CHƯƠNG XIV
TIẾN LÊN GIẢI PHÓNG TOÀN TỈNH (1/1973 - 4/1975)
CHIẾN TRANH VẪN TIẾP DIỄN
Hiệp định Pa-ri được ký tắt ngày 23-1-1973 giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đại diện cho Việt Nam dân chủ cộng hòa và tiến sĩ Hen-ri Kít-xing-giơ, đại diện cho Hoa kỳ và được ký chính thức ngày 27-1-1973, giữa các bên tham gia Hội nghị Pa-ri về Việt Nam. Theo Hiệp định, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, cam kết tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, chấm dứt dính líu quân sự và can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam... Các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam giữ nguyên lực lượng và thế bố trí trên các địa bàn chiến lược.
Ngày 29-3-1973, bộ chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ, rút đơn vị cuối cùng quân viễn chinh Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Song đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố bám lấy 'học thuyết Ních-xơn" và chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh", tiếp tục sử dụng ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ của Mỹ, âm mưu đặt toàn bộ miền Nam Việt Nam dưới ách thống trị thực dân mới của Mỹ, chia cắt lâu dài nước ta.
Ngay sau ngày Hiệp định Pa-ri ký kết Nguyễn Văn Thiệu công khai tuyên bố: "Không có hòa bình, không có ngừng bắn, không có giải pháp chính trị, không có tổng tuyển cử". Như vậy là ngụy quyền Sài Gòn rắp tâm phá hoại Hiệp định Pa-ri. Chiến tranh vẫn tiếp diễn.
Từ trước khi Hiệp định Pa-ri được ký kết (27-1-19730), trên địa bàn Khánh Hòa có tới trên 2 vạn lính Mỹ, chủ yếu tập trung ở Nha Trang và quân cảng Cam Ranh, 14.000 lính chư hầu Nam Triều Tiên (sư đoàn Bạch Mã và đơn vị 100 hậu cần Nam Triều Tiên) và gần 15.000 lính ngụy gồm đủ các binh chủng và lực lượng địa phương quân. Từ khi quân Mỹ và chư hầu rút đi, quân ngụy được tăng cường đông thêm. Trước ngày giải phóng toàn tỉnh, các lực lượng vũ trang ngụy lên tới 58.245 tên, bao gồm 16.650 lính cộng hòa (quân chủ lực), 5.138 lính bảo an, 2.665 lính nghĩa quân, 3.880 cảnh sát, 31.600 lính phòng vệ dân sự (một nửa trong số đó được trang bị vũ khí).
Riêng ở huyện Ninh Hòa, các lực lượng vũ trang địch còn khá mạnh, gồm 1 tiêu đoàn hoạt động vùng biển, 1 đại đội bảo vệ an ninh đèo Dốc Cao (Dốc Đất), 39 trung đội nghĩa quân, 1 trung đội pháo 105 ly, 20 phân chi khu, một bộ chỉ huy quân sự và 20 cuộc cảnh sát quốc gia, 1 trung đội cảnh sát dã chiến, 152 cán bộ phong trào nông thôn, 70 liên đoàn nhân dân tự vệ gồm 6.324 tên.
Từ khi Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, tại Khánh Hòa chưa có một ngày hòa bình. Uỷ ban Liên hợp quân sự bốn bên của tỉnh được thành lập. Phía ta có 4 đồng chí do đồng chí Trịnh Kim phụ trách quân sự, đồng chí Bùi Hồng Thái phụ trách chính trị, kiêm bí thư chi bộ. Uỷ ban đã trao đổi nhiều phiên với địch tại Khánh Hòa về vấn đề trao đổi tù binh. Đồng thời luôn theo dõi, bám sát tình hình để phản ánh với Đoàn Liên hiệp bốn bên của Trung ương, nhằm đấu tranh buộc địch phải thi hành Hiệp định.
Ngụy quân, ngụy quyền điên cuồng phản kích lấn chiếm lại các vùng bị mất trước ngày 26-1-1973. Chúng tập trung binh lực đánh phá những nơi có phong trào cách mạng phát triển khá, tiến hành bình định, tố cộng, bắt bớ, giam cầm hàng trăm quần chúng cơ sở nông thôn, đô thị; cày ủi, phát quang nhiều vùng giáp ranh, lập thêm khu dồn dân ở Đại Lãnh, mở nhiều cuộc hành quân quy mô từ trung đội đến tiểu đoàn đánh phá các vùng căn cứ. Đồng thời chúng tăng cường củng cố bộ máy tề điệp thôn, xã đưa bọn sĩ quan cảnh sát người địa phương về xã, trung úy làm xã trưởng, thiếu úy làm xã phó, thượng sĩ làm ấp trưởng. Ở xã Ninh Diêm (Ninh Hòa) 1, cuộc cảnh sát năm 1973 có 7 tên, sang đầu năm 1974 tăng lên 14 tên.
Ngoài những hoạt động quân sự lấn chiếm, giành dân, đánh phá các vùng căn cứ của ta, vi phạm trắng trợn những điều khoản của Hiệp định Pa-ri, địch còn tìm mọi cách bao vây kinh tế ta, đánh phá các cửa khẩu, tổ chức mạng lưới gián điệp dày đặc, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa một số người hám lợi khai thác hàng ở vùng ta kiểm soát, nhất là lâm đặc sản và gỗ qúy để cung cấp cho chúng.
Những thất bại liên tiếp có ý nghĩa chiến lược trên chiến trường, trong bàn Hội nghị đã làm suy sụp một bước nghiêm trọng ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Các chính giới ở Mỹ đều thấy rõ là Mỹ không thể thắng trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Vì những lý do đó, chính phủ Mỹ không còn tích cực viện trợ kinh tế, tài chính và quân sự cho ngụy quyền Sài Gòn như trước, mà phải giảm dần viện trợ cho chính quyền Thiệu. Trong tài khóa năm 1972-1973, Mỹ viện trợ cho ngụy 2.166 triệu đô la về quân sự, tài khóa năm 1973-1974 còn 964 triệu và tài khóa 1974-1975 chỉ còn 700 triệu đô la. Nguyễn Văn Thiệu kêu gọi quân đội ngụy phải tác chiến "theo kiểu nhà nghèo".
Để bù vào khoản thiếu hụt ngân sách do chính phủ Mỹ cắt giảm viện trợ, ngụy quyền Thiệu tăng cường bóc lột nhân dân bằng tăng mức các loại thuế cũ, đặt ra nhiều loại thuế mới, vơ vét thóc gạo... Kết quả là giá cả tăng vọt, ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân. Tinh thần nhân dân trong vùng địch kiểm soát hết sức căng thẳng.
Ở nông thôn, bọn tề ngụy ở thôn xã và cảnh sát kìm kẹp, kiểm soát sợ đồng bào tiếp xúc với cán bộ kháng chiến nên ngăn cản không cho tự do làm ăn. Năm 1974 nắng hạn kéo dài, sâu bệnh phát triển, nhân dân không có tiền mua thuốc trừ sâu, hậu quả là vụ mùa năm 1974 bị mất nặng. Ở một số vùng như Đồng Nhơn, Thái Thông, Thủy Tú, Phú Vinh, Phú Nông (thuộc huyện Vĩnh Xương), phần lớn nông dân bị đói, phải đi đào củ mài, củ chuối, ăn rau cháo đắp đổi qua ngày chờ vụ thu hoạch tới.
