CHƯƠNG III
THỜI KỲ ĐẤU TRANH CHỐNG PHẢN ĐỘNG THUỘC ĐỊA, CHỐNG PHÁT XÍT VÀ CHIẾN TRANH ĐÒI TỰ DO, CƠM ÁO VÀ HÒA BÌNH (1936 - 1939)
HƯỞNG ỨNG CUỘC VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN CHỦ ĐÔNG DƯƠNG CỦA ĐẢNG
Cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1930-1931 đã gây hậu quả nặng nề ở các nước đế quốc chủ nghĩa, làm cho mâu thuẫn xã hội ở các nước đó vốn đã gay gắt càng gay gắt thêm. Phong trào cách mạng của nhân dân ở các nước tư bản lên cao. Bọn tư bản lũng đoạn ở một số nước ra sức thủ tiêu các quyền tự do dân chủ tư sản và thi hành chính sách độc tài phát xít. Bọn phát xít ở các nước Đức, Ý, Nhật đã tạo được một thực lực mạnh mẽ, thiết lập chế độ phát xít ở các nước đó và ráo riết chuẩn bị chiến tranh thế giới. Ở một số nước khác như Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp v.v... chủ nghĩa phát xít đang hình thành và phát triển.
Chiến tranh phát xít có nguy cơ đe dọa loài người, phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh dâng cao ở Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Trung Quốc và trên toàn thế giới. Giai cấp công nhân tất cả các nước đều mong muốn thống nhất hàng ngũ giai cấp mình, động viên tất cả các lực lượng dân chủ và hòa bình đoàn kết đấu tranh, đi đầu trong cuộc đấu tranh này là Liên Xô và các Đảng cộng sản dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III).
Trước tình hình ấy, tháng 7 năm 1935 Đại hội lần thứ 7 của Quốc tế Cộng sản được triệu tập tại Mátxcơva. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc lúc này đang học tập và nghiên cứu tại Trường Đại học phương Đông ở Mátxcơva cũng được mời dự đại hội.
Đại hội vạch rõ kẻ thù trước mắt của nhân dân thế giới lúc này không phải là chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa đế quốc nói chung mà là chủ nghĩa phát xít; nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân chưa phải là đấu tranh đánh đổ toàn bộ chủ nghĩa tư bản, thiết lập chuyên chính vô sản, xây dựng chủ nghĩa xã hội mà là đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, giành dân chủ và hòa bình, bảo vệ Liên Xô (thành trì của cách mạng thế giới)... Đại hội chủ trương Đảng Cộng sản các nước phải thống nhất lực lượng giai cấp công nhân và lập mặt trận nhân dân rộng rãi bao gồm các đảng phải yêu nước và dân chủ, các tầng lớp nhân dân để thống nhất hành động chống kẻ thù chủ yếu trước mắt là chủ nghĩa phát xít.
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ 7 Quốc tế Cộng sản, trong lúc phong trào chống phát xít lên cao, Mặt trận nhân dân Pháp mà nòng cốt là Đảng Cộng sản Pháp đã giành được thắng lợi vang dội trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5 năm 1936. Sau đó một Chính phủ Mặt trận bình dân lên cầm quyền. Chính phủ này vẫn là đại diện cho quyền lợi của giai cấp tư sản. Khi ra đời, cao trào nhân dân chống phát xít lên cao, buộc. Chính phủ Pháp phải thi hành một số quyền lợi cho quần chúng lao động trong nước và ở các thuộc địa. Cương lĩnh của Mặt trận bình dân nêu ra việc thành lập phái đoàn của Quốc hội Pháp điều tra tình hình các thuộc địa, đặc biệt là Bắc Phi và Đông Dương, toàn xá tù chính trị, ban hành các quyền tự do dân chủ, tự do nghiệp đoàn, cải thiện điều kiện làm việc cho giới lao động....
Những sự kiện chính trị ở Pháp đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân Đông Dương. Căn cứ vào đường lối của Quốc tế Cộng sản và căn cứ vào điều kiện cụ thể của cách mạng Đông Dương, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 7 năm 1936 (sau đó được hội nghị Trung ương các năm 1937 và 1938 bổ sung, phát triển) vạch rõ: nhiệm vụ cách mạng Đông Dương lúc này phải đứng trong Mặt trận dân chủ và hòa bình thế giới chống chủ nghĩa phát xít và chống chiến tranh. Hội nghị quyết định tạm thời chưa nêu ra khẩu hiệu đánh đổ đế quốc Pháp và giai cấp địa chủ, giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày. Hội nghị chủ trương lập Mặt trận nhân dân phản đế, sau đổi thành Mặt trận dân chủ nhằm tập họp mọi lực lượng dân chủ và tiến bộ đấu tranh cho mục tiêu trực tiếp trước mắt là chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình.
Về hình thức tổ chức quần chúng và phương pháp đấu tranh, Trung ương Đảng chủ trương chuyển hình thức tổ chức bí mật không hợp pháp sang hình thức tổ chức công khai hợp pháp và nửa hợp pháp; triệt để lợi dụng những khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp để tuyên truyền, tổ chức quần chúng. Đồng thời củng cố và phát triển các tổ chức bí mật của Đảng; kết hợp đẩy mạnh những hoạt động không hợp pháp để phát triển cuộc vận động Mặt trận dân chủ và đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng.
Trong những năm 1936-1937, phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương trong cả nước, nhất là ở Sài Gòn lên cao, tác động mạnh vào các tầng lớp nhân dân Khánh Hòa. Công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ, học sinh... trong tỉnh hướng về cách mạng và mong chờ sự lãnh đạo của Đảng.
