Nhằm tuyên truyền sâu rộng trong Đoàn viên thanh niên về ý nghĩa lịch sử, truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam và truyền thống quê hương anh hùng, nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Ninh An đã tổ chức du khảo về nguồn, tham quan khu di tích lịch sử căn cứ địa kháng chiến Đá Bàn. Tham gia đoàn du khảo có lãnh đạo Đảng, chính quyền, hội Cựu chiến binh và 30 cán bộ, đoàn viên thanh niên tiêu biểu.

Di tích lịch sử Căn cứ cách mạng Đá Bàn đã được tạo dựng khang trang
Tại đây, các đại biểu đã kính cẩn thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính, biết ơn các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ đoàn viên thanh niên được nghe nói chuyện ôn lại truyền thống cách mạng của địa phương, đặc biệt là ở chiến khu Đá Bàn. Theo đó, vào tháng 3 năm 1951, tất cả các cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính, Tỉnh đội Khánh Hòa đã rời căn cứ Hòn Hèo về chiến khu Đá Bàn, tiếp tục lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đá Bàn trở thành căn cứ cách mạng, nơi đứng chân của Tỉnh ủy Khánh Hòa những ngày đầu. Tiếp đến, Huyện ủy Ninh Hòa đã về đây để trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh của quân và dân trong tỉnh và ở địa phương. Tiếp tục viết nên những trang sử hào hùng của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cho đến ngày giải phóng Niềm Nam, thống nhất Tổ quốc 30 tháng 4 năm 1975.
Trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, nhân dân Ninh An đã hy sinh 259 Người con ưu tú, có 96 thương bệnh binh, 28 Mẹ Việt nam anh hùng; 218 người có công cách mạng và bị tù đày, tra tấn, 34 người bị nhiễm chất độc hóa học. Hơn một nửa số làng kháng chiến bị tàn phá hoàn toàn cùng nhiều hầm bí mật, chiến lũy... Với những hy sinh, đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Ninh An đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" vào năm 1994.
Nguyễn Ngọc Châu - UBND xã Ninh An