Ngư dân ở các xã ven biển Nha Trang, Ninh Hòa, Vạn Ninh bị địch kiểm soát chặt chẽ không cho đi làm biển xa. Năm 1974 biển lại mất mùa cá nên đời sống ngư dân sa sút hẳn.
Đời sống của các tầng lớp lao động thành thị gặp nhiều khó khăn do giá cả leo thang đắt đỏ. Trên thị trường, hàng hóa nhập ngoại đầy ắp nhưng người lao động vẫn thiếu đói, vì không có tiền mua. Mỹ rút đi, vàng và đồng đô-la tăng giá, tiền ngụy sụt giá nghiêm trọng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị đình trệ, sức mua của dân giảm sút rõ rệt. Trong khi đó bọn viên chức cao cấp trong ngụy quyền Sài Gòn, bọn tướng tá ngụy giàu lên mau chóng nhờ buôn lậu, tham ô công qũy, hàng viện trợ Mỹ, hình thành một tầng lớp qúy tộc, tư sản mại bản quan liêu, quân phiệt và phát xít tàn bạo, có quyền lợi kinh tế, chính trị gắn chặt với đế quốc Mỹ.
Một bộ phận khác trong dân cư cũng bị thải ra ngoài lề cuộc sống cộng đồng từ khi Mỹ và quân chư hầu rút khỏi miền Nam. Đó là những người lao động làm trong các sở Mỹ, hoặc làm các nghề dịch vụ phục vụ binh sĩ Mỹ và chư hầu.
Trong hoàn cảnh đó, cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp diễn ra hết sức ác liệt. Bọn Mỹ-ngụy thì cố hết sức thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, biến miền Nam nước ta thành một "quốc gia" riêng biệt, thân Mỹ, chia cắt lâu dài đất nước ta. Còn các lực lượng yêu nước kháng chiến, chiếm tuyệt đại đa số trong dân cư miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta quyết tâm vươn lên đánh đổ hẳn ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, tay sai của Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.
Khánh Hòa cùng nhân dân toàn miền Nam lại bước tiếp trên đường trường chinh chống Mỹ-ngụy giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.
CHIẾN DỊCH CHỐNG LẤN CHIẾM, BẢO VỆ CĂN CỨ, XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG
Trước ngày lệnh ngừng bắn có hiệu lực, các lực lượng chính trị và quân sự của ta bám sát các địa bàn đồng bằng, tiến công chiếm lĩnh hàng chục thôn xã. Nhiều cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang ta mưu trí, dũng cảm linh hoạt đánh địch quyết liệt suốt ngày, bẻ gãy nhiều cuộc tiến công phản kích của địch, giữ vững những thôn ta làm chủ và tranh chấp trước đây. Nhưng bước sang giai đoạn đấu tranh mới, tình hình diễn biến phức tạp, ngụy quyền Thiệu vi phạm trắng trợn Hiệp định Pa-ri, hành quân lấn chiếm lại những vùng đã mất trước ngày 26-1-1973. Trước tình hình đó, trong cán bộ, nhân dân có những băn khoăn, lo lắng, cho rằng sau 18 năm chống Mỹ gian khổ, ký kết được hiệp định hòa bình rồi mà cán bộ còn ở trên núi, chiến tranh vẫn kéo dài, đối phương vẫn ngang nhiên nổ súng, ta thì không được chống trả. Tỉnh ủy đã tiến hành nhiều biện pháp quan trọng nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân quán triệt lập trường quan điểm của Trung ương Đảng theo tinh thần của Hiệp định Pa-ri, thấy được thắng lợi to lớn của ta và thất bại chiến lược của địch. Các đợt sinh hoạt chính trị được tiến hành trong nội bộ Đảng và lực lượng vũ trang. Tỉnh ủy trực tiếp chủ trì đợt sinh hoạt chính trị cho hơn 100 cán bộ cốt cán vùng địch hậu, trong đó 2/3 là cán bộ trung, sơ cấp.
Các quan điểm, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, nhất là chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc thâm nhập vào quần chúng. Pháp lý của Hiệp định Pa-ri được vận dụng trong các đợt đấu tranh đòi được tự do đi lại làm ăn, làm ruộng rẫy hoang hóa ở ven rừng, đi làm biển, đấu tranh đòi hạ giá sinh hoạt đắt đỏ... Đồng bào vừa dùng lý lẽ đấu tranh, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của binh sĩ và tề xã ấp. Trước áp lực chính trị của quần chúng bọn địch phải nhượng bộ. Đồng bào được tự do đi lại làm ăn, cán bộ có cơ hội tiếp xúc nhân dân giáo dục chính sách, xây dựng lực lượng.
Do tư tưởng chán ngán chiến tranh phi chính nghĩa, dao động trước việc Mỹ rút quân và giảm dần viện trợ, lại được cán bộ ta thâm nhập chính sách và giáo dục thuyết phục, nên từ sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, số binh sĩ ngụy đào, rã ngũ càng đông, được nhân dân bảo vệ và tề ngụy đồng tình. Các chức sắc phật giáo tích cực hoạt động theo hướng hòa giải và hòa hợp dân tộc. Phong trào thị xã Nha Trang phát triển. Hội "Sao Việt" lực lượng chủ yếu là thanh niên, học sinh, giáo viên, phật tử do đảng viên ta và cơ sở làm nòng cốt, ra báo Sao Việt, lập ra các "Uỷ ban đòi thi hành Hiệp định Pa-ri", "Uỷ ban đòi cải thiện chế độ lao tù", "Uỷ ban phụ nữ đòi quyền sống". Mỗi tổ chức tập hợp một số hội viên hoạt động hợp pháp làm nòng cốt cho các cuộc đấu tranh chính trị công khai ở thị xã Nha Trang và có liên hệ với các phong trào đấu tranh chính trị ở Sài Gòn. Ban cán sự nội thị tập hợp số cán bộ kháng chiến cũ, các nhân sĩ, trí thức có tâm huyết, tranh thủ các tầng lớp trên có tinh thần dân tộc trong phe đối lập với ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu, liên hệ với công nhân trong các nghiệp đoàn lớn, hình thành một số tổ vũ trang và tự vệ mật, xây dựng thêm 3 chi bộ đảng, 3 chi đoàn thanh niên, đào tạo thêm một số cán bộ hợp pháp.
Trong thời gian này, ta tập trung xây dựng vùng căn cứ và giáp ranh bước đầu thu được kết quả tốt. Ở đây mức độ chiến tranh giảm bớt; những cuộc ném bom rải thảm của máy bay chiến lược B52, chất độc hóa học, càn quét lớn của địch không còn nữa. Đồng bào Hòn Dù (xã Khánh Minh) tích cực làm ruộng nước ở vùng Suối Lau, Suối Lách, đắp đập Suối Lau ở xã Khánh Minh, đập Pa Cẳng ở xã Khánh Bình.