Sách báo công khai của Đảng và của Mặt trận dân chủ như: Bạn dân, Tin tức, Thời thế, Nhành lúa, Dân chúng, Lao động, Tiếng nói của chúng ta (Notre Voix)... bằng nhiều con đường khác nhau được phát hành rộng rãi vào Khánh Hòa.
Ngoài báo chí công khai, một số sách chính trị phổ thông nói về đấu tranh giai cấp, về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, về Liên Xô, về Mặt trận Tây Ban Nha, sách "Vấn đề dân cày" của các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, sách "Hồng quân Trung Hoa" của đồng chí Phan Đăng Lưu, thơ Tố Hữu được tổ chức mua và đọc trong tầng lớp trí thức công chức tiến bộ ở Nha Trang, phổ biến trong công nhân viên chức đường sắt, trong các xí nghiệp và đồn điền Pháp, trong học sinh các trường Pháp -Việt và số thanh niên có văn hóa ở nông thôn.
Tình hình đó thôi thúc những đảng viên hoạt động riêng lẻ và một số đồng chí ở tù về, lợi dụng những hình thức công khai hợp pháp, tìm cách đứng chân và vận động quần chúng mua và đọc báo công khai của Đảng, tuyên truyền phổ biến chính sách mới của Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản. Nhiều hiệu sách báo và nhiều nhóm đọc sách báo mọc lên ở thị xã Nha Trang, Vĩnh Xương, Thành Diên Khánh, thị trấn Ninh Hòa... thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Qua việc tổ chức bán và đọc sách báo công khai của Đảng, các đồng chí ta có điều kiện mở rộng diện tiếp xúc hợp pháp với quần chúng. Từ đó phát hiện những phần tử tiến bộ trong công nhân, nông dân, học sinh, công chức, thanh niên. Bằng những sự kiện trong sách báo và bằng những lời lẽ thích hợp, các đồng chí đã tuyên truyền khêu gợi lòng yêu nước, ý thức đấu tranh cách mạng trong những người tỏ ra thức thời, tiến bộ như khêu gợi tình thương yêu giúp đỡ đối với những người nghèo khổ bị hà hiếp, bị bóc lột; phê phán hoặc chống lại những thủ đoạn, và hành động độc ác, áp bức, bất công của những kẻ cậy có quyền thế, tiền của. Trong các tầng lớp nhân dân Khánh Hòa, nhất là học sinh các trường Pháp - Việt, số thanh niên có học qua tiếp xúc sách báo và sự tuyên truyền giáo dục công khai của Đảng, nhiều người hiểu được tình hình đất nước, phong trào cách mạng của nhân dân thế giới, từ đó bừng dậy lòng yêu nước và ý thức tham gia đấu tranh chống kẻ thù chung theo khẩu hiệu của Đảng: tự do, cơm áo, hòa bình. Nhiều người trong số đó tích cực tham gia phong trào đọc và phổ biến sách báo công khai của Đảng, trở thành cốt cán trong các tổ chức quần chúng như Đoàn thanh niên dân chủ, Hội ái hữu tương tế, các nghiệp đoàn thợ may, đánh xe ngựa... được tuyên truyền giác ngộ về giai cấp, về Đảng và nhiều người sau này được kết nạp vào Đảng.
Đi đôi với việc sử dụng báo chí công khai làm phương tiện tuyên truyền, giáo dục quần chúng, Đảng chủ trương phải tận dụng các khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp để tổ chức tập họp quần chúng. Trong những năm 1937-1938, nhiều nơi trong tỉnh phát triển mạnh các đội bóng đá, các hội thể dục-thể thao, các lớp học ban đêm chống nạn mù chữ. Đoàn thanh niên dân chủ, Hội phụ nữ giải phóng lần lượt ra đời ở những nơi có phong trào mạnh như: Cầu Đá - Chụt (Nha Trang), Phú Vinh (Vĩnh Xương), Suối Dầu, Đồng Trăng (Diên Khánh), Phước Thiện (Vạn Ninh), Suối Ré, Hòn Khói (Ninh Hòa). Các hội ái hữu tương tế được thành lập khá rộng rãi. Riêng ở Nha Trang, các hội ái hữu hình thành sớm trong công nhân, viên chức Sở Cá Cầu Đá, Sở Lục lộ (công chính). Trong giới thợ may ở Nha Trang - Chụt, Cửa Bé có trên 40 người tham gia hội tương tế. Trong giới đánh xe ngựa Nha Trang, Phú Vinh có độ 30 người. Hội tương tế ái hữu của phu khuân vác bến tàu Cầu Đá có trên 50 người. Hội tương tế của những người buôn bán nhỏ 30 người. Ngoài ra, ở Nha Trang và các thị trấn còn lập ra các hội đưa ma. Ở nông thôn Ninh Hòa, Vạn Ninh còn có hội vần công, đổi công cấy cày, gặt hái, khai hoang, vỡ hóa.
Các tổ chức công khai hợp pháp trong tỉnh thu hút hàng trăm quần chúng tham gia. Qua đó, ta tuyên truyền giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng về Mặt trận dân chủ, nâng cao sự hiểu biết chính trị, gây ý thức quan tâm thời cuộc, trao đổi tin tức, bàn việc đấu tranh chống bất công, đòi chính quyền thực dân phong kiến địa phương bảo đảm đời sống, đòi được tự do đi lại làm ăn... Các hoạt động đó đem lại quyền lợi thiết thực hằng ngày cho quần chúng nên ngày càng ăn sâu, lan rộng trong các tầng lớp nhân dân và trở thành phong trào mang tính quần chúng rộng rãi1.
