơn. Ngoài các bệnh xá dã chiến trong tỉnh, một cơ sở điều dưỡng được xây dựng tại vùng tự do Phú Yên để cán bộ ở chiến trường ra học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh.
Những việc làm trên thể hiện các cấp ủy địa phương coi trọng vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ tại chỗ. Mặt khác do yêu cầu khách quan của chiến trường tạm bị chiếm, cán bộ hy sinh nhiều nên Tỉnh ủy cũng tích cực yêu cầu trên tăng cường cán bộ cho các cơ quan lãnh đạo, cho lực lượng vũ trang và cho cơ sở. Tình đoàn kết chiến đấu, giúp đỡ lẫn nhau giữa cán bộ địa phương và cán bộ nơi khác đến, giữa cán bộ dân, chính, đảng và cán bộ quân đội trong hoàn cảnh chiến đấu gian khổ, hy sinh thêm gắn bó. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ của Đảng lớn mạnh, là nguồn bổ sung dồi dào cho yêu cầu kháng chiến.
Cuối năm 1948 Tỉnh ủy dời cơ quan về Hòn Hèo ở phía đông huyện Ninh Hòa. Bao quanh chân núi có một số xóm làng đã bị địch triệt hạ. Dân bị dồn về vùng địch chỉ còn một số ít ở các thôn Ninh Tịnh, Ninh Yển, Đầm Vân bất hợp tác với địch, sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng rẫy, trồng lúa, bắp, một số ít làm nghề biển. Các cơ quan tỉnh đóng trong núi và bìa rừng thôn Đầm Vân.
Từ khi các cơ quan tỉnh dời về Hòn Hèo, giao thông vận tải biển được tăng cường. Ban tiếp vận tỉnh đặt tại Phú Yên để tiếp nhận chi viện cho Liên khu và vận chuyển vào chiến trường trên hai tuyến bộ và thủy. Khi việc vận chuyển đường bộ gặp nhiều khó khăn thì giao thông vận tải biển mở ra nhiều khả năng mới. Trên tuyến biển từ Phú Yên vào, nhiều trạm được xây dựng từ Hòn Gầm- Đầm Môn, Bãi Giếng (Vạn Ninh) qua Ninh Tịnh, Ninh Yển, Đầm Vân (Ninh Hòa) vào Hòn Tre, Đồng Bò - Sông Lô (Nha Trang) cho đến Cù Hin (Ba Ngòi). Hàng năm, từng đoàn thuyền chở lương thực, thuốc men, hàng hóa... từ Phú Yên vào. Mỗi khi thuyền cập bến, số đồng bào sống bất hợp pháp trên các đảo và bán đảo chung quanh trạm được huy động ra cất hàng đưa lên rừng núi dấu vào ban ngày, rồi khiêng gánh xuống thuyền vào ban đêm. Mùa nồm thuận gió, thuyền có thể quay ra, chở hàng vùng địch ra vùng tự do để đổi gạo, thỉnh thoảng có kết hợp đưa cán bộ đi lại công tác. Vào mùa bấc, thuyền không thể quay ra được nên sau khi cất hàng lên bờ, ta phải đánh đắm thuyền để giữ bí mật.
Việc đi lại, vận chuyển bằng thuyền trên đường biển, lúc này có thuận lợi hơn đường bộ, có nhanh hơn, nhưng cũng rất mạo hiểm. Có khi bị địch bao vây tiêu diệt, cũng có lúc gặp bão tố bất ngờ, thuyền bị đắm, thủy thủ hy sinh, hàng hóa mất sạch. Càng về sau, địch bao vây phong tỏa mặt biển gắt gao hơn thì sự hy sinh tổn thất về người và của không ít19.
Sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với lực lượng vũ trang có tiến bộ. Tỉnh ủy và các huyện, thị ủy xác định trách nhiệm trực tiếp nắm các lực lượng vũ trang của địa phương, không phó mặc cho bộ đội chủ lực. Phân công cấp ủy viên sang làm chính trị viên, chỉ huy trưởng hoặc phó các cơ quan chỉ huy dân quân từ tỉnh đến cơ sở. Chi bộ nắm chắc dân quân du kích. Cán bộ, đảng viên nghiên cứu học tập quân sự, tổ chức học tập rộng rãi vai trò của chiến tranh du kích trong các đoàn thể quần chúng. Các cơ quan huyện, thị đội, xã đội hình thành từ cuối năm 1947, đến giữa năm 1948 được kiện toàn bổ sung cán bộ. Tháng 7-1948 Tỉnh đội được thành lập nhằm thống nhất chỉ huy các lực lượng vũ trang và bán vũ trang địa phương và tăng cường phối hợp tác chiến với các đơn vị chủ lực.