Mậu dịch giữa vùng ta vùng địch được khai thông, mặc dù địch ra sức ngăn chặn, bao vây, phá hoại nhưng muối, vải và các thứ nhu yếu phẩm khác từ vùng địch vẫn được đưa vào vùng ta để đổi lấy gỗ và các lâm sản khác. Cơ sở của ta đã mua hàng chục tấn muối, hàng ngàn mét vải, được đồng bào mang về vùng căn cứ Đá Bàn. Đồng thời, đồng bào vùng căn cứ còn lên đường mòn Hồ Chí Minh (Đắc Lắc) mang về hàng chục tấn gạo, muối, hàng chục ngàn mét vải do Trung ương chi viện cho chiến trường Khánh Hòa. Bao nhiêu năm chiến đấu nay mới có những hạt muối, mét vải đầy tình nghĩa này. Nhưng niềm vui sướng hơn cả là con đường giao thông vận chuyển giữa căn cứ kháng chiến của tỉnh với Khu và Trung ương được thông suốt.
Do kinh tế được mở ra và được sự chi viện của trên, lần đầu tiên nạn "đói, đau, lạt, rách" dai dẳng đối với các căn cứ kháng chiến và đồng bào các dân tộc bước đầu được giải quyết. Tỉnh ủy đã cứu trợ cho dân 5 tấn muối và 1.200 mét vải, các bệnh dịch được dập tắt kịp thời. Các trạm xá và đội y tế lưu động khám bệnh và thu dung điều trị trên 2.000 người. Công tác văn hóa, giáo dục có nhiều tiến bộ.
Bộ đội địa phương và du kích vùng căn cứ mở Hội nghị nhân dân du kích chiến tranh. Mạng lưới an ninh được xây dựng đến cơ sở. Ở vùng giáp ranh, nhất là ở các khu vực trọng điểm, các lực lượng vũ trang hình thành thế đứng thích hợp, bảo đảm cơ động đánh địch và bảo vệ vững chắc vùng căn cứ.
Tháng 2-1973, 20 chiến sĩ huyện thị đội Vĩnh-Trang đã tiến đánh địch ở thôn Võ Kiện, An Ninh, quầng nhau với địch cả ngày, diệt được 17 tên địch, đứng chân làm chủ một ngày, sau đó địch tập trung lực lượng phản kích, ta rút quân bảo toàn lực lượng. Tháng 5-1973, lực lượng vũ trang huyện Vạn Ninh đánh lui cuộc càn của 1 tiểu đoàn địch vào căn cứ Xuân Sơn, kết hợp nổ mìn ở Lỗ Bèo diệt và làm bị thương 17 tên.
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ BẢY
Ngày 8-10-1973, Đại hội đại biểu toàn Đảng bộ lần thứ bảy được triệu tập tại Hòn Dù, thuộc xã Khánh Minh. Đại hội nhận định: từ khi ký Hiệp định Pa-ri địch vẫn điên cuồng tiếp tục chiến tranh gây cho ta nhiều khó khăn. Trong thời gian sắp tới, chúng sẽ tiếp tục phá hoại Hiệp định Pa-ri, huy động mọi lực lượng quân sự, chính trị, kinh tế đánh phá với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt hơn nữa.
Tuy nhiên địch có nhược điểm rất cơ bản là tinh thần ngụy quân, ngụy quyền sa sút nghiêm trọng: chán ghét chiến tranh, muốn hòa bình, mâu thuẫn nội bộ ngày càng tăng, (giữa các phe phái với Thiệu, giữa bọn ác ôn ngoan cố, hiếu chiến với đa số binh sĩ muốn hòa bình); chính trị không ổn định; bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh ngày càng lộ rõ, viện trợ Mỹ tiếp tục giảm, vật giá leo thang, gạo thóc khan hiếm, thất nghiệp tràn lan.
Về phía ta, các mặt công tác triển khai tương đối tốt, mở ra nhiều khả năng mới. Quần chúng vùng căn cứ sôi nổi bước vào đợt thi đua xây dựng mọi mặt vững mạnh, thành hậu phương trực tiếp cho phong trào đồng bằng, sẵn sàng đánh bại địch trong mọi tình huống.
Cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và đồng bào toàn tỉnh đã trải qua đấu tranh thử thách và trưởng thành có truyền thống đoàn kết tự lực, tự cường, quyết tâm kháng chiến, có sự chỉ đạo trực tiếp và chi viện của cấp trên.
Khó khăn lớn nhất của ta là ở đồng bằng chưa có vùng giải phóng. Vùng làm chủ và vùng tranh chấp còn hẹp. Thực lực chính trị, vũ trang hợp pháp và bất hợp pháp còn thiếu và yếu. Cơ sở đảng ở vùng địch tạm chiếm còn quá hẹp, vùng chưa có cơ sở cách mạng còn nhiều. Nguồn bổ sung nhân lực chưa mở ra được. Việc cung cấp vật tư, vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men, phục vụ chiến đấu còn rất hạn chế, chưa đảm bảo.
Nghị quyết Đại hội chỉ rõ:
"Dựa vào nhiệm vụ của Khu, căn cứ vào tình hình trong tỉnh, nhiệm vụ của Đảng bộ sắp tới là động viên nỗ lực của toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân trong tỉnh bằng 3 mũi giáp công đánh bại lấn chiếm bình định, tố cộng của địch, giữ vững vùng ta, khôi phục lại thế làm chủ (vùng làm chủ và tranh chấp cũ) mở rộng diện lỏng kèm, giành dân, giành quyền làm chủ, phát triển phong trào và lực lượng cách mạng ở vùng địch (kể cả thị xã, thị trấn).
Trên cơ sở nhiệm vụ chung đó, Đại hội đã vạch ra những nhiệm vụ cụ thể về giành, giữ dân, về công tác quân sự, công tác đấu tranh chính trị và binh vận, công tác xây dựng Đảng, công tác thành thị, công tác xây dựng vùng căn cứ.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, cần phải nắm vững và vận dụng đúng đắn phương châm:
"Đẩy mạnh đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự, binh vận, nắm vững phương châm ba vùng chiến lược để đấu tranh chống địch giành dân, giành quyền làm chủ".
Đó là những kinh nghiệm lớn đã được đúc kết qua 18 năm chống Mỹ, cứu nước. Trong tình hình mới, với những đặc điểm mới cần ra sức nghiên cứu để vận dụng sáng tạo, đạt kết quả mong muốn.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ mới gồm 23 đồng chí, do đồng chí Võ Cứ, Quyền Bí thư Tỉnh ủy. Đại hội cử đoàn đại biểu của tỉnh đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Khu V lần thứ 3 gồm 11 đồng chí do đồng chí Bùi Hồng Thái, Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn.
GIẢI PHÓNG TOÀN TỈNH
Sau Đại hội, cuộc họp của Tỉnh ủy ngày 17-10-1973, tại Suối Gộp, rừng Dầu đã thảo luận và quán triệt Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng, phân tích âm mưu của Mỹ-ngụy sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, làm rõ những thủ đoạn ngoan cố, lật lọng của chúng, Nghị quyết của Trung ương Đảng xác định:
"Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng, bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối tiến công và chỉ đạo linh hoạt, đưa cách mạng miền Nam tiến lên".
Tinh thần cơ bản của Nghị quyết là kiên quyết tiến công và phản kích địch cho đến khi giành lại được thắng lợi hoàn toàn.
