Mấy tháng gần đây, trên địa bàn huyện Cam Lâm mọc lên nhiều cơ sở kinh doanh quy mô lớn, chủ yếu phục vụ du khách Trung Quốc. Dù các cơ sở này đều đứng tên người Việt, nhưng thực tế có rất nhiều điều mập mờ về người chủ thực sự, cũng như lực lượng nhân viên ở đây…
Những cơ sở bề thế
Tại một khu đất nằm sát bên Quốc lộ 1, đoạn qua thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, mấy tháng nay đã mọc lên một cơ sở kinh doanh bề thế, các loại xe khách cỡ lớn tấp nập ra vào. Trong vai du khách, chúng tôi đã vào được khu vực này và khá bất ngờ với hoạt động kinh doanh diễn ra nhộn nhịp bên trong. Phía trước là khu chợ với khoảng 30 ki-ốt san sát nhau đang được gấp rút xây dựng, trong đó một số ki-ốt xây xong trước đã mở ra buôn bán khá đông khách. Hàng chục du khách đang rôm rả ăn, uống. Không gian phía sau là khu vực rộng khoảng 3.000m2, được chia thành nhiều khu vực bán hàng khác nhau: đá quý; sản phẩm từ đà điểu, cá sấu; mỹ phẩm... Mỗi khu có từ 20 - 30 gian hàng, luôn có sẵn các nhân viên người Trung Quốc, người Việt biết tiếng Trung Quốc chào mời rôm rả.
|
Thấy chúng tôi là người Việt, không mua hàng mà chỉ quan sát, lập tức các nhân viên người Trung Quốc bám sát, theo dõi và bắt chuyện. Một nhân viên người Trung Quốc nói tiếng Việt giọng còn lơ lớ, tự giới thiệu tên Giang, là nhân viên phiên dịch của cơ sở. Giang cho biết, trước đây, doanh nghiệp anh đang làm có thuê mặt bằng ở TP. Nha Trang nhưng giá cao quá nên dời về huyện Cam Lâm để giảm chi phí, mở rộng quy mô kinh doanh. “Hành khách sau khi trả phòng khách sạn vào buổi trưa, trên đường ra sân bay, các doanh nghiệp lữ hành đưa khách vào đây để mua sắm, chờ đến giờ bay. Vì vậy, cơ sở liên kết với các doanh nghiệp lữ hành về đây mở cửa hàng, buôn bán thuận tiện hơn”, Giang nói.
Cũng nằm bên Quốc lộ 1, cách xã Cam Hải Tây chừng 4km về phía bắc là cơ sở kinh doanh có tên Vườn Kim An, thuộc địa phận xã Cam Tân. Con đường dẫn vào khu trưng bày được trang trí khá bắt mắt và hấp dẫn. Tại đây, có khoảng 40 gian hàng chuyên bán về đá quý. Chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi cách trang trí mặt hàng đá quý sang trọng và lộng lẫy bên trong cơ sở. Thấy chúng tôi là người Việt, vào không đúng khung giờ cơ sở mở cửa đón khách, các nhân viên ở đây khá bất ngờ. Sau đó, một nữ quản lý trẻ người Trung Quốc cùng 2 nhân viên phiên dịch người Việt ra bắt chuyện với chúng tôi. Nữ nhân viên giới thiệu tên là Ngô, mới qua Việt Nam được 3 tháng nên không trả lời được nhiều câu hỏi của chúng tôi. Trong khi phiên dịch cho rằng mình chỉ là nhân viên điện nước nên không thể trả lời gì thêm. Phiên dịch đi cùng đoàn chúng tôi tiết lộ, các nhân viên phiên dịch của cơ sở này dặn với nữ quản lý rằng: “Hãy nhận đây là một cơ sở của người Việt Nam liên kết cùng người Trung Quốc để khai thác kinh doanh, mọi chuyện còn lại đều trả lời không biết”…
Theo quan sát của chúng tôi, ngoài 2 cơ sở trên, ở các khu vực lân cận còn có thêm 2 cơ sở kinh doanh phục vụ du khách Trung Quốc khác cũng to bề thế không kém.