Các đơn vị bộ đội chủ lực thuộc Trung đoàn 80 lần lượt về các địa phương cùng các đơn vị dân quân hoạt động. Đại đội độc lập 98 vào Hòa Tân (Diên Khánh), Thái Thông (Vĩnh Xương), đại đội độc lập 101 giữ lại một trung đội lưu động, còn thì phân ra từng tiểu đội về nhập với du kích thoát ly, hoạt động tại Vạn Ninh. Tiểu đoàn 360 gồm đại đội 160 và đại đội 200 đứng chân tại Ninh Hòa.
Sau đợt “luyện quân lập công”, tinh thần bộ đội, dân quân được nâng cao, các đơn vị đi vào hoạt động hè đánh địch xuất sắc. Đêm 8-5-1948, các đơn vị Hồng Liên, Lê Hồng Phong và Phước Mỹ Hòa (dân quân thoát ly), có cơ sở nội tuyến, đánh đồn Thương Chánh (Hòn Khói) diệt và bắt toàn bộ quân địch, thu vũ khí và một số khá lớn bạc Đông Dương20. Chiến công này được cấp trên tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba. Trong trận Lỗ Bèo, 5 tiểu đội của ta giữa ban ngày đã chiến đấu và đánh lui cuộc càn của hơn 200 tên địch. Trong trận Dốc Mõ (6-1948) bộ đội ta đánh lui hai đại đội địch. Trên chiến trường Nam Khánh cũng đã diễn ra nhiều trận đánh có kết hợp tốt với công tác binh vận. Ở Ba Ngòi ta sử dụng nội ứng đánh đồn Trại Cá (30-4-1948) diệt 1 trung đội, bắt sống tên đồn trưởng, thu 48 súng (có 2 trung liên, 7 tiểu liên, 30 súng trường và một tấn đạn). Đội vũ trang Hòa Tân đánh tháp canh bảo vệ cầu Bà Triêng diệt 4 tên (2 Pháp, 2 Miên) thu toàn bộ vũ khí. Bộ đội và dân quân Diên Khánh đánh đồn Đại Điền, diệt 1 trung đội, thu vũ khí. Các trận này tác động mạnh vào tinh thần binh lính địch và cổ vũ phong trào đấu tranh của quần chúng trong thị xã Nha Trang.
Nổi bật trong Thu- Đông năm 1948 là Tiểu đoàn tập trung 360 phối hợp với dân quân du kích tấn công tiêu diệt hoàn toàn đồn Phước Thuận, một cứ điểm kiên cố của địch ở phía đông - bắc Ninh Hòa (đêm 11-11-1948), diệt cả một trung đội gồm 25 ngụy, 6 Âu - Phi, thu toàn bộ vũ khí (3 trung liên, 1 cối 60 ly, 26 tiểu liên và súng trường). Đây là trận thắng lớn đầu tiên ở chiến trường Khánh Hòa sau mùa luyện quân lập công. Tiếp theo ta phá trận tấn công lớn của địch bao vây dài ngày căn cứ Hòn Hèo. Địch gọi đây là cuộc hành quân “Bão táp” (Opération typhon) huy động trên 4.000 quân, có 7 máy bay và 6 tàu chiến yểm trợ. Trước sức tấn công ồ ạt của địch, lực lượng ta (có 300 thanh niên vùng địch hậu lên cắm trại) kịp thời rút ra khỏi vòng vây an toàn. Các tổ tự vệ và du kích lợi dụng địa hình hiểm trở, tổ chức chiến đấu, cản bước tiến của địch. Các đơn vị chủ lực thoát ra vòng ngoài cùng bộ đội địa phương đánh địch ở đồng bằng. Ngày 13-12-1948, đại đội 200 và đơn vị Vũ Trung Ân đánh trận Phước Mỹ (Nam Ninh Hòa) giữa ban ngày, làm thiệt hại nặng 1 đại đội hành quân dã ngoại địch, bắt sống toàn bộ ban chỉ huy đại đội địch, thu vũ khí và tài liệu quan trọng. Đồng thời ta đánh một loạt trận phục kích trên đường giao thông. Đoạn quốc lộ I tại Ninh Lâm (Tu Bông) bị cắt đứt trong nhiều ngày, địch buộc phải liên lạc bằng đường thủy giữa Vạn Giã - Tu Bông và bằng máy bay từ Nha Trang ra Phú Khê (Phú Yên).
Bao vây càn quét căn cứ Hòn Hèo, địch không tiêu diệt được cơ quan đầu não kháng chiến của tỉnh, cũng không tiêu diệt được một đơn vị nào của quân chủ lực, trong khi đó bị đánh mạnh ở đồng bằng. Sau 21 ngày (từ 10-12 đến 29-12-1949) chúng lui quân, chấm dứt cuộc càn. Ngày 21-1-1949 địch mở tiếp cuộc hành quân với 2.500 tên, càn quét chiến khu Đồng Bò (Nha Trang). Cuộc hành quân này cũng thất bại như cuộc càn Hòn Hèo. Tên đại tá Ni-cô-la chỉ huy hai cuộc hành quân nói trên tự sát.