Dưới ánh sáng của Nghị quyết lịch sử đó, Tỉnh ủy chỉ đạo phong trào chuyển biến lên một bước mới, quyết tâm bám địa bàn, mở rộng thế làm chủ, lỏng kèm, hồi phục phong trào trở lại tình hình trước ngày 28-1-1973. Trong lực lượng vũ trang có nhiều diễn biến tốt. Ngày 15-4-1974, một bộ phận của tiểu đoàn đặc công 407 tiến công sân bay Nha Trang, đánh trúng kho đạn nổ suốt đêm. Tháng 7-1974, các đơn vị đặc công lại đánh chìm 2 tàu chở trên 12.000 tấn, đốt cháy 400.000 lít xăng dầu tại khu Liên hợp hậu cần Cam Ranh.
Các con đường giao thông từ đường mòn Hồ Chí Minh về đến căn cứ của tỉnh được mở rộng, có những đoạn đường trước đây chỉ vận chuyển được bằng sức người, gùi, cõng, nay có thể đi xe thồ, như các con đường từ Thác Trại đến Gộp chữ U, dưới chân Hòn Bà (Diên Khánh), đường từ buôn Tang Rang đến Hòn Khoai. Tháng 12-1974, hơn 500 đồng bào các huyện miền núi, đã đào đắp mở rộng con đường từ Tang Rang đến Cà Thiêu cho xe đạp thồ hàng đi được.
Nhờ các con đường này, hàng của Trung ương từ hậu phương lớn miền Bắc và của Khu chi viện cho chiến trường Khánh Hòa vận chuyển được thuận tiện, an toàn. Vũ khí và các nhu yếu phẩm khác do cấp trên chi viện trong thời gian sau Hiệp định Pa-ri đến với Khánh Hòa đều qua các con đường mới mở này.
Tình hình chung trong toàn miền phát triển thuận lợi. Năm 1974, nhất là những tháng cuối năm, quân ta tiến công địch liên tục ở Trị Thiên, Khu V, Tây Nam bộ và vùng ven Sài Gòn - Gia Định. Đặc biệt, chiến thắng Thượng Đức (7-8-1974) ở ngay cửa ngõ Đà Nẵng, cùng với một loạt chiến thắng ở Minh Long, Giá Vụt, Tống Lê Chân, đã có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình Khánh Hòa.
Từ ngày 12 đến ngày 22-12-1974, Tỉnh ủy họp phiên mở rộng tại căn cứ Hòn Dù. Hội nghị vạch rõ:
"Trong thời gian nhất định phải nỗ lực đánh bại một bước quan trọng kế hoạch bình định lấn chiếm của địch, tạo cho được thế mới, một bước chuyển biến ở thôn xã, tạo nên một sự thay đổi về so sánh lực lượng và cục diện chiến trường có lợi cho ta, không lợi cho địch, trên cơ sở đó tranh thủ thời cơ tiến lên giành thắng lợi lớn hơn với chất lượng cao hơn".
Thực hiện các phương hướng chỉ đạo trên đây là nỗ lực tạo ra thế mới và lực mới, đón thời cơ trong thời gian sắp tới.
Vào mùa Xuân năm 1975, trên chiến trường Khánh Hòa, so sánh lực lượng giữa ta và địch còn rất chênh lệch. Về mặt quân số, địch hiện có trên 58 ngàn quân gồm đủ các binh chủng. Về trang bị hỏa lực và phương tiện chiến tranh, ngụy quyền tiếp thu toàn bộ vũ khí và vật tư kỹ thuật do quân Mỹ và quân chư hầu Nam Triều Tiên để lại, chưa kể số được viện trợ thêm từ năm 1972. Chúng còn làm chủ toàn bộ các thị xã, thị trấn, thị tứ, các trục đường giao thông chiến lược. Phần lớn vùng đồng bằng và ven biển đông dân, nhiều của cũng do địch khống chế. Trong khi đó lực lượng ta là hai tiểu đoàn bộ binh, hai tiểu đoàn đặc công, hai đại đội pháo, một đại đội thông tin, một đại đội công binh, một đại đội vận tải, một đại đội bộ binh người dân tộc ở vùng căn cứ. Ở các huyện có một trung đội tăng cường nhưng quân số không đủ, tổng số có khoảng trên 1.500 người.
Lực lượng tự vệ và du kích ở phường, xã cũng rất ít, tổng số chưa đến 100 người (chưa kể miền núi). Số lượng đảng viên ở các xã thôn đồng bằng 74 người, có 35 đoàn viên thanh niên và 1.080 cơ sở quần chúng, 81 thôn có cơ sở, 61 thôn đứt liên lạc, 108 thôn không có cơ sở.
Tình hình khó khăn dai dẳng ở chiến trường Khánh Hòa là lực lượng bổ sung không bù kịp số bị tiêu hao, nhưng lực lượng vũ trang, chính trị của tỉnh đã tồn tại trong gần 20 năm chống Mỹ, cứu nước, đã xây dựng được ba thứ quân, hoạt động ở khắp ba vùng chiến lược và xây dựng được căn cứ miền núi vững mạnh.
Trong các thời kỳ của cuộc chiến tranh giải phóng quân và dân Khánh Hòa đều làm tốt nhiệm vụ đánh phá một hậu phương có ý nghĩa chiến lược của địch, gây trở ngại, làm đình trệ việc quân viện và cung ứng, tiếp tế xuất nhập khẩu từ cảng Nha Trang, quân cảng Cam Ranh. Quân và dân Khánh Hòa còn tiến công, phản kích tiêu hao sinh lực địch, cản chân lực lượng quân sự của chúng, không cho phân tán quân viện đến các chiến trường khác, nhất là chiến trường Nam Tây Nguyên. Trong nhiều trường hợp, địch phải điều lực lượng từ nơi khác về Khánh Hòa để tăng cường giữ hậu phương.
Xét trên phương diện đó, có thể khẳng định quân và dân Khánh Hòa đã làm tốt nhiệm vụ kìm chân địch, hỗ trợ có hiệu quả cho các chiến trường khác trong khu. Chính vì thế, Khánh Hòa đang ở trong cái thế và lực, hễ có thời cơ là xông lên đánh địch, giành thắng lợi quyết định.
Những nét cơ bản của thời cơ đó hình thành từ sau Hiệp định Pa-ri, đế quốc Mỹ đã thua, buộc phải rút quân. Quân ngụy bị mất chỗ dựa đang ngày càng suy yếu. Việc chạy đua với thời gian để tạo ra thời cơ, nắm bắt thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam càng trở nên cấp thiết.
Từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng. Trong lúc hội nghị đang họp thì ngày 6-1-1975, ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, miền Đông Nam bộ. Sau trận Thượng Đức (ngày 7-8-1974) ở phía Tây tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trận giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, cắm một cái mốc nữa phơi bày rõ cái thế suy yếu của Mỹ. Lúc đầu đế quốc Mỹ hùng hổ đòi can thiệp, dọa ném bom miền Bắc trở lại, nhưng cuối cùng Sơ-le-sin-giơ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố: "Đây chưa phải là cuộc tiến công ồ ạt của miền Bắc Việt Nam". Đại sứ Mỹ Ma-tin ở Sài Gòn thì nói với Nguyễn Văn Thiệu: "Việc ủng hộ của Mỹ lúc này chưa được phép". Rõ ràng là Mỹ đang ở trong cái thế, một khi đã rút quân khỏi Việt Nam thì khó mà trở lại được.