Tình hình tổ chức và những hoạt động nói trên hoặc ít hoặc nhiều đều do những người đảng viên cộng sản, những cơ sở cách mạng (chưa phải đảng viên) lãnh đạo, chỉ đạo.
KHÔI PHỤC LẠI TỔ CHỨC ĐẢNG, TỈNH ỦY LÂM THỜI KHÁNH HÒA THÀNH LẬP
Lúc này, Xứ ủy Trung kỳ chủ trương đẩy mạnh các hoạt động nhằm phục hồi phong trào cách mạng và hệ thống tổ chức Đảng ở Nam Trung kỳ. Vấn đề củng cố và phát triển tổ chức đảng ở Khánh Hòa để tăng cường lãnh đạo phong trào đặt ra rất cấp bách.
Vào cuối năm 1937, đồng chí Nguyễn Trí, ủy viên Xứ ủy Trung kỳ, đồng thời là Bí thư Liên Tỉnh ủy Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên có một thời gian vào công tác tại huyện Vạn Ninh, liên hệ với số đồng bào Quảng Ngãi đến làm ăn ở các làng "dinh điền Hòa Huỳnh" (thuộc các xã Ninh Thọ, Ninh An, huyện Ninh Hòa ngày nay) vốn có quan hệ gia đình quen biết từ trước. Vào đây đồng chí tập họp một số thanh niên địa phương, tuyên truyền giác ngộ và hình thành tổ chức thanh niên dân chủ gồm các anh Võ Đức Thuận, Võ Phước Lý, Huỳnh Quang Anh, Huỳnh Quang Vinh (tức Nga). Ở làng Xuân Mỹ (bên cạnh làng Lạc Ninh) có anh Mai Dương lúc đó quan hệ đi lại đọc sách báo công khai ở đại lý sách báo Lý Khuê và gắn bó với nhóm cơ sở cách mạng ở thị trấn Ninh Hòa do Lý Khuê chủ chốt2, được giới thiệu sinh hoạt với nhóm thanh niên dân chủ nói trên. Sau đó, một chi bộ Đảng được thành lập vào đầu năm 1938 là chi bộ ghép của 2 nhóm Lạc An và Xuân Mỹ gồm 3 đồng chí: Võ Phước Lý, Võ Đức Thuận và Mai Dương do Võ Đức Thuận làm bí thư. Chi bộ này được đồng chí Nguyễn Trí nhân danh Xứ ủy thừa nhận. Đây là chi bộ đầu tiên ở Vạn Ninh được thành lập trong lúc này.
Ở Ninh Hòa vào cuối năm 1936 đầu năm 1937, ngoài nhóm Lý Khuê, trong số đảng viên năm 1930 mãn hạn tù về quê quán làm ăn, có một số liên hệ với nhau, có sự hoạt động cho phong trào đọc sách báo công khai của Đảng, tham gia trong phạm vi nhất định lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống áp bức của bọn cường hào, quan lại. Một chi bộ ghép được hình thành và hoạt động tích cực gồm các đảng viên cũ mãn hạn tù được thả về là các đồng chí Nguyễn Long, Nguyễn Thạnh ở Suối Ré, Huỳnh Trượng ở Xuân Hòa, Nguyễn Thế ở Điềm Tịnh. Ở Hòn Khói có nhóm thanh niên Nguyễn Lịnh, Nguyễn Bảy (tức Lê), Nguyễn Xuyên, quê làng Bình Tây, ở làng Hà Liên có Lê Trọng Lợi là những người hăng hái hoạt động cho phong trào dân chủ dưới hình thức các nhóm thanh niên đọc sách báo công khai của Mặt trận dân chủ và của Đảng. Về sau những người hoạt động trong các nhóm thanh niên ấy đều trở thành đảng viên và cán bộ lãnh đạo phong trào.
Tháng 4 năm 1937 đồng chí Đoàn Bá Thừa, một cán bộ lãnh đạo của tỉnh Quảng Trị vì bị địch truy nã nên lánh vào các tỉnh phía Nam hoạt động. Đến Nha Trang đồng chí sinh sống tại Chụt. Với nghề thợ may, đồng chí hoạt động cách mạng, gây dựng cơ sở và tìm cách liên lạc với Xứ ủy. Nhờ nắm được chủ trương mới của Đảng thời kỳ này, đồng chí tuyên truyền, tổ chức được một số hội quần chúng dưới hình thức công khai hợp pháp tại Cầu Đá - Chụt, nội thành Nha Trang. Tháng 7 năm 1938, một chi bộ ghép Chụt - Cầu Đá, Nha Trang được thành lập gồm các đồng chí Đoàn Bá Thừa ở Chụt, Nguyễn Liêm công chức Sở Lục lộ, Nguyễn Lượng công chức Sở Cá (Hải Học viện Nha Trang) do đồng chí Đoàn Bá Thừa làm bí thư chi bộ.
Khoảng thời gian này ở Phú Vinh (Vĩnh Xương), các đồn điền cao su Suối Dầu, Đồng Trăng (Diên Khánh) đều có phong trào, có nơi có Đoàn thanh niên dân chủ, có Hội tương tế ái hữu trong công nhân cao su, công nhân xe lửa và trong giới đánh xe ngựa.
Đồng chí Nguyễn Văn Chi sau khi ra tù, đi lại giữa các vùng Nha Trang - Ninh Hòa liên hệ với một số đồng chí ở tù về, thúc đẩy sự hoạt động cho phong trào dân chủ. Đầu năm 1938 đồng chí liên lạc được với Xứ ủy Trung kỳ, gặp đồng chí Phan Đăng Lưu, Thường trực Xứ ủy lâm thời và được nghe truyền đạt những chủ trương của Đảng trong tình hình mới. Nhưng liền sau đó, đồng chí được phân công về hoạt động ở tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.