Ngày 8-1-1949, đại đội 200 (D.360) phục kích tiêu diệt toàn bộ trung đội biệt kích (Com-măng-đô) của đồn Phú Sơn (Phước Thiện) do tên Pôlô khét tiếng ác ôn chỉ huy, dẫn 80 tù nhân từ nhà lao Ninh Hòa lên gặt lúa tại cánh đồng Quảng Thiện. Kết quả ta diệt tên Pôlô cùng 22 lính, bắt 3 tù binh, thu toàn bộ vũ khí (có 3 Brem, 5 Sten), giải thoát cho 80 tù nhân cùng đồng bào bị bắt đi gặt lúa. Đây là trận phục kích xuất sắc của các chiến sĩ thuộc đại đội 200 do đồng chí Phạm Thứ chỉ huy. Qua việc diệt tên Pôlô, một tên ăn thịt người man rợ, hàng ngũ bọn tề ngụy có phần nao núng. Trái lại, đồng bào tại chỗ và quanh vùng rất hả lòng, hả dạ.
Tiếp theo chiến thắng quân sự, phong trào phá tề, trừ gian rầm rộ đã phá rã từng mảng bộ máy tề ở cơ sở. Toàn tỉnh có 195 thôn có hội tề thì cuối năm 1948 còn khoảng 100 thôn có hương lý làm việc cầm chừng. Ở Vĩnh Xương, Ba Ngòi lúc này đa số hương lý làm theo chỉ dẫn của ta. Riêng Ninh Hòa có 35 thôn được coi như giải phóng, tề ngụy bỏ trốn, nhân dân làm chủ, cán bộ, bộ đội ở trong làng đánh địch giữa ban ngày. Nhiều tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân bị trừng trị21.
CÔNG TÁC CHÍNH QUYỀN VÀ CÔNG TÁC DÂN VẬN MẶT TRẬN
Năm 1949 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước sang năm thứ 4. Tháng 1 năm 1949, Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng nhận định: “Ta càng đánh càng mạnh, Pháp càng đánh càng suy nhược”, “càng lâm vào tình cảnh lúng túng to... tương quan lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi”. Hội nghị chủ trương: “Động viên mọi lực lượng tinh thần và vật chất của toàn dân vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc, giành kỳ được độc lập và tự do thật sự”; với khẩu hiệu: “Tất cả để chiến thắng”22.
Thực hiện phương hướng chiến lược mới của Đảng, ngày 13-2-1949 Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị cán bộ bất thường. Hội nghị đặt mạnh vấn đề lựa chọn cán bộ ưu tú để kiện toàn cơ quan lãnh đạo và bộ máy giúp việc các ngành dân, chính, đảng từ tỉnh đến cơ sở, bổ sung cán bộ tốt cho các lực lượng vũ trang, bảo đảm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt của cuộc kháng chiến trong giai đoạn mới “tích cực cầm cự, chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”. Đồng chí Trần Quỳnh bí thư Tỉnh ủy được cấp trên điều đi công tác khác, Tỉnh ủy thiếu người nên lần này bầu bổ sung một số đồng chí vào Tỉnh ủy và bầu đồng chí Trương An làm bí thư. Sau một thời gian ngắn đồng chí Trương An đi công tác khác, đồng chí Tôn Thất Vỹ làm bí thư. Tiếp theo, Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện mở hội nghị đại biểu bầu cấp ủy mới. Toàn tỉnh bầu được 39 huyện ủy viên, nơi ít nhất có 3 huyện ủy viên (Vĩnh Xương), nơi nhiều nhất là 13 huyện ủy viên (Ninh Hòa). Riêng Nha Trang lúc này chưa đủ điều kiện bầu cử, Tỉnh ủy chỉ định Thị ủy lâm thời gồm 3 đồng chí. Đối với huyện Ba Ngòi, từ đầu năm 1948, cơ quan tỉnh chuyển ra phía Ninh Hòa, nên sự đi lại chỉ đạo giữa tỉnh và huyện gặp nhiều khó khăn. Lúc bấy giờ hai Tỉnh ủy Ninh Thuận và Khánh Hòa quyết định để Ninh Thuận chỉ đạo Ba Ngòi; đến đầu năm 1949 Ba Ngòi trở lại với Khánh Hòa. Tháng 5-1949 Hội nghị đại biểu huyện Ba Ngòi (Cam Ranh) bầu ban chấp hành huyện gồm 5 đồng chí. Tiếp theo cấp huyện, các chi bộ lần lượt mở hội nghị bầu ban chấp hành mới. Cả tỉnh có 61 chi bộ, 735 đảng viên23. Đi đôi với việc củng cố hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở, các cấp chính quyền cũng được kiện toàn từ dưới lên để tăng cường lãnh đạo công cuộc kháng chiến.