Ngày 8-1-1975, hai ngày sau chiến thắng Phước Long, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng kết luận cuộc thảo luận của Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng:
"Hội nghị chúng ta rất phấn khởi, nhất trí cao. Lần này có các đồng chí ở Nam bộ và Khu 5 ra. Tình hình đã sáng rõ. Chúng ta quyết tâm hoàn thành kế hoạch hai năm. Đánh mở ra ở Buôn Ma Thuột và Tuy Hòa. Khu V giải phóng từ Bình Định trở ra. Trị-Thiên thì phải làm chủ từ Huế đến Đà Nẵng.
Thắng lợi lớn như vậy sẽ làm so sánh lực lượng thay đổi lớn... Ta đánh mạnh địch có nguy cơ tan rã lớn...".
Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm 1975-1976. Đồng thời Bộ Chính trị cũng chỉ rõ phải có kế hoạch lợi dụng thời cơ, chuẩn bị một phương án khác là:
"Nếu có thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975".
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, lực lượng chủ lực mở chiến dịch qui mô lớn, tập trung chủ yếu vào khu vực Nam Tây Nguyên, đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột.
Ở chiến trường đồng bằng, ta mở chiến dịch Xuân-Hè, tập trung 2/3 chủ lực của Quân khu V, ở hướng Tây Quảng Nam, Tây-bắc Quảng Ngãi.
Phối hợp với các chiến dịch tiến công của chủ lực, các tỉnh phát huy thế tiến công của chiến tranh nhân dân, tiêu diệt một số cứ điểm then chốt trong hệ thống kìm kẹp của địch, diệt một số tiểu đoàn bảo an đi giải tỏa, kết hợp với quần chúng nổi dậy, bứt rút, bức hàng các cứ điểm khác, giải phóng từng khu vực, đồng thời hoạt động mạnh ở vùng sâu, trong các đô thị, đánh phá sân bay, kho tàng, cắt đứt giao thông.
Trong những ngày giáp Tết Ất Mão (đầu tháng 2 năm 1975), theo điện của Khu ủy V, đồng chí Bùi Hồng Thái, Thường trực Tỉnh ủy, được cử lên Đắc Lắc, Tây đường 14 gặp Thường vụ Khu ủy. Đồng chí Phó bí thư Khu ủy truyền đạt cho đồng chí Bùi Hồng Thái Chỉ thị của Thường vụ Khu ủy với nội dung như sau:
"Phối hợp chặt chẽ với chiến trường Tây Nguyên, toàn tỉnh tập trung lực lượng để giải phóng Bắc Khánh, từ đường 21 trở ra, còn Nam Khánh hoạt động mạnh để cản địch, hỗ trợ cho chiến trường trọng điểm của tỉnh".
Giữa tháng 2-1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp cấp tốc tại Hòn Mưa (Vĩnh Khánh). Các đồng chí trong Ban Thường vụ đã thảo luận sôi nổi, bàn biện pháp thực hiện chỉ thị của Khu ủy. Hội nghị nhất trí phân công trách nhiệm lãnh đạo cho các đồng chí như sau:
Các đồng chí Bùi Hồng Thái, Nguyễn Tiến Thanh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ở lại cơ quan Tỉnh ủy theo dõi chung và trực tiếp phụ trách Nam Khánh. Các đồng chí đã triệu tập các huyện Cam Ranh, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thị xã Nha Trang để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Khu ủy, Nghị quyết của Tỉnh ủy và chuẩn bị tốt mọi mặt để phối hợp giải phóng các huyện.
Các đồng chí Võ Cứ, Quyền Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Triết Giang, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy hình thành Ban chỉ huy tiền phương Bắc Khánh Hòa tại căn cứ Đá Bàn (vắng đồng chí Nguyễn Ngọc Hoanh - Uỷ viên Thường vụ, Chỉ huy trưởng Tỉnh đội đang đưa bộ đội đi tập huấn). Ban chỉ huy đã triệu tập cán bộ hai huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh để truyền đạt Nghị quyết của Tỉnh ủy và bàn phương án tranh thủ chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên, phối hợp với lực lượng tập trung của tỉnh để giải phóng các huyện.
Đồng chí Nguyễn Hồng Châu (tức Năm Phổ), Khu ủy viên được phân công tăng cường chỉ đạo Khánh Hòa cũng lên đường đến Bắc Khánh và cùng làm việc với các đồng chí trong Ban chỉ đạo tiền phương cơ quan tại căn cứ Đá Bàn.
Hầu hết các đồng chí Tỉnh ủy viên phụ trách các ngành được phân công ưu tiên cho cánh Bắc.
Trận đánh mở đầu của quân chủ lực ta tại Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975 đã thu được thắng lợi vang dội. Đó là đòn điểm trúng huyệt làm rung chuyển quân địch trên khắp miền Nam. Ngày 14-3-1975, bọn đầu sỏ ngụy quyền, ngụy quân, gồm Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên ra Cam Ranh gặp Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân khu 2, chúng quyết định rút bỏ Tây Nguyên, co lực lượng về giữ đồng bằng và ven biển. Ngày 15-3, Sở chỉ huy Quân đoàn 2 rút chạy bằng máy bay từ Plei-ku về Nha Trang. Cùng ngày toàn bộ quân địch ở các chiến trường Tây Nguyên rút chạy.
Mấy ngày sau trận đánh lớn Buôn Ma Thuột, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận được điện của Khu ủy tập trung hoạt động mạnh tại Cam Ranh, Nha Trang để gây sức ép hỗ trợ cho Bắc Khánh Hòa và chiến trường chung. Chưa đến một tuần sau đó, Tỉnh ủy lại nhận được điện khẩn của Khu ủy tập trung lực lượng vũ trang của tỉnh vào phía Nam để giải phóng Nha Trang.
Tình hình diễn biến rất nhanh chóng, nhiệm vụ hết sức khẩn trương, nhưng lực lượng vũ trang cơ động của tỉnh do đồng chí Nguyễn Ngọc Hoanh - Tỉnh đội trưởng trực tiếp chỉ huy. Thiếu khẩn trương chuyển quân đến địa bàn trọng điểm Bắc Khánh, khi hành quân vừa đến nơi thì tình hình đã phát triển thuận lợi, Quân khu đã chuyển hướng hoạt động, điều động lực lượng về giải phóng Nha Trang và Nam Khánh. Lực lượng vũ trang chuyển quân theo đường rừng nên về đến nơi thì Nam Khánh đã hoàn toàn giải phóng.
Trên đà tấn công, quân chủ lực của ta giải phóng Khánh Dương và hành quân theo đường 21 tiến công Dục Mỹ xuống Ninh Hòa.
Lực lượng địch tại quận lỵ Khánh Dương, nằm trên quốc lộ 21 là một tập đoàn cứ điểm mạnh, bảo đảm con đường tiếp vận hậu cần thông suốt từ Cam Ranh - Nha Trang đến Nam Tây Nguyên, đồng thời đó cũng là cửa ngõ vào Khánh Hòa, Nha Trang sau những biến động lớn ở Tây Nguyên. Vì vậy, trước khi đánh Buôn Ma Thuột, ngày 5-3-1975, trung đoàn bộ binh 25 của ta cắt đứt quốc lộ 21 ở đoạn Chư Cúc (Tây Khánh Dương). Địch ra sức giải tỏa quốc lộ 21.
