PHẦN THỨ HAI
ĐẢNG BỘ KHÁNH HÒA TRONG THỜI KỲ CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945-1954)
CHƯƠNG V
XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN NHÂN DÂN VÀ CHUẨN BỊ KHÁNG CHIẾN (8/1945 - 10/1945)
XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN NHÂN DÂN
Đến cuối tháng 8-1945, bộ máy chính quyền cách mạng từ tỉnh đến huyện, xã được thiết lập. Trụ sở của Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời thực sự là trung tâm hoạt động của các tầng lớp nhân dân. Ở mọi nơi trong tỉnh không khí sinh hoạt chung của nhân dân rất sôi nổi, náo nhiệt, thể hiện sức sống của chế độ mới.
Lúc này uy tín của Mặt trận Việt Minh rất lớn, có sức thu hút mạnh mẽ đồng bào các giới, ngày đêm tham gia mít tinh, hội họp để học tập chương trình điều lệ Việt Minh, thi hành triệt để các chính sách và biện pháp của chính quyền cách mạng nhằm đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống, bảo đảm an ninh trật tự chuẩn bị sẵn sàng đối phó với quân xâm lược. Các hội quần chúng “nông dân cứu quốc”, “phụ nữ cứu quốc”, “thanh niên cứu quốc”, “thiếu nhi cứu quốc”... các đoàn thể yêu nước, các tôn giáo, viên chức đều có nội dung hoạt động thiết thực. “Hội công thương gia kỹ nghệ cứu quốc” ở Nha Trang thu hút hầu như toàn bộ các hộ kinh doanh. Nhiều lớp huấn luyện ngắn ngày liên tiếp tổ chức để đào tạo số cán bộ cần thiết cho phong trào.
Cơ quan lãnh đạo được hình thành trong thời kỳ tiền khởi nghĩa lúc này đã có sự thay đổi. Chỉ một thời gian ngắn đồng chí Nguyễn Chí Thanh được điều về cơ quan cấp trên, đồng chí Thuyên về Huế, đồng chí Trịnh Huy Quang được phân công làm nhiệm vụ quân sự thuộc Uỷ ban Quân chính Trung bộ, đồng chí Nguyễn Văn Chi nhận nhiệm vụ Uỷ trưởng ngoại giao Trung bộ. Các đồng chí khác phân công về phụ trách các phủ, huyện. Như vậy, Tỉnh ủy lâm thời ở Khánh Hòa lúc này chỉ còn 2 đồng chí, là đồng chí Mai Dương và đồng chí Võ Phước Lý. Đồng chí Mô (Bùi Định) và đồng chí Trương An được Xứ ủy phái vào tham gia tỉnh ủy, riêng đồng chí Bùi Định được phân công kiêm thêm nhiệm vụ chính trị viên mặt trận. Trong hoàn cảnh ấy, tuy cán bộ lãnh đạo còn ít nhưng được sự chi viện kịp thời của Trung ương, chính quyền cách mạng non trẻ ở tỉnh tiếp tục được củng cố, nhân dân khắp nơi đoàn kết một lòng, sẵn sàng tư thế đánh giặc ngoại xâm.
Vào cuối tháng 9-1945 tại Thành Diên Khánh (dinh Tuần Vũ) Uỷ ban nhân dân Cách mạng Lâm thời tỉnh mở phiên tòa công khai xét xử một số tên phản cách mạng đầu sỏ. Ngày 17-8-1945, Nguyễn Văn Sâm kinh lược Nam kỳ của chính phủ Trần Trọng Kim từ Huế vào, đi qua huyện Vạn Ninh bị các lực lượng khởi nghĩa bắt giam và đưa về tỉnh. Ngày 22-8-1945 Ngô Đình Diệm cùng bọn chỉ huy Nhật trong đó có người con của Yokoyama là cố vấn Nhật ở Đông Dương từ Sài Gòn ra Nha Trang, lực lượng tự vệ đã dùng mưu để giữ bọn chúng lại, chờ cấp trên giải quyết.
Tại nội thành Nha Trang, một số vị trí: sân bay, hải cảng, trại lính, kho tàng còn nằm trong tay quân Nhật. Thị xã Nha Trang, trước cách mạng, quân Nhật đặt sở chỉ huy Nam Trung bộ và sau khi Nhật bị đồng minh đánh bại, nơi này lại được chọn làm nơi tập kết quân Nhật chờ đồng minh đến giải giáp. Chúng có gần 9.000 tên, tập trung chủ yếu ở hai nơi Nha Trang, Ba Ngòi với đầy đủ vũ khí, trang bị. Hơn 1.200 tên thực dân Pháp cả quân sự và dân sự1 bị phát xít Nhật tập trung giam giữ tại Nha Trang sau đảo chính 9-3 tìm cách bí mật móc nối, chờ cơ hội nổi dậy, chống phá chính quyền cách mạng.