Vào tháng 4 và tháng 5 năm 1949, trong cả tỉnh kể cả vùng dân tộc tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân xã dưới nhiều hình thức. Nơi phong trào mạnh thì cử tri trực tiếp đi bỏ phiếu, nơi nào phong trào yếu thì cử tri cử đại diện của mình trong các giới đi bỏ phiếu. Toàn tỉnh bầu được 556 đại biểu Hội đồng nhân dân xã, có 26 nữ, phần đông là những người có uy tín trong nhân dân. Uỷ ban kháng chiến hành chính được Hội đồng nhân dân bầu ra gồm những người có uy tín và có năng lực hoạt động. Ở nơi phong trào mạnh chính quyền cơ sở có uy lực thật sự. Chính quyền các cấp chăm lo đẩy mạnh sản xuất, vận động nhân dân bung ra làm rẫy, làm lại ruộng hoang ở những vùng đồng bào dân tộc và vùng ven căn cứ, thu thuế những nơi có điều kiện như thuế quan, thuế nhập thị, thuế lâm thổ sản, thuế đầm đăng, yến sào... huyện nào cũng thu được khá. Riêng Cam Ranh mỗi tháng thu trung bình hàng chục ngàn đồng Đông Dương, tự trang trải các chi phí, không phải nhờ vào các trợ cấp của tỉnh.
Cuối năm 1948, đầu năm 1949, Đại hội quân- dân- chính, một hình thức sinh hoạt chính trị động viên đoàn kết quân dân được mở khắp các huyện, có tổ chức diễu binh, có biểu diễn liên hoan văn nghệ, bán hàng căng tin, góp tiền bạc ủng hộ binh sĩ. Phong trào thanh niên nam nữ tòng quân, phong trào mẹ chị chiến sĩ vận động quỹ nuôi quân, phong trào phụ nữ làm công tác binh vận phát triển mạnh24.
Công tác văn hóa, văn nghệ, giáo dục, y tế cũng được quan tâm phát triển. Riêng về bổ túc văn hóa, đến cuối năm 1948 toàn tỉnh có 106 lớp sơ cấp (tiểu học), hơn 1.000 học sinh, 20 lớp dự bị 460 học sinh, miền núi có 5 lớp 60 học sinh. Có 840 gia đình học vụ với 3.225 người học bình dân học vụ.
Về thông tin tuyên truyền, ta có nhiều cố gắng ra được tờ báo “Thắng” bằng tiếng Việt và tờ “Gạch nối” (Trait d’Union) bằng tiếng Pháp. Tờ báo “Thắng” ra đời tháng 2-1947, ra đều kỳ hàng tháng, phát hành trên 1.000 số, tuy khó khăn về in ấn (in lito, bảng đá) song nội dung tốt, là một tờ báo có tiếng trong tỉnh, có ảnh hưởng rộng trong nhân dân và cơ sở, trong các giới công chức, trí thức, công thương gia. Báo Trait d’Union ra được 4 số, có ảnh hưởng tốt trong trí thức và một số giới người Pháp ở Nha Trang.
Những vùng ta kiểm soát ở quanh các chiến khu, ở miền duyên hải hay miền núi, sống cách biệt với vùng phì nhiêu do địch kiểm soát, đồng bào thiếu ăn mà phải phục vụ rất nhiều, nhất là cho bộ đội (tiếp tế, vận tải, xay lúa, giã gạo, nuôi binh sĩ...). Mỗi năm, chị em phụ nữ đưa hàng ngàn giạ lúa vào rừng, xay giã ra gạo cho bộ đội ăn. Tuy đồng bạc Việt Nam (nhân dân quen gọi là bạc Cụ Hồ) không lưu hành được mạnh trong vùng ta nhưng đồng bào vẫn nhận bán thực phẩm cho bộ đội, nhận để mà giấu, không mua được gì, có khi Tây bắt được thì bị giết hoặc cầm tù, tịch thu tài sản. Đồng bào trong vùng địch chiếm luôn luôn hướng về cách mạng. Khi có thời cơ và điều kiện thì vùng dậy tham gia đấu tranh chống địch quyết liệt dưới mọi hình thức, sẵn sàng đóng góp tiền gạo nuôi bộ đội, cán bộ. Cán bộ, đảng viên ta trong những hoàn cảnh khó khăn nhất vẫn bám dân, đi sát cơ sở tuyên truyền, vận động quần chúng tích cực tham gia đánh địch. Các cuộc hội nghị Tỉnh ủy tháng 2-1949 và tháng 6-1949 đều có kiểm điểm nghiêm túc và bàn biện pháp tăng cường công tác vận động quần chúng, mở rộng mặt trận đoàn kết toàn dân và phát triển mạnh tinh thần yêu nước trong các tầng lớp nhân dân lao động, đồng bào thiên chúa giáo, phật giáo, Hoa kiều, công thương gia, nhân sĩ, trí thức, đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tháng 6-1949, Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Liên Việt tỉnh trên cơ sở thống nhất lực lượng chính trị của các tổ chức quần chúng, với tổng số hội viên lúc này lên tới 29.742 người (trong đó có 24.410 hội viên Việt Minh, 5.026 cá nhân vào Liên Việt)25. Riêng tổ chức công đoàn (nơi thống kê được) thì có 3.661 công nhân, đưa vào tổ chức 306 người. Nha Trang có 156 đoàn viên trong 9 công đoàn cơ sở. Hòn Khói có 142 đoàn viên trên 1.505 công nhân muối. Ông Nguyễn Thành Tĩnh, một trí thức Nha Trang (cử nhân luật) nguyện hội trưởng Mặt trận Liên - Việt tỉnh thành lập hồi tháng 9 năm 1948 nay được bầu lại làm hội trưởng.