Chúng tăng cường cho Khánh Dương một chiến đoàn gồm hai tiểu đoàn ở tiểu khu Ninh Thuận, một chi đoàn thiết vận, 10 khẩu 105 ly và hai khẩu 155 ly. Tiểu khu Khánh Hòa có mặt ở đó một liên đoàn địa phương quân, nhưng tinh thần binh lính đã rệu rã, không còn sức chiến đấu. Mặt trận Khánh Dương bị quân ta chọc thủng. Ngày 22-3, quận lỵ Khánh Dương được giải phóng. Tình hình đó uy hiếp trực tiếp và rất mạnh toàn bộ quân địch tại Nha Trang - Khánh Hòa. Chúng tăng cường bố trí lại lực lượng, chủ yếu là tuyến phòng thủ Tây Ninh Hòa, trên trục đường 21, từ đèo Phượng Hoàng đến căn cứ Dục Mỹ. Ngoài lực lượng tại chỗ, địch đưa đến đây một lữ đoàn dù, 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, 2 tiểu đoàn biệt động và tàn quân của sư đoàn 23 bị đánh tan tác ở Buôn Ma Thuột vừa được tổ chức lại.
Sáng sớm ngày 31-3-1975, sư đoàn 10 của ta tiến công lữ đoàn dù ngụy ở cầu Suối Chình, km 24 trên quốc lộ 21 cách Trung tâm huấn luyện Lam Sơn 3 km, tiêu diệt và làm tan rã trên 600 lính dù. Hàng trăm tên địch chạy về phía Tân Lâm, Tân Tứ, Đồng Thân (Tây Ninh Hòa) bị du kích và đồng bào địa phương uy hiếp, một số ra hàng, một số chạy giạt qua quốc lộ 1 về phía Hòn Khói.
Sau 3 ngày đêm chiến đấu liên tục, sư đoàn 10 đã loại khỏi vòng chiến đấu lữ dù 3 của địch, đập tan lá chắn phía Tây quận lỵ Ninh Hòa, mở thông đường xuống vùng đồng bằng ven biển. Không một phút nghỉ ngơi, lực lượng sư đoàn 10 lập tức phát triển đánh chiếm Trung tâm huấn luyện Lam Sơn, rồi tiếp tục tiến về phía Đông.
Trong đêm 31-3 và mờ sáng ngày 1-4, Trung tâm huấn luyện Lam Sơn, biệt động quân, pháo binh Dục Mỹ, Trường hạ sĩ quan rút chạy qua thị trấn Ninh Hòa. Trưa ngày 1-4, chúng cho máy bay ném bom hủy diệt luôn căn cứ Dục Mỹ. Toàn bộ quân địch ở Nha Trang - Khánh Hòa rúng động, nhốn nháo.
Tại Ninh Hòa, từ sáng ngày 1-4, các mũi gồm lực lượng vũ trang và đội vũ trang công tác từ nhiều hướng đã đồng loạt huy động quần chúng nổi dậy giải phóng đại bộ phận vùng nông thôn. Đến hết ngày 1-4 đã áp sát thị trấn Ninh Hòa.
Tại Vạn Ninh, tối 31-3 bọn địch đã rút chạy ra đảo. Trong 2 ngày 1 và 2-4, toàn bộ vùng nông thôn và thị trấn Vạn Giã được giải phóng.
Sau khi đã giải phóng quận lỵ Khánh Dương, đánh tan cụm cứ điểm phòng thủ của địch tại đèo Phượng Hoàng, Dục Mỹ, sáng ngày 2-4, trung đoàn 24 và tiểu đoàn 3 trung đoàn 28 thuộc sư đoàn 10 theo đường 21 tiến xuống quận lỵ Ninh Hòa. Lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân Ninh Hòa được bộ đội hỗ trợ đã nổi dậy diệt những tên địch ngoan cố, giành quyền làm chủ. Huyện ủy Ninh Hòa huy động quần chúng ra sức tiếp tế cho bộ đội chủ lực. Lương thực, thực phẩm được huy động khẩn trương. Ngoài ra kho gạo lấy được của địch, nhân dân các nơi đã tự nguyện đóng góp hết sức nhiệt tình. Gạo từ các xã đổ về thị trấn Ninh Hòa trên những chiếc xe lam đầy ắp. Toàn bộ phương tiện giao thông cơ giới, từ xe ca chở khách, xe đa-su, xe lam cho đến xe tải đều được bố trí sắp xếp, sẵn sàng phục vụ cho cuộc tiến quân vào Nha Trang.
13 giờ ngày 2-4, lực lượng đột kích binh chủng hợp thành của sư đoàn 10 do Phó tham mưu trưởng sư đoàn Vũ Đình Thước chỉ huy, theo đường số 1 tiến quân về thành phố Nha Trang.
Tại Nha Trang, khi nghe tin lữ dù 3 thua đậm, tuyến phòng thủ đèo Phượng Hoàng - Mađrắc bị phá vỡ, Phạm Văn Phú vội vã triệu tập 1 cuộc họp khẩn cấp tìm cách "tử thủ Nha Trang". Ngoài Phú, Cẩm còn có tên chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, tư lệnh sư đoàn 6 không quân và tên chỉ huy trường Hạ sĩ quan Đồng Đế. Phú ra lệnh thiết quân luật 24/24 giờ, gấp rút củng cố các trận địa phòng thủ, thu gom tàn quân thành lập các đơn vị mới, bổ sung súng đạn cho bọn bảo an, dân vệ. Đồng thời, y quyết định thành lập "mặt trận Nha Trang" và cử tên chỉ huy trưởng trường Hạ sĩ quan Đồng Đế làm tư lệnh.
Tuyến phòng thủ ở đèo Phượng Hoàng là một cụm cứ điểm mạnh của địch để canh giữ cửa ngõ xuống Nha Trang, nay đã bị vỡ thì bọn địch không còn hy vọng gì giữ được Nha Trang. Ngay từ đêm 31-3, tình hình Nha Trang rất hỗn loạn. Tàu thủy ở các tỉnh ngoài vào cập bến Cầu Đá, chở đầy lính và gia đình sĩ quan đi di tản, đói khát, hỗn loạn, bắn nhau bừa bãi.
Trong đêm 31-3, công chức và sĩ quan ngụy tại Nha Trang bất chấp lệnh giới nghiêm của chỉ huy đã tự động "di tản". Chúng chen chúc nhau đông nghịt đến nghẹt thở ở bến Cầu Đá. Trường hạ sĩ quan Đồng Đế có trách nhiệm phòng thủ phía Bắc Nha Trang cũng đã tháo chạy trong đêm 31-3. Sáng ngày 1-4, hàng trăm quân nhân và biệt động quân kéo về bến xe Ninh Hòa (nay là bến xe nội tỉnh) bắn nhau hỗn loạn, tranh cướp xe tràn về hướng Cam Ranh. Trên 1.000 tù nhân là quân nhân địch bị kỷ luật giam tại quân lao Nha Trang, đã phá khám thoát ra. Bọn tàn quân, bọn lưu manh trộm cướp đã đốt chợ Đầm Tròn, cướp phá một số cửa hàng buôn bán lớn, một số nhà dân. Tại sân bay Nha Trang, cảnh hỗn loạn chen lấn giành nhau lên máy bay di tản chẳng khác gì cảnh diễn ra vào ngày cuối cùng ở sân bay Plei-ku. Trong sân bay vũ khí chất đống, xe cộ, đồ đạc bừa bãi, các sắc lính ngụy bắn nhau loạn xạ.