Tháng 10 năm 1938, đồng chí Trần Công Xứng được Xứ ủy phái vào tăng cường cho Ban cán sự Nam Trung bộ, đóng cơ quan tại Tháp Chàm và được phân công phụ trách Khánh Hòa. Lúc này cơ sở đảng được phục hồi ở Nha Trang, Ninh Hòa, Vạn Ninh, đã có điều kiện để tổ chức ra cơ quan lãnh đạo của tỉnh. Đồng chí Trần Công Xứng liên lạc với các đồng chí Đoàn Bá Thừa (Nha Trang), Võ Đức Thuận, Mai Dương ở Phước Thiện (Vạn Ninh). Ngày 15 tháng 10 năm 1938, đồng chí Trần Công Xứng triệu tập cuộc họp tại Ghềnh Đá ở phía Nam Cầu Đá (trên đường Cầu Đá đi Cửa Bé) gồm các đồng chí: Trần Công Xứng, Đoàn Bá Thừa, Mai Dương, Võ Đức Thuận, Nguyễn Liêm và Nguyễn Lượng. Hội nghị điểm lại tình hình trong tỉnh những năm qua và bàn cách tăng cường lãnh đạo phong trào; triệt để lợi dụng những khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp để mở rộng hơn nữa việc tuyên truyền giáo dục và tập họp quần chúng vào tổ chức; kết hợp những hoạt động nửa hợp pháp với những hoạt động không hợp pháp để đẩy mạnh công tác củng cố và phát triển cở sở đảng, xây dựng các tổ chức bí mật của Đảng đi đôi với phát triển tổ chức Mặt trận dân chủ; đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng. Hội nghị bầu Tỉnh ủy lâm thời gồm các đồng chí Đoàn Bá Thừa, Mai Dương và Võ Đức Thuận do đồng chí Đoàn Bá Thừa làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời đóng cơ quan tại Chụt, có đồng chí Nguyễn Lượng giúp cho đồng chí bí thư một số việc về công tác tổ chức, và đồng chí Nguyễn Liêm phụ trách liên lạc giữa Tỉnh ủy và Ban cán sự Nam Trung bộ ở Tháp Chàm.
Tỉnh ủy thành lập tuy là lâm thời, nhưng đã đánh dấu một bước phát triển mới của phong trào trong tỉnh về các mặt. Tổ chức Đảng được hồi phục và nối lại được sự lãnh đạo của Đảng cấp trên Xứ ủy Trung kỳ đối với đảng bộ địa phương; với tổ chức quần chúng và phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân có xu thế rộng và mạnh hơn.
PHONG TRÀO QUẦN CHÚNG ĐẤU TRANH ĐÒI DÂN SINH, DÂN CHỦ
Do hậu quả của khủng hoảng kinh tế, do chính sách vơ vét bóc lột của thực dân Pháp và bè lũ tay sai cộng với thiên tai dồn dập, cùng chung với tình trạng của nhân dân cả nước, đời sống nhân dân Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn, người lao động rất khổ cực.
Công nhân đề-pô xe lửa Nha Trang, phu khuân vác các bến cảng Cầu Đá, Ba Ngòi, Hòn Khói, thợ trong các xưởng máy ở Nha Trang, công nhân cạo mủ trong các đồn điền cao su Đồng Trăng, Suối Dầu, lao động Sở Muối Hòn Khói... thường xuyên bị đe dọa thất nghiệp, bị đánh đập, cúp phạt, đuổi việc, bị bắt bớ giam cầm khi họ phản kháng dù chỉ là hành vi nhỏ nhất. Số người có việc làm bị thường bị bớt lương và kéo dài thời gian lao động.
Ở nông thôn, các tầng lớp nông dân lao động hết sức điêu đứng vì địa tô, nợ lãi cao, thuế nặng, vì bị nạn cường hào ức hiếp, chiếm đoạt ruộng đất và vì bị nạn bắt phu (xâu), bắt lính phục vụ cái gọi là "kế hoạch phòng thủ Đông Dương" của bọn thực dân Pháp. Nhiều người phải bỏ làng xóm đi nơi khác làm ăn, đi vào các công trường làm đường, các đồn điền của bọn tư bản thực dân Pháp tại địa phương.
Tiểu thương, tiểu chủ, dân nghèo thành thị, công việc làm ăn bị chèn ép, ế ẩm, thua lỗ. Công chức lớp dưới, giáo viên đồng lương quá thấp, học sinh học hành bấp bênh, sinh hoạt đắt đỏ, cuộc sống thiếu thốn kéo dài, nhiều người phải bỏ nghề, bỏ học.
Tầng lớp địa chủ vừa và nhỏ, tư sản dân tộc cũng bị bọn tư bản thực dân người Pháp (như tên Bờ-rê-đa ở Đá Bàn), và bọn đại địa chủ chèn ép, đẩy vào cảnh làm ăn thua lỗ, vay nợ không trả nổi nên ruộng đất bị tịch thu, xí nghiệp, hiệu buôn phải đóng cửa.