Việc thống nhất Việt Minh - Liên Việt thể hiện chính sách đại đoàn kết của Đảng ta và của Hồ Chủ tịch, đánh dấu bước phát triển mới của công tác tổ chức tập hợp quần chúng rộng rãi trong mặt trận yêu nước.
HOẠT ĐỘNG XUÂN HÈ NĂM 1949
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy chuyển hướng hoạt động mạnh vào phía nam, từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1949, bộ đội chủ lực phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương và dân quân du kích, được trang bị tốt hơn và cổ vũ mạnh mẽ bởi các chiến thắng vừa qua, đã tổ chức một số trận đánh gây ảnh hưởng tốt. Tháng 3-1949 diệt đồn Xuân Phong, tấn công đồn Đại Điền Trung (Diên Khánh). Ngày 27-3-1949, tiểu đoàn 365 đánh tan tiểu đoàn Âu- Phi gọi “Sơn pháo phương Đông” đóng giữ đồn Am Chúa (Đại Điền Trung), diệt một đại đội, thu khoảng 100 súng. Tháng 5-1949, quân và dân Cam Ranh đã tổ chức chống càn thắng lợi lần thứ 2, bảo vệ căn cứ huyện ở bán đảo Mũi Hời (Gò Hầu)...
Các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân du kích Ninh Hòa tổ chức chống càn, đánh được nhiều trận ở Phước Mỹ, Tân Lâm, Ngũ Mỹ, Phú Hòa diệt trên 50 tên địch, bắt tù binh, thu 29 súng trường, 2 trung liên. Tinh thần bộ đội lên, nhân dân phấn khởi. Ở Vạn Ninh, ngày 26-4-1949, đại đội 218 diệt gọn đoàn xe 3 chiếc tại Ninh Lâm (Suối Hàn, Tu Bông). Song vì chủ quan, nên bị địch chi viện bao vây nhiều phía, bộ đội đánh trả dũng cảm, chỉ huy trưởng Nguyễn Phi Hùng hy sinh, đơn vị rối loạn, 1 trung đội hy sinh. Trận đánh từ thắng chuyển thành bại, ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần đơn vị. Tiếp đến ngày 27-7-1949, Liên trung đoàn 80 - 83 vào đánh trận “giao thông chiến” tại thôn Ninh Mã (Tu Bông) thiêu hủy đoàn xe tiếp tế của địch (13/14 chiếc) cùng vũ khí, quân trang, quân dụng. Trận này tuy ta có thắng, song vì không có kế hoạch bảo vệ dân, nên sau khi bộ đội rút ra vùng tự do, địch quay lại triệt hại toàn bộ thôn Ninh Mã. Hai trăm nóc nhà bị đốt, 36 đồng bào (hầu hết là đàn bà, trẻ em) bị bắn, bị ném vào lửa.
Các trận đánh của quân ta ở Suối Hàn, Ninh Mã có ảnh hưởng không tốt đến phong trào tại Vạn Ninh, đại đội 218 và trung đội của huyện phải mất một thời gian mới củng cố lại được.
Tháng 6 năm 1949, đoàn đại biểu Đảng bộ đi dự hội nghị Liên khu về, Tỉnh ủy mở Hội nghị cán bộ toàn tỉnh để quán triệt tình hình, nhiệm vụ mới của cả nước, của toàn Liên khu, đánh giá tình hình địa phương qua những tháng đầu năm 1949 và đề ra nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện phương hướng chiến lược của Đảng là: “Tích cực cầm cự, chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”. Về Đảng, hội nghị này cũng đặt ra kế hoạch xây dựng và phát triển “Đảng quần chúng đông đảo và mạnh mẽ” theo đề án của Liên khu.
