Sau 10 năm thực hiện Chương trình Cải cách hành chính (CCHC) tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, công tác CCHC của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Nhiều chuyển biến
Chương trình CCHC tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 được triển khai với 2 giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020. Cùng với cụ thể hóa Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước của Chính phủ vào điều kiện địa phương, hầu hết chỉ đạo của Trung ương về CCHC đều được tỉnh quan tâm triển khai, từ cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; cải cách, tinh giản tổ chức bộ máy, xây dựng vị trí việc làm, tinh giản biên chế; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công, đến các nhiệm vụ rất mới, cấp bách về chính quyền điện tử, chuyển đổi số.
|
Đến nay, hầu hết mục tiêu của chương trình đều đạt; nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch, hoàn thành sớm hạn. Việc cắt giảm thời gian giải quyết TTHC đã hoàn thành từ đầu giai đoạn II; đã có gần 400 TTHC được cắt giảm từ 1/3 đến 1/2 tổng thời gian giải quyết so với quy định. Việc triển khai mô hình một cửa liên thông theo hướng hiện đại đã hoàn thành vượt mức từ cuối giai đoạn I. Tỷ lệ văn bản điện tử qua môi trường mạng cũng vượt chỉ tiêu; phạm vi triển khai còn vượt quy mô dự kiến. Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đạt hơn 80%.
Một số chỉ tiêu được cập nhật, nâng mức theo kế hoạch giai đoạn II cũng nhanh chóng đạt được, như: Tỷ lệ TTHC đủ điều kiện thực hiện mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 4; việc liên thông giải quyết hồ sơ qua mạng; tỷ lệ hồ sơ khai thuế trực tuyến, nộp thuế điện tử, giao dịch bảo hiểm xã hội qua mạng. Đặc biệt, tính đến tháng 9-2020, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hạn chỉ còn dưới 2%, trong khi chỉ tiêu đặt ra dưới 10%. Việc khoán chi cho cấp xã được triển khai đạt 100%.
Những nội dung, nhiệm vụ mới trong chỉ đạo, điều hành của Trung ương hoặc phát sinh từ thực tiễn đều được nghiên cứu, bổ sung và có kết quả tích cực. Việc đưa Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh vào hoạt động năm 2018 đã góp phần tạo chuyển biến mạnh trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Nền tảng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh đã sẵn sàng 100%. Năm 2018, xếp hạng CCHC của tỉnh xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố trên cả nước...
Những kết quả trên đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính tỉnh, từng bước hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân của các cơ quan.
Các giải pháp đồng bộ, quyết liệt
Với sự chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, sự gắn kết hiệu quả giữa các cơ quan tham mưu CCHC, tỉnh đã triển khai hiệu quả 7 giải pháp chỉ đạo, điều hành CCHC với tổng kinh phí thực hiện cả giai đoạn ước 86,5 tỷ đồng.
Trong đó, tỉnh đã tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chính sách, qua đó khai thông các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp. Trong cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tỉnh tập trung vào 3 trục công tác lớn, gồm: Hoàn thiện mô hình tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tập trung cải cách TTHC, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn ISO và tin học hóa quy trình giải quyết hồ sơ gắn với cơ chế một cửa, một cửa liên thông; từng bước mở rộng, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp các đơn vị hành chính… cũng được chú trọng.
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai khá đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hiện đại hóa hành chính. Hạ tầng công nghệ thông tin được tăng cường vững chắc. Các phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến được chú trọng xây dựng, triển khai. Đến nay, tỉnh đã đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành tại hầu hết các ngành trọng điểm. Các cơ sở dữ liệu dùng chung về cung cấp dịch vụ công được xây dựng, hoàn thiện, sẵn sàng kết nối, liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Cơ sở dữ liệu ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) dùng chung và các cơ sở dữ liệu GIS chuyên ngành được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm nay. Năm 2019, tỉnh xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố về mức độ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình CCHC tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 mới đây, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng ghi nhận những kết quả của tỉnh và yêu cầu thời gian tới, các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động số 12/2017 của Tỉnh ủy; xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp CCHC cho 10 năm sắp tới.
Theo Báo Khánh Hòa
https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/chung-tay-cai-cach-hanh-chinh/202010/10-nam-thuc-hien-chuong-trinh-cai-cach-hanh-chinh-tinh-chuyen-bien-quan-trong-8188714/