Sau khi bỏ chạy, Tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Khánh Hòa Lý Bá Phẩm "Phúc trình" lên Tổng thống Thiệu về tình hình ở Nha Trang:
"Ngày 1-4, Nha Trang không còn chính quyền nữa vì công chức, cảnh sát đã đi gần hết".
Sau khi các cơ quan chỉ huy và lực lượng vũ trang của địch rút chạy, ở một số nơi, số tàn quân, tề điệp, ác ôn và bọn được cài lại tiếp tục hoạt động dưới nhiều hình thức: giả danh lực lượng kháng chiến, lực lượng thứ ba hoặc nhân dân tự quản đeo băng đỏ, mang súng, đi ô tô. Chúng khống chế quần chúng, cùng với bọn lưu manh côn đồ hãm hiếp, cướp bóc, phá hoại các cơ sở quân sự, kinh tế, các công trình công cộng, gây nên cảnh cực kỳ hỗn loạn tại thị xã Nha Trang.
Chúng tuyên truyền xuyên tạc chính sách của cách mạng, lung lạc tư tưởng quần chúng, tung truyền đơn hù dọa Mỹ sẽ trở lại ném bom hủy diệt Nha Trang, kêu gọi quần chúng di tản vào Sài Gòn. Tuy nhiên, những thủ đoạn đó không đem lại kết quả gì, quần chúng vẫn tỉnh táo, không mắc mưu địch.
Trước những biến chuyển mau lẹ của tình hình, thấy cần thiết phải nhanh chóng bắt liên lạc với cấp trên, đồng chí Nguyễn Thị Đo (Mười Đo) đã chạy lên bàn đạp xã Vĩnh Ngọc và Diên An tìm gặp lãnh đạo thị ủy để báo tin diễn biến ở thị xã và xin chỉ thị, nhưng không liên lạc được với cấp trên. Đồng chí xuống ngay Vĩnh Trường bắt liên lạc với đội công tác ở đây, được đội công tác và một đồng chí đặc công nước hỗ trợ, nhân dân Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên nổi dậy làm chủ. Các đồng chí còn đưa lực lượng vào chiếm giữ và bảo vệ Hải Học viện, khu kho cảng và sân bay, lập lại trật tự ở sân bay. 16 giờ ngày 1-4-1975, toàn bộ khu Tây Nam thị xã trở lại bình thường.
Ban cán sự nội thành khẩn trương huy động quần chúng may cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng, thành lập các tổ tự vệ vũ trang trong số con em gia đình cơ sở. Các tổ tự vệ hoạt động rất xông xáo, lấy vũ khí địch để tự trang bị cho mình và chia nhau chốt giữ các công sở lớn, bắn uy hiếp bọn xấu cố tình gây rối loạn trong khi chờ quân giải phóng vào tiếp quản thị xã.
Nhờ hoạt động tích cực của lực lượng tại chỗ bên trong, từ sáng ngày 2-4-1975, bọn gây rối loạn phải chùn tay, không dám công khai cướp phá, bắn giết nữa. Sáng ngày 2-4, hai lá cờ Mặt trận cỡ lớn đã may sẵn, được treo lên tại bến xe liên tỉnh và Quảng trường Cộng hòa (nay là công viên 2-4). Nhân dân được cơ sở hướng dẫn đã tự may cờ Mặt trận để trưa ngày 2-4 treo khắp các đường phố chào đón quân giải phóng.
17 giờ ngày 2-4-1975, sau khi đánh tan các chốt điểm của địch ở đèo Rọ Tượng, đèo Rù Rì, được sự hướng dẫn của lực lượng cốt cán (do Ban cán sự nội thành cử ra Ninh Hòa đón quân giải phóng), lực lượng binh chủng hợp thành của sư đoàn 10 rầm rộ vượt qua cầu Xóm Bóng tiến vào thành phố Nha Trang. Nhân dân từ Đồng Đế đến nhà Thông tin đã đổ ra đường đón bộ đội cách mạng. Những tiếng hoan hô vang dội, vui mừng khôn xiết. Nhà nhà đều treo cờ Mặt trận, người người đều cầm cờ trên tay vẫy chào. Trời mưa tầm tã, nhưng đồng bào vẫn tấp nập tụ họp hai bên đường nô nức chào mừng đoàn quân giải phóng.
Trong niềm vui chiến thắng, các tầng lớp nhân dân Nha Trang hết mình ủng hộ cách mạng, làm mọi việc do cách mạng giao, giúp đỡ mọi thứ khi cách mạng cần.
Vùng nông thôn các huyện Vĩnh Xương, Diên Khánh, Thành Diên Khánh cũng được giải phóng trong ngày 2-4-1975.
Ngày 3-4, sư đoàn 10 tiến vào giải phóng thị xã Cam Ranh và khu liên hợp quân sự Cam Ranh, sau đó tiếp tục triển khai lực lượng làm nhiệm vụ mới. Do qui mô khu Liên hợp quân sự Cam Ranh quá lớn và do tình hình chính trị xã hội ở thị xã Cam Ranh (lúc đó là đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền ngụy Sài Gòn) quá phức tạp nên cấp trên đã điều 1 lữ đoàn bộ binh đến tiếp quản khu Liên hợp quân sự Cam Ranh và hỗ trợ cho quân và dân địa phương tiếp quản thị xã Cam Ranh. Cơ sở cách mạng và các tầng lớp nhân dân trong thị xã hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng, ủng hộ và cùng với các chiến sĩ cách mạng tiếp quản các công sở của địch, ổn định trật tự và khôi phục lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường.
Cho đến ngày 3-4, toàn bộ phần đất liền đồng bằng và ven biển của tỉnh đã hoàn toàn giải phóng. Các đảo, quần đảo và lãnh hải cũng lần lượt được giải phóng.
Ở đảo Bích Đầm (Nha Trang), một nhóm các đồng chí kháng chiến cũ thời chống Pháp đã treo cờ lên cột giữa Lăng Ông, tụ họp bà con lại, thông báo thị xã Nha Trang đã được giải phóng, tập hợp thanh niên trai tráng thành lập một tổ vũ trang tự vệ canh gác, bảo vệ xóm chài.
Ở Bãi Trũ, Vũng Ngán, Vũng Me, thấy địch rút chạy khỏi căn cứ Hòn Tre, đồng chí ở cơ sở đã báo cho bộ đội đặc công nước và đội công tác kịp đến tiếp quản.
Ở đảo Trí Nguyên, các đồng chí kháng chiến cũ đã tập hợp thanh niên tự vệ vũ trang kiên quyết nổ súng không cho một thuyền chở đầy lính ngụy đổ bộ vào đảo để cướp phá. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, bọn tàn quân ngụy phải cho thuyền chạy thẳng vào Cam Ranh.
Uỷ ban Quân quản tỉnh được thành lập do đồng chí Lê Tụng làm Chủ tịch, đóng cơ quan tại tòa hành chính ngụy quyền.
Chỉ trong một thời gian ngắn (từ 31-3 đến 3-4), 58 ngàn quân địch chiếm đóng tỉnh Khánh Hòa đã tan rã hoàn toàn. Số đầu sỏ ngụy quân, ngụy quyền chạy vào Sài Gòn. Một số chạy lánh ra các hải đảo hoặc lẩn trốn trong dân. Có cả cấp tá, quận trưởng, ty trưởng, ty phó nằm kẹp trong các khu phố đã lần lượt ra trình diện, nộp súng và khai báo. Một số ít lén lút trong dân vẫn còn giữ súng để hoạt động phá hoại. Tàn quân ngụy lẩn tránh từng trung đội, tiểu đội, có cả vũ khí, điện đài. Chúng giết một số dân di cư bằng đường biển, chết tấp vào bờ biển Nha Trang 80 người. Số người còn lại bám trên chiếc tàu lênh đênh trên biển cách xa bờ 30 km.