Để đẩy phong trào Nam Khánh lên một bước cao hơn, hội nghị quyết định mở chiến dịch Hè. Mở màn chiến dịch, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương các huyện phía nam đánh địch nhiều trận xuất sắc: Trận Phú Cốc lần thứ 2 có kết hợp binh vận bên trong làm nội ứng, ta diệt 2 chỉ huy người Pháp, 40 lính nguỵ ra hàng, thu toàn bộ vũ khí (có 1 đại liên Visker). Trước sự uy hiếp mạnh của ta, địch rút khỏi đồn Phú Cốc. Tiếp đó, nhờ công tác binh vận tốt ta tấn công diệt bót Cầu Dứa, Vĩnh Điềm (6-1949), diệt gọn đồn quận Vĩnh Xương, thu toàn bộ vũ khí, đánh thiệt hại nặng đồn Võ Dõng. Sau chiến thắng của ta, hàng trăm lính ngụy quay súng trở về với cách mạng. Phong trào du kích lên mạnh, chống tảo thanh thắng lợi. Ở Võ Kiện, Bình Khánh, Phú Xuân, ta phá vỡ ngụy quyền làm đảo lộn thế kèm của địch. Lúc này, ban đêm ta làm chủ tình hình ở phần lớn nông thôn Diên Khánh, Vĩnh Xương và xây dựng lại cơ sở, củng cố các đoàn thể quần chúng, động viên nhân dân đóng góp tiền bạc, lúa gạo nuôi quân, có nhiều kết quả. Ở Cam Ranh nổi bật nhất là chống càn, đánh giao thông, diệt ác trừ gian đã tạo thế cho cán bộ về làng đứng chân tại chỗ để gây lại cơ sở vùng sâu, củng cố chính quyền và đoàn thể nơi ta làm chủ cả ngày lẫn đêm như Thủy Triều, Bình Hưng hoặc làm chủ ban đêm như Cồn Ké. Ở Nha Trang, tự vệ đột nhập phối hợp với cơ sở ở nội thành phá hoại kinh tế địch như đốt kho Charner gây thiệt hại cho địch trên 2 triệu đồng. Phong trào chính trị Nha Trang bị vỡ lỡ nặng trong năm 1948, lúc này được khôi phục lại, cơ sở nội thành phát triển, nhất là cơ sở công đoàn. Đồng bào góp thuốc men, quần áo ủng hộ bộ đội và góp qũy kháng chiến hàng vạn đồng.
Chiến dịch Hè kết thúc, Diên Khánh mở hội nghị nuôi quân tại Đá Đen có trên 200 đồng bào và cơ sở về dự. Đại hội nuôi quân lớn nhất từ trước đến nay của Nha Trang và Vĩnh Xương được tổ chức tại chiến khu Đồng Bò. Gần 1000 đồng bào vùng địch hậu mang lên chiến khu những tình cảm cách mạng, quân, dân thắm thiết từ lâu bị dồn nén trước sự đàn áp của giặc. Bà con thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ, ủng hộ tiền bạc, thuốc men, quần áo trị giá hàng trăm ngàn đồng Đông Dương.
Các hoạt động vũ trang của ta từ đầu năm đến chiến dịch hè thắng lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào đấu tranh của quần chúng nổi lên mạnh mẽ nhiều nơi như Diên Khánh, Vĩnh Xương, Nha Trang. Phong trào ở Cam Ranh nhân đà thắng lợi quân sự cũng được đẩy lên một bước cao hơn. Ở Diên Khánh đã diễn ra cuộc đấu tranh bãi khóa của 1.200 học sinh chống chương trình giảng dạy xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến. Địch không dám khủng bố, hứa hẹn sửa đổi để xoa dịu. Công nhân đồn điền cao su Suối Dầu phối hợp với đơn vị 98 vệ quốc đoàn, đốt cháy hơn 10.000 kg mủ cao su khô và vật liệu khác trị giá hàng triệu đồng.
Nhiều nơi nhân dân đấu tranh đòi tự do đi lại làm ăn; nông dân đòi làm lại ruộng hoang, ngư dân đòi mở rộng làm biển ra khơi. Điển hình là cuộc đấu tranh của nông dân Diên Khánh buộc địch phải để đồng bào làm lại 448 mẫu ruộng, rẫy hoang, trồng 320 mẫu lúa ở Đồng Lớn, Đồng Găng, giữ vững 28 bờ xe nước bảo đảm sản xuất vụ mùa.