Khép kín một chu trình
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc đặt các cơ sở kinh doanh quy mô lớn phục vụ du khách Trung Quốc ở các xã ven đầm Thủy Triều đều được các ông chủ tính toán rất kỹ. Đây là khu vực rộng rãi, giao thông thuận lợi, nằm sát sân bay quốc tế Cam Ranh nên dễ dàng xây dựng cơ sở lớn, vừa phục vụ kinh doanh, vừa là nơi ăn ở, ngủ nghỉ cho nhân viên người Trung Quốc. Mỗi cơ sở có từ trên dưới 100 nhân viên người Trung Quốc để phục vụ du khách. Tất cả đều làm việc, kinh doanh, ăn uống, nghỉ ngơi tại cơ sở, chỉ có một số ít ra ngoài khu dân cư thuê trọ các hộ dân để ở.
|
Theo các hướng dẫn viên du lịch, các cơ sở kinh doanh tại huyện Cam Lâm đều dành cho khách du lịch Trung Quốc trước khi ra sân bay. “Chúng tôi đưa khách vào đây mua sắm các mặt hàng lưu niệm như: đá quý, đồ da, mỹ phẩm để về làm quà. Vì đây là lần đi mua sắm cuối cùng trong hành trình trước khi lên máy bay nên khách hàng thường mua rất nhiều. Các hướng dẫn viên chúng tôi có cách để khách hàng tin tưởng, yên tâm mua sắm”, một hướng dẫn viên tiết lộ.
Ông Võ Ngọc Trung - Chủ tịch UBND xã Cam Tân cho biết, cơ sở kinh doanh có tên Vườn Kim An thuộc địa bàn thôn Phú Bình 2. Đây là cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, còn đất đai thì sang nhượng lại của người dân địa phương. Tháng 8-2018, khi cơ sở này xây dựng 4 dãy nhà trái phép, với tổng diện tích 800m2 thì địa phương đã đến lập biên bản. Người đại diện cho chủ đầu tư giải thích là xây dựng nhà ở cho công nhân. Sau đó, UBND huyện Cam Lâm đã cấp phép xây dựng cho 2 hạng mục công trình của cơ sở này với tổng diện tích gần 2.900m2.
Theo UBND huyện Cam Lâm, ngoài Vườn Kim An, trên địa bàn huyện còn có 3 cơ sở kinh doanh khác tại xã Cam Hải Tây, thị trấn Cam Đức cũng chủ yếu phục vụ du khách Trung Quốc. Các cơ sở này mới đi vào hoạt động từ sau Tết Nguyên đán 2019, đều có giấy phép xây dựng. Đây là các cơ sở có quy mô lớn, các hoạt động bán hàng, sinh hoạt đều khép kín, tại chỗ.
Làm sao quản lý?
Theo quan sát của chúng tôi, trên quầy hàng của các cơ sở này đều niêm yết mã số thuế của hộ kinh doanh cá thể. Một hướng dẫn viên cho biết, việc sử dụng hộ kinh doanh cá thể nhằm giảm mức thuế từ doanh nghiệp sang hộ kinh doanh. Khi có lực lượng chức năng kiểm tra, các hộ kinh doanh sẽ có mặt để đối phó. Các mặt hàng từ đá quý, mỹ phẩm, đồ da đến kem, nước giải khát hầu hết được niêm yết giá bằng USD.
Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất chính là lực lượng lao động người Trung Quốc tại các cửa hàng này. Một nhân viên phiên dịch tại cửa hàng ở xã Cam Hải Tây cho biết, ở đây có khoảng 70 người Trung Quốc bán hàng, số người Việt cũng tương ứng. Những người Trung Quốc này qua Việt Nam bằng visa du lịch sau khi hết hạn sẽ quay về nước, sau đó sẽ quay trở lại. “Vừa qua, cơ sở kinh doanh Vườn Kim An có cung cấp một danh sách dài tên các nhân viên người Trung Quốc nhưng các nhân viên này có giấy phép lao động hay không thì xã không rõ. Việc kiểm tra cơ sở này gặp nhiều khó khăn, xã muốn kiểm tra phải kiến nghị huyện lập đoàn liên ngành”, ông Võ Ngọc Trung nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Hảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, hiện nay, lực lượng chức năng nắm được có khoảng hơn 300 người Trung Quốc đang hoạt động tại 4 cơ sở bán hàng trên địa bàn huyện. Trước tình trạng người nước ngoài tập trung đông, cục bộ tại một số địa điểm, huyện cũng đã chỉ đạo đảm bảo an ninh, trật tự. UBND huyện đã báo cáo vấn đề này với các cơ quan chức năng của tỉnh để tăng cường việc kiểm tra, giám sát, đặc biệt là các vấn đề về lao động nước ngoài, thuế, nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. “Họ thuê đất của người dân, chuyển mục đích, sau đó xây dựng nhà tiền chế để kinh doanh. Vấn đề là họ sử dụng visa du lịch để lao động trái phép, nếu có phát sinh tranh chấp gì thì sẽ rất phức tạp. Dự kiến sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra các cơ sở này, để từ đó có hướng xử lý sớm các vấn đề phát sinh, hướng dẫn họ thực hiện đúng quy định của pháp luật”, ông Hảo cho biết.
Theo Báo Khánh Hòa