Đối với quân Nhật, chính quyền cách mạng chủ trương: Bộ phận muốn sớm trở về quê hương, thì có biện pháp giúp đỡ và tranh thủ vận động chúng trao vũ khí cho ta. Đối với những tên phát xít ngoan cố, có thái độ chống đối, thì một mặt cố gắng kiềm chế không mắc mưu khiêu khích của chúng, mặt khác kiên quyết trừng trị thích đáng, buộc chúng phải tôn trọng chính quyền cách mạng.
Ở thôn Suối Ré (Ninh Hòa), thôn Ninh Ích (Vạn Ninh), bọn lính Nhật đi lại ngông nghênh bị tự vệ ta chặn đánh. Nhân dân Phú Ân Nam với vũ khí thô sơ chặn một đoàn xe Nhật từ Nha Trang kéo lên Thành tại khu vực cây Dầu Đôi, buộc chúng phải quay xe về Nha Trang. Hôm sau, cũng đồng bào Phú Ân Nam, cùng đồng bào Phú Lộc, Thành bao vây quân Nhật tại cầu Sông Cạn, bắt 2 sĩ quan, thu 2 xe Jeep và một số súng đưa về Thành. Tự vệ Hòa Tân, Suối Dầu bắt giữ 1 quan tư Nhật và 12 lính hộ tống đang trên đường từ Đá Bạc ra Nha Trang. Ban chỉ huy Nhật đưa yêu sách đòi thả. Ta vận dụng biện pháp mềm dẻo, thả sĩ quan Nhật nhưng giữ lại số vũ khí. Trước thiện chí của ta, quân Nhật không những không đòi số vũ khí bị ta giữ, mà còn cho ta nhiều đạn, thuốc nổ, 1 xe Ford và 500 tấn gạo, cũng bằng biện pháp tranh thủ, ta còn lấy được của Nhật một khẩu pháo 75 ly, đưa ra tác chiến tại mặt trận Nha Trang. Tự vệ Trường Đông (Nha Trang) đã đánh bọn Nhật khi chúng kéo xuống uy hiếp nhân dân, buộc chúng phải tháo chạy, thu một số vũ khí.
Ngày 1-10-1945, theo lệnh quân Anh, quân Nhật đã bao vây trụ sở Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh để tước vũ khí và bắt cán bộ ta. Ở Ninh Hòa, quân Nhật bao vây trụ sở Uỷ ban phủ, bắt giữ và buộc đồng chí phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ phải ra lệnh cho nhân dân Ninh Hòa hạ vũ khí giao chính quyền cho thực dân Pháp.
Để chống lại những hành động trên của quân Nhật và sự tiếp tay của chúng đối với quân Pháp, ta huy động quần chúng biểu tình thị uy, đồng thời bao vây cắt nguồn tiếp tế của chúng. Tự vệ khu vực Thạnh Mỹ, Suối Ré (Ninh Hòa) đánh quân Nhật tại đèo Rọ Tượng phá 2 xe, diệt 4 tên. Tự vệ Nha Trang bắt 1 quan ba Nhật, khám nhà bác sĩ người Pháp - Hérisson. Trước thái độ kiên quyết của chính quyền cách mạng và uy thế của quần chúng nhân dân, bọn Nhật - Pháp buộc phải nhượng bộ, xin điều đình. Ngày 8-10-1945 tại nhà Công quán (Nha Trang) đã diễn ra cuộc gặp mặt giữa đại diện chính quyền tỉnh và đại diện Nhật, Pháp. Đồng chí Nguyễn Văn Chi, ủy trưởng ngoại giao Trung bộ được phái vào Nha Trang để dàn xếp. Bên ta do đồng chí Phạm Cự Hải làm đại diện và bên Nhật có quan tư Arimoto, quân Pháp có hai đại biểu là Béros và Royanez. Hai bên thỏa thuận thả tất cả những người bị bắt. Đại diện Nhật hứa tôn trọng chính quyền nhân dân. Chính quyền cách mạng hủy bỏ lệnh bao vây kinh tế, cho phép Nhật, Pháp tiếp tục được mua lương thực, thực phẩm hàng ngày.