Tuy vậy, lực lượng thoát ly của ta vẫn lâm vào cảnh thiếu ăn, đói kém vì lúa gạo trong dân bị địch tập trung vào đồn trong khi nguồn tiếp tế từ vùng tự do có hạn. Chủ trương huy động lúa trong dân của ta được nông dân ủng hộ, điền chủ đồng tình. Đông đảo đồng bào có bộ đội bảo vệ gặt lúa ở các cánh đồng gần rừng và vào cả trong đồn lấy lúa kho đưa lên chiến khu. Bằng cách ấy, ở Diên Khánh, trong 3 đêm liền kho lúa ở các đồn Phú Hậu, An Ninh, Phước Thịnh được chuyển ra núi. Ở Vạn Ninh, vụ tháng chạp năm 1949, ta gặt và chuyển lên rừng được 25.000 giạ lúa (1 giạ bằng 9 kg).
Việc gặt lúa, lấy lúa của dân đưa lên núi được quần chúng đồng tình ủng hộ, nhờ đó có được một số lương thực khá lớn để tiếp tế cho các lực lượng vũ trang. Song, ta có khuyết điểm là có nơi thiếu vận động thuyết phục, để một số điền chủ ta thán; lúa gạo đưa lên rừng không bảo vệ chu đáo, để địch phát hiện đốt phá, thú rừng ăn phá, gây thiệt hại lớn.
Trong khi phong trào Nam Khánh lên khá thì ở Bắc Khánh vào giữa năm 1949 phong trào bị địch đàn áp dữ dội. Lợi dụng lúc chủ lực ta chuyển hoạt động vào phía Nam, lực lượng địa phương mỏng, địch ở đây tập trung sức phản kích phong trào, khủng bố quần chúng, bình định gắt gao hơn. Phong trào quần chúng bị mất thế, có nơi tụt dần xuống như vùng Tây Ninh Hòa, vùng Bắc Vạn Ninh. Tình hình căng thẳng trở lại, cán bộ, du kích nhiều xã bị bật lên núi hoặc chạy ra hải đảo. Lòng dân vẫn gắn bó với cách mạng, song trước tình thế khó khăn nhiều người tìm cách lánh, tránh cán bộ vì sợ liên lụy. Đời sống các lực lượng thoát ly vốn dựa vào dân, nay bị hẫng nguồn tiếp tế, có nơi bị đói phải ăn bữa cháo, bữa rau. Tuy khó khăn gian khổ nhưng nói chung phong trào Bắc Khánh lúc này vẫn giữ được, nhiều nơi cơ sở vẫn tồn tại và phát triển nhất là ở phía nam Ninh Hòa. Ở Phước Khiêm, khu phố Ninh Hòa và một số vùng ven như Phước Đa, Bình Thành, Phong Ấp, Phước Đông, Phước Trung, Phước Tây (Vạn Ninh) cơ sở tương đối vững. Được như vậy là nhờ cán bộ, đảng viên bám trụ được trong dân (sống hầm bí mật), luôn luôn đi sát quần chúng, tuyên truyền giải thích, lãnh đạo nhân dân kịp thời chống lại địch có kết quả, được quần chúng tin yêu, đùm bọc.
Tình hình chung ở chiến trường Khánh Hòa lúc này là phong trào lên không đều ở nam và bắc tỉnh. Một số vùng Bắc Khánh bắt đầu gặp khó khăn. Địch đã lấn thêm một bước nhằm kèm kẹp quần chúng, o ép phong trào.
___________
1. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam Tập 1, NXB Sự Thật - 1981 trang 523.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 1, NXB Sự Thật - trang 404.
3. 2 cán bộ xã Xuân Lộc (Diên Khánh) là Trần Liên và Nguyễn Chúc bị địch chặt đầu bêu trước sân chùa...
- Bắn đồng chí Hồ Bửu - ủy viên thư ký UBHC xã Phước Trung và chặt đầu 7 tù chính trị khác bỏ xác tại chợ Lạc An (Phước Thiện).
4. Đồng chí Kỷ- nguyên là đảng viên bị giam ở nhà đày Buôn Mê Thuột về, được Đảng phái vào hoạt động xây dựng cơ sở ở Ba Ngòi trước khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.
5. Các đồng chí Lê Duẩn, Sơn Ngọc Minh trên đường công tác từ Nam ra Bắc đã đi qua tuyến hành lang này an toàn.
6. Tiểu đoàn Ba Dương trên đường hành quân vào Nam bộ, nghỉ chân tại Ninh Hòa.
7. Chị Nguyễn Thị Trừ biệt động đội Ninh Hòa đã bị địch bắn tại Gò Mã, thôn Phước Lý, xã Ninh Bình cùng 8 đồng bào khác.
8. Tổ tự vệ gồm các chị Bờ, Bồi, Quyên.
9. Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch ngày 6-12-1947 - Hồ Chí Minh tuyển tập - Tập I, trang 412, 413.