Đặc biệt ở Khánh Hòa lúc này bọn thực dân Pháp hoàn thành con đường sắt xuyên Việt Nam, đoạn Nha Trang đi Qui Nhơn vào năm 1936. Do việc làm đoạn đường sắt này, một hiện tượng mới nảy sinh, một số khá đông nông dân trở thành công nhân lao động ở các công trường làm đường (thực dân Pháp gọi là cu-li), cai ký, viên chức xe lửa đông thêm, tầng lớp tiểu thương, tiểu chủ, tư sản... mọc ra và làm ăn có vẻ náo nhiệt hơn. Mâu thuẫn xã hội mới cũng phát sinh. Anh chị em làm ở các công trường thường bị bọn cai ký, thầu khoán phạt vạ, cúp tiền công, đánh đập, bị chúng dùng mánh khóe ăn bớt, ăn quịt; thường xảy ra những sự cạnh tranh gay gắt giữa ngành xe lửa và ngành xe hơi, giữa các giới xe ô tô và các giới xe ngựa. Ngành xe lửa thu hút hành khách, ngành xe hơi bị ế, giá tăng lên cao, nhiều công nhân lái ô tô bị thất nghiệp, cả chủ xe và người đánh xe đều mất thu nhập, cuộc sống khó khăn.
Trong tình hình đó, đường lối của Đảng đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi tự do, cơm áo và hòa bình rất phù hợp với nguyện vọng của quảng đại quần chúng nhân dân trong tỉnh. Ảnh hưởng phong trào Đông Dương đại hội ở Nam kỳ, Huế và nhiều nơi khác, phong trào đấu tranh của công nhân hỏa xa qua sách báo công khai của Đảng và các nguồn thông tin khác dội vào Khánh Hòa, thức tỉnh tinh thần cách mạng trong quần chúng công nhân, nông dân, nhất là tầng lớp thanh niên có học, viên chức, học sinh.
Trong những năm 1936, 1937, 1938, các cuộc đấu tranh của nhân dân Khánh Hòa diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như cuộc vận động thu thập ý nguyện nhân dân gửi phái đoàn điều tra của Chính phủ Mặt trận bình dân ở các thị trấn: Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh, Ba Ngòi và nhiều vùng nông thôn; nhân dân ký tên vào các bản dân nguyện, cử đại biểu kéo về Tỉnh đường, Tòa sứ, đưa dân nguyện xin giảm thuế, miễn thuế, xin đón tiếp Gô-đa...
Tháng 8 năm 1937 diễn ra cuộc tuyên truyền vận động cho nhóm ứng cử viên dân biểu dân chủ vào Nghị viện Trung kỳ, phản đối dự án thuế thân do thực dân Pháp đưa ra, ủng hộ yêu sách của nhóm dân biểu dân chủ. Các cuộc vận động lấy chữ ký chống bắt lính đưa sang Pháp, làm bản "dân nguyện phòng thủ Đông Dương", đòi giảm thuế... đã có tiếng vang trong nhân dân, nhất là ở thị xã Nha Trang, Thành và các thị trấn khác (riêng Nha Trang năm 1938 lấy chữ ký khoảng 300 người).
Thông qua các cuộc vận động "dân nguyện" Đảng tập hợp giáo dục quần chúng, nâng dần khí thế đấu tranh đòi cải thiện dân sinh, đòi tự do dân chủ, chống phản động thuộc địa, ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp, đòi ân xá tù chính trị... Các cuộc đấu tranh này có tác dụng quan trọng đối với phong trào chung trong tỉnh, cho thấy khả năng đấu tranh công khai của quần chúng, và lộ rõ thái độ lúng túng của bọn thống trị.
Qua thử thách ấy, Đảng rút kinh nghiệm, đẩy phong trào đấu tranh của quần chúng lên một mức cao hơn. Những đảng viên cũ, những phần tử tích cực mới xuất hiện được tập họp thành những ban vận động, chia nhau đi tuyên truyền vận động lấy chữ ký đưa yêu sách lên huyện, tỉnh. Hướng đấu tranh ở thành thị và các xí nghiệp, đồn điền là đòi tự do lập nghiệp đoàn, hội ái hữu, đòi tăng lương, bảo đảm ngày làm 8 giờ, một tuần có một ngày nghỉ, chống cúp phạt, chống đuổi thợ, kể cả đuổi viên chức các cơ quan hành chính trong bộ máy thống trị của địch; đòi bỏ thuế thân, giảm thuế chợ, thuế đầm, thuế ghe mành, thuế xe ngựa, xe kéo; giảm thuế môn bài các mặt hàng rượu, thuốc lá, máy may... Ở nông thôn, cuộc vận động chống đồi phong hủ tục, chống tham quan ô lại, cường hào nhũng nhiễu dân, đòi cải cách hương thôn, lập hương ước trở thành phong trào có tính quần chúng kéo dài trong nhiều năm liền.
Đáng chú ý là trong những năm 1936-1937 đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau của công nhân các xí nghiệp và đồn điền. Ngày 25-3-1936, trên 200 công nhân đồn điền cao su Đồng Trăng đình công đòi tên chủ người Pháp là Véc-nơ tăng lương, phản đối cúp phạt, đòi được cấp gạo, giành được thắng lợi, công nhân phấn khởi3. Ngày 26 tháng 6 năm đó, trên 200 công nhân đồn điền cao su Suối Dầu đấu tranh với hình thức lãn công kéo dài một tuần lễ, lúc đầu ở sở cũ sau lan ra sở mới với lý do giờ làm việc nhiều, lương thấp không đủ ăn, không đủ nuôi con. Tiếp đến vào đầu năm 1937 có 3 công nhân (2 ở trại chăn nuôi, 1 cạo mủ) lãn công 3 ngày không thả bò đi ăn, không cắt cỏ cho bò, bị bọn cai đánh đập tàn nhẫn. Lập tức công nhân cạo mủ hưởng ứng lãn công 3 ngày, tiếp theo toàn bộ công nhân trong đồn điền đình công 5 ngày liền. Tên chủ sở phải đứng ra chịu dàn xếp, nhận bồi thường cho người bị đánh và ra lệnh ai đánh công nhân nữa sẽ bị cúp lương. Ở Đồng Trăng vào năm 1937 cũng xảy ra vụ 4 công nhân bị phạt, công nhân toàn đồn điền đình công phản đối, chủ dọa nạt, vẫn không ai đi làm, chủ buộc phải nhận số công nhân đó vào làm việc trở lại.