* *
*
Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời cách mạng tỉnh ban bố các quyền tự do dân chủ cho nhân dân, thực hiện một số chính sách trong chương trình của Mặt trận Việt Minh như xóa bỏ các thứ thuế bất công do Pháp - Nhật đặt ra. Ở nông thôn ta tiến hành thực hiện chính sách tạm cấp ruộng đất vắng chủ cho nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng; chia lại công điền, công thổ một cách công bằng hợp lý cho mọi công dân không phân biệt nam hay nữ. Nhiều cuộc hiệp thương giữa nông dân và địa chủ có sự chứng kiến của chính quyền địa phương bàn thực hiện giảm địa tô 25%. Sản xuất các mặt, nhất là sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh để cung cấp lương thực cho lực lượng vũ trang đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Các nhà thương, trường học hoạt động bình thường. Đầu tháng 10, các trường công tổ chức khai giảng năm học mới dưới chế độ dân chủ cộng hòa. Nhân dân thực hiện cuộc vận động “Đời sống mới” vệ sinh, phòng bệnh, thể dục thể thao, sinh hoạt văn nghệ... bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, trộm cắp, rượu chè...
Công tác chống giặc dốt, bổ túc văn hóa, xóa nạn mù chữ cho nhân dân được chú ý. Đặc biệt, phong trào “Bình dân học vụ” đã thu hút sự tham gia của hầu hết quần chúng nhân dân.
Khi cách mạng thành công, trong kho bạc của tỉnh còn khoảng 60 vạn đồng, phần lớn rách nát, không sử dụng được. Chính quyền cách mạng không chịu bó tay đã dựa vào nhân dân, mở cuộc vận động nhân dân góp sức người, sức của để trang trải những nhu cầu cấp thiết cho cách mạng. Nhân dân toàn tỉnh sôi nổi và nhiệt tình tham gia xây dựng “qũy độc lập”, “tuần lễ vàng”, "tuần lễ đồng" do Chính phủ cách mạng lâm thời phát động. Nhân dân Khánh Hòa từ nông thôn đến thành thị, giàu cũng như nghèo, không phân biệt tôn giáo, chính kiến đã nô nức tới các địa điểm tập trung, biểu thị lòng mình với chế độ, nhiều người tự tay tháo vòng vàng, hoa tai, nhẫn vàng là những vật kỷ niệm qúy giá độc nhất của gia đình, góp ủng hộ quỹ độc lập. Số tài sản đóng góp đã lên đến hàng trăm lạng vàng2. Nhân dân khắp nơi trong tỉnh cũng đã đồng lòng hưởng ứng phong trào “bữa ăn đồng tâm”3 ủng hộ gạo, tiền cho đồng bào miền Bắc và Bắc Trung bộ đang thiếu đói, xây dựng “hũ gạo nuôi quân” trong mọi gia đình. Phong trào được duy trì thường xuyên, góp phần thiết thực giải quyết một phần lương thực cho kháng chiến. Trong các phong trào, chị em phụ nữ là những người nòng cốt, hưởng ứng tham gia tích cực nhất.
Những biện pháp dân chủ về kinh tế nhằm mang lại quyền lợi cho nhân dân, chủ yếu là nhân dân lao động mới bắt đầu và đạt được một phần nhỏ trong toàn bộ chương trình to lớn của Mặt trận Việt Minh. Song, niềm vui lớn nhất Tổ quốc được độc lập tự do, đồng bào được giải phóng khỏi ách nô lệ, trở thành người chủ đất nước là động lực chính, thúc đẩy toàn dân Khánh Hòa hưởng ứng chủ trương của Đảng, tham gia tích cực công cuộc chuẩn bị kháng chiến và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN
Trong thời kỳ vận động cách mạng tháng Tám, Việt Minh tỉnh đã làm tốt công tác binh vận, xây dựng được cơ sở, nắm được phần lớn sĩ quan và binh lính trong lực lượng bảo an của địch. Sau khi Cách mạng thành công, việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng được đặc biệt chú trọng. Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh phân công đồng chí Trần Chí Hiền làm ủy viên quân sự. Lực lượng vũ trang cách mạng xây dựng trên cơ sở nòng cốt là đội tự vệ vũ trang nhân dân có sử dụng binh lính bảo an cũ của Nhật ngả về với cách mạng. Ở tỉnh đã có một lực lượng vũ trang tập trung, cộng với lực lượng vũ trang, bán vũ trang, dân quân tự vệ ở các phủ, huyện, xã, công sở, xí nghiệp. Tỉnh cũng đã thành lập Ty công an cảnh sát tỉnh kiêm công an cảnh sát thị xã Nha Trang và Ty trinh sát. Riêng lực lượng công an, trinh sát thị xã Nha Trang gồm hơn 200 thanh niên, trong đó có nhiều chị em phụ nữ, tiêu chuẩn xét tuyển chặt chẽ, tổ chức thành đội ngũ, có đồng phục riêng, làm nhiệm vụ phát hiện và trấn áp bọn tay sai của Pháp - Nhật, nghiêm trị bọn lưu manh trộm cắp, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, đồng thời bám sát bọn Pháp - Nhật để kịp phát hiện những âm mưu và hành động mới của chúng.