10. Tên Hoàng Phúc Hải, tỉnh trưởng ra lệnh: phá dây điện thoại thì mang 2 tên tù nhân ra bắn, phá đường thì bắn 3 người ngay tại hiện trường.
11. Nhận định chung của Trung ương về phong trào vùng địch chiếm tại Hội nghị TW tháng giêng năm 1948.
12. Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 1 năm 1948.
13. Năm 1948 địch tăng 14 đồn, bót (Nam Khánh: 9; Bắc Khánh: 5).
14. Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương ngày 20-5-1948.
15. Đồng chí Nguyễn Trọng Kỷ (Cam Ranh) bị địch chặt đầu bêu 3 ngày ở Đá Bạc. Đồng chí Lê Đình Thu HUV Ninh Hòa khẳng khái mắng vào mặt kẻ thù: "Đã biết tao là cộng sản thì đừng hòng tao khai cho đồng bào tao". Và còn biết bao liệt sĩ có tên và vô danh đã vĩnh viễn nằm xuống trên quê hương chúng ta.
16. Gọi là lớp chỉnh phong chính trị Phạm Văn Đồng.
17. Mở 2 lớp bổ túc tiểu học tại Phú Yên khoảng 100 học viên.
18. Mở 2 khóa: 1 cho Bắc Khánh tháng 2-1948 cho 100 học viên tại Hòn Hèo. 1 cho Nam Khánh tháng 11-1948 cho 60 học viên tại Diên Khánh.
19. Cuối năm 1949, đoàn cán bộ của tỉnh về Khu họp, khi thuyền ra đến bến Hòn Khói thì bị địch phát hiện bao vây. Cả đoàn nhảy xuống biển. Các đồng chí Hồ Ngọc Nhường, Tôn Thất Chí, Mai Liêm biết bơi nên thoát được. Đồng chí Trương Minh Viễn chết đuối. Đồng chí Võ Phước Lý (tức Tước) là Phó bí thư Tỉnh ủy bị bắt và sau đó bị bắn.
20. 591.065 đồng (Báo cáo của UBHCKC tỉnh năm 1948).
21. Nguyễn Trường Quỳ là tên phản bội ở Vạn Ninh vào làm quận trưởng Ba Ngòi bị diệt trong thời gian này, quần chúng rất hả dạ, phong trào lên cao.
22. Báo cáo tại Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 6 tháng 1 năm 1949.
23. Theo báo cáo của Tỉnh ủy Khánh Hòa, đầu năm 1949 toàn tỉnh có 61 chi bộ (735 đảng viên) trong đó có 39 chi bộ xã, 7 chi bộ cơ quan, 6 chi bộ chính quyền, 1 chi bộ công đoàn, 5 chi bộ dân quân, 2 chi bộ trại sản xuất, 1 chi bộ nhà trường.
24. Theo báo cáo của UBKCHC tỉnh năm 1948, riêng trong hai huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa có 218 thanh niên (12 nữ) nhập vệ quốc đoàn, 609 (234 nữ) vào dân quân du kích. Các mẹ, các chị chiến sĩ đóng góp 2.287 con gà, 22 con heo. Phụ nữ ủng hộ 700.000 đồng Đông Dương, vận động 12 lính địch mang về với cách mạng 2 súng PM, 4 tiểu liên, 14 súng trường.
25. Trong số 24.410 hội viên Việt Minh có:
- 12.799 phụ nữ
- 3.882 thanh niên.
- 4.249 nông dân
- 588 ngư dân (không có Vạn Ninh).
- 228 phật tử.
- 200 tín đồ công giáo (riêng Vạn Ninh).
- 432 mẹ, chị chiến sĩ.
Tags:
Tác giả:
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 5 đánh giá
Xếp hạng: 2.6 - 5 phiếu bầu
- LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH KHÁNH HÒA (1930 - 2005) (31/01/2018)
- Phụ lục 2 (30/01/2018)
- Phụ lục (30/01/2018)
- Kết luận (30/01/2018)
- Chương XVIII - Đảng bộ Khánh Hòa lãnh đạo công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996-2005) (30/01/2018)
- Chương XVII - Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (7/1989 - 1995) (30/01/2018)
- Chương VI - Cuộc kháng chiến bắt đầu (23/10/1945 - 12/1946) (30/01/2018)
- Chương V - Xây dựng chính quyền nhân dân và chuẩn bị kháng chiến (8/1945 - 10/1945) (30/01/2018)
- Chương IV - Cuộc vận động giải phóng dân tộc và cách mạng tháng Tám (1940 - 1945) (30/01/2018)
- Chương III - Thời kỳ đấu tranh chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đòi tự do, cơm áo và hòa bình (1936 - 1939) (30/01/2018)