Ngày 1-3-1968, 14 cán bộ, chiến sĩ của tàu C235 đã hy sinh trong trận chiến cảm tử ở bến Hòn Hèo (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa). Trận chiến bi tráng ấy đã góp phần làm nên những trang sử hào hùng nhất về huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trang sử bi tráng…
Mỗi lần đến Ninh Vân, những câu chuyện về trận chiến anh dũng của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội trên tàu C235 ở bến Hòn Hèo sáng 1-3-1968 lại dội về trong lòng tôi. Quên làm sao được khi một phần thân con tàu vẫn còn hiện diện ở đây! Bia ghi công, khắc tên các liệt sĩ tàu C235 vẫn còn đây. Quên làm sao được khi ngay trên bến Hòn Hèo này, tôi đã may mắn được gặp gỡ, nghe các cựu binh: Lê Duy Mai, Lâm Quang Tuyến… kể về cuộc chiến sinh tử ấy.
|
Theo các cựu binh tàu C235, bến Hòn Hèo là một lựa chọn cực kỳ mạo hiểm, mang tính bất ngờ cho kẻ địch nên mọi việc phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Để chuẩn bị cho chuyến đi vào Hòn Hèo, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã vạch ra 3 phương án tác chiến, tổ chức tập ở khu vực bến Bính (Hải Phòng) 15 ngày đêm, dự kiến mọi tình huống. Tàu xuất phát ngày 27-2-1968, đến tối 29-2-1968 khi tàu chuyển hướng vào vùng biển Khánh Hòa thì bị lộ. Địch điều 7 tàu chiến để bao vây hòng bắt sống tàu của ta. Đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nên thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho tàu tăng tốc chạy vào gần bờ, bình tĩnh chỉ đạo thả hàng, tổ chức chiến đấu ngoan cường. Khi biết không thể thoát khỏi vòng vây của địch, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh hội ý với chính trị viên, quyết định cho nổ tàu để không lọt vào tay địch. “Anh Vinh lệnh cho cán bộ, chiến sĩ bị thương rời tàu bơi vào bờ, còn mình cùng thợ máy Ngô Văn Thứ ở lại điểm hỏa cho nổ tàu. Sau khi vào bờ, hai anh kiên cường chống trả quân địch để cho chúng tôi rút lui lên núi, tìm con đường sống…”, cựu binh Lê Duy Mai - thợ máy tàu C235 kể lại.
14 cán bộ, chiến sĩ tàu C235 đã hy sinh trong cuộc chiến cảm tử ấy. Hơn 50% số hàng đã được lực lượng ở bến trục vớt thành công. Tàu C235 và thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã nêu gương, tiếp thêm nghị lực cho cán bộ, chiến sĩ “tàu không số” vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam. Ông Trần Ngọc Tuấn - cựu binh “tàu không số” hiện ở phường Vĩnh Hòa, Nha Trang kể: “Tôi từng đi với thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh một chuyến vào Trà Vinh, lại là đồng hương nên chơi với nhau rất thân. Đợt đó, khi tàu C235 của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bị địch vây ráp ở vùng biển Hòn Hèo, tàu C43 của tôi do thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng chỉ huy cũng bị vây đánh ở vùng biển Đức Phổ, Quảng Ngãi… Sau này, nghe anh em kể lại trận chiến sinh tử của tàu C235 chúng tôi không khỏi cảm phục”.
… trong ký ức đồng đội
Về Ninh Vân, ghé thăm Trường THCS Nguyễn Phan Vinh, nhìn di ảnh của người thuyền trưởng tàu C235 lừng danh, lòng tôi trào dâng một niềm xúc động. Vài dòng tiểu sử ngắn ngủi dường như chưa lột tả hết được khí chất anh hùng, tinh thần cách mạng của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh (1933 - 1968) - người con anh dũng của mảnh đất Điện Bàn, Quảng Nam. Bất chợt, tôi nhớ đến những dòng hồi ức của ông Nguyễn Long An - chiến sĩ tàu C235 trong tập ký sự Có một đường mòn trên Biển Đông: “Ở đơn vị chúng tôi trong cuộc chiến đấu ở Biển Đông thời kỳ ấy, không thiếu gì những người anh hùng. Nhưng nếu được phép chỉ chọn lấy một người mà tất cả chúng tôi vừa cảm phục nhất, tôn trọng nhất, lại yêu quý gần gũi nhất, thì tôi chắc ai cũng sẽ chọn anh Phan Vinh”. Theo ông An, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh là người thông minh, dũng cảm vô song, tài năng. “Gặp một người chỉ huy như vậy, lập tức thấy mình có thể giao phó sinh mệnh cho anh không chút phân vân”, ông An bày tỏ.
Theo các cựu binh tàu C235, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh là người giàu lý tưởng cách mạng. Những tâm sự thường ngày, những lá thư anh viết cho bạn bè, người thân đều thấm đẫm tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tại Bảo tàng Quân chủng Hải quân còn lưu giữ một số bức thư người anh hùng ấy gửi cho bạn thân - đồng chí Trần Phong (nguyên Quyền đoàn trưởng Đoàn 125 Hải quân, nay là Lữ đoàn 125). Lá thư được thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh viết năm 1967 có đoạn: “Chúng ta phải là những con lạc đà trên bãi sa mạc, mỗi bước đi, mỗi vết chân của chúng ta vì sự nghiệp của Đảng, chúng ta phải là những chiếc cầu chì, vui vẻ và lạc quan mà nhận lấy công tác ở những nơi nguy hiểm nhất. Và khi cần thiết ta hy sinh sinh mạng mình cho Đảng, cho nhân dân. Thời gian, thời gian sẽ ủng hộ chúng ta...”. Với trách nhiệm của người chỉ huy, với lý tưởng cách mạng cao đẹp ấy, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã tình nguyện chốt chặn để đồng đội rút lên núi.
“Vui vẻ và lạc quan mà nhận lấy công tác ở những nơi nguy hiểm nhất. Và khi cần thiết ta hy sinh sinh mạng mình cho Đảng, cho nhân dân…”. Đó không chỉ là lý tưởng của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh mà còn là lý tưởng chung của cán bộ, chiến sĩ trên các chuyến “tàu không số”. Thế nên, trang sử hào hùng về các chuyến tàu không số sẽ còn được kể mãi...
THÀNH NGUYỄN
|
Tàu C235 có 20 cán bộ, chiến sĩ. 14 cán bộ, chiến sĩ tàu C235 (bao gồm thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh) đã hy sinh trong trận chiến ngày 1-3-1968 ở Hòn Hèo. Trong số 6 chiến sĩ còn sống, có 5 người may mắn được du kích địa phương tìm thấy và đưa về căn cứ, 1 người bị địch bắt khi đi tìm nước uống (được trao trả năm 1973). Năm 1970, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 1993, Lữ đoàn 125 đã xây dựng tấm bia kỷ niệm sự kiện tàu C235 tại bến Hòn Hèo. Năm 2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận địa điểm lưu niệm tàu C235 là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Năm 2016, UBND tỉnh đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng tôn tạo khu di tích này.
Theo Báo Khánh Hòa