Sau khi rút chạy khỏi Nha Trang, Cam Ranh, địch lập phòng tuyến Phan Rang, do tên tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy để ngăn chặn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn và nếu có điều kiện thì tái chiếm Cam Ranh, Nha Trang. Từ sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) máy bay địch nhiều lần cất cánh dội bom ác liệt một vài nơi ở Nha Trang và Cam Ranh. Ngày 8-4, máy bay địch do thám và ném bom khu vực đèo Rù Rì; ngày 10-4, ném bom khóm Tháp Bà và khu I phường Tân Lập, giết hại 30 người, làm bị thương 106 người và phá hủy một số nhà cửa. Tại Cam Ranh, bom địch trút xuống vườn dừa Mỹ Thanh, Trà Long. Lực lượng vũ trang ta bắn rơi 2 máy bay địch.
Lúc này Khánh Hòa, đặc biệt là thị xã Nha Trang và cả khu vực Nam Khánh, trở thành bàn đạp quan trọng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhân dân trong tỉnh đã góp sức người, sức của phục vụ chiến dịch vô điều kiện, nhất là về hậu cần và phương tiện vận tải. Trên 4000 tấn xăng, 1000 tấn ma-dút... đã được chuẩn bị sẵn ở Nha Trang. Hơn 2000 tấn gạo đã chờ sẵn ở Cam Ranh. Trên 1000 xe do địch bỏ lại và của tư nhân được huy động góp phần chở bộ đội vào Nam chiến đấu. Điều hết sức cảm động là nhân dân dồn ra hai bên đường mang quà bánh cho bộ đội trong không khí từng bừng nhộp nhịp của ngày giải phóng. Các chủ xe và lái xe tự nguyện giao xe và cầm lái phục vụ bộ đội hành quân.
Bộ Tư lệnh tiền phương và Hội đồng chi viện chiến dịch Hồ Chí Minh của Quân khu 5 đóng tại Nha Trang đã khen ngợi sự nhiệt tình đóng góp vào thắng lợi chung của nhân dân Nha Trang và cả tỉnh.
Quần đảo Trường Sa cách đất liền Khánh Hòa trên 300 hải lý. Quân và dân Khánh Hòa đã góp phần cùng với bộ đội hải quân giải phóng miền đất cực Đông thân yêu của Tổ quốc: Song Tử Tây giải phóng ngày 14-4, Sơn Ca ngày 25-4, Nam Yết ngày 27-4, Sinh Tồn ngày 28-4, đảo An Bang và Trường Sa giải phóng ngày 29-4.
Ngày 30-4, thành phố Sài Gòn, "thủ đô" của chính quyền bù nhìn tay sai Mỹ, được hoàn toàn giải phóng. Toàn bộ cái gọi là "Chính phủ Việt Nam cộng hòa", kể cả tổng thống đã đầu hàng quân cách mạng.
Thắng lợi trọn vẹn và vang dội đó đã góp phần quyết định vào việc nhanh chóng ổn định tình hình trong tỉnh. Bọn địch ở tại chỗ hoặc chạy giạt đi các nơi khác tiếp tục ra trình diện chính quyền cách mạng. Đến ngày 31-5-1975, số tề ngụy bị ta bắt hoặc ra đăng ký trình diện lên đến 62.119 tên.
Chỉ 5 ngày sau giải phóng, ta đã chiếm lĩnh tất cả các cơ sở vật chất, kho tàng, công sở của địch, trong đó có một số cơ sở khoa học kỹ thuật và quân sự quan trọng.
Ta giữ được hầu như nguyên vẹn sân bay Nha Trang với 34 máy bay, các hải cảng, nhà đèn, máy nước, đài phát thanh, các thiết bị huấn luyện của Trường Hải quân, đường cáp ngầm, vô tuyến viễn thông, Hải Học viện, Viện Pasteur, Bệnh viện tỉnh...
Tình hình sinh hoạt của quần chúng được nhanh chóng ổn định, hệ thống điện, nước, vệ sinh thành phố được khôi phục, công nhân viên chức trong các công sở của địch lần lượt trình diện và bắt tay làm việc, các trường học đều tiếp tục học lại.
Chính quyền cách mạng ở các cấp huyện, thị xã và xã thôn, phường, khóm được thành lập, lực lượng tự vệ và du kích được chấn chỉnh và phát triển.
Các đoàn thể quần chúng công nhân, nông dân, phụ nữ, thanh niên tổ chức ở các xã phường. Riêng ở thị xã, tổ chức Sao Việt đã có từ trước chuyển thành Đoàn thanh niên giải phóng.
Vào những ngày này, thành phố Nha Trang náo nhiệt lạ thường, trong cái nhộn nhịp, tưng bừng ngày hội cách mạng của cả một dân tộc đang ở đỉnh cao của chiến thắng lịch sử, thoát khỏi ách chiếm đóng ròng rã 30 năm của đế quốc Pháp, Mỹ.
Ngày 15-5-1975, một ngày đẹp trời. Sân vận động Nha Trang đầy cờ hoa, biểu ngữ. Hơn 20 vạn nhân dân thị xã và nhiều nơi trong tỉnh đổ về dự mít tinh chào mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc, ghi vào tâm khảm ngày nước nhà được hoàn toàn giải phóng sau 117 năm bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác.
Hơn 20 năm chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, với truyền thống bất khuất, kiên cường vượt qua mọi hy sinh gian khổ, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đã góp phần cùng cả nước viết tiếp nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Thời gian sẽ đi qua nhưng những thành tích vẻ vang về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa sẽ sống mãi trong mỗi chúng ta. Từ đây, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa cùng với cả nước vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của lịch sử dân tộc.
______________
1. Báo cáo Tổng kết năm 1973 của các huyện Vạn Ninh, Bắc Ninh Hòa ghi các vùng Đầm Môn, Ninh Mã, Vạn Phú, các xã Ninh Diêm, ninh An là những địa phương có phong trào mạnh.
Tags:
Tác giả:
Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 3 - 4 phiếu bầu
- LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH KHÁNH HÒA (1930 - 2005) (31/01/2018)
- Phụ lục 2 (30/01/2018)
- Phụ lục (30/01/2018)
- Kết luận (30/01/2018)
- Chương XVIII - Đảng bộ Khánh Hòa lãnh đạo công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996-2005) (30/01/2018)
- Chương XVII - Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (7/1989 - 1995) (30/01/2018)
- Chương VI - Cuộc kháng chiến bắt đầu (23/10/1945 - 12/1946) (30/01/2018)
- Chương V - Xây dựng chính quyền nhân dân và chuẩn bị kháng chiến (8/1945 - 10/1945) (30/01/2018)
- Chương IV - Cuộc vận động giải phóng dân tộc và cách mạng tháng Tám (1940 - 1945) (30/01/2018)
- Chương III - Thời kỳ đấu tranh chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đòi tự do, cơm áo và hòa bình (1936 - 1939) (30/01/2018)