Ngày 5 tháng 7 năm 1937 công nhân xe lửa Trường Thi (Vinh) bãi công đòi tăng lương, triệt để thi hành Luật Lao động tuần lễ làm việc 40 giờ, đòi tự do nghiệp đoàn. Đến ngày 12 tháng 7 thì toàn thể công nhân xe lửa Nha Trang phối hợp với công nhân xe lửa Sài Gòn, đề-pô Dĩ An hưởng ứng công nhân Trường Thi bãi công đòi tăng lương 15%, đòi lập nghiệp đoàn. Cũng tại Nha Trang, tháng 6 năm ấy diễn ra một cuộc đình công của thợ máy và nhân viên của tất cả các xưởng trong thị xã. Một tài liệu của Sở Mật thám Pháp ghi: "Do có sự bất đồng với chủ, 20 thợ máy và công nhân hãng Bourbon đã đình công, thứ năm ngày 18 tháng 6 diễn ra một cuộc họp gồm thợ máy, nhân viên của tất cả các xưởng Staca, Bourbon, Phú Xuân Long trong thành phố "4.
Ở Cam Ranh lúc này cũng nổ ra cuộc đình công của công nhân mỏ cát Thủy Triều mà bọn thực dân Pháp gọi là "vụ kích động giữa cu-li và cai"5.
Đấu tranh đòi bảo hiểm lao động cũng là một yêu sách chính đáng buộc chủ phải giải quyết, như công nhân, viên chức Sở Cá Cầu Đá, đòi tăng lương, bớt giờ làm, thực hiện chế độ bảo hiểm đối với việc lặn xuống biển thăm dò cá ở mức nước sâu. Công nhân đường sắt ở các hầm Đèo cả, Rù Rì, Rọ Tượng đấu tranh đòi tăng lương cho việc làm nặng nhọc trong hầm, đòi bảo hiểm tai nạn lao động.
Phối hợp với các cuộc đấu tranh của công nhân các xưởng máy, đồn điền, công nhân lao động các Sở Muối cũng nổi dậy đấu tranh. Công nhân lao động Sở Muối Hòn Khói tiếp tục đấu tranh đòi giảm nhẹ hơn nữa mức tô, chống trả kịch liệt những hành vi đánh đập, hà khắc của bọn tay sai của chủ sở, của nhân viên nhà đoan.
Đi đôi với phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân, phong trào đấu tranh của các tầng lớp tiểu thương, tiểu chủ, dân nghèo thành thị cũng dấy lên mạnh mẽ ở nhiều nơi. Ở Chợ Đầm Nha Trang, chợ Dinh Ninh Hòa, chị em tiểu thương đưa yêu sách hạ thuế môn bài, giảm thuế chợ, thuế chỗ ngồi. Trong những tháng cuối năm 1938, đầu năm 1939, các hội tương tế thợ may ở Nha Trang, Chụt (Cửa Bé), ở Ninh Hòa, Vạn Ninh đấu tranh đòi giảm thuế môn bài máy may, đòi qui định giá may từng loại áo quần theo mỗi loại hàng. Đầu năm 1939 liên tục diễn ra những cuộc đấu tranh của giới đánh xe ngựa chống chính sách sung công xe ngựa và ngựa (phục vụ chiến tranh) đòi trả đủ tiền theo thời giá đối với các vật liệu, phương tiện, ngựa bị sung công. Ở Diên Khánh, đứng trước tình hình xe cộ ế ẩm vì xe lửa, xe hơi hút khách, giá cả sinh hoạt đắt đỏ, thuế xe tăng gấp 3 lần (từ 3 đồng lên 9 đồng), Hội ái hữu tương tế của giới xe ngựa được thành lập trước đó, tiếp tục lãnh đạo cả chủ xe và người đánh xe đấu tranh kiên quyết chống sung công xe ngựa và ngựa, kéo nhau đến Tòa sứ đòi giảm thuế. Nhiều cuộc đấu tranh có lý lẽ buộc chính quyền thực dân phong kiến địa phương phải nhượng bộ.
Bên cạnh phong trào đấu tranh có tính chất quần chúng kéo dài trong nhiều năm liền ở nông thôn, các cuộc đấu tranh của ngư dân đòi giảm thuế, chống bóc lột cũng diễn ra liên tục trong thời kỳ này, nổi nhất là các vụ chủ mành ở Cửa Bé, Xóm Cồn, Bình Tân (Nha Trang) đòi giảm thuế mành, đòi trả đủ tiền những chiếc thuyền bị sung công, buộc các quan cai trị địa phương phải nhượng bộ. Anh em thợ đánh cá đòi chủ mành tăng phần cá chia, đòi hủy những món nợ mà lãi quá vốn.
Phong trào đấu tranh của nhân dân Khánh Hòa trong thời kỳ này chứng tỏ: công nhân đấu tranh bền bỉ, liên tục, có những cuộc đấu tranh phối hợp với các địa phương khác thành phong trào lớn như cuộc đình công của công nhân hỏa xa Nha Trang, góp phần tăng cường ý thức đoàn kết thống nhất giai cấp công nhân trong phạm vi cả nước. Giữa công nhân và nông dân có sự liên minh hỗ trợ, tập họp mọi tầng lớp nhân dân, lôi kéo cả chủ mành đánh cá, lý hương tham gia như cuộc đấu tranh chống thuế.
