Việt Nam đã chính thức gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Điều này sẽ tác động mạnh đến lao động, việc làm và tổ chức công đoàn (CĐ). Do vậy, CĐ tỉnh đang tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các giải pháp đổi mới hoạt động để phù hợp với tình hình mới.
Vì lợi ích đoàn viên
Tháng 11-2018, Quốc hội khóa XIV đã phê chuẩn CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Có thể nói, CPTPP đem lại cơ hội mới về việc làm cho người lao động, tăng trưởng kinh tế và lợi ích xã hội. Tuy nhiên, vào CPTPP là chấp nhận CĐ phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện khác của người lao động. Theo đó, bên cạnh tổ chức CĐ hiện nay, người lao động được quyền tự nguyện thành lập, gia nhập một số tổ chức khác nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình; tổ chức này chỉ có chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động. Việc ra đời tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, cụ thể là tại doanh nghiệp sẽ cạnh tranh với CĐ trong việc thu hút, tập hợp lực lượng, kết nạp đoàn viên và thành lập tổ chức tại cơ sở.
|
Theo ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, với những thách thức đó, CĐ tỉnh đang tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các giải pháp đổi mới hoạt động để phù hợp với tình hình mới. Theo đó, thời gian tới, các cấp CĐ cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phương pháp chỉ đạo hoạt động CĐ theo hướng thực chất, hiệu quả, bám sát nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; CĐ cấp trên phục vụ CĐ cấp dưới, CĐ cơ sở trực tiếp phục vụ đoàn viên, người lao động; thường xuyên, liên tục tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó triển khai sâu rộng, hiệu quả những hoạt động vì lợi ích đoàn viên, người lao động.
Bên cạnh đó, CĐ tỉnh triển khai mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; xây dựng thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất phục vụ cho đời sống tinh thần của công nhân, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc; bám sát vận động, đại diện cho người lao động để ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động ở những doanh nghiệp chưa thành lập CĐ và ký thỏa ước lao động cấp ngành, địa phương; giám sát chặt chẽ việc người sử dụng lao động thực hiện các chế độ, chính sách phúc lợi để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn
Ông Nguyễn Hòa chia sẻ, trong thời gian tới, CĐ tỉnh sẽ sắp xếp lại cơ cấu bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, giảm lãnh đạo, tăng cường đội ngũ chuyên viên CĐ trực tiếp cơ sở. Đồng thời, thay đổi tư duy hoạt động cho đội ngũ cán bộ CĐ toàn hệ thống, chuyển mạnh từ tư duy hành chính, bao cấp, các hoạt động phong trào thuần túy sang việc thực hiện chức năng cốt lõi của tổ chức CĐ. Đó là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ các cấp, nhất là đội ngũ chủ tịch CĐ cơ sở ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ.
Phấn đấu mỗi cán bộ CĐ các cấp không chỉ là cán bộ đoàn thể làm công tác vận động công nhân, người lao động mà còn là chuyên gia về tư vấn, thương lượng, đối thoại; nghiên cứu, sắp xếp mô hình tổ chức, quy định cụ thể chức năng nhiệm vụ mỗi cấp CĐ và nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chấp hành CĐ các cấp, nhất là cấp cơ sở; xây dựng nguồn lực CĐ đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ, đổi mới công tác tài chính, quản lý sử dụng tài sản theo hướng công khai, minh bạch, phát huy hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống đấu tranh vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động về tổ chức CĐ, về những lợi ích mà CĐ mang lại cho người lao động, từ đó tiếp tục mở rộng phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở…
Theo Báo Khánh Hòa