Tỉnh đã mở nhiều trường huấn luyện quân sự, chính trị như trường quân sự khu vực Đồng Đế, trường huấn luyện quân sự Lạc An, trường quân chính đào tạo cán bộ trung đội và chính trị viên trung đội ở Thành (Diên Khánh)... Mỗi khóa huấn luyện khoảng 15 ngày, đào tạo cấp tốc số cán bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở cơ sở.
Ngay khi tiếng súng Nam bộ kháng chiến bắt đầu, khắp nơi trong tỉnh nổi lên phong trào toàn dân vũ trang bằng vũ khí thô sơ. Phong trào thanh niên tòng quân gia nhập vệ quốc, giải phóng quân4 và dân quân du kích được nam nữ thanh niên hưởng ứng sôi nổi.
Mỗi huyện đều có từ 1 đến 2 trung đội dân quân tập trung. Ninh Hòa có các trung đội Chí Thắng, Phong Mỹ Châu (khu Ích Hạ), Bình Thành, Thanh Mỹ (khu Thanh Mỹ), khu Hòn Khói và Phước Khiêm Hạ có trung đội Phước Mỹ Hòa. Ở Vạn Ninh có đại đội dân quân tập trung, ở Diên Khánh có trung đội Hòa Tân, Suối Dầu. Nha Trang có đại đội tự vệ tập trung, Vĩnh Xương có trung đội dân quân tập trung, Ba Ngòi có đại đội dân quân tập trung. Đây là những đơn vị tiền thân của các lực lượng vũ trang địa phương sau này. Ngoài ra ở các xã, phường, công sở, xí nghiệp còn có các đại đội tự vệ võ trang bán thoát ly. Các ủy viên trong các ủy ban cách mạng huyện, xã có khả năng về quân sự được phân công nắm lực lượng vũ trang địa phương. Chủ trương của tỉnh về xây dựng lực lượng vũ trang trong những ngày đầu mới thành lập là vừa phát triển số lượng, vừa dần dần tăng cường chất lượng. Ngành hậu cần quân đội ra đời, song mọi nguồn cung cấp đều dựa vào nhân dân thông qua các đoàn thể trong mặt trận Việt Minh. Vũ khí trang bị cho các đơn vị vũ trang tập trung là súng trường, một ít súng phóng lựu và lựu đạn, còn trang bị cho tự vệ và dân quân du kích thì hầu hết là vũ khí thô sơ. Tuy trang bị thiếu thốn nhưng từ cán bộ đến chiến sĩ tinh thần sẵn sàng chiến đấu “hy sinh vì Tổ quốc” rất cao.
Công tác chuẩn bị kháng chiến ở khắp các huyện hết sức khẩn trương. Thị xã Nha Trang, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh là tuyến đầu của cuộc kháng chiến được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống xảy ra.
Việc làm sai trái đầu tiên của phái bộ Anh là không những không tước vũ khí của quân Nhật mà còn giao cho chúng làm cái gọi là “giữ gìn an ninh trật tự” thị xã. Quân Anh còn thả và trang bị vũ khí cho toàn bộ số người Pháp bị Nhật bắt sau đảo chính, bổ sung lực lượng cho quân Pháp trong thị xã.
Được quân Anh tiếp tay, quân Nhật, Pháp tự do hành động. Chúng xúi dục bọn tay sai (Vương Gia Ngại, Hoàng Bá San) gây rối trị an để lấy cớ can thiệp, từng bước đánh chiếm thị xã.
Trước tình hình đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh tập trung sức chỉ đạo các huyện, các ngành tranh thủ thời gian đẩy mạnh mọi mặt chuẩn bị kháng chiến.
Tháng 9-1945 xưởng sản xuất vũ khí Đồng Trăng được thành lập. Đây là một trong những xưởng sản xuất vũ khí đầu tiên ở miền Nam Trung bộ. Cơ sở sản xuất đặt tại xưởng chế biến mủ cao su của chủ đồn điền người Pháp Bu-lăng-giô (Boulanjot).