Những cuộc đấu tranh ấy chứng minh khả năng đấu tranh công khai hợp pháp của quần chúng góp phần làm sáng tỏ mục tiêu, phương châm, phương pháp lãnh đạo của Đảng chuyển hướng trong thời kỳ vận động mặt trận dân chủ được đông đảo quần chúng hưởng ứng, bọn thống trị bộc lộ khá rõ nét thái độ lúng túng, bị động, trình độ giác ngộ về sức mạnh đoàn kết tranh đấu của nhân dân được nâng lên.
Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ đế quốc Pháp là một trong những nước tham chiến. Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp bị lật đổ, bọn phát xít lên nắm chính quyền. Ở Đông Dương bọn cầm quyền phản động ráo riết truy lùng các lực lượng cách mạng, trắng trợn khủng bố các chiến sĩ cách mạng và các tổ chức quần chúng của Đảng, thủ tiêu những quyền lợi mà nhân dân đã giành được trong Mặt trận dân chủ Đông Dương. Thời kỳ hoạt động hợp pháp đã chấm dứt. Đảng rút vào hoạt động bí mật, hoạt động không hợp pháp, chuẩn bị cho sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược trong thời kỳ mới, thời kỳ chiến tranh và cách mạng.
Ngày 29 tháng 8 năm 1939, toàn quyền Đông Dương Ca-tơ-ru ra nghị định giải tán các tổ chức nghiệp đoàn, các hội tương tế, ái hữu. Ngày 5 tháng 10 năm đó, Chính phủ bù nhìn Nam Triều ra sắc dụ cấm hội họp, cấm tuyên truyền cộng sản, tịch thu các sách báo tiến bộ, khám xét nhà các "cựu chính trị phạm"...
Ở Khánh Hòa, vào đầu tháng 10-1939, Tỉnh ủy lâm thời triệu tập hội nghị tại một trường học ở Chụt để kiểm điểm tình hình các mặt về phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, về công tác xây dựng tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng. Trước tình hình mới và để thi hành chỉ thị "mau lẹ rút vào bí mật" của Trung ương Đảng, hội nghị Tỉnh ủy bàn kế hoạch chuyển hướng các hoạt động công khai sang bán công khai và bí mật, mở rộng công tác của Đảng đi sâu vào các vùng nông thôn.
Nghị quyết Tỉnh ủy chưa kịp triển khai xuống cơ sở thì tình hình các địa phương diễn biến phức tạp. Vào cuối tháng 10 những cuộc truy lùng của địch diễn ra liên tục, trước tiên là nhiều đồng chí trong cơ quan Ban cán sự Nam Trung bộ ở Tháp Chàm bị bắt. Đồng chí Nguyễn Liên liên lạc của Tỉnh ủy Khánh Hòa với Ban cán sự cũng bị bắt. Kế đó, Tỉnh ủy lâm thời bị vỡ. Các đồng chí Đoàn Bá Thừa, Mai Dương, Võ Đức Thuận bị bắt và một số đồng chí khác cũng bị bắt như Nguyễn Long, Nguyễn Thạnh ở chi bộ Suối Ré... Sau đó Nguyễn Long được thả.
Số đồng chí bị bắt trong vụ vỡ lỡ này, không giam giữ ở nhà lao Nha Trang, vì đã có một số tù chính trị tham gia phong trào ở các tỉnh phía Bắc đã bị giam giữ ở đây. Chúng đưa tất cả những người bị bắt trong vụ này giam giữ tại huyện Vĩnh Xương, sau khi hoàn tất việc khai thác, chúng đưa lên giam riêng ở nhà lao Thành Diên Khánh. Các đồng chí trong Ban cán sự Nam Trung bộ và các đồng chí hoạt động trong ngành hỏa xa, ở đề-pô Tháp Chàm, Đà Lạt cũng đưa về giam chung tại đây chờ ngày ra tòa như: Trần Công Xứng, Nguyễn Hữu Khiếu, Trần Sâm, Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Phê... Giữa năm 1940, chúng đưa ra xử vụ án này. Trước đó, các đồng chí bị giam giữ đã bàn việc đấu tranh chống án. Khi ra trước tòa án Nam Triều của tỉnh Khánh Hòa tại Thành, nhiều đồng chí trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Chi biện hộ bác bỏ những điều buộc tội vô lý làm cho quan tòa lúng túng, nhiều quần chúng đến nghe xử án hoan nghênh. Cuộc đấu tranh này có ảnh hưởng tốt, mức án của nhiều đồng chí trong phiên tòa xét xử này không cao lắm: tù 6 tháng, 9 tháng, trên một năm. Nhưng sau đó tòa chung thẩm tăng án tối thiểu từ 3 năm trở lên và đi đày tại nhà đày Buôn Ma Thuột. Chúng đưa số tù này xuống nhà lao Nha Trang để chờ đi đày.
Trước khi đi đày nổ ra cuộc đấu tranh của các đồng chí bị đi đày chống lại việc nhà cầm quyền đưa đi đày một đồng chí đang bị bệnh thương hàn nặng. Thái độ đấu tranh quyết liệt của anh em ta đòi đưa đồng chí ấy đi bệnh viện được nhiều tù nhân khác ủng hộ, kể cả binh lính, nhân viên nhà lao đồng tình, bọn cầm quyền phải nhượng bộ. Đây là một cuộc đấu tranh trong tù có kết quả trước khi các đồng chí lên đường đến nhà đày Buôn Ma Thuột.
Sau vụ bị vỡ này, Khánh Hòa đứt liên lạc với cấp trên. Trong tỉnh chỉ còn những đảng viên chưa bị lộ và một số cơ sở cách mạng, hoạt động riêng lẻ. Phong trào gặp khó khăn và tạm thời lắng xuống.
* *
*
Phong trào cách mạng Khánh Hòa trong những năm 1936-1939 đã phát triển tương đối rộng khắp, tuy chưa thành lập được mặt trận dân chủ, nhưng phong trào đã phát triển rộng rãi ở khắp thị xã, thị trấn và vùng nông thôn, đi vào các đồn điền, xí nghiệp và công sở của địch. Tinh thần đấu tranh của công nhân và các tầng lớp nhân dân thể hiện tính bền bỉ, liên tục, từ đấu tranh tự phát chuyển dần lên đấu tranh tự giác, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, lấy công- nông làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ. Các tầng lớp nhân dân được huy động ra tranh đấu dưới những hình thức và mức độ khác nhau là những cuộc tập dượt đấu tranh trực diện với địch. Mỗi cuộc vận động đấu tranh đều hướng vào mục tiêu thiết thực, các khẩu hiệu đấu tranh đều nhằm vào các yêu cầu cấp thiết trước mắt của quần chúng. Kết quả là quyền lợi của công nhân, nông dân và các tầng lớp trí thức, học sinh, viên chức, tiểu tư sản, lao động thành thị được thực hiện một phần, có những cải cách dân chủ được duy trì cho đến ngày bùng nổ Cách mạng tháng Tám. Đó là cơ sở để nâng cao giác ngộ cách mạng cho quần chúng, tạo niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Những cán bộ, đảng viên của Đảng luôn luôn đứng ở hàng đầu và đi sát lãnh đạo các cuộc đấu tranh của nhân dân. Trong lúc chưa bắt được liên lạc với cấp trên, một số đồng chí đã dựa vào sách báo công khai của Đảng, tìm hiểu để nắm đường lối, chủ trương của Đảng và kịp thời lãnh đạo quần chúng đứng lên tranh đấu cho đến khi bắt được liên lạc với Xứ ủy và thành lập Tỉnh ủy lâm thời, làm cho ảnh hưởng của Đảng ăn sâu, lan rộng trong nhân dân. Khi phong trào bị khủng bố, tổ chức Đảng bị tan vỡ, một số đảng viên giữ vững khí tiết, kiên cường đấu tranh trong tù, những đảng viên khác còn lại vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi chắp nối lại được với tổ chức. Nhờ đó, về sau các tổ chức Đảng sớm được phục hồi và phát triển trong cuộc vận động giải phóng dân tộc giành chính quyền trong những năm 1940-1945.
___________
1. Về sự hoạt động của ta mà địch nghi ngờ và theo dõi trong thời kỳ này, tài liệu mật thám địch ngày 27-11-1936 viết: "Sau những sự kiện ở nước Pháp và phong trào thợ thuyền diễn ra ở Nam kỳ mới đây, có một sự nhộn nhịp nào đó trong số cu-li các công trường và đồn điền, các tài xế, kiểm soát viên vận tải". Chiều ngày 24-11-1936, có một cuộc họp để nói chuyện chính trị trong một ngôi nhà ở đường Nhà thờ gồm chục viên thư ký và họa sĩ đường sắt Nha Trang, trong đó có các tên khả nghi: Vinh Quang (quê Quảng Trị, thư ký đường sắt Nha Trang), Lê Ngọc Đông (quê Thượng An, tổng Phú Ninh, huyện Phú Vang, Thừa Thiên, nhân viên đường sắt) và Phan Tấn Ích (quê Xuân Giang, Hưng Nguyên, Nghệ An, thợ vẽ đường sắt Nha Trang) và hai người nữa từ Bắc vào bằng ô tô và sẽ đi vào phía Nam bằng đường sắt.
2. Nhóm này có các đồng chí Lê Ngọc Bán (Sáu Bán), Mười Thâm, Mười Đỉnh... tại thị trấn Ninh Hòa do Lý Khuê chủ chốt.
3. Theo báo cáo của tên thanh tra mật thám Champavert số 223-S ngày 28-9-1936 thì "những cu-li đồn điền Đồng Trăng gây chuyện luôn luôn do Đặng Long Châu, người làng Khánh Xuân, phủ Diên Khánh xúi giục".
4. Báo cáo của Thanh tra mật thám Nha Trang ngày 25-6-1936. Bản lưu tại Bộ phận Lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
5. Báo cáo của Thanh tra mật thám Nha Trang tháng 2-1936. Tài liệu trên đây lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Tags:
Tác giả:
Tổng số điểm của bài viết là: 27 trong 6 đánh giá
Xếp hạng: 4.5 - 6 phiếu bầu
- LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH KHÁNH HÒA (1930 - 2005) (31/01/2018)
- Phụ lục 2 (30/01/2018)
- Phụ lục (30/01/2018)
- Kết luận (30/01/2018)
- Chương XVIII - Đảng bộ Khánh Hòa lãnh đạo công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996-2005) (30/01/2018)
- Chương XVII - Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (7/1989 - 1995) (30/01/2018)
- Chương VII - Phong trào nhân dân du kích chiến tranh (1947 - 1949) (30/01/2018)
- Chương VI - Cuộc kháng chiến bắt đầu (23/10/1945 - 12/1946) (30/01/2018)
- Chương V - Xây dựng chính quyền nhân dân và chuẩn bị kháng chiến (8/1945 - 10/1945) (30/01/2018)
- Chương IV - Cuộc vận động giải phóng dân tộc và cách mạng tháng Tám (1940 - 1945) (30/01/2018)