Xưởng vũ khí Đồng Trăng nằm trong căn cứ Đồng Trăng. Máy móc trang bị của xưởng, ngoài số thiết bị của xưởng cao su Đồng Trăng, phần lớn là lấy ở gara Phú Xuân Long do ông Nguyễn Ngọc Vinh và Phan Hữu Lộc hiến cho cách mạng. Xưởng quân giới do 2 đồng chí Nguyễn Xuân Thắng và Phan Bá Đồng phụ trách. Thành phần của xưởng gồm anh em công nhân cơ khí Nha Trang, công nhân tự do của thị xã như thợ chữa xe đạp, thợ kim hoàn, thợ may, thợ gara Phú Xuân Long, gara Trần Ngọc Tân, có một số công chức đã về hưu tình nguyện tham gia phục vụ cách mạng. Xưởng sửa chữa các loại súng trường, súng liên thanh, làm các chi tiết súng tiểu liên, ép vỏ đạn, làm đầu đạn, nghiên cứu sản xuất thuốc và đạn các loại, sản xuất lựu đạn theo kiểu lựu đạn Mỹ và lựu đạn có cánh. Lúc đầu xưởng mang tên Nguyễn Trường Tộ, nhưng anh em công nhân quen gọi là xưởng quân giới Đồng Trăng. Tháng 11-1945 trong một cuộc thử nghiệm loại lựu đạn mới sản xuất, đồng chí Phan Bá Đồng hy sinh, tiếp theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng bị thương và hy sinh. Cảm phục tinh thần của 2 đồng chí, anh em công nhân quyết định gọi xưởng quân giới Đồng Trăng là xưởng quân giới Đồng - Thắng.
Bệnh viện tỉnh trước kia là nhà thương Nha Trang được chuyển thành quân y viện, dời ra khỏi thị xã, đóng tại thôn Trường Lạc (Diên Khánh). Quân y viện do bác sĩ Lê Khắc Quyến phụ trách cùng một tập thể thầy thuốc và hộ lý, phần lớn là người thị xã Nha Trang. Đồng bào Trường Lạc rất vui lòng thu xếp nơi ăn ở, nhường cho bệnh viện những căn nhà rộng rãi, thoáng mát làm phòng mổ, phòng thuốc, phòng điều trị, phòng ăn.
Trước sự gây hấn của thực dân Pháp, tỉnh chủ trương chuyển các cơ quan tỉnh và thị xã từ Nha Trang lên Thành (Diên Khánh) và vùng phụ cận Vĩnh Xương, chỉ để lại một bộ phận gọn nhẹ do đồng chí Phạm Cự Hải, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, và đồng chí Lê Huy Phát, phó chủ tịch ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thị xã Nha Trang, nhân danh chính quyền cấp tỉnh và thị xã giải quyết một số công việc trước mắt. Nhân dân thị xã thực hiện “vườn không nhà trống”, tản cư về các vùng nông thôn lân cận, thanh niên ở lại tham gia tự vệ và phục vụ chiến đấu. Các huyện trong tỉnh được lệnh sẵn sàng chi viện cho Nha Trang. Do công tác chuẩn bị mọi mặt tương đối chu đáo, ngày 23-10-1945, quân và dân Khánh Hòa, trước hết là quân và dân Nha Trang bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược với tinh thần chủ động tiến công.
__________
1. Theo lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, NXB Quân đội Nhân dân. Tr.98.
2. Đến nay chưa có thống kê cụ thể. Trong “Tuần lễ vàng” chỉ ở một thôn Trung Dõng (Đồng Hòa- Vạn Ninh) đã thu được 5 lượng vàng.
3. Mỗi tuần nhịn ăn một bữa để lấy gạo, tiền ủng hộ đồng bào những nơi đói kém.
4. Đầu tiên gọi là “cứu quốc quân” rồi đến “giải phóng quân” và sau là “vệ quốc đoàn”.
Tags:
Tác giả:
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 2.7 - 3 phiếu bầu
- LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH KHÁNH HÒA (1930 - 2005) (31/01/2018)
- Phụ lục 2 (30/01/2018)
- Phụ lục (30/01/2018)
- Kết luận (30/01/2018)
- Chương XVIII - Đảng bộ Khánh Hòa lãnh đạo công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996-2005) (30/01/2018)
- Chương XVII - Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (7/1989 - 1995) (30/01/2018)
- Chương VII - Phong trào nhân dân du kích chiến tranh (1947 - 1949) (30/01/2018)
- Chương VI - Cuộc kháng chiến bắt đầu (23/10/1945 - 12/1946) (30/01/2018)
- Chương IV - Cuộc vận động giải phóng dân tộc và cách mạng tháng Tám (1940 - 1945) (30/01/2018)
- Chương III - Thời kỳ đấu tranh chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đòi tự do, cơm áo và hòa bình (1936 - 1939) (30/01/2018)